Nghe lời qua tiếng lại một hồi giữa mấy mẹ con, chắc thấy không đi đến đâu, ông xã tôi nói chen vào một câu pha trò để bớt căng thẳng: "Hai con nghe lời mẹ đi, bao giờ lớn có chồng con ra riêng rồi thì tự ý, cao trọc cũng được. Ba nghĩ, mẹ không cấm nữa đâu. " Hai con nhìn nhau rồi lại nhìn tôi, cặp mắt tròn to mở ra như không dám hiểu ba mình nói cái gì. Ông xã tôi hay đứng giữa mấy mẹ con như thế này lắm để làm dịu những cơn mâu thuẫn nếu có giữa chúng tôi, nhưng lần này thì cơn giận của tôi bất ngờ lại giảm đi nhanh chóng không phải vì lời pha trò mà vì tôi nhớ đến câu nói của hai con lúc nãy: "sao hồi xưa mẹ để tóc ngắn được".
Trong nháy mắt, tuổi thơ với mái tóc ba giá và bum bê lại trở về với tôi. Tôi nhớ hồi còn nhỏ tôi rất thích để tóc dài nhưng tôi không được phép, bởi khí hậu nóng nực, để tóc ngắn mát mẻ, dễ giữ gìn vệ sinh hơn. Chắc ba tôi sợ tôi nuôi một ổ chí trên đầu hay sao mà lúc 4 hay 5 tuổi thì tôi được cắt để ba cái giá. Một mảng phía trên đầu, hai mảng hai bên giống chú tiểu quét lá đa ở chùa hay giống thằng bờm trên môi là ống sáo vui sướng cùng con trâu của phú ông. Hay là vì cái mỏ ác còn non nên phải chừa chút xíu tóc để bảo vệ. Nhưng mà hai mảng hai bên để làm gì, tôi nghĩ hoài mà chưa trả lời được. Ồ, hay là để mồ hôi khỏi chảy xuống mang tai. Tôi mất tấm hình này chứ nếu không chắc gửi đi thi hoa hâu tuổi xanh, biết đâu chừng đọạt giải nhất. Tôi nhớ hồi nhỏ tôi thường lấy cái khăn lau mặt, cột túm một đầu bằng sợi dây thun, rồi trùm lên đầu để tưởng tượng là mình có mái tóc dài. Đủ biết là tôi thích để tóc dài biết dường nào! Vậy mà!
Rồi lớn lên một chút, sắp vào lớp một, tôi được cắt tóc bum bê. Mà thật ra cũng không phải là một mái tóc bum bê đẹp được cắt tỉa ngay ngắn, gọn gàn như bạn bè đâu. Với tay nghề tơ lơ mơ của bà chị tôi, mái tóc của tôi lúc nào cũng ngắn củn cởn. Thay vì cắt một lớp mỏng để làm kim chỉ nam, rồi từ từ bỏ xuống từng lớp rồi dựa vào đó mà cắt, bà chị quý mến của tôi cứ cầm kéo lên là làm một cái rẹt từ bên này qua bên kia. Tóc dày quá nên nó chạy ngược chạy xuôi, méo xẹo. Thế là bà chị tôi cứ cắt, cắt, tỉa, tỉa, riết rồi tóc trước trán, tóc hai bên cứ thế mà ngắn lần lần lúc nào không hay, trông ngố không chịu được. Nên hể mỗi lần cắt xong là mấy ông anh tôi chọc ghẹo là tôi đang mang một cái trả rang tròn quay trên đầu. Tôi không dám khóc vì sợ bi la nhưng trong lòng tôi ấm a, ấm ức không chịu được. Cứ ước gì lớn nhanh lên để làm theo ý mình. Thế là tôi cứ mượt sức mà mơ ước. Cắt tỉa riết một hồi, phiá trước, cái trán dồ lộ ra. Hai bên thì lòi hai cái lỗ tai ra. Cho nên mỗi lần nghe đến cắt tóc là tôi sợ hãi đến đứng tim, choắc người lại. Nhưng mà chạy trời không khỏi nắng. Cứ thế tôi mang cái đầu tóc bum bê kiểu trả rang này từ cấp 1 đến hết cấp 2.
Rồi một hôm, trước ngày khai giảng năm lớp 10, bà chị lớn của tôi, chắc thấy tôi bắt đầu lớn lớn, muốn làm đẹp cho cô em gái chút xíu, mới đề nghị đưa tôi đi tiệm để cắt tóc. Phải nói đó là một trong những niềm hạnh phúc nhất mà tôi bắt gặp trong đời tôi! Đó là lần đi cắt tóc đầu tiên ở tiệm mà tôi không thể nào quên. Với thời gian, tôi không còn nhớ tiệm tên gì nhưng tôi lại nhớ tên của ông thợ cắt tóc. Tên ông là Ước. Tiệm của ông làm nằm trên đường Võ Tánh, cách nhà may Ngọc Bích vài căn. Tôi nhớ ông hỏi tôi "Chớ em thích cắt tóc kiểu gì?" Tôi ngập ngùng, bối rối trả lời: "Dạ, tóc tém". Ổng vội quay mặt đi chỗ khác, chắc đang che giấu nu cười mỉm chi? Rồi quay qua và nói nhỏ nhẹ: "Tóc ngắn quá rồi, có tém cũng không biết làm sao mà tém. Thôi chú cắt đại khái trông có vẽ tem tém cũng được, rồi lần tới để dài thêm chút nữa, trở lại đây, chú cắt tém cho đẹp, chịu hông? Bà chị tôi ngồi gần đó, chen vào: "Anh cắt kiểu gì cũng được mà, miễn sao đẹp cho nó là được rồi. Lần đầu tiên tôi dẫn nó đi tiệm đó. Ở nhà, từ đứa nhỏ cho tới đứa lớn, tôi cắt tóc hết đó chớ. Có mỗi mình tôi đi tiệm thôi vì tôi không tự cắt cho tôi được." Ông thợ tên Uớc trả lời: "Hèn chi." Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ hai chữ "Hèn chi". Sau một hồi mặc cả, suy nghĩ, một mái tóc tạm gọi là tem tém nằm chểm chệ trên đầu của tôi. Và từ đó, mái tóc tém gắn liền với tôi đến mấy mươi năm. Suốt thời trung học, rồi kế tiếp những năm đại học, rồi lại đến những năm bước đến tuổi xế chiều.
Ngày tôi bỏ xứ mà đi, mái tóc tém vẫn theo tôi cho đến bao ngày sau đó. Tôi may mắn đến trại tịn nạn Hồng Kông sau 7 ngày, 7 đêm lênh đênh trên biển. Nắng, gió, mưa dầm của biển khơi làm tôi đã đen càng đen thêm. Tóc tai cháy nắng. Mặt mày bơ phờ, hốc hát. Với mái tóc tém, trông giống đau ban mới dậy. Không gội, không tắm, không chải đầu. Nhưng điều đó không làm tôi lo lắng, nghĩ ngợi tới. Nỗi sợ hãi đã làm lu mờ những suy tư xa xĩ không cần thiết. Ban ngày, nỗi sợ có giảm đi. Vào khoảng bốn năm giờ chiều, khi nhìn ngắm những đàn cá heo nhảy nhót hai bên mạn thuyền cùng nắng lấp lánh trên làn nước biếc, trong xanh, lòng tôi có đôi khi lắng dịu và vui như một đứa trẻ . Đó là những khoảnh khắc ngắn ngủi quên đi nổi sợ. Sợ, thật tình tôi không biết diễn tả nổi sợ như thế nào, chỉ nhớ là tôi rất sợ mỗi khi mặt trời bắt đầu lặng. Nhìn biển cả bao trùm một màu đen như mực. Bóng đêm làm tôi sợ. Thật ra ngày với đêm có khác gì nhau nếu có chuyện gì xảy ra giữa trời đất mênh mông. Có ai làm được gì nếu không có bàn tay của Thượng Đế chở che. Nên khi đêm về, tôi hay tìm một góc để cầu nguyện. Và mỗi khi tôi cầu nguyện tôi đều cảm thấy như có một liên hệ với ơn trên và tôi tin rằng số phận tôi đã được Thượng Đế an bài và dẫn dắt. Chính niềm tin này đã cho tôi đủ sức vượt qua nỗi sợ vô cùng lớn này.
Thời gian bận bịu bước đầu ở trại cũng qua đi. Khi sinh hoạt hằng ngày tạm đâu vào đó. tôi để ý đến mặt mũi, tóc tai mình, mới nhận ra là tóc đã chấm vai. Thật tình, hồi nhỏ tôi rất thích để tóc dài, nhưng cái gì đã trở thành thói quen trong nhiều năm tháng thì không thể một sớm một chiều mà thay đổi được. Có lẽ, vì tôi không quen nhìn mình với mái tóc dài chấm vai, nên tôi bắt đầu thấy kỳ cục, khó chịu, ngứa ngáy. Cả đêm tôi trăn trở, suy nghĩ về mái tóc chấm vai mà tôi đang có và nhớ đến mái tóc tém của mình. Thế là ngày hôm sau, trên đường trở về từ sở làm, tôi ghé vào một tiệm chạp phô mua một lưỡi dao lam và một cái gương . Đêm về, sau khi cơm nước xong, tôi thực hiện việc tự tay cắt tóc cho tôi. Ở trại tỵ nạn, tùy theo số người trong hộ, họ chia hai người một giuờng. Cái gường tầng vưà đủ hai người nằm. Bếp núc ở một góc giường. Rất chật chội, nhưng vì tôi biết là nơi này chỉ là nơi tạm dung để rồi mình sẽ đến một nơi khá hơn, nên không lấy đó làm phiền. Lúc nào cũng ở trong tâm trạng nhìn về phiá trước, nên vui.
Tôi loay hoay mãi mới kê được tấm gương vừa với tầm nhìn của mình trong tư thế ngồi. Khi tôi có thể nhìn thấy mặt tôi trong gương, tôi bắt đầu lôi cái lược và cái dao lam ra. Tôi bắt đầu tiả mái tóc phía trước, rồi đến hai bên. Xén một chút chỗ này, xén một chút chỗ kia. Một hồi mái tóc tém bắt đầu hình thành nhưng phía sau ót, tôi không cách nào làm được. Tôi bắt đầu bối rối và đang lo lắng không biết làm sao mà cắt xong cái đầu tóc, rồi ngày mai phải đi làm sớm, không lẽ mang cái đầu không giống ai mà đi làm. Ngay lúc đang rầu rĩ, thì cô em tôi đi học anh văn buổi tối vừa về. Cô nhìn tôi rồi phát lên cuời nghặc nghẽo, cười nước mắt nước mũi chày lòng thòng, nói không ra lời. Cuối cùng thì cô cũng giằng lòng được la lên: "Bộ chị điên rồi hả, sao lại tự nhiên đi cắt tóc cho mình như vậy, trông kỳ cục, xấu xí quá đi. Sao phía sau còn một cái đuôi thật dài. Để em hỏi người bên cạnh giường mình, họ cắt tóc ở đâu, rồi em đem chị đến đó mà sửa lại." Tôi trả lời tỉnh bơ và chắc nụi: "Chị chờ em về để cắt tiếp phần sau cho chị." Con nhỏ em tôi, lần này, mở to hai con mắt nhìn tôi sợ hãi: "Chị nói chơi đó chớ. Em mà cắt tóc. Trời đất, cắt giấy chưa thẳng hàng lấy đâu cắt tóc. Để em dẫn chị đi cắt." Nhưng tôi đã quyết không đi là không đi, nên cuối cùng con nhỏ em đành phải gồng mình cắt cái đuôi tóc cho tôi. Và đó là lần cắt tóc đáng nhớ nhất đời tôi. Thế rồi từ đó, cứ thế mà tỉa mà cắt, không phải tốn đồng xu nào cả suốt mấy mươi năm. Và cũng từ đó tôi thành thợ cắt tóc cho anh chị tôi và sau này cho gia đình riêng của tôi. Ông xã và hai con là khách hàng trung thành nhất của tôi.
Trong thời gian theo học đại học, một hôm buồn quá, việc làm bán thời gian thì mất, việc học thì hỏng mấy lớp nên tôi muốn thay đổi chút xíu diện mạo của mình để xem thử cuộc đời của mình có hên hơn, thi cử có khá hơn, công việc làm có bền hơn không, tôi làm một cuộc cách mạng. Tôi đi tiệm không thèm nhờ cô em giúp sức cắt tóc nữa. Lần này không những cắt tóc mà còn uốn tóc nữa.
Trong khi ngồi chờ ông bôi thuốc rồi cuốn thành từng ống, tôi miên man thả hồn ngược giòng về lại bến xưa. Tôi nhớ, hồi nhỏ thấy người lớn có tóc quắn, tôi cũng thích lắm. Một hôm, thích quá, tôi và con nhỏ em, mỗi đứa lén dúi mỗi chiếc đủa sắt để gắp lửa than vào cái lò than rồi ngồi chờ. Vài phút sau, chiếc đủa nóng lên, con nhỏ em và tôi lôi ra, hí ha hí hửng cuốn tóc vào. Trời ơi, quăn đâu chưa thấy, chỉ ngửi thấy một mùi khét nẹt bốc lên tận mũi. Cả nhà thất kinh. Tóc cháy, đứt một khúc. May quá chiếc đũa không đụng vào mặt, chớ không là bây giờ có một cái thẹo để đời rồi. Và một trận đòn muốn sưng hai cái mông không tránh khỏi! Thoa dầu mấy ngày mà mấy cái lằn roi chưa chịu lặn.
Sau nửa tiếng đồng hồ ngồi chờ thuốc ngấm, ông thợ bắt đầu tháo gỡ từng ống ra. Nhìn trong gương, tôi có thể nhìn thâý từng loạn tóc quắn tít, xoắn lại với nhau. Trái tim tôi đập liên hồi. Tôi tự hỏi không biết cái đầu tóc ra làm sao, có quắn lắm không? Nó có hợp với khuôn mặt nhỏ xiú, đen đen của tôi không? Trời ơi, đã đen thui, ai gặp cũng hỏi: "Chị người Campuchia hả? Hay chị là người Phi Luật Tân?" Bây giờ mà có cái đầu quắn tít như vậy nữa chắc thiên hạ sẽ hỏi: "Chị người Phi Châu hả. ? Sao ai gặp tôi cũng hỏi cùng một câu hỏi ngay cả người Việt mình. Chắc người Việt mình trắng hơn tôi! Thiệt tình tôi không dám nhìn tôi trong gương chút nào cả. Hai mắt nhắm lại cho chắc, để chờ xem cái tác phẩm cuối cùng bởi bàn tay phù phép của ông thợ ra làm sao. Ông hơ, ông sấy, ông chải. Khoảng 10 phút sau, với giọng điệu rất ư là bằng lòng, ông thợ uốn tóc nói: "Tôi để cái kính phía sau cho chị nhìn được toàn bộ phía sau nghe, đẹp lắm, đẹp lắm. Chị nhìn xem. Chỗ nào chưa vừa ý, chị cho tôi biết tôi sửa lại". Miệng nói, tay ông cầm cái gương nho nhỏ, đưa qua đưa lại. Tôi thở phào nhẹ nhỏm, lí nhí nói: "Cũng đuợc ghê, không giống như tôi tuởng tượng nãy giờ. Cảm ơn ông"
Về đến nhà, mới vừa mở cửa bước vào nhà, hai đưá cháu và con nhỏ em chạy ra la lên: "Trời ơi, bộ có chuyện gì hay sao mà tư nhiên lại đi uốn tóc. Đâu có nghe chị nói gì đâu. Mà sao uốn kiểu gì mà trông già đi đến mấy chục tuổi." Trời đất, tưởng về sẽ được khen, nào ngờ! Lại một lần nữa, cả đêm trằn trọc và không ngủ được. Lăn qua lăn lại, chăn mền cuốn cuồn tứ tung. Mắt thao láo, nằm nhìn trần nhà và suy nghĩ, làm sao mà làm cho nó thẳng ra được. Suy nghĩ, trăn trở mãi cũng mệt, ngủ hồi nào không hay. Nhưng vừa mở mắt ra là cái ý nghĩ làm sao mà làm thẳng tóc ra đã đến trong đầu rồi. Rồi nhìn mình trong gương mới giật mình. Cái đầu sau một đêm vày vò, lăn qua lăn lại, vùi đầu xuống gối, thở than, cái đầu bù xù trông giống như quả chôm chôm. Thế là ngồi thừ người ra, quyết định gọi đến tiệm uốn tóc.
Tiệm cắt tóc 10 giờ mới mở cửa nên phải chờ đợi. Ôi! thời gian chờ đợi sao mà dài lê thê đến thế! Gọi để hỏi xem ông thợ có dũi tóc thẳng ra được không? Giờ định mệnh đã tới, tôi hồi hộp gọi. Ở đầu dây bên kia "Chào chị, tiệm cắt tóc "Tóc và bạn" đây, chúng tôi có thể giúp gì cho chị?" Tôi ngập ngừng giới thiệu: "Dạ tôi là người mà ông mới uốn tóc cho tôi hôm qua đó, lúc 2 giờ chiều, ông nhớ chưa? Dạ, tôi muốn hỏi ông một chuyện." Ông thợ uốn tóc rất lịch sự trả lời: "Chị cứ tự nhiên." Dạ, tôi muốn ông làm thẳng tóc ra lại giùm tôi được không?" Ông im lặng một hồi, không biết ông im lặng để dấu cơn cười của ông vì chắc tôi là người đầu tiên làm cái chuyện điên rồ này chăng? hay ông đang suy nghĩ là ông có làm được hay không? Cuối cùng thì ông trả lời: "Ủa, sao vậy chị. Tôi thấy đẹp lắm mà. Sao đòi uốn rồi bây giờ muốn làm thẳng ra lại. Hư tóc và tốn tiền lần nữa đó! Chị nghĩ lại đi!" Không chần chờ gì cả , tôi buột miệng nói ngay: "Tôi suy nghĩ cả đêm rồi ông à. Tôi muốn nó thẳng ra, ông có làm được không?". Ông ngập ngừng một giây rồi nhỏ nhẹ trả lời: "Dạ, tay nghề của tôi cũng bộn đó chớ, được chục năm rồi, nhưng tôi chưa làm chuyện này lần nào chị ạ. Chị là người đầu tiên hỏi tôi câu này đó! Nhưng hồi đi học có học cách làm dũi tóc ra, nên tôi nghĩ là tôi làm được. Vậy chị có chịu để cho tôi thí nghiệm trên tóc của chị không? Tôi không dám bảo đảm gì với chị. Lỡ hư, lỡ xấu tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm. Nhưng tôi biết chắc một điều là tóc chị sẽ khô lắm. Tiền công bằng giá khi uốn quăn. Tôi có chỗ trống lúc 2 giờ chiều. Chị đồng ý thì tôi chờ chị." Đúng là nghèo gặp cái eo. Lại tốn thêm một lần tiền nữa. Nhưng tôi lại thở phào nhẹ nhỏm. Kệ tốn thì tốn, kệ khô thì khô, tóc dài ra mấy hồi, cắt tỉa lại từ từ sẽ hết khô. Mà lạ lùng, khi tôi nhìn thiên hạ với đầu tóc uốn quăn, tôi cũng thấy nó đẹp, cũng thấy nó hấp dẫn lắm và thỉnh thoảng ý nghĩ làm đẹp cũng đã đến với tôi. Nhưng sao giờ đây trông nó lại quá kỳ cục khi ôm gọn gương mặt của tôi. Thế mới biết rằng Thượng Đế đã tạo ra mỗi người với một nét rất riêng. Chính nét riêng này mình nôm ra gọi là "duyên" chăng? Tôi liền trả lời: "Hai giờ chiều tôi sẽ có mặt. Chào ông."
Thế là cũng sau một tiếng đồng hồ, cái đầu tóc của tôi thẳng ra trở lại. Đúng như ông thợ nói, tóc khô ran như rễ tre, nhưng dù sao tôi cũng hả lòng hả dạ với mái tóc thẳng, không quăn. Và đó là lần duy nhất trong đời tôi có được mái tóc uốn. Mái tóc một ngày, một đêm.
Cách đây mấy năm, năm mà tôi sắp bước qua tuổi 50, không biết vì sao tôi không còn thấy khó chịu khi tóc dài chấm vai và cũng không nghĩ đến việc cắt tóc ngắn. Khi nào nóng nực, khó chịu thì buối tóc lên bằng một cây bút chì, hay bút máy, có khi là chiếc đũa Nhật nhọn đầu. Rồi tóc dài qua khỏi vai hồi nào không hay, rồi dài qua khỏi ngực lúc nào không biết. Tôi để tóc dài cho tới bây giờ là được 5 năm rồi. Ông xã hay ghẹo: 'người ta để tóc thề lúc 14, 15 tuổi, em ngược đời, đến 50 mới để tóc thề." Rồi ông còn thêm vào nữa; "Thơ thẩn làm thơ, viết văn cũng vậy, cũng đợi đến tuổi 50, em phát triển thiệt là chậm đó nghe."
Và mỗi khi tôi nhìn ngắm mái tóc mình, tôi lại nhớ đến một người bạn ở chung phòng với tôi lúc chúng tôi đang theo học bốn năm đại học. Không biết cô cầu nguyện chuyện gì mà một hôm cô thỏ thẻ với tôi: "Tiến à, mình hứa xuống tóc đã lâu mà chưa thực hiện được, trong lòng mình không yên, cứ cảm thấy như nợ ơn trên một điều gì. Ngày mai Tiến xuống tóc giùm mình nghe." Tôi ngần ngại hỏi : "Ủa, chớ bồ nguyện chuyện gì vậy, hồi nào? Đã lâu chưa?" Cô bạn bắt đầu tâm tình: "Mình ra đi mà ba mình còn đi học tập cải tạo. Mình nguyện nếu ba mình được thả về mình nguyện sẽ xuống tóc để tạ ơn trên." Thế là tôi vui vẽ nhận lời ngay: "Chuyện nhỏ mà, để mai mình đi mua kéo với dao lam về cạo cho." Phải chi hồi đó mà biết đường mà mua cái tông đơ thì chỉ cần vài đường là xong ngay. Hôm sau, hai chi em đi mua kéo và dao lam về. Tôi ra tay liền. Nhưng mà bạn ơi, khi mà những loạn tóc từ từ rơi xuống đất, trong tôi một cảm giác khó chịu xâm chiếm lấy tôi. Tôi không biết làm sao mà diễn tả nổi mất mát mà tôi cảm nhận được. Tóc càng sát vào da đầu chừng nào thì cái tay cầm kéo của tôi run lên chừng nấy. Cố gắng ghê lắm mà không tài nào tiếp tục được, nên cuối cùng tôi đành thú nhận với cô bạn là tôi không thể tiếp tục được nữa. Một cảm giác sợ hãi dâng lên mà không hiểu vì sao. Tôi đành nhờ một người bạn khác ở cùng phòng giúp tôi làm nốt. Đêm đó lòng tôi buồn khó tả. Mỗi ngày nhìn thấy bạn với cái đầu trọc, tôi không chịu nổi. Tôi bèn đi mua vải về, cặm cụi may cho bạn cái mũ, và mua tặng bạn một đầu tóc giả. Bạn đội đầu tóc giả đi học. Về đến nhà, bạn đội mũ vải vào cho đỡ nóng.
Phải chăng lúc bấy giờ tôi đã có khái niệm về cái đẹp của tóc mà không biết nắm bắt lấy. Tạo hoá đã cho ta những nét đẹp diệu kỳ. Không có một bộ phận nào là không hữu ích, không những về khả nằng mà cả về vẽ đẹp. Mà nhất là loài người, không phải chỉ vẽ đẹp bên ngoài mà cả vẽ đẹp bên trong! Thật là một tuyệt tác mà Thượng Đế đã tạo ra!
Tôi rất yêu quí mái tóc chấm vai hiện giờ biết dường nào, nhưng tôi bắt đầu cảm thấy mệt mỏi vì nó. Vì sao ư? Vì cách đây mấy năm, đôi ba tháng mới nhuộm tóc một lần, bây giờ mới hai ba tuần đã phải nhuộm lại, mắc công và mệt quá nên một hôm tôi buộc miệng nói: "Anh à, hôm nào em đi cắt tóc ngắn cho nó khỏe. Tóc ngắn nhuộm đỡ mệt hơn.". Ông xã tôi giật bắn người, hốt hoảng nói: "Em nói cái gi? Cắt tóc ngắn? Đừng em à, anh thích em để tóc dài hơn. Tóc dài trông ra vẽ phụ nữ hơn. Mái tóc mượt mà, mềm mại và duyên dáng mà tạo hóa đặc biệt đã ban tặng cho phụ nữ mà. Ráng chịu khó vài năm nữa đi em. Khi nào già thêm chút nữa, rụng gần hết thì cắt ngắn cũng chưa muộn đâu em." Trời ạ, tôi quen ổng 3 năm, rồi ở với ổng 21 năm, chưa bao giờ ổng ý kiến tôi để tóc dài hay tóc ngắn, chưa bao giờ ổng khen tôi đẹp hay chê tôi xấu. Nhiều lúc cắt ngắn củn cởn mà ổng có thấy khác lạ gì đâu. Vậy mà lần này!
Thế là mái tóc thề vẫn đôi ba tuần phải nhuộm đen và mỗi khi nhìn vào gương thấy yêu thương lạ kỳ. Mái tóc ôm gọn gương mặt nhỏ xíu, đen đen của tôi cho tôi cảm giác dịu êm. Dù mệt mỏi mà sao lòng vẫn vui quá đổi. Phải chăng tôi đã ích kỷ khi muốn hai cô con gái cũng để tóc dài như tôi. Và phải chăng tôi muốn thế vì tôi có thể tìm thấy tuổi để tóc thề của tôi trên hai mái đầu của hai cô con gái mà nhớ một thời tôi đã không thể. Bây giờ thì tôi hiểu vì sao ông bà mình hay nói: "Cái răng, cái tóc là gốc con người." Đôi khi tôi thấy tôi thật là bảo thủ! Biết sao!
Nguyễn Kim Tiến
Vào Thu 2010