Một thanh niên gốc Việt định cư ở Hoa Kỳ bị tàn tật từ nhỏ nhưng không ngừng phấn đấu vượt qua nghịch cảnh để chinh phục giấc mơ trở thành một bác sĩ chữa bệnh cho những người đồng cảnh ngộ. Giờ đây, khi ước nguyện đã thành tựu, bác sĩ phục hồi chức năng Trần Hồng Nhật vẫn thường xuyên dành thời gian và công sức cho các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ người tàn tật, nhất là các bệnh nhân ở những nước nghèo như Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn của anh. Tạp chí Thanh Niên hôm nay mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ người lương y trẻ tuổi này.
Bác sĩ Trần Hồng Nhật (phải) tại Bệnh viện Chợ Rẫy ở thành phố Hồ Chí Minh năm 2005
Bác sĩ Trần Hồng Nhật sinh ra ở Quy Nhơn, nhưng được gia đình đưa đi vượt biên tị nạn và sang Mỹ định cư tại tiểu bang California từ năm 1980 tới nay. Thời còn ở trung học, bất thình lình anh mắc căn bệnh viêm đa rễ thần kinh (Guillain Barré), khiến một chân bị liệt và các cơ bắp teo co lại. Và ước mơ trở thành một bác sĩ giúp đỡ những người không may bị tê liệt như mình được chắp cánh từ trên chiếc xe lăn đưa anh tới trường mỗi ngày. Sau bao năm miệt mài nỗ lực theo đuổi ngành y, anh tốt nghiệp bác sĩ, chuyên khoa phục hồi chức năng vào giữa năm 2003. Để trở thành một bác sĩ tại Mỹ phải vượt qua một chặng đường dài, đầy gian nan, thử thách. Đối với một người khuyết tật, những khó khăn đó càng nhân lên gấp bội. Hoàn cảnh bệnh tật của bản thân cộng với sự kiên trì chịu khó là động lực giúp anh đứng vững trên đôi chân tàn tật của mình. Bác sĩ Nhật cho biết anh đã phải cố gắng hơn những người khỏe mạnh để khắc phục những trở ngại về thể chất, theo kịp bạn bè đồng trang lứa trong các sinh hoạt học tập.
Bác sĩ Nhật nói:
"Lúc mình đang thực tập, mình bị chậm một chút. Người ta khỏe mạnh thì làm việc nhanh hơn, không bị trở ngại về sức khỏe. Còn Nhật phải cố gắng một chút để theo kịp."
Anh Tâm Nguyễn, một người bạn từ thời trung học biết rất rõ về quá trình phấn đấu vượt qua nghịch cảnh của bác sĩ Nhật, tự hào nói về người bạn mà anh hằng ngưỡng mộ và noi gương:
"Tâm thấy Nhật luôn vượt qua khó khăn, không có gì khiến anh nghĩ là anh làm không được cả. Anh là người kiên trì, thương người, thông cảm với những người đồng cảnh ngộ. Anh đã thành công hơn những gì anh mong muốn, nhưng anh không dừng lại ở đó. Anh luôn tiếp tục phấn đấu. Anh xứng đáng là tấm gương để nhiều người noi theo và Tâm cũng hãnh diện là một người bạn của anh."
Điều đáng khâm phục ở bác sĩ Nhật không chỉ là ý chí vượt khó vươn lên mà còn là tấm lòng nhân ái, luôn quan tâm san sẻ nỗi đau với những người kém may mắn, nhất là những người tàn tật, cho dù là ở đâu. Sau khi tốt nghiệp, anh hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện. Trong những chuyến đi nhân đạo tới Việt Nam, Trung Quốc, Costa Rica, và Mexico, ngoài kiến thức chuyên môn để chữa trị cho bệnh nhân nghèo khó, anh còn mang theo những thiết bị, thuốc men, và sách vở y khoa để chia sẻ với các đồng nghiệp tại những nước thiếu thốn phương tiện.
Bác sĩ Trần Hồng Nhật và anh Nguyễn Mạnh Hà
Anh Nguyễn Mạnh Hà, một trong những bệnh nhân tại Việt Nam từng bị tê liệt do mắc căn bệnh viêm đa rễ thần kinh được bác sĩ Nhật giúp đỡ, nói về ân nhân của mình:
"Bác sĩ Nhật là một thành viên trong đoàn bác sĩ từ Mỹ sang Việt Nam giúp đỡ các bệnh nhân tại Việt Nam. Trong quá trình khám bệnh, bác sĩ Nhật đã điều trị giúp mình, hướng dẫn mình trong quá trình hồi phục bệnh. Bác sĩ Nhật đã đem tới cho mình niềm tin vì anh cũng từng mắc căn bệnh tương tự như mình. Mình noi gương quá trình tập luyện của bác sĩ và bây giờ mình đã hồi phục và đi làm được rồi. Năm 2008 và 2009, mình gặp lại bác sĩ lần nữa và được biết là anh đã triển khai một số chương trình tại Việt Nam như bác sĩ đã mua máy móc, thiết bị, cung cấp tài liệu cho các bệnh viện trong nước, giúp trong quá trình hồi phục chức năng cho người tàn tật."
Chia sẻ thêm về ý muốn giúp đỡ những người tàn tật, bác sĩ Nhật nói:
"Nhật có nhiều kỷ niệm là được nhiều người giúp đỡ mình. Bây giờ mình muốn giúp lại những người khác. Nhật rất thích làm các công việc này. Khi nào giúp được người tàn tật, mình rất vui. Mình đã kinh qua căn bệnh đó rồi, mình muốn đem tới cho những người đồng cảnh ngộ một sự sống thoải mái."
Với nguyện vọng đó, năm 2006, bác sĩ Nhật đã đứng ra thành lập hội từ thiện mang tên International Rehab chuyên giúp người tàn tật tại các nước nghèo. Anh nói anh đặc biệt cảm thông với các bệnh nhân này, vì:
"Mình thấy buồn và tội cho bệnh nhân và bác sĩ tại các nước nghèo vì họ thiếu thốn phương tiện. Bệnh nhân ở những nước này nỗ lực nhiều hơn bệnh nhân ở Mỹ. Người tàn tật ở Mỹ, có thể do có nhiều phương tiện, nên không có ý chí phấn đấu bằng bệnh nhân ở các nước nghèo hơn. Chính phủ Mỹ quan tâm hơn đến người tàn tật, có luật lệ giúp đỡ người tàn tật, buộc các cơ sở phải mướn người tàn tật nếu họ có khả năng làm việc. Các nước khác không được như vậy. Ở Mỹ cũng dành nhiều ưu tiên cho người tàn tật hơn các nước khác."
Bác sĩ Trần Hồng Nhật tại Bệnh viện Việt Đức ở Hà Nội năm 2005
Khi được hỏi về bí quyết thành công từ một người tàn tật trở thành một bác sĩ phục hồi chức năng ở Mỹ, bác sĩ Trần Hồng Nhật cho biết phương châm sống của anh là luôn luôn yêu đời và tìm cách học hỏi thêm để vươn lên.
Anh tâm sự về mơ ước hiện tại của mình:
"Nhật muốn về lại bệnh viện đã chữa trị cho mình để làm việc trong ngành phục hồi chức năng hay tổ chức lại khoa này cho bệnh viện. Trong tương lai, Nhật muốn được tiếp tục về Việt Nam và đi các nước khác giúp đỡ người tàn tật. Năm nay, hội của Nhật cùng với hội Wheelchair Foundation cũng mang tới Costa Rica trên 300 xe lăn cho người tàn tật tại đây. Nhật cũng muốn mai mốt có phương tiện sẽ mang xe lăn về Việt Nam cho bệnh nhân tại Việt Nam."
Trà Mi vừa gửi đến quý vị và các bạn câu chuyện thành công từ một thanh niên tàn tật trở thành một bác sĩ chuyên phục hồi chức năng cho người khuyết tật, bác sĩ Trần Hồng Nhật, tại Mỹ.
Để xem lại các câu chuyện hằng tuần trên Tạp chí Thanh Niên và góp ý kiến với độc giả khắp nơi, xin quý vị truy cập vào chuyên mục Tạp chí Thanh Niên, trên trang voatiengviet.com. Tạp chí Thanh Niên nằm trong phần 'Chuyên mục đặc biệt' giữa trang chính. Xin quý vị bấm 2 lần vào mũi tên bên phải của 3 khung hình ở giữa trang. Tạp chí Thanh Niên hẹn gặp lại quý vị và các bạn trong một đề tài mới, vào giờ này, tuần sau.
Trà Mi
Nguồn: http://www.voanews.com/vietnamese/news/lifestyle/struggle-to-success-story-of-a-vietnamese-disabled-doctor-11-07-11-133364703.html