Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200

Thay mặt cho cựu học sinh Cường Để & Nữ Trung Học Quy Nhơn ở Việt Nam và Hải ngoại, đoàn cứu trợ bão lụt khẩn cấp gồm các thành viên:
- Từ Mỹ: Giang Ngọc Tuyết và con trai Châu An Dũng, Roger Bendig
- Từ Sài Gòn: Nguyễn Trí Mẫn, Lê Thị Bác Nhã, Nguyễn Thanh Phương và Đường A Hưởng, Nguyễn Thị Thanh Lương  Nguyễn Đình Chúc, Trần Thị Nghĩa, Trần Thị Đông Oanh và phóng viên Văn Thị Bích Ty.
- Ở Quy Nhơn: Trần Thị Thu Cúc, Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Xuân Hiền, Thân Trọng Hoài, Trần Thị Mỹ Quang, Nguyễn Thị Như Tòng.
- Ở Diêu Trì: Diệp Thái Thôn.
- Ở Vân Canh: Trần Hữu Biên.

Tất cả hoài mong sứ mệnh lá lành đùm lá rách, chuẩn bị lên đường1.
Lòng nôn nao, hồi hộp nỗi buồn chen lẫn niềm vui …các bạn muốn đi đến tận nơi để tận tay trao món quà nhỏ của Cựu học sinh Cường Để & Nữ Trung Học Quy Nhơn cho bà con bị bão lũ nặng nề ở Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP.Quy Nhơn), thôn Luật Lễ (thị trấn Diêu Trì), Canh Vinh, Canh Hiển (huyện Vân Canh).

Đợt này, có 370 phần quà. 200.000đ/ phần, gồm: 10kg gạo, 1 thùng mì gói, 1 chai nước khoáng và 50.000đ tiền mặt. Tổng cộng 74 triệu đồng.
Phân phối cho Nhơn Bình: 100 phần, Nhơn Phú: 100, Luật Lễ: 120, Canh Hiển: 10 phần, Canh Vinh (2 thôn Tân Vinh và An Long 2) 20 phần + 20 phần.

Đoàn xe cứu trợ gồm 4 chiếc, hai xe chở đầy hàng trọng tải 5 tấn / xe. Một xe du lịch chở thành viên đoàn cứu trợ (ĐCT). Một xe 7 chỗ, chở phóng viên báo Tuổi Trẻ, đơn vị phối hợp với Đoàn cựu học sinh Cường Để & Nữ Trung Học Quy Nhơn tổ chức đợt cứu trợ này.

Xe tải chở hàng cứu trợ

08.11.2009 là một ngày nắng ấm, đẹp đầu tiên, sau bao ngày tối tăm bão lũ ở quê nhà.

7g15 phút, đoàn xe lăn bánh đến địa điểm thứ nhất, phường Nhơn Bình, Cùng với cán bộ phường, ĐCT chuyển 100 suất quà tập kết tại UBND phường, phối kiểm danh sách để phát hàng cứu trợ cho 100 hộ dân xóm 1, xóm 2.

Chỉ cách trung tâm thành phố tám cây số mà cảnh nghèo khó của dân mình ló dạng khắp nơi. Nước ngập tới nửa vách nhà, bùn lầy nhếch nhác. Từng đụn rác các loại, sinh ra từ lũ lụt mọc lên khắp nơi. Lũ lụt đã tới tận nhà người nghèo khó; tấm lòng của người xa quê vừa đến tận nơi quê nghèo này, tuy không đủ không đầy nhưng ít nhiều cũng đã ấm áp lòng quê.

Bà con phường Nhơn Bình lắng nghe tên để nhận quà cứu trợ

Cách làm của phường Nhơn Bình là đọc danh sách bà con được cứu trợ rồi cấp phát. Làm việc trao quà hơi chậm trễ, bà con phải nôn nao chen lấn.

Hơn một giờ sau đoàn xe cứu trợ lăn bánh tới phường Nhơn Phú cách trung tâm thành phố 10km. Đây là một phường ven thành phố bị ngập lụt nặng. Nhiều hộ dân mất sạch nhà cửa, trâu bò, gà vịt…

Nhơn Phú đã phát phiếu nhận hàng có đối chiếu danh sách nên việc cấp phát nhanh chóng hơn. Tại đây có hai danh sách cứu trợ, một dân nghèo bị lũ lụt, một dân nghèo thuộc diện chính sách bị lũ lụt.

Chị Thanh Phương và chị Bác Nhã đang phát hàng cứu trợ cho một người dân Nhơn Phú.

Cách đây mấy hôm khi UBND TP Quy Nhơn tới cấp phát khẩn cấp thì xảy ra vụ tranh chen, giựt hàng cứu trợ. Nhưng lần này thì rất ổn. Nhiều cụ già em bé nhận quà nhưng không mang vác nỗi, từng thành viên của ĐCT đã phụ bưng giúp lên xe đạp để bà con chở về nhà.

9g15, ĐCT tiếp tục di chuyển ra hướng bắc, vòng xuống phía đông, bọc vô hướng nam để len sâu vào vùng trũng thôn Luật Lễ (Diêu Trì). Vòng vèo mất thêm 7km nữa. Tới ngã ba cầu Trường Úc – chợ Gò thì rẽ vào thôn Luật Lễ. Đường đi khó vì hẹp và bùn lầy. Vết tích sau lũ lụt vẫn còn đó: nhà đổ, đầu ngọn tre còn vương rơm rạ bám vào. Tường nhà xiêu vẹo, ngã đổ. Bờ ruộng lác đác mấy bao tải đựng xác gà chết, đã bốc mùi.

Quê mình nghèo quá! Cái nghèo của trăm năm ! Cơn bão lũ này như anh quan pháp y, xác nhận cái nghèo này đã thành tuyệt vọng !

Lại kẹt xe nữa. Cứ tưởng ở Sài Gòn mới bị kẹt xe, ai ngờ tận vùng chiêm trũng này cũng kẹt xe ! Sự thể là đoàn xe khi phải vào lối hẹp liên thôn thì từ xa có hai chú bò đực không hiểu sao, chúi đầu sừng húc vào nhau. Nghẽn lối, chiếc xe đi đầu bóp còi inh ỏi. Nhưng hai chú bò cứ gầm ghè mãi, không chịu dang ra. Phía trước chú bò cái và mấy chú bê con vừa nhẫn nha bước, vừa lúc lắc cái đầu, ngoái lại như luyến tiếc trận “tranh giành quyền lực” phía sau còn đang tiếp diễn. Được xe trước thông báo không thể đi tiếp vì sự cố dọc đường rồi tiếp thấy cảnh tượng này, các thành viên trong đoàn xe đang rầu như hoa héo chợt vui lên như gặp nước. Mấy đấng nam nhi lật đật xuống xe đuổi hai chú bò kia. Nhưng nào hề hấng gì. Chiến trận không mảy may thay đổi tình thế. Đoàn xe đã không tới được mà còn phải thụt lùi vì sợ bò húc. Một đỗi lâu, có anh nài chạy tới quất vào hông mấy chiếc gậy tre như phan búa vào lưng, hai chú bò mới chịu giãn ra. Vậy là thông xe! Các bạn đừng nghĩ chỉ ở phố mới kẹt xe đấy nhé!

Đoàn xe túc tắc chạy chừng một cây số thì vướng phải lối hẹp do nước lũ xói lỡ. Phải nhờ mấy chú bộ đội địa phương phát quang. Càng vào sâu càng hẹp đường. Đành thôi. Đoàn xe lui lại trụ sở thôn Luật Lễ để dợi hàng cứu trợ xuống vậy. Lúc này là 10g 10ph.

Anh Trí Mẫn đang "chỉ đạo" bộ đội địa phương phát quang đường đi.

Đây là vùng đồng bằng nhưng nghèo muôn thuở.

Cách đây 44 năm, lũ học trò lớp Nhất chúng tôi về đây cắm trại. Sát bên chợ Gò, dưới chân cầu Trường Úc là giòng sông Luật Lễ với “nước gương trong soi tóc những hàng tre”2. Còn nhớ thầy Diệp Kim Bửu, bảo chúng tôi cõng nhau dưới sông để nghiệm lại hiệu quả của sức đẩy Archimede. Nay thầy cũ không còn thấy, bạn bè xưa không còn đây, chỉ còn nước sông ngầu đục, giờ đã hiền từ, mãi lặng lờ trôi…

Diệp Thái Thôn đã chờ chúng tôi. Phải nói thêm, nhờ Thôn mà bà con Luật Lễ với ĐCT mới có duyên với nhau. 120 xuất hàng cứu trợ, quá ít ỏi so với cái thôn nghèo nhưng nhiều hơn hết cho tất cả những nơi mà đoàn đến viếng.

Gọi là Trụ sở thôn Luật Lễ cho oai, chứ thật ra chỉ là một cái nhà nhỏ tuềnh toàng tối tăm như ngôi miếu hoang. Áo quần giăng mắc khắp hàng rào. Giấy tờ, sách báo, tạp chí ướt nhem vứt thành một đống, coi như là rác. Hàng cứu trợ cũng chất cạnh đó chuẩn bị phát cho dân bị lũ.

Hàng cứu trợ của cựu học sinh Cường Để & Nữ Trung Học đã đến với người dân nghèo bị bão lụt thôn Luật Lễ.

Nhiều bà con đứng chờ tới lượt hay khi nhận xong quà bỗng bật khóc, làm chúng tôi cũng muốn khóc theo.
Vì sao bà con khóc. Chúng tôi không dám hỏi. Chỉ để lòng trĩu nặng câu hỏi Vì sao?

Cùng với ĐCT cũng có mấy em thanh niên tình nguyện đến phụ bưng, mang giúp quà cứu trợ cho bà con. Cũng không rãnh để kịp hỏi các em từ đâu đến.

Mỗi bến đỗ rồi cũng không thể mãi dừng chân. 11 giờ hơn, ĐCT giã từ Luật Lễ, quay ra ngã ba chợ Gò, ngược phía bắc, lên hướng tây tới ngã ba cầu Ông Đô rồi quay vô ngã ba Diêu Trì, thẳng đường tây tiến theo lời mời của chủ tịch UBND huyện Vân Canh, Trần Hữu Biên.

Đường lên phía tây không xấu, không khó đi. Xe chạy ngang qua xã Phước Thành (Tuy Phước), Canh Vinh, Canh Hiển (Vân Canh), ngày xưa là vùng giao tranh ác liệt. Mấy năm gần đây lũ lụt liên miên, miền trung du này càng cằn cỗi xơ xác. Lũ về nhà sập khá nhiều, cây cối tróc gốc. Mố cầu bị nước kéo phăng vừa mới đắp. Việc đi lại phải ngại ngùng.

ĐCT nữ nhiều hơn nam nên rất vui. Các “bậc mẫu nhi” cũng lắm chuyện hài. Thanh Phương bày trò ghép đôi ai với ai đó. Và tất nhiên cũng bị ai đó ghép đôi mà không ngại phu quân ngồi đàng sau. Chàng Chúc, rể của Nữ Trung Học có mấy chuyện “cấm quý bà bây giờ mới kể” làm cười nôn ruột. Chỉ có hai nhân vật ít nói nhất đoàn là Mr.Roger Bendig và Châu An Dũng. Cũng dễ hiểu vì hai “bạn” này không rành tiếng Việt.

Tại cây số 14, đoàn cứu trợ dừng xe đón Trần Hữu Biên để cùng lên huyện (lúc này là 11g45). 40 năm trước anh chàng nhỏ bé này rất ít nói, hay cười và đỏ mặt khi bị quê. Bây giờ cũng nói ít, hoặc chỉ nói khi cần phải nói và cũng đỏ mặt khi ngồi bên Thanh Phương. Hồi lâu lấy lại bình tĩnh thì đối đáp mạnh mẽ trông rất giống một “bác cán bộ”, đáng yêu.

Đường xa lại mệt nên mỗi người mỗi kiểu thư giãn. Bác Nhã thì fixed ở ghế đầu tiên bên phải bác tài, ngồi Thiền với kinh Bát Nhã (?), Nghĩa thì phân phát cho kỳ hết “hàng hóa” mang theo để các bạn nhâm nhi cho mỏi miệng chơi. Xuân Hiền thì đối đáp với Thanh Phương đôi câu rồi cũng trầm tư chi đó…"Đoàn xe này thật kỳ lạ, tuy là dân Cường Để & Nữ Trung Học nhưng không gian thì xa lắc, thời gian thì lâu lơ mà lại ngồi chung một xe, nói và làm cùng một việc: việc sống cho tử tế. Điều gì làm ta có thể gần gũi thân thiết nhau đến như vậy. Đó là nhờ công nghệ mạng toàn cầu, đó là ơn những người đi tiên phong của cuongde.org, nthqn.org và mỗi thành viên ở đó đã vun xới nên tình thân hữu này…" lại nữa, "Không hiểu vì sao lụt lội lại dữ dằng đến thế kia!. Các ngài có thanh minh thanh nga dẫu vạn lần đi nữa thì tại chốn này chúng tôi đã hiểu rằng "nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai bắn anh bằng đại bác"3. Nhưng đợi chi tới tương lai. Nhân quả đã hiển hiện đấy thôi !"

Lẽ ra phải dừng chân tại Canh Vinh, Canh Hiển là hai nơi cứu trợ sau cùng của chuyến đi, nhưng ý “tri châu” Trần Hữu Biên muốn bạn bè dấn bước non đoài, lưu lại miền trung du Vân Canh khô cằn sỏi đá, nơi bạn "cai quản", giây lâu cho thỏa tấc lòng nhớ mong. Thế là ĐCT đi tiếp non mười cây số nữa để tới “huyện phủ”.

Đi cứu trợ kị nhất là chè chén tại nơi mình cứu trợ. Nhưng hơn 30 năm chưa gặp nhau, nay Trần Hữu Biên làm “lớn” bạn bè cũng thấy vui. Vui chỉ vì mỗi việc: bạn mình làm quan dân sẽ được nhờ. Bạn Biên mời cơm trưa không đạm bạc, tất cả phái đoàn: báo Tuổi Trẻ, các bác tài và ĐCT chừng non 30 người, nhưng Hữu Biên đãi bạn từ tiền của mình, không phải của dân là vui rồi. Đi cứu trợ xa đường, lại toàn tiểu thơ, công tử nên được bạn ân cần lòng thấy ấm áp, hả dạ. Nhân chuyện vãn mới hay tin Trần Trọng Đãi “quậy” năm xưa nay đã an cư tại quê nhà Phước Thành lấy việc trồng cây cảnh làm nghề. Vui mừng, bạn có công việc hợp với tài năng.

Đoàn cứu trợ Cường Để & Nữ Trung Học Quy Nhơn chụp hình lưu niệm với lãnh đạo UB xã Canh Hiển và huyện Vân Canh.

13g15, Đoàn xe từ giã Vân Canh quay xuống Canh Hiển trao quà cứu trợ. Số lượng quà dành cho Canh Hiển thật ít ỏi nhưng cũng ấm lòng 10 hộ dân nghèo ở đây. Lãnh đạo xã đón tiếp đoàn niềm nở, mong sẽ được đoàn quan tâm trong những dịp khác. Dừng chân tại Canh Hiển 45 phút, đoàn xuống tiếp thôn Tân Vinh, xã Canh Vinh.

Địa điểm tập kết quà cho Tân Vinh là một ngôi trường mẫu giáo. À không, gọi là lớp mẫu giáo thì đúng hơn. Sau trận bão lụt, không thể xếp đây vào danh mục trường học được. Nó là một căn nhà trống trải, bàn ghế các cháu mẫu giáo lèo tèo chỏng chơ. Các mẫu chữ cái, tranh ảnh học tập thì nằm lăn lóc đợi gió hong khô. Trên một bức tranh học tập có ghi hàng chữ: “Tranh đố rèn luyện tư duy”. Từ ngữ sao mà kiêu kỳ, sáo rỗng, chẳng thể nào len vào được tâm trí bé bỏng trẻ thơ, giờ đang đói khát!!! Phía góc nhà có một cái trống thủng không biết để làm chi. Đằng trước là một khoảng sân con, còn bùn nhão với bậc cấp cao, không biết các cháu bé có vừa chân bước !

Đoàn cứu trợ dỡ hàng xuống trường mẫu giáo thôn Tân Vinh, làm nơi cấp phát.

Tại đây, Thanh Phương với lòng trắc ẩn tuyệt vời của một người mẹ, đã cùng các bạn Nữ Trung Học phát động ngay một "chiến dịch" chớp nhoáng, quyên góp tất cả các thành viên trong ĐCT được hai triệu đồng, trao cho Trần Hữu Biên, góp phần tu bổ lại "trường" để các cháu sớm được đi học lại.

14g30, ĐCT lăn bánh về xuôi đến địa điểm cuối cùng là thôn An Long 2 (Canh Vinh). Nơi đây không có lực lượng chuyển quà. ĐCT, mỗi người tùy theo sức của mình, nhanh chóng bưng, xách gạo, mì, nước uống tập trung vào trụ sở thôn. Anh trưởng thôn cũng là công an viên đọc danh sách cứu trợ để đoàn trực tiếp trao quà tận tay cho bà con nghèo vùng lũ.

Cứu trợ bão lụt tại thôn An Dõng 3, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh

15g15, thùng quà cuối cùng đã chuyển hết cho đồng bào vùng lũ. Trần Hữu Biên thay mặt bà con cám ơn ĐCT. 
Bạn hữu về dưới xuôi. Biên quay ngược về núi. Chia tay ít lời mà nồng ấm thân thương.

15g30 cùng ngày, là thời khắc chấm hết cuộc hành trình cứu trợ, nhưng quý chị Nữ Trung Học còn muốn nán lại thêm chút nữa để tự thưởng mình và đãi mấy anh bạn Cường Để dễ thương, một chầu bánh bèo đặc sản Đống Đa - Quy Nhơn.

(Viết tiếp chuyện đặc sản quê hương vào đây e bị lạc đề, hơn nữa ĐCT đã mệt rồi, nên xin hẹn các bạn vào một dịp khác - để tôi đi ăn cho hết các món đặc sản ở quê nhà cái đãrồi mới viết được)


Quy Nhơn, 10.11.2009
Khổng Xuân Hiền

1 Xin xem trang ảnh cứu trợ bão lụt tại đây
2
Thơ Tế Hanh, bài Nhớ con sông quê hương.
3Rasul Gamzatovich Gamzatov, một đề từ ở trang đầu trong Đa-ghet-xtan của tôi.

Thêm bình luận