Ngôi nhà lạï đến bàng hoàng. Tôi đứng ở bên ngoài có đến nửa tiếng để dòm ngó, soát xét lại những xúc cảm của mình và để lặng buồn. Đó không phải là căn nhà mà phía chồng tôi đã cho, được tôi đem theo và ấp giữ trong ngần ấy năm xa xứ. Cũng không phải là nơi tôi đã quắt quay thương nhớ và luôn khao khát trở về. Cũng không phải là căn nhà trong hình dung của tôi khi gửi tiền về cho Hoan xây lại. Nó sao đó. Hơi màu mè quá! Hơi to quá! Hơi thô quá!... Và với những cái quá ấy của mình trông kệch cỡm, xấu xí và cách biệt hẳn với những căn nhà bình thường nơi cái xóm nghèo này. Bộ chồng tôi không thấy điều đó sao chứ! Tôi đã gọi điện về nhắc đi, nhắc lại hằng bao lần. Tôi đã kỹ lưỡng tới mức phác họa ra từng chi tiết một cho Hoan rõ. Cái hè làm sao? Lát gạch màu gì? Khoảng sân như thế nào? Trồng những thứ cây gì?... Cứ như trong ước muốn của mình, tôi thích để cái nhà như cũ – như khi tôi chưa ra đi – nhưng rồi cũng muốn lo cho chồng con một chỗ ở khang trang và đầy đủ tiện nghi nên đến là khổ tâm và khó nghĩ. Hồi ấy bé Tú Ân chưa qua và với tôi vấn đề không nằm ở chỗ tiền bạc. Bởi thế, nặng lòng... Ở bên đó, tôi thường xuyên có tâm trạng bất an suốt khoảng thời gian căn nhà cũ bị đập ra để xây lại. Nhiều đêm mất ngủ, ngồi trong bóng tối rít thuốc liên miên, nhớ Hoan và con cùng ngôi nhà bắt điên đảo. Nhớ khuôn mặt hiền lành của Hoan trong đôi mắt con trong suốt. Nhớ kiểu vung tay của chồng khi giận dữ, bước chân lấp vấp của con lần đầu tập đi. Nhớ từng ngóc ngách cũ quen, thân thiết ở đó: ngôi nhà. Nhớ tiếng mèo gào trên mái tôn, bé Tú Ân ngủ mê khóc mớ, tiếng ngáy của Hoan, tiếng chuột chạy nơi xó bếp...Và ngôi nhà ăm ắp niềm thương và chất ngất kỷ niệm trong ký ức của tôi, là đây và thế đó.
Bữa cơm dọn ra với chỉ hai đứa. Hoan nhìn vào mâm, gật gù: "Ồ! Mắm. Mắm ruột phải không em? Hấp dẫn quá! Đã lâu anh không được ăn thứ này". Nói và không hề dấu được vẻ thòm thèm, khi nhìn vô chén mắm ruột có màu nâu đỏ đặc sánh và thơm lựng, cùng một dĩa rau sống thập cẩm đủ hết các màu xanh và rất là mát mắt. Đã năm ngày qua, tính từ lúc về mà tôi vẫn chưa hết cơn ghiền mắm, dù bữa nào cũng ăn. Không loại này phải là loại khác. Chẳng mắm ruốc cũng là mắm cái, mắm cơm. Không mắm tôm thì thế vào mắm ruột. Người Việt mình ưa mắm lắm và tôi không là một ngoại lệ, dù đã ở nước ngoài khá lâu. Trúng miền trung cái gì không biết chứ mắm thì phong phú vô cùng. Mắm đục ăn bánh xèo vỏ. Mắm nêm để chấm cá nướng, bò nhúng dấm mà không thịt, cá thì cứ chan bún tươi, ăn bắt ách bụng sợ vẫn không chịu dừng nữa là. Mắm thu để chấm thịt heo luộc mà cá thu muối thì phải chưng mới là đúng kiểu. Mắm cua phải có nắm lá gừng mà mắm ruột lại phải có miếng thịt ba chỉ. Tôi ghiền mắm nên chế biến mắm rất ngon như chén mắm ruột trong mâm cơm này. Chỉ là một thứ mắm bình dân và không tốn mấy lăm đồng nhưng phải công kỹ lắm mới làm ra được. Ruột ở đây là ruột cá ngừ hoặc lồ ồ mà phải muối kìa. Hồi ướp bộ ruột cá nhất thiết không được rửa nước và phải bằm nhỏ. Cũng phải để cho được vài ngày thì mắm mới chua và có thể kho được. Cách làm đâu có gì khó. Thịt xắt hột lựu, tao cho ra bớt mỡ, bỏ hành khô vô phi rồi kế đó là ruột cá, tiêu, ớt, đường. Lửa phải thật nhỏ và đều mới thấm tháp. Khi mắm đã keo sệch lại và dậy lên mùi thơm ngào ngạt là được. Mắm ruột mà ăn với cà đĩa thì thôi chứ ngon hết biết và thường là như vậy nhưng ăn với rau cũng không trật. Vợ chồng tôi lại ưa ăn theo kiểu đó. Rau để ăn mắm phải có đủ loại, như: xà lách, khế, chuối chát, rau thơm, dưa leo, cà xanh... thì mới ra rau ăn mắm.
Bao nhiêu năm sống tha phương, tôi khát thèm được quay về đây để ra chợ mua những khúc cá ngừ tươi rói mà phải là cá ngừ dưa gang ăn nó mới đậm đà, về nấu ngót. Rồi cặm cụi kho mắm ở cái gian bếp hơi thấp, tối và giăng đầy bồ hóng. Lặt, rửa rau ở cạnh ảng nước, nơi thành giếng sân sau nhà mình. Sao mà tôi thương cái thành giếng đó dữ quá? Trong những giấc mơ tôi hằng đêm có cái lưng trần ròm ròm – khom khom của chồng cúi mình xách từng gầu nước đổ vô ảng sáng sáng. Có con nhỏ xíu, trần truồng khoe thịt da bụ bẫm, những chiều mùa hè được ba mẹ tắm táp cho và khoái chí, cười lên nắc nẻ. Con cười rồi ba mẹ cười. Những tiếng cười đầy đặn và tròn trịa vang lên, làm khua động hết cả một khoảng trời chiều. Phải có tiếng cười của con, tôi và Hoan gộp chung lại mới thành ra cái cười của một gia đình với thật nhiều ấm áp bởi sự đoàn tụ và những vui vầy hết sức tự nhiên. Đâu đã hết. Còn nữa những thau đồ lớn mà mùi mồ hôi của chồng và nước tiểu của con đượm nồng đến ngạt cả mũi. Sao mà tôi thương cái mùi ấy dữ quá! Rồi nữa những bữa cơm dọn ra giữa nhà, vợ chồng cùng ngồi bệt xuống nền và háo hức ăn cơm mắm với nhau. Bên đó trời lạnh quanh năm, đi làm đã mệt, về nhà nghe như còn mệt hơn khi mở tủ lạnh chuẩn bị những bữa ăn một mình với đồ nguội là chính. Ơ thờ nhai, nuốt và ơ thờ coi T.V trong rất nhiều ... ngao ngán. Nên luôn phải tưởng tượng ra cảnh mình đang được ăn những chén cơm nóng hổi với những đũa rau thập cẩm gắp cho vun lên chấm mắm ruột, không sót những miếng cá ngừ kho ngót quệt mắm, thấm tháp tới tận chân răng. Tưởng tượng, để cảm ra được cái ngon, cho miếng đồ nguội Mỹ trong miệng bớt ngán và những bữa ăn nhiều uể oải như vậy qua mau.
Loan nghiêng đầu, mại mắt cả lúc lâu rồi mới ào lại ôm chầm lấy tôi và la to, mừng rỡ:
- Vi phải không? Á! Việt kiều... Mà Việt Kiều sao... bèo dữ vậy mày?
- Bèo là sao? Là lùi xùi... Là không thơm tho... Là...
- ...bùi bụi. Được chưa?
- Thì tao là Vi "bụi" mà. Còn mày? Sao cái mắt mại hoài vậy? Hồi đi học mắt mày mại không trách gì, vì mới lớn mê trai nhiều, liếc nhiều nên mại nhiều. Giờ già rồi. Không lẽ...? Cái mắt vậy, sao không chịu đi cân lại cho nó bằng đi, bà nhỏ?
- Cân. Cân cái mỏ xìa mày á! Cho nó bớt nhọn. Bớt hỗn. Bớt ăn hàng. Bớt nói bậy... Thôi vô. Bà già ở nhà sau. Lâu lâu cũng nhắc mày. Má tao bả nói cái con ở nông trường mà cái tướng dơ dơ là tao biết mày liền. Mày làm sao sạch nổi ? Bữa nay còn hút thuốc không bà? Đó! Cái miệng hôi rình...
- Thuốc thơm mà mày làm quá thuốc rê hồi đó, cuốn điếu nào điếu đó to sụ. Hơi... hôi hôi một chút mà đã... Đã ghê nghe mày. Bây giờ có hút ngon ạ!
Trưa đó, Loan đi mua gỏi cá về cho tôi ăn. Má Loan nhìn tôi cuốn bánh tráng quá khéo, cười lên sằng sặc và đấm tôi thùm thụp: "Việt kiều gì cái con này...". Loan thấy tôi ăn quá nhiều với cái miệng quá lanh, dòm tôi ngạc nhiên đến độ cái mắt hết ... mại luôn. Nó nói: "Bảo đảm bên Mỹ mày sống khổ và đói dài dài". "Dỡn. Tao làm ở "casino" lương cao mà tiền "tip" cũng khá lắm à nghe! Tao thuộc loaiï giàu đó...". Loan trề môi, lộ vẻ không tin. Kỳ! Cái mắt mới bớt mại một chút đó cái mại trở lại liền, khiến tôi không dám nhìn nó lâu vì sợ cười rớt đồ ăn trong miệng. Tôi có cái tật không cười thì thôi mà cười là hết cỡ, nên rất là nguy hiểm khi đang ngậm thức ăn đầy một miệng như thế này. Về Việt Nam sướng đủ thứ và sướng nhất là cái chuyện ăn và nói. Tôi vốn mê ăn và có thói quen hay nói bậy. Sống lâu bên đó miệng bỏ không hoài cũng buồn, phải nhai kẹo cao su cho các cơ và hàm có việc làm. Đã tưởng cái mê, thèm, ghiền và những thói quen mất biến. Đâu dè chỉ lận vô bên trong, giờ về ngồi giữa vòng vây người thân và được đàn đúm bạn bè trở lại bỗng trồi lên. Bao nhiêu từ ngữ hay ho và độc đáo bị bắt buộc ngủ quên bao năm, giờ có cơ hội cứ ngọ nguậy nơi cổ họng, sao mà làm thinh cho nổi. Tình cảnh đó mà phải khâu miệng, vá môi cực lòng chết đi được.
Thế nhưng chỉ nửa tiếng sau đó, tôi đã phải gác lại mọi sự ba hoa cười cợt để nín im nghe Loan kể chuyện Hoan, lúc hai đứa nằm nghỉ. Giọng Loan lúc riễu cợt, hồi ngậm ngùi. Nó nói những điều mà suốt mấy ngày qua, tôi đã phải nghe ắp đầy cả hai tai và phải nhét chặt cứng hết cả cõi lòng. Ai cũng nói, khi gặp. Loan là đứa vốn vô tâm vậy mà xót bạn, tức giận, phải lên tiếng. Loan nói tôi bị lợi dụng và rít giọng: "Mày cày như trâu ở bên đó. Để nuôi ổng mập mình. Để cất nhà cho lớn, cho tiện nghi. Để... Để ổng rước vợ mới về ở cho nó sướng rồi mày nuôi tiếp con vợ quần trơn áo mỏng, ăn không ngồi rồi của ông. Đồ. Đồ ngu...". Hai từ cuối bật ra khỏi miệng Loan, chắc nó cũng không thể ngờ, thành chi tôi thấy cái mắt nó bỗng mại nhiều hơn. Nó vẫn có cái kiểu vậy. Bình thường thì mại sơ sơ mà hồi mất hồn vì lo sợ, hoảng hốt hay vui mừng quá là mại hung mới ớn chứ! Thấy nó vậy biểu sao không cười. Loan nhìn tôi, không đừng được cũng cười theo. Vừa cười vừa lầm bầm: "Đồ khùng... Đồ khùng...". Trời đất! Thì tôi khùng. Thì tôi ngu nên tôi mới không biết tiếc và cũng chẳng ân hận gì... Chỉ thiết tha quá một nơi, dù chật chội và cũ nát cho tâm hồn còn có chỗ, để mà được mãi miết và quay quắt ngoái về.
Nghĩ mà tức cười. Tôi nói đi làm ở casino đâu có ai chịu tin. Những người thân thiết và quen biết, mỗi lần nghe, cái mặt nhăn như khỉ ăn ớt và càm ràm: "Bộ hết công chuyện, sao... Mà có làm ở sòng bài, thì dấu biến đi. Ở tận bên Mỹ, ai biết mà lo khai chứ ". Lần đầu im lặng rồi lần hai, lần ba không đừng được nổi điên, tôi gây um sùm. Chỉ có Hoan là tỉnh bơ. Hoan là vậy. Hoan chấp nhận tôi như những gì mà tôi đã có. Chấp nhận sự chênh lệch của hai đứa về tuổi tác, những khác biệt trong tính nết, lối sống... Chấp nhận tất cả, chỉ với mấy từ luôn có ở trên môi: "Bả...mà". Hồi mới quen tôi, Hoan bị thiên hạ dè bĩu, chê trách... dữ lắm. Hoan đầy vẻ ngu ngơ trong khi tôi rất ra kiểu lõi đời. Hoan nhẹ nhàng, nhút nhát mà tôi thì thô kệch và trâng tráo. Hoan hiền khô và tôi thì hoang lung, bợm bãi. Con gái mà quậy phá tới mức địa phương phải gửi đi trại cưỡng bức lao động là biết sao rồi. Hết thời hạn ở trại, tôi "quê", không thèm về, xin đi làm luôn. Tôi và Hoan gặp nhau ở đó. Ở nông trường thuốc lá Sông Côn. Tôi ở trại ra. Đã vốn không đựơc đẹp lại càng không đựơc đẹp thêm. Da đen thui, người khô rốc. Hoan ở bên nông trường mía chuyển về. Chắc dư chất ngọt nên vốn đã dễ thương lại thêm sự mập căng múp míp, càng dễ thương thêm nữa. Kỳ! Hai đứa trái ngược nhau là vậy mà như có cái lực vô hình nào đó, cứ bắt phải hút về phía nhau. Thấy khát thèm và muốn đổ ập vào nhau ngay, khi gặp lần đầu. Bữa đó, Hoan xưng hô bà, tui rồi cứ vậy kêu hoài. Tôi đi đâu cũng đòi đi theo. Kêu bà Vi ới ới. Cũng xưng hô vậy hồi tỏ tình: "Vi! Tui với bà thương nhau nhen". Rồi cầu hôn: "Vi! Bà lấy tui nhen". Tôi thì cứ tui và Hoan nói qua, nói lại. Tự vì tôi lớn hơn Hoan tới ba tuổi. Kêu khác chỉ một lần. Đó là lần tôi đưa Hoan về nhà, chỉ Hoan và nói với má: "Con tính ưng cái... ông này. Má thấy sao?". Cái sự kêu khác ấy mở ra một bước chuyển mới trong đời tôi: làm vợ Hoan.
Ở với Hoan rất khỏe mà cuộc sống hồi ấy sao mà quá nhẹ. Dễ chịu biết bao và vui thú biết bao. Trúng tụi tôi cũng không coi nặng lắm chuyện bạc tiền: ở tập thể, sống bằng lương và sinh hoạt theo nông trường. Người ta sao mình vậy. Thấy có ai tư riêng gì đâu và vợ chồng tôi cũng thế: đi làm, ăn, ngủ, vui chơi... theo cái đám thanh niên chưa vợ, chưa chồng. Đâu có ai cấm cản và tôi vẫn hút thuốc, uống rượu, coi bộ còn uống nhiều hơn vì cứ "rứơc" cho Hoan suốt. Có Tú Ân kể ra cũng thêm nhiều rối rắm nhưng con nhỏ này, ngay từ lúc sinh ra, y hình như đã thuộc về mọi người ở đó. Nó mê bác Phúc lái xe hơn ba, ghiền chị Bê cấp dưỡng hơn mẹ, ưa lắm mấy cô chú hãy còn độc thân và giới này vốn chiếm đa số ở nông trường. Bởi đó, con tôi đã biết đi ngủ... lang, ngay từ đêm đầu mẹ bỏ bú và sống cùng mọi người, hết sức là tự nhiên.
Về với Hoan thật khó mà sống với Hoan giờ nặng trịch. Mấy ngày qua cứ thấy Hoan úp úp, mở mở rồi dấu dấu, che che, tôi thương chồng bắt thắt bóp ruột gan. Giá Hoan khôn khéo và dày dạn, tim tôi đã đỡ nhói. Đây, Hoan sao mà tội... Mắt lấm lét, mặt tái nhợt khi chuông điện thoại reo và lại reo liên miên nên Hoan càng thêm quýnh quáng. Có lần, không đành được, tôi nói: "Hoan đừng làm như vậy. Không nên để cho cô ấy phải chờ" và Hoan ngồi phịch xuống đất, ôm đầu, gục mặt rất lâu. Giá Hoan tỉnh khô được và có thể lấp liếm, lòng tôi đã đỡ buốt đau. Hoan không hề hỏi vì sao tôi lại cư xử như vậy. Không nói gì về chuyện này mà nếu có, chắc cũng chỉ biết thốt lên: "Bả...mà" rồi thôi. Hoan sao rành tôi quá và Hoan là vậy mà.
Ở bên đó, chỉ duy nhất một lần, Tú Ân nói về tình trạng của vợ chồng tôi. Nói , rất thoáng qua nhưng lại quá đủ đầy. Đó là khi tôi hỏi con bé về việc Hoan xây nhà và cứ lập đi, lập lại miết câu này: "Mẹ muốn ngôi nhà của chúng ta có dấu ấn của mẹ". Không hiểu sao con gái tôi đang vui bỗng buồn lặng. Phải mất đến mấy giây tần ngần, Tú Ân mới dám nhìn thẳng vô đôi mắt đầy thắc mắc của tôi, để rồi ngập ngừng:
- Con biết cũng vì vậy mà mẹ mới gọi điện về nhắc ba từng chút một. Mẹ rất chăm chút... Dù ở xa... Mà mẹ cũng biết đó. Tính ba hiền, dễ bị người khác khiển lắm. Mẹ...
- Nhưng...
- Con muốn nói. Mẹ... Mà mẹ đừng buồn nghe. Nếu như nhà mình không như ý mẹ... Con nghĩ cũng do ba mẹ xa nhau lâu quá...
Cả người tôi lạnh toát sau câu nói của con. Đã tới nước này rồi sao! Tôi biết Hoan chân chất nhưng đàn ông xa vợ lâu ngày quá, chuyện bồ bịch làm sao tránh được nhưng tôi vẫn tin chắc với Hoan những chuyện đó chỉ là chuyện lăng nhăng, vui chơi qua đường. Tôi đã luôn tin như vậy đó. Tin lâu nay. Thế mà đã có người ảnh hưởng Hoan tới vậy sao! Tôi phải gắng gượng lắm, mới có thể bình tĩnh để tiếp tục câu chuyện bỏ dở với con gái:
- Cô ấy ở luôn tại nhà mình?
- Dạ! Hồi con còn ở nhà thì chưa dọn tới.
- Chỉ ở lại đêm?
- Dạ, nhưng chỉ mấy hồi con về nội hay ở bên cô Sáu. Nghe lối xóm nói lại.
- ...
- Mẹ. Chắc ba thương thiệt... Hồi giờ cũng chỉ có mình cô đó.
Lần đầu, kể từ khi Tú Ân qua, tôi rời nhà vào ban đêm. Tôi đi những bước vô hồn vô gara, ngồi vô hồn trước vôlăng và lái xe vô hồn qua rất nhiều con đường, nơi chốn... Có con phố nào dẫn tôi về? Có cái hẽm nào cho tôi dừng? Có nơi nào có thể bắt tôi đứng lại và còn có chỗ nào cho tôi được chui vô ẩn núp – ẩn núp một đời –? Đêm đó, Tú Ân vẫn đợi tôi về, dù rất khuya. Đứa con gái mười sáu tuổi của tôi mới tuyệt vời biết bao và cuộc đời cũng vậy: rất tuyệt vời. Khi còn có một người đợi mình về, rót cho mình ly rượu, thăm nom mình bằng những ánh nhìn ân cần và sớt chia với mình những nỗi niềm trong sự trầm im. Cuộc đời đâu có nhỏ nhen. Khi ban tặng cho tôi Tú Ân, để tôi biết dừng lại trước khi phá phách. Đứng khựng trước hồi muốn cuồng điên và kịp dằn lòng trước lúc nổi loạn. Con gái tôi ngoan như thế, học giỏi như thế, thông cảm và thương lo cho ba mẹ như thế sao tôi có thể ném hắt đi tất cả và đập vỡ tan đi hết thảy. Đêm đó, có mỗi một ly rượu Tú Ân rót cho mà sao tôi uống mãi không hết. Đêm đó, sau khi đã bắt con gái đi ngủ tôi ngồi hoài. Bất động nhưng đã thôi vô hồn, để thấm thía quá một câu thơ. Là câu thơ của ai, tôi không còn nhớ nổi: "Rưng rưng một cốc rượu cầm tay".
Tôi ngồi với Nhã suốt buổi sáng ở quán. Có sông trong từng nhắc, kể của hai đứa và có biển ở ngay trước mặt. Nhã là bạn. Bạn hồi ở trại cưỡng bức lao động và bạn hồi ở nông trường. Nó giờ giàu sụ nhưng buồn bã nhiều. Tôi giờ tiền nhiều nhưng mệt mỏi quá. Rất khác với thời mắm muối rau dền, rau lang, rau tập tàng... nhưng hăm hở sống và lòng lúc nào cũng căng chật những yêu thương. Sự yên lành thì thôi dư giủ. Đừng có chuyện nông trường giải thể, chắc gì vợ chồng tôi đã ẳm con về lại phố xá, lơ ngơ đương đầu với muôn vàn túng quẫn để rồi quá bức bách, tôi đành nghe lời bà ngoại Tú Ân, bỏ chồng con ở lại cùng gia đình qua Mỹ theo diện con lai. Và Nhã? Sức mấy mà nó chịu bỏ một nơi sống khỏe như vậy để ra đi. Không phải nó luôn nói là có thể ở đó đến suốt đời hay sao chứ! Nhã yêu sông đến lạ lùng và tôi chưa hề biết có một người nào đắm đuối với sông đến làm vậy. Hồi ở trên đó, rảnh là nó ra sông. Sông Côn khi chảy qua nông trường thuốc lá của chúng tôi đã bớt đi cái dữ dằn nhưng không có nghĩa là bao giờ cũng êm xuôi. Nhã người bắc và nó hay dùng chữ "cáu" để ám chỉ những lúc sông như thế: sông không được hiền. Tôi cũng chưa từng thấy một ai nói vậy. Cái con này nó có nhiều cái kỳ cục lắm kìa! Vừa rồi nó cũng nói thế, với biển: "Mày có thấy không Vi? Biển cứ như đang... cáu" khi hai đứa mãi miết ngắm từng đợt sóng cuộn trào mạnh mẽ. Đập ầm ầm lên bờ bãi, khiến nước bật tung lên và bắn ra khắp phía. Nhã nói đó là những cái hoa nước. Chỉ nở bừng ra có một rất... chút và vỡ nát ngay, lúc chạm vào cát. Khi Nhã nói câu ấy, tôi hiểu nó đã có rất nhiều lần ngồi một mình trước biển và ngắm nhìn sóng vào những mùa không yên. Hôn nhân đã không còn và Nhã đang có những khoảng thời gian thật lắng cho riêng mình. Nhã đã chia tay thật sự với bố của các con nó. Người đàn ông đó nhờ trăng hoa mà nổi tiếng và nổi tiếng... lâu đến như vậy, Nhã ly dị cũng là phải. Tôi hỏi: "Mày có... cáu lắm không?". Nhã chu mũi, cười hiền: "Hồi bỏ nhau chính thức thì không nhưng trước đó những lần vơ vội áo sống, ra đi ngăn ngắn ngày thì có cáu đấy. Có khi cáu đến cực điểm ấy chứ". "Thế bây giờ. Sau mấy năm...?". "Lại thấy mọi chuyện rồi là cuộc đời. Tất tần tật nhẹ... hều". Giọng Nhã bình thản đến lạ lùng và hai từ nhẹ hều thốt ra khỏi miệng nó, bỗng làm tôi muốn khóc... Phải như tôi tìm gặp được cái sự nhẹ hều ấy cho riêng mình?
Đang không tôi nghĩ đến Hoan và tình cảnh của mình cùng rất nhiều kỷ niệm vợ chồng. Tôi đang như thế nào đây chứ! Khi ngồi ngay đây lại đau đáu nhớ về một tổ ấm, một mái nhà. Một nơi cách cái quán này vừa vặn năm phút đi xe gắn máy với tốc độ ba mươi cây số một giờ. Một nơi, hồi tôi đi, chung quanh nhà còn là sình bãi trống trơn và giờ về thay vào là rất nhiều quán nhậu ồn ào. Một nơi đẫm gắt không khí của gia đình và đặc sệch đời sống của lứa đôi mà tôi đã không thể đem theo, đành bỏ lại. Ở đó là nơi ghi dấu cuộc sống chung của tôi và Hoan với ngổn ngang, bề bộn, chất chồng những âm điệu, màu sắc, ảnh hình... trong muôn vàn khuôn mặt của hôn nhân. Đó dỡn đùa rồi gây cãi. Đó cười nói hả hê rồi bực bọc than van... Tiền bạc thiếu quanh năm nhưng nắng, mưa lại chan hòa suốt bốn mùa đi, ở. Là chỗ nào vậy kìa nếu không là nơi ấy. Nơi, nắng theo lổ thủng của tôn lọt vô nhà làm thành những đường xiên xiên. Thấy cũng hay hay và mưa không đời nào chịu báo trước, khiến nửa đêm mái dột, đầm ướt hết cả chỗ nằm. Hai đứa vẫn bất cần. Mãi mê và bỏng rẫy yêu đương. Sao mà tôi thương quá cái sự bất cần hồi đó. Và thèm thuồng nữa. Và khát khao... Cuộc sống một mình nhiều năm, tôi trông mình có thể quên phắt đi cho tâm rảnh và cái đầu thôi khỏi nhức căng. Nhã nói: "Ông Hoan lành tính và tụi mày vẫn còn thu xếp được. Dẫu gì cũng phải còn có một chỗ. Một chỗ để mà về, Vi ạ!". Và tôi khóc. Khóc như một đứa trẻ lên năm khi biết mình vừa bị lấy cắp đi một món đồ chơi đẹp nhất. Và khóc. Khóc như một phụ nữ năm mươi, vừa kịp nhận ra mình đã không còn đủ sức, để giành lại những gì là linh thiêng và qúy giá nhất trong đời.
Nguyễn Mỹ Nữ