Chợ Huyện liệng Cây Gia,
Cây Gia xa chợ Mới,
Chợ Mới tới chợ Dinh,
Chợ Dinh rinh Bồ Đề,
Bồ Đề kề chợ Huyện. [1]
Phiên Huyện nhằm các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26 âm lịch; là phiên chợ lớn nhất của huyện nhà nhưng lại cách Phủ Mới (nay là thị trấn Tuy Phước) gần 4 cây số về phía Tây Bắc. Ngày phiên, không những dân trong vùng tập trung về mà còn đủ mặt dân buôn từ xa đến. Họ mua gom sản phẩm địa phương và bán hàng hóa ở nơi khác mang tới. Con đường Quốc lộ 1, từ phủ lỵ [2] đến chợ Huyện, người mua kẻ bán đi lại tấp nập, có cả những chàng trai dạo chơi tìm ý trung nhân, ca dao có câu:
Trai khôn tìm vợ chợ đông
Gái khôn tìm chồng giữa chốn ba quân.
Cửa Lý Môn, làng Vinh Thạnh
Tuy nhiên, cũng có kẻ lợi dụng đám đông, giở trò xằng bậy. Từ sáng, tại cổng Lý Môn có hai thanh niên ăn mặc chải chuốt, cười nói rổn rảng, chốc lại trông ra đường. Nhìn dáng điệu, biết ngay là dân ăn chơi từ tỉnh thành lạc đến. Trong dòng người đi chợ về, có một thanh nữ cao lớn, bước đi chậm chạp, hai tay xách hai giỏ nặng đầy ắp thức ăn.
Đợi cho cô gái rẽ vào con đường đất dẫn đến cổng làng, hai “công tử” bước tới đón đàng, buông lời chọc ghẹo và giở trò sàm sỡ. Nhanh như chớp, cô gái buông hai giỏ thức ăn, xoay trái tọa thế “Bạch xà lan lộ” (con rắn trắng qua đường cỏ), né tránh tầm tay của kẻ vô hạnh đang sấn tới ngực. Rồi Cô vụt dậy, đưa tay chém ngang bên phải bằng thế “Thanh long biên giang” (con rồng xanh bên sông). Bị phản ứng bất ngờ, một trong hai tên né sang bên, nhưng hắn đã lầm, vì đó là hư chiêu. Cô gái thấy hắn trúng kế, thuận chân tung cước trúng thẳng vào hông đối thủ. Hắn té nhào xuống ruộng, bùn bê bết từ đầu đến chân. Tên thứ hai mất tinh thần nhưng trước đám đông hắn tự ái, liều mạng xông tới. Cô gái trong tư thế đứng ngựa [3], đón hắn bằng ngón võ gia truyền. Chiếc khăn, cô quàng cho ấm cổ, trở thành roi nhuyễn tiên quất mạnh vào mặt đối thủ làm hắn không kịp tránh cú đá “Song phi quyển dực” (hai chân bay rồi thế chim xếp cánh). Hắn lảo đảo cắm đầu xuống ruộng.
Người trong vùng đã chứng kiến cảnh tượng trên và có câu thơ cảm tác:
Đáng đời cái thói lố lăng,
Song phi cú đá nhào lăn xuống bùn.
Thanh nữ ấy, là con của Trung nghị Đại phu Quang lộc Tự khanh [4] Đào Trọng Trấp (trước gọi là Tập) người làng Vinh Thạnh [5]. Ông dùng tên bài thảo bộ Ngọc Trản đặt tên cho con gái út của mình. Bà Ngọc Trản, nay (1998) vào tuổi thất tuần, thường kể lại câu chuyện năm xưa lúc bà chưa lập gia đình. Và ngón võ phòng thân ấy do ông cậu Năm Hương (em bà ngoại) ở thôn Dương An, xã Phước An, huyện Tuy Phước truyền dạy cho Bà lúc tuổi trăng tròn.
Bà Đào Thị Ngọc Trản. (Ảnh: Việt Thao, 1993)
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
(Trích Sắc Hương Quê Nhà,
Tập biên khảo của Tác giả)
GHI CHÚ
[1] Chợ Huyện là chợ tại huyện lỵ, ngày xưa huyện Tuy Phước đặt tại thôn Hanh Quang (亨 光 村), nay là thôn Quang Tín, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, nên chợ này dân chúng từ xưa quen gọi là Chợ Huyện.
Tuy Phước, vào thời Gia Long chưa lập huyện và phần đất ấy thuộc huyện Tuy Viễn (gồm An Nhơn, Bình Khê, Tuy Phước, Vân Canh ngày nay), phủ Qui Nhơn, trấn Bình Định. Các thuộc và tổng, nay là địa phận Tuy Phước gồm: thuộc Võng Nhi (網 而 屬), thuộc Thời Tú (時 秀 屬) và tổng Vân Dương (雲 陽 總).
Thời Minh Mạng, năm 1832, thành lập huyện Tuy Phước (theo Địa Bạ Triều Nguyễn - 1839) gồm 3 tổng Vân Dương, Tuy Hà (綏 河) và Thời Tú, tách ra từ huyện Tuy Viễn, thuộc phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Và Tuy Phước được gọi là huyện suốt trong 74 năm (1832 - 1906).
Năm 1906, huyện Tuy Phước cải đặt làm phủ trực tiếp coi 4 tổng.
Năm 1910, phủ Tuy Phước có 4 tổng: Nhơn Ân (仁 恩), Quảng Nghiệp (廣 業), Dương An (楊 安), Dương Xuân (楊 春).
Năm 1935, phủ Tuy Phước vẫn giữ 4 tổng: Nhơn Ân, Quảng Nghiệp, Dương An, Thiều Quang (韶 光; cải danh từ tổng Dương Xuân).
Khoảng đầu năm 1946, bỏ danh hiệu phủ, thống nhất lập huyện, gọi là huyện Tuy Phước.
Năm 1955, cải đặt huyện Tuy Phước thành quận Tuy Phước cho đến năm 1975 trở lại huyện.
[2] Phủ lỵ Tuy Phước đặt tại thôn Trung Tín, tổng Nhơn Ân; còn gọi là Phủ Mới, cách huyện lỵ cũ và chợ Huyện (ở thôn Hanh Quang) khoảng hơn 4 cây số. Sau năm 1947, huyện lỵ Tuy Phước vẫn đặt tại thôn Trung Tín, thuộc xã Phước Nghĩa. Từ ngày 12- 3- 1987 Quyết định số 52- HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, thành lập thị trấn Tuy Phước, tách ra từ xã Phước Nghĩa và trực thuộc huyện Tuy Phước.
[3] Đứng ngựa: thế đứng mà bắp đùi song song với mặt đất để bảo vệ phần hạ bộ.
[4] Quang lộc Tự khanh (光 禄 寺 卿): Chức quan đứng đầu Quang lộc tự, phẩm hàm Tòng Tam phẩm Văn giai.
[5] Làng Vinh Thạnh, quê hương của Đào Tấn, thời Lê Cảnh Hưng (1740 - 1786) gọi địa danh này là Vinh Thạnh Trung An Đội (榮 盛 中 安 隊), thôn Phú Thạnh (富 盛 村), thuộc Thời Tú (Đào Gia Thế Phả - 1885). Thời Gia Long (Địa Bạ Triều Nguyễn - 1815) gọi là Vinh Thạnh Trung An Khách hộ ấp (榮 盛 中 安 客 戶 邑), thuộc Thời Tú (時 秀 屬), huyện Tuy viễn (綏 遠 縣), phủ Qui Nhơn (歸 仁 府), trấn Bình Định (平 定 鎭). Thời Minh Mạng (Địa Bạ Triều Nguyễn - 1839) là thôn Vinh Thạnh, tổng Thời Tú, huyện Tuy Phước (綏 福 縣), phủ An Nhơn (安 仁 府), tỉnh Bình Định. Trước năm 1945, Vinh Thạnh, tổng Nhơn Ân (仁 恩 總), phủ Tuy Phước (綏 福 府), tỉnh Bình Định (平 定 省). Nay là thôn Vinh Thạnh 2, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.