Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200

“Nhong nhong nhong, ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”.

“Ông” đã ra đi từ lâu, lâu lắm rồi, địa danh Bồ Đề chỉ còn là tiếng vọng trong ký ức của người dân địa phương. Nhưng từ câu đồng dao trên, non năm trăm năm qua, hình ảnh ông vẫn lưu truyền trong dân gian vùng Bắc Bình Định. Ông là bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn Gia Miêu* thời quốc sơ: Khám Lý phủ Quy Nhơn, Cống Quận Công Trần Đức Hòa.


Văn kiện của Bộ Lại triều Lê (1564) đời Lê Anh tông cấp cho con trưởng Dương Đàm Hầu Trần Ngọc Phân là Trần Đức Hòa được tập ấm chức Hoằng tín đại phu.

1.

Tổ tiên ông gốc Thanh Hóa, gắn bó với nhà Lê rồi chúa Nguyễn. Họ Trần là một trong những dòng họ đầu tiên từ Đàng Ngoài vào lập nghiệp miền biên viễn khi vua Lê Thánh Tông lập phủ Hoài Nhơn thuộc Quảng Nam thừa tuyên năm 1471. Khi chúa Nguyễn vượt sông Gianh thì họ Trần vào khai khẩn, sinh sống tại xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn (xã Bồ Đề ngày ấy nay bao gồm các xã Hoài Sơn, Hoài Châu, Hoài Châu Bắc, Hoài Phú, Hoài Hảo, Hoài Thanh, Hoài Thanh Tây).

Hiện nay, hậu duệ đời thứ 13 tộc Trần (tính từ đời Thủy tổ Trần Đức Hòa) là ông Trần Đức Nghị còn lưu giữ 10 tư liệu cổ, hiếm, quí, là những phần thưởng của Vua Chúa ban cho họ Trần có niên đại trên dưới 400 năm. Trong đó, gồm 7 đạo sắc phong của vua Lê chúa Nguyễn, 2 đạo chỉ thị của hai vị Quốc Công đều làm chúa ở Nam Hà và một văn kiện cấp bằng của bộ Lại triều Lê.

Đạo sắc đề ngày mùng 10 tháng 8 niên hiệu Chánh Trị thứ 7 (1564) đời Lê Anh Tông truy tặng ông Trần Ngọc Trách (là cha Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân, là ông nội của Trần Đức Hòa) nguyên Hương lão xã Bồ Đề huyện Bồng Sơn hàm Vinh lộc Đại phu tước Huệ Trung bá. Có thể xác định tổ tiên Trần Đức Hòa vào ở xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn ít nhất từ đời ông nội và trước thời điểm 1564 nhiều năm.

Đạo sắc đề ngày 16 tháng 5 năm Quang Hưng thứ 17 (1593) đời Lê Thái Tông phong phó tướng dinh trấn biên thuộc Quảng Nam thừa tuyên Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân (cha của Trần Đức Hòa) đã qua đời được thêm mỹ hiệu Quả Nghị (quyết đoán, sáng suốt và nghị lực cứng cỏi). Đạo sắc đề ngày mùng 6 tháng 6 năm Chánh Hòa thứ 10 (1689) đời Lê Hi Tông, của chúa Nguyễn Phúc Trăn phong thêm mỹ hiệu Phu Nghĩa (nghĩa khí). Sắc phong này khẳng định Trần Đức Hòa thuộc dòng võ tướng tài đức.

Năm Chánh Trị thứ 7 (1564) đời Lê Anh Tông, bộ Lại triều Lê cấp cho con trưởng của Dương Đàm hầu Trần Ngọc Phân là Trần Đức Hòa được tập ấm chức Hoằng tín Đại phu (một chức quan nhỏ). Tuy tiến thân bằng tập ấm (không qua thi cử hoặc được sự tiến cử của một vị quan có uy tín), nhưng Trần Đức Hòa thể hiện khả năng vượt trội trước các quan đồng liêu. Xuất thân dòng võ tướng, ông từng lập được nhiều chiến công nơi trận mạc, khi cầm quân dưới tướng Trịnh Tùng, được vua Lê Thế Tông sắc phong tước Cống Quận Công vào năm Quang Hưng thứ 8 (1584) và giữ chức khám lý phủ Quy Nhơn. Ông đã làm rạng rỡ tông môn, người cha chỉ vươn đến tước “hầu” còn ông đã chạm đỉnh với tước “công” (trong 5 tước: công, hầu, bá, tử, nam).


Đạo sắc năm Quang Hưng thứ 8 (1584) đời Lê Thế Tông phong Thượng tướng quân Trần Đức Hòa tước Cống Quận Công.

2.

Với chức danh Khám Lý phủ Quy Nhơn (Tuần phủ các phủ khác), ông đã có nhiều thành tích trong việc giúp nước và yên dân. Trần Đức Hòa tích cực mở rộng sản xuất bằng cách qui dân lập ấp, cho phép dân làm ăn trên đất hoang đã thành điền sau 10 năm mới nộp thuế cho nhà nước.

“Thực túc, binh cường”, vùng trấn biên dưới thời ông trấn thủ trong ấm, ngoài êm. Ông không chỉ là bề tôi trung tín mà còn là dưỡng tử của chúa Tiên (Nguyễn Hoàng). Chỉ thị đề ngày 12 tháng 9 năm Vĩnh Thịnh thứ 12 (1715), chúa Nguyễn Phúc Chu ban  cho cháu đích tôn là Trần Đức Tấn, chức chánh Đề đốc, tước Vĩnh thọ hầu, ở xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Ninh, “nguyên có ông cao là Khám Lý Cống Quận Công Trần Quí Công (Đức Hòa) từng được chúa Tiên nhận làm dưỡng tử, thường dâng nạp binh lương thuế khóa, có công nuôi nấng Vệ úy Lộc Khê hầu (Đào Duy Từ) rồi tiến cử lên Chúa Sãi (Nguyễn Phúc Nguyên)…từ nay trở về sau, hễ là cháu chắt họ Trần đều được miễn xâu, thuế. Quan viên phủ Quy Ninh không được gây sự sách nhiễu, để biểu dương công đức của công thần, làm vẻ vang cho người đời trước”.

Ngoài ra, Công đức của Trần Đức Hòa cũng được các bộ sách Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam Liệt truyện tiền biên, Đại Nam nhất thống chí đều ghi chép: “Hi Tông Hoàng đế (chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) lên nối ngôi, Đức Hòa thường được cùng chúa bàn mưu định kế việc quân việc nước, được chúa coi là thân tín, mỗi mỗi đều gọi Đức Hòa là nghĩa đệ (em kết nghĩa). Lúc Nam – Bắc dùng binh, trong cõi lắm việc, Đức Hòa ở Quy Nhơn lâu ngày, trong vỗ an dân chúng, ngoài cung cấp lương hướng cho quân đội, được xem là chỗ dựa của triều đình. Tiến cử Đào Duy Từ lên triều đình, sau trở thành người đứng đầu hàng công thần. Sau Đức Hòa mất được tặng Phúc thần, dân xã Bồ Đề lập đền thờ”.

Hiển Tông Hoàng đế (Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu) năm thứ 25, Bính Thân (1716) cho cháu chắt Đức Hòa được miễn xâu dịch, lại cấp 10 mẫu ruộng làm tự điền. Gia Long thứ 4 (1805), truy lục bề tôi có công mở nước, Đức Hòa được xếp hạng nhất, cho con cháu một người đời đời nối nhau làm Đội trưởng để trông coi việc thờ phụng, cấp 9 mẫu tự điền, 4 người phu coi mộ. Con Đức Hòa là Đức Nghi làm quan đến chức Phó Đề đốc phủ Qui Ninh. Đền thờ ông tại xã Bồ Đề gọi là Cống Quận Công Từ được liệt vào hàng Từ Miếu do Tỉnh thần trông nom việc tế tự. Ngoài ra, ông còn được thờ ở đình Hi Văn, xã Bồ Đề. Cả đền và đình thờ ông đều bị phá hủy trong chiến tranh.

3.

Sử sách nhà Nguyễn không ghi lại năm sinh và năm mất của ông. Nhưng trong “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong 1631” của Cristophoro Borri (một trong 3 nhà truyền giáo có công sáng chế chữ Quốc ngữ) viết trong những năm 1621-1622 tại Nước Mặn và được in năm 1631 tại Roma (Ý). Sách gồm có 18 chương, Borri đã dành 2 chương viết về “Quan trấn thủ tỉnh Quy Nhơn” – Trần Đức Hòa. Bỡi lẽ, chính quan trấn thủ Quy Nhơn đã cưu mang các nhà truyền giáo người Ý và Bồ Đào Nha bị chúa Nguyễn cấm đạo và trục xuất khỏi Hội An. Trần Đức Hòa đã đưa các cha dòng về Quy Nhơn, dựng nhà thờ tại Nước Mặn (Phước Quang, Tuy Phước) và lập giáo đoàn tại đây.

Nước Mặn là thí điểm truyền giáo tiên khởi do cha Buzomi, Pina, Borri đảm nhiệm. Cha Bề trên Buzoni và hai linh mục của giáo đoàn ông là Pina và Borri là những giáo sĩ dòng Tên đi tiên phong trong việc sáng chế ra chữ Quốc ngữ, thời gian đầu đến Việt Nam sống, hoạt động truyền giáo và học tập, nghiên cứu, phiên âm chữ Quốc ngữ đều ở Nước Mặn dưới sự bảo trợ, che chở của quan Khám Lý. Do vậy, việc phôi thai chữ Quốc ngữ ở Nước Mặn, Quy Nhơn không thể không nhắc đến vai trò của quan trấn thủ Quy Nhơn – Trần Đức Hòa.

Theo Borri, Trần Đức Hòa bị lâm bệnh và mất sau một chuyến đi săn voi. Lễ tang ông được tổ chức với “Những nghi lễ một cách rất trịnh trọng, rất huy hoàng để cho người quá cố trở thành bất tử và để ghi nhớ, kính trọng và tôn thờ muôn đời”.

“Quan trấn thủ Quy Nhơn trong khi sống đã được người ta tôn trọng không những trong tỉnh của ông mà cả khắp nước, vì những đức tính tự nhiên ông có như một người phân minh xét xử, khôn ngoan tột bậc, công bằng và thanh liêm trong việc cai trị, được mọi người tín nhiệm. Thế là có sắc lệnh không được làm đám ma tỏ ra đau khổ và buồn rầu như những người khác, nhưng phải mở hội vui đám lễ linh đình công cộng, để cho người ta hiểu ông xứng đáng được vinh dự thánh thiện và thiêng liêng, được lên bậc ngang hàng với thần thánh...”

“… Xác được đặt trong một quan tài bằng bạc, để trong một nhà táng, đưa về nơi sinh quán gọi là Chifu (Bồ đồ?) cách xa (tư dinh) chừng 3 ngày đường với đoàn tùy tùng rất đông người… Sau 3 ngày liên tiếp cúng tế và làm các nghi lễ, họ châm lửa đốt hết các đồ mã gồm tư dinh đền đài và tất cả dụng cụ, không giữ lại thứ gì trừ linh cửu và thi hài người quá cố, sau đó được đem chôn và được chuyển bí mật và giấu giếm tới mười hai lần, từ mộ này tới mộ kia. Họ làm thế để cho dân nghi ngờ và không biết rõ nơi chôn. Người ta tôn thờ vị thần mới này ở khắp các nơi. Ai cũng tưởng là được hài cốt.”

“Chúa đã truyền ban cho họ (dân) ba năm lợi tức làm lương trả cho quan trấn tỉnh này để dùng vào sở phí và tiêu dùng trong dịp này. Vì thế, trong thời gian 3 năm, ngài không cắt đặt một quan trấn thủ nào khác, vì mọi người đều tin chắc hồn người quá cố được liệt vào hạng thần thánh, có thể tự mình cầm quyền cai trị trong 3 năm đó. Trong khi chờ đợi, ngài đặt người con của vị quá cố làm phó Trấn thủ và tướng lãnh của tỉnh”.

Trong “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong 1631”, Borri không ghi rõ năm mất của Quan Trấn thủ Quy Nhơn. Tuy nhiên, Borri cho biết: khi Quan Trấn thủ Quy Nhơn mất những đặc ân đối với các nhà truyền giáo ở Nước Mặn chấm dứt, buộc các cha phải phân tán đến các địa phương khác, cha Pina đến Hội An… Trong cuốn “Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của giáo hội Công giáo Việt Nam” của Joland Jacques có ghi: Pina đến Nước Mặn 2 năm, từ 1618 – 1620, Borri ở Nước Mặn từ 1618 – 1622. Phải chăng khi quan Trấn thủ Quy Nhơn – Trần Đức Hòa mất thì Pina chuyển ra Hội An, và đó là năm 1620 ?

Tài năng và đức độ của quan Khám Lý Cống Quận Công Trần Đức Hòa đã được các vua chúa, sử sách nhà Nguyễn và các nhà truyền giáo ghi nhận. Còn người dân xã Bồ Đề lập đền, đình thờ ông, vì quá yêu quý ông nên thường linh ứng thấy “nhong nhong nhong, ngựa ông đã về” và dân làng “cắt cỏ Bồ Đề cho ngựa ông ăn”.

Nguyễn Thanh Quang
(Ban Quản lý di tích tỉnh Bình Định)

* Xem Chúa Nguyễn (Gia Miêu) tại đây: Chúa Nguyễn

Thêm bình luận