Dọc theo các tỉnh duyên hải của nước Tàu, từ thủ đô Bắc Kinh (Bei Jing) theo đường xe lửa xuống phía Nam, ta sẽ lần lượt gặp Thiên Tân (Tian Jin) thành phố lớn hàng thứ 3 (sau Thượng Hải và Bắc Kinh), rồi đến Tế Nam (Ji Nan) thủ phủ của tỉnh Sơn Đông (Shan Dong), xuống nữa sẽ gặp Nam Kinh (Nan Jing) thủ phủ của tỉnh Giang Tô (Jiang Su). Tại Nam Kinh, con đường chia làm hai, một ngả đi về phía Tây Nam đề sang tỉnh An Huy (An Hui); ngả kia đi về hướng Đông Nam dẫn tới Tô Châu (Su Zhou), một thành phố sông nước thuộc vùng Đông Bắc Thái Hồ (Tai Hu) và nằm ở cực Nam tỉnh Giang Tô. Vẫn theo con đường xe lửa ấy, đi thẳng về Đông chừng 150 cây số sẽ gặp Thượng Hải (Shang Hai) thành phố lớn nhất và đông dân nhất của Trung Hoa. Và nếu đi nữa, sẽ ngoặt về hướng Tây Nam để tới Hàng Châu (Hang Zhou) thủ phủ của tỉnh Chiết Giang (Zhe Jiang).
Theo Từ Hải Từ Điển, đất Tô Châu vào thời Xuân Thu là thủ đô của nước Ngô (584 - 473 BC [trước Tây lịch]). Thời nhà Tần (221 - 207 BC) đặt là Ngô huyện. Thời nhà Tùy, đời vua Tùy Văn Đế, niên hiệu Khai Hoàng thứ 9 (năm 589), nguyên là Ngô Châu cải danh ra Tô Châu, do lấy tên núi Cô Tô mà đặt ra. Sang đời Tùy Dương Đế, niên hiệu Đại Nghiệp (601 - 616) lấy lại tên cũ là Ngô Châu, trị sở là Ngô huyện, sau cải là Ngô quận, đặt ở thành phố Tô Châu ngày nay. Đến đời Đường Cao Tổ, niên hiệu Vũ Đức thứ 4 (năm 621), trở lại với tên Tô Châu và nơi đây đặt trị sở Giang Nam Đông đạo. Đời Tống (950 - 1279), vua Tống Huy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 3 (1113), Tô Châu lại một lần nữa đổi tên là phủ Bình Giang. Đời Nguyên (1279 - 1368) đổi là lộ Bình Giang. Đời Minh (1368 - 1644), ngay từ lúc đầu, trở lại với tên phủ Tô Châu; sau niên hiệu Gia Tĩnh (1522 - 1566) đất này là lỵ sở của Tuần phủ Ứng Thiên. Đời Thanh (1644 - 1912) Tô Châu là trị sở của Tuần phủ Giang Tô đến năm 1912 mới bãi bỏ và năm 1949 thì đặt là thành phố Tô Châu.
Về kinh tế, từ đời nhà Đường đến nay, Tô Châu vẫn giữ vai trò trung tâm thủ công nghiệp sản xuất tơ dệt và giấy, đặc sản là những hàng thêu, gấm và mỹ nghệ phẩm như quạt trầm hương. Đời nhà Thanh, lúc thịnh có tới 3000 đến 4000 máy sản xuất giấy, công nhân tới hàng chục ngàn người. Ngày nay, Tô Châu vẫn là thành phố công nghiệp sản xuất giấy và dụng cụ quang học.
Về danh thắng, Tô Châu nổi tiếng là có nhiều mỹ nhân và di tích cổ. Ngày nay, Tô Châu vẫn còn giữ được đình Thương Lãng xây dựng từ đời Tống, rừng Sư Tử thành lập từ đời Nguyên, vườn Khuất Chính kiến tạo từ đời Minh. Ngoài ra, nơi đây còn có thắng cảnh Lưu Viên và gò Hổ Khâu. Nhưng đáng nói hơn hết, Tô Châu có bến Phong Kiều, có thành Cô Tô tức là thành Tô Châu và chùa Hàn San đã mãi mãi đi vào văn học, được cả thế giới biết tiếng qua bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế (Zhang Ji).
Chùa Hàn San ở ngoài thành Cô Tô, thuộc đất Phong Kiều, nằm trên một nhánh sông thông ra Dương Tử Giang và cách trung tâm Tô Châu chừng 6 đến 7 cây số. Chùa này nguyên có tên là Diệu Lợi Phổ Minh Tháp Viện, đời nhà Đường có cao tăng Hàn San và Thập Đắc trụ trì, nên quen gọi là chùa Hàn San. Sau chùa có gác chuông với đại hồng chung [1], mỗi lần gióng lên ngân vang khắp vùng Phong Kiều. Có thể nói, nếu không có tiếng chuông chùa Hàn San thì Trương Kế không thể hạ bút đoạn kết bài Phong Kiều Dạ Bạc, thần cú đến như vậy. Và ngược lại, nếu không có Trương Kế thì thành phố Tô Châu dù ngày nay vẫn còn những di tích cổ, cũng không được nhiều du khách yêu chuộng văn thơ đến chiêm ngưỡng như vậy. Ai cũng muốn tận mắt thấy bến Phong Kiều, nhất là về mùa thu hàng trăm cây phong đồng loạt đỏ rực như ráng chiều, rồi tận tai nghe tiếng chuông chùa Hàn San đã hình tượng hóa như thế nào mà đủ sức làm nên một tuyệt tác phẩm.
H 1: Toàn cảnh chùa Hàn San (Ảnh trên mạng)
Vậy Trương Kế (Zhang Ji) là ai? Theo Từ Hải Từ Điển, Trương Kế là một thi hào đời Thịnh Đường (713 - 766), tự là Ý Tôn, người Châu Tương, nay là Tương Dương thuộc tỉnh Hồ Bắc (Hu Bei). Đậu tiến sĩ vào những năm niên hiệu Thiên Bảo (742 - 755) đời Đường Huyền Tông, giữ chức Phán quan diêm thiết, như chức Thương tá coi về muối và sắt, làm quan đến chức Kiểm hiệu Từ bộ Lang trung (như bộ Lễ) đã sáng tác nhiều bài thơ hay mà không cần phải công phu đẽo gọt, và còn để lại tập thơ Trương Từ bộ. Ông nghe cảnh Phong Kiều đẹp, đã lặn lội từ Hán Khẩu xuôi dòng sông Dương Tử, xuyên qua tỉnh An Huy đến quá Nam Kinh, rồi theo các sông nhánh phía Nam thông với Thái Hồ để tới bến Phong Kiều.
Cái duyên Trương Kế với tiếng chuông chùa Hàn San là sự kết hợp tình cờ và lý thú, nhưng công đầu phải kể đến sự chí tình của tác giả đối với ngoại cảnh qua tài đạo diễn vô hình của tạo hóa. Vâng, Trương Kế muốn tả cảnh Phong Kiều, không phải ông chỉ đi thuyền lướt qua, quan sát sơ lược rồi vội vàng hạ bút. Nơi đây, nhà thơ đã ngủ đò trên bến nước để chính mắt thấy tai nghe, tạo nên những vần thơ tức cảnh.
H 2: Bến Cô Tô (Ảnh từ vi.wikipedia)
Ngoại cảnh lần lượt được cảm nhận qua hai câu mở đầu của bài thất ngôn tứ tuyệt, mang tên Phong Kiều Dạ Bạc: 楓 橋 夜 泊
Nguyệt lạc, ô đề, sương mãn thiên,
月 落 烏 啼 霜 滿 天
Giang phong, ngư hỏa đối sầu miên.
江 楓 漁 火 對 愁 眠
Trăng lặn, tiếng quạ kêu, bầu trời khuya đẫm sương. Hàng cây phong bên bờ sông cùng với đám lửa lập lòe ở những chiếc thuyền đánh cá đã về bến nằm im lìm say ngủ trong cảnh tượng buồn. Hai câu mở cô đọng và hàm súc quá, khiến tác giả hết đường lập ý hai câu kết. Mãi đến quá nửa đêm, Trương Kế vẫn ngồi trầm ngâm trên thuyền, tựa lưng trên gối xếp, đăm chiêu vào màn đêm sâu thẳm. Độc ẩm trên khay đã bao lần thay trà và những khói thuốc nhả khói sánh đặc trong khoang thuyền cũng không thể kích thích tác giả hạ bút hoàn thành hai câu cuối.
Trong khi đó, tại chùa Hàn San, sư cụ cũng ngồi trầm ngâm suy nghĩ tìm vần cho bài thơ. Tấm hoa tiên viết dở, nằm im lìm cạnh nghiên bút mà ngòi mực đã khô tự bao giờ. Đêm đã khuya, chú tiểu vẫn đứng hầu và sư cụ vẫn bất động. Vừa thương thầy, vừa yêu thơ, chú liếc mắt vào mảnh giấy, nhẩm đọc:
Sơ tam, sơ tứ, nguyệt mông lung,
初 三 初 四 月 曚 曨 ,
Bán tự câu liêm [2], bán tự cung.
半 似 鈎 鐮 半 似弓。
Cảnh trăng non của thầy huyền ảo quá, đẹp hào hùng như cánh cung vàng lơ lửng giữa trời không... Bỗng đôi mắt chú sáng lên, đánh bạo thưa:
- Bạch thầy, cho con được phép đọc hai câu thơ vừa mới nghĩ ra.
- Được, thầy cho phép! Sư cụ đáp.
Chú tiểu cất giọng:
Thùy để kim bôi phân lưỡng đoạn
誰 抵 金 杯 分 两 段
Bán trầm thủy để, bán phù không!
半 沈 水 底 半 浮 空。
Chú tiểu vừa đọc xong, sư cụ thường ngày vẫn trầm lắng giờ đây bỗng mừng ra mặt. Vì hai câu thơ của thầy có thể ráp với hai câu thơ của đệ tử, thành một bài thơ thất ngôn tứ tuyệt vẹn toàn cả lời lẫn ý.
Việt Thao dịch:
Mồng ba, mồng bốn, ánh trăng lung
Nửa giống câu liêm, nửa cánh cung
Ai ném chén vàng đôi mảnh vỡ
Nửa chìm đáy nước, nửa trời khung!
Mọi việc là tình cờ, nhưng không ngoài cái duyên của nhà Phật. Sư cụ nghiêm trang bảo chú tiểu:
- Con lên hương đèn, gióng chuông để thầy lễ Phật.
Đêm ấy, có một hồi chuông không theo giờ giấc của nhà chùa. Trời khuya thanh vắng, từng tiếng đại hồng chung phát ra từ chùa Hàn San thong thả ngân nga vọng đến bến Phong Kiều, len lỏi tràn ngập vào khoang thuyền. Trương Kế đang ngồi miên man tìm ý gieo vần, nhờ tiếng chuông hình tượng hóa được cảm xúc, hạ bút viết ngay hai câu kết:
Cô Tô thành ngoại Hàn San tự
姑 蘇 城 外 寒 山 寺
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
夜 半 鐘 聲 到 客 船。
Việt Thao dịch:
Đêm đậu thuyền ở bến Phong Kiều
Trăng tàn, quạ gọi trời sương
Bờ phong, lửa bến giấc buồn miên man.
Cô tô, ngoài có chùa Hàn,
Nửa đêm chuông gióng âm vang đến thuyền.
H 3: Đại hồng chung chùa Hàn San (Ảnh từ vi.wikipedia)
Trương Kế nhờ bài thơ ấy trở thành một trong những thi hào nổi tiếng thời Thịnh Đường. Tên tuổi của ông ngang hàng Thôi Hộ (Cui Hu) với bài Đề Tích Sở Kiến Xứ, Thôi Hiệu (Cui Hao) với bài Hoàng Hạc Lâu, Nhung Dục (Rong Yu) với bài Di Gia Biệt Hồ Thượng Đình, Vương Hàn (Wang Han) với bài Lương Châu Từ... Và chùa Hàn San cũng nhờ bài thơ ấy trở thành di tích văn hóa, cả thế giới biết đến. Hiện chùa Hàn San còn giữ được tấm bia lớn bằng đá, khắc bài Phong Kiều Dạ Bạc, lập vào đời Thanh [3], nay được làm thành nhiều phiên bản bán cho khách du lịch, kỷ niệm.
Qua ảnh chụp phiên bản, cho thấy bia đá khắc chữ Nho hàng dọc, đọc từ trên xuống dưới và từ phải qua trái.
Ba hàng dọc đầu tiên khắc bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc, chữ khổ lớn, đọc là:
- Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên, giang phong ngư
- hỏa đối sầu miên, Cô Tô thành ngoại Hàn San
- tự, Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Ba hàng dọc kế tiếp, khắc chữ khổ nhỏ bằng 1/3 chữ lớn, qua ảnh chụp, có một số chữ đọc còn nghi ngờ (dấu gạch dưới), hoặc không đọc được (dấu khuyên).
- Hàn San tự O hữu văn đãi chiếu tưu thư Đường Trương Kế Phong Kiều dạ bạc thi.
- Thiêm cửu O O Quang Tự Bính Ngọ (1906) Tâm du Thạch trung thừa ư tự trung vận tập.
- Sổ doanh vũ Dư bổ thư khắc Thạch – Du O.
Hàng dọc cuối cùng ở góc dưới phía trái, chữ rất nhỏ, không đọc được.
H 4: Phiên bản Bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc (Ảnh Nguyễn Huy Trực chụp)
Cũng như Hoàng Hạc Lâu, bài Phong Kiều Dạ Bạc được nhiều người dịch ra tiếng Việt. Theo tài liệu của Ngọc Lan sưu tầm, trong mục Nhỏ To Tâm Sự kỳ thứ 109 (Việt Nam Nhật báo) có đến 28 bài dịch của 21 dịch giả kê dưới đây, nhưng vẫn chưa thống kê hết được:
1/- Bản dịch của Ngô Tất Tố:
Quạ kêu, sương tỏa, trăng lui,
Đèn chài, cây bãi, đối người nằm khô.
Chùa đâu trên núi Cô Tô,
Tiếng chuông đưa đến bến đò canh khuya.
2/- Bản dịch của Trần Trọng Kim:
Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi,
Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co.
Con thuyền đậu bến Cô Tô,
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
3/- Bản dịch của Tản Đà:
Trăng tà, tiếng quạ kêu sương,
Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
4/- Bản dịch của Trần Trọng San:
Bài 1:
Trăng tà, tiếng quạ lẩn sương rơi,
Sầu đượm hàng phong lửa giấc chài.
Ngoài ải Cô Tô chùa vắng vẻ,
Nửa đêm chuông vẳng đến thuyền ai.
Bài 2:
Quạ kêu, trăng lẩn sương trời
Buồn hiu giấc ngủ lửa chài bến phong.
Đêm Cô Tô vẳng tiếng chuông
Chùa Hàn San đến thuyền sông Phong Kiều.
5/- Bản dịch của Bùi Khánh Đản:
Trăng lặn sương mờ nghe tiếng quạ
Lửa chài cây ánh giấc chưa yên
Cô Tô bên mái Hàn San tự
Đêm muộn chuông ngân vẳng đến thuyền.
6/- Bốn bản dịch của Hải Đà:
Bài 1 :
Tiếng quạ kêu sương, bóng nguyệt mờ
Cầu phong đốm lửa giấc sầu mơ
Hàn Sơn khuất bãi Cô-Tô vắng
Đêm điểm hồi chuông khách sững sờ.
Bài 2 :
Nguyệt tà, quạ lảnh lót kêu sương
Ánh lửa cầu phong vỗ mộng thường
Bến vắng Cô Tô thuyền lẻ bóng
Hàn Sơn rền rĩ khách nghe chuông.
Bài 3:
Trăng lặn, sương đầy, tiếng quạ kêu
Bến phong, ánh lửa, giấc đìu hiu
Cô Tô quạnh quẽ thuyền neo bến
Chuông đổ Hàn Sơn vẳng tiếng đều.
Bài 4:
Quạ kêu, trăng lặn, sương đầy
Bến phong, lửa đóm, sầu say giấc hồ
Hàn Sơn khuất bến Cô Tô
Nửa đêm thuyền khách thẫn thờ nghe chuông.
7/- Hai bài dịch của Phạm Vũ Thịnh (Sydney)
Đêm neo bến Phong-Kiều:
Bài 1:
Trăng tà, quạ rúc, trời đầy sương
Cây im lửa đóm người nằm suông
Cô Tô bến lặng đêm già nửa
Chùa cổ Hàn Sơn vẳng tiếng chuông.
Bài 2:
Trăng tà quạ rúc trời sương
Cây im lửa đóm nằm suông hững hờ
Nửa đêm neo bến Cô Tô
Hàn Sơn vẳng tiếng chuông chùa buồn tênh.
8/- Hai bài dịch của Vương Uyên:
Bài 1:
Trăng khuất, quạ kêu, trời phủ sương
Lửa chài bến nước cõi sầu vương
Cô Tô đêm vắng thuyền ai đậu
Tĩnh lặng Hàn Sơn vọng tiếng chuông.
Bài 2:
Trăng tàn, sương phủ, quạ kêu
Lửa chài, bến nước dệt thêu mộng sầu
Cô Tô tĩnh mịch đêm thâu
Hàn San chuông điểm thuyền câu lặng lờ.
09/- Bản dịch của Ngọc Ẩn (Tokyo):
Quạ kêu, trăng lặn, sương mù
Đêm nằm không ngủ, cây ru lửa chài
Cô Tô đậu chiếc thuyền ai
Nửa đêm vọng tiếng chuông dài Hàn Sơn.
10/- Bản dịch của Ngô-Văn-Phú:
Quạ kêu, trăng xế ngang đầu
Lửa chài cây bến gối sầu ngủ mơ
Thuyền ai ngoài bến Cô Tô
Nửa đêm lạnh tiếng chuông chùa Hàn San.
11/- Bản dịch của Nguyễn Thế Nữu:
Quạ kêu, trăng lặn, trời đầy sương
Phong bến, lửa chài, sầu mộng vương
Chùa ngoại, thành Tô, trên núi lạnh
Nửa đêm thuyền khách nằm nghe chuông.
12/- Bản dịch của Đinh Vũ Ngọc:
Quạ kêu, sương phủ, trăng thâu
Lửa chài, cây bến lặng sầu trong mơ
Cô Tô chùa vắng khuya mờ
Tiếng chuông tìm viếng khách thơ trong thuyền.
13/- Bản dịch của Lê Nguyễn Lưu:
Sương mờ, quạ giục, ánh trăng phai
Cây bến sầu mơ ngọn lửa chài
Ngoài ngõ Cô Tô chùa núi lạnh
Nửa đêm chuông vọng tới thuyền ai.
(Ghi chú.- Bản dịch này hôm trước NTTS có đăng mà nói là không biết của ai).
14/- Hai bản dịch của Ái Cầm:
Bài 1:
Quạ kêu, trăng khuyết trên cành sương
Đốm lửa hắt hiu giữa đêm trường
Cô Tô thuyền đỗ sầu in bóng
Hàn Sơn chùa vọng tiếng chuông ngân.
Bài 2:
Trăng khuyết trên cành sương quạ kêu
Lửa chài sông quạnh bến cô liêu
Cô Tô thuyền đậu trong đêm vắng
Chuông Hàn Sơn động sóng đìu hiu.
15/- Bản dịch của Nguyễn Khuê:
Trăng lặn, quạ kêu, trời phủ sương
Lửa chài cây bến giấc sầu vương
Chùa Hàn ngoài ải Cô-Tô vắng
Thuyền khách đêm khuya vẳng tiếng chuông.
16/- Bản dịch của KD:
Trời sương, trăng lặn, quạ kêu luôn
Ngủ đối cầu phong lửa cá buồn
Thuyền đậu thành Tô, chùa núi lạnh
Nửa đêm chuông nện tiếng boong boong.
17/- Bản dịch của Việt Thao:
Trăng tàn, quạ gọi trời sương,
Bờ phong, lửa bến giấc buồn miên man.
Cô Tô ngoài có chùa Hàn,
Nửa đêm chuông gióng âm vang đến thuyền.
18 /- Bản dịch của Nguyễn Hà:
Tiếng nhạn kêu sương, nguyệt cuối trời
Bờ phong sầu hắt lửa thôn chài
Hàn Sơn chuông vẳng Cô Tô lại
Khuya khoắt lay thuyền động giấc ai.
19/- Bản dịch của Nguyễn Hùng Lân:
Trăng tà, quạ gọi sương lên
Bờ cây chài lửa đôi bên giấc sầu
Chùa Hàn Sơn giữa đêm thâu
Tiếng chuông thành ngoại đưa vào thuyền nhân.
20/- Bản dịch của Trùng Dương:
Trăng lặn quạ kêu sương ngập trời
Lửa chài cây bãi muộn sầu khơi
Ngoài Cô Tô ấy Hàn Sơn tự,
Chuông vọng đến thuyền ai giữa khuya.
21/- Bản dịch của Tchya Đái Đức Tuấn:
Quạ kêu trăng xế trời sương
Lửa chài cây bến đối sườn Sầu Miên
Hàn San vẳng tiếng Chùa chiền
Nửa đêm đưa mãi đến thuyền Cô-Tô
Trên đây có một số bài dịch hay về mặt nghệ thuật, nhất là bài của Tản Đà đầy thi vị. Nhưng trên phương diện dịch thuật, các bài ấy vẫn chưa lột hết tinh thần nguyên tác của một bài thơ vừa tuyệt hảo về âm điệu vừa thần tình về ý; nhất là tiếng chuông, tác giả khéo hình tượng và nhân cách hóa, khó dịch sống động như nguyên tác.
Bài thơ ấy đi vào lòng người suốt 12 thế kỷ, tưởng không có gì thay đổi hay bàn cãi. Thế nhưng, gần đây người ta đưa ra một nghi án. Không ai chối cãi về tên tác giả, về mốc điểm thời gian và không gian của thi phẩm, nhưng họ lại không thống nhất với nhau về ý nghĩa trong các câu thơ. Nhóm mới bác bỏ lối giải thích phổ biến xưa nay, họ lý giải bằng sự phân tích cách ngắt câu, đưa ra ý tưởng táo bạo, gây chú ý và lôi cuốn nhiều người. Chính vị Hòa thượng Tính Không, đang trụ trì chùa Hàn San cũng đứng về phe mới. Theo họ, hai chữ “Ô Đề” Trương Kế dùng trong bài, không phải là “tiếng quạ kêu” mà chính là thôn Ô Đề và tác giả tả cảnh trăng lặn ở thôn trang nầy.
Ở câu hai, chữ “Sầu Miên” cũng được giải thích là danh tự riêng: Sầu Miên, tên cũ của ngọn núi ở Tô Châu chứ không phải là “giấc ngủ buồn.” Tác giả tả hàng cây phong bên bờ sông và đốm lửa của thuyền chài cùng ở cái thế đối diện với ngọn núi Sầu Miên. Cảnh vật đối với cảnh vật mới xứng hợp, nếu đem “giấc ngủ buồn” đặt vào đây chỉ làm bất ổn bài thơ. Theo họ, hai câu đầu của bài thơ được ngắt đoạn khác với cách thông thường và phải là:
Nguyệt lạc Ô Đề, sương mãn thiên
Giang phong, ngư hỏa đối Sầu Miên.
Tuy phe mới được nhiều người ủng hộ nhưng cũng không không đủ vững để thuyết phục được phe cũ. Giáo sư Vương Phương (Wang Fang) ở Bắc Kinh, một chuyên gia về văn học cổ Trung Hoa cũng nhìn nhận: “Đã có nhiều tranh luận nhưng chưa có kết luận. Chính tôi cũng chưa có thể khẳng định phải theo cách nào là đúng với ý của tác giả.” [4]
Nếu quả thật ở vùng Tô Châu xưa kia có các địa danh vừa nêu trên và nếu lập luận của phe mới là đúng, thì bài Phong Kiều Dạ Bạc của Trương Kế vẫn giữ nguyên giá trị văn chương. Chỉ có bài dịch cần phải thay đổi toàn bộ hai câu đầu để hợp với ý nghĩa mới:
Ô thôn, trăng rụng trời sương,
Bờ phong, lửa bến, Sầu Miên núi ngàn.
Cô Tô, ngoài có chùa Hàn
Nửa đêm chuông gióng âm vang đến thuyền.
(Việt Thao dịch).
San Jose, ngày 1- 8- 1998
ĐÀO ĐÚC CHƯƠNG
GHI CHÚ
[1] Theo tài liệu giới thiệu về Trung Hoa, đại hồng chung của chùa Hàn San dưới thời Đường đã mất, chuông hiện nay được phục chế vào cuối đời Thanh và lớn hơn chuông cũ.
[2] Thơ Đường của Trần Trọng San, nxb Bắc Đẩu, Gia Định; tái bản ở Hải Ngoại, trang 128, ghi là “ngân câu.”
[3] Theo Đường Thi của Lệ Thần Trần Trọng Kim, Tân Việt xuất bản năm 1950 tại Sài Gòn, thì nét bút trên bia là của Khang Hữu Vi (Kang You Wei; 1858 - 1927), khổ chữ lớn đến 3 - 4 tấc, thực hiện vào đời Thanh mạt; còn theo World Express, Tokyo 1994, do tạp chí Kiến Thức Ngày Nay (VN) đăng lại, thì chữ khắc trên bia là của danh bút Du Khúc Viên (Yu Qu Yuan) đời Thanh.
[4] Nguyên trong The World Express, Tokyo 1994; tạp chí Kiến Thức Ngày Nay trích dịch.