Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200

Claude Monet (1840-1926) một họa sĩ thuôc phái Ấn Tượng của Pháp đã từng vẽ hơn 200 bức họa về hoa Water Lilies, trong đó bức Le bassin aux nymphéas bán được gần 41 triệu bảng Anh -tức là 80 triệu mỹ kim- cách đây 2 năm ở Luân Đôn. Bức tranh này phá kỷ lục của một bức khác cũng trong bộ tranh water lilies trước đó, bức Nymphéa Water Lilies của ông đã từng bán được gần 71 triệu MK trong một lần đấu giá ở New York.

Le Bassin Aux Nymphéas
  
Tôi không biết chính xác người ta gọi hoa water lily là hoa gì, nhưng căn cứ vào những bức hình về hoa water lily, tôi nghĩ đây chính là một loại như hoa súng của ta, một thứ hoa rất dân dã mọc đầy ở ao hồ vào mùa hạ ở quê nhà. Tự điển bảo là water lily có hai giòng chính: Nymphaeaceae và Nelumbonaceae hay còn gọi là lotus. Vậy là loại sau chính là sen. Người tây phương không phân biệt Nymphea (súng) hay Nelumbo (sen), họ gọi cả hai thứ ấy là water lily.

Thuở nhỏ tôi sống ở các thành phố dọc miền trung, ở đâu cũng thấy sen và súng. Chúng mọc đầy ở các đầm lầy ao hồ, bất cứ nơi đâu, nhưng thường là ở những vùng quê. Chỉ là thứ hoa dân dã. Và đặc biệt có những mùa hè về chơi ở nhà bà dì, bà là em ruột của bà ngoại tôi, tôi được chèo thuyền thúng hái hoa sen trong ao rau muống của bà. Bà là con út lại lập gia đình trễ nên con của bà cũng chỉ trạc tuổi tôi, chỉ lớn hơn tôi một vài tuổi. Chúng tôi chơi với nhau như bạn bè. Chơi như bạn bè nhưng tôi vẫn phải gọi bằng dì và cậu. Thuở ấy nhà bà ở trong một động cát hoang vu thưa thớt chỉ có ít nhà nhưng nhà nào cũng có ao trồng rau muống và cây mọc quanh như những ốc đảo trong sa mạc. Cái ao rau muống của bà nhỏ, và mùa hè bà chỉ trồng sen. Những đoá sen hồng vươn khỏi mặt nước, đoá lớn đoá nhỏ, có đoá còn búp, có đoá mãn khai. Tất cả chừng như hồng thêm, toả đậm hương dưới nắng hè. Mãi rất lâu về sau, lúc nào nhìn thấy sen tôi cũng nhớ về cái không khí nóng ẩm trên cái ao nhỏ ấy. Và bất cứ lúc nào nhìn thấy sen, tôi cũng cảm thấy mùa hè. Và chừng như còn cảm được cái mùi của mùa hè thơ ấu ấy nữa. Những đoá hoa sen chừng như gói được cả cái hương của mùa hè trong những cánh lá nhỏ mầu hồng của chúng.

Lớn lên một chút, đọc kiếm hiệp của Kim Dung, có đoạn tả các cô gái nhỏ Trình Anh và Lục Vô Song chèo thuyền trên hồ hái sen, các cô vui miệng hát những khúc từ đầy ẩn ý của Âu Dương Tu mà không hiểu gì đến tình ý trong những câu từ ấy. Thế nhưng tình ý trong các câu từ này khi vọng đến tai của Xích Luyện Tiên Tử Lý Mạc Sầu lại trở thành những nhát dao cứa vào tim cô ta, khơi dậy mối hận tình. Cũng vì mối hận tình này mà Lý Mạc Sầu trở nên hung ác giết người không gớm tay, rồi ở cuối truyện, cô ta cũng ôm mối hận tình này nhảy vào giữa ngọn lửa ngùn ngụt mà chết. Thuở ấy đọc truyện, tôi thấy sờ sợ cái cô Xích Luyện Tiên Tử này: trước khi cô ta xuất hiện, tiếng hát thê lương của cô vọng đến trước. Và khi cô ta bỏ đi, tiếng hát thê lương ấy còn văng vẳng vọng lại, nhỏ dần rồi tắt hẳn khi cô ta đã đi thật xa.

Mãi rất lâu về sau, lúc tình cờ đọc bài Việt Nữ Từ của Lý Bạch, tôi lại nhớ đến đoạn văn trên của Kim Dung.

Da Khê thái liên nữ
Kiến khách trạo ca hồi
Tiếu nhập hà hoa khứ
Dương tu bất xuất lai

Cô gái Da Khê xứ Việt hái sen một mình trong hồ, chợt thấy khách thẹn thùng quày thuyền nấp vào trong đám sen nở. Thuyền cô gái đi khuất vào trong sen, khách chỉ còn nghe tiếng hát của cô xa xa vẳng lại trong hồ. Tiếng hát của cô gái trong thơ Lý Bạch làm tôi nhớ bài hát đầu môi của Lý Mạc Sầu. Cô ta lúc nào cũng hát "vấn thế gian tình thị hà vật?" với giọng thê lương. Cô ta suốt đời đau khổ vì mối tình không thành với sư huynh của cô nên khi cô ta hát "tình thị hà vật" giọng hát rất thê lương. Tiếng hát của cô tương phản với tiếng hát trong trẻo hồn nhiền của các cô gái nhỏ Trình Anh và Lục Vô Song, và tương phản với lời hát bâng quơ và cái thẹn thùng dịu dàng của cô gái hái sen ở xứ Việt trong thơ Lý Bạch.

Thuở nhỏ mỗi khi đi ngang qua các cảnh chùa, nhìn thấy sen được vẽ cách điệu trên cổng, tôi nhớ ngay đến sen trong ao nhà bà, rồi nhớ đến sen trong truyện Kim Dung. Thỉnh thoảng tôi cũng gặp lại bà hay các dì các cậu nhưng tôi chẳng nhớ gì đến sen cả. Chỉ có một lần, và đó là một trong những lần cuối tôi gặp lại cậu ở Đà Nẵng. Lúc ấy cậu đã lớn. Và cậu rủ tôi đi uống cà phê. Đó là một cái quán thời thượng ở đường cầu vồng. Quán có cô thâu ngân mắt to kẻ quầng đen, đôi mắt như phủ một lớp sương mỏng làm tôi liên tưởng đến Xích Luyện Tiên Tử. Lúc ấy tôi đã cao hơn cậu gần một cái đầu nhưng chưa biết uống cà phê như cậu. Tôi ngồi im lặng lẽ uống chanh rum, nhìn cậu thổi những vòng khói điệu nghệ lên thành ly cà phê. Những vòng khói quấn quýt bám quanh ly như khói trong ao sen của bà thuở tôi và cậu còn rất nhỏ.

Sen

Bức ảnh trên do một người bạn của tôi chụp cách đây hơn một năm. Trong một chuyến đi chúng tôi cùng hẹn nhau về Đà Nẵng vào một dịp hè. Và đó là một buổi trưa hè nóng đổ lửa khi chúng tôi từ núi Bà Nà trở về tạm dừng xe lại Phú Thượng ăn trưa. Những năm rất xưa, để lên tới được Bà Nà, người ta đi xe đến Phú Thượng rồi từ đó sẽ đi bằng ngựa hay ghế kiệu do người khiêng, bởi từ Phú Thượng đến Bà Nà chỉ có những con đường mòn. Chúng tôi dừng lại ở một quán nghèo miền quê. Trời nắng rất gắt. Cái nắng cố hữu thường nhật của miền trung vào mùa hạ. Mấy cái quạt xoay ở trong quán chẳng thấm vào đâu. Tôi bước ra cửa hông ngóng ít gió đồng. Và bắt gặp bạn tôi đang loay hoay máy ảnh "bắt" sen hồng trong ao. Đây là sen hồng. Là hoa của mùa Hạ. Loại hoa thanh cao vẫn được ca tụng trong thơ văn. Nhìn sen cánh đỏ hồng nổi trên nước, giữa cái nắng ngột ngạt của một trưa hè miền quê, miền quê nghèo của xứ Quảng miền Trung, cái xứ vốn nghèo từ muôn thuở, lòng bất giác dâng đầy cảm khái. Cái đất Quảng này nghèo, đất cày lên sỏi đá, cái đất mà Phan Nhật Nam đã tàn nhẫn "hạ" một câu: "Đất nghèo. Nghèo đến độ không có một chữ lót đặt tên cho con". Chẳng biết có đúng như thế không nhưng mà thuở đi học, tôi có những người bạn Võ Sắt. Nguyễn Cân. Trần Thân. Những cái tên gân guốc trần trụi không chữ lót. Đây có phải là những cái tên tiêu biểu của cái đất nghèo khổ này? Dân ở đây khổ lắm. Khổ đến độ các bậc cha mẹ chẳng có gì để lại cho con cái ngoài ruộng cằn và đất nắng.

Tôi nhìn sen. Nhìn ruộng khô thấp thoáng phía xa. Nhìn những con đường đất mờ bụi lấp loáng nắng trưa khô khốc, và nghĩ đến những năm chiến tranh. Với cái chết rình rập trên những con đường mờ bụi nầy, sen lúc ấy có nở hồng như thế này không? Chắc là có chứ. Cứ mùa hạ là sen nở, bất kể là hoà bình hay chiến tranh. Hễ mùa hạ về thì sen nở. Trí óc tôi quay trở về bên ao rau muống thả sen của bà ngày xưa. Cũng vẫn những đóa sen hồng gói mùa hạ trong cánh mỏng. Tôi vẫn ngửi thấy mùi hương cũ thoang thoảng trong trưa hè oi ả này. Đã dễ hơn hai mươi năm tôi mới nhìn thấy sen trở lại, và tôi chẳng còn là một cậu bé lơ đãng nhìn sen, mà lòng thì còn bận tíu tít với những trò chơi trong những ngày nghỉ hè. Lòng tôi giờ trống lắm, có thừa chỗ cho những cánh sen nổi cao trên nước ấy.

Vẫn những cánh sen nhỏ. Nhỏ nhưng gói được cả mùa hạ mênh mông.

Mai Xuân Vỹ
  
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất