Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200
  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200

Phần 1 : 1963-1967

Đầu thập niên 60, Quy Nhơn là một thị trấn nhỏ ven biển hiền hòa nép mình dưới rặng núi Vũng Chua. Chiến tranh đã lùi xa, và có lẽ trại Bảo an đổ nát, ngập tràn cỏ dại ở khu đất đường Trần cao Vân-Tăng bạt Hổ-Hai bà Trưng là dấu tích còn lại của một thời binh lửa. Phố xá bắt đầu hồi sinh trong không khí yên bình. Tiếng động cơ xe Lam chở hàng nổ lạch bạch, tiếng rao hàng, hòa với tiếng ve rộn rã đặc trưng ở nơi đây tạo thành nhịp điệu sinh động. Văng vẳng trên phố những ca khúc Pháp thời thượng phát ra từ các quán café những giai điệu trữ tình "La vie en rose, Que sera sera...". Thật vậy, cuộc sống tươi đẹp này chẳng biết rồi sẽ ra sao ?


Qui Nhơn, 1965.

Năm 1963, hầu như khắp các thành phố miền Nam luôn sôi sục bởi các cuộc biểu tình chống chế độ Ngô đình Diệm, nhưng tình hình Quy nhơn vẫn yên tĩnh. Vào buổi chiều muộn đầu tháng 11, bầu không khí yên bình bỗng nhiên bị phá vỡ bằng tiếng loa phóng thanh trên xe thông tin loan báo "tình trạng thiết quân luật, cắm trại 100%..." Những cánh cửa vội vã đóng lại và người lớn với gương mặt đầy lo âu, mở máy thu thanh nghe tin tức đảo chánh ở Sài Gòn. Bọn trẻ con hé cửa thích thú nhìn đoàn xe quân sự dẫn đầu bằng xe thiết giáp M113 rầm rập chạy về phía tòa Tỉnh. Cuộc cách mạng tháng 11 này là mốc khởi đầu cho những năm tháng bất ổn triền miên ở Quy Nhơn và cả miền nam.

Khoảng cuối mùa hè 1964, một cuộc mít tin được tổ chức trước thềm ty Thông tin ở đường Võ Tánh. Trước đây thỉnh thoảng dân chúng cũng xúm quanh những gánh "sơn đông mãi võ" biểu diễn để bán thuốc dạo, nhưng đây là lần đầu người dân đến nghe diễn thuyết chính trị của do "Hội đồng nhân dân cứu quốc" tổ chức. Diễn giả hô hào đồng bào phải bài trừ đảng Cần Lao, đảng chính trị của cố tổng thống Diệm sáng lập. Trong lúc đám đông chen chúc nhau bỗng có người kêu lên "bọn mật vụ... có súng". Một người đàn ông vội vã lẩn đi nhưng không kịp. Ai đó la lớn "đánh chết nó đi, đả đảo cần lao". Đám đông bị kích động hùa nhau đánh đập người xấu số. Dòng máu chảy loang đỏ cả chiếc áo trắng làm đám đông phấn khích như điên dại ùa ra đường đi đánh Cần Lao. Căn nhà đầu tiên bị cho là cơ sở của Cần Lao là một cửa hàng bán đồ sắt gia dụng, kế bên cửa phụ sân vận động ở ngã ba Nguyễn công Trứ-Võ Tánh. Hàng hóa, bàn ghế, xe đạp và cả bàn thờ (Chúa) cũng bị quăng thành đống giữa đường rồi phóng hỏa. Đám đông hung hăng kéo nhau tiếp tục đập phá một số cửa tiệm bán vải, tạp hóa và cả nhà riêng của giáo dân trên đường Võ Tánh, Gia Long. Suốt cuộc tuần hành chẳng đánh được đảng viên Cần Lao nào cả nên đám đông mất khí thế dần và đến trưa thì tự giải tán. Cuộc bạo động đã chia rẽ sâu sắc giữa cộng đồng Lương-Giáo, dầu chỉ ít lâu sau cái hội đồng cứu quốc đó đã lặng lẽ biến mất không kèn trống.

Đầu tháng 2, 1965 một vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra tại khách sạn Việt Cường ở đường Gia Long. Khách sạn có hai tầng này được người Mỹ thuê bao để làm nơi ở cho nhân viên quân sự và các tổ chức dân sự khác, vì lúc đó ở QN chưa có các căn cứ quân đội Mỹ. Theo lời đồn thời ấy thì có hai đặc công cải trang sĩ quan quân đội Sài gòn mang vali vào khách sạn. Viên quân cảnh Mỹ gác cổng bị bắn gục và với sự giúp sức của nhân viên khách sạn, các đặc công đặt vali chất nổ tại tiền sảnh rồi tháo chạy. Các nhân viên an ninh nổ súng bắn hạ hai người, nhưng chỉ vài phút sau vụ nổ xảy ra làm sập hầu như toàn bộ khách sạn gây nhiều thương vong. Vụ nổ này báo hiệu nguy cơ chiến tranh đã cận kề ngay trong thành phố.

Trong khi đó các cuộc biểu tình của SVHS Huế-Đà Nẵng đã lên đến cao trào trong sự kiện "biến động miền Trung". Các phong trào đấu tranh, bãi khóa của SVHS cũng nổ ra ở các thành phố lớn miền Trung như Nha Trang, Đà Lạt, Ba mê Thuộc, tuy nhiên ở QN lại vô cùng trầm lắng. Nguyên nhân có lẽ là do vị sư trụ trì tổ đình Long Khánh (Thượng tọa TT.H) chủ trương tôn giáo đứng ngoài chính trị và cũng chưa có ai đủ uy tín chính trị để phát động phong trào. Một sự kiện ngẫu nhiên là vào đầu niên khóa 1965, trường CĐ tiếp nhận một số giáo sư trẻ vừa tốt nghiệp ĐH Huế về giảng dạy, trong số đó có thầy Trần quang L. (TQL), một sinh viên nỗi tiếng trong các phong trào đấu tranh ở Huế trước đó. Nhóm GS trẻ có cùng chí hướng đã mau chóng kết thân với nhau. Cùng thời điểm này các đơn vị bộ binh Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bãi biển QN và sau đó vài tuần là sư đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn (ĐH). Đi kèm với lực lượng viễn chinh các tệ nạn xã hội đã bắt đầu xuất hiện. Ban đêm lính Mỹ say rượu, đánh nhau, và thậm chí còn sàm sỡ cả phụ nữ địa phương khiến đời sống bị xáo trộn khiến dân chúng bất bình. Trước tình trạng xã hội bất ổn đó, nhóm GS trẻ quyết định phát động phong trào đấu tranh. Tuy nhiên, vì các thầy vừa mới về trường nên chưa đủ uy tín để lãnh đạo phong trào Hs tại trường. Qua tiếp xúc thầy giám học trường Bồ Đề (Gs Lê phước A.) và được hổ trợ của thầy, nhóm GS trẻ đã gia nhập đoàn SVHS Phật tử Quy Nhơn. Trong lần đại hội ban chấp hành(BCH) được tổ chức sau đó, một Gs trường CĐ (Nguyễn trường L.) được bầu làm Liên đoàn trưởng (LĐ SVHS PT) và BCH mới mau chóng lên kế hoạch hành động.

Đầu tháng 4 năm 1966, Ban chấp hành LĐ SVHS PT tổ chức buổi lễ cầu siêu tại chùa Tỉnh Hội, (bên cạnh Tổ đình LK) để tưởng niệm Quách thị Trang, một nữ sinh phật tử bị bắn chết trong một cuộc biểu tình năm 1963 tại chợ Bến Thành (SG). Thành phần tham gia buổi lễ là các Hs Phật tử, phần lớn là các Hs trường Bồ Đề. Buổi lễ tiến hành trang nghiêm, đúng nghi thức Phật giáo. Kết thúc buổi lễ mọi người ra về trật tự, tuy nhiên khi ra khỏi cổng chùa một số Hs giương biểu ngữ, rải truyền đơn và kéo nhau đi biểu tình. Từ cổng chùa đoàn biểu tình đi theo đường Trần Cao Vân, Gia Long, Võ Tánh (VT) và khi tới rạp Kim Khánh thì đoàn tập trung trước tiền sảnh để tiến hành buổi mít tin ra mắt "Lực lượng bảo vệ dân tộc" (LL BVDT). ThầyTQL đọc diễn văn kêu gọi đồng bào đấu tranh cho hòa bình, bảo vệ văn hóa, dân tộc... Cuối cùng ban tổ chức giới thiệu ban chấp hành lâm thời LL BVDT gồm 4 Gs trường CĐ và thầy Giám học BĐ cùng các đại diện Hs các trường. Thầy TQL được bầu làm chủ tịch. Cuộc mít tin diễn ra ngay trung tâm thành phố nên thu hút đông đảo người dân nhưng kết thúc trong ôn hòa mà không có sự can thiệp của chính quyền. Hai ngày sau (3/4) LL BVDT nhanh chóng tổ chức sự kiện "đêm không ngủ" tại sân trường Tiểu học Nguyễn Huệ (nay là LHP) phía đường Võ Tánh. Sân trường này rộng rãi ,có nhiều cây me tây cổ thụ tỏa bóng mát, cách biệt với khu dân cư là vị trí khá lý tưởng để tập hợp quần chúng. Ban tổ chức lấy văn phòng Hiệu trưởng làm nơi điều hành, lập diễn đàn, căng biểu ngữ, treo loa phát thanh. Nội dung chương trình xoay quanh việc kêu gọi hòa bình, chống chiến tranh, bảo vệ dân tộc, chống văn hóa nô dịch, ủng hộ phong trào đấu tranh của SVHS Huế, Đà Nẵng... Sự kiện thoạt đầu có khá đông người tham dự nhưng đến buổi chiều thì thưa thớt hơn. Khoảng 6 giờ chiều xe phóng thanh thông báo lệnh giới nghiêm khẩn cấp trong thành phố. Sau đó các đơn vị cảnh sát dã chiến (CSDC) được điều động đến cổng trường và dùng loa kêu gọi giải tán, ngừng phát thanh, tuân thủ lệnh giới nghiêm. Trong sân trường lúc này một số Hs vẫn tiếp tục ngồi vỗ tay ca hát, hô khẩu hiệu nhưng đến 11 giờ, khi các quả phi tiễn hơi cay được bắn vào thì quang cảnh trở nên hỗn loạn. Thầy TQL bị gãy chân do một quả phi tiển bắn trúng. Trong làn khói hơi cay mù mịt CSDC xông vào giật bỏ biểu ngữ, đập phá hệ thống âm thanh và cả Hs nào phản kháng lệnh giải tán. Mức độ hỗn loạn có thể cảm nhận qua hiện trường là một "biển" dép guốc vương vãi trước cổng trường (mà sau này được mô tả bằng cụm từ : chạy mất dép). Các Hs chạy thoát ra cổng phía đường VT, một số ít leo qua hàng rào cuối sân trường phía đường Bùi thị Xuân hoặc trốn trong các ống bi (ống cống làm hệ thống thoát nước) đặt phía đường Mai xuân Thưởng. Thầy Giám học chạy thoát được và ít lâu ra Huế và tố cáo trước công luận việc đàn áp phong trào tại QN. Hơn 100 Hs và toàn bộ thành viên BCH bị đưa về tạm giữ tai ty Cảnh sát. Thầy TQL được đưa vào quân y viện Nguyễn Huệ chữa trị. Vài ngày sau các Hs được thả, còn BCH gồm 4 GS và 4 Hs là trưởng ban đaị diện Hs các trường (CĐ, BĐ, SP,?) bị đưa lên Pleiku trình diện tướng tư lệnh vùng 2. Sau khi bị vị tướng này khiển trách, tất cả bị đưa lên vùng biên giới Kontum lao động như lao công đào binh khoảng 1 tháng, riêng thầy TQL được ở lại dưỡng thương tại Pleiku rồi sau đó chuyển tới Cheo Reo. Hết hạn các Hs cho trở về học lại còn 4 thầy CĐ là công chức nên bị thuyên chuyển tản mác khắp nơi từ Gio Linh, Ban mê Thuột cho tới tận Cà Mau. Phong trào SVHS ở QN bị dập tắt khá nhanh chóng và êm thắm trong khi đó ở Đà Nẵng hàng trăm SVHS và binh sĩ ly khai bị bắn chết bởi lính TQLC từ SG điều ra. Sau đó đơn vị này tiến ra Huế "dẹp loạn". Trước nguy cơ phong trào bị đàn áp, tháng 6, 1966, Thượng Tọa TT Quang yêu cầu Phật tử miền Trung mang bàn thờ ra đường để ngăn cản cuộc chuyển quân. Phật tử QN cũng hưởng ứng đặt nhiều bàn thờ trên các tuyến đường trong thành phố. Tại khúc cua đầu phi trường ở đường Nguyễn thái Học, một xe quân sự Mỹ đã va quẹt làm đổ bàn thờ, ngay lập tức nhiều người chặn xe lại và đốt xe. Phong trào đốt xe Mỹ bắt đầu nổi lên và QN lại chìm trong bạo động. Đến cuối năm tình hình lắng dịu trở lại khi phong trào SVHS Huế-Đà Nẵng bị giải tán và TT. TT Quang bị quản thúc tại SG.

Đại thính đường, trường Trung học Cường Để, Qui Nhơn

Năm 1967, tình hình QN khá bình lặng, ngoại trừ các vụ ném lựu đạn vào rạp chiếu phim Kim Khánh và các quán bar có nhiều lính Mỹ lui tới. Vì vậy các quán bar sau này có cùng kiểu cách là có thêm một lớp lưới kẽm trước mặt tiền để bảo vệ. Lính ĐH khá kỷ luật, đồn trú trong các doanh trại biệt lập. Sau khi đổ bộ các đơn vị ĐH ở Bình Định nhanh chóng tham chiến. Các cuộc giao tranh giữa quân du kích và lính ĐH diễn ra khốc liệt khiến dòng người chạy nạn từ các quận phía bắc đổ về QN càng ngày càng đông. Binh lính ĐH nỗi tiếng là tàn bạo ở các vùng quênên có lẽ để tạo thiện cảm, sư đoàn Mãnh Hổ làm công tác dân vận như mở các lớp dạy võ Thái cưc đạo, cho xây dựng các công trình công cộng mang tính hữu nghị. Nỗi bật nhất là dựng nhà mát bát giác theo kiến trúc cổ Hàn quốc trong công viên trung tâm phía trước lầu bà Đệ. Đặc biệt, trường CĐ được xây tặng một hội trường khá lớn trong khuôn viên trường. Tuy được gọi là đại thính đường và quy mô, kiến trúc công trình chưa thật sự xuất sắc, nhưng so với các trường trong khu vực thì một trường trung học có thính đường là thuộc hàng "đẳng cấp". Trên hai cột chính mặt tiền được trang trí biểu trưng văn hóa hai dân tộc bằng phù điêu thiếu nữ đang nhảy múa với y phục và nhạc cụ truyền thống. Cô gái Việt mặc áo tứ thân với chiếc trống cơm, cô gái Hàn mặc Hanbok với chiếc trống cổ truyền Janggu (hình chiếc đồng cát) rất sinh động. Các bức tường hai bên cửa vào ở tiền sảnh được trang trí bằng tranh cẩn gạch mosaic rực rỡ. Trong buổi lễ khánh thành, thị trưởng thành phố Ichon (HQ)và Quy Nhơn ký kết thỏa thuận cho hai thành phố kết nghĩa. Tiếc rằng sau 75, theo "truyền thống" từ xa xưa bên thắng cuộc luôn phá bỏ biểu tượng văn hóa của chế độ trước như là cách thể hiện quyền lực. Các chi tiết trang trí duyên dáng trên tòa thính đường cũng bị gỡ bỏ khiến kiến trúc này trở thành một khối bê tông thô cứng, buồn tẻ. Sau sự kiện "đêm không ngủ", các phong trào SVHS hầu như không còn hoạt động công khai mà bắt đầu chuyển sang hình thức bí mật rất khó kiểm soát.


Nguyễn Trí Minh

Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất