15h00. Suốt cả buổi trưa nghỉ tại khách sạn, mình rất muốn đi thăm những nơi thân thuộc ngày xưa như nhà cũ của mình ở Ký Con và trường Cường Để nhưng sau cùng lại không đi vì nghĩ rằng những hình ảnh còn đọng lại trong ký ức chắc chắn sẽ đẹp hơn thực tại rất nhiều, cứ để cho nó mờ mờ ảo ảo biết đâu lại hay hơn. Vì vậy mình lang thang ra bãi biển. Bãi biển dài thơ mộng rì rầm tiếng sóng vỗ, hoa muống biển xanh như giọng ca Bảo Yến và giữa trưa nắng mà có nhiều người đang đùa giỡn trong làn nước mát, làm mình thấy nhớ tha thiết cái thời đi học nhiều đam mê và ảo tưởng...
Hoa Muống Biển
Với mình, biển luôn luôn luôn là một hoài niệm. Mình vừa yêu, vừa sợ biển. Cái cảm giác tuyệt vời khi được chôn mình trong làn cát ướt đẩm bọt sóng, nằm thư thái nhìn lên không trung và tận hưởng cái cảm giác đầy mạnh mẻ của làn nước mặn làm mình cảm thấy vô cùng thoải mái dễ chịu. Nhưng bù lại, cái cảm giác chòng chành khi ngồi trên một con thuyền nhỏ lắc lư cũng gây cho mình một sự khó chịu đến khủng khiếp, như trong những chuyến đi cắm trại ở ngoài Cù Lao Xanh, và một chuyến đi biển trên con tàu hải quân của cậu ba vào mùa hè đỏ lửa. Từ đó đến nay mình chưa đi biển lại một lần nào, nhưng nếu bây giờ mà leo lên một con tàu đi biển chắc mình sẽ không có cái cảm giác đầy khủng khiếp như ngày còn nhỏ nữa...
Ngồi trên ghế đá ở công viên, mình nôn nao nghĩ đến buổi họp mặt tối nay ở Khách sạn Quy Nhơn. Mình cố gắng hình dung ra khuôn mặt của vài thầy cô tình cờ thoáng hiện trong ký ức, chợt thấy có vài người đã để lại trong tâm trí mình một dấu ấn không thể nào phai, và những gương mặt mà ngày xưa mình ấn tượng nhất thì giờ đây đã đi xa hoặc không còn hiện diện trên cỏi đời này nữa. Mình nhớ mãi thầy Ngự không phải vì môn Anh văn mà vì những bài du ca thầy dạy như " Giọt mưa trên lá", hay thầy Dụng với lối dạy mới mẻ như đọc tin trên báo Newsweek hoặc thuyết trình về "Các cường quốc kinh tế thế giới " đầy ấn tượng. Những thầy khác mình được nhìn thấy trên CuongDe.Org nhưng không cho mình cảm giác thân thuộc lắm, trừ thầy Duyên vẫn còn đọng lại trong tâm thức mình với những bài dịch Anh Việt trong English For Today.
17.30. Xe chạy lòng vòng trên đường phố Quy Nhơn trước khi ghé nhà đón Ngọc Lan và Mỹ Nữ cùng đến buổi họp mặt tại Khách Sạn Quy Nhơn. Lại một dịp để mình chiêm ngưỡng cái thành phố thân yêu mà ba mươi mấy năm qua mình hằng ao ước có dịp trở về thăm lại. Cảnh cũ không còn như xưa nữa, nhưng nỗi xúc động thì vẫn chưa vơi, thế mới biết quê hương thời thơ ấu có một vị trí quan trọng trong lòng người đến thế nào.
Thầy Cô Trước Khách Sạn Quy Nhơn
18h10. Xe đến Khách sạn đã thấy một số thầy cô và bạn bè ngồi uống nước chuyện trò vui vẻ. Mọi người tay bắt mặt mừng và còn có cả những cái ôm chầm đầy thắm thiết. Gặp nhau trên CuongDe.Org đã lâu, hôm nay mới gặp Khổng Xuân Hiền ở ngoài đời . Đinh Tam vẫn còn phảng phất dáng vẻ ngày xưa, khác chăng là nét đường bệ. Trọng Hoài vẫn lãng tử như buổi gặp mặt đầu năm 2009, còn lại là những bạn bè và thầy cô mà mình đã thấy mặt trên CuongDe.Org hoặc là khá xa lạ, vì là cựu học sinh của các trường Nữ Trung Học hoặc Trinh Vương, một số khác là khách mời . Mình nhận thấy cựu học sinh Cường Để 67-74 ở Quy Nhơn tham dự tương đối ít, có lẽ vì thế mà cuộc họp mặt dường như có một khoảng cách hơi chông chênh, thiếu đi sự thân mật hài hòa của một nhóm bạn thân cùng khối...
Mở đầu cuộc họp mặt, MC.Thái Thôn có những lời mở đầu thật cảm động. Mọi người hình như im lặng lắng nghe và để tâm hồn mình chìm ngập trong niềm cảm xúc được gặp lại thầy, cô và các bạn học cũ. Sự cảm động cũng tăng lên khi Thái Thôn đọc cho mọi người cùng nghe lá thư của Kim Tiến gửi kèm theo chai rượu đặc biệt có xuất xứ từ đất nước Mexico:" Nhân dịp anh Đối về cùng vui với các anh và thầy cô trong mùa họp mặt Tết năm nay, Tiến gửi món quà, chút xíu thôi nhưng mong cái " chút xíu" này làm ấm bụng trong những ngày đầu năm se lạnh ở quê mình nhé!"
Lời Chúc Tết " Bay Bổng"
Sự chân thành và tốt bụng của Kim Tiến đối với mọi người lâu nay ai cũng biết, nay càng thể hiện nhiều hơn qua món quà " chút xíu" mà Kim Tiến gửi về cho toàn thể thầy cô và bè bạn, chắc cũng làm cho nhiều người cảm thấy ấm lòng.
Ba mươi mấy năm trời xa cách, mình cũng như một số bạn khác thầm mong Ban tổ chức sẽ lần lượt giới thiệu mọi người, nhất là những bạn ở xa lâu nay không về dự được, để bọn mình lần lượt được ngỏ đôi lời tâm sự với thầy cô, nhưng không thấy các bạn làm điều này, kể cũng hơi tiếc vì trong buổi họp mặt đêm nay còn có nhiều người không xuất thân Cường Để, như nhóm bạn gái cựu Trinh Vương hay Nữ Trung Học, và một số khách phương xa...
Tuy nhiên, buổi họp mặt đêm nay khá sinh động. Ngọc Lan dịu dàng xa vắng với một bài hát hơi buồn, Linh Phương em bác Đối vẫn là người khuấy động chương trình một cách tự nhiên với bài đồng ca sôi động và cô bạn Thiên Hương đến từ California làm rung động lòng người với bài hát " Chiều nay có phải anh ra miền trung..." Từ lâu mình đã thường nghe bản nhạc này, nhưng không ngờ đêm nay bài hát này lại mang nhiều cảm xúc đến thế, phải chăng vì giai điệu chân thành và tình tứ của nó: " về thăm quê mẹ cho em đi cùng...?" Thiên Hương đã thay mặt ông xã Nguyễn Thanh Sơn mang đến cho thầy cô và bạn bè một chút hoài cảm về một mảnh đất miền Trung đầy thơ mộng.
Chiều Nay Có Phải Anh Ra Miền Trung
Bọn mình về trước, cùng lượt với thầy Trần Trọng Duy. Trong lúc chờ một bạn lấy xe đưa thầy về, mình cùng thầy trò chuyện, và mình sẽ không quên câu nói đầy vẻ dặn dò của thầy như sau: " Em có điều kiện thì về thăm thầy, không rảnh thì thôi. Nhưng nhớ lúc nào thầy đi về cõi vĩnh hằng thì em phải có mặt để tiển đưa thầy,em nhé!" Câu nói của thầy cứ vang lên trong đầu mình khi về đến khách sạn. Ai rồi cũng sẽ đi vào cõi vĩnh hằng, em mong sẽ thực hiện được yêu cầu của thầy , thầy ạ.
21h00. Điện thoại cho anh Hòa Vovinam. Hai anh em ghé thăm nhà anh Hòa . Nhà anh hiện giờ là một quán bánh xèo đông khách. Cũng mừng cho anh có thu nhập ổn định. Hai anh em ghé vào một quán cà phê đông khách ngồi thưởng thức mùi vị thơm ngọt của ly cà phê và mùi vị đắng chát của câu chuyện anh kể, về những điều không đáng có trong việc đào tạo huấn luyện ở một vùng đất được xem là cái nôi của võ học Việt nam. Lòng bàng hoàng nhớ đến một thời trai trẻ miệt mài trên sàn tập với mối tình đồng môn thắm thiết. Đã xa mãi rồi những ngày tháng thân thương....
Ngô Lạp