Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200

Tháng trước, các anh chị cựu “thanh niên xung phong 10-1975 Tây nguyên” gặp mặt thường niên ở Qui Nhơn. Chúng tôi được sống cùng họ mấy ngày.

Tranh: Đức Trí

Đây là dịp đông đủ mọi người nhất và các anh chị tiếc rẻ lắm, thời gian được cận kề nhau. Khi ăn lúc ngủ hồi bỡn cợt lúc trầm tư... Thôi thì mắng mỏ, thôi thì quấn quýt, thôi thì sừng sộ, thôi thì ân cần... Và kể và hát, rất mực là ham hố nhé! Mỗi đoàn đều có một, hai tiết mục văn nghệ trình diễn. Và nhìn cái cách họ hát họ múa, thương lắm! Màn đồng ca chừng bảy người đã có đến ba người phải lặc lè, bước từng bậc lên sân khấu.

Đi đứng chậm lụt thế mà hát mới bốc lửa, mới đắm đuối chứ! Những ca khúc viết về đồng đội, tình yêu đôi lứa... Những bài hát ca ngợi thiên nhiên, mùa màng... sao mà mênh mang, thơ và đẹp. Người trình diễn thể hiện hết lòng và người thưởng thức cũng hết lòng hưởng ứng. Tất cả đều đáng yêu sao! Các anh chị đã tạo được một không khí đầy nhiệt tình mê say mà đồng cảm, ấm áp lạ lùng.

Tôi ngồi dưới ngóng cổ và hát theo họ, hết bài này đến bài khác. Đang khí thế dạt dào bỗng dưng buồn khan khi ba chị cựu thanh niên xung phong đoàn Đà Nẵng hát Nhạc rừng.

Hẳn đó là một rừng như chúng ta đã từng biết. Và tất nhiên không phải là một rừng của bây giờ. Bởi đó là “...rừng hát gió lay trên cành biếc. Lao xao! Rì rào! Dòng suối uốn quanh làn nước trôi trong xanh... Cây rừng dội tiếng theo lời ca mênh mang... “ đã khiến cho nhạc sĩ Hoàng Việt ngất ngây và viết được những giai điệu đẹp đến thế, những ca từ xao lòng đến thế! Lại rừng và những câu chuyện mà các anh chị đã kể đã nhắc suốt tối đó! Có vẻ rừng, có vẻ Tây nguyên vẫn không thôi ám ảnh họ, đau đáu trong họ bao điều.

Ngày lên đường các anh chị mới trên dưới đôi mươi và Tây nguyên là nơi họ đóng quân suốt những năm tháng đó. Một vùng đất mới, mở khơi, bao hấp lực và thúc đẩy những khát vọng. Và rừng của một khoảng ngày trai trẻ mới tuyệt vời biết bao. Họ bảo thật may đã được đến và ở lại đó vào những tháng năm rừng hãy còn nguyên vẹn là rừng. Rừng ngày còn cây còn suối còn sông còn màu xanh nên còn cả những mầu nhiệm cổ tích.

Nghe những cựu “thanh niên xung phong  10-1975 Tây nguyên” kể về những ngày tháng đó, về rừng, vui ít buồn nhiều. Câu chuyện không còn dừng lại ở những dòng hồi tưởng mà chất chứa bao thắc thỏm âu lo. Rừng hiền hòa và rừng hung hiểm? Rừng thân thiết và rừng lạ xa? Rừng nào của năm tháng đã qua và rừng nào của bây giờ, rừng của những ngày tới? Rừng nào của cám dỗ rừng nào của khiếp kinh?... Những câu hỏi được đặt ra cho những người đã trên dưới tuổi sáu mươi. Đã cảm rất rõ sự bất lực của mình với quá nhiều thứ trong đời.

Và rừng? Cả một quãng đời khó quên đã sống cùng đồng đội, ở đó. Đã tin và đã yêu ngất ngưởng. Đã không chút dối trá khi sống và hi vọng và khát vọng tràn vỡ trái tim thanh tân. Cứ như rừng đã dạy họ phải thế! Rừng là thế! Rừng là chốn về. Rừng để chở che cả thân xác cả tâm hồn. Rừng để bám níu, cậy trông... Rừng để cười rền vang khi vui và khóc thỏa thuê khi sầu muộn... Rừng cất hộ kỷ niệm mỗi người. Rừng lưu giữ cho tất cả bọn họ về một quãng đời ý nghĩa nhất.

Lan man mãi những câu chuyện rồi hát. Bọn tôi không hay rằng đã quá nửa đêm. Trong yên tĩnh, tiếng ghita nghe khắc khoải hơn và da diết hơn. Một ai đó nhắc đến tiếng đàn non yếu mà tràn đầy cảm xúc của một đồng đội đã nằm xuống. Rừng, tiếng ghita và những đốm lửa hằng đêm được nhóm lên từ đó! Cũng từ đó những chàng trai, cô gái về xuôi, xuống núi, ra phố. Những bắt đầu cho cuộc đời thường dân với biết bao bài học gom nhặt được từ rừng. Những giá trị của cuộc sống tìm thấy nơi rừng đã luôn được nuôi giữ, theo cách của mỗi người. Dẫu, có thoảng chốc vênh, có đôi khi hụt.

Rất khuya, mọi người vẫn còn nấn níu và rồi một ca khúc được cất lên, thao thiết: “...Rừng đã cháy và rừng đã héo... Rừng đã khô và rừng đã tàn...”. Là bài Em hãy ngủ đi của Trịnh Công Sơn, không phải là một ca khúc phổ biến như: Diễm xưa, Hạ trắng...

Một bài hát không được nhiều người biết nhưng rừng, ở đó, sao rất quen...

Nguyễn Mỹ Nữ

Thêm bình luận