Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200

Lứa tụi tôi hơi đặc biệt, thường được gọi là lứa "tú tài IBM", vì là năm đầu tiên và duy nhất bằng tú tài được thi theo lối trắc nghiệm và chấm bằng máy tính điện tử IBM! Năm này chắc cũng như nhiều trường khác, bạn bè cùng lớp ở quê nhà tổ chức họp mặt ăn mừng 40 năm học xong trung học. Có một sự kiện cũng đã 40 năm, đáng nhớ hơn nhiều, và sẽ được nhớ bởi nhiều người và sẽ sống mãi với lịch sử. Đó là trận hải chiến Hoàng Sa tháng 1 năm 1974.



Người Việt hải ngoại và truyền thông hải ngoại thì năm nào cũng tưởng nhớ và tuyên dương trận hải chiến Hoàng Sa này. Năm nay đặc biệt hơn là vì 40 năm và có báo mạng trong nước – chắc được nhà nước bật đèn xanh – tham gia vô. Báo Tuổi Trẻ và báo Thanh Niên chẳng hạn làm chủ đề Hải Chiến Hoàng Sa nhiều kỳ, nhiều bài, tường thuật, bình luận, phân tách vn và vn... Nói chung là đọc cũng được, dù phần lớn chỉ là viết lại từ mấy trang wiki, từ sách vở đã xuất bản, hay những bài đã đăng rải rác trên những trang báo mạng nước ngoài. Nhưng cũng có một hai điều đáng than phiền.

Thứ nhất là những nhà báo này chắc nghiệp vụ chưa cao tay (hay là vì biên tập cẩu thả) mà bài viết về lịch sử mà không thấy liệt kê nguồn gốc ở đâu ra cả. Viết khơi khơi cứ như viết tiểu thuyết tình cảm!

Thứ đến là chức tước của người ta mà cứ viết thường, không biết là vì dốt hay là vì thiếu kính trọng những người lính đã và vẫn còn "bị" gọi là lính "ngụy!" Chẳng hạn không chịu viết "Trung tá" hay là "Thiếu Tá" mà cứ sa sả "trung tá" này, "thiếu tá" nọ!

Một số bài báo còn đặt vài dấu hỏi là tại sao VNCH hồi đó không chịu dồn hết lực lượng và phản công tái chiếm Hoàng Sa lại. Có lẽ những vị nhà báo này còn trẻ quá, nên không biết là lúc ấy còn có một cuộc chiến tranh lớn đang diễn ra, tây nó gọi là "Vietnam war", ông Trịnh Công Sơn thì gọi là "hai mươi năm nội chiến từng ngày!"

Có lẽ còn lâu lắm , chính quyền trong nước mới đủ "can đảm" mà công nhận và tuyên dương những người anh hùng Hoàng Sa này là "liệt sĩ", vì họ là những người lính của "bên thua cuộc". Nhưng ăn nhằm gì, họ đã là "anh hùng tử sĩ", "vị quốc vong thân" trong lòng của rất nhiều người dân Việt từ sau trận hải chiến ấy. Không phải tất cả mọi thứ trên đời đều cần một nghị định để được công nhận. Và cũng không phải mọi nghị định đều được lịch sử ghi nhớ! Nếu được công nhận thì về vật chất không biết sẽ được ban thưởng ra sao, nhưng về tinh thần ít ra là chẳng hạn như ba người con của Trung Tá Ngụy Văn Thà không còn phải mang tiếng là con "trung tá ngụy quân', và con cháu của họ sẽ được đối xử đường hoàng nghiêm chỉnh như là con cháu trong một gia đình "liệt sĩ!"

Cái chết của những người lính ở Hoàng Sa năm 1974 biểu lộ lòng yêu nước to lớn và sự hi sinh ở mức độ cao nhất, tinh truyền nhất, không nhân danh một chế độ nào, một chủ nghĩa nào, một lí thuyết nào, một ý thức hệ nào... chỉ vì đất nước, vì tổ quốc, vì hai tiếng "Việt Nam". Như tổ tiên đã chống lại giặc Tàu đô hộ ngàn năm trước, như những Đề Thám, Phan Đình Phùng, Mai Xuân Thưởng... chống lại giặc Tây trăm năm trước. Xin hãy vinh danh và ghi chép lại chuyện Hoàng Sa, để cho các thế hệ mai sau còn biết và nhớ, và đòi đất lại.


Nguyễn Sĩ Hạnh
1/2014
Thêm bình luận