“Xin gửi đến các bạn những dòng thơ tôi viết lúc còn ở cái tuổi ngây ngô để nhớ lại một thời!”

TranTriNang2016
Trần Trí Năng - 2016

Sáng nay khí trời ở Washington DC se sẻ lạnh. Mặt trời cũng vừa nhú lên, làm con phố ấm lại được phần nào. Tôi chạy bộ về hướng White House, ngang qua Washington Monument và vòng lại Capitol Building. Vài đám mây lãng đãng trôi trong bầu trời xanh thẳm trông giống như những dải lụa mượt mà bay phất phơ dưới ánh nắng vàng hoe. Trên đường tôi bắt gặp  những cháu bé tụm năm, tụm bảy nói chuyện ví von ở bến xe buýt hay trước cổng trường như những chú chim  đang ca khúc nhạc chào mừng buổi sáng đẹp trời đang về. Tuổi trẻ sao hồn nhiên và dễ thương quá! “Ước gì mình có thể sống lại được thời bé dại như chúng!”, một cảm nghĩ nhẹ nhàng dâng lên trong đầu khiến tôi mỉm cười thoải mái! Lúc này, tôi nhớ  thật nhiều về những năm tháng học trò của mình mà hình như  tôi đã  quên bẵng đi trong  cuộc sống tất bật với công việc mưu sinh hàng ngày. Một nỗi nhớ cồn cào, quay quắt! Thời gian không đợi ai; càng lúc tuổi đời càng chồng chất. Tôi cũng đang lom khom bước qua ngưỡng cửa bảy mươi rồi! Tôi muốn “hồi hướng” tìm về tuổi học trò thuở xa xưa của mình! Để trở về vũng đời hồn nhiên, vui tươi và trong sáng! Để tìm lại “hạnh phúc tôi”. Hạnh phúc của một thời trong tình nghĩa đầm ấm, mặn mòi!Đã sống và lớn lên trong thành phố Qui Nhơn tỉnh lẻ.

  1. Vài dòng tản mạn

Trong dòng đời dun dủi tranh đầu tìm cuộc sống, có một giây phút nào đó, con người muốn tìm về  những kỷ niệm của tuổi học trò. Như người ta thường nói, kỷ niệm sẽ chẳng là gì nếu con người muốn quên lãng; nhưng sẽ là tất cả nếu họ muốn phủi lớp bụi thời gian để tìm lại những gì còn ẩn chứa trong tâm hồn. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, tuổi học trò của thế hệ chúng tôi có phần phức tạp hơn!  Giữa nét ngây thơ “cầm tay nhau trong giây phút là nhớ nhau suốt đời! ”, sự rụt rè “ngó em chẳng dám ngó lâu- ngó qua một chút đỡ sầu mà thôi!” [1] và những tình huống uẩn khúc, khó khăn tuổi trẻ phải đối diện mỗi ngày về sự sống còn, chúng tôi đã phải tìm cho mình một sự hài hòa trong cuộc sống để duy trì vẻ hồn nhiên của tuổi thơ. Dù thế nào đi chăng nữa, tuổi học trò vẫn là giai đoạn đẹp nhất trong mỗi chúng tôi. Cái tuổi trong trắng và tràn đầy mộng mơ. Những hoài niệm ký ức từ những chiều thả diều trên đường quê, bắn bi, đánh đáo, tắm sông, những buổi trưa hè đi hái me, hái keo, ăn hàng rong và mót những cành lúa vàng hoe còn sót lại sau mùa gặt để đổi lấy cơm thơm.

Tuổi thơ của chúng tôi thường sống “ngoài đường” và gần thiên nhiên hơn vì ít ai chịu bó mình tù túng trong căn nhà chật hẹp, nóng bức vào mùa hè, mà lại không có phương tiện giải trí nào thích hợp. Đối với chúng tôi lúc bấy giờ, màu phương vĩ, tà áo trắng và tuổi học trò gắn liền rất khắn khít và tròn trịa với nhau. Có những buổi chiều tan học, lẻo đẽo theo bước chân ai đi về cuối phố. Liệu có ai hiểu tâm sự mình đang có hay không mà sao cứ âm thầm lầm lủi đi theo?!   

Nhớ cánh phượng nhẹ rơi trên mái tóc
Mái hiên xưa vôi trắng đã phai màu
 Áo trắng một mình dáng nhỏ về đâu
Chiếu tan học gót sầu qua cuối ngõ?
 

Chầm chậm bước. Theo chân ai bỡ ngỡ
Võ Tánh dài nằng nặng ướt trong mưa
Tiếng gió đu đưa, vạt nắng cũng vừa
Mang tâm sự gửi trao người cuối phố. 

Màu đỏ hoa phượng nở rộ và tiếng ve sầu giục giã bước chân đánh dấu mùa tan trường sắp đến với lưu bút ngày xanh. Sân trường rồi sẽ vắng bóng dáng những tà áo trắng và những cậu học trò ngây ngô trong bộ đồng phục áo trắng quần xanh. Mọi người sẽ tạm xa bảng đen phấn trắng, tứ tản khắp nơi trong ba tháng hè!  Lúc đó, ai trong chúng tôi cũng có một cảm giác chông chênh và sâu thẳm! Vừa bồn chồn, lo lắng; vừa náo nức phập phòng trông đợi! Hình như sắp thiếu vắng một cái gì rất thân thương và triều mến!  

Em về phượng đỏ tươi trên áo. Nắng hạ tròn ôm bóng ngã dài. Tháng tám trời cao, muôn mộng ảo. Biển xanh  bọt trắng sóng trôi về. Mùa này trường vắng chợt buồn ghê! Bè bạn còn đâu tiếng giỡn đùa. Chạy nhảy tung tăng ong vỡ tổ. Lòng non rộn rã một trời mơ! Lưu bút trao lời chuyện nhỏ to. Dòng thơ lai láng tuổi học trò. Chín mươi ngày ấy sao lâu quá! Lối nhỏ một mình ai dưới mưa?! 

Nói về lưu bút trao nhau vào dịp nghĩ hè, tôi không thể nào quên được những vần thơ của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan và Quách Tấn; những nhà thơ gốc Bình Định. Xuân Diệu nổi tiếng với những vần thơ tình vượt thời gian “ em đã xé lòng non và giấy mới/ Mây đầy trời hôm ấy phủ sơn khê ” [2]. Thế giới của Hàn Mặc Tử là thế giới về trăng, của trăng, uống trăng, mơ trăng, tắm trăng, sống trong lòng trăng và ngay cả bán trăng. “không gian dày đặc toàn trăng cả/ Tôi cũng trăng mà nàng cũng trăng”; “trăng ngã ngửa/ trăng choáng váng/ trăng tan tành/ trăng vỡ đọng vàng khô”; “ Ta nằm trong vũng trăng đêm ấy/ Sáng dậy điên cuồng mửa máu ra…” hay “Trăng nằm sóng soãi trên cành liễu/ Đợi gió đông về để lả lơi/ Cây lá ngây tình không muốn động/ Lòng em hồi họp chị Hằng ơi!”[3]. Thơ  của Chế Lan Viên thì mờ ảo và liêu trai hơn với “những bóng ma Hời” và nỗi cảm thông cay đắng mất nước của dân tộc Chàm mỗi lần có dịp đi ngang qua những ngôi tháp họ xây; và chúng ta có thể tìm thấy ở một số bài thơ trong tập thơ “ Điêu tàn” của ông  “ …Những sông vắng lê mình trong bóng tối/ Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than …” [4]. Tôi cũng thích một vài bài thơ nói về Thành Bình Định của nhà thơ xuất thân cùng xóm với tôi Yến Lan “Cùng nhớ lại những nguồn vui nhỏ nhất/ Bông gòn bay, chùm me rụng thành xưa/ Bình Định đây ,từng sợi tơ cái tóc/ Vẫn chứa chan, tin tưởng tự bao giờ” [5] và bài thơ “Say Nắng” nói về vườn quê thuở còn thanh bình của Quách Tấn ““Vườn rộng tiếng chim thưa/ Bướm vàng say nắng trưa/ Chờn vờn chân muốn đậu/ Vòi mướp gió đong đưa.” [6].

Theo thời gian, dần dà chúng tôi lớn khôn hơn và bước vào ngưỡng cửa trung học.  Hầu hết trong chúng ta, ai cũng đã từng trải qua một tình cảm và rung động đầu đời! “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu/ Có nghĩa gì đâu, một buổi chiều/ Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu…” [2]. Có cuộc tình trầm lặng, nhẹ nhàng, không dám nói. Có cuộc tình nồng nhiệt, hăng say; cũng có cuộc tình hóm hỉnh, dễ thương! Và cũng có cuộc tình với nhiều đắng cay, mất mác. Nhưng cuộc tình nào cũng có cái đẹp, cũng  có nét dễ thương đối với những người trong cuộc. Nhất là mối tình đầu ở cái tuổi còn “mài đỉnh quần” trên ghế nhà trường khi tâm hồn hai người vẫn còn vô tư và trong trắng như trang giấy mới!  

Tôi đã trải  qua những tháng năm thơ  
Với nỗi bâng khuâng tuổi vừa mới lớn
Ngồi êm lặng nhìn buổi chiều sóng gợn
Chân bên chân vạt nắng đậu vai hiền. 

  1. Thời tiểu học

Sau lần đi  tản cư ở Dinh Tiêu vào năm 1953, má tôi và tôi về sống với  bà  ngoại ở Bình Định, một con phố nhỏ cách Qui Nhơn khoảng 20 cây số về phía đông. Mọi người tạm quên sự hải hùng và gian khổ đã trải qua và bắt đầu lại một cuộc sống “mới”.

Con bé dại nhìn trời xanh cao rộng
Chinh chiến tang thương, thôn xóm điêu tàn
Mẹ cồng kềnh, nặng tay xách vai mang
Chiếc xe cộ xô đẩy nhau chạy trốn.  
Hầm núp đạn bom, phi cơ bay lượn
Bỏ xóm quê, cùng gồng gánh về thành
Vất vưởng từng ngày tìm sống kiếm ăn

Mẹ lăn lộn làm đủ nghề để sống. 

Căn nhà chúng tôi cách Thành Bình Định không xa, do gia đình bên ngoại tôi xây lên và được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Nhà tương đối khá rộng với khu vườn nhỏ trồng trái cây phía sau và hàng dừa trước mặt. Nên tôi tha hồ trèo cây hái trái ăn cho bằng thích! Thành Bình Định cũng là sân chơi thường xuyên của bọn trẻ chúng tôi trước và sau giờ học. Chúng tôi chơi hoài không chán những trò chơi như đá banh, u quạ, đánh giặc giả, đánh bi và đánh đáo.

Nhà tôi ở trên đường dẫn vào Thành. Có hồ sâu, có hàng dừa cao xanh. Có chuối nàng hương vừa chín ngon lành. Có xoài khế và ổi tươi thơm ngọt. Nhà tôi ở chái dày cao nhiều lớp. Mái tranh nâu hoang phế nét thời gian. Trước mặt nhà con đường đất ngỡ ngàng. Đưa khách đến hoang tàn Thành Bình Định. Tôi ở đó. Chú học trò ngộ nghĩnh. Quần cụt đen. Nón lá. Bước chân trần. Những mùa hè mồ hôi ướt khắp thân. Chạy nhảy tung tăng. Bắn bi đánh đáo.

ThanhBinhDinh CuaDong
Cửa Đông Thành Bình Định trước 1945

Nói về di tích lịch sử, Bình Định có ba nét nổi bật nhất: văn hóa Vương Quốc Champa  qua nhiều tháp Chàm còn để lại, triều đại Tây Sơn và Võ Bình Định. Thành Bình Định. còn có tên là Thành Hoàng Đế nằm trên nền cũ của kinh đô Đồ Bàn của Vương quốc Champa ngày xưa. Đây là kinh đô cũ của nhà Tây Sơn, nơi đã xảy ra nhiều trận đánh khốc liệt giữa quân lính Tây Sơn và chúa Nguyễn; hai danh tướng  của chúa Nguyễn - Võ Tánh và Ngô Tùng Châu- đã tự vẫn sau khi bị bao vậy nhiều tháng bởi đại quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của  hai tướng Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng. Có câu hát dân gian lưu truyền qua nhiều thế hệ “Ngó lên hòn tháp Cánh Tiên/ Cảm thương Quân Hậu thủ thành ba năm! ”[7]. Quân Hậu ở đây là Khâm Sai Quản Soái Hậu Quân Doanh Võ Tánh (sau này trước khi chết, ông được Nguyễn Ánh phong tước Quận Công kiêm chức Đại Tướng Quân!). Thành bị tàn phá rất nhiều do chiến tranh; giờ chỉ còn sót lại cửa thành phía đông (còn gọi là Thành Cửa Đông) với những tảng đá tổ ong loang lổ, mấy tượng voi sứt mẻ, hồ bán nguyệt và những đống gạch vụn mà thôi!

Trời mưa lối nhỏ mưa nhiều
Đường về làng cũ buồn hiu tiếng lòng
Chiều về gió điệu thong dong
Thành xưa Bình Định ngủ trong hoang tàn.

Cũng nên ghi nhận thêm ở đây một điểm có tính cách lịch sử nữa về tháp Cánh Tiên; vua Chiêm Thành Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) xây tháp này cho hoàng hậu Paramecveri (tức là Huyền Trân Công Chúa) ở  vào khoảng thế kỳ thứ mười bốn [8]. Nàng công chúa này là con gái của vua Trần Nhân Tông đã hy sinh hạnh phúc riêng mình, nghe lời cha lập gia đình với vua Chiêm để đổi lấy Châu Ô và Châu Rí (tức là phía nam tỉnh Quảng Trị và toàn tỉnh Thừa Thiên bây giờ) trong kế hoạch mở rộng bờ cõi về phía Nam của đời Trần. Sau này vua Trần Nhân Tông nhường ngôi lại cho con  trai Trần Anh Tông và về tu tại núi Yên Tử.

Bao nguy nga lộng lẫy của một thời. Bao chứng tích, bao mảnh đời phai nhạt. Đống gạch vụn, những bức tường đổ nát. Sau bao năm  hoang  phế với thời gian. Còn lại đây sự vỡ vụn hoang tàn. Ai còn nhớ một thời huy hoàng của những vua chúa qua bao nhiêu triều đại? Cát bụi cuộc đời đổi thay đâu có gì trường tồn mãi mãi? Văng vẵng đâu đây  tiếng gió tru như lời kêu than của những người lính trong đớn đau sợ hải.  Và những ụ đất như bia mộ chồng chành trôi trên làn sóng màu xanh phủ đầy cỏ dại!  

Người dân ở đây làm hùng hục suốt ngày; nhưng số phận “hẩm hiu” “nghèo vẫn hoàn nghèo”! Họ bám lấy mảnh đất quê hương và  không muốn bỏ nơi “chôn nhau cắt rốn” mà đi. Bao thế hệ trôi qua, cuộc sống của họ vẫn thế!

Người dân quê hiền, dễ thương, chất phát
Da sạm đen vì mưa nắng trong đời
Làm thật nhiều, tần tảo chạy muôn nơi
Vẫn thiếu thốn miếng ăn, quần áo mặc.

Có lẽ đây quãng đời tôi thích nhất trong suốt thời thơ ấu của tôi! Tôi sống rất thoải mái và ung dung tự tại. Nguồn “hạnh phúc tôi” hiện diện khắp mọi nơi! Trong tiếng nói! Trong nụ cười! Chạy nhảy tung tăng trong đồng quê cỏ nội. Chúng tôi không cảm nhận được sự khó khăn về vật chất và vì thế chưa biết thế nào cái gọi là “khổ”!

Thuở còn bé tôi yêu màu nắng ấm
Yêu dòng sông xuyên qua khóm tre xanh
Yêu chiều lên bông lúa chín thơm lành
Con đường đất đưa tôi vào tuổi mộng. 

Cuộc sống của tôi tương đối an bình, trầm lặng với những  ngày cắp sách đến trường tập viết, tập đọc hay tập làm văn với những đề tài gần gũi với ruộng đồng, vườn tược; những lần ngụp lặn trong màu lúa chín, trong vũng bùn đen vỡ đất cày bừa với những chiều cùng bầy trẻ thả diều trên con đường làng vừa tạnh cơn mưa.

Êm êm
Như tiếng sáo diều
Một chiều
Trên đê.
 

Mơ mơ
Như tiếng ai sầu
Ru con
Chiều mưa ngâu.
 
Xa xa
Gió nhẹ nhàng
Nhởn nhơ
Bông lúa đầu
Rộn ràng
Ngày qua mau...

Nhịp sống ở đồng quê tương đối chậm rãi và bình dị. Có vất vả xác thân nhưng cũng vì cách sống đơn giản, ít đèo bồng, mà tâm hồn chúng tôi thoải mái, và dễ chịu hơn. Tôi lớn lên với những buổi trưa nóng như bốc lửa thoăn thoắt chuyền cành qua hàng cây trứng cá hoặc trốn đi hái khế, hái keo. Má tôi và ngoại tôi không cho tôi “quấy nhiễu giấc ngủ trưa của ông bà vì sợ ông bà quở”! So với cây khế, cây keo cao hơn nhiều và có gai; vì thế có phần nguy hiểm hơn! Nhưng mãi ham chơi, ai có hơi sức đâu mà để ý đến mấy chuyện “lẻ tẻ” này!

Những buổi trưa hè nắng chang chang
Hàng cây gió thổi điệu nhịp nhàng
Tay nhanh thoăn thoắt đua nhau hái
Những trái keo dài xinh, thơm ngon. 

Một cái thú nữa là những lần trai gái tắm sông dưới bầu trời nắng hạ; nằm dưới bóng mát cây sung chờ áo ướt hong khô. Vào mùa sung chín, tha hồ mà ăn thả giàn! Mãi vui chơi, chúng tôi quên cả giờ cơm chiều!  

Buổi sáng tôi đi theo đàn trâu
Buổi chiều theo trẻ chạy  qua cầu
Dòng  sông  trai gái đua nhau giỡn
Chợt nhớ cơm chiều vội bước mau.

Ở đồng An Ngãi, mỗi năm có hai vụ; và mùa cấy bắt đầu vào đầu hè và khoảng gần cuối năm. Mọi người làm việc tất bật từ sáng đến chạng vạng. Mồ hôi ướt đẫm làn tóc, chảy nhễ nhại trên gò má làm mềm quai nón, và lan đến đôi vai đang vươn lên chống đỡ ánh nắng mặt trời khắc nghiệt. Hình như họ không cảm thấy thấm mệt! Những mẫu chuyện về làng, về xóm, những câu hát, câu hò và những đề tài không ăn nhập vào đâu vẫn cứ tiếp tục đổi trao nhau. Không khí thật vui nhộn! Nhìn thấy người lớn vui chuyện trò; bọn trẻ chúng tôi cũng cảm thấy vui theo.

Chiếc quần đen. Xăn lên ống quyển. Màu trắng nõn nà. Chiếc nón quai đen. Thuở ruộng nhỏ. Lầy lội đầy bùn. Lằn máu đỏ. Đỉa bám đầy chân. Người đứng đó. Khuôn mặt diệu hiền. Màu áo đó. Nụ cười có duyên. Vành nón lá. Đôi mắt đen huyền. Bờ tóc bới. Chuyện trò huyên thuyên. Trưa nắng đổ. Tay vẫn tay đều. Đời tuy khổ. Nhưng lòng vui vui!

Có những buổi chiều nhạt nắng cùng mấy đứa trẻ trong làng đưa đàn trâu uể oải trở về chuồng. Nhớ những câu hò vọng lại cuối thôn. Với điệu hô Bài Chòi đậm đà dòng thơ lục bát lúc buồn, khi vui, lúc sầu thảm, khi  tỉ tê. Nhớ tuồng Hát Bội ở đình làng với già trẻ gái trai tụ tập  nhau ăn uống, chuyện trò sau mùa gặt . Nhớ dòng sông Trường Thi cuồn cuộn chảy về theo con gió nồm thổi từ cầu Tân An đến đồng An Ngãi. Nhẹ nhàng,  mềm mại, thoang thoảng, khoan thai.

Đường về nhà em có con sông
Có chiếc cầu tre bắt qua dòng
Tháng tám nắng vàng qua trước ngõ
Má hồng, đôi mắt vẻ âu lo.

Tôi lớn lên trong tình quê bên lũy tre làng ngào ngạt nắng ban mai. Tiếng kêu kẻo kẹt như lời mẹ ru con ngủ. Tôi lớn lên  ngây ngất hương thơm đồng nội  bên  con đường đất ngoằn ngoèo bao ngày tôi vui, tôi sống. Bên dòng sông mang  phù sa  tươi thắm cánh đồng. Cho bông lúa vàng hoe vươn tròn tuổi mộng. Theo đám mây chiều  bàng bạc trôi xa… 

Quê hương đượm thắm lời tình tự
Lối nhỏ. Chân trần đường đất quê
Bao năm tôi yêu dòng sông đó
Tung tăng ngày hai buổi đi về. 

 Vì đất nước chiến tranh, nên tuổi thơ của chúng tôi đôi lúc cũng gặp phải những khó khăn, dằn vặt khi chiến cuộc lan dần đến nơi mình đang ở. Biên giới của cái sống và cái chết nằm kề cận với nhau trong đường tơ kẻ tóc! Nhưng không vì thế mà chúng tôi đã đánh mất nét hồn nhiên và ngây thơ của mình. Có âu lo đó! Có lo sợ đó! Nhưng tuổi trẻ chúng tôi nhìn cuộc chiến với vẻ thản nhiên và đôi khi tò mò về những gì xảy ra chung quanh. Không ai cắt nghĩa cho chúng tôi hiểu từ lúc nào quê mình có chiến tranh và khi nào chiến tranh sẽ chấm dứt. Mọi người chỉ biết chấp nhận vì “âu đó cũng là mệnh số của dân mình vậy!”

Tôi đã sống những tháng ngày âu lo
Những đêm đen trốn máy bay dưới hầm
 Nghe bom đạn mới biết mình còn sống
Nhìn hải hùng chợt đến, chợt đi qua.

Sau này, tôi vẫn thường về Bình Định và An Ngãi để thăm bà ngoại và những người thân quen. Chiếc xe đò chạy theo quốc lộ số 1,  ngang qua Cầu Đôi và Tháp Đôi- một trong những di tích Chàm còn sót lại từ Vương Quốc Champa. Người dân bản xứ đặt cái tên này vì nhìn từ xa, hai cái tháp hình như cặp tình nhân âu yếm chụm đầu lại với nhau tâm sự, chuyện trò. 

Tháp Đôi nằm cạnh bên nhau
Quanh năm suốt tháng chụm đầu yêu thương
Mây trời bàng bạc vấn vương
Champa còn đó, con đường còn đây!  

Nắng chiều từng vạt ngây ngây
Cầu Đôi ngã bóng hàng cây dương buồn
Khói nhà ai quyện vấn vương
Cười vang “giọng Nẫu” phố phường chợt vui! 
 

Trên đường đi, nếu có thời gian và vào một ngày đẹp trời, tôi thường ghé thăm Tu Viện Nguyên Thiều- trung tâm của Thiền Lâm Tế-  để tìm lại một chút thanh thản trong tâm hồn. Vẻ tỉnh mịch của Thiền Viện đưa con người “thoát khỏi vòng tục lụy” dù chỉ trong giây lát! Tôi thích đi bộ chung quanh pho tượng Phật khổng lồ màu trắng và khu vườn được các chư tăng săn sóc tươm tất. Gió nồm thổi mát nhẹ. Bầu trời trong xanh. Tôi cảm thấy thật thoải mái dễ chịu. Nhưng tôi không thể giữ cảm giác ấy được lâu khi nhìn xuống thung lũng nằm phía dưới. 

TomEbrite 67 68 NT s
Tu viện Nguyên Thiều

Ngồi nơi đây nơi Tu Viện Nguyên Thiều
Những mái lá xác xơ nơi thung lũng
Những chiếc áo đen suốt đời nghèo túng
Nợ chất đầy đầu, chị ở đợ nuôi em.  

Bóng người lại qua trước những mái nhà ẩm thấp. Tiếng nói cười của họ theo gió vọng lên như cố thố lộ tâm sự thầm kín của một cuộc sống hẩm hiu. Tôi nhận thấy người dân quê mình “sống lạc quan và bằng lòng” với cái “hạnh phúc tôi” của họ! Không đua đòi, mơ ước điều gì cao xa. Họ chỉ mong muốn được duy trì cuộc sống trầm lặng hiện tại của mình! 

Ở đây chỉ có một màu đen
Trai, gái, già, non chẳng trách phiền
Kiếp sống mặc dù như trâu ngựa
Vẫn vui cười, dễ chịu, thân quen. 

Một khoảng thời gian ngắn sau khi chiếc xe đò rời Tu Viện, chúng tôi thấy Cụm Tháp Bánh Ít nằm cạnh cầu Bà Di. Khi xe đến gần cầu Tân An, lòng tôi bắt đầu cảm thấy nôn nao vì biết mình sắp đến bến xe đò Bình Định. Bài học thuộc lòng năm nào hình như vẫn còn vang vọng đâu đây “Lâu nay mới trở về làng/ Lòng em khoan khoái nhẹ nhàng biết bao/ Đàn chim trên ngọn cây cao/ Thấy em đua hát lời chào líu lo”. Lòng rộn niềm vui được trở về làng!

thap banh it
Tháp Bánh Ít nhìn từ cầu Bà Di (Ảnh – cungphuot.info)

Tôi về đây! Tôi bước lại thật gần. Con đường đất ngày xưa đi xe đạp. Hàng hẻm gai vẫn nằm êm san sát. Rỉ sét thời gian qua những tháng năm dài. Vang vọng đâu đây chợt ngỡ bóng ai? Những chú bé quần đen, lưng trần chơi đánh đáo.  

Mỗi năm cứ vào khoảng 23 tháng mười là lụt bão đến thăm quê tôi. Những lần như thế, nước ngập tới mái nhà và mùa màng bị thiệt hại rất nhiều. Trong khi người lớn lo lắng về những gì phải làm trong những ngày sắp tới, lũ trẻ chúng tôi “vô tư”leo trên nóc nhà  nhìn gà vịt trôi; hoặc lấy bẹ chuối làm bè chèo đi chơi. Tuổi trẻ thật “hồn nhiên” tới độ “vô trách nhiệm”! 

Cứ mỗi năm đến lụt tháng mười
Nước về cuốn nhà cửa chảy trôi
Có đàn em nhỏ vui đua nhảy
Bẹ chuối chèo thuyền theo nước trôi. 

Ngôi nhà của ngoại không thay đổi nhiều sau những trận lụt hàng năm. Nhớ lại hồi còn nhỏ, tôi thường ngồi trên cái chỗ xi măng trước nhà nhìn những người gồng gánh mang cây nhà lá vườn đi họp chợ phiên từ sáng sớm tinh mơ khi gà vừa mới gáy. Cả xóm như thức giấc đón chào “ngày hội”! 

Bình Định những ngày chợ phiên đông
Thôn xóm rộn lên khắp cánh đồng
Kẻ gánh, người bưng, quầy rau cải
Thuyền trôi đưa rước khách sang sông. 

 Chợ bắt đầu và chấm dứt sớm để mọi người còn về nhà lo công việc đồng án. Mỗi tháng có sáu phiên; cứ năm ngày họp chợ một lần bắt đầu từ ngày mồng 2 mỗi tháng. Chợ phiên còn là nơi người lớn gặp nhau nói “chuyện mình, chuyện thiên hạ”; những gì xảy ra sau bốn ngày và cũng là nơi lũ con nít chúng tôi đến hoặc để mua đồ chơi, thưởng thức những món ăn đặc biệt hay chỉ đến chọc phá đùa giỡn  thôi. “Bình Định một tháng sáu phiên/ Ai thương  ai thì hãy nhớ xuống lên cho đều.” [7] 

Có chiếc cầu tre ngang qua sông
Con thuyền khoan thai trôi xuôi dòng
Chiếc áo bà ba. Da trắng mịn
Nắng vàng. Rộn rã. Chợ phiên đông. 

Tôi trở về tuổi thơ với những hồi ức phôi pha về đồng An Ngãi, nơi tôi đã sống những ngày đầu đời và thường tìm về  vào dịp hè hay vào những ngày nghỉ học.  

Ngày xưa tôi sống ở nơi đây
Cơm rế muối dưa tạm những ngày
Cậu Trật, bà Hòa, con bác Bảy
Cơm chiều hội hợp khói bay bay.

Hoài niệm về về những tháng ngày ở cái tuổi lên bốn, lên năm, chạy nhảy tung tăng bên thửa ruộng với đôi chân trần lằn nứt còn lấm bùn đen. Gió mới lên mang những vạt nắng lãng vãng trên cành cây làm nồng ấm mái nhà tranh bên cạnh. 

Thửa ruộng xanh tôi đi về hai buổi
Nắng hanh vàng hò hẹn ấp yêu  tôi
Gió ban mai nồng thắm nhẹ ru đời
Trời đất rộng mang ngày vui sắp tới.  

Tôi ở đó lòng non như áo mới
Tuổi lên năm, chái nhỏ mái tranh nghèo
Khói lam chiều quyện kín gót chân theo
Đàn trâu vội về chuồng trông mệt lã.
 
Tôi sống đó, nhớ đến từng gốc mạ
Nhặt lúa thơm sót lại cuối mùa màng
Đổi cơm thơm, chân rộn bước thênh thang
Đời lồng lộng, mênh mang tròn tuổi mộng. 

Với những buổi cơm chiều gia đình quay quần  quanh nồi cơm sốt dẽo, dĩa rau luộc, tô canh cá, tô mắm cua đồng, dĩa cà pháo và chén nước mắm tỏi ớt. Bữa ăn tuy thanh đạm, nhưng chan chứa tình thường! 

Cơm khô rế với củ mì
Ăn thì ăn vậy đôi khi cũng thèm
Tôm, cua, cá, thịt, nấu thêm
Tuổi thơ nhìn nắng bên thềm ước mơ. 

Mùa trăng ở đồng quê bao giờ cũng đẹp! Ánh trăng sáng cả khu vườn và con đường làng trước nhà. Nhớ những đêm mọi người tụ tập nhau giã gạo ngoài sân. Trai trẻ trong làng vừa làm việc vừa hát hò, nói chuyện vui vẻ. Trong khi đó, các cụ già ngồi uống trà, vừa ăn bánh ngọt, vừa kể chuyện đời; còn mấy đứa con nít chúng tôi chạy nhảy nô đùa; đôi khi tạt ngang qua khu nhà bếp ăn bắp nướng và khoai lang nướng. Cuộc vui kéo dài đến khuya; quên hẵn sáng mai mọi  người phải dậy sớm lo công việc đồng án.

Trăng treo trên đầu xóm
Trăng soi cuối thôn nghèo
Rặng tre  reo kẻo kẹt
Chó sủa khàn, cô liêu.
 
Trăng lên nơi đầu ngõ
Con đê nước xuôi dòng
Êm ru lời dịu ngọt
Mẹ ru con. Ngày sang.
 
Trăng lên. Vui triều mến
Muôn sao sáng chập chờn
Trời trong cao diệu vợi
Quê nghèo đêm trăng cao.  

Căn nhà của cậu Trật và ông bà Bảy ở cuối con đê giờ trông có vẻ lụp xụp hơn. Đồng ruộng không còn màu mỡ như ngày xưa; một phần có lẽ vì ông bà đã lớn tuổi, con cái đi làm xa; và một phần vì cuộc chiến đang leo thang.  

Lâu lắm mới về thăm làng An Ngãi
Đồng ruộng nước khô, thiếu vắng luống cày
Mái nhà xưa giờ cũng đã đổi thay
Con đường đất, cổng làng giờ đổ nát
.

Hàng cau và chiếc cầu tre lắc lẽo vẫn còn đó như muốn thách thức với thời gian. Buồng chuối với vài trái hườm vàng reo lững lơ trong bụi chuối còn xanh tàu lá. Chú chim chích chòe đậu lại thưởng thức hương vị thơm tươi. Mấy luống cải cũng bắt đầu lên ngồng lấm tấm vài nụ bông vàng, thu hút bướm ve về bay lượn.

Những ngày nắng đổ trong sân. Cau dài ngã bóng ân cần. Cầu tre qua con nước nhỏ. Đường về chân bước thong dong. Những ngày nắng vỡ trên đê. Bóng tre chắn cả lối về. Lòng non, nhịp đều điệu thở. Ru đời nhè nhẹ cơn mơ. Mảnh hồn khờ dại ngây thơ. Trèo cây, sung rụng trên bờ. Dòng sông rủ nhau tắm giỡn. Bạn bè tuổi mộng thân quen.

Bây giờ mỗi lần đi ngang qua Bến Trường Thi là tôi nhớ đến bộ quần áo, tập vở và cây bút lá tre mới mà ngoại và má tôi mua cho mỗi dịp Tết đến. Con đò đưa chúng tôi về quê thăm và chúc Tết bà con. Với tiền “lì xì” mọi người cho, tôi chơi đánh “bầu cua tôm cá” với mấy đứa trẻ trong xóm. Còn gì thích bằng khi được “ăn chơi” trong ba ngày Tết! 

Đôi khi nhớ đến dòng sông
Nghĩ về quê cũ theo dòng mãi xa
Đầu thôn khóm trúc la đà
Vàng thơm bông lúa mặn mà đất quê.

Ngã ba dòng sông này bao bọc quanh Bến Trường Thi, nơi triều Nguyễn tổ chức các kỳ thi hương cho những thí sinh đến từ Bình Định, Phú Yên, Quãng Ngãi và Khánh Hòa. “Tiếc công Quãng Ngãi đường xa/ Để cho Bình Định thủ khoa ba lần” [7]. Ngoài giá trị văn chương, Bến Trường Thi còn là nơi hẹn hò của bao nhiêu vị anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp như Phan Chu Trinh, Mai Xuân Thưởng, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Trong bài thơ nổi tiếng “Bến My Lăng”, nhà thơ Yến Lan có viết: “Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách/ Rượu hết rồi ông lái chẳng buông câu/  Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách/ Ông lái buồn để gió lén mơn râu…/ Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã/ Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly/ Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả/ Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi/ Ông lão vẫn say trăng nằm gối sách/ Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng/ Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách/  Gọi đò thôi run rẩy cả ngành trăng” [5]. Bến My Lăng ở đây chính là bến đò Trường Thi, nơi sông Côn-dòng sông dài nhất ở Bình Định- chảy qua  trước khi đổ vào Đầm Thị Nại thuộc vịnh Qui Nhơn. Hình ảnh ông lái đò ngồi uống rượu (hay uống trăng?!) đợi khách trên bến sông trăng thật thơ mộng làm sao! Hình ảnh trăng rơi trên mặt nước cũng gợi chúng ta nhớ lại mấy câu thơ của nhà thơ “trăng” Hàn Mặc Tử “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó- Có chở trăng về kịp tối nay?”  Đối với hầu hết người dân Bình Định, sông Côn gắn chặt khắn khít với cuộc sống hàng ngày của người bản xứ qua những câu hát như “Nước Lại Giang mênh mang mùa nắng/ Dòng Sông Côn lai láng mùa mưa/ Đã cam thang đợi năm chờ/ Duyên em đục chịu trong nhờ quản bao” [7].  Ngay cả những làng võ nổi tiếng ngày xưa của Bình Định như Thuận Truyền, An Vinh, An Thái  đều nằm bên bờ sông Côn  này; nên mới có câu nói trong dân gian "Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh" hay "Trai An Thái, gái An Vinh." Khi nói về “ Roi Thuận Truyền ”, chúng ta phải nói đến võ sư Hồ Ngạnh, người đã sáng tạo ra  đường roi đánh ngược rất nỗi tiếng trong vùng. Tương truyền, ba anh em nhà Tây Sơn- Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ - đã học võ tại đây và thường theo đò lên xuống trên dòng sông Côn để mưu sinh trong lúc còn hàn vi.  


Sông Trường Thi (ảnh Trần Quang Kim)

Đâu đây tiếng gọi đò năm cũ. Văng vẵng câu hò vọng cuối thôn. Sóng nước Trường Thi như ghém trọn. Mảnh trăng ngày ấy thuở ban đầu. Dòng sông bao năm tháng dải dầu. Vết đạn bom khằn  kiếp biển dâu. Kẻ đến người qua, đò tấp nập. Đều tay đưa khách chợ phiên đông.  Dòng sông chảy nhẹ điệu thong dong.  Mang phù sa bồi đắp cánh đồng. Bông lúa vàng hoe màu nắng hạ. Cánh diều cao bỗng mộng bay xa. Trường Thi cuồn cuộn nước trôi qua. Tưới mát tình thương thắm đậm đà. Nuôi lớn đời tôi cùng năm tháng. Bướm đùa bên luống cải đơm hoa.

Cách dòng sông Côn chừng 5 cây số là trường tiểu học ngày xưa của tôi. Ngôi trường ngày nào nằm ở gần cửa đông Thành Bình Định. Giờ chỉ thấy những tang thương qua thời gian và cuộc chiến. Lãng vãng đó đây hình ảnh những cô cậu học trò nhỏ bé với vẻ mặt ngây ngô và ánh mắt ngây thơ, dễ thương. Chưa tới quá năm năm, mà biết bao nhiêu thay đổi!

Về lại đây chợt cảm thấy lâng lâng. Ngôi trường cũ giờ rêu phong bao phủ. Đống gạch ngỗn ngang, còn đâu ngày cũ. Những mái đầu xanh đèn sách học hành?! Hàng cây xưa vẫn sắc lá màu xanh. Nhưng giọng nói huyên thuyên còn đâu nữa! Nhặt cánh hoa rơi buồn đau chất chứa. Cái thuở xa xưa giờ đã qua rồi! Tôi ngồi đây bỗng chợt thấy đơn côi. Bao đổ vỡ tang thương đời hoang phế!

Tôi nhớ da diết thời tôi đi học ở ngôi trường này! Bạn bè đủ mọi lứa tuổi và  đến từ những thôn làng chung quanh. Tôi  thuộc vào loại nhỏ tuổi nhất trong lớp; một số bạn học lớn hơn tôi vì họ ở vùng quê và phải đổi giấy khai sinh giảm 5-6 tuổi để được đúng vào hạn tuổi đi học. Trường họp tôi thì ngược lại: tôi “bị” tăng lên một tuổi vì má tôi tưởng tuổi ta và tuổi tây giống nhau! Tôi còn nhớ mồn một bài học thuộc lòng “Tôi đi học” của Thanh Tịnh “ Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nảy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng...” [9]

Có một lần ở Qui Nhơn về thăm nhà, tình cờ gặp lại một đứa bạn ngày xưa ngay tại bến xe đò Bình Định. Tôi tỏ vẻ mừng rỡ và muốn chuyện trò han hỏi những gì đã xảy ra; nhưng người bạn cố tìm cách lảng tránh trong sự ngạc nhiên của tôi. Vì sao? Tôi chẳng hiểu vì sao! Nắng lên phủ ngập vùng trời tôi đang đứng. Một cảm giác xốn xao dâng trào với buồn vui lẫn lộn!.

ChoBinhDinh

Tôi về thăm thành Bình định. Những ngày mới lớn. Bến xe đò. Đưa khách chợ phiên đông. Trên đường đi. Bao cô gái chưa chồng. Và có cả. Một người tôi quen biết. Môi đo đỏ. Má hồng ai thèn thẹn. Ngước nhìn tôi. Tôi nhìn lại. Gật đầu. Câu chuyện xưa. Chưa một lần han hỏi. Bóng xa rồi. Nắng đổ ngập chân tôi. Muốn chạy theo. Nhưng rồi. Tôi đứng lại. Gọi tên người. Nhưng ngài ngại. Nên thôi! Sau bao năm. Với nhiều thay đổi. Cùng một mái trường. Hai hướng định tương lai. Tôi lên tỉnh. Em giờ thôi học. Chuyện học đường. Thành dĩ vãng xa xưa. Em trở lại. Quê nhà giúp mẹ. Và đàn em. Nhỏ bé dại khờ. Em thay đổi. Hình hài da thịt. Nét sạm đen. Vì mưa nắng trong đời. Em vẫn giữ. Đôi mắt đen như mộng. Bờ môi tròn. Đỏ cả nụ cười xưa. Muốn chạy theo. Nhưng rồi. Tôi dừng lại. Gọi tên người. Nhưng ngài ngại. Nên thôi! Sáng hôm nay. Nắng đổ ngập chân đồi.

  1. Thời trung học

Sau bậc tiểu học, tôi về thị trấn Qui Nhơn, bỏ lại sau lưng những tháng năm tràn trề nỗi vui của thời thơ ấu. Mà thiệt, xa rời miền quê  với những người thân quen mộc mạc, chất phát lên tỉnh thành ồn ào náo nhiệt là một thay đổi lớn trong đầu óc còn non nớt của tôi! Ngoài thành Bình Định ra, tuổi học trò  của tôi  chỉ quanh quẩn ở  thành phố Qui Nhơn này. Đây là một thành phổ gầy uốn mình theo hình cung dọc theo bờ biển và  được bao bọc bởi những ngọn núi chung quanh, trông xa giống như một bàn tay ôm chầm lấy thành phố!. Trong bài thơ “Biển”, Xuân Diệu có lần đã viết về bờ biển Qui Nhơn như sau: “Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng cũng xin làm bể biếc/ Để hát mãi bên ghành/ Một tình chung không kết/ Để những khi bọt tung trắng xóa/ Lại trở về bay tỏa muôn nơi/ Như hôn mãi ngàn năm không thỏa/ Bởi yêu bờ lắm lắm em ơi! ” [10]

Qui Nhơn là thành phố ngập nắng , trăng, gió và đầy “bụi” nhất là khi sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn và quân đội Đồng Minh đến. Thành phố trở nên xô bồ hỗn tạp, sầm uất hơn với những khách sạn, quán ăn, tiêm rượu mọc lên vội vã dọc theo đường Võ Tánh, Phan Bội Châu, Gia Long  và với làn sóng người di tãn từ các vùng quê về.

DuongGialongQuyNhon1965CuaTomRobinson
Đường Gia long vào quãng năm 1965 (Ảnh Tom Robinson)

Phan Bội Châu, Võ Tánh phố phường. Nhà sách Đại Chúng, đường Gia Long tấp nập. Tiệm Hồng Hà khách ra vào đông chật. Chụp ảnh người thân góp kỷ niệm đời mình.

 Tháng chín trời trong nắng ấm đẹp xinh.  Đường Khu Sáu dẫn về nơi phố núi. Suối Tiên thân yêu, ước mơ gần gủi. Những sáng đạp xe bánh nhỏ gập ghềnh. Tháp Đôi bao đời vẫn  nằm đó lặng thinh. Vẫn hùng vĩ  thách thức cùng năm tháng. Chim rời tổ cất tiếng kêu gọi bạn. Thông hú vi vu ca khúc nhạc cho đời. Đẹp vô cùng thành phố Qui Nhơn ơi!

Ngoài những khu phố lớn bán buôn tấp nập, Qui Nhơn còn có Khu Hai và Khu Sáu, hai nơi tôi thường lui tới. Khu Hai phần chính là làng chài lưới với ánh đèn leo lét, nhợt nhạt khi đêm về. Làng này nằm trên đường Nguyễn Huệ được trải với một lớp dầu hắc đen láng bóng. Những trưa hè nắng gắt, lớp nhựa dầu chảy ra, bám vào gót giày như muốn dính chặt người bộ hành với con đường. Làng này nổi tiếng với điệu hò Đưa Linh trong lễ rước hồn Đức Ông (cá voi) mỗi khi xác ông cá voi  “lị” (tấp) vào bờ. Người dân đánh cá nào “may mắn” tìm được trước sẽ đóng vai trò trưởng nam; và tang lễ của Đức Ông được tổ chức  khá long trọng với kèn trống và sự góp sức của cả làng. Dân chài ở đây tin rằng cá voi (hay còn gọi là cá ông) đã cứu họ trong quá khứ và  sẽ cứu họ trong tương lai mỗi khi thuyền của họ gặp nguy hiểm giữa biển vào những mùa biển động! Điều này cũng dễ hiểu thôi! Đối với những người phải sống ngoài biển khơi nhiều ngày đôi khi đến cả tháng, mưa bão và sóng gió là điều họ không thể nào lường trước được; một sự giúp đỡ tình cờ nào đó như cá ông dựa vào mạn thuyền trong những lúc nguy hiểm như thế này cũng đủ cho họ niềm tin về phép “nhiệm màu” và họ rất biết ơn! Để họ mạnh dạn ra khơi trong những ngày sắp tới! 

Khu Hai như mực tối đen. Xóm chài đánh cá ánh đèn lét leo. Quanh năm suốt tháng vẫn nghèo. Sóng cao biển động hắt hiu phận người. Tìm về năm tháng xa xôi. Ngôi Trường Kỹ thuật một màu áo xanh. Sinh viên Sư Phạm học hành. Những cô thầy mới trẻ măng tuổi đời. Tháng ngày đèn sách dầu vơi. Ngày mai dạy trẻ nên người mai sau. Giữa lòng thế sự biển dâu. Sống sao phải đạo làm người thế gian?! 

Ngang qua Khu Hai, nếu cứ tiếp tục đi dọc theo bờ biển, du khách sẽ đến Ghềnh Ráng. Đứng trên đỉnh cao, nhìn về phía xa vào những ngày đẹp trời, chúng tôi có thể thấy Cù Lao Xanh- một hòn đảo đặc biệt với trời xanh, nước xanh thấu đáy, rừng cây xanh, bãi cát trắng, san hô và chim yến. Phía dưới là Bãi Trứng với hàng trăm viên đá nhẵn nhụi hình quả trứng nằm rải rác hay chồng chất trùng khít lên nhau trông rất ngoạn mục. Bãi này cũng có tên là bãi tắm Hoàng Hậu vì ngày xưa đây là nơi dành cho Nam Phương Hoàng Hậu tắm. Ở đây có trại phong Quy Hòa; nơi Hàn Mặc Tử đã sống trong những  ngày tháng cuối đời của ông.

Chiều Ghềnh Ráng tôi trở về thăm mộ
Mặc Tử ngày nao với những áng thơ
Sóng vỗ thì thầm như than như  thở
Nắng đổ hanh vàng, mây lượn nhỡn nhơ. 

Có lần Chế Lan Viên khi viếng mộ nhà thơ họ Hàn có nói :  Mộ Hàn Mặc Tử nằm trên đỉnh cao Ghềnh Ráng, biển sáng chói như thơ anh và giông tố tựa đời anh.” [4] Đây cũng là nơi cư ngụ của một nhà thờ họ Hàn khác tên là Hàn Lệ Thu. Người con gái Tuy Phước xấu số này đã phải mắc chứng bệnh ngặt nghèo ở cái  tuổi còn khá trẻ. Đời có những bất công và đôi khi con người đành phải chấp nhận số phận! Thơ của Hàn Lệ Thu rất  ray rứt, cũng có nhiều trăng và đi sâu vào tâm tư của người đọc.

KhuSau2
Khu Sáu

Thỉnh thoảng tôi cũng theo bạn bè đi về Khu Sáu- khu phố núi- ăn phở và mua những trái dưa hấu tròn đỏ ngọt lịm ở vườn. Vừa rẻ lại vừa ngon!  

Đường Khu Sáu loang lổ ổ gà
Xe nhà binh gập ghềnh chạy qua
Cát bụi vàng hoe màu áo trắng
Nón cài hoa nắng bước chân xa. 

Luôn tiện đường, chúng tôi đi thẳng đến Suối Tiên, một con suối  nằm trong một khu rừng nhỏ tĩnh lặng bao bọc chung quanh bởi những mái nhà thấp lè tè và những con đường mòn len lõi dưới bóng cây. Từ Suối Tiên nhìn xuống, chúng tôi có thể nhìn thấy thành phố Qui Nhơn nằm sõng soài bên cạnh một vùng biển rực màu nắng ấm.

Nhớ huyền thoại tình của Suối Tiên.
Đôi nhân tình trẻ gắng đi tìm.
Biển sâu tổ yến nào đâu thấy
Mộng ước hai mình theo gió mây! 

Tôi cũng thường đi tắm biển với một người bạn cùng lớp vào buổi sáng. Tôi thích nhất  bãi biển vào buổi sớm khi mặt trời vừa mới nhú  lên từ phía chân trời. Cả vùng biển nắng bừng lên với muôn ngàn ánh sao sa..Khi cảm thấy mệt sau bơi lội, tôi nằm xoài người gối đầu trên triền cát  để những đợt sóng thì thào tấp vào như chiếc mền trắng kéo lại đắp đôi chân tôi.  Nhìn những con chim hải âu trắng muốt lao đầu xuống nước tìm mồi rồi lại  nhao lên cao.Tung cánh bay xa để lại tiếng hót khàn và đục. Qui Nhơn buổi sáng thật yên bình và vi diệu! 


Bãi biển Qui Nhơn quãng 1965 (Ảnh Tim Wright)

Ánh mặt trời rơi trên vùng biển nắng
Trắng hàng cây, sáng rực cả con đường
Đám cỏ non ướt đẫm dưới màn sương
Gió se sắt vuốt ve lời tâm sự. 

Chim hót véo von tiếng chào tình tứ
Giọng trẻ đùa chơi rộn rã bước chân
Xác ve  tròn xoe giọt nắng ân cần
Phương đỏ ối thắm nồng con phố nhỏ.

Đối diện với bãi biển là trường Nữ Trung Học. Mỗi sáng và mỗi chiều rộn rịp với những tà áo trắng tung bay như đàn bướm nhỡn nhơ trong nắng.  

Phố Qui Nhơn với màu xanh biển động.
Màu áo ai và màu của đợi trông
Màu trắng yêu, màu đẹp đẽ vô cùng
Màu hiền diệu, chân buồn trong cát mịn.
 

Hồi đó, những lúc rảnh rỗi không có chuyện gì làm, tôi đi thăm nhà của đứa bạn ở gần Đầm Thị Nại, nằm ngay trong giữa lòng của thành phố. Mỗi lần như thế, tôi thường ngồi trên tảng đá nhìn về hướng bán đảo Phương Mai như đang ngụp lặn từ phía xa. Mơ màng trong màn sương sớm. Rực rỡ lúc mặt trời lên. Tiếng trẻ đua nhau bắt sò, cá theo mùi nước ngai ngái mặn vọng lên. Thật đễ thương và hồn nhiên làm sao! Đầm thị Nại đẹp nhất là lúc hoàng hôn với ánh nắng ngoi ngóp tạo nên một vũng trời màu tím tuyệt đẹp. Đối với người dân bản xứ, đầm nước mặn này là một trong những địa danh nhiều người biết đến. “Bình Định có núi Vọng Phu/ Có Đầm Thị Nại, có Cù Lao Xanh” [7].

Theo thời gian, chúng tôi lớn lên và cũng bắt đầu có rủng rẻng chút tiền trong túi. Nên cũng bắt đầu “xài sang” hơn! Chúng tôi có dịp đi xem hát ở  rạp hát Kim Châu và ăn kem ở quán kem Phi Điệp- hai nơi nhiều người thường gặp nhau, hò hẹn những ngày cuối tuần hay vào dịp nghỉ hè.

Gặp gỡ thân quen.
Uống ly rau má.
Mát cả tấm thân 
Mát cả tình người!
 Giữa buổi trưa hè.
Nắng đổ muôn nơi!
 

Chúng tôi cũng muốn quên đi những diễn biến của cuộc chiến đang xảy ra hàng ngày. Nhưng thực tế thì khó khăn và phủ phàng hơn! Mục đích chính của thi cử không phải là con đường để trau dồi kiến thức và tiến thân; mà là để “hoãn” đi lính. Vài thằng bạn đã phải “xếp bút nghiên theo việc kiếm cung”, đi nhập ngủ vì đã thi hỏng Tú Tài và không may mắn nằm trong hạn tuổi được “tạm miễn”. Trong số đó có đứa cháu họ của dì Tám ở chung nhà. Thằng này ăn diện lắm! Quần áo lúc nào cũng tươm tất với tóc mái hiên kiểu “La Thoại Tân” trét dầu chải đầu láng bóng. Hôm đến gặp tôi từ giả, nó nói như muốn khóc vì lo sợ những gì sẽ xảy ra trong  những tháng ngày sắp đến. Tôi ôm chầm vai nó một hồi lâu. Cái im lặng ngột ngạt khó thở! Tôi cũng chẳng biết nói gì bây giờ ngoài vài câu an ủi nó: “Với những người trót đã lỡ sinh nhầm thế kỷ như thế hệ bọn mình, thân phận chúng mình sớm muộn gì rồi cũng sẽ giống nhau! Thôi cũng đành chấp nhận số phận an bài vậy!”. Tôi không biết là tôi an ủi nó hay tự an ủi chính mình?! Hôm ấy là một ngày đẹp trời; nhưng sao tôi cảm thấy như một giọt mưa mặn chát đang rớt xuống trên môi.

Những thằng bạn vừa hỏng tú tài đôi
Phải chuẩn bị hành trang đi quân đội
Vạt nắng vỡ trên lá xanh còn mới
Dần đổi thay màu, vàng võ sắc nâu. 

Không lâu sau đó, một đứa bạn khác cũng đến gặp tôi từ giả để về quê. Tôi hỏi: “Sao mày không chờ thi xong rồi tính sau? Bộ mày tính bỏ học hả?”. Bình thường nó hay đùa giỡn; nhưng sao hôm đó nó điềm đạm như một ông cụ non! Nó gật đầu không nói. Dù sao, đôi mắt của nó cũng đã thổ lộ những gì nó đang nghĩ. Tôi đoán được phần nào ý định của nó! Vì mấy tháng gần đây, nó tỏ ra rất bất mãn về vụ phi cơ bắn giết hai mẹ con đang cố bơi vào bờ gần đảo Phương Mai…  

Bạn bè cũng lần lượt đi qua
Kẻ ở người đi mỗi hướng đời
Cuộc sống như làn mây gió thoảng
Một thoáng vui cười, một thoáng  xa.

TrungTamQN1967
Trung tâm Qui Nhơn quãng 1967

Về Qui Nhơn, tôi sống ở một khu lao động đông dân nằm trong con hẻm đường Võ Tánh.  Ở đây có nhiều  người làm nghề “ buôn gánh bán bưng”; phần còn lại làm lao động chân tay. Lũ trẻ trong xóm có những đứa trạc tuổi tôi hay nhỏ hơn; phần lớn không được đi học. Một số cha mẹ cũng cố gắng cho con đến trường  để kiếm chút chữ nghĩa với người ta. Chúng tôi thích chơi chung với nhau. Thích chọc ghẹo, “phá phách ” hàng xóm cho vui; chớ ngoài ra không có ý xấu gì cả!  

Em là cô gái  xinh hàng xóm. Mỗi tối học bài bên cửa song. Tôi đứng nhìn sang , lòng khẻ nhủ. Cố học thật nhiều xem ai hơn?! Bao lần em đến hỏi han tôi. “Bài học hôm nay khó quá rồi!” Tôi bảo em về nên gắng học. Làm biếng ngày mai chúng bạn cười! Em ngước nhìn tôi như khẻ trách. Sao người vô ý hững hờ thôi! Nhìn em bước vội qua khung cửa. Tôi thấy vui vui , khoái chí cười. Em là cô gái xinh hàng xóm. Gặp lại hôm nay thật ngỡ ngàng. Mấy năm trôi qua người mỗi ngả. Em bây giờ  khác hẳn em xưa! Tôi mời em uống tách cà phê. Hỏi chuyên ngày xưa, chuyện ngôi trường. Những chuyện bên đường em ngày cũ. Êm lặng. Em cười . Đôi mắt thơ. Em lập gia đình mấy tháng qua. Chồng em giờ đi lính xa nhà. Em lo buôn bán, trông em nhỏ. Chăm sóc mẹ già buổi sớm trưa. Em là cô gái xinh hàng xóm. Nói chuyện ngày xưa , em chỉ cười. Dĩ vãng bây chừ theo gió thoảng. Chiều về lặng lẽ. Áng mây trôi! 

Chúng tôi chen chúc nhau sống với gia đình dì Tám trong một căn nhà được xây dựa vào bức tường sân vận động của thành phố với mái tôn; nên mùa hè thì nóng còn mùa mưa thì tiếng nước rơi đập mạnh vào mái tạo những âm thanh chói tai khó ngủ. Nhưng đối với những người tất bật mưu sinh hàng ngày với sức lao động tay chân, thì đây không phải là vấn đề vì họ ngủ say như chết!  Khu dân cư này trở nên lầy lội với con đường hẻm đầy bùn vào mùa mưa. Có một năm chúng tôi gặp phải nạn lụt vì mưa lớn quá. Đồ đạc trong căn nhà nhỏ bé của chúng tôi một phần bị cuốn trôi, một phần bị ngập nước thấm ướt và lên mốc. Buồn nhất là  khi “món đồ quý giá” nhất– quyển nhật ký và một số tập thơ của tôi–bị nước cuốn đi! Cơn lũ đã vô tình cướp mất của tôi một phần của quãng đời non dại!

Cơn lụt cuốn trôi đi những mảnh vụn của lòng Những buồn vui trong cuộc đời lận đận Tôi đứng đây. Vừa buồn, vừa giận Tìm đâu ra quyển nhật ký một thời? 

Mặc dù ban đầu còn nhiều xa lạ giữa chúng tôi và những người bạn mới sống cùng nhà, nhưng dần dà trở thành thân quen và chúng tôi đối xử với nhau như những người thân trong gia đình. Gia đình dì Tám tản cư từ Tam Quan, nên ông bà thông cảm được phần nào kiếp “tha phương cầu thực” của mẹ con tôi. Chúng tôi cùng chia xẻ cho nhau những khó khăn, những trăn trở dằn vặt gặp phải trong cuộc sống nơi đô hội. Đôi lúc có thở dài nhưng không than vãn! Mẹ tôi có gánh hàng rong bán chảo tôm, bún cá và bánh nậm; còn dì Tám thì bán bún ốc và bánh ít. Mỗi ngày hai bà rời nhà từ sáng sớm tinh sương  gánh hàng  ra chợ bán và thường thì khoảng trưa là xong.  

Mẹ ở đó, những tháng ngày nhớ mãi
Gánh cháo tôm, bánh nậm giọng reo vang
Vóc dáng nhỏ con, thoăn thoắt, vội vàng
Như chưa  biết một lần thân thấm mệt.   

Mặc dù có thiếu thốn về vật chất, nhưng chúng tôi không bao giờ thiếu ăn. Hai bà luôn luôn giữ lại đủ phần ăn cho gia đình.Thêm vào đó, người chị của một thằng bạn ở cuối con hẻm có gánh bán bún bò Huế và gia đình của một đứa khác ở nhà đối diện bán bánh ướt; nên thỉnh thoảng tôi cũng được “ mời thưởng thức” mấy món ăn đặc biệt này mà không tốn đồng nào cả! Thật khó mà tìm được một nơi nào khác “sang trọng” như thế này!

Đôi khi sống ở khu lao động có cái thú vị và tự do riêng của nó: vì nhà bốn bề gió lộng, nên chúng tôi không phải bận tâm đến việc đóng cửa gài then; lúc nào nóng bức thì một số chúng tôi ra trước nhà ngủ thoải mái; vào mùa hè, nhất là khi gần tới mùa thi, nhà nóng và chật chội với nhiều người ở nên tôi thường ra học ở ngoài đường cùng một số bạn bè; vừa mát lại vừa vui! Những lúc về nhà khuya, tôi thường lục nồi, lấy một chén cơm cháy ăn với mắm ruột cá ngừ. Đôi khi má tôi cũng để trong lồng bàn một tô bún cá ngừ với một dĩa rau thơm, cà pháo và vài miếng thơm. Ăn ngon “hết xảy” luôn! Nhất là nhằm vào lúc đang đói bụng!  

Những buổi tối bên cột đèn đứng học
Màn sương đêm nhòa ánh sáng lu mờ
Trang giấy mực in nhợt nhạt phất phơ
Con gió nồm sang mát ngày giữa hạ. 

Thỉnh thoảng vài đứa bạn thơm thảo mang thức ăn ra cho. Chúng tôi tụ tập lại, ăn một cách ngon lành! Món ăn tuy đơn sơ nhưng ân tình nồng ấm! Chuyện học ngoài đường này lúc đầu chỉ có vài “mống” cần điện đường vì nhà đông người, chật chội và  dùng đèn hột vịt như tôi; nhưng dần dần nhiều đứa bạn khác cũng tham dự vì vừa vui vừa đỡ buồn ngủ! Thậm chí, có vài đứa ở mấy căn nhà chung quanh cũng ghé lại thăm, chuyện trò với chúng tôi trong giờ giải lao của chúng nó!  Không khí mùa học thi càng lúc càng trở nên vui nhộn! Giữa đất trời rộng rãi bao la, chúng tôi hình như quên mất sự lo lắng về ngày thi sắp đến! Chỉ cảm nhận được niềm vui và sự phấn khởi mà thôi!

Quen nhau cái thuở học trò. Mến nhau những lúc nhỏ to chuyện trò. Chuyện đời chưa biết âu lo. Trao nhau cây kẹo, líu lo đường về. Tháng năm cùng lớp, mãi mê. Chuyên cần học tập, bỏ bê bạn cười. Trưa hè nắng gắt muôn nơi. Uống ly nước mía “đã đời” mát ghê! Rủ nhau “ học gạo” không về. Mùa thi sắp đến, trăm bề nỗi lo. Đêm khuya đường điện hẹn hò. Ly chè em nấu mang cho ngọt tình. Nụ cười em mãi đẹp xinh. Cố công thi đậu đẹp mình đẹp ta. Cùng nhau vui cửa, vui nhà. Cà phê, quán vắng. Chuyện ta, chuyện người!

Một điều tôi thích nữa là địa thế của căn nhà chúng tôi. Mỗi ngày tôi chỉ cần leo hay chui qua bức tường xi-măng là có thể đến sân vận động tập thể dục một cách thoải mái! Vừa tiết kiệm được thời giờ và vừa hít thở được không khí trong lành của buổi sáng trong thành phố. Tôi tập thể dục khá đều vì không có “lựa chọn” nào khác hơn! Mới bốn giờ cả xóm đã thức dậy rồi; có muốn ngủ ráng thêm chút nữa cũng không được!? 

Nơi tôi ở, với tường loang vách đổ. Những ngày mưa lụt lội trở về. Nước che ngập đến nơi phảng gỗ. Đêm nằm nghe ếch nhái, côn trùng. Tôi sống đó những ngày hè nóng bức. Rộng thênh thang, gió lồng lộng bốn bề. Nơi tôi ở một khu nước đọng. Bùn ngang chân lầy lội sắc đen. Mới bốn giờ, nhà sáng lên đèn. Tiếng con khóc lẫn tiếng chày giã gạo. 

Cuộc sống có thiếu thốn; nhưng lòng người rộng rải, bao la. Thấy má tôi làm việc vất vã, tôi cũng muốn tìm vài công việc lặt vặt để đỡ đần cho bà phần nào. Một trong những nhiệm vụ chính của tôi là xách nước đem về nhà. Tôi thường thức dậy sớm. Và mỗi tay một thùng nước; tôi xách nước từ giếng đi về nhiều lần. Một hình thức tập thể dục rất hiệu quả! Chỉ nửa tiếng đồng hồ, tôi có thể đổ nước đầy mấy cái an đủ cho gia đình bảy người dùng trong ngày.

Tôi ở đó, đông người chen chúc sống. Nước mỗi ngày hai tay xách giếng xa. Tắm ngoài hiên bầy  trẻ nhỏ, người già. Xối vội vã để khỏi phiền lối xóm. Tôi ở đó, tôi yêu con đường nhỏ. Yêu trời xanh, yêu em nhỏ nụ cười. Yêu bàn tay cằn cỗi, miệng vui tươi. Hùng hục suốt ngày không đủ tiền để sống! Tôi yêu cả những tấm lòng cao rộng. Nghèo xác thân nhưng giàu có tâm hồn. Cơm muối dưa ngày hai buổi thong dong. Với năm tháng buồn vui đời lem luốc. Cuộc sống bon chen, nghèo hèn, cơ cực. Số kiếp ngựa trâu người chẳng ra người!

Một số gia đình đến sống trong khu lao động này đến từ những vùng bị tàn phá nhiều bởi cuộc chiến như xứ dừa Tam Quan và Bồng Sơn như gia đình dì Tám. Bom đạn đã thiêu hủy xóm làng của họ.

Còn gì ở mái nhà xưa
Nhìn quanh chỉ thấy hàng dừa cháy tan?
Ngỗn ngang đống gạch hoang tàn
Người quê đành phải bỏ làng đi xa. 

Họ đã bỏ lại đàng sau những rặng dừa xanh, nhà cửa ruộng vườn do cha ông đã để lại bao đời để đến đây tìm sống. Tình cảnh mất mát khi xa quê, thêm với cuộc sống bon chen cùng cực nơi phố thì đè nặng trĩu oằn đôi vai họ. Họ sống bon chen mỗi ngày với thân hình lem luốc “người chẳng ra người.” Đi lang thang như những chiếc bóng bên đời! Nói về các cô gái đến từ xứ dừa, họ có nét đẹp rất tự nhiên với làn da trắng mịn và mái tóc xõa bóng nhoáng thơm mùi dầu dừa mà các cô gái thành phố ít người có được

Em ở Tam Quan mát bóng dừa. Màu da mìn mịn trắng kiêu sa. Đôi mắt đen, nụ cười chúm chím. Giọng nói ân cần rộn kẻ xa. Em ở Tam Quan chạy giặc về. Đạn bom phủ ngập khắp đồng quê. Em về phố thị em tìm sống. Vất vả bon chen với tháng ngày! Tôi gặp em đây giữa chợ đời. Đường về gió lộng khắp muôn nơi. Phố em đang ở, nơi tôi ở. Nắng gió che thân. Một kiếp nghèo!

Phần lớn các em ở trong xóm còn nhỏ, trạc vào cái tuổi từ 5 đến 16, các em phải đi đập đá, vác gạo, hay bán cà rem mỗi ngày; cố mót nhặt giữa đời một cuộc sống rơi rớt trong lòng phố chợ. Các em rời nhà từ lúc tờ mờ sáng đến tối mịt mới về. Quần áo và mặt mũi  đứa nào cũng lấm lem  sau một ngày làm việc vất vả! Trông các em mộc mạc và chất phát làm sao đó!  

Những đứa trẻ em lên năm, sáu tuổi
Nét mặt sần sì sạm nắng nám đen
Những buổi trưa hè quần áo lấm lem
Chạy chân đất bán cà rem trong phố.  

Có những lúc thư giản, tôi trò chuyện với những em nhỏ di tản về những mẫu chuyện bên lề cuộc chiến tranh. Hầu hết các em đều không thích cuộc sống nơi phố thị và muốn trở về lại quê hương sau khi mùa chinh chiến chấm dứt. Các em muốn trở về với hàng dừa xanh, với lũy tre đầu làng và những chiều thả diều cất tiếng ca vang. Các em sẽ có nhiều chuyện làm thích thú hơn và cuộc sống các em sẽ không còn đơn điệu và nhàm chán như bây giờ. Nhưng bao giờ và biết đến bao giờ, ước mơ của các em được trở thành hiện thực?!

Bao giờ em trở lại quê hương? Thăm lại làng xưa những con đường. Bông bụt chắc giờ đang nở rộ. Chiều về bao em nhỏ đùa nô? Bao giờ làng em hết chiến tranh. Bôm thôi nổ vang, pháo rộn ràng. Em lộng lẫy trong tà áo mới. Mức dưa, trà bánh, đón xuân sang? Bao giờ hết lê bước lang thang. Em trở lại quê với mẹ hiền. Âu yếm em vui đàn em nhỏ. Sáo diều nhè nhẹ tiếng ca vang? Bao giờ thôi hết kiếp lang thang. Sống giống như chim nhỏ lạc đàn. Mái ấm em về nơi nương tựa. Quê nhà sống lại thuở xa xưa?

Mặc dù Qui Nhơn là một thành phố nhỏ, còn quê mùa nhưng các đoàn hát cải lương như Thanh Minh- Thanh Nga, Kim Chung, Minh Chí- Việt Hùng cũng thường đến lưu diễn. Những lúc như thế tôi và vài đưa trẻ trong xóm cũng được dịp đi coi “ thả cửa”! Nhưng có lẽ sôi động nhất cho thành phố và tuổi trẻ chúng tôi xảy ra vào giữa thập niên ’60s là khi nhóm Trịnh Công Sơn đến học ở Trường Sư Phạm Qui Nhơn lúc trường này vừa mới mở khóa đầu tiên để huấn luyện giáo viên cấp trung học vào năm 1962. Cả thành phố như  biến thân với ban nhạc của Thanh Hải và Lê Đức Phò với những điệu nhạc kích động như Twist, Bebop; với Trịnh Công Sơn trong bài “ Biển nhớ” do ông sáng tác vào lúc ông 23 tuổi và đang theo học ở trường này. Theo một vài người bạn học thời đó thuật lại, bài này ông viết  trong bối cảnh bãi biển Qui Nhơn về Tôn Nữ Bích Khê, người con gái dễ thương cùng lớp “Ngày mai em đi/ Biển nhớ tên em gọi về/ Triều sương ướt đẫm cơn mê/ Trời cao níu bước sơn khê”  [11]. Chúng tôi cũng bắt đầu tập đánh đàn “cà tịch cà tang” và thường gặp nhau ca hát vào dịp cuối tuần. Tiếng nhạc không hay và giọng hát khàn khàn như “vịt đực”nhưng cũng tạm đủ  để gọi là “an ủi hay ru ngủ thân phận” của những kẻ sống bên lề cuộc chiến!


Trịnh Công Sơn lúc học Trường Sư Phạm Qui Nhơn

Gặp gỡ nhau những buổi tối cuối tuần. Vài thằng bạn tụ tập nơi đây ngồi “tán dóc”. Những mẫu chuyện xoay quanh ngôi trường đang học. “Biển nhớ”, “Diễm xưa”, giọng hát khàn khàn. Chiếc guitar bạt màu âm điệu ngân vang. Khúc nhạc Trịnh Công Sơn buồn đau, rả rích. Mãi ngụp lặn trong bóng đen mù mịt. Thế hệ hôm nay đã trót lỡ sinh nhầm! Tuổi còn non, trót đã phải dấn thân. Đường đi đến tương lai xa vời vợi. Tìm gì đây vào những ngày sắp tới. Điểm sáng nào đâu lét leo ở cuối đường? Chỉ thấy quanh mình toàn thống khổ đau thương!

Về phương diện học tập, chúng tôi  được cái may mắn là những người thầy dạy dỗ rất tận tâm. Tuổi của họ không hơn tuổi chúng tôi bao nhiêu; vì thế họ rất thông cảm tâm tình của những  đứa học trò tuổi vừa mới lớn mà đã bị lôi cuốn vào những nghiệt ngã của cuộc chiến. Hồi còn trẻ, chắc họ cũng có những ước mơ như chúng tôi bây giờ; nhưng rồi thế sự biển dâu đã đưa đẩy họ thành những giáo viên tỉnh lẻ! Những vị thầy này muốn chúng tôi thực hiện được những hoài bão ngày xưa mà vì nhiều lý do ngoài ý muốn, họ không thể thực hiện được. Chúng tôi thường đến nhà một số thầy để nói chuyện học hành; hay nhiều khi chỉ ngồi tán dóc. Nghe họ kể lại cuộc sống sinh viên với nhiều tự do chọn lựa và phóng túng, tôi thấy “phát thèm”! Đối với những tâm hồn còn non dại như chúng tôi, họ là những người anh, người chị đáng kính và là những tấm gương tốt để chúng tôi noi theo! 

  1. Giả từ

Sau khi học xong bậc trung học vào mùa hè 1967, chúng tôi đi tứ tản mọi nơi như những cánh chim lạc đàn đi tìm sống. Một số nhập ngũ; phần lớn đi Sài Gòn; còn một số rất ít đi Huế hay ở lại thành phố. Tôi chọn đi Sài Gòn  một lẽ vì thấy bạn bè đi nhiều nên  mình cũng muốn đi theo; một lẽ khác là hy vọng được thi đậu vào một trường đại học chuyên nghiệp nào đó! Mà nói cho cùng, thấy phiêu lắm vì thực sự mà nói cộng với vấn đề khó khăn  về tài chánh, mình cũng chẳng biết tương lai mình rồi sẽ vì đâu vì có quá nhiều yếu tố ngoài vòng tay kiểm soát của mình! Điều đối diện trước mắt là phải chia tay những người quen thân và thành phố thân yêu.

Nhớ mái tóc dài phủ chấm vai
Đôi bàn tay nhỏ, ngón tay dài
Những chiều hò hẹn, không đến hẹn
Gởi trả cho người buổi sáng nay.
 

 Đối với một người học trò tỉnh như tôi, Sài gòn thật quá ư rộng lớn! Tôi cảm thấy “ngọp mặt ” và hụt hẫng với lớp sóng người và làn xe trên đường. Tôi ở chung với vài thằng bạn cùng quê trong một căn gác xọp xẹp ở đường Trần Quốc Toản nằm đối diện với Học Viện Quốc Gia Hành Chánh. Vào buổi tối, chúng tôi tụ tập lại ăn uống nói cười như đang ở trong trại lính! Mỗi người một dĩa cơm phần; ăn chưa no nên đôi lúc vẫn còn cảm thấy đói vì sức trai đang lớn. Bạn bè tới chơi, nhất là bạn gái, thường khó tránh khỏi được những cặp mắt dòm ngó, xoi bói  của lối xóm. Thường thì tôi rời căn  gác từ sáng và mãi đến chiều mới về; đi tìm thông tin về trường học hoặc đi chơi. Chứ ở một mình trong phòng hoài buồn chán chết! Thấy bạn bè xin đi du học, tôi cũng đi xin mà trong lòng không có một tí tị hy vọng nào cả. “Ai sao tôi vậy” mà! May mắn “trời không phụ lòng người”, tôi được học bỗng của chính phủ Việt Nam đi Nhật vào tháng 9. “ Thừa thắng xông lên!”, tôi nộp đơn xin học bỗng USAID của  Mỹ và cũng được trúng tuyển vào  tháng 11 cùng năm. Trong nỗi mừng khôn xiết, tôi về thăm lại Qui Nhơn và thành Bình Định để từ giả  thành phố, cám ơn những người thầy và những người thân quen đã, dưới một hình thức này hay hình thức khác, chia xẻ một phần cuộc đời của họ với tôi trong suốt 18 năm đầu đời tôi sống ở đây.  

“ Về lại đây, tìm lại màu nắng xưa. Tìm áo trắng với mái tóc dầu dừa. Tìm trường cũ rêu phong cùng năm tháng. Màu phương buồn đỏ ngập dấu chân xưa. Về lại đây, tìm lại những cơn mưa. Chiều tháng bảy đất trời như nung đúc. Tìm cát trắng chân ai dài gót nhỏ. Ướt vai mềm, tóc đổ rộn bước xa. Về lại đây, tìm lại điệu thu ca. Tháng mười đến, gió đồng hơi lành lạnh. Chiếc áo mỏng, khói lam chiều phố vắng. Mái tranh nghèo ngày hai buổi ước mơ. Về lại đây, đường đất đỏ mong chờ. Những buổi sáng lúc giờ em đi học. Nhìn nắng đổ nhẹ nhàng qua suối tóc. Màu da trời xanh lồng lộng biển êm. Về lại đây, tôi về lại đi tìm. Vùng kỷ niêm, cả vùng trời tuổi dại. Thời cắp sách, bây chừ còn nhớ mãi. Xa một thời, vùng tuổi mộng trôi xa...” 

Trường đã bắt đầu khai giảng, nên sân trường rộn rịp với những cô cậu học trò trong bộ đồng phục trắng chạy nhảy nô đùa trong sân. Thính Đường do quân đội Đại Hàn xây năm nào vẫn còn nằm yên tắm nắng thu! Hàng phương vĩ trước sân trường giờ chỉ còn màu lá xanh với vài cánh hoa đỏ còn sót lại. Vài chú chim sẻ nhảy nhót tìm mồi dưới gốc cây còn lấm tấm xác màu phượng đỏ. Thấy mọi người có vẻ bận rộn với công tác đầu niên học, nên tôi không muốn ghé ngang văn phòng để chào hỏi những người quen. Sau khi đi một vòng chung quanh trường,  tôi quyết định ghé lại nhà mấy đứa bạn để thăm; và được biết chúng nó giờ đã đi xa. Ghé lại thăm gia đình dì Tám; gia đình cho biết chú Tám và hai đứa con lớn đang đi làm xa; lâu lâu mới về thăm nhà. 

Về lại nơi đây, bây chừ trống vắng
Cái chái năm xưa giờ thiếu bóng người
Bè bạn thân quen, mỗi đưa mỗi nơi
Vào quán cũ, chỉ thấy mình lạc lõng

Trước khi vào lại Sài Gòn, tôi đến thăm một số người thầy tại nhà riêng. Mọi người rất vui mừng khi gặp lại tôi! Nhà văn Nguyễn Mộng Giác – tác giả bộ truyện lịch sử “Sông Côn Mùa Lũ ” và cũng là giám học của trường  lúc đó-  có viết  cho tôi một lá thư rất cảm động với tư cách là một người thầy và cũng là người anh  gửi lời nhắn nhủ đến cậu học trò mới tập tễnh bước vào ngưỡng cửa người lớn. Có háo hức, hăng say; nhưng cũng có những hoang mang, đầy suy tư và trăn trở. Đối với tôi, phía trước là một vùng trời mới lạ chưa khai phá! Có thú vị nhưng chắc chắn sẽ có nhiều chông gai! Cứ bước tiến lên với những hoài bão đang có. Đam mê và niềm tin chính mình sẽ là hành trang giúp mình vượt qua những chông gai gặp phải. Khó khăn dù lớn hay nhỏ vẫn cho mình những bài học quý giá về tình người và cho kinh nghiệm bản thân.

Nắng nhẹ long lanh trên tóc ai. Phủ màu e thẹn ngón tay dài. Bước chân em vướng tà áo mới. Mát nhẹ da trời vươn bước anh. Chiều nay trời điểm sắc xanh xanh. Mây trôi, chim hót rộn trên cành. Chân em vẽ tóc trong màu nắng. Nét chữ ân tình, yêu, nhớ, thương. Chiếc cặp em mang khắp nẽo đường. Sách màu, thư mộng, nét yêu đương. Mực đen tô đậm thêm dòng chữ. Giấy trắng như hồn dáng nữ sinh. Biển động chiều nay sóng trữ tình.

Vỗ về năm tháng, vạn lân tinh. Con thuyền lạc lõng phương xa đó. Mãi cứ trôi hoài, sang bến xa. Nắm nhẹ tay em, điệu hiền hòa. Nhìn em mà sợ gió trôi qua. Ngày mai có kẻ mang đi cả. Kỷ niệm nơi này, chuyện cũ xa…

Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến. Lại một mùa chia tay! Nhưng mùa chia tay này “dài hạn” hơn vì không biết bao giờ sẽ gặp lại! Biết nói gì cho nhau khi tương lai còn xa mù mịt và hiện tại là một khoảng trống không?  Cố níu kéo lại một cái gì nhưng mình giống như những kẻ đang bơi trong cơn lũ mà không tìm được một chiếc phao nào! Để nương tựa. Để quay vào bờ!  

Cái tuổi học trò của hy vọng, của ước mơ; nhưng cũng là cái tuổi của vỡ vụn, của trăn trở, đau thương. Cái tuổi của lất phất mưa bay; của những con đường đi hoài không mõi với những mẫu chuyện ngắn dài và những êm lặng vô duyên. Những ngày Suối Tiên, những chiếu Ghềnh Ráng. Để dấu chân trần trong cát giẫm trên những dấu chân. Hoa phượng rơi. Trang lưu bút ân cần. Hoa nở rộ trên vai trong vùng biển nắng. Đưa tiễn. Tiễn đưa. Kiếp người hữu hạn. Hợp rồi tan. Vẫn mưa nắng hài hòa. Lớp bụi thời gian nhòa hồi ức phôi pha. Còn hoài niệm mang theo trên con đường sắp tới! 

Cuộc vui nào cũng có lúc tàn! Chia tay nào cũng mang đớn đau và tổn thương đến những người trong cuộc! Hẹn hò, thân quen. Con đường phía trước? Chỉ thấy mây đen bao phủ ngập trời! Dòng thời gian cứ từ từ nhẹ trôi…như dòng đời. Không đợi!

Thôi em về, đừng nói chuyện ngày mai. Đường xa xôi vạn lý, hành trình dài. Ai đoán được những mảnh đời sắp tới. Biết nói gì hứa hẹn của tương lai?! Ngày sắp hết rồi, vạt nắng phôi phai. Dãy thông xa gió rú tiếng thở dài. Cơn sóng vỗ như thầm thì ru nhẹ. Cát nằm xoài bên bờ biển thân thương. Văng vẳng từ xa vọng lại hồi chuông. Thánh đường kia vẫn tĩnh mịch u buồn. Vẫn lặng lẽ nhìn bóng chiều đến vội. Gió nhẹ về mềm mại tóc ai buông. Thôi em về, xin em đừng vấn vương! Chuyện ngày qua phượng đỏ với ngôi trường. Chuyện phố nhỏ với bao lần hò hẹn. Chuyện áo màu cánh bướm nhẹ vương vương. Thôi em về lối cũ chuyện mùa thương. Chuyện đèn khuya quán vắng với con đường. Chuyện mái tóc nồng nàn thơm hoa nắng. Má em hồng, nụ cười nở sắc hương. Hôm nay đây, đối diện ta với ta. Mưa nắng bao năm, tình nhẹ hiền hòa. Những hờn giận. Bao buồn vui. Tất cả ! Cùng vũng trời chim hót rộn lời ca. Hôm nay đây, phượng rụng đỏ sân nhà. Cố níu lại bước chân xa sắp lạ! Nắng thoi thóp, mây trời như che lối. Lê bước nặng nề. Ta tiễn đưa ta!

Đã đến lúc phải giả từ thành phố Qui Nhơn, nơi tôi đã sống bảy năm! Ra đi một buổi sáng trong lành. Gió nhẹ qua hồn áo mỏng manh. Chân bước ngang qua con phố cũ. Mây trời trong mịn nét thanh thanh. Qui Nhơn đã nuôi tôi lớn khôn với tình người rộng rãi, với bãi biển thân yêu trong những sáng bình minh và những chiều tắc nắng và với thật nhiêu kỷ niệm vui buồn của những năm tháng học trò. Tuổi trung học của tôi gắn liền với thành phố Qui Nhơn như hình với bóng. Nỗi vui buồn của tôi thay đổi với sự thăng trầm của thành phố. Thành phố vui; tôi vui. Tôi buồn khi thành phố buồn.

Thành phố nhỏ. Nuôi cuộc đời nho nhỏ.Thành phố buồn. Ḷòng tôi cũng buồn theo. Thành phố vui. Tôi chợt nở nụ cười. Thành phố giận. Tôi thấy mình lầm lỗi! Thành phố nhỏ. Một mảnh tình nho nhỏ. Thành phố êm. Trong một chiều mưa bay. Mưa rơi rơi. Thành phố đẹp tuyệt vời! Tiếng tí tách. Tẩu khúc ca muôn điệu. Thành phố nhỏ. Một căn nhà nho nhỏ. Thành phố mơ. Trong buổi sáng bình minh. Thành phố xinh. Bờ biển đẹp bao tình! Triều sóng vỗ. Mơn man bờ cát mịn. Thành phố nhỏ. Ướp mộng đời nho nhỏ. Thành phố vươn. Con đường đất quanh co. Thành phố hỏi han. Căn dặn, chuyện trò. Thành phố đó. Bao nhiêu niềm thương mến! Thành phố nhỏ. Những mái đầu nho nhỏ. Chiếc quần xanh. Áo trắng, nét ngoan hiền. Mãi đùa vui. Cười nói chuyện huyên thuyên. Thành phố nhỏ. Đời vui như trẫy hội. Thành phố nhỏ. Những mảng đời nho nhỏ. Tuổi học trò. Đời chưa biết âu lo. Trang giấy non. Ngày hai buổi chuyện trò. Thành phố nhỏ. Niềm tin tràn nhựa sống. Thành phố nhỏ. Những vũng bùn nho nhỏ. Xóm vắng, dân nghèo. Mất ngủ, thiếu ăn. Trời làm mền. Chiếu đắp tối làm chăn. Thành phố nhỏ. Khó khăn nuôi đời tôi lớn! Thành phố nhỏ. Bảy năm tôi sống đó. Thương người xa. Thương bè bạn thân quen. Tình người bao la. Ḍòng sống êm đềm. Áo cũ rách vai. Đêm về thấm lạnh. Thành phố nhỏ. Yêu ai tình nho nhỏ. Ướp hoa tươi. Lưu bút tuổi học trò. Mộng bay cao. Không do dự, đắng đo. Hàng phượng đỏ. Tung tăng đời bé dại. Thành phố nhỏ. Tiễn cuộc tình nho nhỏ. Áo trắng học trò. Im lặng đứng trong mưa. Hàng thông êm. Tóc đổ xuống đôi bờ. Vai thon mịn. Tay trong bàn tay nhỏ. Thành phố nhỏ. Một thời tôi ở đó. Quen người xưa. Quen xóm cũ bụi dày. Nhìn con nước lên. Lòng buồn sao đây! Ngày mai đó. Tàu tôi xa rời bến. Thành phố nhỏ. Thôi xin đừng hứa hẹn. Đưa tiễn lần này. Lần gặp lại quá xa. Ngồi cạnh bên nhau. Nhìn mãi . Không lời. Tình đã đến. Rồi tình xa thế đó!

Tôi vô lại Sài Gòn, chờ đi Mỹ vào tháng 2. Có đi học trường đại học chuyên nghiệp; nhưng cũng thỉnh thoảng  bỏ lớp hay nhờ thằng bạn trọ cùng phòng đi học thế. Phần chính là  đi chơi với bạn bè; còn chuyện học hành thì “tạm gát lại một bên”! Vào sáng ngày 30 tháng  giêng năm 1968 (tức là ngày mông một Tết Mậu Thân), đang nằm ngủ ở nhà trọ, tôi chợt mở mắt thức dậy với tiếng nổ khắp nơi. Lúc đầu tôi  tưởng là pháo Tết, nên muốn trở lại ngủ tiếp. Nhưng khi nghe tiếng la lối inh ỏi của bà chủ nhà và mọi người lối xóm ở phía dưới căn gác; tôi ngồi dậy và đi xuống nghe xem chuyện gì đang xảy ra. Sau đó mới biết là tiếng súng; và hình như “mấy ổng” đã tiến vào thành phố! Ngay trong ngày hôm đó, cảnh sát và lính đi lùng vào xóm để tìm Việt cộng và ra lệnh mọi người nên “án binh bật động”. Đường bị chắn khắp nơi; tiệm quán đóng cửa. Tôi thấy hơi sợ cho an ninh của mình khi lâm vào tình trạng “xôi đậu” như thế này; vã lại cũng muốn tìm nơi tạm sinh sống; nên tôi xuống Trung Tâm Cứu Trợ Duy Tân xin làm công tác thiện nguyện. Vừa được ăn , vừa lại có chỗ tạm trú miễn phí! Tôi làm bất cứ công việc gì ban lãnh đạo chỉ định- một trong những nhiệm vụ của tôi là đi tãi thương ở vùng Chợ Lớn- nơi sự giao chiến giữa hai bên càng lúc càng trở nên khốc liệt. Ban đầu tôi cũng “nhác sợ đạn lạc”; nhưng khi thấy mấy anh chị sinh viên y khoa chạy khắp nơi cứu thương, chí “nam nhi” của mình bừng lên và một phần cũng “ham vui”, nên tôi trở nên mạnh dạng hơn, theo các bạn mang băng ca đi tìm nạn nhân. Tuần sau đó, tôi liên lạc được với nhân viên phụ tá du học ở Sứ quán Mỹ và được biết chuyến đi Mỹ sẽ phải dời lại vô hạn định. Sự thay đổi như thế này cũng dễ hiểu thôi! Sứ quán Mỹ bị tấn công mấy ngày trước; giờ ai có thì giờ và đầu óc đâu để lo mấy chuyện “du học vớ vẫn này”?! Vì không thể ở Trung tâm Duy Tân dài hạn; lại không có tiền và phương tiện ăn ở ; nên tôi bỏ ý định đi Mỹ và chọn đi Nhật vào ngày 21 tháng 2 “cho chắc ăn”. Hôm đi Nhật, chỉ có má tôi và một đứa bạn đưa đến cơ quan bán vé của hãng Air France; sau đó chiếc xe bus của hãng chở tôi ra phi trường. Nhìn lại quê hương lần cuối và hình bóng má tôi khuất dần về phía xa, tôi cảm thấy buồn ghê! Thêm vào đó, những hình ảnh xảy ra ở Chợ Lớn mấy ngày gần đây trong lúc tôi làm công tác tãi thương cứ  tiếp tục ám ảnh tôi. Mặc dù, tôi có thấy hậu quả của cuộc chiến, nhưng chưa bao giờ tôi chứng kiến tận mắt sự chết chóc tàn khốc như thế này! Lúc này, tôi có viết bài thơ  nhan đề “Ngày Mai Khi Tan Mùa Chinh Chiến.Hoa Nở Khắp Trời Rực Đỏ Lối Đi Xưa” để trấn tỉnh trạng thái tinh thần của mình và hy vọng một ngày nào đó quê hương mình sẽ đổi thay! 

“Đạn bay ngang trên đầu. Lửa đỏ rực khung trời. Em nhặt từng phiến đạn. Kết thành vòng hoa tươi. Đạn bay qua mái nhà. Đạn xuyên qua khung cửa. Em chắp tay cầu nguyện. Mong tình người nở hoa! Đạn bay khắp xóm làng. Đạn nổ tung một đời. Em bé thơ quờ quạng. Xác người nằm ngỗn ngang. Người người khóc kêu than. Nắng chiều buông võ vàng. Những màn khăn sô trắng. Kết thành vòng hoa tươi. Hoa tràn đầy yêu thương. Hoa ấp ủ tình người. Một ngày mai hoa nở. Ngập khung trời hôm nay. Tiếng cười vang muôn nơi. Người ngồi bên cạnh người. Bao chất chồng thù hận. Giờ nẩy mầm muôn nơi. Tình người thắm muôn nơi. Hòa bình ngát hương đời. Những hố hầm, bom đạn. Rực cánh đồng hoa tươi. Hoa tô thắm cuộc đời. Hoa đỏ tươi áo mới. Thanh bình giờ trở lại. Em nô đùa. Em vui! “

Rồi…bẵng một thời gian sau gần 40 năm xa quê, tôi trở về thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 2007. Một cảm giác mừng rỡ, trông đợi khi chiếc phi cơ hãng Eva đáp xuống  phi trường Tân Sơn Nhất. Tôi nhìn với ánh mắt lạ lẫm, hụt  hẫng với sự đổi thay chung quanh. Tôi rất phấn khởi khi thấy một số bạn bè và đồng nghiệp giơ tay vẫy chào. Không khí của chiến tranh ngày tôi rời quê hương đã lùi xa, để lại đây những con người với khát vọng sống. Những hồi ức của tuổi học trò chợt sống dậy trong tôi! Đang  miên man trong dòng suy tư, bỗng đâu tiếng nhạc từ một hàng quán dìu dặt vọng qua đã đưa tôi trở về hiện thực. 

Hơn 39 năm xa quê. Giờ trở lại phi trường Tân Sơn Nhất. Trong khoảnh khắc nửa mơ, nửa thật. Chiếc Eva hạ cánh tự bao giờ. Vẫn tấm bản đơn sơ ngày tôi xa đất tổ. Vẫn chiến hào, lô-cốt vụn ngổn ngang, Vẫn áo trắng xanh, vẫn đôi mắt mơ màng. Nhưng trong tôi cảm giác hơi khác lạ! Đặt chân xuống mảnh đất quê hương vồn vă. Ai chờ ai, người đợi người. Nói cười. Cãi vã ồn ào như chợ Tết đêm ba mươi. Cảm giác nhẹ. Bồn chồn. Lòng lâng lâng xúc động. Thấp thoáng đâu đây bóng mẹ hiền cơ cực. Giọt nước mắt mặn môi chan chứa niềm vui. Tôi muốn khóc cho tôi, tôi khóc trong nụ cười. Được trở lại thăm quê hương , đất mẹ. Văng vẵng đâu đây tiếng mẹ tôi nói khẽ : "Con đã về đây, về thăm mẹ đó ư?!” Tôi gật đầu. Mẹ vẫn giữ nụ cười. Rộng lượng, bao dung, như thuở mẹ còn sống! Ḷòng mẹ tôi : ṿòm trời xanh lồng lộng Như biển Qui Nhơn, như mảnh đất quê hương. Năm tháng chiến tranh, bom đạn khắp nẻo đường. Đất dày xéo. Đất vỡ ươm mạch sống. Đất âu yếm, đất giang tay mở rộng. Cây nở bông hoa, hương lúa ngát thơm nồng. Nước mang phù sa từ những dòng sông. Tưới thắm đất cha ông màu mỡ . Tôi về đây, lòng còn hơi ngờ ngợ. Mang nặng ân tình của một kẻ xa quê. Năm tháng bôn ba vẫn không lạc lối về. Lê chân bước hôm nay trong lòng quê mẹ.

Lúc này tôi nhớ má tôi thật nhiều! Những kỷ niệm ngày xưa chợt bừng sống dậy: những tháng ngày ở Qui Nhơn; hôm đưa tiễn tôi tại hãng bán vé phi cơ Air France với bóng dáng mẹ khuất dần phía sau chiếc xe bus; ngày má đến thăm ở Tokyo; những tháng năm sống ở Mỹ nơi xứ Cali nắng ấm và xứ lạnh Minnesota. Má dễ gần gũi, ôn hòa. Một đời chỉ vì con, vì cháu!

Thái Bình Dương dâng cao lòng biển mẹ
Đưa đời con đi khắp bốn phương trời
Khi trở lại lòng con thành bé dại
Nhớ ngày nào tuổi nhỏ chạy dong chơi. 

Về đến khách sạn, tôi cảm thấy mệt, nhưng không thể nào ngủ được vì “ jet lag”. Nhưng cuối cùng nằm thiếp đi lúc nào không biết! Giọng trẻ đọc bài từ trường học gần bên vọng lại, tiếng loa tập thể dục hòa lẫn với còi xe và tiếng rao hàng inh ỏi từ những hàng quán chung quanh đã đánh thức tôi dậy! Tia nắng sớm mai trinh nguyên, mơn mởn lòn qua cửa sổ phòng nhè nhẹ vuốt ve khuôn mặt tôi.

Tôi lồm cồm đứng dậy; mắt nhắm mắt mở, nhìn chung quanh: Chiếc bàn hơi cũ; cái tủ màu đen. Không gian không quen. Mình đang ở đâu đây? Sài Gòn hay Minnesota? Một cảm giác lâng lâng, quý giá ắp đầy từ lồng ngực trào lên huyết quản. Tôi đã đi qua cuộc hành trình hơn tám ngàn miles và hai mươi giờ bay qua đêm suốt sáng để đươc ngủ một đêm trong lòng đất quê hương. Sáng nay nhịp tim tôi đồng điệu với nhịp đập phố phường. Đón nắng Sài Gòn âu yếm, thân thương!

Thay quần áo xong, tôi và nhà tôi đi dạo khu phố chung quanh để tìm chỗ ăn sáng. Chúng tôi đi dọc theo đường Nguyễn Du và Vườn Tao Đàn. Vì dòng xe gắn máy chạy liên tục, nên cứ đứng chờ mãi mà không qua đường được. Cứ “ dùng dằng  nửa tiến nửa lui ” như thế này, chắc phải đứng đợi suốt ngày luôn; nên chúng tôi quyết định đi qua và để những xe gắng máy tránh đường. Đúng là “tìm cái trật tự trong sự hỗn loạn!” Chúng tôi tìm thấy nhiều quán hàng rong đầy rẫy khắp nơi từ những con hẻm đến góc phố như xe bánh mì, gánh cháo, gánh xôi, quầy phở…Tỏa mùi thơm phức, ngào ngạt hương vị quê hương!  

Những bàn chân khô cằn
Sỏi đá , đất bùn  ngày xưa còn đây
Bà cụ già trán nhăn với chiếc áo bà ba đen
Ngồi bán cháo cá bên cạnh đứa cháu gái.
 
Hình ảnh thật thân thương
Thật nhẹ nhàng, gần gũi
Nhớ lại những tháng ngày ở quê hương
Của một thời má đã sống,
Những con đường má gánh nồi cháo cá đi qua... 

Tôi có dịp về thăm lại Qui Nhơn. Đi lại những con đường ngày nào. Thăm lại ngôi trường cũ. Chỉ thấy mình đối diện với một cảm giác là lạ quen quen.  Có một cái gì hình như đang đến thật gần như muốn tìm hiểu, quen biết; nhưng đồng thời cũng muốn lẫn tránh, lùi xa.

Tìm lại đời mình.
Chỉ thấy bóng đen.
Tìm lại thân quen?
Chỉ thấy phố lên đèn.

Tìm dĩ vãng?
Chỉ thấy mình lạc lõng.
 Giữa  những tên đường.
Chưa một lần nghe!

Ghé lại khu lao động tôi sống ngày xưa. Giờ nhà cửa san sát kề nhau. Ngay sát sân vận động là một trung tâm thể dục thanh thiếu niên với những trai trẻ lực lưỡng đang tập tạ. Phía trong căn phòng có hai cặp đang đánh ping pông. Lần mò dọ hỏi mãi, mới biết được cái giếng cộng đồng ngày xưa đã bị lấp lại để làm sân chơi cho các em bé trong vùng. Từ cái giếng, tôi đi thẳng khoảng 300 mét và tôi có thể tìm được vị trí của cái chái ngày xưa tôi ở. Giờ là một căn nhà khá khang trang; với tiếng trẻ cười đùa và tiếng người trò chuyện. Lòng tôi bỗng se thắt lại. Một mảnh quá khứ của đời mình hình như đã bị vùi chôn!

Cái chái ngày xưa còn đâu nữa. Khiến mình lạc lõng giữa cơn mơ. Thoáng chốc hồn tôi bỗng hóa bơ phờ. Đứng nơi đây lòng chạnh buồn, chạnh nhớ! Thuở ấu thơ qua lại con hẽm này. Bàn chân đen, gót xám, mồ hôi cay. Ngày hai buổi đón mây về với gió. Cũng màu nắng, cũng không gian thuở nọ. Nơi tôi về bỗng từ lạ thành xa. Muốn níu dư âm, nhặt một chút gọi là. Hương ngày cũ bây chừ sao thấy lạ!

Buổi sáng tôi đi bộ dọc theo bãi biển Qui Nhơn. Tôi nằm gối đầu trên triền cát như cố sống lại  ngày nào.Vài vạt nắng con gái trải dài trên vai, len qua tứ chi cho lòng tôi một chút gì ấm lại. Từng đốm lại từng đốm trắng  theo con sóng trải dài trên bãi cát êm. Đâu đây văng vẳng tiếng trẻ rủ nhau đi tìm những con ốc sò vọng lại từ phía xa.

Lãng đãng cuối cụm mây vũng mặt trời đỏ ối. Mặt nước đổi màu theo, ngoan ngoãn ngọn hải triều. Bầy trẻ nhỏ chạy nhảy tung tăng đùa chơi trên cát mịn. Bóng đổ theo dòng triều mến một ngày lên.

Theo dòng thời gian, thành phố đã thay đổi; hay chính mình đã có một sự đổi thay; hay cả hai? Hình như mình đang lên “một cái máy thời gian” đi vào quá khứ mình đã sống; chỉ có điều khác lạ ở đây là ngay cái quá khứ ấy cũng chẳng nhận diện ra mình!

Mình trở thành kẻ lạ, lạc lõng trong thành phố mình đã một lần quý mến, thương yêu.  

Gió thổi chiếu nay, trên đường đi tới
Ghé lại nơi đây, chỉ một hai ngày
Tìm lại đời mình giờ đã đổi thay
Tìm dĩ vãng, ngỡ ngàng trong hiện tại…  

4. Kết từ

Càng lúc càng về già, chúng ta thường có khuynh hướng nghĩ nhiều về tuổi thơ, nhất là những người đã rời quê hương ngay sau khi học xong bậc trung học như tôi. Không được cơ hội để thường xuyên nhìn thấy hay được sống lại phần nào quãng đời thơ ấu của 18 năm đầu đời, tôi lại càng thấy quý mến và càng trân trọng ngưỡng mộ; đôi khi thần tượng hóa quãng đời ấu thơ tôi đã đi qua và một thoáng theo dòng dĩ vãng về sống lại hồi ức của cái tuổi học trò; tôi cảm thấy một cái gì nhẹ nhàng và ấm áp trong tâm hồn. Trở về lại vùng trời tuổi dại nhẹ dong chơi tung tăng trong màu nắng mai mát rượi cả khung trời ở đồng An Ngãi; nhớ con đường đất ngày xưa đi xe đạp qua những hàng kẽm gai rỉ sét thời gian ở Thành Bình Định. Tìm lại trong ký ức ngôi trường cũ giờ rêu phong bao phủ với đống gạch vụn nằm ngỗn ngang vì cuộc chiến. Còn đâu tháng ngày cũ năm xưa với những mái đầu xanh đèn sách học hành?! Nghe lại tiếng gió vi vu qua lũy tre đầu làng hòa điệu với  tiếng me ru con với giọng khàn khàn, đứt quản sau một đêm hình như mất ngủ “Hời hời! Một mai ai chớ bỏ ai/ Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim” [7]. Trở về lại ngôi trường trung học với bước chân kiêu sa trong tà áo trắng, nghiêng nghiêng che khuôn mặt diệu hiền sau vành nón Gò Găng; bờ tóc tung bay và rặng thông già trong gió sớm mai hiền hòa bên bãi biển Qui Nhơn. Nhớ “cái thuở quen nhau thời bé dại- Vụng về ngôn ngữ chợt thân quen.” Nhớ nụ cười dòn tan của bầy trẻ tung tăng đùa giỡn trong vùng biển nắng. Ngọn sóng trên mặt nước xanh dờn đua nhau tấp vào bờ cát vàng, phun lên những bọt trắng xóa sục sôi mầm hy vọng. Tìm lại trong nỗi lo sợ vu vơ đôi mắt đen láy, mơn mởn nét vô tư và thâm sâu nỗi niềm mới lớn. 

Sợ gió, sợ mây, sợ trời sắp tối..
Sở nắng mang đi nét đẹp xuân tình.
Sợ cát màu phủ ngập bước chân xinh.
Sợ biển động che mất màu áo trắng
.” 

Nhớ lại những buổi tối cùng bạn bè hát hò, nói chuyện tương lai  bên ly cà phê và “bập phà” vài điếu thuốc để tập làm “người lớn”. Qui Nhơn đó, tôi sống đời nơi đó; mỗi ngày đi về trong  khu lao động đông dân. Từ xa lạ trở thành thân quen với tình người dào dạt ân cần. Chúng tôi chia xẻ với nhau số kiếp của những chiếc bóng bên đời! Mọi người ai cũng đấu tranh để có cuộc sống tốt hơn với nhiều ước mơ và hoài bão; nhưng hiện thực thì hổi ôi chẳng được bao nhiêu. Bao đêm ngủ gát tay trên trán buồn cho thân phận “hẩm hiu” của mình!  Mặc dù thế, chúng tôi chưa bao giờ than vãn hay bỏ cuộc! Vẫn tiếp tục lầm lũi đi tới!

Sau một khoảng thời gian khá lâu, trong nỗi niềm ray rứt khôn nguôi, tôi trở về thăm lại quê hương Việt Nam để tìm lại kỷ niệm của những năm tháng xa xưa. Quê hương còn đó!  Quê hương tôi về! Nhưng tôi lại phải đối diện với một sự thật phủ phàng: tôi trở thành  “kẻ lạ” trong lạc lõng, cô đơn giữa những con đường không quen  tên với  làn sóng người và xe cộ tấp nập lại qua! Tôi trở về lại nơi đây để tìm lại tôi, tìm lại nụ cười của những năm tháng đầu đời thuở còn bé dại. Nhìn lại ngôi trường đã thay tên, thành phố giờ thay da đổi thịt. Mình muốn tìm lại dĩ vãng nhưng chỉ thấy sự ngỡ ngàng, dửng dưng trong hiện tại. Dòng xe, dòng đời vẫn cuồn cuộn trôi mau! Năm mươi năm trôi qua như nước chảy  qua cầu!

Trần Trí Năng (V.2.0 - Mar 2-2019)

  1. Tài liệu tham khảo

[1] Ca dao Việt Nam
[2] Xuân Diệu: “Vì sao” .
[3] https://www.thivien.net/H%C3%A0n-M%E1%BA%B7c-T%E1%BB%AD/author-mz8hO4-xm_bQYO5dbc_rLg
[4] http://vanak7.forumvi.com/t339-topic
[5] https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=22426
[6]https://www.thivien.net/Qu%C3%A1ch-T%E1%BA%A5n/Anh-bu%E1%BB%99c-%C4%91%E1%BB%9Di-em/poem-dj1g9PC3u5dMignfraneqQ
[7] Ca dao Bình Định.
[8] https://www.maxreading.com/sach-hay/binh-dinh/truong-thi-binh-dinh-dao-duc-chuong-31171.html
[9] Thanh Tịnh : “Tôi đi học”.
[10] Xuân Diệu : “Biển”
[11] Trịnh Công Sơn.

Nguồn: http://www.erct.com/2-ThoVan/TTriNang/Ky-uc-tuoi-hoc-tro.htm