Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200

Đến một tuổi nào đó con người không dễ nhớ chuyện vừa xảy ra hôm qua, hôm nay hay chỉ vài phút trước đó. Nhưng mà kỷ niệm một thời xa xưa thì lại cứ ùa về làm đầy trí nhớ, làm căng phồng lá phổi, làm trái tim thổn thức. Những khuôn mặt bạn bè, người thân, người yêu xưa cứ lúc ẩn lúc hiện, mơ hồ. Những lời nói thân quen cứ như còn văng vẳng bên tai. Những buồn phiền nếu có đã bay theo gió, chỉ còn đọng lại những dấu yêu thuở nào.

Hạ Uyên thường nằm dài trên cái xô pha đã cũ, rách nát. Những mảng bông gòn ló ra trông xấu xí và nhớp nhúa nên Hạ Uyên đã phủ bằng một tấm ra giường. Cuộn mình trong cái mền cũng cũ. Ồ! Có gì lạ đâu, cái gì cũng cũ mà, từ chén bát, bàn ghế, tủ giường. Tất cả những vật dụng trong nhà là do hội nhà thờ và những người hàng xóm tốt bụng biếu tặng Hạ Uyên vào những ngày Hạ uyên chân ướt chân ráo đến ở nơi này. Nhưng Hạ Uyên chưa bao giờ thắc mắc về điều này. Hạ Uyên lúc nào cũng bằng lòng với những gì mình có, nên thấy cuộc đời nhẹ nhàng. Nhưng hình như khi mà nhu cầu vật chất bên ngoài không cần thiết thì Hạ Uyên lại khám phá một bên trong phức tạp và cần thiết trong đời sống biết dường nào. Nhu cầu này lớn, lớn, lớn đến nổi mà bạn bè có khi la làng về những suy nghĩ ngớ ngẩn của Ha Uyên.

Năm Hạ Uyên gần 30 tuổi, rất tình cờ Hạ Uyên đọc được một bài viết về cuộc vượt biển đau đớn, kể tỉ mỉ đến sự tàn ác và mất nhân tính của những hải tặc, trái tim của Hạ Uyên thắt chặt như có ai đang kẹp từng mạch máu bằng những chiếc kềm trong lần giải phẩu mà không có thuốc gây mê. Cơn đau này đã bắt Hạ Uyên ngồi lại và viết lên những cảm xúc của mình bằng những vần thơ non nớt. Nhưng rồi, chỉ được vài dòng, chữ nghĩa không chìu lòng Ha Uyên nên bài thơ đã không bao giờ thành hình.

Có người được sinh ra để viết, để làm thơ. Hạ Uyên không được diễm phúc ấy. Thôi thì làm đọc giả và chia sẻ với những người cầm bút cũng là một hạnh phúc vậy. Và từ dạo ấy, Hạ Uyên tìm cách tiếp cận với thơ văn. Hạ Uyên đắm chìm trong từng con chữ, ngụp lặn trong hạnh phúc tưởng chừng như chưa bao giờ Hạ Uyên bắt gặp được. Đi đâu Hạ Uyên cũng mang sách theo đọc. Mặc dù Hạ Uyên cũng biết đọc tiếng Mỹ, nhưng không hiểu sao, khi đọc tiếng Việt, Ha Uyên vẫn cảm thấy mình bồng bềnh, bay bổng hơn, thấy mình đau theo từng con chữ, thấy mình vui theo từng ý nghĩ, thấy mình say trong bầu rượu quí. Thế là Hạ Uyên thăm viếng thư viện nhiều hơn vì nghe đâu thư viện gần nhà cũng có một ít truyện và thơ bằng tiếng Việt. Và đó là nơi mà Ha Uyên được dịp làm quen với anh.

Hạ Uyên tình cờ đánh rơi quyển sách trong khi đang say sưa lục tìm những tập thơ và anh đã nhặt giùm Hạ Uyên. Hạ Uyên lí nhí nói lời cảm ơn. Anh mỉm cười và bằng một cử chỉ rất tư nhiên, anh hỏi Hạ Uyên "cô cũng biết đọc tiếng Việt hả?". Hạ Uyên nghĩ thầm , cái anh chàng này oai nhỉ, bộ tiếng Việt là của riêng anh hay sao mà hỏi thế, nhưng Hạ Uyên đủ khiêm tốn để không làm mích lòng anh chàng người Việt này. Hạ Uyên trả lời "Dạ, biết hơn tiếng Mỹ, anh ngạc nhiên lắm hả?". Thế đấy, vậy là Ha Uyên và anh quen nhau để rồi mỗi ngày Ha Uyên và anh không hẹn mà cứ gặp nhau. Hình như có một điều gì đấy đang cháy bỏng trong lòng ngực Ha Uyên. Ngày nào Ha Uyên cũng phải ghé thư viện vào một giờ nhất định. Đang là một học sinh lười đi học ở thư viện, bỗng nhiên những người làm việc ở thư viện nhớ mặt Ha Uyên, nhớ giờ giấc của Ha Uyên luôn. Anh cũng thế, không ai nói với ai, nhưng hình như anh cũng đến thư viện cùng một giờ với Ha Uyên. Với những lần gặp gỡ tưởng là tình cờ như thế đã đưa anh và Ha Uyên lại gần với nhau. Rồi những lần trao đổi với nhau về đời sống có nhiều biến động trong thế giới đầy màu sắc này đã làm Ha Uyên và anh càng ngày càng gần guĩ, khắn khít với nhau nhiều hơn. Những hệ lụy của chiến tranh luôn là đề tài tranh cãi giữa anh và Hạ Uyên. Để biết rằng cái cảm nhận đúng sai, nặng nhẹ không bao giờ là tuyệt đối. Điều này tùy thuộc vào kinh nghiệm và mức độ trực tiếp hay gián tiếp xảy đến với từng cá nhân. Hạ Uyên cảm thấy mình may mắn có anh bên cạnh, một người Việt Nam, biết nói tiếng Việt và biết nhiều về văn học Việt nam mà Hạ Uyên thì mù mờ về đề tài này. Có hôm Ha Uyên bày đặt viết bài và khoe với anh. Anh đọc và cười to, bảo với Hạ Uyên rằng nêú mà anh chấm bài thì Hạ Uyên sẽ ăn một con zero to tổ bố vì cái tôi viết sai lỗi chính tả. Hạ Uyên thì đâu có thấy gì lạ, vì hồi còn đi học cấp hai, tháng nào mà có giờ chính tả thì Ha Uyên bị xuống hạn và về nhà ăn đòn. Anh và Ha Uyên thân nhau như thế đấy, vậy mà anh và Hạ Uyên chưa bao giờ trao nhau số điện thoại. Có lẽ cả anh va Hạ Uyên đều ngầm nghĩ rằng sẽ không có diều gì cản ngăn hai đưá gặp nhau mỗi ngày chăng?

Rồi có một hôm, Hạ Uyên đã đọc xong gần hết một quyển truyện mà cũng chưa thấy anh xuất hiện. Hạ Uyên bắt đầu nóng ruột, bồn chồn lo âu và tưởng tượng rất nhiều điều không tốt có thể đã xảy ra cho anh. Tai nạn xe cộ? Bệnh? Hay là đi đâu xa? Hay là đi với ai khác? Nghĩ đến đây thì Ha Uyên không muốn nghĩ tiếp nữa..Ha Uyên xua đuổi ý nghĩ này....mà bằng cách nào đây. Một khi nó đã đến trong đầu rồi làm sao mà lấy nó ra được đây. Ha Uyên cứ quay cuồng với ý nghĩ ấy làm mồ hôi tay chân toát ra dù trời đã vào thu. Ha Uyên không ngồi yên được, cứ đi ra đi vào mong ngóng, chờ đợi...Cái cảm giác này thật tệ hại. Nó xoay mồng mồng làm Ha Uyên chóng mặt...Bất ngờ có hai bàn tay bịt mắt Hạ Uyên và Hạ Uyên biết chắc là anh. Nỗi vui mừng vỡ oà ra làm Hạ Uyên không nói nên lời, miệng thì cười mà mắt lại cay cay. Anh bảo rằng xe bus bị banh dọc đường thanh ra phải chờ lâu lắm mới có xe bus khác đến thay thế. Cả anh và Uyên làm học trò nghèo mà, nên xe bus là bạn đồng hành của hai đứa. Sau lần này thì anh và Hạ Uyên trao đổi số điện thoại với nhau.

Những buổi chiều anh ghé thăm Hạ Uyên ngày càng nhiều làm tình cảm của hai đứa lớn dần theo ngày tháng. Có một hôm, anh ghé thăm Hạ Uyên. Anh than đói bụng, Hạ Uyên làm cho anh một tô mì gói đặc biệt, có thêm 2 con tôm và một ít bắp sú xắt mỏng ăn cho đỡ ngán, anh mở to đôi mắt mà nhìn tô mì gói rồi lại nhìn Hạ Uyên như thầm hỏi hôm nay là ngày gì mà chiêu đãi anh đặc biệt qúa vậy. "Bình thường chỉ có mì gói với nước sôi thôi, nhưng hôm nay đặc biệt. Hôm nay là ngày kỷ niệm một năm mình làm bạn với nhau đó mà!" Hạ Uyên nói với anh. Anh giật mình và hỏi "Vậy hả, anh có nhớ gì đâu, vậy thì hôm nay anh và Hạ Uyên ăn chung với nhau nhé"...Hạ Uyên quen tính anh rồi, anh có bao giờ để ý đến mấy thứ ấy đâu. Nhưng Ha Uyên biết là anh có một trái tim nhân hậu, và đấy là điều anh làm trái tim Hạ Uyên lỗi nhịp....Thế đấy, chẳng quà, chẳng cáp, chỉ những tô mì gói với hai con tôm và một ít bắp cải mà tô mì ấy đã làm cho anh và Ha Uyên cảm thấy thương nhau nhiều hơn mỗi ngày.

Hạ Uyên ít thích đi chơi ở những chỗ đông người, chỉ thích ở nhà ngồi nói chuyện với nhau, chuyện trên trời dưới đất. Mới đây, trong khi ngồi nhắc lại chuyện ngày xưa với cô bạn thân. Cô bạn bất ngờ hỏi Hạ Uyên, vậy chứ trong thời gian làm bạn Hạ Uyên và anh đã đi những đâu, có thường đi ăn chung với nhau? Hạ Uyên lúng túng và không biết trả lời sao. Hạ Uyên quen anh một năm và đi xi nê được ba lần, chỉ vậy thôi, vì thấy tốn tiền. Còn đi ăn nhà hàng? Chắc vài ba lần, cũng vì thấy tốn kém. Thế đây, anh và Hạ Uyên thường đi dạo bờ hồ, ở nhà mua vải về bọc cái ghế rách, đóng cái kệ sách, làm những việc vặt ở nhà như chùi nhà, dọn dẹp mà thôi. Rồi cùng đi học ở thư viện với nhau. Chừng đó thôi mà đã đầy ứ những kỷ niệm nhớ nhung mỗi khi không được gặp nhau rồi!

Anh thích vẽ nên anh hay lấy thêm những lớp vẽ còn Hạ Uyên thì thích ngôn ngữ nên Hạ Uyên lấy thêm lớp tiếng Pháp cho những lớp phụ. Một hôm Hạ Uyên qua đón anh ở bên trường hội họa, vì đến sớm nên Hạ Uyên đứng ở một góc, vừa đọc sách vừa chờ anh và cũng chính nơi này Hạ Uyên quen thêm một người bạn nữa, một người bạn đúng nghĩa bạn, nên đã hơn 20 năm rồi vẫn mãi là bạn. Còn người mình yêu? chắc là không thể là bạn dễ dàng khi đã nói lời chia tay. Phải chăng cái qui luật này đã làm cho Hạ Uyên thấy sợ khi phải gắn bó với ai? Hạ Uyên lại nhớ đến người bạn của mùa đông năm nào...

Mùa đông nơi Ha Uyên ở khắc nghiệt, có hôm lạnh ghê lắm. Nhiệt độ có thể xuống đến trừ 50 đến 60 độ F, nên lúc nào Ha Uyên cũng đóng bộ, nào găng tay, khăn quang cổ, áo jacket...Đã thấp người nên sau khi mặc chừng đó vào, thân hình cứ như là bao gạo chỉ xanh. Hạ Uyên đứng ở một góc, ở góc đối diện cũng có một anh người Á đông, trông lớn tuổi hơn Hạ Uyên, ít nhất phải 5 hay 6 tuổi không chừng cũng đang co ro trong cái áo ấm thật dày. Hình như anh đang chờ ai hay đang chờ tiết học kế tiếp. Hạ Uyên cũng tò mò không biết có phải người Việt không? Cả trường hơn 50 ngàn sinh viên, nhưng có khoảng vài trăm người Á Đông. Hạ Uyên đang thắc mắc, thì anh tiến lại và hỏi bằng tiếng Mỹ "cô có phải là người Việt không?. Hạ Uyên nhanh nhẩu trả lời cũng bằng tiếng Mỹ nhưng lại hy vọng một điều gì " Dạ phải, còn anh?". Lần này anh trả lời bằng tiếng Việt "Tôi cũng là người Việt, tôi tên T". Hạ Uyên sung sướng như bắt được vàng "Vậy thì mình nói tiếng Việt cho sướng nhé! khỏi mắt công tìm chữ, tìm nghĩa nữa, em tên là Hạ Uyên". Rồi thì anh T và Hạ Uyên huyên thuyên hỏi chuyện quê nhà, chuyện trường lớp. Bất ngờ anh hỏi "Mới qua hả?". Hạ Uyên nghĩ thầm chắc tiếng Mỹ của mình ẹ lắm hay sao mà anh chàng hỏi mình câu này, với lại Hạ Uyên mới nói có một câu tiếng Mỹ là "Dạ phải, còn anh?" thôi mà! Hạ Uyên vừa cười vừa trả lời "Dạ được 4 năm rồi, còn anh?". Anh T. tỏ vẽ ngạc nhiên, nhưng anh vội khỏa lấp và nói về anh "Tôi qua đưọc 2 năm rồi". Đúng lúc lớp học vừa tan, anh T. cáo từ và rảo bước vào lớp. Thêm một vài lần gặp gỡ như thế, Ha Uyên và anh T trở thành bạn và cho tới bây giờ sau hơn 20 năm kể từ ngày ấy vẫn luôn là hai người bạn quí mến nhau. Tình bạn luôn cho Hạ Uyên những kỷ niệm ngọt ngào.

Khóa học sau đó, tình cờ hai anh em học chung với nhau, nên thân với nhau hơn. Những lúc không lấy lớp chung với nhau thì thỉnh thoảng có gặp nhau đâu đó trong hành lang hay trong sân trường. Rồi hai anh em ra trường, mỗi người mỗi ngã. Dễ chừng đến 4 năm không nghe tin tức gì của nhau. Một hôm Ha Uyên đọc báo thấy có mấy dòng giới thiệu anh T. là mục sư. Hạ Uyên gọi điện thoại trước là xem thử có đúng vậy không? hay chỉ là tên trùng tên. Anh T. nhận được điện thoại và reo mừng đến nỗi Hạ Uyên có thể cảm nhận được qua đường dây. Anh nói "Trong thời gian đi làm, anh nghe theo lời Chúa gọi, đi học thêm bộ môn Thần Học mỗi tối và đã trở thành Mục sư, làm bán thời gian cho một nhà thờ Tin Lành do người Việt lập nên". Rồi anh T. nói đùa với Hạ Uyên "hôm nào hai anh em mình đi ăn với nhau một bữa và nói chuyện về đời và đạo chơi". Hạ Uyên nghe mà sợ quá. Ha Uyên trả lời "Ha Uyên biết chắc rồi, nữa chết, Hạ Uyên sẽ xuống địa ngục, biết rồi nên anh không cần phải khuyên lơn Hạ Uyên điều gì cả". Anh bảo "Ha Uyên phả tin là mình lên Thiên đàng chứ, làm sao mà xuống địa ngục được". Anh nói thế chứ sau đó có mấy lần hai anh em đi ăn cơm trưa chung với nhau có bao giờ anh nói tới chuyện thiên đàng, đia ngục gì đâu, chỉ nhắc lại chuyện thời đi học khó khăn, nghèo khổ, những ông bà thầy cô khó dễ một thời. Và đây là câu nói của anh mà Hạ Uyên luôn luôn nhớ đến "Hạ Uyên đừng nghĩ chỉ có con đường tu hành mới là sứ mệnh cao cả. Thượng đế đã giao cho mỗi người một sứ mệnh để xoa dịu cuộc đời này, chỉ là đôi khi mình chưa nhận thấy sứ mệnh của mình mà thôi. Hãy để trái tim mở cửa và ánh sang sẽ rọi sáng những góc tối tăm của chúng ta". Và Hạ Uyên đã luôn mở cửa trái tim mình.

Sau này, hằng năm vào những dịp lễ, anh hay gọi hỏi thăm và có một lần anh nhắc lại lần đầu anh làm quen và hỏi Hạ Uyên "mới qua hả?" Anh hỏi "có nhớ câu hỏi đó không"? Hạ Uyên làm sao quên được vì Hạ Uyên cũng thắc mắc lắm mà chưa có dịp hỏi anh thôi. Anh nói tiếp "Mổi lần nhớ đến Hạ Uyên và gọi điện hỏi thăm thì cái hình ảnh cô bé nhỏ chút xíu, đứng ở một góc phòng, với cái aó jacket màu huyết dụ luôn hiện về. "Cái áo ấy là cái áo của Cao Uỷ Tị Nạn phân phát mỗi người mỗi cái khi mới đặt chân đến nước Mỹ, nên khi anh thấy Hạ Uyên mặc cái áo ấy thì anh nghĩ là Hạ Uyên mới qua vài tháng mà thôi, vì ít có ai muốn mặc cái áo ấy nêú có đìều kiện mua áo khác", đây là câu giải thích sau hơn 20 năm. Bây giờ thì Hạ Uyên mới hiểu rõ vì sao anh hỏi mình câu này. Cái áo Jacket ấy trông quê muà và xấu xí lắm, như mặc đồng phục vậy. Ai mặc cái áo này đi ngoài đường gặp nhau là biết là dân tị nạn mới đến. Hạ Uyên đâu có để ý đến điều này, chỉ bíêt rằng áo vẫn còn mặc được và rất ấm. Hạ Uyên đã mặc chiếc áo ấy hết những năm học đại học. Anh T. nhắc lại làm Hạ Uyên cũng cảm động, ít ra chiếc áo ấy cũng đã để lại trong lòng anh những kỷ niệm khó quên. Giờ đây Hạ Uyên với anh T., dù làm cùng một thành phố, nhưng những lần gặp nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nhiều lúc đến hai, hay ba năm mới hẹn đi ăn trưa với nhau, hay tình cờ gặp nhau đâu đó ngoài phố. Thành phố nơi này, đất rộng, người thưa, anh và Ha Uyên ở cách nhau đến cả 1 tiếng đồng hồ lái xe. Và vì anh T. cũng có một đời sống khác, với những bạn bè riêng của anh và Ha Uyên cũng thế. Đó là những ngã rẽ trong cuộc đời. Nhưng cả anh T.và Hạ Uyên hể mỗi khi có dịp gặp lại nhau, lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười.

Rồi Ha Uyên lại nhớ đến cuộc tình xa lắc xa lơ của mình, mới đó mà cũng đã hơn 25 năm rồi. Ngày Ha Uyên quyết định nói lời chia tay, Ha Uyên như thấy đất rời sụp đỗ. Hạ Uyên khóc đến cạn giòng, hai con mắt sưng húp. Cả mấy tháng trời sau ngày ấy, Hạ Uyên khóc mỗi ngày, ốm o, gầy mòn, ai cũng bảo sao mà Ha Uyên ngu thế. Nhưng mà ngu là sao, mà khôn là sao? Trong tình yêu làm gì có dại với khôn! Lần đầu tiên Hạ Uyên chỉ thấy sao mà phức tạp và đau đớn quá thôi. Cứ thấy tim gan, pheò phổi của mình nó hành hạ mình. Bây giờ thi Ha Uyên biết là không phải chỉ trái tim mới biết đau đâu. Ui chao ơi, không ăn được cái bao tử cũng đau, khóc quá hai con mắt đỏ ngầu, sưng húp, cũng đau. Cái phổi như thiếu binh dưỡng khí, cũng ngẹn ngào, còn trái tim thì đánh nhịp liên hồi, đau nhói như có ai cầm dao mà xẻ tim thành trăm mảnh. Cái đầu thì ngẩn ngơ như người mất hồn, còn giấc ngủ thì chập chờn, lúc tình lúc mê! Thế đấy, Ha Uyên cảm thấy cả người đau đớn từ tinh thần đến thể chất. Đang mập ù, xuống còn có 70 lbs, trông giống con mắm....Anh C.,người bạn ở cùng phòng lúc ấy, cứ nói với Ha Uyên "chắc anh phải đi mua cái hòm về chôn sống mầy quà! Anh chưa có thấy ai khóc như mầy, phải uống nước nhiều vào". Chắc anh sợ Ha Uyên sẽ chết vì thiếu nước, hay người sẽ khô róc đi hay sao mà cứ một lát thì anh mang đến cho Ha Uyên một ly nước đá lạnh. Anh bắt Hạ Uyên uống riết Ha Uyên chịu không nổi và Hạ Uyên năn nỉ anh và hứa là không khóc nữa, anh mới thôi không bắt Ha Uyên uống nước nữa. Bấy giờ Hạ Uyên lại liên tưởng đến những câu chuyện tra tấn bằng cách ép uống nước mà ba Ha Uyên đã từng phải chiụ đựng. Uống nước nhiều quá, liên tục cũng làm buồn nôn và có thể dẫn đến ngất xỉu. Có trải qua những kinh nghiệm tương tợ trong đời sống sẽ làm con người hiểu và thông cảm với nỗi đau của người khác hơn. Hồi còn nhỏ, Ha Uyên cứ nghe lóm chuyện người lớn. Họ bảo yêu là khổ, nhưng không yêu là lỗ, thà khổ còn hơn lỗ. Ha Uyên cứ nghĩ thầm mà không dám nói với ai, Yêu mà khổ quá, thì yêu làm chi. Bây giờ thì Ha Uyên mới thấy câu nói vui cười này thấm thía làm sao! Nhưng Ha Uyên luôn có những người bạn tốt, tốt vô cùng. Những khi Ha Uyên vấp ngã, họ đã giang rộng đôi canh tay mà ôm Ha Uyên vào lòng. Không có họ chắc nỗi buồn này nó đã biến Hạ Uyên thành khói mây rồi!

Nghĩ về những tình bạn ngày xa xưa ấy luôn cho Hạ Uyên những cảm giác ngậm ngùi và biết ơn. Nghĩ về những cuộc tình đã đến và đi trong cuộc đời Hạ Uyên, có chút vui, chút nhớ, chút buồn và nước mắt làm đầy hai hốc mắt Nhưng lúc nào Ha Uyên cũng thây mình may mắn, may mắn đã có anh trong một đoạn đời. Anh đã cho Hạ Uyên nhìn thấy cái tôi của mình nhỏ lại. Anh đã cho Ha Uyên nhìn thấy giận hờn sẽ làm mình mất khôn ngoan và có thể lời nói mình sẽ làm tổn thương người thân mình, lòng thù hận và ganh ghét sẽ làm hư hao tâm hồn mình. Có lần anh nhận xét về Ha Uyên rằng sau này Ha Uyên sẽ trở thanh người viết truyện, người làm thơ vì đầu óc tưởng tượng quá phong phú. Phải chi mà Hạ Uyên có năng khiếu viết lách, chắc lúc chia tay với anh, đỡ đau khổ hơn, viết cả ngàn bài thơ để đời, không chừng bây giờ nổi tiếng! Cho tới bây giờ Ha Uyên cũng không hiểu vì sao mà Ha Uyên quyết định chia tay với anh . Có lẽ Ha Uyên không đủ tự tin nên mối quan hệ càng lúc càng nặng nề. Có lẽ Ha Uyên cứng rắn quá, mọi quyết định cứ như đinh đóng cột, nên khi anh muốn trở lại thì Hạ Uyên từ chối? Có lẽ Hạ Uyên không biết cách yêu thương? Hay đó là định mệnh. Nào ai biết được! Nhưng dù thế nào thì Ha Uyên cũng chưa bao giờ hờn giận anh và hết nhớ thương anh. Hình như Ha Uyện được sinh ra không phải để hờn giận nhưng mà nước mắt thì đã gắn liền với Ha Uyên từ khi lọt long mẹ. Nên khi Ha Uyên khóc thì trời đât cũng ướt sũng với những cơn mưa nặng hạt, dai dẵng triền miên...

Tối nay theo dự báo, một cơn bão tuyết sẽ thổi qua thanh phố Hạ Uyên đang ở. Như thói quen, Ha Uyên sẽ cuộn tròn trong tấm chăn, đã cũ, nhưng không quá cũ như ngày xưa lúc quen anh. Và nhớ về những chuyện xưa, chuyện nay, nghe có chút ngận ngùi và nghe đời có chút phù du....

 

Nguyễn Kim Tiến
Mùa đông 2009

 

Thêm bình luận