Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200

Chỉ mục bài viết


Chúng tôi đã biết từ lâu, van tim ba bị hẹp lại bị bệnh suyễn, bác sĩ khuyên cần phải tránh các thức ăn thức uống có chất kích thích cao. Các em tôi kể lại, sáng hôm đó, sau khi ăn sáng uống trà lợt với Việt (cháu nội đích tôn), ba nấu nước sôi và pha gói cà phê sữa. Thấy vậy, Út Sương mới nhắc:

- Á... Ba... Ba đừng uống cà phê. Bác sĩ dặn rồi... Đừng uống, ba... Nguy hiểm lắm... !

Có lẽ thèm quá vì nhịn quá lâu, chịu không được nữa, ba mới lớn tiếng:

- Kệ tao... ! Tao muốn uống là tao uống... Không đứa nào được phép cản tao... !

Thế rồi ba uống tách cà phê đó, chừng nửa giờ đồng sau mạch máu bị kích thích mạnh, ba bị nhồi máu cơ tim và vĩnh viễn ra đi sau khi hai vị bác sĩ gần nhà được tức tốc mời đến, nhưng vẫn không kịp giữ lại sự sống cho ba.

Hôm sau, tôi ra nghĩa trang viếng mộ ba. Năm trước tôi về có đến viếng thăm các mộ phần của tộc họ tôi ở đây rồi. Năm đó chỉ có vài ba chục ngôi mộ thôi, vậy mà bây giờ nhiều, nhiều quá, nằm cạnh nhau. Đời người thiệt chóng vánh. Ba mới được mai táng hôm qua nên đất vun nấm mồ hãy còn mới. Đến nơi này tôi mới thiệt sự có cảm giác âm dương cách biệt. Tôi bị choáng và lại nghe lòng mình bùi ngùi quá. Tôi đốt một bó nhang thiệt to, khấn vái ba xong tôi cắm nhang trên mộ ba, còn lại khá nhiều tôi cùng người nhà cắm lên các ngôi mộ quanh đó, gọi là viếng thăm và chia sẻ cùng "hàng xóm láng giềng" của ba. Tôi gặp người trông coi nghĩa trang để bàn về việc xây mồ cho ba. Anh ấy còn trẻ, nhanh nhẹn và nhiệt tình lắm, tôi an tâm phần nào. Chúng tôi bàn kỹ về việc này. Ý tôi muốn và mọi người cũng đều đồng ý là mộ phần của ba phải trang nghiêm, kích thước vừa phải, không cần to lớn kiểu cọ làm chi.

Được biết, trong nước, ở tỉnh nọ có một nghĩa trang gọi là "Nghĩa Trang Việt Kiều", những người Việt giàu có ở nước ngoài về lo cải táng, xây lại mồ mả thân nhân đã khuất của mình thành những "ngôi nhà mồ" rất to lớn khang trang, không kém phần "nguy nga tráng lệ", đèn điện bật sáng suốt ngày đêm, lại có người trông coi canh gác thường xuyên. Thiệt là tốn kém và thấy tội nghiệp cho nhiều người trong nước hãy còn đang nghèo khổ biết bao. Theo tôi, mình chỉ cần xây mộ với kích thước vừa phải mà trang nghiêm, đủ thể hiện lòng hiếu thảo và sự tưởng nhớ của mình là tốt rồi. Số tiền dư giả còn lại thì giúp đỡ thân nhân và bà con hàng xóm nào đang gặp cảnh ngặt nghèo túng thiếu thì hay hơn. Biết đâu nghiã cử từ thiện này sẽ làm cho người đã khuất hài lòng, mỉm cười nơi chín suối.

Chừng một tuần sau thì chị Yến - bạn đồng nghiệp của tôi bên Mỹ - phone cho tôi nói là các bạn của hãng chân thành chia buồn cùng gia đình tôi, và rất lấy làm tiếc là không gởi vòng hoa phúng điếu đến kịp vì việc di quan mai táng của ba tôi làm gấp quá. Tôi nói: "Dạ... ! Không sao... Không sao... ! Quý bạn có lòng với gia đình tôi là quý rồi. Cho tôi gởi lời chân thành cám ơn quý bạn".

Những ngày còn lại ở bên nhà, hồi tưởng lại chuỗi ngày dài sống cạnh ba từ thuở ấu thơ, thời đi học cho đến khi ra đời, lòng tôi bồi hồi bùi ngùi vô cùng. Những hình ảnh của chuỗi ngày dài ấy đã khắc sâu trong lòng tôi.

Nhớ ngày đầu ba dẫn hai anh em tôi đi học trong cơn mưa bất chợt, mưa khá lớn, lại phải đi dọc theo con đường thấp sũng nước. Vì đâu biết trước mà đem theo áo mưa nên ba đòng đòng tôi lên vai, tôi dùng cặp táp che đầu mình, còn ba thì ướt đẫm, tay dắt anh tôi lúp xúp chạy theo cũng ướt hết. Đến cuối năm lớp Nhất (tức lớp Năm tiểu học bây giờ), tôi được lãnh phần thưởng nhờ học hành "coi được", ba mừng và hãnh diện lắm. Ôi cái phần thưởng mới to làm sao, hai tay tôi ôm không xuể, ba phải thuê xích lô chở hai ba con về. Đến nhà , bác xích lô không nhận tiền xe mặc dù ba tôi trả tiền nhiều hơn bình thường. Bác nói là bác thưởng cho tôi và chung vui cùng gia đình. Ba cám ơn, mời bác vô nhà uống trà thơm hảo hạng, rồi chuyện trò tâm đắc với nhau cả buổi, rồi trở thành đôi bạn thân từ đó. Sau biến cố 75, ba tôi không biết bác ấy ở nơi nào nữa.

Có một chuyện mà đến giờ nhớ lại tôi vẫn còn xấu hổ. Trước khi đi coi kết quả thi Đệ Thất, giúi vô tay tôi chiếc đồng hồ đeo tay xinh xắn, ba vui vẻ nói:

- Nè... Con cất trong túi đi... Nếu đậu thì đeo... Còn đậu... "cành mềm" thì đừng đeo, đem về cho ba nghen!

Sau một hồi vất vả chen chen lấn lấn, tôi thấy tên mình trên bảng kết quả... Ôi... Trời thương cho tôi đậu, mà lại đậu cao nữa chớ, hạng 17 trên 200 thí sinh được chấm đậu. Mừng quá, tôi lại vất vả lấn lấn chen chen để chui thoát ra ngoài khỏi đám đông dày đặc. Sung sướng quá, tôi lấy đồng hồ từ túi quần ra, tay run run đeo đồng hồ vào cổ tay trật lên trật xuống mấy lần. Chợt có một cu cậu cạnh tôi lên tiếng:

- Đồng hồ hả... Xí... ! Tao cũng có một cái... Xịn hơn cái này nhiều...

Bất ngờ bị... chê, tôi "nóng mũi" lên giọng:

- Dậy... Tao dới mày... học... thi nghen...

Cu cậu kia nghe vậy, lại hiền quá chẳng nói năng gì, chỉ "Xí... !" một tiếng rồi bỏ đi nơi khác. Về nhà, tôi vừa hý hửng báo tin vui cho cả nhà là mình thi đậu vừa giơ cổ tay có đeo đồng hồ lên để... làm chứng. Tôi kể lại chuyện nói trên, nghe xong ba tôi cười cười rồi ôn tồn nói:

- Đừng con... Nói vậy không tốt đâu con... Nếu con giỏi thì còn có người giỏi hơn con nữa đó.

Tôi hiểu ra, thấm ý. Đến giờ nhớ lại tôi vẫn còn cảm thấy xấu hổ lắm.

Khi anh em tôi lớn lên, ra đời, rồi có gia đình riêng, ba vẫn thường kể những điển xưa tích cũ cũng như những chuyện thành bại mà ba má đã trải qua để chúng tôi học hỏi và rút kinh nghiệm.

* * *

Thêm bình luận