Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200


Ngày xưa đôi khi lên thị trấn Bình Đình ở chơi vài ngày, tôi thường gặp ông cùng một số bạn bè tụ tập chơi đàn trước nhà ông Ba Đờn. Các ông chỉ xử dụng nhạc cụ dân tộc, chơi nhạc một cách mê say quên cả đất trời chung quanh, quên đi quốc lộ 1 bên cạnh với xe cộ qua lại ồn ào và chợ Bình Định chỉ cách nơi các ông chơi nhạc chỉ vài chục mét.

Sở trường của ông là chơi đàn Nguyệt, chiếc đàn có 2 sợi dây và thùng đàn tròn như mặt trăng tròn nên được người ta đặt tên là Nguyệt Cầm. Hai chữ Nguyệt Cầm đã làm tốn rất nhiều giấy mực, được các thi sĩ, nhạc sĩ đặt tên cho những bài thơ, bản nhạc cho tác phẩm đắc ý của mình dù không chắc ý nghĩa của những tác phẩm này là cây đàn Nguyệt. Dù là chỉ là dân chơi nhạc tài tử không cần phải đánh đàn để kiếm sống, nhưng ông chơi đàn rất hay. Có lần đoàn cải lương về Bình Định lưu diễn, nhạc công chơi đàn Nguyệt bị bệnh, Chủ đoàn đã đến gặp ông nhờ đánh đàn thế cho đến khi nhạc công lành bệnh.

Chơi đàn là sở thích cũng là niềm vui duy nhất của ông ngoại trừ nuôi dưỡng ba đứa con mồ côi mẹ. Tiếng đàn của ông nghe rất buồn và chất chứa những nỗi niềm như cuộc đời không may mắn của ông.

Vợ chết sớm, thay vì bước thêm bước nữa, ông đã chọn ở vậy nuôi con, đứa nhỏ nhất vừa mới chào đời đã mồ côi mẹ. Sinh ra trong gia đình giàu có, ông có đủ mọi điều kiện để có một người vợ khác cùng nhau xây dựng lại gia đình, chăm sóc cho những đứa con tốt hơn. Không phải bà mẹ kế nào cũng ghét bỏ con chồng, đứng về quan điểm của người phụ nữ, tôi cho rằng những người phụ nữ này rất can đảm, đáng khâm phục và thương chồng rất nhiều, vì tình yêu họ có thể vượt qua khó khăn, thử thách trước mắt để chăm sóc cho chồng , con mình và con riêng của chồng. Phải chi ông đi thêm bước nữa với một cô nào đó mê tiếng đàn của ông hay ông có chút lãng mạn như các ông nhạc sĩ nam bộ vứt bỏ tất cả chạy theo đào lẳng, đào mùi, đào mụ, đào độc, đào nhí … thì cuộc đời ông sẽ khác đi.

Sau năm 75, có lần lên nhà ông chơi thấy cây đàn nằm chơ vơ trên ghế, tôi cầm lên gãy vài tiếng cho vui, ông hỏi muốn học đàn không ông dạy. Thấy tôi gật đầu ông rất vui mừng, xưa nay ông chưa từng dạy ai, con ông không thích thú với âm nhạc, bọn trẻ thời bấy giờ thích học đàn guitar hơn là học các nhạc cụ cổ truyền. Khi tuổi đã cao mới nhận được đệ tử để truyền nghề sao lại không vui?

Năm đó tôi làm đồ án tốt nghiệp đại học có chút bận rộn, nhưng chưa đủ bận rộn để quyết định không tiếp tục học đàn với ông thầy nữa. Sau bao lần lo cho anh tôi đi vượt biên trốn khỏi chế độ công sản, tất cả chỉ là thất bại, dù mất rất nhiều tiền và vàng, dù sao anh tôi vẫn còn chút may mắn, không bị bắt bỏ tù và đòi tiền chuộc cho về. Ba tôi quyết định, chuyến đi tới, người ra đi sẽ là tôi. Tôi như là người lính trên chiến trường, không hỏi tại sao hay có ý kiến gì ngoại trừ thi hành quyết định của cấp trên.

Lên chiếc xe đạp, trên lưng đeo cây đàn đến nhà thầy tạ lỗi, cây đàn nhẹ tênh mà lòng tôi nặng trĩu, bài Lưu Thủy thầy dạy vẫn còn chưa học xong. Thầy nhận lại cây đàn nhưng tôi có thể nhìn được sự thất vọng não nề trên gương mặt của thầy. Dạy đàn miễn phí, lại cho mượn cây đàn bảo bối để thằng đệ tử có thể tập đàn, có ai tử tế với đệ tử như thầy không?

Ông thầy dạy đàn là bác Mười, anh kế của ba tôi.

Trần Quang Kim
13.1.2022

Nguồn: Trang FB của TQK
Thêm bình luận