Huế, mùa đông 2011
Bay từ Sài Gòn ra Huế đâu chừng một tiếng, máy bay bay suông sẻ, chắc nhờ phi công tỉnh táo không say xỉn hay ngủ gà ngủ gật. Trên máy bay được phát một người một chai nước lọc nhỏ, các cô tiếp viên lâu lâu cũng thấy mỉm cười... Thôi như vậy là tốt rồi, lạng quạng lỡ các cô có chuyện gì đó không được như ý mà hả họng xì nẹt như mẹ la con thì kẹt lắm. Xuống phi trường Huế thì thấy trời mưa rỉ rích, phải có xe buýt chở từ phi đạo vô nhà ga. Hỏi cô nhân viên phi trường là mưa hồi nào vậy và cỡ chừng nào thì dứt thì cổ nói nửa dỡn nửa thiệt với cái giọng Huế dễ thương là mưa đã cả tuần nay, và chắc là mưa tới Tết mới hết (không nghe cổ nói là tết nào, Tết Tây, Tết Ta hay tết Công Gô!)
Về khách sạn, nhận phòng, nhìn ra cửa sổ thấy bầu trời mây mù ảm đạm, mưa lất phất trên cầu Trường Tiền, sông Hương nước dâng cao, thấy rầu thiệt, nhưng biết sao hơn. Có lẽ mùa đông ở Huế mà ngại mưa thì chắc không làm được chuyện gì cả, cho nên vợ chồng con cái mới mua đại ba cái áo poncho, và đi dạo! Từ Phạm Ngũ Lão ra bờ sông Hương, rồi qua cầu Tràng Tiền, qua chợ Đông Ba, vòng qua Thành Nội... gió phần phật muốn bay quần bay áo hết ráo, không biết ngày xưa mấy o mệ sao mà mặc áo dài đi bộ qua cầu giỏi quá.
Coi ra thì Huế chừ cũng hiện đại. Không còn những o mệ mặc áo dài bán hàng rong. Đường Phạm Ngũ Lão đã trở thành trung tâm du lịch của tụi tây ba lô như mọi đường Phạm Ngũ Lão ở những thành phố Việt Nam khác, và nhà đất mắc thấu trời. Nhưng mà người Huế, trời Huế, cảnh Huế thì vẫn còn những nét rặc Huế!
Một trăm bốn mươi ba năm triều Nguyễn, từ Gia Long tới Bảo Đại, nhưng ngành du lịch ở Huế tính là du khách chỉ cần một ngày là tham quan đủ cả. Cho nên cái tua chỉ dự trù cho một ngày: buổi sáng đi thăm lăng – chỗ vua chết; buổi chiều thăm cung điện – chỗ vua sống, rồi buổi tối leo lên du thuyền trên sông Hương, ăn uống nhậu nhẹt và nghe hát nhạc cung đình – chỗ vua ăn chơi. Như vậy là đủ bộ rồi!
Các vua – như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức... – đều xây lăng tẩm cho mình, lớn có nhỏ có. Có ông như vua Đồng Khánh thì thời gian tại vì hình như chỉ có làm mỗi một việc là lo nghiên cứu, thiết kế và xây dựng cái lăng của mình, còn chuyện trị vì thì đã có người Pháp lo! Đã trên dưới một trăm năm qua, có lăng còn lành lặn, có lăng đã rong rêu hoang phế. Đồ đạc di vật trong lăng thì nghe nói cứ bị mất trộm lai rai hoài. Một trăm năm nữa thì không biết còn lại được gì. Còn như vua Hàm Nghi và Duy Tân thì không lăng tẩm cao sang gì cả, nhưng lịch sử ngàn đời còn ghi mãi lòng yêu nước thương nòi...
Một góc Lăng Thiệu Trị, mùa đông 2011
Một điều đáng để ý là dù là điểm du lịch nhưng các lăng vua triều Nguyễn và Đại Nội không thấy có toa-lét công cộng cho du khách. Có lẽ mấy ông trong ban quản trị ngại xây toi-lét trong lăng vì tích tuồng ngày xưa vua Gia Long sau khi thống nhất sơn hà đã đối xử một cách tàn bạo và tiểu nhân với dòng họ Tây Sơn và ngay cả mồ mả của ba anh em Tây Sơn. Sợ biết đâu có mấy tên người Bình Định họ Nguyễn cứ kiếm chuyện đi du lịch, để vô mấy lăng – nhứt là lăng Gia Long – mà tiêu tiểu hoài thì cũng hơi khó coi chăng! Khổ nỗi những bài học lịch sử "hòa giả hòa hợp dân tộc" sau một cuộc "nội chiến" rành rành trong sử sách nhưng đâu ai chịu học. Bên thắng cuộc là bên thắng cuộc và bên thua cuộc vẫn là bên thua cuộc!
Đâu năm 1982 thì phải, tôi cùng ông hai ông bạn thân có làm một tua xuyên Việt từ Sài Gòn ra Vịnh Hạ Long, đi qua Huế có ghé lại mấy ngày. Kỳ Đài và Ngọ Môn giờ thấy cũng vậy vậy, nhưng hồi đó bên trong Thành Nội hình như chỉ còn có mỗi Điện Thái Hòa và Tả Vu, Hữu Vu. Phần còn lại phía sau là chỉ là bình địa! Giờ thì thấy một số lâu đài cung điện đã được xây lại. Tôi nhớ là trước 1975 đã có cái vụ UNESCO viện trợ trùng tu cung điện rồi. Sau năm 1975 thì không biết chi tiết ra sao nhưng hồi năm 1982 thì cũng thấy bảng của UNESCO trong Thành Nội. Giờ người tua-gai nói là chương trình trùng tu và phục chế vẫn đang tiếp diễn, dự trù cho tới năm 2025 thì hoàn tất, Thành Nội lúc đó sẽ y như hồi vua Mình mạng mới xây xong. Nghe xong, làm tính nhẩm mới giựt mình. Ngày xưa thời Gia Long và Minh Mạng, không có máy móc gì cả, với chế độ phong kiến hủ lậu mà chỉ cần 27 năm (1805-1832) là xây xong hết cả kinh thành. Ngày nay với chế độ xã hội chủ nghĩa ưu việt, và với tiền bạc của UNESCO lẫn khoa học kĩ thuật tiên tiến mà tính ra cần cả 50 năm mới trùng tu xong Thành Nội(đó là mới tính, chớ chưa chắc gì tới 2025 đã xong đâu)!
Hạnh và Lệ, Sông Hương, 1982 - photo Hoài Nhơn
Tính ra một vài ngày ở Huế thì không ăn thua gì cả. Lăng tẩm đền đài di tích đi thăm cả tháng cũng chưa chắc đủ. Và còn nhiều nơi nữa để thăm, trường Đồng Khánh, như nhà thờ Phú Cam, như chùa Từ Đàm, như thôn Vĩ Dạ, núi Bân, vân vân và vân vân. Đó là chưa kể tới chuyện ăn cho hết mấy món ăn đặc biệt Huế, và còn chuyện... ngủ đò trên sông Hương nữa! Nhưng một hai ngày mưa dầm dề ở Huế thì tôi nghiệm ra cũng nên đi cho biết. Để biết mưa Huế dai dẳng ra sao, để hiểu thêm một chút cái tâm tình của những cô gái Huế (và người Huế nói chung). Để hiểu thêm một chút về những suy nghĩ của những ông vua triều Nguyễn, nhứt là những ông vua bù nhìn thời mạt vận. Mùa đông, trời u ám, mưa rỉ rích suốt ngày, ngồi trong cung điện vàng son nhìn ra vườn ngự uyển ướt át không biết mấy ngài có nghĩ gì về cái vận nước đang nổi trôi ...
Để kết luận, mời quí bạn nghe bài Ai Ra Xứ Huế của Duy Khánh do cô Hà Thanh – con chim họa mi đất thần kinh - trình bày.
Nguyễn Sĩ Hạnh
12/2011
Nguồn: nguyensihanh.com