* * *
Chuyện quan trọng xin nói trước. Tôi có cô bạn gốc người Đức, má cổ hàng năm từ Đức qua Úc thăm gia đình con gái và cháu ngoại. Hỏi bã chuyện gì ở Úc ấn tượng nhứt thì bã nói là mấy cái toilet công cọng, nhứt là nó free! Tôi hơi ngạc nhiên, bộ bên Đức không có toilet công cọng hay sao, nhưng có đi tây mới thấm ý bã. Nói chung bên Âu châu, phần lớn vô mấy toilet công cọng thì phải trả tiền, mỗi lần rẻ thì 30 cent, thường thì 50 cent, có chỗ lấy 1 Euro! Cỡ mấy ông già như tôi đi tiểu cọng đi tiêu một ngày mười mấy hai chục lần thì tốn khơi khơi cũng cả hơn chục Euro, đi cả tháng thì tính ra cả mấy trăm Euro chớ ít sao! Cho nên nhắn nhủ các bạn khi làm ngân sách đi du lịch Âu châu thì nhớ khỏan phụ trội này. Không phải như đu lịch Sài Gòn mình, kẹt lắm thì tìm đại bức tường nào đó là xong ngay, như mấy ông tài xế taxis vậy!
* * *
Thiệt ra mắc mỏ thì phải kể chuyện Venice bên Ý, một thành phố kì lạ, đẹp, ướt át và lãng mạn và cái giống gì cũng mắc!
Địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Venice dĩ nhiên là Công trường Thánh Marco. Ở công trường này có cà phê Florian, một quán cà phê lâu đời và nổi tiếng trên thế giới. Và mắc, mắc dã man! Nhưng thôi kệ, đã tới Venice thì cũng rán bấm bụng cho biết với thiên hạ. Một li cà phê sữa là 9 Euro, một li kem là 14 Euro. Chưa hết, đang có ban nhạc đờn địch ca hát ỉ ôi góp vui nữa nên phụ thu mỗi đầu người là 6 Euro! Đó là chưa kể 10% tiền buộc boa! Thú thiệt cà phê có ngon, nhạc có mùi cách mấy đi nữa mà thấy cái hóa đơn thì cũng méo mặt. Nhưng mà đây là quán cafe Florian mà, đã mở cửa từ ngày 29 tháng 12 năm 1720. Và đã từng là nơi ngồi đồng của Goethe, Casanova, Lord Byron, Marcel Proust, Charles Dickens ...
Cafe Florian
Welcome to Venice!
* * *
Paris có gì lạ không em?[1] Câu này để mấy vị đã từng sống ở Paris hỏi thì đúng hơn, còn những người mới tới Paris lần đầu như tôi thì cái gì cũng lạ cả, khỏi hỏi. Đẹp thì có tháp Eiffel, điện Versailles, nhà thờ Đức Bà, sông Sein... nhưng cũng vài chuyện hơi ngỡ ngàng. Như chuyện "Ga Lyon đèn vàng"[2]. Đèn thì vẫn còn đèn vàng lai rai nhưng đứng trước sân ga thì mùi nước tiểu bay nồng nặc vô mũi muốn sặc máu, không cách gì mà lãng mạn kiểu "cầm tay em muốn khóc, nói chi cũng muộn màng"[2] được!
Ga Lyon, Paris
Buổi trưa vợ chồng con cái vô đại một nhà hàng thường bậc trung bên hông viện bảo tàng Lourve ăn trưa. Quán vắng có mấy bàn trống kề cửa sổ, mới hỏi thằng bồi ngồi đó cho vui. Nó nói là không được vì có tám người đặt rồi, và chỉ cho một cái bàn tuốt bên trong. Năm phút sau có ba đứa tây vô thì nó cho ngồi đúng cái bàn mình hỏi. Tức quá, kêu nó lại thắc mắc thì nó nhún vai. Mầy không muốn trả lời thì kêu chủ quán ra đây nói chuyện vậy. Nó chỉ lại đằng cashier. Ông chủ không biết tiếng Anh, phải nhờ cô thu ngân phiên dịch. Tại sao mấy bàn gần cửa sổ không cho tụi tao ngồi? Có phải vì tụi tao không nói tiếng Pháp ? No sir, no, no. Hay là vì tụi tao tóc đen da vàng mũi tẹt ? No, no, no sir. Cô thu ngân quơ tay thanh minh thanh nga.
Tôi bắt tụi nó dọn qua một cái bàn gần cửa sổ theo ý mình. Thằng bồi kì thị chủng tộc trốn bặt luôn. Đồ ăn không đến nỗi nào nhưng ăn mất ngon, và bao nhiêu cảm tình với Paris trôi theo dòng sông Sein ra biển hết ráo!
* * *
Lâu nay nghe nói các nước dân chủ theo hệ thống Westminster thì cũng chỉ biết đại khái là dân chủ theo kiểu Anh, tổng thống hay vua chỉ làm vì, quyền lực ở quốc hội, thủ tướng và chính phủ do phe đa số trong quốc hội bầu ra. Nay qua London mới biết cái tên Westminster là vì quốc hội Anh nằm trong cung điện Westminster, ở vùng Westminster, kế bên cầu Westminster bắt qua sông Thames. Trên thế giới đại khái ít ra có mấy chục nước dân chủ theo kiểu này.
Điện Westminster, nhìn từ cầu Wesrminster
Nghe nói hệ thống chính trị bên Tàu cũng rất dân chủ, tòa nhà quốc hội là Nhân Dân Đại Sảnh ở gần Thiên An Môn. Không biết là mô hình dân chủ này có gọi theo tên Thiên An Môn không, và được có mấy nước bắt chước theo. Lần sau cùng cái tên Thiên An Môn nổi tiếng rần rần khắp thế giới là hình ảnh một người biểu tình vô danh đơn độc đứng chống lại đoàn xe tăng ...
Thiên An Môn
* * *
Tôi có chút duyên nợ với nước Đức, nên rán ghé Berlin, cũng để coi hai mươi mấy năm qua - kể từ ngày bức tường Berlin sụp đổ - thì vật đổi sao dời ra sao.
Khách sạn tôi ở trong vùng Berlin Mitte, là khu trung tâm của Đông Berlin cũ, nhìn bên trái là Postdamerplatz với Sony Center vĩ đại và hiện đại, nhìn bên phải là Alexanderplatz, chỉ có cái tháp truyền hình là dấu tích duy nhứt gợi nhớ lại những ngày Đông Đức cũ. Bức tường đã biến mất, chỉ còn một vài ba chỗ giữ lại chút ít để cho hậu thế coi cho biết mà sợ. Berlin như chưa tưng bao giờ bị chia cắt. Brandenburg Tor mở rộng và Friedrichstraße thuông luông, phố xá nườm nợp, Charlie checkpoint giờ để trống, chỉ còn mấy người mặc đồng phục giả bộ MP Mỹ cho du khách chụp hình lấy tiền (vài Euro một lần chụp). Tôi vô cái quán cà phê ở góc đường, kêu li cà phê nhâm nhi nhìn ra cái checkpoint trống trải và nhớ lại lần ghé thăm muà đông 1989, những ngày sau cùng của bức tường và chế độ...
Phần còn lại của bức tường Berlin, ở gần Ostbahnhof
Nước Đức may mắn, hay người Đức thông minh sáng suốt không biết mà sau khi thống nhất bên thắng cuộc chơi đẹp với bên thua cuộc. Chẳng hạn không nghe nói có vụ học tập cải tạo cho đảng viên đảng Cọng Sản, hay viên chức chính quyền Đông Đức, và ngay cả mật vụ Stasi cũng vậy. Đồng mark thì đổi chỉ một lần một và rộng rãi, đông tây gì cũng 1 đổi 1 hết ráo! Vân vân và vân vân, thiệt đáng nghiêng mình kính phục!
* * *
Đi tây không hẳn là một món trong cái "bucket list"[3] (vì thật ra tôi không có cái bucket list, hay là chưa muốn làm!), nhưng đi cho biết thì cũng được. Và thật ra nếu mà không đi được thì cũng chẳng chết thằng tây nào hết, cũng như rất nhiều chuyện khác trên đời vậy, không làm, không biết mà đâu có sao. Tôi nghiệm ra là đi du lịch sướng nhất có lẽ là cái cảm giác nhớ nhà khi gần cuối chuyến đi, và khi kết thúc về lại đặt chân vô nhà. Dù jet lag có hành mấy ngày, và công việc chồng chất nhưng mà home vẫn sweet home!
Nguyễn Sĩ Hạnh
Melbourne, 8.2013
[1] Nhan đề một bài thơ của Nguyên Sa do Ngô Thụy Miên phổ nhạc
[3] Tiễn Em, thơ Cung Trầm Tưởng
[3] Danh sách liệt kê những chuyện muốn làm trước khi chết, xin xem phim "The Bucket List"
Nguồn: nguyensihanh.com