Chúng tôi đang nổ lực liên lạc để truy tìm tài liệu và hình ảnh về cô Trần Thị Gia, Hiệu trưởng đầu tiên của trường Nữ Trung Học Qui Nhơn. Khi có đầy đủ tài liệu, chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu các cô HT trường NTH trong các số Đặc San kế tiếp.
ĐS CĐ - NTH
Viết tiểu sử cá nhân rất khó, đặc biệt là tiểu sử của những người đã khuất hoặc đang sống xa quê hương càng khó hơn. Trong một chừng mực nhất định, thông qua cốp nhặt từ các tài liệu rải rác trên mạng internet và của Đặc San Cường Để - Nữ Trung Học, chúng tôi mạn phép ghi lại những nét chính yếu về các thầy Hiệu trưởng trường từ 1945 - 1975, rất mong được sự bổ sung, chỉnh lý của những vị am tường cặn kẽ hơn để lần xuất bản sau tiểu sử của các thầy được hoàn chỉnh và chính xác hơn. VXĐào
Thầy Huỳnh Văn Gi (1898 - 1962)
VXĐào chụp lại hình lưu trữ tại Phòng Truyền thống trường Quốc Học
Thầy Huỳnh Văn Gi sinh năm 1898.
Quê quán: Hải Lăng, Quảng Trị.
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Nội (trường Cao đẳng lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ). Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, thầy là Tổng Giám thị trường Collège de Qui Nhon.
Cách mạng tháng 8 - 1945 thành công, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Huệ (từ Collège de Qui Nhon tách ra). Niên khóa 1948 - 1949 trường Nguyễn Huệ chia thành hai bộ phận: bộ phận chính gọi là Nguyễn Huệ Bắc, có các lớp cuối cấp, đóng tại thôn Vạn Thắng, xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn do thầy Huỳnh Văn Gi làm Hiệu trưởng và dạy tiếng Pháp cho các lớp cuối cấp; Nguyễn Huệ Nam gồm các lớp đệ nhất và đệ nhị niên đóng tại Hòa Bình, An Nhơn do thầy Ngô Chanh làm Phân Hiệu trưởng. Năm 1950, thầy Huỳnh Văn Gi xin nghỉ hưu và qua đời năm 1962, hưởng thọ 64 tuổi. (Theo Nguyễn Hoàng Hoài Nam)
Thầy Đinh Thành Chương (1908 - 1982)
VXĐào chụp lại hình lưu trữ tại Phòng Truyền thống trường Quốc Học
Thầy Đinh Thành Chương sinh năm 1908 tại làng Xuân Kiển, xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, con ông Đinh Đạo là Phó Dụng Xuân Kiển. Mẹ là bà Nguyễn Thị Thạnh làm nông. Lúc còn nhỏ học tại Phù Cát, năm 1922 học đệ nhất niên (tiểu học) trường Collège de Qui Nhon, rồi ra Huế học tại trường nhà Dòng Pellerin và ra Hà Nội học trường Bưởi.
Đậu Tú tài, làm thư ký Tòa sứ Đà Lạt. Hai năm sau trở ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư phạm. Ra trường gặp thời kỳ kinh tế khủng hoảng năm 1932, dạy trường tư thục Gia Long, rồi làm Hiệu trưởng trường tư thục Thăng Long. Năm 1935 được bổ nhiệm về dạy tại trường Trung học Vinh, Nghệ An (dạy 4 môn: Toán, Lý, Hóa và Vạn vật. Trong số học trò của thầy có GS Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn). Chiến tranh thứ hai bùng nổ, năm 1940 trở về quê quán dạy học, lúc đầu ở Qui Nhơn, năm 1945 chuyển về dạy toán tại trường Trung học Nguyễn Huệ (kế thừa trường Collège de Qui Nhon) đóng tại An Lương, Mỹ Chánh, Phù Mỹ. Thời kháng chiến làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến – Hành chánh tỉnh Bình Định đóng tại Bồng Sơn từ năm 1947 đến năm 1949, niên khóa 1949 – 1950 làm Giám học trường Trung học Nguyễn Huệ (Hiệu trưởng là thầy Huỳnh Văn Gi, trường đóng tại thôn Trung Lương, xã Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) một thời gian ngắn rồi về quê làm ruộng. Năm 1955 được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Trung học Cường Để đến năm 1959. Rời trường Cường Để, về làm Hiệu trưởng trường Sư Phạm Qui Nhơn. Sau đó về làm việc tại Nha Đại diện Giáo dục Trung phần ở Huế. Sau hơn 40 năm tận tụy trong ngành giáo dục, về hưu ngụ tại đường Trần Văn Văn Sài Gòn (nay là đường Trần Minh Quyền thành phố Hồ Chí Minh). Năm 1981 đến Hoa Kỳ theo diện ODP và mất năm 1982 tại Champaign Illinois. (Theo bà Đinh Thành Chương, nhũ danh Nguyễn Thị Giàu người bạn đời của thầy Đinh Thành Chương trong Đặc san Cường Để - Nữ Trung học Quy Nhơn)
Thầy Tôn Thất Ngạc
Ảnh từ cuongde.org
Thầy Tôn Thất Ngạc sinh năm 1931 (trong giấy tờ ghi ngày 27/11/1933)
Quê quán: Thừa Thiên – Huế
• 1947 - 1952: học trường Quốc Học – Huế
• 1951 - 1952: học xong Trung học (ban B), sau khi đậu Tú tài II đi dạy các lớp đệ nhất cấp trường Quốc Học, trường tư thục Bình Minh và trường Bồ Đề – Huế.
• Năm 1953: học Cao đẳng Sư phạm Hà Nội
• 1955 - 1956: học xong ban Toán, Lý – Hóa (trường CĐSP Hà Nội sau 1954 chuyển vào Sài Gòn và thành Đại học Sư phạm, thầy tốt nghiệp tại Sài Gòn)
Ảnh chụp lại từ Cuongde.org
• 1956 - 1958: Giáo sư chính ở Quốc Học (Khải Định), phụ ở Đồng Khánh (Huế)
• 1958 - 1965: Hiệu trưởng Trung học Cường Để Qui Nhơn.
• 1965 - 1975: Thanh tra Trung học trong Thanh tra đoàn Bộ Quốc gia Giáo dục (có dạy phụ ở các trường Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), Trưng Vương và Hưng Đạo TP. Hồ Chí Minh. 1975 đến nay định cư tại Houston, Texas và là tu sĩ trong Như Lai Thiền Đường thuộc Long Hoa Phật Nhị Hội (Hoa Kỳ)
(Dựa theo bài viết "Nhớ về Cường Để thương về kỷ niệm xa xưa và trả lời phỏng vấn của thầy dành cho Đặc san Cường Để và thông tin của anh Nguyễn Mạnh Dzạn)
Thầy Trương Ân (1938 - 1997)
Ảnh chụp lại từ Cuongde.org
Thầy Trương Ân sinh năm 1938 trong một gia đình trung lưu tại Nha Trang (Khánh Hòa), cha là một công chức sở hỏa xa, mẹ là một phụ nữ đảm đang, suốt đời tần tảo giúp chồng, nuôi dạy con. Thầy là con trưởng, có một em trai và bốn em gái (trong đó có cô Mỹ Linh – GS Nữ Trung học Ngô Chi Lan – là hiền thê của thầy Nguyễn Phụ Chính).
Thầy về dạy môn Pháp văn tại trường Cường Để vào năm 1960.
1961 - 1965: Giám học trường Trung học Cường Để
1965 - 1971: Hiệu trưởng T.H. Cường Để
1971 - 1975: chuyển về Sài Gòn làm Thanh tra tại Bộ Giáo dục và ở tại lô C Chúng cư Minh Mạng (nay là Ngô Gia Tự).
Thầy mất ngày 06/10/1997, cốt tro của thầy được giữ tại nhà thờ chính tòa Nha Trang. (Theo cô Ngô Thị Hoa - vợ thầy Trương Ân, nguồn Đặc san Cường Để & NTH).
Thầy Nguyễn Mộng Giác (1940 - 2012)
Ảnh từ nguyenmonggiac.info
Thầy Nguyễn Mộng Giác sinh ngày 04/01/1940
Quê quán: Xuân Hòa, Bình Phú, Bình Khê (nay là Tây Sơn), Bình Định.
Học phổ thông tại Trung học Cường Để Qui Nhơn (1955 – 1956), Võ Tánh (Nha Trang) và Chu Văn An (Sài Gòn).
Học một năm ở Đại học Văn khoa Sài Gòn, sau đó ra Huế học Đại học Sư phạm Huế (ban Việt Hán) và tốt nghiệp thủ khoa năm 1963.
• 1963- 1965: Giáo sư Nữ trung học Đồng Khánh (Huế)
• 1965 - 1973: Giáo sư trường Trung học Cường Để Qui Nhơn
• 1966 - 1971: Giám học
• 1971 - 1973: Hiệu trưởng
• 1973 - 1974: Chánh Sự vụ ở Học chánh Bình Định
• 1974 - 1975: Chuyên viên Nghiên cứu giáo dục – Bộ Giáo dục
• Sau 30/4/1975 - 1981: làm đủ nghề để sống: bán sách cũ ở chợ trời, làm mì sợi ở tổ hợp mì sợi Dân Sinh (Chợ Lớn),
• 1981 - nay: định cư ở Houston, Texas đến năm 1983 chuyển về Westminster, quận Cam, California sinh sống và đã mất ngày 02/07/2012.
• Là một nhà giáo, song thầy Nguyễn Mộng Giác cũng là một nhà văn nổi tiếng trong nước trước 30/4/1975 và ở nước ngoài từ 1975 đến nay, thầy bắt đầu viết từ năm 1971; cộng tác thường xuyên với các báo, tạp chí Bách Khoa, Văn, Thời Tập, Ý Thức của Sài Gòn và đã có những tác phẩm đã xuất bản trước năm 1975 ở trong nước và sau 1975 ở nước ngoài cùng một số bài viết đăng trên tạp chí Văn học (California, Hoa Kỳ), tiêu biểu như:
1. Tác phẩm xuất bản tại miền Nam trước năm 1975:
- Nỗi băn khoăn của Kim Dung (tiểu luận, nxb Văn Mới, Sài Gòn 1972)
- Bão rớt (tập truyện ngắn, nxb Trí Đăng, Sài Gòn 1973)
- Tiếng chim vườn cũ (truyện dài, nxb Trí Đăng, Sài Gòn 1973)
- Qua cầu gió bay (truyện dài, đăng trên tạp chí Bách Khoa từ số 350 – 357, nxb Văn Mới Sài Gòn, in thành tập năm 1974)
- Đường một chiều (truyện dài, Gải thưởng Trung tâm Văn bút Việt Nam, nxb Nam Giao, Sài Gòn 1974)
2. Tác phẩm xuất bản ở hải ngoại:
- Ngựa nản chân bon (truyện ngắn, nxb Người Việt, Hoa Kỳ 1984)
- Xuôi dòng (tập truyện ngắn, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ 1987)
- Mùa biển động (trường thiên tiểu thuyết, nxb Văn Nghệ, Hoa Kỳ, xuất bản từ 1982 – 1989)
- Sông Côn mùa lũ (trường thiên tiểu thuyết, 4 tập, viết từ năm 1977 -1981). NXB Văn học (Hà Nội) và Trung tâm Nghiên cứu Quốc Học tái bản tại Việt Nam năm 1998)
(Theo trang Web: nguyenmonggiac.info "Nơi lưu trữ những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Mộng Giác")
Thầy Nguyễn Phụ Chính (1940 – 1993)
Sinh ngày 20/10/1940
Quê quán: Hải Dương
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn ban Triết năm 1962 và được điều về dạy tại trường Trung học Cường Để Qui Nhơn năm 1963 với các môn Triết, Việt văn.
• 1972 - 1973: Giám học
• 1973 - 1975: Hiệu trưởng
Sau 30/4/1975: cùng gia đình ở trong căn hộ chúng cư Ngô Gia Tự (Minh Mạng cũ) thành phố Hồ Chí Minh và cũng như các giáo chức khác của chế độ cũ, thầy chạy xe ôm, chạy hàng cho một cửa hàng thương nghiệp ở quận 10 và sau đó được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Khách sạn Nguyễn Tri Phương.
Thầy mất vào năm 1993 tại Sài Gòn do ung thư phổi.
(Dựa theo bài viết của thầy Lê Đại Đồng trong "Những người đã mất nhưng vẫn còn". Đặc san Cường Để & Nữ Trung học 1999)
Trích từ Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn 2013