Trưa nay - ngày 4-7 - tôi sững sờ khi được Võ Chân Cữu gọi điện báo tin nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã qua đời tại California, Hoa Kỳ hưởng thọ bảy mươi hai tuổi. Mặc dầu biết người qua tuổi 70 là đã sống thọ nhưng đối với nhà văn đến tuổi này, nghiệp văn phía trước vẫn còn dài. Những người yêu mến Nguyễn Mộng Giác vẫn chờ đợi những tác phẩm lớn của anh vì với tư duy văn học thâm trầm và sự siêng năng của người cầm bút, người ta vẫn tin tưởng Nguyễn Mộng Giác sẽ tiếp cận với đỉnh cao của riêng anh.

Nguyễn Mộng Giác chưa dạy tôi ngày nào nhưng khi tôi học lớp 12 trường Cường Để là năm đầu tiên thầy Giác về làm hiệu trưởng trường này. Những năm học đại học ở Sài Gòn, mỗi lần nghỉ hè về Qui Nhơn tôi thường đến thăm Nguyễn Mộng Giác với tư cách là lớp văn nghệ đàn em. Ngày ấy tôi rất cảm kích với lối đối xử rất chan hòa và chân tình, mặt dù tôi thua Nguyễn Mộng Giác đến 10 tuổi. Lúc ấy tôi gặp nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn đang lưu trú dài hạn tại đây. Điều ấy nói lên vòng tay mở rộng của Nguyễn Mộng Giác đối với anh em văn nghệ .
  
Tôi càng xúc động hơn khi nghe Hồ Ngạc Ngữ (lúc đó đang học lớp 12 trường kỹ thuật Qui Nhơn) kể chuyện về thầy Giác. Lúc đó thầy đang dạy Việt Văn trường này. Thầy ra đề văn bình luận về câu nói "Người thanh niên không có lý tưởng như bầu trời không có ánh sao ". HNN lúc đó đang say mê Krisnamurti đã viết một bài bình luận bác bỏ lập luận này, nhổ nước miếng trên khái niệm lý tưởng. Không ngờ, bài văn được chấm đểm cao nhất. Nhưng khi phát bài, thầy Giác đến bên HNN nói nhỏ "Đi thi tú tài mà viết kiểu này sẽ rớt "

 

Tôi có điều ngạc nhiên về Nguyễn Mộng Giác, vừa làm chánh sự vụ Sở Học Chánh vừa đi dạy học không biết thời gian đâu, anh cho ra đời từ tác phẩm này đến tác phẩm khác, tác phẩm nào cùng dày cộm. Sau đó tôi mới biết ban đêm đều đặn bắt đầu từ 10 giờ, anh miệt mài làm việc đến 12 giờ mới đi ngủ. Nguyễn Mộng Giác đã học tập theo tấm gương của Nguyễn Hiến Lê, làm việc siêng năng,đúng giờ như một công chức

Nguyễn Mộng Giác là người rất yêu quê hương Bình Định, học ĐHSP Huế ông đậu thủ khoa bằng một luận văn về Hàn Mặc Tử, trong thời gian viết văn ông đã tái hiện lại thời Tây Sơn bằng trường thiên tiểu thuyết 4 tập "Sông Côn Mùa Lũ ". Tác phẩm này đã đươc xuất bản trong nước khi ông đã vượt biên sang Mỹ. Rõ ràng những người Bình Định đi đâu cũng nhớ về cội nguồn.Tôi cũng đã học tập ông khi cho ra tập truyện lịch sử về thời Tây Sơn "Người Đi Tìm Hồn " (Nxb Văn Nghệ xuất bản năm 2010 )

Nhớ và tiếc nuối một tài năng của đất Bình Định, xin thắp một nén nhang cho Nguyễn Mộng Giác

 

Lê Xuân Tiến
Đêm 4-7 tại TPHCM

Nguồn: http://nthqn.org