
Hôm nay, tôi đi thăm một người bạn làm chung sở, ở cách tôi hơn 130 cây số thuộc tiểu bang Wisconsin. Hai tiểu bang Wisconsin và Minnesota sát bên nhau, chia cách bởi dòng sông Saint Croix, một nhánh của dòng sông Mississippi. Từ nhà tôi, chỉ cần lái xe khoảng hơn 20 cây số băng qua chiếc cầu vắt ngang dòng sông Saint Croix là đến tiểu bang Wisconsin, đi thêm chừng hơn 10 cây số, rồi từ đó đi ngược lên hướng bắc thêm chừng 100 cây số nữa là đến nhà bạn. Nhưng thay vì chỉ cần 1 tiếng 30 phút, tôi đi hơn 2 tiếng 40 phút mới đến nơi.
Tôi đi lạc nhưng là một lần đi lạc thật thú vị trong đời.

Tôi đi qua nhiều khu phố nhỏ vài trăm người ở, nhà này cách nhà kia đến vài cây số, qua những con đường ngoằn ngèo, hai bên là những cánh rừng phong, lá nhuộm vàng, đỏ, tím. Rừng nối rừng, bạt ngàn hun hút. Thành phố này chỉ cách nơi tôi ở chừng hơn 150 cây số mà sắc thu đã trọn vẹn tuyệt vời. Tôi lạc vào đấy như lạc vào cảnh thần tiên. Không gian như ôm trọn lấy tôi. Khí trời như nhả vào tôi những làn hơi mát, dịu, mơn trớn trên da thịt khi tôi hạ cánh cửa xe. Không khí quá trong lành. Cảnh vật quá cuốn hút. Từng đàn chim trên bầu trời xanh thắm đang vội vả xuôi về nam. Nắng lung linh và cây lá nhảy múa reo vui trong từng cơn gió....Thơ thẩn, mơ mộng mãi cũng có lúc giật mình khi thấy nắng bắt đầu dịu hơn, thế là tôi quyết định gọi điện cho bạn để hỏi thăm đường, mới hay tôi đã lạc về hướng bắc hơn 30 cây số. Tôi quay xe trở về lại và lần này theo lời hướng dẫn của Dave, tôi lại phải rẽ vào khu rừng khác nữa mới đến nhà anh. Thế đó, cả mấy tiếng đồng hồ, tôi cứ đi giữa hai rừng cây ngút ngàn trời thu.
Khi vừa thấy mấy cái bong bóng bay bay trong gió được kết nơi thùng thư và nhìn kỹ thấy số nhà trên hộp thư là biết là tôi đã đến nơi. Tôi thở phào nhẹ nhỏm dù hành trình tìm nhà Dave là một hành trình đầy thú vị. Tôi đưa mắt quan sát cảnh trí chung quanh, nhìn vào trong sân, tôi biết là tôi đã quyết định đúng khi nhận lời ghé thăm bạn.
Giữa một rừng phong cao ngất trời, một căn nhà nhỏ nằm lọt thỏm giống như một bức tranh nào đó mà họa sĩ đã tái tạo lại từ những cảm xúc của riêng mình với những màu sắc thắm đậm chiều thu. Tôi bước xuống xe, chậm rãi dẫm trên những chiếc lá vàng rơi nằm im lìm dưới đất. Chúng lao xao khi chân tôi chạm vào nghe như tiếng thì thầm của đất trời chuyển mùa và tưởng như nghe được tiếng chân của "con nai vàng ngơ ngác đạp trên lá vàng khô". Và tôi lại tưởng tôi là "cô bé quàng khăn đỏ" mãi mê rong chơi trong rừng thu đỏ thắm để rồi trễ hẹn. Và bây giờ thì tôi đã không còn thắc mắc vì sao bạn tôi không chịu dọn nhà vào ở gần thành phố để đi lại cho dễ dàng. Bạn tôi đã lớn lên nơi này, tuổi thơ của anh gắn liền với những thửa ruộng bắp, ruộng đậu nành và những cánh rừng bạt ngàn. Ngôi nhà anh nằm giữa một rừng phong khoảng 15 acres, nhỏ nhắn nhưng đầy đủ tiện nghi.

Dù thế, tôi đã từng nghĩ bạn tôi thật điên, sao lại có thể mỗi ngày đi về với hơn ba tiếng đồng hồ lái xe. Còn mưa gió, hay bão tuyết thì sao? Người bạn phải rời nhà từ 4 hay 5 giờ sáng và đêm nào cũng 8 hay 9 giờ tối mới về đến nhà. Thế đó, mà đã 17 năm rồi, 17 năm dài người bạn của tôi vẫn ung dung tự tại ngày hai bận đi về. Còn tôi, mười bảy năm, bao nhiêu lần hứa đi thăm mà mãi đến hôm nay mới thực hiện đươc. Tôi đã đánh mất nhiều cơ hội trong đời vì những hứa hẹn. Hứa và hứa! Và khi tôi thực hiện được điều gì tôi hay gọi đó là duyên, duyên lành, duyên hạnh ngộ. Sao mà duyên đến với tôi ít ỏi thế? Tôi hay tự hỏi tôi như vậy đó. Hay là tôi đã chưa cố gắng nhiều, cố gắng hết sức và chưa sống hết lòng với tha nhân và đất trời?
Tôi đi vào sân, ngửa cổ, ngước mắt nhìn lên bầu trời. Một cử chỉ thật tự nhiên như để tận hưởng thế giới màu nhiệm này. Một màu vàng của lá phong như tranh nhau khoe sắc. Lá, cành chen chúc, quyện vào nhau tạo nên một vương cung thánh đường bao bọc che chở tôi. Một cảm giác an bình ôm chặt lấy tôi.Tôi thầm cảm ơn trời đất đã cho tôi cơ hội hoà nhập cùng với thiên nhiên tuyệt vời như thế này. Và tôi nhận ra rằng chỉ có những lúc giữa đất trời yên bình, tôi mới nhìn rõ tôi hơn, tôi mới thấy tâm hồn tôi rộng mở thêm để đón nhận những khó khăn của trần thế một cách nhẹ nhàng hơn và nhịp đập của trái tim tôi như hồi sinh sau những cơn giận dữ của đất trời.
Bạn ơi, hãy, một hôm nào đó, vứt bỏ tất cả những lo toan trần thế, thử làm một chuyến len lỏi vào rừng thu, bạn sẽ thấy hơi ấm nồng nàn của những sợi nắng vàng đan nhau, len lỏi vào từng nhánh lá phong, đậu nhẹ trên mắt, trên môi bạn. Bạn sẽ thấy lòng ấm áp trở lại và thèm được nắm lấy bàn tay của tha nhân để chuyền chút hơi ấm mà bạn mới vừa nhận được. Luồng điện ấm áp này sẽ lan tỏa, kéo dài đến vô tận. Bạn sẽ thấy từng chùm lá rơi, rơi lượn lờ trên đầu bạn và bạn giơ tay nắm lấy như nắm lấy vận mệnh mình. Tôi cam đoan là bạn sẽ thấy mình trẻ ra và bay bổng cùng đất trời với những nhịp thở dịu dàng thơm mùi cây lá.
Tôi đi lần vào trong sân, tiếng nhạc vọng ra và tôi nhận ra bài Scarborough Fair mà Phạm Duy đã phóng tác ra bài "Giàn Thiên Lý". Nhạc trổi lên bằng tiếng Mỹ nhưng khi nghe tôi lại lẩm nhẩm hát theo "Tội nghiệp thằng bé, nhớ thương mãi quê nhà. Giàn thiên lý đã xa đã rời xa..." Tự nhiên thấy gần gũi. Cảm nhận gần gũi là thế như ngày xưa, cách đây 30 năm, đi ngoài đường, bỗng thấy "đầu đen", bỗng nghe tiếng Việt dù không biết họ là ai! Thế đó, sự gần gũi cảm nhận được không bắt buộc chúng ta phải biết nhau, quen nhau. Bởi có khi ở giữa lòng quê hương, mở cửa bước ra khỏi nhà là nghe một thứ tiếng nói quen thuộc, mà có khi lại cảm thấy bơ vơ và lạc lỏng!. Vậy thì cảm nhận gần gũi, thân quen đến từ đâu? Phải chăng đến từ bên trong, đến từ cảm nhận thiếu thốn khi bất ngờ chúng ta rơi vào một không gian xa lạ và nhận ra một thân quen của một thời nào. Cảm xúc của con người phức tạp quá phải không? Xa xa ở một góc vườn, ban nhạc cây nhà lá vườn với những bản nhạc xưa có, nay có lẫn lộn. Xưa, bởi bạn tôi cùng thời với tôi, lớn hơn tôi 4 tuổi nên những bản nhạc anh thích, tôi cũng biết. Nay, bởi bạn tôi đã có cháu ở vào độ tuổi mới lớn. Một pha trộn già trẻ trong một bầu không khí thật vui tươi và hài hoà.
Hôm nay là ngày kỷ niệm 40 năm ngày cưới của bạn tôi. Bạn măc cái quần jean bạc màu, và cái aó T-shirt màu đỏ thẫm, gắn bên ngực trái là một bông hoa hồng đỏ, điểm chút lá xanh. Vợ anh, chị Levonne với chiếc đầm màu xanh nhẹ, có điểm chút hoa màu tim tím. Khung cảnh nên thơ, hiền hoà quyện với sắc phục bình dân đơn giản thường ngày, càng tạo nên một gần gũi thân thương hơn. Và khi tôi bước vào, đó là lúc hai vợ chồng bạn Dave bắt đầu mở đầu buổi khiêu vũ ngoài trời, giữa tiếng chim hót trên cành và tiếng nhạc nhè nhẹ văng vẳng, dìu dặt trong không gian. Niềm vui giản dị quá, lan toả khắp nơi, chìm đắm trong rừng thu muôn màu, muôn vẻ. Nhiệt độ bên ngoài quá lý tưởng vào khoảng 20 C, chỉ cần một hiếc khăn quàng cổ và một chiếc áo len mỏng là cảm thấy dễ chịu ngay. Một ngày thật là nên thơ để kỷ niệm một ngày vui bên cạnh bạn bè và người thân.
Tôi được anh giới thiệu với mẹ của anh. Bà gần 90 tuổi, vóc người nhỏ nhắn, đi đứng khoan thai. Đôi mắt còn tinh anh và nhất là nụ cười! Nụ cười cho đi không tốn tiền mua mà lại có thể vực ai đó dậy, vậy thì không nên tiết kiệm nữa! Tôi đọc đâu đó lời nhắn này và muốn thực hành. Vậy mà có lúc được lúc không? Thật vậy, nụ cười của bà ấm quá! Tôi hỏi thăm bà và bà nói, "À, Kim phải không? Kim làm chả giò? Tôi thích chả giò Kim làm. Lâu lắm rồi, chắc hơn 15 năm". Quá lâu rồi, tôi không nhớ là tôi đã làm một ít tặng cho Dave, vaò những ngày tháng tôi mới vào làm. Tôi hỏi "Thế bà đã ăn chả giò hôm nay chưa? Hôm nay tôi có mang đến làm quà đó." Bà trả lời trong khi quay qua người bạn già cũng bằng tuổi bà và hỏi "Mình mới ăn, ngon quá phải không bà? " Không biết đây là một lời khen khách sáo hay một lời khen chân thật? Tôi nhắc nhở tôi, đừng thắc mắc vớ vẩn nữa, đừng như thế vì nó sẽ đóng cửa trái tim. Hãy tin vào lòng chân thật, sẽ thấy trái tim rung lên một nhịp đập lạ kỳ. Thế là cái mũi tôi căng phồng, và chắc là cái má của tôi ửng hồng vì mắc cở. Bởi hồi sáng, khi chiên chả giò, tôi loay hoay làm sao mà quên để ý, chả giò sém cháy, nên hơi đắng đắng. Hy vọng là bà cụ và khách khứa ít rành món này sẽ không khám phá ra sự bất cẩn của tôi. Vài câu chuyện qua về với bà cụ, tôi hỏi bà sao bà khoẻ quá. Tôi nói với bà khi tôi bằng tuổi bà, biết tôi có còn đi được và tươi cười như bà? Mắt bà ánh lên chút tự hào mà tôi có thể thấy được khi chia sẻ với tôi rằng bà có tổng cộng 11 người con. Bà vừa cười vừa nói "làm nghề nông nên có con nhiều để tụi nhỏ phụ một tay". Rồi bà lại phân trần thêm "nói vậy chứ, Chúa cho bao nhiêu nhận bấy nhiêu". Bà còn tiếp tục "chắc tại làm nghề nông và có 11 người con, bận bịu suốt ngày, không có thì giờ ngồi một chỗ nên khoẻ lâu." Bà làm tôi nhớ đến một lời khuyên của ông bác sĩ người Nga khi người ta phỏng vấn ông "làm thế nào ông sống đến 100 tuổi mà khoẻ mạnh quá vậy?". Ông trả lời "Cả đời tôi, tôi không bao giờ tập thể dục, không ăn kiêng cử món gì, nhưng có hai điều mẹ tôi dạy tôi và tôi nghe lời bà đó là: Thứ nhất: Từ khi mở mắt ra cho đến khi đi ngủ, con không được nằm, ngồi mà phải hoạt động làm việc liên tục. Thứ hai: Không ăn no. Hãy ngừng khi vừa cảm nhận hết đói". Ui! Tôi đã cũng muốn học làm theo lời nhắn gửi của ông mà cũng có làm được đâu! Đang ăn ngon mà làm sao ngừng được. Và tôi đã suy nghĩ ra, cách duy nhất để ăn không no là thức ăn phải dở. Thế là tôi có lý do để bào chửa về tài nấu ăn của tôi!
Mà lạ lùng, đi thăm bạn vào ngày kỷ niệm 40 năm ngày cưới của bạn mà tôi ngồi nói chuyện với mẹ của bạn thôi! Vậy mà vui! Vui lắm. Hình như tôi có duyên với người già, chắc họ thích kể lể, còn tôi thích hóng chuyện? Vui vì đây là lần đầu tiên tôi có dịp trò chuyện với người già về đời sống thôn quê ở Mỹ. Vui vì hôm nay cũng là ngày kỷ niệm 30 năm tôi đặt chân đến mảnh đất này, ngày 29 tháng 9. Có một sự trùng hợp thật tình cờ và tôi tự cho phép tôi kỷ niệm ngày này trong tôi một cách thầm lặng. Đó là một ngày tôi thật sự bước vào một đời sống mới với nhiều phấn đấu.
Bất ngờ, có ai đó đến kéo tay tôi và reo lên. Mới biết đó là hai người làm cùng hãng với tôi. Chúng tôi làm việc với nhau qua điện thoại 15 năm nay nhưng tôi chưa hề gặp, chưa hề biết mặt họ. Một gặp gỡ cũng rất thú vị. Thế là những câu chuyện thường ngày cứ thế mà xoay vòng với nhau. Thật vậy, sáng đi làm, xong việc về nhà, tôi ít khi giao thiệp với bạn bè làm chung bên ngoài giờ làm việc, có lẽ vì phong tục tập quán, có lẽ vì đã mệt mỏi sau một ngày phải nói tiếng của người bản xứ chăng? Chính vì thế, dù tôi đã sống ở Mỹ đúng 30 năm, nhưng hiểu biết của tôi về người Mỹ, về nước Mỹ còn quá giới hạn. Đó là một thiếu sót không nhỏ trong đời sống của tôi, bởi có giao thiệp, chúng ta mới có cơ hội mở lòng ra, mới có cơ hội nối dài cánh tay thương yêu.
Nhưng trong một chừng mực nào đó, tôi nghĩ là tôi cũng đọc được, cũng thấy được phần nào về họ, về những người làm chung, về những người hàng xóm của tôi. Họ không theo đạo Phật nhưng tôi nghĩ họ đã sống theo đạo Phật hơn những người mà tôi biết đang theo đạo Phật. Họ tư tại. Họ ít nổi nóng. Họ ít lớn tiếng. Họ có thể sống một mình như một thầy tu. Họ vui với chính họ. Họ có thể vào rừng một mình, leo lên ngọn cây, xây một chỗ trên cao, ngồi chờ săn nai vào mùa săn. Họ có thể một mình với chiếc ca nô nhỏ xíu xiu chèo ra giữa hồ, ngồi nhâm nhi thả cần câu, chờ cá đớp mồi. Thật ra, săn được hay không, câu được hay không, họ không quan tâm mấy. Tôi nghĩ ít ra họ cũng đã bằng lòng và hạnh phúc khi hoà nhập cùng với thiên nhiên để tâm hồn lắng đọng. Hình như ta chỉ lắng nghe được chính ta khi ta một mình với ta.
Mùa thu nơi tôi ở, tháng 10 là tháng đi săn nai, tháng 5 là tháng đi câu cá. Muốn đi săn hay câu cá phải đóng tiền mua giấp phép và phải săn nai và cá theo qui định của tiểu bang. Nếu bị chận lại và xét, cá sẽ bị đem ra đo từng con chiều dài có đúng theo qui định, và tuỳ loại cá, thì mỗi người câu được bao nhiêu con. Nếu quá qui định, sẽ bị phạt tiền và nặng hơn nữa, xe sẽ bị tịch thu. Tự do là thế đó! Là sống phải tuân theo luật pháp và chắc chắn sẽ được luật pháp bảo vệ. Tôi, nôm na, hiểu chữ tự do ở một khía cạnh nhỏ của đời sống này là thế dù đó là những sở thích riêng tư.
Và nữa, khi tôi đi qua những khu phố vài trăm người, khi tôi gặp những người bạn của bạn tôi lần này, tôi như đi vào một không gian khác. Chỉ cách chỗ tôi ở 150 cây số nhưng tôi thấy họ có gì khác với những người tôi thường gặp nơi tôi làm việc. Đàn ông nơi đây để tóc dài, ăn mặc bất cần đời như những chàng trai hippy của một thời xa lắc. Đàn bà trông cứng và thô. Da mặt sạm nắng trông khắc khổ hơn người thành phố. Làm tôi nhớ đến người dân quê ở đất nước tôi. Cũng da xạm đen, cũng tóc khô cứng, cũng trông khắc khổ. Cái khổ của thiếu thốn về va chạm với đời sống thị thành. Cái rát của nắng gió mưa dầm. Nhưng tôi biết chắc một điều rằng người dân quê tôi khắc khổ hơn, nghèo hơn. Nghèo về thông tin, nghèo được bảo vệ, nghèo được cảm thông và chia sẻ, nghèo quá nhiều thứ. Lòng tôi có những suy tư, nhưng làm gì? Làm sao thì lúc nào cũng là câu hỏi quá lớn trong đầu tôi.
Có lẽ tôi đã từng đi lạc đường. Lạc trong suy nghĩ. Lạc trong hành động. Lạc trong run sợ. Lạc trong thất vọng như lần lạc tưởng như đi vào cõi chết là lần lạc trên biển cả mênh mông của hơn 30 năm về trước. Nhưng tôi đã được ẵm bồng trong vòng tay của ơn trên, đã sống trong tình thương mến của người thân và bạn bè, đã cố gắng làm chiếc cầu bắt nhịp yêu thương.
Và rồi, trời xuống dần, nắng dịu hơn. Tôi bắt tay từ giã vợ chồng Dave để trở về nhà. Tôi rời nhà Dave vào lúc 4 giờ 20 phút. Tôi cần phải về đến nhà vào lúc 6 giờ chiều để kịp một cuộc họp mặt với bạn bè khi mùa thu đến, hằng năm ở nhà tôi.
Chiếc xe lăn bánh, hai bên đường là những rừng cây chập chùng ẩn hiện. Nắng tắt dần. Chiều xuống êm đềm. Đường về nhà ngắn hơn và lòng tôi là những mông lung!
Nguyễn Kim Tiến
29 tháng 9 năm 2012