Đặc biệt là cô Bảy và mẹ tôi hai người thân thiết đến độ mỗi khi có chuyện buồn chồng con gì cô cũng lên than vãn, chia sẻ với mẹ tôi. Thậm chí hai người là quan hệ chị dâu em chồng mà lúc nào cũng mày tao mi tớ cứ như hồi còn học chung một trường .
Thế nên, cứ mỗi lần thấy cô ở nhà mình là tôi biết ngay là cô đang có chuyện gì đó với gia đình . . .
Đó chính là lý do khi chiều nay, khi vừa thấy cô khi đi làm về tôi đã cất tiếng hỏi thay cho lời chào bình thường của một đứa cháu.
-A, cô Bảy, con chắc là “mặt trận miền tây lại không yên tĩnh “ phải không ?
Mẹ tôi mắng :
-Cái thằng láo xược, nói năng với cô như vậy đó hả ?
Cô bảy tôi liền đỡ lời:
-Nó có nói sai đâu mà rầy nó chớ. Yên tĩnh sao nổi với cái ông gàn dở đó mà yên con.
- Lại chuyện thời sự phải không ?
-Chớ còn gì nữa, tòan ba cái chuyện lãng xẹt mà gây nhau mới tức mình chớ.
Mẹ tôi xen vào:
-Đã biết ba cái chuyện tào lao bà còn gây với ổng làm chi cho mệt.
-Không gây mới là chuyện lạ, gặp bà chắc bà không gây ?Hồi xưa ai gây gỗ tối ngày ba cái chuyện Gia Long với Tây Sơn, không phải bà chắc.
-Chuyện đó thì khác, Tại Vua Quang Trung là anh hùng của tui chớ bộ.
-Đó, bà thấy chưa, bà lấy chồng con cháu Minh Mạng mà tối ngày bà lên án Gia Long, bà nghĩ sao nếu nhà Nguyễn còn thì bà là cái gì của nhà Nguyễn, có phải là “ Hòang Tức” không ?
-Ừa hòang tức . . mình thì có, giòng họ nhà Nguyễn nhà bà mà còn tại vị thì “ thứ dân “ như tui sao mà làm dâu nhà bà được, tui vẫn biết triều đại nào cũng đều có công và có tội, chỉ có điều công nhiều hơn hay tội nhiều hơn mà thôi, nhưng cái ông tổ nhà bà, ông Gia Long đó đào mồ cuốc mả nhà người ta lên như vậy không phải là người quân tử, không xứng với bậc quân vương.
-Bà nói không sai, nhưng tại sao bà lấy chồng Nguyễn phước tộc mà bà cứ binh Quang Trung, đó là tại bà thấy chứớng tai gai mắt đúng không ? mà chuyện thì qua từ đời tám hóanh nào rồi, chuyện thì bà cũng chỉ biết qua lịch sử mà bà còn tức điên lên như vậy thì hỏi bà sao tui không tức chớ.
-Mà bà tức cái gì, nãy giờ bà nói tui cũng chưa nghe ra chuyện gì .
-Bà nhớ hôm bữa tui đi công tác ở ngoài Bắc về có kể bà nghe rồi chớ.
-Nghe cái gì, bà tòan nói chuyện theo bà nghĩ không, ai mà biết bà nói gì.
-Thì chuyện tui đi taxi, kẹt đường nên tài xế mở radio nghe thông báo mấy chỗ bị kêt xe đó, sau khi thông báo xong là nói chuyện tào lao, lá cải, chuyện mấy ả ca sĩ không chồng mà có thai đó.
-Nó có thai kệ nó, mắc gì bà tức.
-Tui tức làm gì, con cháu gì tui mà tui tức, có điều tui thấy dzô dziên là chuyện như vậy mà làm như hay ho lắm nên rùm beng lên, bà nghĩ thế nào, ngày xưa thì đóng bè trôi sông.
-Thôi, bà vừa phải thôi, thời này mà còn nói ba cái chuyện lạc hậu đó.
-Lạc hậu hay không thì tùy bà nhưng tui thấy dù sao thì đức hạnh cũng phải đặt lên hàng đầu cho dẫu ở thời đại nào đi nữa, văn minh cỡ nào đi nữa thì đạo đức, hạnh kiểm cũng phải là điểm cần thiết của người phụ nữ.
-Biết rồi khổ lắm nói mãi, mỗi thời mỗi khác, chứ bà không nhớ năm nào có con nhỏ đi thi hoa hậu, giám khảo hỏi “ cô nghĩ thế nào về câu : cái nết đánh chết cái đẹp ?, nó đã trả lời, em nghĩ cái đẹp có làm gì nên tội mà cái nết phải đánh chết nó ạ ! “
-Đó, băng hoại và chết người là ở chỗ đó đó, khi con người mất cảm thức về tội, mật cảm thức về sự xấu hổ thì xã hội này đi về đâu.
-Bà khéo lo bò trắng răng.
-Bà này thiệt tức cười nghe, bà là cô giáo mà nói gì kỳ cục vậy ? bà dạy dỗ học trò thế nào.
-Dạy sao là chuyện của tui.
-Nhưng bà không thấy khó chịu sao.
-Khó chịu thì làm được gì, thay vì bà lên án, chỉ trích thì bà hãy sống sao cho tốt, sống sao để bà là tấm gương soi về đạo đức, bà cần gì nói ai, bà cần gì lên án ai, bà hãy cho tụi nó một chút vốn sống, một chút tử tế từ ngay chính bản thân bà đó.
-Bà tưởng đứa nào cũng nghĩ được như bà nghĩ chắc, cha mẹ học trò bây giờ toàn lo cho con học toán, lý hóa, học anh văn, vi tính để kiếm việc làm cho dễ, có biết cho con học những môn về nhân văn đâu mà đòi tụi nó có cảm thức, cảm nhân chứ. Mà nói cho cùng thì tụi nhỏ cũng bị ép học muốn điên khùng, học không có giờ chơi, học đến không còn tuổi thơ nữa lấy đâu mà học nhân nghĩa . . .
-Nhưng khi bà nói những lời tốt đẹp, khi bà không lên án người khác, khi bà sống như một tấm gương trong thì mọi sự sẽ khác, dẫu cho mọi sự cũng chẳng dễ dàng gì đâu.
-Đó, bà thấy mọi sự cũng không dễ mà, mà nói bà đừng buồn nghen, có phải bà chỉ có thể cho những gì bà có, những gì bà không có lấy gì mà cho phải không ?
-Đúng vậy, nhưng đừng có gài bẫy nghe, bà đừng nói giáo viên tụi tui không có cái tâm, cái đức, cái đạo nên làm sao mà cho học trò được nghen.
-ủa, sao bà biết tui định nói vậy.
-Trời, tui mà không biết bà sẽ nói gì thì liệu tui có phải là bạn bà không, ừa mà bà nói cũng không sai đâu, thiếu gì thày cô giáo tụi tui đã thành tấm gương ố rồi, tui không đổ lỗi cho xã hội, nhưng thật ra cuộc sống bây giờ nó làm sao ấy, người ta muốn giàu, người ta muốn ăn ngon mặc đẹp bằng mọi giá nên như thế đó, tui già rồi, không ham bon chen, ăn ngày nửa chén cơm nên tui mới như bà thấy đó.
-Đó, bà cũng công nhận nhà giáo mấy bà còn như thế thì sao xã hội này không lọan được.
-Nhưng bà cũng phải thông cảm cho các thày cô giáo trẻ, họ cũng có con, họ cũng muốn con họ sung sướng chứ. Cha mẹ nào chẳng thế. Tụi mình hồi đó cũng muốn con mình học hành tới nơi, tới chốn, sung sướng không hơn thì chí ít cũng phải bằng con người khác.
-Đồng ý thông cảm, nhưng bà có đồng ý là không nên cổ súy cho những hành động được xem là vô luân chứ.
-Ừ, mà sao bà cứ hay dùng chữ nghe nặng nề quá thế, nãy giờ tui vẫn chưa hiểu ý bà muốn nói gì, và lý do sao bà cãi với ổng.
-Có gì đâu, ổng già rồi mà ưa coi ba cái tin lá cải, coi chuyện con nhỏ ca sĩ này có bầu, con ca sĩ kia đẻ mà không có chồng.
-Kệ ổng.
-Bà này ngộ nghe, tui hỏi bà, có chửa mà không có chồng có đáng nêu gương không, mấy ca sĩ bây giờ là thần tượng của trẻ con, thần tượng mặc gì tụi nó mặc theo, thần tượng ăn gì tụi nó ăn theo, giờ thần tượng có chửa hoang tụi nhỏ bắt chước thì sao đây
-Bà nói giỡn hoài.
-Giỡn gì, chứ không phải tụi nhỏ thần tương cái tụi nó yêu thích và cố gắng bắt chước sao ? chuyện hay như ca sĩ thần tượng đi làm từ thiện thì nên làm rùm beng lên cho tụi nhỏ bắt chước, còn cái chuyện không chồng mà chửa thì hay ho gì, vô luân, vô đạo đức . . .Bà thử nghĩ, nếu trong trường bà, à mà không, trường nào cũng được, có một cô giáo trẻ không có chồng mà mang cái bụng chang bang thì có bị kiểm điểm không, thậm chí còn bị mất dạy luôn thì có.
-Ừa, bà nói không sai, nhưng sao cãi nhau lãng xẹt vậy.
-Thì tui nói ổng đi ngủ cho rồi, sáng còn dậy sớm đi tập thể dục mà ổng cứ lên mạng coi ba cái tin tào lao đó, ổng còn cãi tui sao bà biết không ?
-Sao tui biết chuyện hai người.
-Ổng nói tui là “ca sĩ nổi tiếng người ta mới đăng tùm lum vậy chớ bà mang thai ai thèm đăng”, bà coi ổng ăn nói dzô dziên như vậy ai chịu nổi chớ.
-Đúng là ổng bậy, nhưng tui hỏi bà nè, bà có thấy chuyện hai người cãi nhau là lãng xẹt không.
-Thì thấy mới tức đây nè.
-Thôi đi, kệ ổng đi. Ổng coi vậy mà còn tốt, chỉ ghiền lên mạng coi linh tinh, còn thì vẫn nghiêm chỉnh với bà, không cà phê, không thuốc lá, bia bọt thỉnh thỏang mới có chút chút với đối tác, có chức quyền như ổng thiếu gì gái non theo mà ổng ngoan vậy bà còn cãi chi, kệ ổng đi.
-Sao bà biết ổng ngoan, tui làm sao biết ổng không găm cỏ non ờ cánh đồng nào đó, ba cái chuyện tào lao như vậy mà còn khen, ba cái chuỵên tào lao như vậy mà còn cãi với vợ thì sao tin.
-Mệt bà quá, tin người mà sống chớ.
-Tin như bà tin ông anh tui, tin để ổng mang hai ba đứa con rơi rớt về như anh tui chắc.
-Nữa, bây giờ bà muốn tui với bà cãi nhau vì chuyện lãng xẹt nữa phải không ?
Nhắm tình hình không ổn giữa hai bà già tôi vội nói:
-Con đói bụng rồi, má với cô đi ăn bún bò với con nghen.
Hai bà già cùng đồng thanh trả lời :
-Ừa, đói bụng rồi, thằng Tư mày bao hai tụi tao hén. Chấm dứt chuyện lãng xẹt này nha.
-Ủa, mà tống ba công an có phạt không ?
-Thì chừng nào thấy công an bà giả bộ nhắm mắt ngả vô tui, tui giả bộ nói bà đau chở đi bác sĩ.
-Ê, sao không phải bà đau mà là tui.
-Thì bà nhỏ con hơn tui, cho bà ngồi trong tui đỡ, bà đỡ nổi tui không mà đòi, nói lộn xộn nó đổi ý cho tui với bà ở nhà bây giờ.
-Nó mà dám, tui cú u đầu.
-Dám không nhỏ.
-Con không dám đâu, má với cô bảy lên xe đi.
Các bạn thấy cô bảy và má tui có vui không ???
Mà cũng nhờ vui vậy nên thế nào chút nữa cô Bảy cũng lại đòi về nhà với dượng bảy vì sợ không ai lo cơm nước cho dượng.
Phạm Thiên Thu