Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200

Trong Email của Phan Tường Nghị gửi ngày 2 tháng 6 năm 2020, có đoạn: “Vì là tập sách đầu tay của em, nên xin phép Thầy Chương, nếu Thầy thấy được, thảo cho đôi lời giới thiệu thì thật quý cho em. Em vô vàn cảm kích. Chắc là Thầy không nỡ từ chối.”

Qua điện thư phúc đáp, đề ngày 9 tháng 6 năm 2020, tôi có đoạn viết: “Em Nghị có nhã ý nhờ tôi viết Lời Giới Thiệu tác phẩm ‘Bình Định Chuyện Xưa - Tuy Viễn Dấu Cũ.’ Nhận thấy Em nhiệt tình với sự nghiệp, và đồng điệu với tôi trên lãnh vực biên khảo, nên tôi nhận lời; mặc dù hiện nay mắt của tôi có vấn đề, hiện đang chữa trị, việc đọc và viết gặp khó khăn khi nhìn vào màn ảnh trên computer.”        

BinhDinhChuyenXua900

Bình Định Chuyện Xưa - Tuy Viễn Dấu Cũ là tác phẩm đầu tay, nhưng Phan Trường Nghị đã chịu khó đọc nhiều, nghiên cứu kỹ, nên rất vững vàng trong quy tắc biên khảo. Bằng dẫn chứng chính xác, Tác giả chọn văn liệu thích hợp, minh bạch tài liệu để tạo sự khả tín, qua lối hành văn sáng sủa, chặt chẽ, củng cố cho lập luận vững chắc. Thêm vào đó, với đức tính biết lắng nghe, cầu tiến, cầu toàn và nhất là cẩn trọng trong khi cầm bút, hy vọng Phan Trường Nghị sẽ sớm trở thành Nhà biên khảo nổi danh, không những của Bình Định mà còn sẽ dự vào tầm cỡ Quốc gia.

Trong phạm vi của một bài giới thiệu, tôi chỉ nêu một số nét nổi bật điển hình cho toàn tác phẩm, chẳng hạn:

Hình bìa, Tác giả chọn hình con Nghê, rất hợp với tựa đề Bình Định Chuyện Xưa - Tuy viễn Dấu Cũ. Ngày xưa, người ta thường đắp tượng Nghê ở các đình chùa, lăng miếu để cầu mong cho sự bình yên. Vì tin rằng Nghê là linh vật canh giữ không cho tà ma xâm nhập những nơi tôn nghiêm ấy. Nghê là sản phẩm tưởng tượng, hóa thân từ chó (biểu tượng của lòng trung thành), có đầu sư tử (thể hiện cho sự mưu trí và dũng mãnh), thân lại có vảy (giống như Kỳ lân, tương trưng cho nhân đức), để được nâng lên ngang hàng với Tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Linh vật Nghê đã có mặt ở nước ta từ ngàn xưa, bằng chứng là Nghê đá tại đền Đinh Tiên Hoàng, Hoa Lư, Ninh Bình. Vì thế Nghê đã gắn liền với nếp sống truyền thống của Dân tộc và đã ăn sâu vào nền Văn Hóa Việt Nam.

Nội dung tác phẩm Bình Định Chuyện Xưa - Tuy Viễn Dấu Cũ là một công trình nghiên cứu về huyện nhà thời xưa (ngày nay là Thành phố Qui Nhơn, Thị xã An Nhơn, và các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Tuy Phước, Vân Canh). Tác phẩm gồm Chương I có 20 mục, Chương II chứa 3 mục.

Đầu tiên là mục Nỗi Lòng Cao Bá Quát Qua Bình Định Trông Lên Núi Cù Mông, Tác giả so sánh hai cảm nghĩ của Cao Bá Quát và Trần Bích San cùng nhìn lên dãy núi Cù Mông, một ngọn núi hùng vĩ đã để lại dấu ấn trong cảnh binh đao. Với họ Cao thì “Ức phong khúc xứ cựu ao binh” nhưng với họ Trần lại “Nhân bất phong sương vị lão tài”; rồi Tác giả đưa ra nhận xét đầy sáng tạo rất lý thú:

Trước một dãy núi hùng vĩ, người thì nghe có tiếng gươm đao của một cuộc chiến, người thì dặn lòng trước những gian nan. Nhưng cả hai đều có những thần khí thể hiện trong văn thơ của mình. Câu văn, con chữ chỉ là cái xác. Tư tưởng, góc nhìn chỉ là cái hồn. Chúng chẳng sống đời được nếu chúng không có cái thần khí bên trong. Riêng với Cao Bá Quát, nỗi lòng của ông trước hiểm họa ngoại xâm, cái giật mình của người đã thấy được văn chương chữ nghĩa chỉ là trò chơi. Thế mà từ vua tới quan vẫn vùi đầu với trò nhai văn nhả chữ…trách sao được Cao Bá Quát, khi đi qua Cù Mông ông chỉ nghe được tiếng gươm đao của ngày xưa.

Cây bút cẩn trọng của Phan Trường Nghị, còn thể hiện qua cách dùng chữ. Trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt “Quá Bình Định Dương Phận Vọng Cù Mông Sơn” của Cao Bá Quát, câu kết:

Ức phong khúc xứ cựu ao binh
億 峰 曲 處 舊 鏖 兵

Nếu Tác giả không đưa nguyên tác chữ Nho đi kèm với chữ Quốc ngữ, thì người đọc có thể “tam sao thất bổn” từ chữ Ao (鏖) thuộc bộ Kim ( ) có nghĩa là đánh nhau quyết liệt, chuyển sang thành Đao (刀) thuộc bộ Đao (刀) có nghĩa là con dao, cây đao. Vì chữ “ao binh” và “đao binh” đều có nghĩa là chiến tranh; nhưng “ao binh” với nghĩa đánh nhau quyết liệt một mất một còn, tình trạng chém giết ghê rợn hơn, mới họp với ý của nguyên tác.

Sang mục 2, Bên Bờ Sông Côn Những Cô Gái Ở Chợ Hà Riêu, Tác giả muốn chứng minh xứ sở mình là “Đất võ Trời văn,” cho nên dù ở “một vùng đất heo hút núi đồi, đất hẹp người thưa” nhưng từ xa xưa đã sản sinh ra “những cô gái có văn tài, biết thuật cầm roi đi quyền” đó là đất Hà Riêu, nay thuộc thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn.

Mục thứ 3, bài Vè Thông Tằm ra đời gần một thế kỷ, nay vẫn còn trong trí nhớ một số vị cao niên, nhưng với nhiều dị bản. Chuyện kể một vụ án mạng, khiến người đời bùi ngùi thương cảm. Nhưng không chỉ giới hạn trong sự thương tâm, mà Tác giả muốn nêu ra một bài học sống cho các vị quan đang trấn nhậm: “Trước mắt tạm cất chức quan Tri phủ Tuy Phước Nguyễn Khoa Kỳ, vì đã thiếu trách nhiệm không phát hiện án mạng nơi mình quản hạt” và “Chuyện một ông quan con dòng thế tộc, không quan tâm tới án mạng xảy ra nơi mình trấn nhậm cũng là chuyện động trời của ngày xưa. Từ thời Minh Mạng đã có lệ cứ 3 năm một lần, là tới kỳ triều đình xét công hàng quan lại. Trong đó có xem xét công tội qua việc đã xử án nơi quản hạt nhanh hay chậm, tra xét cung khai của vụ án đúng hay sai.

Mục 4, Đường Lên Thành Hoàng Đế năm 1778 Của Sứ Đoàn Người Anh, qua lời tường thuật của viên chánh sứ người Anh là Charles Chapman, là một tài liệu sử quý, cho ta biết được phần nào về nghi thức ngoại giao, tiếp đãi sứ thần của nhà Tây Sơn:

Các viên quan mang sắc chỉ lên tàu trong nghi thức trọng thể. Họ thỉnh cầu treo lên những lá cờ màu sặc sỡ, bên dưới phải trọng vọng trương một cái lọng ra, và tôi phải ở trong tư thế đứng thẳng để tiếp chỉ. Khi các nghi thức đã thực hiện đầy đủ, sắc chỉ được mở ra, đọc lên và trao cho tôi.

Ngoài ra, còn biết được cách tổ chức giao thông của thời ấy (đi võng, công quán, quán hộ), phong tục (thưởng tiền con hát).

Mục 5, Thành Hoàng Đế Năm 1778, cũng qua lời tường thuật của Charles Chapman, cho thấy sơ đồ của Hoàng Thành, nhất là lối vào cửa Đông.

Mục 6, Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc và Tháp Thầy Bói, một tài liệu lịch sử xác định cho thấy Vua Thái Đức (Tây Sơn) tổ chức lễ hiến tế tại Tháp Thầy Bói (đầm Thị Nại để cầu siêu cho bính lính của nhà vua bị thất trận ở Gia Định năm 1778.

 Mục 7, Nhà Thơ Núi Tản Sông Đà Đến Đất Bình Khê - Tây Sơn Năm 1928, kể lại chuyến viếng thăm đất Tây Sơn của Tản Đà. Căn cứ vào tài liệu, Tác giả xác định vị trí huyệt mộ của nhà Tây Sơn tại Hoành Sơn (núi Ngang), dù đã bị nhà Nguyễn quật mồ từ lâu, dù khung cảnh hoang phế, nhưng địa cuộc vẫn còn đượm màu tươi nhuận, qua lời nhận xét của Tản Đà: “Cận sơn viễn sơn, trùng trùng mặn nhạt” thế nên “nghĩ cho sự địa lý không đáng tin là có, mà cũng chưa hẳn nên gọi là không.”

Mục 8, Bên Bờ Sông Côn Lụa Phú Phong, Tác giả cho ta thấy sự huyền diệu của nước sông Côn “Chỗ nhánh sông Kon và nhánh sông Kut gặp nhau, chưa hiểu vì sao nước ở đây mà đem ươm tơ thì cho ra sợi tơ thật tốt. Chưa nói là xuống đến lỵ sở phủ An Nhơn cũ, nước sông Côn còn giúp cho cư dân ở An Thái, tại đây người Minh hương đã làm được một sản phẩm, chỉ làm được ở đây mà không làm được ở nơi nào khác. Đó là loại bún 2 sợi dính sóng đôi với nhau, gọi là bún Song thằng.”    

Mục 9, Hát Bội Trong Lễ Hội Đổ Giàn, nhân lễ hội này, bằng những luận cứ xác  đáng, Tác giả đề cập đến hiện tượng đổi dòng của sông Côn: “Tra cứu lại Địa bạ lập cho Bình Định năm 1839 triều Minh Mệnh, An Thái - Mỹ Thạnh có 163,5 mẫu điền thổ. Trong khi đó bản thân tên cũ của nó là Mỹ Hòa khách hộ ấp, năm Gia Long 1815 Địa bạ cho thấy ruộng đất ở đây có tới 196,5 mẫu. Xem ra mất tới 33 mẫu mà không thấy nhập vào các làng lân cận. Cùng thời, các làng Trinh Tường, Phú Phong, Xuân Hòa… ở phía trên cũng cùng mất điền thổ một cách khủng khiếp (hơn 500 mẫu).

Mục 10, Ấp Tây Sơn và Ấp Tây Sơn Thượng, bằng lý luận vững chắc, và căn cứ vào các tài liệu cổ, Phan Trường Nghị đã xác định được vị trí ấp Tây Sơn ngày xưa, nay “chính là thôn Tiên Thuận, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn bây giờ.” Tác giả cũng chứng minh được “ấp Tây Sơn không thể ở vùng Tây Sơn Thượng Đạo” tức Tây Sơn Thượng “chính là cứ địa khởi nghiệp của Nhà Tây Sơn ở An Khê ngày nay.

Mục 11, Thêm Mắm Thêm Muối Chuyện Xứ Nẫu Tại Sao Gọi Người Bình Định Là Dân Nẫu, thật lý thú Tác giả trưng ra bài thơ, mà phương ngữ “nẫu” có khả năng diễn đạt được cả 3 ngôi nhân vật đại danh tự: ta, mày, nó và còn bao gồm cả số ít lẫn số nhiều:

Nẫu (nàng) khoe xứ nẫu (nàng) đẹp xinh
Nẫu
 (ta) dìa xứ nẫu (ta) tỏ tình làm thơ
Nẫu
 (người) mong, nẫu (kẻ) đợi, nẫu (chúng) chờ
Nẫu
 (nàng) đà có nẫu (bạn)! ngẩn ngơ nẫu (ta) buồn.

Mục 12, Y Phục Xứ Đàng Trong, Tác giả cũng trưng ra được bằng chứng khả tín, thời chúa Nguyễn mức sống Xứ Đàng Trong (Miền Nam) đã hơn hẳn người Xứ Đàng Ngoài (Miền Bắc), qua đoạn văn: “Còn về y phục thì như chúng tôi đã nói, tơ lụa rất thông dụng ở Xứ Đàng Trong đến nỗi ai cũng mặc hàng tơ lụa” (Hồi ký của giáo sĩ Cristophoro Borri, 1631). Mức sống ấy vẫn tồn tại suốt 145 năm sau, dưới cái nhìn của Lê Quý Đôn vào năm 1776, một học giả hàng đầu của Miền Bắc: Xứ Thuận Hóa hưởng thái bình đã lâu ngày, công sở và tư gia đều giàu có, đồ ăn mặc và đồ dùng đều xa hoa… lấy sự xa xỉ khoe khoang lẫn nhau. Những nguời có chức vị ở làng cũng mặc áo đoạn hoa bát ty, còn áo lương, áo sa, áo địa đều là áo mặc thường. Ăn vận áo vải mộc mạc thì lấy làm hổ thẹn… Coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, xa xí rất mực” (Phủ Biên Tạp Lục, trang 430).

Mục 13, Tổng Vĩnh Thạnh và Chánh Tổng Kham, Tác giả đã tổng hợp các tài liệu cổ, phác họa bản đồ địa lý hành chánh huyện Bình Khê trong quá trình hình thành và xác định ranh giới của tổng Vĩnh Thạnh: “Vào năm Đồng Khánh thứ 3 (1888), triều đình Huế trích lấy 18 thôn của huyện Tuy Viễn, gộp với Nha Kinh Lý An Khê (lập năm 1877 gồm các thôn ấp mới mộ khẩn…) để lập nên huyện Bình Khê. Huyện thống hạt 4 tổng, trong đó có tổng Vĩnh Thạnh, địa giới tổng Vĩnh Thạnh thời bấy giờ khởi từ cầu Phú Phong trên Quộc lộ 19, trở ngược lên đến huyện Vĩnh Thạnh ngày nay.”

Mục 14, Những Trận Chiến Ở Trường Úc, Tác giả đã tham khảo nhiều nguồn tài liệu cả trong và ngoài nước, về vị trí chiến lược núi Càn Úc hay Trường Úc, gắn liền với đầm Thị Nại, trong công cuộc chống các cuộc đổ bộ của của địch quân tấn công vào đất Bình Định bằng cảng Thị Nại.

Mục 15, Cầu Đôi Ở Thành Phố Qui Nhơn Tên Gọi Có Từ Bao Giờ, Phan Trường Nghị căn cứ vào Đại Nam Thực Lục, đã chép: “Tháng 6, Võ Tánh đánh vỡ quân giặc ở cầu Tân Hội. Giặc lui về Úc Sơn, giữ chỗ hiểm đặt quân phòng thủ. Quân ta tiến đến cánh đồng Bình Thạnh.” (Bản dịch Thực Lục, Tập 1, trang 317); rồi bằng lý luận vững chắc Tác giả xác định cầu Tân Hội ngày xưa, nay là vùng Cầu Đôi: “Phòng tuyến cầu Tân Hội tức khu vực cầu Đôi bây giờ, nhận diện được nó vì binh có vượt qua nó mới tiến lên được làng Bình Thạnh, địa danh xưa bây giờ vẫn còn tên. Ở ngả ba ông Thọ phía trên cầu Đôi hiện vẫn còn đình làng Bình Thạnh.

Mục 16, Tiếng Gọi Đò Bên Bồ Sông Côn, Tác giả phân tích tiếng gọi đò trong thơ của Yến Lan và Quách Tấn, đã chép “Yến Lan và Quách Tấn, hai con linh vật còn lại của Bàn Thành Tứ Hữu đã thốt lên tiếng gọi đò, tiếng gọi đò cháy cả lòng người từ thuở 1940 cho đến tận bây giờ.

- Với Yến Lan, Tác giả cho rằng ông lái đò dù “đợi khách, nhưng ông để hồn vấn vương với trăng với mơ ước. Khách đến, ‘Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả…’ Khách là một chàng kỵ mã, mình nhúng đầy ánh trăng, vội vã đi nhưng chẳng chút nào tỏ ra kiêu bạt, chỉ hối hả vì ‘Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi…’ Thế mà ông lái đò ‘vẫn say trăng, đầu gối sách.’ Ông chẳng màng tới tiếng gọi đò của khách. ‘Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách, Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng’

- Nhưng với Quách Tấn lại:

Đời nửa khói mây chìm bóng mộng 
Gọi đò một tiếng lạnh hư không.

Vậy thì Tiếng gọi đò ở đây không chỉ là tiếng gọi của người sang sông, nó phảng phất như tiếng kêu vang của Không Lộ thiền sư”:

Hữu thì trực thướng cô phong đính 
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.” 
(
。)

Mục 17, Đập Đá Dưới Mắt Người Xưa, Tác giả trích đoạn nhật ký của Thượng thư Đoàn Đình Duyệt, mô tả con đập bằng xi măng đầu tiên của tỉnh nhà và của cả xứ Trung Kỳ. Nhân lúc bàn đến lịch sử đập Thạch Yển, Tác giả đề cập đến vấn đề: “Chỉ biết rõ là vào triều Nguyễn, người Hoa ở Việt Nam không được phép mua ruộng đất, các bà vợ người Việt phải đứng ra gánh vác, làm văn tự mua bán.” Đó là điểm son của của các triều đại nước ta ngày xưa, nhà vua đã theo truyền thống giữ nước của tiền nhân, lúc nào cũng đề phòng giặc phương Bắc, dù lúc thân hay sơ họ vẫn nuôi mộng xâm lược nước ta.

Mục 18, Phó Bảng Huỳnh Văn Học Với Cái Học Đâu Chỉ Để Làm Quan, tấm gương họ Huỳnh tiêu biểu cho giới khoa bảng Bình Định về quan niệm nhân sinh: “…Cái học của ngày xưa, đâu chỉ có mỗi một chuyện là đeo đuổi chốn quan trường, đâu chỉ để nắm chính đạo mà trừ những gian tà, ngăn ngừa những bất chính / ngăn sóng dữ cho trăm sông được hiền hòa… Cái học của người xưa là để biết cách sống và sống sao cho đúng kiểu sống của người có học.

Mục 19, Văn Chỉ An Bình Ở Núi Thơm – Kiên Hạnh, Tác giả nêu ra hai nền văn hóa: Đình Làng và Văn chỉ, là mô hình kiến trúc ở địa phương, đem lại sự hài hòa và ổn định cho Quốc gia suốt trong thời đại tự chủ, đó là nét đặc thù của nền văn hóa làng xã Việt Nam: Biết rằng Văn Chỉ được lập ra không chỉ để phụng thờ Khổng Tử, các bậc tiên Nho, mà còn là nơi lập bia, phụng thờ các nhà khoa bảng người địa phương. Có nơi Văn Chỉ còn là chỗ làm trường học. Ngày xưa ‘Đình làng’ là chỗ dân gian bày tỏ niềm tín ngưỡng, sinh hoạt của làng, ‘Văn chỉ’ là chỗ người làng vinh danh việc học của làng. Hai kiến trúc nhưng bổ sung cho nhau, thể hiện nét đặc thù văn hóa làng xã Việt Nam.

Và chính cái văn hóa đề cao đạo học, mà “Ngày xưa Văn Chỉ vinh danh việc học, nên người có học ngày xưa luôn canh cánh trong lòng là sống sao cho đúng với đạo làm người.

Mục 20, Khoa Cử Ngày Xưa và Những Tú Tài Làng Phụng Sơn, là trường hợp điển hình của sĩ phu Bình Định, quan niệm rằng “cái học của người xưa đâu chỉ chuộng hư văn, cử nghiệp lăng xăng với bằng cấp, xênh xang với áo mão cân đai.” Anh em Nguyễn Thế Hiển, người làng Phụng Sơn, chỉ đỗ Tú tài, không có duyên tiến thân bằng hoạn lộ. Họ Nguyễn xoay qua giúp dân tại quê nhà, sáng lập Nghĩa thương Phụng Sơn “tích cốc phòng cơ.” Nhờ đó, dân làng được no ấm, dù gặp lúc thiên tai. Tiếng tốt đồn xa.

Mục 21, Khoa Bảng Triều Nguyễn, Phía Nam Bình Định, tức huyện Tuy Viễn ngày xưa, nay là các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, Tuy Phước, thị xã An Nhơn và thành phố Qui Nhơn.

Dưới thời nhà Nguyễn, tỉnh Bình Đinh có 8 vị đại khoa (5 Tiến sĩ và 3 Phó bảng), phía Nam Bình Định đạt đến 5 người (3 Tiến sĩ và 2 Phó bảng); số người đỗ Cử nhân, phía Nam Bình Định, cũng chiếm ưu thế, có đến 140 người, trong lúc toàn tỉnh có 248 Cử nhân.

Tác giả căn cứ vào Quốc Triều Khoa Bảng Lục để trích ra các vị đỗ đại khoa, và Quốc Triều Hương Khoa Lục để chép ra các vị đỗ Hương khoa của huyện Tuy Viễn, về quê quán ngoài việc nêu tên thôn còn cập nhật tên xã hiện hành để người đọc dễ nhân biết.

Mục 22, Bình Định và Tuy Viễn Đất Xưa, là bài khảo cứu sơ lược về địa lý hành chánh, nhân văn tỉnh Bình Định và huyện Tuy Viễn qua các thời kỳ lịch sử.

Trong mục này, có hai cuộc cải cách lớn về địa lý hành chánh:

- Thời Gia Long, từ năm 1805 khởi lập địa bạ trên toàn quốc, đến năm 1815 hoàn thành, tác giả viết:

Ở Bình Định, khi Gia Long lập Địa bạ 1815, nơi đây những đơn vị hành chánh cấp thấp như Sách, Giáp, Nậu, Man không thấy nữa. Riêng Ấp vẫn còn phân biệt Ấp chánh hộ và Ấp khách hộ, là để phân biệt mức thuế điền thổ cũng như sai dư (thuế thân) có từ thời các Chúa. Dân địa phương lâu đời đã ổn định (chánh hộ) phải nộp cao hơn so với địa phương mới (khách hộ), nơi mà người khai phá còn phải luôn xê dịch hết vùng nầy đến vùng nọ.

Thời Minh Mạng, lại một lần nữa cải cách lớn về địa lý hành chánh, tác giả chép:

 “Qua đến triều Minh Mệnh, năm 1832, Trấn Bình Định đổi danh xưng cấp hành chánh là Tỉnh Bình Định, huyện Phù Ly tách làm 2 thành Phù Mỹ và Phù Cát, chúng cùng huyện Bồng Sơn do phủ Hoài Nhơn thống lĩnh. Còn huyện Tuy Viễn tách 2 thành Tuy Viễn và Tuy Phước, lập ra phủ An Nhơn lĩnh quản 2 huyện nầy. Nói cách khác, phủ An Nhơn là huyện Tuy Viễn của triều Gia Long, cũng chính là thuở triều Lê.

“Bấy giờ đơn vị hành chánh Ấp được cải thành Thôn, các Thuộc đều gọi là Tổng, một số Thôn được chuyển từ Tổng nầy sang Tổng nọ cho phù hợp việc quản lý hoặc điều kiện canh tác, như có cùng chung hệ thống tưới tiêu trong vùng.”

Mục 23, Làng Xã Tuy Viễn Xưa Quy Chiếu Địa Danh Ngày Nay, tác giả lần luợt khảo sát liệt kê danh sách tất cả các làng xã trong huyện Tuy Viễn xưa. Cứ mỗi địa danh, tác giả quy chiếu làm 3 cột: Ngày nay, Minh Mệnh 1839, Triều Gia Long 1815.

Đơn cử địa danh Tây Sơn Nhất khách hộ ấp (西 山 一 客 戶 邑) mà người đời quen gọi là “Tây Sơn Nhứt”:

- Vào thời Gia Long (1815) địa danh ấp Tây Sơn Nhất, nằm trong thôn Tây Sơn, và lệ vào thuộc Thời Hòa.

- Vào thời Minh Mạng (1838) địa danh này là thôn Tiên Hóa, tổng Thời Hòa.

- Và hiện nay (2920) là thôn Tiên Hòa, xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Thạnh.

Sau cùng là Phần Phụ lục, tác giả không lập Bảng Tra Cứu chung, mà lại ra công chia làm hai phần: Tra Cứu Nhân Vật, và Tra Cứu Địa Danh. Ngoài ra tác giả còn lập Mục lục cho Hình ảnh và Sơ đồ minh họa, đồng thời cũng lập Mục lục cho Bản đồ Vị Trí Làng Xã Tuy Viễn xưa.

Tóm lại, tác phẩm Bình Định Chuyện Xưa - Tuy Viễn Dấu Cũ của Nhà biên khảo Phan Trường Nghị, là một công trình văn học được nghiên cứu công phu, và có giá trị cao về Nhân văn, Địa lý hành chánh, và Sử học. Tác giả dựa vào những thư tịch cổ, chọn trích văn liệu xác đáng làm bằng chứng, và dùng quan sát thực địa củng cố cho lập luận. Thêm vào đó, những hình ảnh, sơ đồ, bản đồ đã minh họa cho vấn đề được cụ thể hơn, và trở nên hình tượng hóa để thổi hồn vào bài viết, khiến lôi cuốn người đọc.

Thành thật mà nói tôi rất vui và hảnh diện có được một bạn đồng điệu để trao đổi trên lãnh vực văn học, một văn hữu nhiều triển vọng, một đồng hương trẻ tiếp nối viết về Con Người và Xứ Sở của Tỉnh nhà, thân yêu của Quê mình ngày cũ, mà tôi đã cách xa Cố hương đến nửa trái cầu. Người ấy là Nhà Biên Khảo Phan Trường Nghị.

San Jose, ngày 28- 9- 2020

Việt Thao Đào Đức Chương
Cựu Giám Học
Trung Học Đào Duy Từ An Nhơn.

Thêm bình luận