Đi học cả năm năm tiểu hoc, bảy năm trung học, thầy cô tổng cọng ít ra cũng vài ba chục người. Đó là chưa kể các thầy dạy kèm luyện thi nữa. Môn học thì hồng chuyên đề huề, không thiếu gì hết, Toán, Lý, Hóa, Vạn Vật, Việt Văn, Anh văn, Công Dân Giáo Dục, Sử Ký, Địa Lý vân vân và vân vân. Và biết bao là bài học trong mười mấy năm trường daì đằng đẵng này. Thường ai cũng có những kỷ niệm đẹp, đặc biệt về một vài thầy cô của mình, về những môn học mà mình thích, những bài học mà mình ưa…
Hồi thằng con trai còn nhỏ hai vợ chồng đều đi làm, phải cho nó đi nhà trẻ. Cuối ngày vô nhà trẻ đón con về, hay thường dòm ngó hỏi thăm coi thử trong ngày ngoài chuyện ăn uống ỉa đái ngủ nghê thì nó làm cái giống gì nữa. Mới hay, phần lớn là vẽ vời và ca hát. Nhứt là vẽ, đủ kiểu hết, đen trắng có, màu có, bằng cọ có mà bằng năm ngón tay cũng có. Có tranh nhìn giống như của ông Picasso, nhưng phần lớn thì loạn cào cào châu chấu. Càng nhìn càng khâm phục thằng con, mới đi nhà trẻ mà đã vẽ vời cao siêu quá cỡ! Khi qua tuổi đi nhà trẻ, tác phẩm của con chất đầy mấy thùng. Bèn đem ra treo lên làm một màn triển lãm trong nhà, xong cuối tuần mời mấy cô giáo nhà trẻ lại chơi một bữa, vừa ăn BBQ vừa coi tranh! Sau này đọc mấy bài nghiên cứu về chuyện dạy dỗ con nít mới biết là vẽ vời và ca hát giúp cho đầu óc mấy đứa nhỏ phát triển. Nhớ lại thấy mừng trong bụng, vì hồi xưa coi vậy mà mấy thế hệ học trò trường Cường Để cũng may mắn được học chút đỉnh về hội họa và âm nhạc.
Chương trình trung học lúc đó có môn Âm Nhạc và Hội Họa nhưng không biết có bao nhiêu trường có thầy dạy. Trường Cường Đễ ở Qui Nhơn trong thập niên 60, 70 may mắn là có thầy Dương Minh Ninh dạy nhạc và thầy Phùng Văn Viễn dạy vẽ. Mỗi môn một giờ hàng tuần, suốt bốn năm trung học đệ nhất cấp. Chắc là hơi trễ, không kịp để phát triển đầu óc như mấy nhà nghiên cứu bên Tây la ó. Nhưng nghĩ lại, có còn hơn không, nhứt là những bài học đầu đời này suốt đời xài hoài không hết…
Thiệt tình, một giờ mỗi tuần, hồi trung học đệ nhứt cấp, bây giờ ngồi nhớ lại thì chỉ nhớ lại giọng nói Bắc Kỳ và khuôn mặt xương xẩu của thầy Viễn, và lờ mờ một vài kỷ niệm. Học thì đủ món ăn chơi, vẽ bằng bút chì, vẽ màu nước, vẽ tĩnh vật, vẽ phối cảnh, vẽ chân dung vân vân. Lúc đó chắc sơn dầu mắc nên không nhớ là thầy có dạy. Có lần thi lục cá nguyệt, thầy để trái ổi hay trái cam gì đó trên bàn xong cả lớp phải nhìn vô đó mà vẽ. Lui cui vẽ sao mà chừng nộp bài thấy sao tác phẩm của mình nhìn như hình trái thị! Trong bụng mới lo thầm, cái điệu này coi bộ lớn lên có muốn đi làm thợ vẽ cũng không xong!!!
Có một bài học mà tới bây giờ vẫn nhớ và còn dùng tới dài dài, mà mỗi lần như vậy là lại nhớ đến thầy. Đó là bài học về trộn màu, màu đỏ trộn với màu xanh ra màu tím, trộn với màu vàng ra màu da cam, trộn với màu trắng ra màu hồng, trộn với màu đen ra màu đà. Vân vân và vân vân. Lên năm đệ tứ học Quang Học với thầy Phạm Ngọc Quan, học tới phần cái cầu vòng mới giựt mình nhớ lại bài học trộn màu mấy năm trước. Hai mươi mấy năm sau, học môn Computer Graphics ở đại học bên Úc này lại phải dùng tới cái bài học trộn màu hồi lớp đệ thất đệ lục.
Không biết mấy bạn ra sao chớ mình bây giờ vẫn còn nhớ hát và đánh nhịp bài Lên Đường, nhịp 4/4. Còn nhịp 3/4 là bài Thuyền Viễn Xứ. Xong tới Đường Về Quê, “một đoàn người đi miên man trên đường gian nan In hình qua mây núi xanh lơ bát ngát …” Mỗi năm (hay lục cá nguyệt?) một bài, lần lượt từng đứa lên đứng trên bục, trước mặt thầy Dương Minh Ninh, vừa ca vừa đánh nhịp!!! Nhịp 3/4 thì đánh hình tam giác, nhịp 4/4 thì hình chữ thập, ở trên quẹt xuống, ở dưới quẹt lên qua bên trái, quẹt ngang qua bên phải, rồi quẹt ngược lên là đúng bốn nhịp. Cứ thế mà nào anh em ta cùng nhau lên đường…
Một giờ mỗi tuần, bốn năm trung học đệ nhất cấp qua cái vèo. Thú thiệt với anh em lúc đó học thì học vậy thôi chớ không đeo đuổi mê say chuyện văn nghệ văn gừng như mấy anh em khác như Trần Hiền, Nguyễn Hữu Dự, Diệp Thái Thôn… Lớn lên ra đời mới thấm thía, trong bụng thầm cám ơn vô cùng ông thầy dạy nhạc ngày xưa. Nhờ thầy mà biết được trưởng thứ, thăng giáng, nốt đơn nốt kép, nhịp 2/4, 3/4/ 4/4 … Với chút it căn bản nhạc lý của thầy dạy, bèn lui cui tự học guitar. Học tà tà, đủ để tự đệm hát một vài bài nhạc đơn giản, C trưởng A thứ, Slow, Boston vân vân. Mày mò học thêm một vài bài classic nữa , như Hạ Trắng, Romance, là đi tán gái được rồi. Tán gái thì thiệt tình là chả tán được cô nào. Nhưng mà những cây đàn guitar, những lời ca, những điệu hát như là những người bạn thân tình, lẽo đẽo đi theo mình không hề biết mệt mỏi, trong những ngày tháng nhọc nhằn cơ cực của một thằng sinh viên nghèo xa nhà, trong những ngày tháng buôn bán chợ trời, trong những ngày ở tù vượt biên, những ngày ở trại tị nạn chờ đi định cư, những ngày tháng tha hương ở xứ người…
Những năm học ở trường Phú Thọ, ở trọ ở cư xá Lữ Gia. Trong lớp thì bị lớp trưởng tổ trưởng đì, về nhà thì có nhiều bữa hết gạo lẫn bo bo. Nhìn đời thấy thiệt là đen như mõm chó. Buồn đời, bụng đói, bèn ôm cây đàn ca guitar nghêu nao bài Hãy Cứ Vui Như Mọi Ngày cho đỡ buồn đỡ đói, trong bụng thầm cám ơn ông Trịnh Công Sơn và ông thầy dạy nhạc cũ.
Lâu lâu có chút tiền rủng rỉnh, mới kéo Nguyễn Viết Dũng, Đặng Đình Đức hay Trần Văn Anh qua quán cà phê bên cư xá Lữ Gia. Chủ quá là anh Vĩnh, mới đi học tập cải tạo về. Chắc lúc đó bán cà phê chờ thời. Sau nay nghe nói anh vượt biên được. Cà phê thì thường kêu cà phê đen hay cà phê đá, ít khi dám chơi sang uống tới cà phê sữa, sợ đau bụng! Thuốc lá thì thường là thuốc lá đen Vàm Cỏ, tiêu chuẩn ở trường được một hai gói gì đó mỗi tháng, hay là mua lẻ một đồng năm điếu. Lâu lâu chơi sang, mua một điếu Samit hai đồng, anh em thay phiên nhau kéo. Bữa nào đọi quá thì chơi củi bó (chữ của ông bạn Lê Văn Hà), một đồng một bó mấy chục điếu, thuốc lá gia công quấn tay, dùng giấy không được mịn lắm cho nên điếu thuốc cứng như khúc củi!
Tuy nhiên món hấp dẫn nhứt của quá cà phê anh Vĩnh là món nhạc vàng. Buổi tối, chủ quá chịu chơi, cho anh em nghe lén nhạc tiền chiến, nhạc Ngô Thụy Miên, nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Phạm Duy … toàn là tình ca mùi mẫn. Ca sĩ thì đủ hết, Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu, Thanh Lan, Sĩ Phú, Duy Trác… Cứ tưởng tượng, ở Sài Gòn những năm đói khổ còn phải ăn bo bo, bánh tõm mà có được những đêm khuya, quán vắng, li cà phê đen, điếu thuốc lá thơm, ngồi với một vài người bạn thân mơ tưởng chuyện vượt biên, nghe Thái Thanh, Khánh Ly rên rỉ nhạc tình của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn. Gần gần như là ở thiên đường vậy!
Những ngày nằm trong tù vượt biên ở dưới Sóc Sơn, Rạch Giá. Mỗi buổi sáng là có một cậu thanh niên, chắc là dân địa phương, hay ra ngồi trước cửa chính, tay thì gãi ghẻ miệng thì ngâm nga bài rồi một chiều buồn về trên sân ga, con tàu về lạnh lùng, dìu em sang bến vắng, bao nhiêu yêu thương cũng qua rồi, anh một đời nguyện làm mây bay khắp phương trời… Sáng nào cũng vậy, nghe riết mà nhập tâm luôn, tới bây giờ vẫn còn nằm trong đầu. Còn buổi tối thì bên phong nữ có cô thôn nữ nào đó tối nào cũng lên giọng sáu câu, đủ tuồng đủ tích, từ Dạ cổ hoài lang cho tới tân cổ giao duyên… Vậy đó, tình cờ mà âm nhạc làm những ngày tù đêm tù qua mau hơn một chút. Về sau này, lâu lâu nhớ lại chuyện cũ bật miệng rên rỉ rồi một chiều buồn về trên sân ga… bà xã mới cằn nhằn, em nào mà dìu sang bến vắng mùi quá vậy. Mới phải thanh minh thanh nga, kể lại chuyện xưa tích cũ, mà cho tới giờ vẫn không biết là bài hát gì, của ai.
Vậy đó, ba mươi mấy bốn chục năm qua cái vèo. Đời sống luôn luôn với những bận rộn bon chen cơm áo, lâu lâu có dịp ngừng lại nghỉ tay một chút, nghe Thái Thanh ca bài Thuyền Viễn Xứ, trong đầu hát thầm theo, tay thì đánh nhịp, một hai ba, một hai ba… Không biết là những bài học đầu đời về màu sắc và âm thanh này có giúp cái đầu mình phát triển như mấy cái research của tụi tây nói. Nhưng hình như những bài học này vẫn còn nằm đâu đó, sâu trong ký ức. Và màu sắc và âm nhạc vẫn hiện diện khắp nơi trong đời sống, từng giây, từng phút. Như mặt trời vẫn mọc lên mỗi buổi sáng phía Hải Minh, lặn xuống buổi chiều phía Tháp Đôi, như những đợt sóng vẫn đêm ngày ầm ì vỗ vào bờ cát trắng Ghềng Ráng, Qui Hòa…
Nguyễn Sĩ Hạnh
cuối tháng 4.2009 – hiệu đính tháng 10.2012
Nguồn: nguyensihanh.com