Ông hỏi: "Vợ con sao rồi, hồi này có gì khác lạ không?"
Trời đất, làm việc tối mặt tối mày. Đêm về lăn đùng ra ngủ, nên đâu để ý có gi lạ. Chuyện người, chuyện mình: "Ông ơi, có chuyện gì lạ đâu. Cũng mấy con gà, lâu lâu ngắc nghẽo thì luộc chúng lên. Vứt thì tiếc đó mà".
Người bạn bực mình hỏi: "Chuyện đại sự đó".
"Đai sự? Mà chuyện gì?", tôi hỏi.
"Chuyện về hưu của ông đó".
"Ông nói chơi đó hả? Về hưu", tôi vừa đưa lên môi nhấm nháp chút cà phê vừa trả lời.
Ui chao, vị đắng, vị đắng của ly cà phê. Cái đầu lưỡi của tôi với cả ngàn điểm nhạy cảm với những vị đắng, ngọt, mặn, bùi.... bắt đầu hoạt động . Cái lưỡi cũng giống như cuộc đời tôi vậy. Đắng quá, mặn quá, chát quá, riết rồi cũng quen, nên ngày xưa thấy đắng mười phần bây giờ còn có nửa. Đắng thế mà sao ai cũng thích. Chắc độ đắng ngắt của cà phê cho thiên hạ suy tư hơn chăng? Cảm thấy mình thông thái hơn chăng? Hay nó cho thiên hạ có thì giờ mà ngắm nghía lại cuộc đời mình trong khi ngồi nhìn cà phê nhỏ giọt? Tôi đã qua rồi cái tuổi la cà hết quán này đến quán kia với những thằng bạn quậy phá một thời. Chuyện tương lai, chuyện nước non, chuyện tình yêu....qua rồi, qua rồi!
Về hưu, nghe sao lùng bùng lỗ tai. Rồi lấy gì mà ăn. Đi dạy với chút tiền hưu có thấm tháp gì với đời sống vật giá leo thang như bây giờ.
"Cả đời tôi, sống không ra sống, chết không ra chết. Ông nghĩ sao mà hỏi tôi chuyện về hưu", tôi hỏi.
"Thì tôi thấy ông tới tuổi rồi đó mà!", ông bạn tôi ầm ừ trả lời.
"Tới tuổi, ông ơi, đừng nhắc đến tuổi tác nữa ông ơi! Cứ ngồi đếm riết tôi ớn rồi". Tôi vừa trà lời vừa hỏi.
"Còn ông, bộ ông tính nghỉ hưu hả?".
"Cũng có nghĩ đến, nhưng sao cũng chưa thông, trong lòng cũng lo giống ông vậy", ông bạn tôi vừa nói vừa quay mặt ngó ra ngoài đường.
Đường sá bây giờ được nhà nước mở rộng ra. Xe cha, xe con, xe bò, xe đạp chạy lung tung xèn. Nhìn thấy mà chóng mặt. Không biết đến bao giờ chạy đúng luật cho đỡ sợ. Rồi ở những bến bãi đậu xe cũng nhốn nháo đến phát mệt. Tôi ít khi đi đâu xa, nên không quen với không khí hỗn độn này. Có một lần đi thăm người bạn. Mới vừa xuống bến xe. Tay bên này bị kéo, rồi tay bên kia cũng bị kéo, mời lên xe taxi đưa về nhà. Tôi hoảng hồn không biết đi với ai. Sợ quá!
"Ông có bị giống tôi không ông ?", tôi hỏi ông bạn.
"Làm sao khỏi được ông, cả cái xã hội của mình được dạy dỗ như thế mà, có phép tắc gì đâu. Mà thôi, sao ông chạy lòng vòng vậy, tôi hỏi ông chuyện về hưu, thì ông trả lời tôi chuyện về hưu đi", ông bạn tôi cằn nhằn.
Tôi sợ ông giận mà bỏ về thì tôi sẽ mất một buổi có bạn hiền mà than thở chuyện ngàn năm của mình, nên tôi cười hề hề, chuyển ngay qua chuyện về hưu.
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện về hưu. Hưu bổng nêú có chắc trên mặt giấy tờ. Chút tiền đủ mua thuốc uống cho ba cái chuyện nhức mỏi gân cốt. Tôi nhìn lên thì thấy sao mà mình thấp bé quá. Một chiếc xe hơi thiên hạ mua về chỉ để ngắm nhìn thôi mà nêú tính ra cả 10 đời nhà tôi chắc chẳng bao giờ nhìn thấy. Mà nhìn xuống thì thấy, Trời ơi ! Bao nhiêu người lúc nhúc dưới mắt mình.
"Ông hỏi thì tôi trả lời, nhưng mà ông ơi, làm sao tôi sống với đồng lương hưu đây". Ông bạn lâu ngày gặp lại ngẩn tò te.
"Tôi tưởng ông có ý kiến gì giúp tôi, chứ nói như ông thì huề cả làng, tôi cũng không biết làm sao mà sống nổi với đồng lương hưu. Thiện hạ đâu mà lắm tiền nhiều bạc, tiêu pha như họ, riết rồi vật giá như ở trên chín tầng mây, sao dân thường như mình chịu nổi".
"Ông ơi, ông hỏi tôi, rồi tôi hỏi ai đây. Không khéo đi hỏi lầm người, mang tội phản động thì chết dở. Thôi đi ông, đừng nghĩ đến chuyện về hưu nữa, nuôi gà vịt như tôi, dù gì cũng có chút chất đạm cho tuổi về già. Lâu lâu có con nào ngáp ngáp thì mình đem ra xơi. Ông nghe lời tôi nhé! Nuôi một đàn gà và một đàn vịt là xong chuyện, chuyện hưu trí để nhà nước lo cho mình, chừng nào ổng biểu nghỉ, thì mình nghỉ, hơi đâu lo trước cho mệt".
Ông bạn già của tôi chắc nghe cũng chí lý quá hay sao mà tự nhiên ông vỗ vào đùi cái bép và cười hì hì. Cái hàm răng đã rụng gần hết vì thiếu dinh dưỡng và thiếu điều kiện vệ sinh răng miệng mỗi ngày, lộ ra thấy tội nghiệp.
Tôi nhìn ông và tôi thấy tôi!
Một buổi chiều bù khú với bạn bè đã lâu không gặp ở tuổi xế chiều là món quà quí giá mà Thượng đế còn ban tặng cho mình. Tôi nói lời cảm ơn ông bạn khi ông vừa kéo ghế đứng dậy xin cáo lui ra về.
"Hẹn ông dịp khác nhé! Nhớ khi nào về hưu thì cho tôi biết tin với nhé! Nhớ nuôi thêm mấy con gà, mấy con vịt và vài luống rau, nhớ nghe ông!"
Một vạt nắng chiều còn sót lại. Tiếng còi tàu vang vang như thúc giục ông bạn già. Ông quay đi và tôi bước vào nhà. Lòng bùi ngùi và trống trải. Văng vẳng hai tiếng nghỉ hưu đang làm thành hai nốt nhạc quặn thắt trong lòng!
Ngày mai là ngày bắt đầu một năm mới.
"Chắc may mắn sẽ đến với ông. Chúc ông thượng lộ bình an!", tôi thì thầm với chỉ riêng tôi.
Nguyễn Kim Tiến
31 tháng 12 năm 2009