Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

Sáng hôm nay trời Melbourne rất lạnh. Đã 9 giờ mà nhiệt độ vẫn lơ lửng ở 4 độ bách phân. Trời nắng đầy. Một ngày nắng rất hào phóng cho một thành phố mùa đông. Nắng rơi tràn trên khắp các nẻo đường tôi đi.

Và với cái nắng đẹp ấy, lòng tôi nghĩ đến một khúc nhạc.

Ngày Lên Dịu Dàng Nắng  {play}http://cuongde.org/doc/music/articles/NgayLenDiuDangNang.mp3{/play}

Nhạc bắt đầu ở giọng Rê giáng trưởng với phần tay trái của đàn dương cầm rải những nốt rất xa trước khi chủ đề được giới thiệu ở phần tay phải. Là những tia nắng lấp lánh vàng dịu buổi sáng. Nhưng chỉ sau vài ô nhịp mở đầu ở giọng chính, nhạc lập tức chuyển qua La giáng trưởng và chừng như muốn dừng lại luôn ở đó. Ở đây, nắng dường như bị khúc xạ bởi sương mai? Và rồi cả dàn nhạc trổi lên, lập lại nhạc đề ở phần tay phải của đoạn dương cầm mở đầu ở giọng Rê giáng trưởng xua đi hết những vạt sương ban mai ấy. Một ngày đã thực sự bắt đầu với những vạt nắng dịu dàng ấm áp. Từ đây, tiếng dương cầm chỉ phụ hoạ cho dàn nhạc. Rồi sau đó nắng dường như lung linh hơn ở phần tái hiện của phần dương cầm đơn độc lập lại đề nhạc ban đầu, với chút thay đổi. Và kết thúc . . .

Có ai nghe khúc đàn cho dương cầm và dàn nhạc với cái tên Ngày Lên Dịu Dàng Nắng ấy chưa? Có và không. Thực ra đó là biến tấu thứ 18 trong tác phẩm Rhapsody on a theme by Paganini của Rachmaninoff.

Tôi đoán có lẽ có những bạn chau mày vì cách đặt tên tùy tiện ấy của tôi. Và có lẽ cũng có một số đồng ý với cái tựa gợi hình ảnh cho đoạn nhạc ấy?

Bạn có chau mày phản đối hoặc bạn thích thú vỗ tay tán thưởng đều được cả. Bởi vì việc chau mày phản đối hoặc vỗ tay tán thưởng ấy đã xảy ra hàng trăm năm nay rồi.

Bản cầm khúc cho dương cầm của Beethoven là một thí dụ. Beethoven viết cả thảy 32 sonatas cho dương cầm, trong số ấy sonata số 14 vẫn thường được gọi là Clair de lune (Moonlight). Thực ra tác giả chưa bao giờ gọi nó là ánh trăng cả. Chỉ là cái tên mà người ta đặt cho nó. Dĩ nhiên hầu như không ai phủ nhận cái tên ấy vì nó tóm được cái essence của chương 1 adagio của cầm khúc. Thế nhưng còn hai chương kia thì sao?

Và chuyện đặt tên này còn nhiều trong cả 32 cầm khúc cho đàn dương cầm. Số 8 là Pathéthique. Số 15 pastoral. Số 17 Tempest. Số 18 The Hunt. Số 22 Appassionata. Số 29 Hammerklavier. Số 21, duy nhất trong toàn bộ 32 sonatas, Beethoven có ghi ở mỗi chương một cái tựa: Das Lebewohl (Les Adieux - The Farewell); Abwesenheit (L'Absence - The Absence); Das Wiedersehen (Le Retour - The Return. Số 21 này cũng còn được gọi là Waldstein, theo tên công tước Ferdinand Von Waldstein, người được đề tặng bản cầm khúc này. Thế nhưng nó cũng còn được gọi là L'Aurora (The Dawn) do những hợp âm bắt đầu chương 3 gợi lên một cảnh bình minh.

Trong 9 symphonies Beethoven đã viết, ngoại trừ bản số 6 trong đó Beethoven đã đặt tựa cho cả 5 chương nhạc, các symphonies còn lại chỉ là những số mục theo thứ tự sáng tác. Thế nhưng bản số 3 vẫn thường được gọi là Eroica (Heroic), số 5 là Destiny. Trong 5 bản cầm tấu cho dương cầm và dàn nhạc, bản số 5 thường được gọi là Emperor, do âm sắc tráng lệ nguy nga của phần mở đầu chương 1.

Các tác giả thời Lãng Mạn (Romanticism) vẫn thường đặt các tựa ngoài ân nhạc cho các tác phẩm của mình. Trong số ấy đặc biệt Schumann. Hầu như các tác phẩm cho đàn dương cầm của ông đều có tựa riêng. Trong đó tác phẩm Kinderszenen (Scenes From Childhood) gồm 13 tiểu khúc, mỗi khúc đều có tên mà đặc biệt ở khúc thứ 7 Traumerei (Reverie) mà chúng ta có lẽ hầu như ai cũng biết. Nó được đặt lời và hát như một ca khúc. (Phạm Duy cũng có lời cho Traumerei, tức là bài hát Mơ Mòng trong tập nhạc 17 Tình Khúc Bất Tử của Nhân Loại phát hành ở Sàigòn đâu những năm 1970.)

Trong số các tác giả lãng mạn ấy, có một người có thể là lãng mạn ...nhất. Người vẫn được gọi là nhà thơ của âm nhạc hay thi sĩ của đàn dương cầm. Chopin. Thật trớ trêu, người nhạc sĩ lãng mạn nhất này xem ra lại là người cổ điển nhất. Chopin không hề có một cái tựa ngoài-âm-nhạc (non-musical) cho bất cứ tác phẩm nào của ông. Thế nhưng tác phẩm của Chopin cũng không thoát khỏi bị đóng khung trong các tên gọi. Bản prélude số 15 được gọi là Raindrops. Riêng bản Étude số 3 cho dương cầm được gọi là Tristesse và cũng được đặt lời và hát như một ca khúc. Nó cũng được Phạm Duy đặt lời và trở thành bản Sầu Chopin trong tập nhạc đã nói trên. Ngoài Tristesse, tất cả các Études khác của Chopin -ngoại trừ 3 bản: số 6, 7 và 16- đều có tên thay vì số như tác giả đã đặt: số 1 (Waterfall) · 2 (Chromatic) · 3 (Tristesse) · 4 (Torrent) · 5 (Black Key) · 7 (Toccata) · 8 (Sunshine) · 11 (Arpeggio) · 12 (Revolutionary) · 13 (Aeolian Harp) · 14 (The Bees) · 15 (The Horseman) · 17 (Wrong Note) · 18 (Double Third) · 19 (Cello) · 20 (Sixths) · 21 (Butterfly) · 22 (Octave) · 23 (Winter Wind) · 24 (Ocean).

Vậy có nên -hay không nên- gọi các tác phẩm khí nhạc ngoài cái tên mà chính tác giả đã đặt ? Đã nhiều giấy mực đổ ra cho cái nên hay không nên này rồi. Rất nhiều người phản đối cách đạt tên này. Và cũng không ít người tán thưởng. Tưởng rất dư thừa để lập lại ở đây. Bởi tôi nghĩ chúng ta sẽ chẳng bao giờ đồng ý hoàn toàn với nhau về một ý kiến đồng nhất.

Chẳng hạn ở khúc nhạc Ngày Lên Dịu Dàng Nắng ở trên, nếu bạn nào mới nghe lần đầu chắc sẽ nhờ (hay vì) cái tựa của bài mà nghĩ đến nắng đang lên. Nhưng những bạn đã quen thuộc với đoạn nhạc trên sẽ nghĩ là đâu phải chỉ có nắng mà thôi, còn những điều khác nữa chứ.

Các hình thái nghệ thuật như văn chương, hội họa, điện ảnh, thơ, âm nhạc, v.v... mỗi thứ thường có thể nói được những điều mà những loại hình nghệ thuật khác không nói được. Chúng ta vẫn thỉnh thoảng gặp những hoàn cảnh hoặc những trạng thái tâm hồn mà ta bảo là không nói nên lời hoặc không diễn tả được bằng lời.

Vậy hãy để những điều không-nói-lên-lời ấy cho âm nhạc. Bạn có đồng ý không ?

 
Mai Xuân Vỹ

 

Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất