Trong chuyến đi nghỉ hè ở miền đông nước Mỹ năm nay, tượng đài Nữ Thần Tự Do là một trong những điểm dừng chân của chúng tôi. Chúng tôi mua vé và xếp hàng chờ lên tàu để đi ra đảo. Trong khi chờ đợi lên tàu, một người đánh trống dạo đã hỏi tôi người nước nào, tôi trả lời Việt Nam, thế là ông ta đánh vài câu của bài Quốc Ca. Chút vui, chút buồn quyện lấy trong tôi. Và một chút quà cho người đánh trống. Dĩ nhiên là ông không đòi hỏi nhưng đó là cách kiếm tiền để sống của những người đàn dạo ở những nơi du lịch đông người, nhất là ở dưới những ga tàu điện ngầm ở thành phố New York.
Ở một trạm tàu khác, tôi đã dừng lại lắng nghe ban nhạc hát rong đang chơi những bài nhạc Rock, mạnh mẽ và đầy thách thức. Họ ăn mặc đơn giản, chiếc quần Jeans và chiếc áo thun. Tôi có nghe sơ qua về ban nhạc này nên tôi có ý đưa mắt tìm kiếm một người con gái gốc Á đông chơi đàn trong ban nhạc. Đúng vậy, người con gái gốc Á châu đang say sưa chơi đàn không hề hay biết có một người gốc Á đang lắng nghe và chăm chú nhìn mình. Dạo này tôi hay suy nghĩ mông lung, tôi hay thắc mắc vì sao người này lại ở trên sân khấu để xiếc, người kia để hát, người nọ để múa làm vui cho khán thính giả. Không biết có bao nhiêu ngành nghề vị trí khác nhau trên trái đất để tạo nên cuộc đời này. Điều này làm tôi nhớ lại bài học về xã hội của loài kiến mà lúc nhỏ tôi đã không cảm nhận một cách rõ ràng!
Tất cả mọi loại hình nghệ thuật đều cuốn hút tôi. Tôi đứng và lặng nhìn cô, cứ đứng yên nhìn cô đàn mà lòng miên man biết bao suy nghĩ . Gương mặt cô, đôi mắt và trái tim cô đang hoà nhịp cùng đôi tay lướt trên phím đàn tạo nên những động tác đầy sức sống của thân hình làm tôi say mê lắng nghe và nhìn ngắm. Tôi không rành về đàn nên tôi không biết cô đóng vai trò gì trong ban nhạc, bass hay solo. Tôi nghe và hay suy tư! Nhìn họ, nghe họ, tôi lại ước ao giá mà tôi cũng có tài như họ, biết đâu tôi cũng sẽ chia sẻ với đời những sâu lắng trong hồn tôi qua từng nốt nhạc. Những nốt nhạc bay bổng trong không gian, lăn tròn cùng mây gió làm tôi ngây ngất thần thờ!
Trong cái nóng ẩm ướt của mùa hè miền đông nước Mỹ, nắng hừng hực như thiêu đốt da thịt, vậy mà đi đâu tôi cũng thấy kẻ chơi cello, người thổi kèn, kẻ chơi violin, người đàn guitar đang thả cuộc đời mình trong từng bản nhạc. Nắng như làm tăng thêm nhịp đập của trống, làm réo rắc thêm tiếng kèn và tiếng đàn trở nên thánh thoát hơn bên dòng người vội vả. Đường phố lúc nào cũng kẻ qua người lại bỗng nhiên làm tôi đem lòng nhớ đến cảm giác lần đầu tôi đặt chân đến Sài Gòn, một thành phố đông đúc và phức tạp không khác gì nơi đây. Có thể thành phố lớn, đông dân cư nơi nào trên thế giới cũng cho ta cái cảm giác tương tợ nhau, vội vả nhưng lại tràn đầy sức sống?
Tôi đã đến thành phố Sài Gòn của tôi từ thành phố biển hiền hoà nhỏ nhắn của tôi, nơi tôi lớn lên cùng gió mưa nắng nóng. Tôi cũng đã từng ngơ ngác đứng nhìn những căn nhà cao tầng cách đây gần 40 năm, thành phố Sài Gòn như tôi đang nhìn những dãy nhà cao tầng nơi đây, thành phố New York. Những cao ốc xếp từng hàng như những chiếc hộp diêm vuôn vắn mà tôi đã dùng để xây cất những thành phố hiện đại trong những trò chơi tuổi nhỏ của tôi. Thành phố New York, một thành phố năng động và vội vả đến mệt mỏi. Những chờ đợi ở ga điện ngầm, chen lấn ở những giờ cao điểm làm tôi hụt hơi nhưng chính nó đã cho tôi biết ơn hơn nơi tôi đang ở, hiền hoà và yên lặng, một thành phố cây xanh bóng mát và có mật độ vừa phải. Có lẽ cảm giác mệt mỏi hiện lên từng nét mặt với người ở đây bởi chẳng có gì mới lạ trong sinh hoạt mưu sinh hằng ngày nhưng là nơi lại cho du khách cái cảm giác tưng bừng nhộn nhịp. Tôi có chủ quan quá không đây!
Tượng đài Nữ Thần Tự Do nằm cách thành phố New York bởi một cái vịnh sóng nước chập chùng. Đứng dưới tượng đài mới thấy độ lớn của tượng đài. Tôi bỗng thấy mình nhỏ bé không phải chỉ với sự bề thế của bê tông cốt sắt cụ thể mà còn quá nhỏ bé với biểu tượng hai chữ Tư Do. Nó như một thách thức vô cùng tận khi cánh tay với ngọn đuốc vươn cao hướng lên bầu trời xanh thẳm. Tôi nhớ đến câu nói bất hủ của tổng thống F. Rosevelt " Freedom is not free". Thật vậy, chúng ta đã trả giá quá đắc để có Tự Do, nhưng làm sao để giữ nó. Tôi nghĩ đó là một việc làm không bao giờ ngừng nghỉ.
Tôi đi một vòng dưới tượng đài, đôi khi đứng lại, nhìn trời đất bao la và chiêm ngưỡng khung cảnh trong không khí đặc biệt này. Sao mà người ta có thể có ý nghĩ tặng một món quà vô cùng quí giá từ bên kia bờ đại dương. Điều gì đã thôi thúc người đìêu khắc làm nên một tượng đài ý nghĩa đến thế! Đã hơn trăm năm rồi, bao nhiêu lần đã được trùng tu, nó vẫn đứng ngạo nghễ giữa đất trời như một nhắn nhủ nhân loại về TỰ DO. Một cảm giác bùi ngùi tràn ngập trong tôi. Rồi chiều chậm chậm buông, để tiếp tục chuyến viếng thăm này, tôi cũng phải vẩy tay chào tạm biệt. Tôi leo lên chuyến tàu khác để ghé thăm bảo tàng viện Ellis Island, trạm thứ hai của cuộc thăm viếng. Giá mà tôi biết trước về bảo tàng viện này, tôi đã chia đều thời gian tôi lưu lại mỗi nơi!
Dòng người, kẻ lên người xuống, mồ hôi nhuể nhoại nhưng trong ánh mắt nụ cười mà tôi nhìn thấy được là niềm vui với lòng chiêm ngưỡng. Con người luôn tìm kiếm một điều gì đấy để thoả mãn những nhu cầu tâm linh. Đôi khi mình cứ muốn đi tìm chính mình để rồi lặng lẽ đắm chìm trong những tiếc nhớ suy tư!
Mới vừa bước vào bảo tàng viện, tôi thấy ngay một tủ kiến trưng bày những chiếc vali và những đồ vật cũ xưa của những người đã đến Mỹ định cư vào thế kỷ trước. Những hình ảnh một thời xa xưa của những người đã bỏ xứ ra đi tìm một bến bờ để thở và để sống! Thật vậy, đó là bản năng sinh tồn của con người. Dù ở bất kỳ thời đại nào, bản năng này luôn mạnh mẽ và trường tồn.
Tôi rão bước tìm bản đồ của bảo tàng viện để tiết kiệm thời giờ trong việc tìm kiếm những điều hấp dẫn để đọc, để xem, để thưởng thức với cả lòng mến mộ. Đây là phòng khám bệnh, kia là phòng phỏng vấn, chỗ này là nơi giữ lại những người không được chấp nhận. Có thể vì lý do sức khoẻ hay lý do pháp luật, nhưng dù là lý do gì đi nữa thì đó cũng là một nỗi thất vọng ê chề. Con đường tìm kiếm phiá trước đã đóng chặt. Ngày về trở lại nước chỉ là chờ đợi!
Bảo tàng viện này là nơi tiếp nhận những người di dân từ Châu Âu qua đây để tìm việc sinh sống cách đây hơn trăm năm và chương trình này vẫn còn tồn tại cho đến giờ này nhưng với một hình thức khác....Triệu triệu người đã rời xa quê hương của họ...như chúng ta bây giờ...Những tài liệu hình ảnh....suy tư trên từng gương mặt lo lắng, buồn khổ của họ....những trưng bày của từng căn phòng với những chức năng thanh lọc về sức khoẻ và pháp luật cũng như những detention center với hàng rào kẽm gai làm tôi quá xúc động và nước mắt chạy quanh lúc nào không hay. Lòng ngực tôi co thắt. Một điều gì đấy đang bóp nghẹt tôi....có lẽ tất cả những tranh ảnh, những sự kiện mà tôi đang nhìn thấy cũng là những trải nghiệm của tôi. Tôi có cảm tưởng như tôi nhìn thấy tôi trên từng gương mặt, như tôi đọc được những lo lắng, sợ hãi của tôi cho một tương lại mù mờ phiá trước. Họ sợ bị trả về nước. Tôi mơ hồ không biết được nước nào nhận. Quá khứ của tôi gắn bó với quá khứ của họ, phải chăng? Thường chúng ta không bao giờ nhìn thấy được chúng ta, nên lần này tôi đã nhìn thấy tôi của 30 năm trước. Gương mặt ấy, vóc dáng ấy, ánh mắt ấy, mong đợi ấy là của tôi, của những người anh em tôi, bạn bè tôi hơn 30 năm trước. Chúng tôi cũng đã chờ đợi trong lo âu và sợ sệt giống họ vậy!
Ước gì tôi đến đây sớm hơn để có thể đi từng phòng, đọc từng lời ghi chú, hay những lời tâm tình của những người di dân trước kia cũng như mới đây được ghi lại trên những tấm hình lưu niệm hay nghe giọng nói của họ qua điện thoại gắn ở mỗi phòng để lắng nghe những tâm tư tình cảm của họ qua những cuộn băng ghi âm. Tôi lặng người nhìn những dụng cụ y khoa dùng để khám bệnh, xưa cũ. Tôi nhìn vào một bức tranh với nhiều hình thoi được vẽ không được ngay ngắn mà không hiểu là gì đến khi đọc lời ghi chú phiá dưới mới biết đó là cách người ta trắc nghiệm người di dân đã từng đi học hay chưa? Một cái puzzle thật đơn giản với vài chục mảnh rời rạc bằng gỗ để người di dân ngồi chọn lựa và điền vào những ô trống sao cho thích hợp....Những trắc nghiệm thật đơn sơ của trăm năm trước...Hai từ "Chấp nhận" hay "không chấp nhận" bằng mực đỏ trên những tờ đơn....những đôi mắt mệt mỏi, chán chường , những nụ hôn nồng nàn của đoàn tụ, những vòng tay ôm, những giọt nước mắt hạnh phúc cũng như đau khổ cuả cha mẹ, con cái anh em bạn bè....
Nhìn những tấm hình chụp nơi giữ người nhập cư ngoài trời không mái che chung quanh bao bọc bằng kẽm gai làm tôi nhớ đến trại tị nạn của tôi, cũng thép gai bao bọc, cũng lính gác chung quanh. Bây giờ thì tôi mới hiểu thêm những họ, những tên trên những danh sách với chữ viết tay chằng chịt. Người ta bảo tên họ của một số người đã biến dạng tại trạm này bởi hàng rào ngôn ngữ và rất nhiều người đến đây đã chưa từng đi học. Có người đã tự chọn cho mình một tên họ mới, như cắt đứt một đoạn đời khó khăn mà mình không còn muốn nhớ đến hay để diễn tả tâm trạng đi lập nghiệp với hai bàn tay trắng. Điều này gợi tôi nhớ đến họ của ông thầy dạy hoá. Họ của ông là Noland. Ông giải thích là ông bà ông đã đến đây với hai bàn tay trắng, tiền bạc không, đất đai không nên họ lấy họ mới là Noland (không có đất), rồi nào là White, Green..... và nhiều nhiều họ lạ lùng khác nữa. Tất cả những hình ảnh này, tất cả những tâm tình này đã theo tôi đến tận bây giờ để hôm nay tôi có thể chia sẻ cùng bạn.
Điều làm tôi thán phục là họ đã quí và tôn trọng sự thật của lịch sử như thế nào dù đó là một lịch sử đau buồn. Có lẽ khi mình tôn trọng sự thật của lịch sử thì mình mới học được bài học lịch sử.
Đây là một trong những nơi dừng chân thăm viếng để lại cho tôi nhiều tâm tình và suy tư nhất trong chuyến đi chơi hè vừa qua. Một dấu ấn đậm nét làm bật dậy những lắng đọng trong tôi tưởng như đã là quá khứ một đoạn đời xa lắc xa lơ.
Nguyễn Kim Tiến
Cuối hạ 2011