Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200

Mùa hè năm 2013, trong dịp Đại Hội Liên Trường Qui Nhơn tại Little Saigon, quận Cam, nhà văn Nguyễn Thế Đại, ở Utah, trao cho tôi bản thảo tác phẩm Dạo Quanh Vườn Thơ Đường. Đây là một bộ sách phối hợp giữa nghiên cứu và phê bình văn học, dịch thuật, khảo luận, sưu tập tài liệu và tranh ảnh minh họa, mà Ông đã biên soạn công phu. Toàn tập dày 479 trang, trên khổ giấy 8.5" x 11", gồm 5 phần:

- Sự xuất hiện Đường thi trong lịch sử thi ca của Tàu (14 trang)

- Văn chương chữ Nho của Việt Nam (9 trang)

- Quan hệ văn chương giữa thơ Đường và thơ, văn của của Việt Nam (33 trang)

- Dạo quanh vườn thơ Đường (365 trang)

- Phụ lục và Mục lục (48 trang).

Tuy đề cập nhiều tiết mục, nhưng Phần Thứ Tư "Dạo Quanh Vườn Thơ Đường" mới là phần chính, và tác giả đã dùng nhan đề này đặt tên cho tập sách. Trong phần 4, Ông không chủ trương dịch hết thơ Đường, mà chỉ tuyển dịch 108 bài thơ nổi tiếng của 40 thi nhân đời nhà Đường (618- 907), và sưu tập các bài thơ dịch của 18 dịch giả hữu danh ở Việt Nam. Tuy chỉ chọn dịch tiêu biểu, nhưng bao gồm các chủ đề: Biên tái (20 bài), Tình bè bạn (11 bài), Điền viên & Ẩn dật (16 bài), Hoài cổ (16 bài), Ca tụng Mỹ nhân (5 bài), Xã Hội (3 bài), và Linh tinh Cá biệt (37 bài).

Ông dịch rất bài bản, không bỏ sót một yếu tố nào trong phương pháp dịch thuật. Trước tiên là chép nguyên tác bằng chữ Nho, tiếp đến phiên âm ra chữ Quốc ngữ, rồi không những dịch ra văn vần rất thơ, và văn xuôi rất sát nghĩa. Ông còn sưu tầm bài dịch của các dịch giả khác, để tiện việc so sánh. Ngoài ra, có thêm phần giới thiệu tiểu sử tác giả, trường hợp sáng tác (nếu có), chú thích điển tích, địa danh, và thi từ.

- Điển hình có bài "Tòng Quân Hành" 從 軍 行 (Bài ca tòng quân) của Dương Quýnh, trang 43 (Biên tái); Ông đã dịch xuôi vừa gọn vừa đủ, dịch thơ lại quá tuyệt không những lột hết tinh thần nguyên tác và còn đậm đà thi vị.

- Với bài "Tái Hạ Khúc" 塞 下 曲 (Khúc hát dưới cửa ải) của Vương Xương Linh, trang 87 (Biên tái), thơ dịch của Ông lưu loát hơn bài dịch của Trần Trọng San và Trần Trọng Kim.

- Qua bài "Phóng Đái Thiên Sơn Đạo Sĩ Bất Ngộ" 訪 戴 天 山 道 士 不 遇 của Lý Bạch, trang 151 (Điền viên, Ẩn dật). Trước khi dịch bài thơ, Ông viết vài dòng giới thiệu, đầy thuyết phục, như một ma lực, khiến độc giả không thể không đọc bài ấy:

"... Trong rừng sâu, thấp thoáng đó đây bóng những con hưu, nai. Suối từ trên sườn non cao đổ nước xuống, trông như bay trong trời mây vậy. Trong khe nước, trúc đồng mọc nhô cao, như chia bầu trời xanh ra làm đôi. Vẳng nghe tiếng chó sủa hòa lẫn với tiếng róc rách của nước suối. Chủ nhà đi vắng, biết hỏi ai bây giờ đây? Nhà thơ buồn, đứng tần ngần dựa vào mấy cội tùng già...!

"Mời các bạn đọc bài thơ 'Phóng Đái Thiên Sơn Đạo Sĩ Bất Ngộ' (Đi thăm đạo sĩ núi Đái Thiên Sơn, không gặp) được thi hào Lý Bạch ghi lại chuyến đi ấy như sau:"

Về phương diện khảo luận, nhà văn Nguyễn Thế Đại đã căn cứ vào Lịch sử và Văn học sử để trình bày những chặng đường thăng trầm, những ảnh hưởng của Đường thi, và bàn đến giá trị của mỗi bài thơ về mặt tư tưởng và văn phong:

- Nhận định về tư tưởng, đơn cử bài "Tiết Phụ Ngâm" 節 婦 吟 (Lời hát người tiết phụ) của Trương Tịch, trang 359 (Linh Tinh Cá Biệt) Ông đã nêu ra hai quan điểm đối nghịch, và cuối cùng tác giả hướng về tình người, về nhân bản, đã viết:

"Tính chất 'hiện thực' rất 'sống' và rất 'người' của nàng tiết phụ mà ông (Trương Tịch) đã dựng lên, làm cho tác phẩm của ông trở nên nổi tiếng, được xếp chung hạng trong những bài thơ Đường hay nhất trước giờ!"

- Nhận xét về cách hành văn, tiêu biểu có bài "Phong Kiều Dạ Bạc" 楓 橋 夜 泊 (Đêm đậu thuyền tại bến Phong Kiều) của Trương Kế, trang 364 (Linh Tinh Cá Biệt), Ông đã viết lời bình:

"Hai câu đầu, tác giả dùng cách ngắt câu với nhịp chữ theo thứ tự là 2/2/3 như là:

Nguyệt lạc/ ô đề/ sương mãn thiên,
Giang phong/ ngư hỏa/ đối sầu miên.

"Còn hai câu cuối (Cô Tô thành ngoại Hàn San tự, Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền), thì Tác giả lại đưa nhịp thơ đi suốt luôn một mạch cho đến hết bài, gây cho người đọc một cảm giác triền miên, dằng dặc, phù hợp với tiếng chuông chùa Hàn San cũng ngân nga kéo dài cái tĩnh mịch, vắng lặng, trong cái đêm trăng thượng tuần sầu buồn này ra như bất tận vậy!"

Về việc sưu tầm tranh ảnh, đặc biệt nhất là mỗi bài thơ đều kèm theo tranh vẽ minh họa, làm tăng thêm nét sinh động của từng thi phẩm.

Phần Thứ Năm của tập sách là Phụ lục và Mục lục, cũng có những điểm đáng được đề cập.

- Biên soạn về Lược Sử Nước Tàu (từ triều đại nhà Đường trở về trước), ngắn gọn trong 18 trang, nhưng ghi đủ những biến cố quan trọng, và liệt kê không thiếu sót một đời vua nào theo thứ tự thời gian.

- Với Bảng tra cứu (Index), một tiết mục không thể thiếu trong đề tài biên khảo lớn, Ông dành 29 trang, để thực hiện cả 3 phương diện:

* Tra cứu các tác giả đời Đường có thơ được tuyển dịch cùng danh mục các thi phẩm được trích dịch.

* Tra cứu các dịch giả có thơ dịch Đường thi được sưu tập trong sách.

* Tra cứu các địa danh, tên các thành quách, đền đài, cửa ải, núi, sông, hồ, cầu, đường, có nhắc đến, trong các bài thơ trong sách.

Tóm lại, Dạo Quanh Vườn Thơ Đường là là tập sách có giá trị cả về dịch thuật và nghiên cứu về một thời đại kỷ nguyên thơ Đường.

image001
Chiều ngày 6- 7- 2013, Tiền Đại Hội Liên Trường Qui Nhơn,
Thầy Nguyễn Thái Đệ (cà vạt nâu) trao bản thảo cho thầy Đào Đức Chương
và thầy Lê Tú Vinh xem.
Ảnh: Phạm Lê Huy.

Nhưng vấn đề đặt ra, tại sao nhà văn Nguyễn Thế Đại dịch thơ Đường, và có phải là dịch thơ chữ Hán của các thi nhân đời nhà Đường ra Việt không?

Theo huyền sử Việt Nam, Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ ra một cái bọc có 100 trứng, nở ra 100 con trai, trùng khớp với lịch sử dân tộc Bách Việt, gồm các nhóm chẳng hạn như: U Việt, Dương Việt, Cán Việt, Mân Việt, Nam Việt, Đông Việt, Sơn Việt, Điền Việt, Khôi Việt, Chiêm Việt, Âu Việt, Lạc Việt,... Bách Việt sở hữu một lãnh thổ rộng lớn ở phía Nam sông Trường Giang, tức sông Dương Tử. Sách Hán Thư (漢書)đã chép:

"Trong vòng bảy tám nghìn dặm từ Giao Chỉ tới Cối Kê (thuộc vùng Bắc Chiết Giang) đâu đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có một thị tộc của mình."

Về nguồn gốc Bách Việt, ngày nay, với những phát kiến vững chắc, dựa trên các di chỉ có niên đại thời Đồ Đá Mới (Neolithic) và nhất là kiểu mộ hình chum được tìm thấy nhiều ở miền Bắc Việt Nam và một số ở Quảng Tây, chứng tỏ thổ dân sinh sống những vùng đó có nguồn gốc ở phía Nam, với ảnh hưởng nền văn hóa Hòa Bình (9000- 5600 TCN) và Bắc Sơn (8300- 5900 TCN) tại Việt Nam. Phát kiến đầy sức thuyết phục này đã phá vỡ lập luận của La Hương Lâm (Luo Xiang Lin), nhà sử học Tàu, cho rằng dân tộc Bách Việt có nguồn gốc từ phương Bắc, cùng tổ tiên với nhà Hạ (dân tộc Hán) một triều đại kéo dài từ vua Võ đến vua Kiệt (2205 TCN- 1766 TCN).

Nhưng rồi, trong khi hầu hết các nhóm trong Bách Việt, cuối cùng đã bị Hán hóa; chỉ có nhóm Lạc Việt vẫn giữ vững nền tự chủ, mở đầu là triều đại Hùng Vương, quốc hiệu là Văn Lang, nối ngôi 18 đời. Và hậu duệ của nhóm Lạc Việt vẫn duy trì bản sắc dân tộc, đến nay đã có chiều dài 4000 năm văn hiến.

Theo Hà Văn Thùy "Không Có Cái Gọi Là Từ Hán Việt" (đăng trên mạng), do người Bách Việt sống trên địa bàn rộng lớn với thổ nhưỡng khác nhau, giao thông cách trở, nên dần dần ngôn ngữ bị phân ly thành nhiều phương ngữ. Chỉ còn tiếng nói của người Việt (trong nhóm Bách Việt) ở vùng Quảng Đông (Đông Việt) và Phúc Kiến (Mân Việt) là chuẩn mực nhất, nên được gọi là Nhã ngữ. Và theo Phạm Văn Sơn, Việt Sử Tân Biên, quyển 1, trang 76- 77, lãnh thổ nước Văn Lang của vua Hùng lúc bấy giờ, gồm 15 bộ, trong đó có 3 bộ bao gồm các phần đất phía Nam của nước Tàu ngày nay. Đó là bộ Vũ Định (Thái Nguyên VN và một phần đất của Hoa Nam), Lục Hải (Lạng Sơn VN và một phần Quảng Tây), Ninh Hải (Quảng Yên VN và một phần Quảng Đông). Và cũng theo Hà Văn Thùy, triều đình nhà Chu (1122 TCN- 256 TCN), rồi nhà Tây Hán (202 TCN- 8 SCN), kế đến nhà Đông Hán (25- 220) khuyến khích dân chúng ở kinh đô nói theo Nhã ngữ. Sang đời Nhà Đường (618- 907) lấy tiếng nói kinh đô Tràng An (tức Nhã ngữ) làm tiếng nói chính thức, được gọi là Đường Âm. Vậy Đường âm có nguồn gốc Việt, được người Tràng An sử dụng trong thời Nhà Đường; là bộ phận tinh hoa của tiếng Việt, được ký tự bằng chữ vuông. "Vì vậy, mọi chữ vuông chỉ khi đọc và giải nghĩa bằng tiếng Việt mới chính xác" hay nói một cách khác "tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa." Hà Văn Thùy kết luận:

"Sau thời Đường, nước ta độc lập, chữ Nho trở thành quốc ngữ. Theo dòng thời cuộc, tiếng nói của người Trung Hoa thay đổi, ngày càng xa gốc Việt. Chẳng những người Việt không hiểu tiếng người phương Bắc mà người Trung Quốc cũng không còn nói được Đường âm. Di sản vô giá thơ Đường chỉ còn người Việt Nam thưởng thức trong âm điệu tuyệt vời."

Ngày nay, dựa trên những phát kiến vững chắc, đã đến lúc người Việt Nam cần khẳng định bản quyền tiếng Việt cổ. Tiếng Việt, được tổ tiên ta sáng tạo trong quá khứ mà người Hán đã vay mượn từ năm 1122 TCN (nhà Chu). Có thể nói "tổ tiên ta để lại trên đất Trung Hoa không chỉ tiếng mà cả chữ viết." Vì vậy, Hà Văn Thùy đề nghị:

"Cần một cuộc cách mạng loại bỏ thuật ngữ 'từ Hán Việt' khỏi ngôn ngữ Việt để thay vào đó tên gọi đúng: tiếng Việt cổ! Đồng thời dùng lại thuật ngữ chữ Nho để gọi văn tự của tổ tiên mà xưa nay vẫn lầm tưởng là chữ nước ngoài."

Bởi thế, trong thời Việt Nam Cộng Hòa (1954- 1975), Bộ Quốc Gia Giáo Dục, soạn chương trình Quốc Văn cho các lớp Trung học, sớm có sáng kiến gọi những áng văn chữ Nho là Cổ văn, không gọi là "Hán Việt."

Trở lại với tập Dạo Quanh Vườn Thơ Đường, nhà văn Nguyễn Thái Đệ đã đi vào "Di sản vô giá thơ Đường" mà ngày nay "chỉ còn người Việt Nam" có thể "thưởng thức" được "trong âm điệu tuyệt vời!" Bởi thơ Đường là sản phẩm của Đường âm, là tiếng Việt cổ. Và thơ Đường còn là thể thơ áp dụng bằng trắc chặt chẽ nhất, từng chữ, từng câu, theo luật "Nhất tam ngũ bất luận, Nhì tứ lục thất phân minh", luật khổ độc, luật đối, đều có liên quan đến thanh điệu. Tiếng Việt đơn âm, lại có đủ 6 dấu giọng, nên cảm nhận được âm điệu tuyệt vời của thơ Đường hơn là người Tàu ngày nay.

Đó là lý do tại sao tác phẩm "Dạo Quanh Vườn Thơ Đường" ra đời.

San Jose, ngày 14- 6- 2014

Việt Thao Đào Đức Chương

Thêm bình luận