Thầy Dương Minh Ninh sinh năm 1922 ở Hội An, Quảng Nam.
Thầy lớn lên và đi học ở Hội An.
Từ 1945, Thầy tham gia kháng kháng chiến, công tác tại Tiểu ban Văn nghệ Phòng Chính trị - Bộ Tư lệnh Liên khu V.
Sau Hiệp định Geneve, thầy về Huế sống và dạy ở trường Bồ Đề từ 1956 tới 1959.
Năm 1959, Thầy học nhạc hàm thụ trường UNIVERSELLE Paris, về composition (sáng tác) và orchestration (phối khí cho giàn nhạc).
Năm 1960 thầy về Quy Nhơn dạy ở trường Sư Phạm và trường Trung học Cường Để cho tới tháng 4/1975.
Năm 1976, gia đình thầy vô Nam, định cư ở thị trấn Tân Phú, Đồng Nai cho tới ngày nay.
(Xin bấm vô hình để tới Gallery coi thêm hình của thầy)
Sáng tác:
Thầy Dương Minh Ninh sinh hoạt âm nhạc trong nhóm tân nhạc Hội An gồm có các nhạc sỹ La Hối, Lê Trọng Nguyễn, Dương Minh Hòa, Dương Minh Viên, Lan Đài... Thầy viết nhiều ca khúc và vở ca kịch thơ Khói Lửa Cảo Kinh.
Ca Khúc
Trong chín năm kháng chiến, ca khúc của thầy được phổ biến khắp liên khu V, từ Nam ra Bắc. Những ca khúc nổi tiếng trong gia đoạn này như Trai đất Việt (1945), Lửa chiến đấu (1950), Đường chiều (1950), Việt Nam quân hành ca (1951), Bài Ca Tự Túc (1951)....
Thầy cũng viết nhiều nhạc cho thiếu nhi, như Chim sơn ca (1948), Trường làng tôi (1950), Thiếu Sinh Việt Nam, Con Chim Nhỏ Vườn Đào...
Nhạc phẩm được biết nhiều nhất là Gấm Vàng. Nhắc tới Gấm Vàng thì không thể không nhắc tới tiếng hát Minh Diệu. Đĩa nhựa Asia 78 vòng (?) ghi âm giọng hát Minh Diệu. Đĩa nhựa này đã trở thành một phần dĩ vãng của Sài Gòn, của Huế, của Hà Nội và còn lại trong trí nhớ của rất nhiều người.
Vở ca kịch thơ Khói Lửa Cảo Kinh
Cùng với bản Đào hoa khúc, nhạc phẩm Gấm Vàng là một trong những bản nhạc của vở kịch thơ Khói Lửa Cảo Kinh. Điều đáng tiếc là vở Khói Lửa Cảo Kinh chưa bao giờ lên sân khấu. Vở kịch này, nguyên thủy là một vở kịch thơ, tác giả là Vũ Hân, dựa theo truyện U Vương Bao Tự, câu chuyện tình mở đầu cho cuốn Đông Châu Liệt Quốc. U Vương, vua nhà Chu (lúc đó là Tây Chu), say đắm Bao Tự, mà Bao Tự lúc nào cũng buồn, không bao giờ cười. Một hôm, thấy Bao Tự có vẻ vui khi nghe tiếng xé lụa, nhà vua ra lệnh tập trung các thứ vải quý như gấm, lụa để các cung nữ vừa múa hát vừa xé gấm xé lụa …nhưng người đẹp Bao Tự vẫn không cười. Bản nhạc Gấm Vàng thuộc đoạn này trong vở kịch.
References
- Một tài năng âm nhạc thời kháng chiến chống Pháp - Gs.Lâm Tô Lộc
- Nhạc sĩ Dương Minh Ninh, Diễn đàn Phố Xưa
- Tài liệu cung cấp bởi thầy Dương Minh Ninh và gia đình
*****
Xin mời các bạn dùng phần Lời Bàn ở dưới đây để viết vài hàng về Thầy, hoặc một lời cám ơn công Thầy dạy dỗ năm xưa, hay kể lại một vài kỷ niệm về những ngày tháng cũ học với Thầy ở trường Cường Để, hay sau này ra đời...
Xin cám ơn mọi đóng góp của các bạn.