Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200

Lá Ngoài Khung Cửa

Có trên nửa thời gian của ngày và đêm, tôi ngồi ở đây. Trên cái ghế xoay thân thiết của mình để viết, ngẫm nghĩ, đọc, nhìn - ngó, ghi chép... Một nơi tôi đã gắn bó trên ba năm nay, khi dọn về sống ở ngôi nhà này.

Đúng ra chỗ tôi làm việc chỉ là một cái đường luồng thông thương giữa nhà trên với nhà dưới và sít cận với phòng ngủ nhưng nhờ biết sắp xếp, đã có thể đẹp hơn rất nhiều lần. Một cái bàn hẹp - dài, vừa đủ để đặt máy tính. Bức vách đối diện được ốp mica vàng sậm với những sọc chạy dài tựa thớ gỗ. Trông cũng hay! Một chữ "Tâm" viết bằng thư pháp đóng khung cẩn thận, được treo lên chỗ cao nhất sát cạnh là chùm đèn. Bên trái và phía dưới là câu: "Hãy cứ vui như mọi ngày..." được trích ra từ một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và bên phải là tấm lịch phong cảnh Úc của người bạn tận bên đó gửi về.

Xem tiếp...

Chợt thức giữa lưng chừng đèo

Có lẽ, tôi đã chợp mắt được một chút. Xe chạy êm, lướt tới. Một nơi nào đó xuất hiện ở trước mặt và một nơi nào đó, lùi lại ở đằng sau.

Tôi khởi hành vào buổi chiều vì muốn sớm mai sẽ về tới nhà và trên hết vì ưa đêm ở trên đường. Thích thật khi có cái cảm giác ở giữa lòng đêm khi xe băng băng qua rất nhiều nơi chốn. Cái đìu hiu của một thị tứ kề bên những rậm rạp của một cánh rừng. Cây cầu, sông nước, đường phố... và đêm. Đêm phủ trùm lên tất cả. Tôi lơ mơ giữa trạng thái ngủ - thức và bật dậy ngay, khi xe chạy tới đèo Cả. Mắt tôi mở rất to như để thu nhận cho bằng hết cảnh quan thật là tuyệt vời vào lúc ấy. Đẹp quá! Đẹp đến bàng hoàng. Núi sừng sững một bên. Những vách đá thô ráp, cho ta cái cảm giác đêm lạnh và ơ thờ. Và biển loang loáng, một bên. Mênh mông nước... Rờn rợn nước... cho ta cái cảm giác đêm sâu và hắt hiu. Một vài chiếc thuyền câu cỏn con và ánh lửa, tỏa ra tự đấy. Cũng hết sức nhỏ nhoi giữa khơi xa lồng lộng, làm tăng thêm cái đẹp của thiên nhiên, khi được ấp ủ trong không gian đêm huyền ảo.

Xem tiếp...

Bà Bắc

"Bà Bắc", "bà Bắc"... là cách gọi của mọi người ở đây dành cho mẹ tôi. Cũng do gia đình tôi có gốc gác ở ngoài đó. Khi mẹ tôi hãy còn, đôi khi nghe, thấy lợn cợn trong lòng vì khó chịu. Sau khi mẹ tôi mất, thi thoảng nghe, sao rưng rưng quá những ngậm ngùi.

Mẹ tôi ngã bệnh khi sắp đến trung thu. Một lần ốm cuối cùng trong đời. Ốm mà chẳng kịp hay biết gì bởi càng lúc mẹ càng hôn mê sâu hơn. Mẹ đi vào buổi tối, ngay sau đêm rằm... Thành phố sũng mưa vào lúc đưa mẹ về với đất. Nơi mẹ nằm trắng ngát màu hoa huệ và lờ nhờ khói hương. Khói vướng mưa nên đâu thể bay xa và bay cao. Cứ lẩn quẩn và loanh quanh hoài một chỗ như mấy anh chị em tôi, không nỡ rời mẹ, chân sao không đành về.

Xem tiếp...

Biển Và Mẹ

(viết thay cho bạn thân: Bích Ái)

Gia đình tôi mới dọn đến vùng này, được mấy tháng nay. Dời căn nhà nhỏ bé, sơ sài của mẹ trước đây - một căn nhà hơi xa phố và sát biển - . Chúng tôi được làm chủ một ngôi nhà rộng rãi, thoáng đãng và đầy đủ tiện nghi vậy mà tôi vẫn nghe như mình vừa mất đi một cái gì đó rất đỗi thiêng liêng và gần gũi. Tâm hồn cứ như là hụt thiếu, chông chênh.

 

Xem tiếp...

Yêu Hơn Một Quê Nhà

Gia đình tôi gốc bắc. Sau khi rời quê, chúng tôi đã ở rất nhiều nơi trước khi định cư hẳn tại đây: Bình Định. Để rồi, đã mấy chục năm trôi qua với bao nhiêu biến động, đổi thay trên mảnh đất này. Chúng tôi đã xem Bình Định như thể là quê hương thứ hai của mình vậy.

Nhà tôi hồi trước ở khu Hai và sát ngay bên chợ Xổm. Đó là một khu vực hết sức phức tạp và cuộc sống ở đó càng bừa bãi hơn khi có sự xuất hiện của lính Mỹ. Vốn sẵn nếp nhà lại thêm được bố mẹ uốn nắn, giáo dục hết sức nghiêm túc nên anh chị em chúng tôi, đã không hề bị tác động xấu từ những cảnh sống nhố nhăng ở chung quanh. Tôi luôn nhớ đến những buổi tối bình yên ở gia đình mình, hồi đó: cái đèn dầu được đặt giữa bàn tỏa ra thứ ánh sáng vàng đượm và ấm áp, soi rõ hình ảnh chúng tôi ngồi xúm xít bên nhau, cùng chăm chú học hành dưới sự nhắc nhở ân cần của mẹ - một người phụ nữ không hề biết chữ .

Xem tiếp...

Bài học năm chữ

Tôi học cấp một ở trường Nguyễn Công Trứ, Qui Nhơn. Giáo viên phụ trách lớp ba của chúng tôi là thầy Nguyễn văn Trọng. Thầy có dáng dấp rất nghệ sĩ. Ốm và cao. Tóc bồng bềnh và ăn mặc chải chuốt. Đi giày mũi nhọn và nói giọng miền nam. Đến trường trên một cái xe Solex đen tuyền. Phải nói thầy rất là ấn tượng đối với lũ học trò chúng tôi, ngày ấy.

Học trò trường tôi toàn là dân khu Hai, mà hồi đó, nhắc tới dân ở đây, ai cũng thấy... ái ngại. Nào là dân khu Hai ăn ở bừa bãi, hung dữ, hỗn hào... Nào là dân khu Hai bài bạc... Bởi đó bài học đầu tiên của thầy, chỉ xoay quanh chuyện này. Như không được đánh giá bất cứ một việc gì theo đám đông, muốn cho người khác nghĩ là gia đình mình tốt, cái nơi mình ở tốt thì chính mình phải ráng sống tốt đã. Và thầy kết luận bài giảng dạy của mình trong năm chữ: "Phải có tính độc lập". Một bài học, ngẫm ra, là quá cao, so với nhận thức của chúng tôi thuở đó. Nhưng khi đã nếm trải mùi đời, đã sống với đủ mọi hạng người và lăn lóc khắp nơi, tôi mới nhận ra hết giá trị của bài học ngày ấy và biết ơn thầy, dù là trong thầm lặng.

Xem tiếp...

Đã tắt rồi một giọng hát hay

LTS. Bài này đã đăng trên ĐS CĐ-NTH cách đây chừng mười năm. Xin cám ơn chị Mỹ Nữ đã cho phép đăng lại ở đây.

Thương tặng hương hồn Nguyễn Hữu Dự

Bạn tôi bị ung thư gan và chắc chắn là không qua khỏi. Từ lúc phát bệnh và nhập viện, bạn bè, những người quen biết tới thăm rất đông. Dân tỉnh nhỏ của chúng tôi vốn sống rất gần gũi, thân tình.


Thôn, Hà, Nguyễn Hữu Dự và Thiện (1995)

Xem tiếp...

Ký ức… Bắc

Đã cuối hè mà trời hãy còn nóng quá. Thời tiết oi bức như thế này người miền trung thường ưa ăn canh rau tập tàng. Người miền ngoài như tôi lại thích canh mướp mồng tơi hoặc canh rau đay. Đấy! Cũng vì mấy mớ rau đay mà sáng nay ở chợ tôi được làm quen với một người đồng hương. Một cụ bà mà chất Bắc chưa thấy suy suyển một tí gì. Còn rất nguyên vẹn dẫu sống ở trong Nam đã rất lâu năm. Cụ bảo ở vùng chợ ông Tạ. Ra ngoài này thăm gia đình thông gia. Chẳng là con trai cụ làm rể ở đây mà.

Từ cụ bà, với một nơi cứ được hỏi đi và nhắc lại mà cả một vùng trời cũ, một chốn cũ ập đến, khiến tôi bồi hồi suốt cả một giấc trưa. Không sao chợp mắt được. Ký ức bỗng sống dậy. Ký ức có tôi với tuổi mười tám cùng những chuyến xe buýt Sài Gòn - ngã tư Bảy Hiền ngày bữa đi, về. Có ngôi nhà thân thương của cậu mợ tôi ở ngay vùng chợ ông Tạ. Một khu vực là xóm đạo gồm toàn người Bắc bởi đó chưa cần đặt chân vào xóm, chỉ cần đứng lớ ngớ ngay cổng vào, sát cạnh mấy căn nhà ở ngoài đường Phạm Hồng Thái (cũ) là đã cảm thấy ngay một thế giới đặc sệch Bắc, bủa vây.

Xem tiếp...

Anh và Guitar

LTS: Mỹ Nữ là một cây bút quen thuộc với người đọc trong nước. Đặc biệt hơn nữa, chị học ở Nữ Trung Học QN làm dâu Cường Để ! Cuongde.org rất lấy làm hân hạnh và xin thành thật cám ơn chị đã gởi bài vở về đóng góp. Hi vọng từ đây chị sẽ về sinh hoạt thường xuyên.

Ngày đó, chị biết anh: Một chàng trai cao, gầy, ít nói. Cũng hay đó là một người hát thật hay và chơi được guitar. Tiếng đàn anh dẫu non yếu vẫn rất truyền cảm. Sang và trầm.

Trên mấy chục năm neo đậu lại với đời nhau. Từ thủa yêu đến khi nên vợ thành chồng. Anh vẫn chơi guitar như thế. Sự truyền cảm, hồi trẻ, anh có được hết sức tự nhiên nhưng lớn tuổi thêm, anh có là do biết giữ gìn và nuôi dưỡng. Cái tâm không sáng tiếng đàn đục ngầu, có gì lạ? Cái tâm đầy những mưu cầu tiếng đàn sao run rẩy nổi những cung bậc của nỗi niềm: thương yêu cùng khắc khoải, nhớ nhung và đợi mong. Còn cái sự sang cái đằm, trầm… Cũng là ở chính con người mà ra cả. Từ chính mình mà có được một cách sống, lối chơi đàn, tiếng hát.

Xem tiếp...