Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200

Ngày nào cũng thấy mình trong gương, tôi có thấy gì đặc biệt đâu. Vậy mà sao bỗng dưng hôm nay tôi bàng hoàng thảng thốt. Hai con mắt sâu hoắm như lọt hẳn vào trong hai hóc mắt của tôi. Dưới đôi mắt là hai vòng đen tròn, mộng nước. Cái mũi hơi to so với khuôn mặt hơi nhỏ của tôi làm tôi giật mình!
Con à, sao hôm nay mẹ thấy mẹ già quá, da nhăn nheo, mí mắt thì sụp xuống trông ghê quá! Mẹ đâu ngờ mẹ xấu quá vậy con!

Cô con gái, với giọng nói như vỗ về, nửa tiếng Mỹ nửa tiếng Việt, đã thỏ thẻ "Mẹ à, mẹ lớn tuổi rồi không thể không già được. Mẹ đừng để ý bên ngoài nữa....Mẹ phải nhìn vào vẻ đẹp bên trong của mẹ chứ".

Tôi quay phắt lại nhìn con. Con tôi đã lớn, lớn bộn rồi, lớn hồi nào mà tôi không hay biết! Con vừa bước đến tuổi 13! Tôi thật tình muốn nhớ lại, năm tôi mười 13 tuổi, tôi nghĩ gì, làm gì? nhưng không nhớ nổi. Vậy mà biến cố thật lớn năm đổi tiền lần thứ nhất năm 1976, năm tôi sắp bước qua tuổi 19 lại làm tôi nhớ về ba tôi nhiều.


Ba tôi hay la rầy và khi la lớn tiếng lắm, nhiều khi làm tôi điếng người. Ba hay la chứ không bao giờ đánh vì sợ làm đau các con, nhưng có những khi tôi muốn ba đánh tôi vài roi còn hơn là im lặng. Sự im lặng dịu dàng quá có khi làm tôi ray rứt, đau đớn dài lâu! Như lần ấy, lần đổi tiền đầu tiên...

Tôi nhớ năm đổi tiền lần đầu, ba tôi sạt nghiệp. Ba không may bán hết hàng hoá vào ngày hôm trước. 4 giờ sáng nghe loa phát thanh giới nghiêm và đổi tiền. Đó là giờ phút mạch máu và tế bào của ba tôi như đông cứng lại. Tôi vẫn còn nhớ, thân hình ba tôi rơi xuống ghế như một đầu hàng số phận.

Sáng ra, ba đi đổi được số tiền chính thức cho mỗi gia đình là 200 $. Rồi từ từ ba nghĩ ra cách nhờ bà con có ít tiền mặt để đổi, đổi giùm cho ba. Ba mất gần như trắng tay lần này. Một thách thức vô cùng lớn, một mất mác vô cùng bi ai đã giáng xuống không phải chỉ riêng gia đình tôi mà là sự ngỡ ngàng lo lắng cho tất cả mọi người. Tôi cũng ngơ ngác ngỡ ngàng và đã không biết làm gì để an ủi ba. Sự im lặng bao trùm từng ngõ ngách, góc cạnh của căn nhà đã làm tôi sợ hãi vô cùng, sợ khi đêm về nghe từng tiếng vo ve của muỗi...

Vài ngày sau, ba mang về thêm ít tiền nhờ đổi được. Và sau đó là những trầm tư suy nghĩ. Cuối cùng ba kêu tôi vào bàn chuyện. Ba nói ba giữ lại chút ít để gia đình có tiền ăn uống qua ngày còn phần còn lại ba sai tôi đi vào Sài Gòn mua cho ba hai lượng vàng (tôi nhớ lúc đó khoảng 250 $/một lượng) vì ba nghĩ thời gian này là thời gian người ta cần tiền để tiêu nên họ bán với giá rẻ. Ba sẽ dùng hai lượng này mà gây dựng trở lại.

Trời ơi, nghĩ đến phải đi xe đò từ Qui Nhơn vào Sài Gòn một mình là tôi đã run lên rồi. Đã vậy mà còn phải vào đó để đi mua hai lượng vàng, trái tim của tôi bấn loạn, đầu óc của tôi nhứt buốt. Ba phân tích là tôi còn nhỏ ít ai để ý, có lẽ việc đi lại tiện hơn nên đã sai tôi. Tôi ra đi sáng sớm hôm sau.

Tôi nhớ, từ Qui Nhơn đến Sài Gòn tôi ngủ li bì, không ăn không uống gì cả chờ mong đến Sài Gòn, Một đoạn đường quá dài đối với tôi lúc đó. Qua rất nhiều trạm gát, lòng luôn lo sợ.

Thế rồi tôi cũng đến nơi, về đến nhà chị tôi. Mọi chuyện qua đi rất tốt đẹp.

Chị tôi dẫn tôi ra đường Lê Thánh Tôn mua giùm tôi hai lượng. Sáng hôm sau tôi lại ra bến xe đi trở về Qui Nhơn. Trong lòng vừa mừng vừa lo. Mừng vì làm được gì đó cho ba mà lo vì mang trên người hai lượng vàng.
Cũng giống như lần đi vào, lần này tôi cũng chọn ngồi gần cửa sổ. Tôi cũng đã nhịn uống nước, nhịn đi vệ sinh và ngồi một chỗ, không dám lên xuống xe; sợ bị xét, sợ bị mất...Nhưng lần này tôi cùng về với chị tôi.

Vậy mà, khi xe về đến bến xe Qui Nhơn, tôi thò tay vào chỗ để hai lượng vàng thi hỡi ôi, hai lượng vàng không cánh mà bay. Tôi bấn loạn tinh thần...trời mưa hay lòng tôi đang sũng ướt...Tôi khóc và sợ ba nên không theo chị cùng về nhà.

Tôi đã không dám về nhà và cứ thế lang thang khắp thành phố Qui Nhơn giữa cơn mưa càng lúc càng như ai oán. Người tôi ướt như chuột lột. Tôi đã run lập cập vì lạnh hay vì quá sợ ba tôi. Tôi cứ đi như thế, không biết đi đâu. Khi mỏi chân quá thì kiếm góc hè nào đó ngồi nghỉ. Ôi nước mắt của tôi đã chan hoà cùng những gịọt nước mưa quê nhà thời khắc ấy cứ làm tôi nhớ mãi không quên! Tôi lang thang mãi đến khuya và cuối cùng tôi đứng trước nhà thờ nhọn ở ngã ba đường Lê Thánh tôn và đường Gia Long. Trong cái im lặng quá sợ hãi này, tôi đã cầu nguyện ơn trên, cầu nguyện đấng tối cao hãy dìu dắt tôi qua khó khăn quá lớn này.

Cuối cùng tôi quyết định đi về nhà. Tưởng tượng cơn giận của ba tôi. Tưởng tượng một trận la mắng long trời lở đất. Tuởng tượng những lằn roi dù ba tôi rất ít khi dùng roi. Sự tưởng tuợng của tôi đã làm hai chân tôi quíu lại đi không nổi. Tôi đã ngồi xuống, ôm thân hình ướt như chuột của mình. Tôi đã ôm đầu. Tôi đã ngửa mặt lên trời. Tôi đã quỳ gối van xin...

Đứng trước  nhà mà tay không dám đưa lên để gõ cửa. Đôi mắt dán vào kẽ hở để xem bên trong nhà có ai không? Trời ạ! cái dáng người, lưng hơi còng đang chắp tay sau lưng là ba tôi đang đi lui đi tới, đi qua đi lại một mình đã làm tôi chùng bước. Tôi cứ đứng im mãi. Trong đầu tôi là những đấu tranh...gõ cửa hay là ngủ ở trước nhà...

Vì là con gái, trời đã quá nửa đêm. Cuối cùng tôi chấp nhận hình phạt với bất cứ giá nào nếu có. Tôi giơ tay lên, gõ cửa. Tôi nhìn thấy dáng vẽ mừng rỡ của ba tôi trong từng bước chân, trong từng động thái...Sao lạ lùng vậy? Trong thoáng chốc cái đầu tôi lại làm việc không ngừng...

Khi ba tra chìa khoá vào ổ khoá, tôi có nhìn vào kẽ song sắt thấy hai bàn tay ông run run không tài nào bỏ chìa khoá vào ngay được. Lòng tôi bắt đầu từ trạng thái lo sợ hình phạt chuyển qua trạng thái hối hận, hối hận vì đã để ba tôi sống trong những giờ phút lo sợ, mong chờ tôi (tôi đoán thế).

Khi đôi cánh cửa sắt vừa nhích ra đủ để người tôi lọt vào. Tôi như quỵ ngã dưới chân ba. Tôi lã  người đi. Và tôi đã cảm nhận được đôi tay ba tôi bế tôi lên và nói rất nhỏ nhẹ "con hãy đi thay đồ và làm khô tóc kẻo bệnh, ba đã biết hết rồi. Chuyện gì rồi sáng mai sẽ tính, kiếm gì ăn kẻo đói nghen con". Tôi đã làm theo và nằm trên giường thao thức cả đêm. Biết ăn nói làm sao với ba đây. Cả gia tài đã mất...mất hết rồi!

Cả đêm tôi lo sợ là ba sẽ la một trận tơi bời vì là chuyện quá lớn. Thường ngày có lỡ làm bể cái chén, có lỡ làm mất cây viết máy hay cái đồng hồ đeo tay là đã bị la quá chừng rồi nên tôi lo sợ là phải. Vậy mà khi ba gọi dậy, tôi có thể nhìn thấy trong đôi mắt ấy một tình thương vô bờ bến. Ba không nhắc đến hai lượng vàng tôi đã đánh mất mà ba còn nói "dậy ăn sáng nghen con". Có trời mới biết ba tôi đang nghĩ gì trong đầu, ba tôi đang lo lắng gì cho một tương lai tối tăm phía trước? Đã lo sợ bị la, lo sợ bị đòn, nhưng giờ phút này, trước sự trìu mến của ba, trước sự im lặng của ba, tôi đã mong ba tôi đánh tôi một trận cho tôi nhẹ lòng. Sự dịu dàng im lặng có khi làm tôi đau đớn ray rứt hơn nhiều. Tôi xin trong đầu tôi là ba hãy đánh tôi đi! đánh tôi đi!

Tôi là  người bắt chuyện trước, nhắc đến hai lượng vàng. Và tôi đã nói lời xin lỗi và trình bày là không biết vì sao mà tôi đánh mất hai lượng vàng. Tôi đã không dám đi ra khỏi chỗ ngồi, tôi chỉ ngồi một chỗ có chị tôi làm chứng...Sao lạ lùng... Tôi không tìm ra một lý do nào để giải mã cho việc mất mác này. Ba tôi ngồi im lặng nghe, thay vì sẽ nghe ba quát mắng sao mà con ngu quá, sao mà con dở quá, sao mà con ... tôi chỉ nghe ba an ủi "Con à, ba không cần biết lý do vì sao con đánh mất. Con về nhà an toàn là ba quá vui. Con có biết là ba lo sợ, mong ngóng con từng giây từng phút và cầu ơn trên cho con về đến nhà bình yên không? Đồng tiền khi nó không muốn ở với mình nữa, nó sẽ tìm đủ mọi cách để ra đi, chúng ta không có khả năng nắm giữ. Ba đã từng trắng tay như thế này trong đời rồi. Ba chỉ cầu mong mình mạnh khoẻ là mình có thể gầy dựng lại".

Lời nhắn nhủ này đã theo tôi đến giờ. Hôm nay tôi lại nhớ đến ba tôi, nhớ đến lòng bao dung của ba, nhớ đến kỷ niệm vừa đau buồn ở một đoạn đường, nhớ đến sự ngọt ngào êm ái mà ba tôi đã cho tôi thay vì những lời la mắng và có thể là những lằn roi. Con xin nói lời cảm ơn ba dù muộn màng ba nhé!

Nguyễn Kim Tiến
Ngày của Cha 2012

Thêm bình luận