Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200

Từ khi kinh đô thất thủ (1885), thành Bình Định đã chứng kiến cuộc thế đổi thay. Biết bao nho sĩ chỉ vì trung vua, yêu nước mà bị hành hình, bị tù đày bởi những tên Việt gian mãi quốc cầu vinh. Nhắc đến Phong trào Cần Vương, Phong trào Kháng Thuế của tỉnh nhà, người Bình Định không bao giờ quên những tấm gương liệt sĩ.

I - NGUYÊN NHÂN VÀ SỰ HÌNH THÀNH PHONG TRÀO

Lịch sử đã nhìn nhận, Phong trào Kháng thuế là hậu quả tất nhiên của chế độ thuế khóa, sưu dịch quá nặng nề và hà khắc dưới thời Pháp thuộc.

Chính Lanessan (Toàn quyền Đông Dương 1891 - 1894) cũng phải thú nhận chính sách thực dân đã bóc lột dân thuộc địa ở Đông Dương đến tận xương tủy. Trong báo Người Đông Dương, ông viết: “Nguyên nhân chủ yếu (của các cuộc biểu tình) là do thuế má quá nặng. Những cuộc biểu tình nổ ra trước tiên ở Trung Kỳ vì tại đây, người ta tăng thuế nhanh nhất mà lại kém sáng suốt nhất. Thuế đã nặng, cách thu lại phiền phức, ngoài ra ta còn đặt thêm các việc độc quyền muối, rượu...” [1].

Đơn cử, thuế muối tăng đáng kể. Tháng 5- 1892, Lanessan khởi xướng đánh thuế muối ở mức 1 xu cho 1 ký. Ngày 1- 6- 1897, Doumer tăng gấp 5 lần ở mức 5 xu cho 1 ký. Ngày 19- 10- 1899, 10 xu cho 1 ký muối. Đến ngày 19- 4- 1906, Paul Beau tăng đến 22,5 lần, ở mức 2 hào 2 xu rưỡi thuế cho 1 ký muối. Thuế thân là loại thuế bất công nhất vì thu đồng hạng không kể giàu nghèo. Đã thế, mức thuế thân dưới thời Toàn quyền Beau (1902 - 1908) cũng tăng cao nhất. Thuế thân năm 1897 là 2 đồng 50 xu; năm 1901 là 3 đồng 10 xu; năm 1903 là 3 đồng 60 xu; 1904 là 3 đồng 75 xu, ca dao đã phản ánh:

... Rồi thuế đình thuế điếm,
Rồi thuế cửa thuế nhà,
Thuế cây trái, bông hoa,
Thuế sơn hào hải vụ
Từ trên rừng dưới biển,
Từ kẻ chợ bến đò.
Mẹ bán cáy bán cua,
Con bán cau cũng tội.
Thuế diêm điền, thuế muối,
Dân lạt lẽo khô khan.
Trước mười thúng một quan,
Giờ một tiền miệng đọi [2]
Thuế các miền trang trại,
Thuế trên bộ dưới thuyền.
Thuế chức sắc quan viên,
Thuế trâu bò chó lợn.
Thuế hàng dầu hàng mắm,
Thuế hàng vải hàng bông.
Rồi thuế sắt, thuế đồng,
Thuế thuốc lào, thuế rượu.
Khắp ba kỳ phải chịu,
Thuế đánh khắp mọi nơi.
Giờ trách đất than trời,
Nước Nam ta thậm khổ.
Bắc Trung Nam Kỳ thậm khổ...
(Vè Chống Sưu Kháng thuế)

Phong trào Kháng Thuế xuất phát từ Quảng Nam, lan rộng đến Quảng Ngãi rồi tràn vào Bình Định, Phú Yên. Người mang lửa đấu tranh vào Bình Định là Phan Long Bằng (1883 - 1908), một nho sinh, quán làng Nam Huân, tỉnh Quảng Ngãi. Phong trào nhen nhúm ở huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn, được hầu hết nho sĩ, hương chức và dân chúng hưởng ứng. Người gia nhập gọi nhau là “Đồng Bào,” được cắt tóc ngắn, được phát bầu nước và giỏ cơm, rồi theo đoàn người tiến về tỉnh thành Bình Định. Người theo Đồng Bào mỗi lúc một đông, vừa đi vừa hát bài vè nóng bỏng thời sự:

Tay trái cầm lược,
Tay phải cầm kéo.
Húi hề! Húi hề!
Húi hề! Húi hề!
Thủng thẳng cho khéo,
Bỏ cái ngu nầy,
Bỏ cái dại nầy,
Học mới từ đây.
Húi hề! Húi hề!
Trên đường canh tân…
Đừng có gian lận,
Đừng có nói láo.
Ngày nay ta húi,
Ngày mai ta cạo.
. . . . . . . . . .
Từ sĩ đến nông,
Từ công đến thương.
Ai chải dệt sợi,
Trăm người như một.
Bảo nhau húi tóc,
Húi hề! Húi hề!

II - CUỘC ĐÀN ÁP PHONG TRÀO KHÁNG THUẾ TẠI THÀNH BÌNH BỊNH

Lúc bấy giờ, cơ quan chính quyền của tỉnh Bình Định, bên Bảo hộ đứng đầu có Công sứ Pháp Sandré và Phó sứ Fries, đóng tại thị xã Qui Nhơn. Bên Nam triều đứng đầu có Tổng đốc Tôn Thất Đạm [3], Bố chánh Cao Xuân Tiêu và Án sát Huỳnh Lưu, đóng tại thành Bình Định.

Ngày 16 tháng 4 năm 1908 đoàn người về tới tỉnh thành Bình Định. Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên) lúc bấy giờ là Tôn Thất Đạm ra lệnh bắt Phan Long Bằng (Quảng Ngãi), Nguyễn Khiêm, Châu Văn Long và Phạm Doãn (Bình Định) đem chém bêu đầu để thị uy, nhưng lại càng làm cho phong trào cháy bùng lên.

Khoảng 10 ngày sau, xảy ra cuộc biểu tỉnh lần thứ hai, đoàn người kéo đến cửa Đông thành Bình Định ngồi lì chờ giải quyết các yêu sách. Bỗng cửa thành mở rộng và đại đội lính Pháp do Đại tá Grimaud chỉ huy, phi ngựa từ Quốc lộ 1 chạy vào thành. Người tham gia Đồng Bào quá đông, ngồi nghẹt lòng lề đường không thể giạt ra hai bên, hàng trăm vó ngựa dẫm lên đám người; khiến ông Bùi Ban, lý trưởng xã Mỹ Trung (nay là thôn Mỹ Trung, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước) chết ngay tại chỗ, người bị thương vô số kể. Dân chúng đem xác ông quàn tại gò Cẩm Văn (cách thành chừng 4 cây số về phía Bắc) để mọi người phúng điếu và bỏ một nắm đất lấp quan tài, thế mà đã vun cao thành ngôi mộ.

Ngày 9- 5- 1908, Ban lãnh đạo Phong trào tổ chức cuộc biểu tình lần thứ ba, lớn chưa từng có, người đứng chật lòng đường từ cửa Đông thành Bình Định dẫn ra Quốc lộ 1 đến cầu Cẩm Văn (dài hơn 4 cây số). Trong thành vẫn yên lặng, mặc cho bên ngoài người biểu tình mỗi lúc một đông. Bỗng các cửa thành mở, từng toán lính Pháp và lính tập ghìm súng có gắn lưỡi lê, tiến ra bao vây đoàn biểu tình. Các ngả đường, phía Nam đi đò qua Trường Thi, phía Đông Nam qua cầu Tân An hoặc dựa theo mé sông rẽ vào thôn Tri Thiện, phía Đông xuống thôn Quảng Nghiệp, phía Bắc ra cầu Cẩm Văn, phía Tây lên thôn Kim Châu đều có lính chặn kín không cho Đồng Bào chạy thoát. Rồi hàng trăm lính võ trang từ trong thành tràn ra và lính từ ngoài ốp vào, dùng dùi cui đánh túi bụi vào đám biểu tình. Người bị thương nặng đến vài trăm, số chết ngay tại chỗ đến 30 người. Lính kéo xác các nạn nhân bày trước cửa Tiền, định phơi nắng 3 ngày nhưng tối hôm đó toán võ sĩ đã lén cướp xác đem đi chôn.

image001
H 1: Cổng thành Bình Định trước năm 1945.
(Nguồn: nonnuocbinhkhe.blogspot.com)

III - LAO TIẾN SĨ

Cuộc đàn áp đẫm máu và bắt bớ nhốt đầy nhà lao, thế mà triều đình Huế vẫn chê Tổng đốc Tôn Thất Đạm “không có lòng lo chính sự.” Ông bị ngưng chức, triệu về kinh rồi cho hưu trí [4]. Bùi Xuân Huyên [5] đến thay (khoảng trước tháng 9 năm 1908), tiếp tục tra xét và đối xử nặng tay với dân địa phương hơn vị tiền nhiệm.

Trong nhà lao thành Bình Định, chật đầy các vị quan lại, khoa bảng, nhân sĩ, và hương chức, đang bị giam cứu.

a) Quan chức hoặc Cử nhân, có các ông:

- Chưởng ấn hồi hưu, Cử nhân Lê Phổ (黎 譜), người thôn Dương Minh, tổng Vân Dương, phủ Tuy Phước [6]; nay là thôn Dương Xuân, xã Nhơn Hạnh, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định.

- Huấn đạo Lê Tử Văn (黎 子 文), người thôn An Cửu, tổng Vân Dương, phủ Tuy Phước; nay thôn An Cửu thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước, tỉnh Bỉnh Định.

- Ngự sử hồi hưu Đinh Văn Hoán (丁 文 奐), người thôn Vĩnh Thành, tổng Trung Định, huyện Phù Cát, phủ Hoài Nhơn; nay thôn Vĩnh Thành thuộc xã Cát Tài, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

- Giải nguyên Lê Chuân (黎 諄) [7], người thôn Thanh Lương, huyện Hoài Ân [8], phủ Hoài Nhơn; nay thôn Thanh Lương thuộc xã Ân Tín, huyện Hoài Ân.

- Á nguyên Nguyễn Hân (阮 欣), người thôn Phú Đa [9], huyện Phù Mỹ, phủ Hoài Nhơn.

- Cử nhân Nguyễn Du (阮 攸), nguyên Cung phụng, sĩ bổ; người thôn Phú Nông, tổng Thượng, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn [10]; nay thôn Phú Nông thuộc xã Hoài Sơn, thị xã Hoài Nhơn.

- Cử nhân Trần Tuyên (陳 宣), nguyên Tu soạn, sĩ bổ; người thôn Phụng Du, tổng Thượng, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn; nay thôn Phụng Du thuộc phường Hoài Hảo, thị xã Hoài Nhơn.

- Cử nhân Trần Hoán (陳 奐), người thôn Ngọc An, tổng Thượng, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn; nay thôn Ngọc An thuộc phường Hoài Thanh Tây, thị xã Hoài Nhơn.

b/ Các vị Tú tài tham gia Phong trào gồm [11]:

- Ở huyện Phù Mỹ, thuộc phủ Hoài Nhơn, có Nguyễn Phác người thôn Dương Liễu, Hoàng Tăng Huy và Lê Cương người thôn An Lương; Bùi Trọng Hướng người thôn Bình Long.

- Ở huyện Phù Cát, thuộc phủ Hoài Nhơn, có Đỗ Phác người thôn Chánh Hội.

- Ở huyện Tuy Viễn, thuộc phủ An Nhơn, có Bùi Phiên Dư và Nguyễn Thanh người thôn Hòa Cư, Đặng Thành Tích người thôn Đại Bình.

- Ở huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), thuộc phủ An Nhơn, có Đào Toại.

- Ở phủ Tuy Phước (trực tiếp coi 4 tổng, không có huyện), có Võ Văn Du người thôn Tùng Giản, Nguyễn Đại Hưng người thôn Đại Thạnh, Nguyễn Duy Viên người thôn Liêm Lợi.

c/ Hương chức và nhân sĩ tham gia Phong trào gồm có:

- Chánh tổng Nguyễn Hàm, người thôn Thượng Giang, tổng Thời Hòa, huyện Bình Khê, phủ An Nhơn; Dương Tuấn (không rõ nơi cư trú).

- Lý trưởng có: Nguyễn Văn Úc, Bùi Ban (người Mỹ Trung, phủ Tuy Phước, đã chết), Phan Vinh (thôn An Hậu, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài nhơn), Nguyễn Văn Khải (thôn An Vinh, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn), Nguyễn Văn Định, Đặng Trưng, Phó Lý trưởng Hoàng Toản, Tri hương Võ Hàm.

- Cựu lý trưởng có: Lê Kiệm, Nguyễn Văn Thành.

- Nhân sĩ có: Nguyễn Bích, Bùi Tráng Liêm.

- Ngoài ra còn có Học sinh Hồ Như Ý, Cừ mục Đốc Tiềm (người An Lão, phủ Hoài Nhơn), Tu soạn Nguyễn Lương Thuyên (Tập ấm), Chánh bát phẩm Đội trưởng Hoàng Thiện Dụ (thôn Nhơn Ngãi, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn), bá hộ Hoàng Lý và Phan Trường Vinh.

Các vị liệt kê trên đã tham gia lãnh đạo Phong trào Chống sưu Kháng thuế, bị Bùi Xuân Huyên, Tổng đốc tỉnh Bình Định, đề nghị các mức án: trảm bêu đầu, trảm lập quyết, giảo giam hậu, phạt trượng rồi đày Côn Đảo, giáng cấp, hoặc thu hồi ngạch Cử nhân.

Nhưng sáng giá hơn hết là Hồ Sĩ Tạo (胡 士 造; 1869 - 1934), vị Tiến sĩ Nho học cuối cùng của tỉnh Bình Định (khoa Giáp Thìn 1904, đỗ cùng khoa với Trần Qúy Cáp và Huỳnh Thúc Kháng), người thôn Hoà Cư, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn; nay là thôn Hòa Cư, phường Nhơn Hưng, thị xã An Nhơn. Năm 1908, ông đang chức Tri huyện Tân Định (tỉnh Khánh Hoà), về quê thọ tang thân mẫu, gặp lúc Phong trào Kháng Thuế ở tỉnh nhà đang bột phát, ông nhận làm thủ lãnh của Đồng Bào. Từ ấy, Phong trào được tổ chức chặt chẽ theo hệ thống từ tỉnh đến địa phương để lo việc điều hành và tuyên vận. Trong việc từ lệnh, ông dùng ấn vuông bằng đồng, ở giữa khắc bốn chữ Nho là “同 胞 民 記” (Đồng Bào Dân Ký) viết lối triện, phía trên có chữ “Bình” và phía dưới là chữ “Định” bằng quốc ngữ. Vì bận việc cư tang, ông chỉ lãnh đạo một thời gian cho có quy củ, rồi giao ấn tín cho Huỳnh Vân (huyện Phù Mỹ) và chỉ âm thầm làm cố vấn.

Tháng 9 năm 1908, bản án Phong trào Kháng Thuế Bình Định do án sát Bùi Giảng lập, và Tổng đốc Bùi Xuân Huyên đứng tên đệ nạp về triều, gồm 1 án trảm bêu đầu và 10 án trảm lập quyết, trong đó có Hồ Sĩ Tạo:

- Trảm bêu đầu: Phạm Quế người thôn Chương Hòa, tổng Thượng, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn; nay thôn Chương Hòa thuộc xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn.

- Trảm lập quyết: Ở huyện Hoài Ân có Đặng Tuyên người thôn Trí Tường [12], Trần Vỹ (tức Nguyễn Luân) thôn Tường Sơn. Ở huyện Phù Mỹ có Hồ Xuân Phong ở thôn Chánh Đạo, Hoàng Nguyên Hòa (tức Hoàng Vân) người thôn Tân Ốc. Ở huyện Phù Cát có Phan Lý, người tỉnh Quảng Ngãi, ngụ thôn Chánh An; Võ Chất người thôn Khánh Phước; Đặng Văn Chất người thôn Hội Sơn. Ở huyện Tuy Viễn có Hồ Sĩ Tạo và Bùi Phiên Dư đều là người thôn Hòa Cư. Ở phủ Tuy Phước có Lê Toại (tức Lê Thanh) người thôn Khuông Bình.

Quan bộ Hình thấy bản án do địa phương đề nghị quá nặng, bèn viết sớ tâu:

“... Nay nếu y hết theo án xử, quốc gia có chỗ bất nhẫn, huống chi cứu luật mưu bạn, cũng không có chữ lập quyết, mà tỉnh ấy xin xử quyết đến 10 tên, là trái ý luật; vả lại tiết thứ tỉnh ấy đã xử quyết một số đông, e trái với ý chí để gây lấy hoà khí. Hiện nay hạt ấy đều đã ninh thiếp, đối với các người can khoản, nghĩ nên đệ giảm, để tỏ sự khoan tuất.” [13]

image002
H 2: Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo (1869 - 1934),
Ảnh thờ, chụp năm 1932 [14].

Hồ Sĩ Tạo được cải án trảm lập quyết thành giảo giam hậu. Ông ngồi ngục tù ở thành Bình Định suốt 12 năm, người đời quen gọi là Lao Tiến Sĩ. Niên hiệu Khải Định thứ 5 (1920), ông mới được ân xá và cho khôi phục nguyên hàm.

IV - KHƠI LẠI VỤ ÁN TRUNG THIÊN ĐỒ

Ngục thành Bình Định còn hân hạnh đón nhận một nhân vật lịch sử từ nhà lao Quảng Nam chuyển vào. Đó là nhà cách mạng Trần Cao Vân.

Vào thượng tuần tháng 3 năm 1908, vụ chống sưu kháng thuế khởi phát ở Quảng Nam, Trần Cao Vân mới mãn hạn tù, không dính dáng gì đến phong trào này, nhưng cũng bị bắt vào ngục Quảng Nam. Đối với triều đình Huế và chính quyền Bảo hộ, ông là đối tượng nguy hiểm vì đã đề ra thuyết Trung Thiên. Một học thuyết phối hợp dịch Tiên Thiên của Phục Hy và dịch Hậu Thiên của Văn Vương bên Tàu, rồi sàng lọc ứng chế thành Trung Thiên dịch của Việt Nam, gây ảnh hưởng lớn trong giới sĩ phu và dân chúng hai tỉnh Bình Định và Phú Yên vào thập niên 1900. Nay vụ dân biến lan rộng đến hai tỉnh ấy lớn mạnh chưa từng có, nhà cầm quyền nghi ông là thủ lãnh bí mật của phong trào. Vì thế Trần Cao Vân bị giải giao cho quan tỉnh Bình Định tra xét nguồn cơn. Bước chân vào nhà lao thành Bình Định, ông gặp nhiều khuôn mặt quen thân, có người đã tham gia Phong trào Kháng Thuế, nhưng cũng lắm người vì giàu có hay vì hiềm tị mà bị bắt vào đây để khảo của hoặc để trả thù. Ông ứng khẩu ngâm bài ca trù an ủi bạn tù cùng cảnh ngộ:

Nhất sang ngâm sái sái,
Thiên trận bút thao thao.
Hỏi, việc chi? Ủa có biết đâu nào!
Khi không thỉnh vô lao ngồi lúc ngúc.
Nào những khách triều đình!
Nào những trang khoa mục!
Cục hỗn nguyên vinh nhục xáo nhất trường.
Xâu một xâu ngô đạo thấy mà thương!
Thử nhân vấn bỉ thương hề thuỳ tạo? [15]

Có câu rằng:

Trung phu hỉ tín ninh tu đảo,
Vô vọng sanh tai vị vị nhương.
Cũng bởi đâu bài xướng tự cường,
Cả tổng, lý, thôn hương đều cúp trọi [16].
Phải chi khất thuế sưu mà đặng khỏi,
Thà chịu mang tiếng nói Đồng Bào [17].
Nhưng mà thôi,
Kìa xanh xanh đà có Chúa trên cao,
Chẳng lẽ đâu nỡ phụ anh hào.
Vì hội đương ma huyện biết sao,
Tạo thời thế dẫu thế mà ta cũng...
Nầy nói thiệt:
Tay tạo hoá nghĩ đâu có vụng,
Bỉ chung rồi thái phục đó liền coi.
Giữa trời đuốc ngọn loà soi,
Sáng trong bốn cõi rạng ngoài muôn phương.
Cổ lai thử hội phi thường!
(Thơ trích từ Nhân Vật Bình Định [18])

Trần Cao Vân có cái “duyên” đối đầu với quan lớn Bùi Xuân Huyên đến ba lần. Lần đầu (1898), khi họ Bùi ngồi ghế Bố chánh Phú Yên, bắt ông nhưng không tìm ra bằng cớ ông gia nhập đảng Cần Vương của Võ Trứ, nên chỉ 11 tháng sau phải thả. Lần thứ hai (1900), quan Bố chánh vin vào tác phẩm Trung Thiên Đồ buộc tội “yêu thư, yêu ngôn,” tặng cho họ Trần bản án tử hình, may nhờ đệ tử kín đáo vận động ở triều đình, nên ông được giảm án còn khổ sai, đến năm 1907 mới được tha. Lần này (1908), Bùi Xuân Huyên là Tổng đốc Bình Phú, đứng tên đệ trình về triều bản cáo trạng, có đoạn viết:

“Trần Cao Vân, ấp Đông xã Tư Phú (tổng Đa Hoà) phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam, năm trước đến tỉnh Phú Yên giảng thuyết Trung Thiên Đồ, kế vì xảy ra việc treo cờ nã được, án xử tội đày (khổ sai 9 năm), mãn hạn về không biết an phận, năm ngoái còn dám lén đến hạt ấy, lén trú tại nhà của Nhữ Doanh, tụ hội đông người giảng thuyết Trung Thiên Đồ, giả danh thần tiên mà nói nỗi khổ binh dân chiến tranh và vận hội Đồng Bào cắt tóc năm Thân và năm Dậu về sau, trước tiên truyền bá khích biến, thật đáng tội. Vậy Trần Cao Vân, xin chiếu điều lệ luật tạo yêu thư yêu ngôn, xử trảm lập quyết, giấy Trung Thiên Đồ nói trên thủ tiêu.” [19]

Triều đình xét lại, giảm án tử còn “trảm giam hậu, phát giao Côn Lôn phối dịch.” [20]

image003
H3: Trần Cao Vân (1866 - 1916)
Ảnh từ Vi.wikipedia

V - LỜI KẾT

Phong trào Kháng Thuế Miền Trung nói chung và tại Bình Định nói riêng, là cuộc đấu tranh bất bạo động, quy tụ đông đảo quần chúng tham gia, từ tầng lớp nông dân, lao động đến các nhà khoa bảng, nhân sĩ và cả chức sắc hương lý. Phong trào đã sử dụng tối đa thơ ca, vè, hò, truyền đơn, biểu ngữ, diển thuyết để lôi kéo quần chúng. Từ Thừa Thiên đến Phú Yên, đâu đâu cũng đông đảo đoàn người gia nhập kéo đến dinh Công sứ và dinh quan tỉnh Nam triều để đòi giảm sưu thuế. Nhưng vì Phong trào có tính cách tự phát, thiếu sự lãnh đạo và tổ chức chặt chẽ, nhất là không được chỉ huy thống nhất từ trung ương, nên khi gặp sự đàn áp dã man của thực dân Pháp và sự đồng lõa của đám quan lại Nam triều làm tay sai ngoại bang, Phong trào nhanh chóng tan rã.

Tuy vậy, chính quyền Bảo hộ, cũng thấy nguy cơ sức mạnh quần chúng, một mặt xử án nặng nề những người lãnh đạo để dẹp hẳn Phong trào; mặt khác, có phần xoa dịu quần chúng như thay đổi cách thu thế chợ, không tăng thuế điền thổ, giảm bớt tiền thuế thân, giảm số ngày đi sưu và cho dùng tiền thay thế.

San Jose, ngày 25- 10- 2023
Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 86
ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG
Trong tập Những Chương Sách Rời, Chương 10


GHI CHÚ

[1] Phạm Văn Sơn; Việt Nam Cách Mạng Cận Sử, Quyển 5, Tập trung (Sài Gòn, tác giả xuất bản, 1963); trang 412.

[2] Mức đong lường lên đến sát miệng cái bát và bằng phẳng chứ không đầy vun lên, còn gọi là đong sét bát, hoặc đong sét đọi.

[3] Nguyễn Thế Anh; Phong Trào Kháng Thuế Miền Trung Năm 1908 Qua Các Châu Bản Triều Duy Tân (Sài gòn, Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, 1973); trang 169, chép là: “Tổng đốc Bình Định Tôn Thất Đạm” (dấu nặng); Quốc Triều Hương Khoa Lục của Cao Xuân Dục, bản dịch của Nguyễn Thi Nga và Nguyễn Thị Lâm, trang 453, cũng chép: “Tôn Thất Đạm” (trùng tên với Tôn Thất Đạm, con trưởng của Tôn Thất Thuyết). Nhưng trên Wikipedia tiếng Việt, tài liệu “Phong Trào Kháng Sưu Thuế Trung Kỳ (1908)” lại chép là “Tổng đốc Tôn Thất Đàm” (dấu huyền).

[4] Nguyễn Thế Anh, sđd., trang 169.

[5] Nguyễn Thế Anh, sđd., trang 81, chép: “Tiếp lãnh Tổng đốc Bình Định thần Bùi Xuân Huyến (dấu sắc) tấu đệ 2 bản án.” Nhưng trong Quốc Triều Hương Khoa Lục của Cao Xuân Dục, do Nguyễn Thúy Nga và Nguyễn Thị Lâm dịch, trang 429, lại chép: “Bùi Xuân Huyên (không dấu), người xã Triều Sơn, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên.”

[6, 8] Năm 1906, đời Thành Thái (1889 - 1907), tỉnh Bình Định thành lập thêm 1 phủ và 1 huyện nữa, được điều chỉnh lại như sau (Nguyễn Đình Đầu, Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn Bình Định I, trang 128 - 129):
- Phủ Hoài Nhơn coi 4 huyện ở phía Bắc của tỉnh: huyện Bồng Sơn có 4 tổng với 105 thôn; huyện Hoài Ân, mới thành lập, có 3 tổng với 61 thôn trang; huyện Phù Mỹ có 4 tổng với 123 thôn; huyện Phù cát có 4 tổng với 127 thôn.
- Phủ An Nhơn coi 2 huyện phía Tây của tỉnh: huyện Tuy Viễn ở đồng bằng, có 4 tổng với 93 thôn; huyện Bình Khê ở miền núi, có 4 tổng với 46 thôn trang.
- Phủ Tuy Phước ở phía Nam của tỉnh, mới thành lập, nguyên là huyện Tuy Phước thuộc phủ An Nhơn, tách ra và nâng lên thành phủ, coi 4 tổng với 147 thôn trang.
Vậy, khoảng thời gian này, tỉnh Bình Định có 3 phủ, coi 6 huyện, 26 tổng, 702 thôn và trang.

[7] Tên của ông, theo Quốc Triều Hương Khoa Lục (bản dịch, trang 596) chép là “Lê Truân”; theo Phong Trào Kháng Thuế Miền Trung năm 1908 Qua Các Châu Bản Triều Duy Tân (bản dịch, trang 72), chép là “Lê Chuân.” Chữ “諄” đọc là “Truân” hoặc “Chuân” cũng được vì đồng nghĩa dị âm.

[9] Thôn Phú Đa: theo Đia Bạ Triều Nguyễn: lập 1815, địa danh này là Phú Lương Đông khách hộ ấp (富 良 東 客 戶 邑), tổng Trung (中 總), huyện Phù Ly (浮 鸝 縣), phủ Qui Nhơn, trấn Bình Định; lập năm 1839, cải danh là thôn Phú Thực (富 實 村), tổng Trung Bình (中 平 總), huyện Phù Mỹ (浮 美 縣), phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Đinh. Theo Đồng Khánh Địa Dư Chí lâp sau năm 1885, đổi là thôn Phú Đa (富 多 村), tổng Trung Thành (忠 誠 總), huyện Phù Mỹ, phủ Hoài Nhơn.Và đến năm 1910 địa danh này vẫn còn mang tên Phú Đa (theo Niên Giám Đông Dương). Sau đó, giải thể và nhập vào huyện Phù Cát. Theo Phan Trường Nghị, tác giả bộ sách sắp xuất bản “Làng Xã Bình Định Xưa & Nay,” cho rằng: “Về sau có lẽ hạ lưu sông La Tinh đổi dòng, nên Phú Đa cùng thôn Phú Hội và Cảnh An của Phù Mỹ đã chuyển dịch nằm phía bờ Nam của sông La Tinh thuộc huyện Phù Cát. Khảo chứng các tài liệu: Bùi Văn Lăng, Địa Dư Mông Học Tỉnh Bình Định, in 1935 và 1938; Bảng Kê Dân Số & Cử Tri Tỉnh Bình Định của Tòa Hành Chính tỉnh Bình Định gửi Phủ Tổng Thống ngày 31.10.1972; bản đồ UTM trước 1975; thấy được ấp Phú Hiệp của xã Cát Tài quận Phù Cát là Phú Đa và Phú Hội hợp lại. Ấp Cảnh An của Cát Tài nằm kề bên Phú Hiệp.Và nay là thôn Phú Hiệp, xã Cát Tài, huyện Phù Cát.

[10] Nguyễn Thế Anh, cùng tác phẩm, trang 92, ghi là “Nguyễn Du, thôn Phú Nông, phủ Hoài Nhơn.” Theo Quốc Triều Hương Khoa Lục, thời Nhà Nguyễn, có 5 người cùng tên là Nguyễn Du đỗ Cử nhân Nho học, gồm: Nguyễn Du người tỉnh Quảng Nam, đỗ năm 1879; Nguyễn Du người tỉnh Quảng Ngãi, đỗ năm 1882; Nguyễn Du người thôn Phú Nông, huyện Bồng Sơn, phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, đỗ năm 1885; Nguyễn Du người tỉnh Bắc Ninh, đỗ năm 1888; Nguyễn Du người thôn Đại Thuận, tổng Trung Bình, huyện Phù Mỹ, phủ Hoài Nhơn, đỗ năm 1897.

[11, 13] Nguyễn Thế Anh, cùng tác phẩm, từ trang 90 đến 93, trang 94.

[12] Sách đã dẫn, trang 89, chép “Thôn Trí Tường, phủ Hoài Nhân.” Nếu viết đầy đủ, lúc bấy giờ (1908), thôn Trí Tường thuộc huyện Hoài Ân, phủ Hoài Nhơn. Vì từ năm 1890, một phần đất phía Tây Nam huyện Bồng Sơn được tách ra để thành lập châu Hoài Ân. Năm 1899, được nâng lên thành huyện Hoài Ân, và vẫn thuộc phủ Hoài Nhơn. Đến năm 1910, huyện Hoài Ân không còn lệ thuộc phủ Hoài Nhơn nữa. Ngày nay, thôn Trí Tường thuộc xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định.

[14] Câu đối của Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo do chính tác giả tự đề trên ảnh thờ.
Ngoài ra, câu đối này còn được Cử nhân Trần Đình Tân sưu tập chép vào “Chư Danh Gia Đối Liên Tâp” hiện được lưu giữ ở từ đường Trần tộc thôn Cảnh Vân, xã Phước Thành, huyện Tuy Phuóc.
Việt Thao phiên âm và tạm dịch:

a/ Nguyên văn:
保 大 壬 申 春
我 独 何 為多 亊 哉
少 負 虛 名 士, 繼 作 官 場 奴, 間 憂 失 於 國 衷 囚, 紅 粧 粉 面 漆 身, 半卋 已 成 三 变 刼;
今 可以告 無 罪 矣
朝 出 耕 田 翁, 暮 入 灌 園 叟, 夜 靜 卧 聽 家 兒 讀, 琴 侶 詩 朋 酒 友, 餘 生 還 問 幾 知 音。
藍 江 主 人 自 題

b/ Phiên âm:
Bảo Đại Nhâm Thân xuân
Ngã độc hà vi đa sự tai! Thiếu phụ hư danh sĩ, kế tác quan trường nô, gian ưu thất ư quốc trung tù, hồng trang phấn diện tất thân, bán thế dĩ thành tam biến kiếp;
Kim khả dĩ cáo vô tội hĩ! Triêu xuất canh điền ông, mộ nhập quán viên tẩu, dạ tĩnh ngọa thính gia nhi độc, cầm lữ thi bằng tửu hữu, dư sinh hoàn vấn kỷ tri âm?
Lam Giang chủ nhân tự đề.

c/ Dịch nghĩa:
Một mình ta mà sao gặp lắm chuyện vậy thay?
Lúc trẻ cậy vào danh tiếng hão là người có học, tiếp đến vào chốn quan trường làm người đầy tớ, đang cư tang mẹ thì mất cả lại bị tù vì lòng ngay thật với nước. Mặc áo đỏ, mặt trắng phấn, thân đen đủi, nửa đời mà đã ba lần đổi kiếp.
Nay có thể trình thưa là không có tội vậy!
Buổi sáng rời nhà làm ông cày ruộng, buổi chiều về nhà làm ông lão tưới vườn, đêm thanh vắng nằm nghe con mình đọc sách. Bạn đàn, bạn thơ, bạn rượu, và kiếp sống thừa hỏi lại còn mấy kẻ tri âm?
Chủ nhân Lam Giang tự đề trên ảnh.

d/ Dịch đối nguyên thể:
Thân ta sao gặp lắm chuyện thay?
Lúc trẻ kẻ sĩ hảo, tiếp làm nô quan trường, đang cư tang bị tù vì nước. Áo đỏ, thân đen, mặt trắng, nửa đời mà ba lần đổi kiếp;
Nay được thưa là không tội vậy!
Chiều làm lão tưới vườn, sáng làm ông cày ruộng, đêm vắng nằm nghe con đọc bài. Bạn đàn, bạn rượu, bạn thơ, sống thừa còn mấy kẻ tri âm?
Chủ nhân Lam Giang tự đề

[15] Hành Sơn; Cụ Trần Cao Vân (Paris VI e, nxb Minh Tân, 1952); trang 68: tiếp theo đây có thêm hai câu thơ:
“Phen này quyết níu lưng con tạo,
Mở bùng ra xin hỏi đạo đại nguyên.”

[16, 17] Đoàn người biểu tình gọi nhau là “Đồng Bào,” họ mang theo dao kéo, cắt “búi tóc” tất cả những người gia nhập, hoặc gặp trên đường. Họ cho rằng đàn ông mà để búi tóc là hủ lậu, cần cải cách để tiến bộ và theo kịp đà văn minh của nhân loại.

[18] Đặng Qúy Địch; Nhân Vật Bình Định (Sài Gòn, soạn giả xuất bản, 1971); trang 227 - 228: chép trọn bài, gồm 27 câu, nhưng không có hai câu thơ ở ghi chú số 14.

[19, 20] Nguyễn Thế Anh; Phong Trào Kháng Thuế Miền Trung Năm 1908...; trang 87, 88.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ ĐÀO VĂN và 2 tgk; Thơ Ca Yêu Nước Và Cách Mạng Nghĩa Bình, Tập 1; Qui Nhơn, Ty Văn Hóa và Thông Tin Nghĩa Bình xuất bản, 1981.
2/ ĐÀO ĐỨC CHƯƠNG; Những Viên Toàn Quyền Cai Trị Liên Bang Đông Dương, Phần 1 “Tạp Chí Làng Văn” (Toronto Canada) số 145, tháng 09- 1996; trang 32- 40.
3/ ĐẶNG QUÝ ĐỊCH; Nhân Vật Bình Định; Sài Gòn, soạn giả xuất bản, 1971.
4/ HÀNH SƠN; Cụ Trần Cao Vân; Paris VI e, nxb Minh Tân, 1952.
5/ NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn - Bình Định, 3 tập; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.
6/ QUÁCH TẤN; Nước Non Bình Định; Sài Gòn, nxb Nam Cường, 1967.
7/ NGUYỄN THẾ ANH; Phong Trào Kháng Thuế Miền Trung Năm 1908 Qua Các Châu Bản Triều Duy Tân; Sài gòn, Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên, 1973.
8/ PHẠM VĂN SƠN; Việt Nam Cách Mạng Cận Sử, Quyển 5, Tập trung; Sài Gòn, tác giả xuất bản, 1963.
9/ VŨ NGỌC LIỄN; Kẻ Sĩ Đất Thang Mộc; Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1997.
Thêm bình luận