Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200

Tôi nằm dưới đáy giếng. Lúc nào. Và vì sao tôi lại ở dưới đáy giếng tôi không nhớ. Chỉ biết khi tỉnh dậy, thấy áo quần ướt dầm dề. Tối thui. May mà giếng cạn nước. Một nỗi sợ hãi xâm chiếm. Người run bần bật. Trái tim co thắt liên hồi. Mồ hôi rịn ra như tắm. Lạnh run. Tôi véo vào má xem thử mình tỉnh hay đang mơ. Đau điếng. Vậy là tôi vừa qua một cơn mơ. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi bắt đầu tra vấn tôi.

 

 

Tôi nhớ là tôi đang ngồi học cùng với em tôi. Em tôi ngồi trên ghế và tôi nằm dài trên sàn nhà. Khi đọc sách, tôi thích nằm sấp, tréo hai chân lại với nhau, hai khuỷu tay chống lên và quyển sách nằm trịnh trọng dưới đất. Cái tư thế này lâu ngày làm hai cái cùi chỏ của tôi chai cứng và sần sùi. Ai cũng thắc mắc sao có nhiều bữa, trời oi, nóng muốn chết mà sao tôi cũng mặc áo tay dài , kín mít. Tôi không buồn trả lời. Rồi họ cũng quen. Nhiều khi tôi nghĩ, cái khổ của mình là để ý quá nhiều đến những lời phê bình của thiên hạ, rồi mang buồn phiền ở đâu về nhốt ở trong căn nhà của mình cho đến khi nó bốc mùi. Tôi nghiệm ra rằng, những gì họ nói, họ quên mất tiêu. Họ về nhà ngủ một giấc ngon lành đến sáng. Nên từ đó, lỡ mà có ai vô tình tặng tôi món quà không đẹp như thế, tôi không nhận và xin tặng lại cho họ. Tôi về nhà ngủ ngon, ăn ngon và yêu đời hơn.

Để tôi kể tiếp chuyện đọc sách của tôi nhé!

Tôi đang đọc một quyển truyện rất hấp dẫn. Trong quyển truyện này, tác giả đang nói đến một nhân vật luôn có những cơn mộng du. Ông hay mở cửa đi ra ngoài, làm một vòng con phố nhỏ trong khu nhà ông, rồi quay trở về, leo lên giường đánh một giấc đến sáng. Ông không biết là tối nào ông cũng làm như thế. Ông không ngờ là cô bé hàng xóm của ông đang để ý từng bước chân của ông. Cô ở một mình với cha cô. Thỉnh thoảng mẹ cô mới ghé thăm cô. Cả xóm không ai biết rõ vì sao mẹ cô không ở cùng với cha con cô. Nên bao nhiêu câu chuyện tưởng tượng xoay quanh gia đình cô cứ rỉ tai từ người này qua người khác, riết rồi thành ra một câu chuyện thật ly kỳ và hấp dẫn. Nào là mẹ cô đã có chồng khác, nào là mẹ cô không đủ kiên nhẫn và sức chịu đựng để nuôi nấng cô vì cô đang mang trong người một căn bệnh hiểm nghèo, bác sĩ chưa tìm ra cô bị bệnh gì. Thiên hạ kháo với nhau rằng biết đâu vì sự tuyệt vọng và bất lực này mà ba mẹ cô đã xảy ra những mâu thuẫn với nhau và dẫn đến sự chia xa này. Đó là những câu chuyện thêu dệt của những người hàng xóm rổi việc. Nhưng điều này chẳng có nghĩa gì cả với những cơn đau như xé thịt, xé gan cô ra. Những bắp thịt của cô đau nhức đến tận tim gan, hít thở khó khăn, lòng ngực thắt chặt, và những cơn ho rủ rượi liên hồi làm cô không ngủ được. Có những lúc cô gập người lại trong tư thế như một con tôm luộc. Có lúc những triệu chứng giống như là triệu chứng của bịnh cúm, nhưng sao nó không hết mà cứ kéo dài nhiều tuần, nhiều tháng. Những cơn đau bao giờ cũng dữ dội hơn vào ban đêm. Có lẽ, ban đêm, mọi hoạt đông trong cơ thể như đang co giãn và yên ngủ, nên những sợi thần kinh đau đớn có dịp lên ngôi. Cô trằn trọc, trăn trở suốt đêm. Mỗi khi khó ngủ như thế, cô không muốn nằm để dỗ giấc ngủ. Cô rời giường và ra ngồi cạnh của sổ, ngó mông lung ra ngoài đường. Đêm êm ả, đêm cô tịch. Sự yên lặng của đêm cho cô cái cảm giác yên bình lẫn cô đơn. Nghe trong lòng gợn sóng. Cô nhớ đến hai câu thơ* "Ôi! Có gì đau từ đáy nước, mà con sóng nhỏ gợn lăn tăn". Cô nhìn những vì sao lung linh trên bầu trời, thầm mơ ước một điều kỳ diệu sẽ đến với cô. Mơ! Mơ! Mơ! Cứ thế mà cô mơ!

Có hôm trăng lên, rọi chiếu ánh sáng huyền ảo vào phòng cô, đan thành những vạch trắng dài, chồng chéo lên nhau trên sàn nhà, tạo nên những búc tranh kỳ ảo. Những bóng cây trơ trụi lá in hình trên tường, trên chiếc giường của cô làm cô cứ ngất ngây chiêm ngưỡng. Cô trầm trồ nhìn ngắm những hình thù tưởng tượng trong đầu cô, lúc thì mẹ bồng con, lúc thì cha cỏng con, lúc thì chị cười với em. Cứ thế cô để sức tưởng tượng của cô đi xa, đi xa mãi. Một hôm, cô nghe tiếng chân sột soạt từ xa, cô bắt đầu chú ý và đưa cặp mắt đen tuyền và sâu hóm, vì đã nhiều đêm mất ngủ, nhìn thật kỹ người khách bộ hành. Cô nhận ra đó là ông hàng xóm vừa băng ngang nhà cô. Trông ông đi đứng không khoan thai mấy. Hai tay ông có khuynh hướng đưa về phía trước, gương mặt ngái ngủ, giống như là có người nắm lấy tay ông mà dẫn ông đi. Ông đi, mặt luôn nhìn về phía trước, không ngó bên này, không ngó bên kia. Ông mặt một bồ đồ ngủ màu xanh sọc, chân mang đôi dép quai dọc, tóc tai rối bù như trái chôm chôm. Cô thấy lạ quá. Óc tò mò của cô trỗi dậy, cô quan sát liên tục mấy ngày trời, và cứ thấy ông hàng xóm của mình, cứ đúng 11 giờ đêm là ông đi dạo bộ một mình. Sau một thời gian, sự quan sát này đã trở thành thói quen, nên có hôm cô không đau nhức, không mất ngủ, cô cũng chờ ông, cô ra ngồi ở cửa sổ ấy để chờ ông đi ngang qua. Để làm gì? Cô không biết. Chỉ biết là thấy ông thì cô mới yên tâm.

Rồi một hôm cô chờ mãi, đã hơn 11 giờ đêm rồi mà chưa thấy ông xuất hiện, cô bồn chồn, cô đứng ngồi không yên. Cô không còn nghĩ đến cơn đau của cô đang hành hạ cô nữa. Cái đầu của cô chứa toàn những tưởng tượng không tốt đẹp có thể đã xảy ra cho ông. Có thể ông nằm ngủ và đã không bao giờ dậy nữa. Có thể ông đi đâu xa. Có thể ông đã chọn con đường khác để dạo bộ hay cũng có thể ông thay đổi giờ giấc. Biết bao nhiêu cái có thể cứ xoay vòng trong cái đầu nhức buốt của cô. Cô mệt lã và lăn đùng ra trên sàn nhà. Cha cô, mỗi hai tiếng đồng hồ, ghé vào thăm cô. Ông giật mình khi thấy cô nằm dưới sàn nhà. Bất động. Ông lính quýnh và lập tức gọi xe cấp cứu. Sau một ngày, một đêm ở bệnh viện, tình trạng cô tương đối ổn định, cô được về nhà. Cha cô bắt đầu để ý đến cô nhiều hơn và thấy cứ đến gần 11 giờ đêm là cô ra ngồi bên cửa sổ. Ông theo dõi và thấy cô càng ngày càng héo úa. Ngày xưa cô đã ít nói, bây giờ thì càng ít hơn. Cô chỉ nói khi cô cần mà thôi. Cha cô tìm cách hỏi, nhưng cô không nói gì cả. Cha cô lo lắng quá mới gọi điện thoại nhắn mẹ cô về gấp. Bà vội vã bỏ ngang cuộc họp và ra phi trường đi theo vé chờ để có thể bay về ngay tối hôm ấy. Trong lòng bà ngổn ngang trăm mối. Sợ hãi, lo âu, quặn thắt. Chừng ấy cảm xúc cũng đủ làm đôi mắt bà ngây dại và tai bà không còn nghe rõ nữa. Tên của bà được xướng lên đến lần thứ ba, bà mới nhận ra. Chút xíu nữa là bà không có vé để đi vì sau ba lần gọi tên, nếu không ai lên tiếng, người kế tiếp sẽ được gọi.

Bà đến phi trường và đi taxi về nhà vì bà không muốn chồng bà để cô ở nhà một mình. Vừa bước vào nhà, bà chạy ngay lên phòng cô. Cô đang nằm trên giường, mắt nhắm nghiền, thim thíêp ngủ. Hai tay cô duỗi thẳng hai bên hông. Ngón áp út nằm dưới ngón cái trong tư thế như đang cầu xin Trời Phật gia hộ cho cô. Mẹ cô không dám lay động cô trong lúc này. Bà đứng bên cạnh, nắm tay cha cô thật chặt mà nước mắt lăn dài trên hai gò má lúc nào không hay. Bà đâu biết rằng cô đang mơ thấy Phật hiện về, nhập vào vầng trán, ngay giữa hai hàng chân mày của cô và khi Đức Phật từ từ ra khỏi vầng trán của cô là cô cũng từ từ tỉnh lại.

Nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên vách, chỉ còn một nấc nữa thì con số 11 sẽ xuật hiện, cô sực tỉnh người, và vội bước xuống giường, chạy ngay đến cửa sổ. Một bóng người tóc tai bù xù, với bộ quần áo ngủ màu xanh sọc xuất hiện. Cô reo lên sung sướng. Cha cô, mẹ cô, không ai có thể hiểu được niềm vui sướng mà cô đang tận hưởng. Cô thấy như mình bay bổng giữa bầu trời đầy sao. Cô đang bay trong bầu trời hạnh phúc. Cô chỉ biết cảm nhận sự bình yên trong tâm hồn. Cô cảm nhận được những mạch máu tế bào đang rộn rã trong người cô. Hạnh phúc là sự cảm nhận mà không thể đong, đo, buôn bán được. Cảm nhận này làm cho trái tim cô rộng mở, tràn đầy. Cô ôm ghì mẹ cô và bàn tay cô nằm gọn trong lòng bàn tay của mẹ và cha cô. Và đây là lần đầu tiên cô nói với mẹ cô rằng cô cần bà bên cạnh biết dường nào! Khi trái tim mở cửa, con người mới đủ sức thố lộ những nỗi niềm mong muốn với người khác. Và đồng thời cũng đón nhận dễ dàng hơn. Những gần gũi, những lời thì thầm, những lo lắng, những săn sóc, những âu yếm, ngay cả những thói quen không tốt mấy cũng làm cô quay quắt nhớ thương. Mẹ cô quyết định từ chức, dù công việc hiện giờ, có thể, biết đâu sẽ đưa bà đến đài danh vọng. Nhưng bà nhận biết một điều rằng cô con gái bà cần bà, gia đình bà cần bàn tay thương yêu của bà, mỗi ngày với những bữa cơm với nhau, với những ánh mắt nhìn trìu mến, ngay cả với những lời cằn nhằn có đôi khi rất đáng ghét của bà. Bà biết rằng hạnh phúc mà bà đang có khi gần gũi với con là trên hết mọi thứ trên đời. Những giọt lệ hạnh phúc ngọt ngào của bà đã nhỏ xuống trên trái tim bé nhỏ của cô con gái. Trong căn phòng nhỏ nhắn của cô, hàng ngàn thiên thần đang bay lượn với những đôi cánh muôn màu và ca vang bài ca "Hạnh phúc bên nhau"....

" Chị ơi! dậy chị ơi, dậy lên lầu ngủ với em" vừa gọi vừa đánh vào người tôi. Tôi bừng tỉnh dậy và thấy mình đang nằm dưới sàn nhà, cái má bên phải đang úp vào trang sách. Một giấc mơ thật lạ lùng nhưng không kém phần hấp dẫn. Lần này thì tôi véo vào đùi cho chắc ăn, và biết là thật sự mình mới vừa qua một giấc mơ. Tôi đã có đến hai lần mơ. Một giấc mơ trong một giấc mơ.


Nguyễn Kim Tiến
Mùa thu năm 2009

* Thơ của nhà thơ Chim Trắng

Thêm bình luận