Tôi tình cờ quen em trong một tiệc cưới. Em đi cùng ba mẹ và em ngồi cùng bàn với tôi. Em lịch sự, em nhỏ nhẹ. Qua những lời giới thiệu, tôi biết em đã học ra trường bộ môn vi tính và đang làm việc cho môt công ty thiết kế những con chip. Điều đó cho tôi biết rằng em rất thông minh, nhưng tôi có thể nhìn thấy sự bất thường nơi em qua cử chỉ và cách diễn đạt. Không phải sự bất thường về thể chất không thôi mà cả về tâm thần. Mỗi khi em bắt đầu muốn nói một điều gì, những cơ mắt, môi, miệng của em co giật và tôi có thể nhìn thấy sự cố gắng nơi em. Em không làm chủ những cử động của mắt môi em, những cái nhíu mày cũng không phải vì em đang suy nghĩ.

Tôi bắt chuyện với em và hỏi "Tí anh có muốn đi dạo một vòng với cô không? Mình đi xem những gian hàng quanh đây trong khi mình chờ đợi buổi tiêc bắt đầu nghe Tí! Tôi vừa hỏi vừa đứng dậy bước ra khỏi bàn cùng cô con gái. Tí anh đi theo. Em hỏi cô con gái tôi bằng tiếng anh "Bi, về đây lâu chưa? Và có thích VN không?" Bi trả lời bằng tiếng việt "Da, em về được một tuần rồi, và thích lắm, chỉ có nóng quá mà thôi. Bi nói được tiếng việt, anh nói tiếng việt với em đi". Tí anh trả lời "anh muốn thực hành tiếng anh của anh đó mà". Thế là hai anh em nói chuyện qua về tiếng anh, tiếng việt chen lẫn nhau. Em hỏi tôi "Cô về thăm nhà lần này là lần thứ mấy?" Tôi trả lời "lần thứ 7 trong vòng 30 năm, ít quá phải không?" Em cười "cũng nhiều đó chớ, con biết có người chưa về lần nào nữa đó, con nghe ba con nói!". Tôi trả lời em "Oh! mỗi người mỗi hoàn cảnh con à!"

Đó là những câu chuyện qua về giữa em với tôi, giữa em với Bi. Tôi kể nghe mạch lạc quá phải không? Nhưng sự thật thì không như thế đâu. Em cố gắng vô cùng khi em nói thành lời, khó khăn đến nổi mà tôi không dám hỏi thêm, khó khăn đến nổi mà tôi muốn em ngừng nói. Tay chân em run rẩy, mồ hôi em ướt đẩm chiếc áo sơ mi màu hồng đậm như cánh sen. Nhưng tôi có thể nhìn thấy ánh mắt em sáng ngời khi tôi lắng nghe em. Thế nên tôi đã không nở lòng nào mà bắt em ngừng nói. Trong tôi có những suy nghĩ chợt đến mà không dám hỏi cha mẹ em là em bệnh gì? Không biết cha mẹ em đã đưa em đi gặp bác sĩ chưa? Và có thuốc gì giúp em chế ngự được sự run rẩy, chế ngự được những co giật của cơ mặt hay không? Tôi cầm đôi bàn tay ướt đẩm mồ hôi và đang run lẩy bẩy của em, tôi hỏi "con có sao không?".Em trả lời "Con không sao, đâu có gì đâu cô". Em đang từ chối một sự thật hay em không biết em đang bệnh. Nếu em từ chối sự thật thì tôi đáng trách biết dường nào! Tôi đang làm em bối rối. Tôi nhìn em không rời và tự hỏi tôi phải làm gì đây!

Sau hai mươi phút cùng em vừa đi dạo vừa trò chuyện, cả ba chúng tôi vào lại bàn tiệc và em lại ngồi sát bên Bi. Tôi ngồi cách Bi một ghế nên tôi có thề nhìn thấy Bi rõ ràng. Sao tự dưng hai con mắt Bi đỏ hoe, và Bi mím môi cố gắng giữ cơn xúc động để khỏi khóc. Tôi bối rối và hỏi Bi "Bộ mẹ làm gì không vừa ý con? Hay con thấy chán không vui ở tiệc cưới này vì con không biết ai, và toàn là người lớn, nói cho mẹ biết đi". Bi cố giằng cơn xúc động và trả lời" Mẹ à, con thấy tội nghiệp anh Tí anh quá, anh vừa đứng dậy là có người vào chiếm chỗ anh, sao không ai quan tâm đến anh". Thật vậy! Tí anh không ngồi yên được lâu. Tôi để ý và thấy em lúc nào cũng ở trong trạng thái bồn chồn mà lại dững dưng với thế giới chung quanh mình. Em đi loanh quanh. Em nhìn ngược, nhìn xuôi. Em đi không có một chủ đích nào cả. Nghe Bi nói, tôi để ý và thấy ngay cái ghế của Tí anh ngồi khi nãy đã có vị người lớn nào vào thế chỗ. Thế là tôi nói với Bi "để mẹ qua bàn bên kia lấy thêm cái ghế chen vào đây và con phải bắt anh Tí anh ngồi để khỏi mất ghế nhé, đừng cho anh đi nữa!". Tôi đi nhắc ghế, và Bi cầm thêm bộ chén đũa qua cho Tí anh. Trông Tí anh như người không bình thường nhưng mà Tí anh biết nói "Cảm ơn Bi" nghe mới xốn xang trong lòng!

Suốt buổi tiệc, Tí anh làm bạn với Bi, làm bạn với tôi và tôi có thể đọc trong ánh mắt Tí anh một niềm vui nho nhỏ. Lòng tôi rộn ràng và ấm áp. Rồi cũng đến lúc chia tay và chúng tôi trao nhau số điện thoại. Tôi về đến nhà lúc 9 giờ 30 tối. Mười giờ, điện thoại reo. Nhấc điện thoại và ở đầu dây bên kia là Tí anh. Sau vài phút nói chuyện với tôi, Tí anh hỏi "cho con nói chuyện với em Bi được không cô". Tôi đưa điện thoại cho Bi và nghe Bi trả lời 'em khỏe, còn anh Tí anh thi sao? Anh giữ gìn sức khỏe nghe?. . và hai anh em nói chuyện qua về với nhau đủ điều. Tôi có thể đọc được Bi cũng đang chịu khó thật nhiều với anh Tí anh. Tôi nói với Bi "cảm ơn con đã kiên nhẫn lắng nghe anh" vì tôi hiểu rằng ở tuổi 15, để có thể làm được điều này đòi hỏi một cố gắng vô cùng tận!

Rồi từ cái đêm tình cờ gặp gỡ ấy, em gọi cho tôi thường xuyên hơn. Điều này cho tôi nghĩ rằng, bản năng thèm khát được quan tâm không mất đi dù tâm thần không được bình thường. Bất chợt, tôi nghĩ chắc người điên đôi khi cũng cảm nhận nỗi cô đơn! Chắc người mất trí đôi khi cũng ngồi khóc một mình khi thấy lòng trống vắng. Tôi thật sự thấy trái tim mình co thắt.

Rồi tôi tiếp tục chuyến đi ra miền trung. Đến thành phố nào tôi cũng nhận được điện thoại của em và cứ thế tôi nghĩ đến em mỗi khi đêm về. Hình ảnh của em cứ ám ảnh tôi suốt thời gian qua và cho đến bây giờ đây, khi tôi đang ngồi viết những giòng chữ này lòng tôi rưng rưng vì nhớ Tí anh, và vì thấy mình bất lực trưóc nỗi đau của em. Không biết em có biết là tôi đang nghĩ đến em không? Chắc có người sẽ bảo tôi điên. Ừ, mà em điên hay là tôi điên! Không chừng em lại nói tôi điên, vì sao tự dưng tôi lại nghĩ đến em, một người tình cờ chỉ gặp ở tiệc cưới và ngồi cùng bàn, chỉ gặp một lần!

Trước khi về lại Mỹ, tôi được biết em không thể tiếp tục làm việc được nữa. Em sẽ nghĩ để chữa bệnh. Em cần về lại Phan Thiết. Em cần về ở cùng ba mẹ em. Chỉ có ba mẹ mới đủ kiên nhẫn làm bạn với em, chỉ có tình yêu bao la ấy, may ra mơí đủ sức giúp em bớt bệnh. Nhưng sao tôi mơ hồ cảm thấy một sợi dây vô hình đang cột chặc em lại với tôi. Mấy ngày nay, tôi nhớ em. Tôi cầu nguyện cho em. Tôi cầu xin phút nhiệm màu của đấng toàn năng. Biết đâu em sẽ bình thường trở lại. Tôi cầu xin!

Chuyến đi Việt nam nào cũng để lại trong tôi những ray rức bởi những mảnh đời, những thân phận mà tôi tình cờ gặp, tình cờ cảm nhận một gắn bó, một cảm thông. Tình cảm này cứ vương vấn tôi nhiều tháng ngày sau đó!

Đôi khi tôi ước gì, ước gì mình đừng có một trái tim quá nhạy cảm với cuộc đời, có lẽ mình sướng hơn chăng? Ước gì! Ước gì!


Nguyễn Kim Tiến

27 tháng 7 năm 2010