"Tên mày khó đọc quá. Tao đổi tên Mỹ cho mày  được chứ. Này nhé, tên Việt mày là Nhuệ (chữ N-h-u-ệ làm tao trẹo quai hàm), Tao giữ chữ  N - cho mày để không khác khi ký tắt - Tên mày là Nicole nhé. Được chứ?" Tôi nghe  Dave nói nhưng trong đầu chẳng có một ý nghĩ nào rồi bỗng buộc miệng nói O.K với nó. Vậy là tôi trở thành Nicole Nguyễn rồi sau đó lấy họ của Dave thành Nicole N. Hoffman. Cho đến bây giờ sau một năm, lắm lúc tôi vẫn lạ với cái tên của mình. Tôi chợt cười khi nghĩ rằng nó cũng sẽ mất đi sau khi ly dị Dave, giống như đóng mở một dấu ngoặc trong cuộc đời của mình.

Tôi lấy Dave sau hai lần gặp mặt. Lần thứ nhất tại văn phòng giới thiệu hôn nhân đã làm mối cho chúng tôi. Tôi đến sớm năm phút, không ngờ nó lại đến trước , ngồi thu lu ở sa lông. Cô thư ký vồn vã giới thiệu chúng tôi với nhau, rồi trở lại bàn làm việc mở sách ra đọc. Hắn cao hơn tôi một cái đầu, to lớn dềnh dàng, tóc vàng hoe để dài đến vai và cột túm lại đàng sau bằng một sợi dây thun. Hắn khá đẹp trai, khuôn mặt vuông, chiếc mũi cao, thẳng, nhất là đôi mắt xanh biêng biếc khiến tôi thấy dìu dịu trong lòng khi muốn đọc những ý nghĩ  trong đôi mắt ấy.Hắn cạo râu rất kỹ lưỡng nhưng những dấu chân râu xanh đen làm tôi liên tưởng đến một bộ râu quai nón rậm rạp lì lợm. Chiếc áo thun xám bỏ trong quần jean bạc thếch, trông hắn có vẻ bụi bụi hay hay.  Dave mời tôi đi ăn trong một tiệm Mỹ, không khí lãng mạn hơi huyền hoặc với những ngọn nến trên bàn. Tôi cố tóm gọn hết lai lịch và những mong muốn của mình bằng mớ tiếng Anh ba trợn của tôi. "Tao là họa sĩ, qua đây theo diện trao đổi văn hóa của hai nước Việt Mỹ, đến hôm nay là bốn tháng chín ngày như vậy chỉ còn một tháng hai mươi mốt ngày nữa là bắt buộc tao phải về nước. Nhưng những việc như vậy không phải là của tao. Tao lo lót, chạy chọt tiền bạc với mục đích được đi Mỹ và kiếm cách ở lại, dù chưa biết cách gì, nhưng bằng mọi giá tao phải bỏ cái xứ khốn nạn của tao... Gia đình hã? Tao có chồng và ly dị đã năm năm rồi. Hai thằng con tao đứa lên mười hai, đứa lên mười đang ở với mẹ và em gái tao. Tao nhớ chúng nó chư, nhớ đến thắt ruột nhưng tao phải cố chịu đựng vì nghĩ một ngày nào tao sẽ mang chúng qua được.. Nhưng thôi, để tao nói tiếp chuyện của tao. Tao nghĩ bọn Mỹ tụi mày thành thật và thẳng thắn nên tao không ngần ngại nói với mày là tao cần lấy chồng Mỹ, đó là cách duy nhất để được ở lại đây. Hôm nay, lần  đầu tiên gặp mày và tao đã nói những gì cần thiết , vậy nếu mày nghĩ rằng có thể được thì chúng ta cứ việc ... tiếp tục và nếu không thì..."

Trước khi đến gặp Dave, mặc dù tôi cố suy nghĩ nhưng vẫn chưa biết bằng cách nào để nói những điều mình cần. Tôi cảm thấy thật khó khăn nhưng không ngờ lúc này tôi đã nói ra trơn tuột. Đồng thời tôi cũng nghe thoáng trong giọng nói của tôi có chút oán hờn nào đó. Tôi thấy xấu hổ, hi vọng nó không nhận thấy.

Dave nhìn tôi một lúc xong, nói cất giọng chậm rãi:

- Thấy mày đẹp tao thích lắm, càng thích hơn là cách nói của mày. Tao rất sẵn sàng cưới mày. Như mày đã biết  tao ly dị vợ đã bảy năm rồi, bà ta, ban đầu là một người vợ tốt, nhưng đến khi tao bị mất việc thì trong vòng một tháng sau bã chìa ra tờ giấy ly dị, tao năn nỉ ỉ ôi nhưng cuối cùng rồi cũng phải ký. Tìm ra việc làm lúc ấy qua khó khăn, tao nổi sùng học qua quít một khóa thọc ống cống, may mắn sao thiên hạ gọi nhiều, tao vừa làm thợ vừa làm chủ vừa làm mẹ săn sóc con Michelle lúc đó mới lên mười cho đến bây giờ. Tao có một thằng bạn  lấy vợ người Á đông, bà ta rất tốt, nó thất nghiệp dài dài nhưng bà ta vẫn tử tế vẫn hạnh phúc với nó. Tao mong mày giống như bà ta vậy. Nhưng thôi mày kể nốt việc của mày đi.

Khi tiễn tôi ở phi trường, mẹ tôi sau khi liếc ngang liếc dọc , rồi kề sát tôi nói nhỏ: " Con coi ...nếu không chắc... thì phải về cho đúng thời hạn nhé, mẹ sợ lắm..." Đôi mắt bà buồn vời vợi sũng ướt. Tôi ôm lấy mẹ, thấy thương bà quá đỗi. Tôi hôn lên vần trán bao dung ấy, lần đầu tiên từ khi  lớn lên tôi hôn mẹ tôi và cũng có thể là lần chót. Tôi dặn dò đứa em gái lần cuối xong quay sang hai thằng con, ôm lấy chúng vào lòng. Tôi cố kềm nước mắt để cho nó chảy ngược vào trong lòng, hôn lên tóc chúng. Tôi vẫn dấu hai con tôi việc toan tính ở luôn đất Mỹ.Thằng lớn bảo tôi giọng nặng trĩu: " Mẹ ráng giữ gìn sức khỏe nghe mẹ, chúng con chờ mẹ" Thằng nhỏ thì nước mắt lưng tròng kêu : " Mẹ ơi  mẹ mau về, mua xe đạp cho con, con nhớ mẹ" Tôi xô nhẹ chúng ra vội vã quay mặt, kéo nhanh vali qua cổng bước thẳng vô phòng chờ. Tôi tìm phòng vệ sinh, không kịp cài chốt, úp mặt vào tường khóc nức nở.

Suốt mười mấy tiếng đồng hồ trên máy bay, đầu óc tôi cứ như bị búa bổ bỡi quá nhiều câu hỏi mà không có câu giải đáp thõa đáng. Nếu việc ở lại không thành thì bao nhiêu vống liếng gồm góp lâu nay của chị em tôi tiêu tan theo mây khói, chưa kể đến nợ nần. Khi chia tay Sĩ, hầu như tôi trắng tay. Từ khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận cho Việt nam, việc nặn, đúc tượng làm cho chúng tôi khấm khá hẳn lên, tôi bỏ hẳn nghề vẽ, chỉ suốt ngày chăm lo đến những cái hồn trong những bức tượng lớn nhỏ, cái công việc vừa hái ra tiền vừa rất nghệ thuật.Tất cả mọi điều hành cũng như tài chánh đều do một tay Sĩ nắm giữ. Lợi dụng sự tin cẩn của tôi, Sĩ lén lút tiêu phá, bài bạc, bao gái đến vỡ nợ mà tôi vẫn không hay biết. Khi những lời ra tiếng vào đến tai, tôi mới đặt vấn đề với anh ta thì cũng là lúc các chủ nợ đưa anh ta ra tòa, tài sản tịch biên, Sĩ về với cô bồ nhí. Tôi  giận anh ta ít  nhưng khinh thì nhiều. Tôi mang con về ở với mẹ và đứa em gái út, làm lại từ đầu, nhưng cơ hội không đến với mình lần thứ hai. Tôi dè sẻng tiêu pha với nghề vẽ chân dung cho một lớp người học làm sang mới, hi vọng để dành tiền để mua dụng cụ mà trở lại với việc đúc tượng. Khi chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước ra đời, số văn,thi, họa sĩ  hạng  cán gộc  thi nhau qua Mỹ. Tôi rất sẵn lòng đem hết số tiền dành dụm để lo lót, chạy chọt cho mình giấy tờ đi "trao đổi văn hóa" trong vòng sáu tháng. Tìm mọi cách để ở lại, như vậy vẫn còn rẻ so với năm lần vượt biên lúc trước. Tôi thầm nhủ và quyết tâm đoạt được. Bây giờ có tiền là có thể mua tất cả nên giấy tờ xuất cảnh đến với tôi khá dễ dàng. Cầm cái Passport trong tay, tôi mừng run lên với ý nghĩ mình sắp thoát được cái xã hội dơ dáy này rồi.

Khi máy bay đáp xuống phi trường Los Angeles, mặc dù tôi có đọc nhiều sách báo nói về nơi này nhưng giờ đây sự vĩ đại của phi trường, quang cảnh tấp nập dù đã mười giờ đêm làm tôi choáng ngợp. Tất cả đều ở ngoài sự hiểu biết  quá xa khiến tôi ngẩn ngơ lúng túng . Mọi sắc dân trên thế giới đi, về nơi đây đều có vẻ bận rộn, vội vàng,  đi đứng thật nhanh nhẹn nhưng rất trật tự và yên lặng. Việc gọi phone cũng làm tôi lúng túng, cho đến khi tìm được một người Việt nam chỉ giúp, tôi mới gọi được người anh họ xa. " Cô Nhuệ hã? Đến tự lúc nào? Ua sao lại đang ở phi trường Los? À, đổi ý không bay tiếp qua New York hã, Ờ...ờ cô chờ chừng hơn một giờ nữa tôi đến đón nhé..." Gần ba tiếng đồng hồ sau  anh Tiến mới có mặt: "Chắc cô sốt ruột lắm phải không. Tôi cũng thế, mới qua vài năm,xe cộ cà tàng, đường đi nước bước chưa thông thạo, nên cô phải chờ lâu. Thôi mình về, bà nhà tôi nấu nướng gì đó chờ cô."    

Tôi hơi khựng lại khi bước chân lên dãy hành lang ọp ẹp, đầy rác rến của khu Apparment  tăm tối với những bóng đèn mù mờ vàng chạch. Chị Tiến đon đả mời chào: " Cô ăn cơm đi , tôi biết cô đang thèm cơm , giống như hồi tôi vừa đến. Oi chao trên máy bay họ cho ăn cái chi đâu không, đói thì phải ăn, mà ăn vào thì cái bụng cứ lơ lơ lửng lửng." Tôi cố gắng nuốt miếng thịt bò xát xạt, vô vị cuối cùng của bữa ăn rồi nói với anh chị Tiến: "Em không đi tiếp qua New York vì em không cần dự triển lãm vả lại bên đó em chẳng quen biết ai. Em về đây để nhờ anh chị cho tá túc một thời gian ngắn và nói thật với anh chị, em quyết định tìm mọi cách để ở lại. Anh Tiến có thể giúp em chuyện này không?". Anh chị Tiến đều rất vui khi nghe quyết định của tôi, hứa sẽ cố gắng giúp. Anh chị Tiến  và cô con gái mười sáu tuổi ở trong căn apparment một phòng , bình thường thì anh ngủ ở phòng khách , hai mẹ con chị Tiến chung một giường trong phòng, có tôi anh phải nhường chỗ, vào phòng ngủ dưới sàn nhà. Anh chị Tiến qua Mỹ theo diện H.O. tuổi lớn, Anh văn kém, xin việc hãng xưởng không được, phải vào các shop may cắt chỉ. Được cái,  ông bà còn hưởng được trợ cấp welfare nhờ đứa con gái chưa tới mười tám tuổi nên không đến nỗi nào. Qua ngày thứ ba tôi theo anh chị Tiến vào shop may cắt chỉ, công việc nhẹ nhàng, chỉ cầm mũi kéo cắt những sợi chỉ thừa ở đầu những mối may. Khi ra về, sau hơn mười tiếng đồng hồ làm việc tôi nhẩm tính số tiền mình kiếm được chỉ khoảng hơn mười ba đồng khiến tôi hụt hẫng. Chị Tiến bảo chỉ khoảng từng ấy thôi, hôm nào hên lắm cũng chỉ vài ba chục là nhiều nhưng chịu khó thì tháng cũng kiếm bốn năm trăm, xoay sở được. Share phòng hai trăm, ăn uống tiêu lặt vặt một trăm, vậy là cũng có chỗ để dành. Anh Tiến cất công đi thăm dò cho tôi nhưng rồi chẳng được việc gì. Các văn phòng luật sư , các hội đoàn đều thấy rằng nếu tôi muốn ở lại bằng cách xin tỵ nạn chính trị khó lòng được Sở Di Trú chấp thuận, chừng ấy thì muốn ở chui cũng không thể được. Cách hay nhất là kiếm một người có quốc tịch Mỹ để kết hôn.

Tôi không muốn quấy rầy vợ chồng anh Tiến nhiều nữa nên khi đọc báo thấy cần người giữ hai đứa trẻ lương tháng được một ngàn bao ăn ở là tôi liên lạc ngay và nhận được việc làm. Tôi từ giã anh chị Tiến sau một tuần nhờ vã, ra đi trong tâm sự: "Cũng liều nhắm mắt đưa chân". Ừ, thì mình đi làm con ở cũng chẳng sao. Hy ơi, Ty ơi các con có hiểu cho mẹ không. Mẹ sẵn sàng làm tất cả cho tương lai của các con.

Ong bà chủ còn khá trẻ chỉ trạc ba mươi, họ làm chủ hai ba tiệm Nail và căn nhà năm phòng ngủ thênh thang rộng. Công việc của tôi là ngoài việc chăm sóc hai đứa bé lên ba và lên một còn phải lo lau dọn nhà cửa, nấu ăn bữa chiều cho cả gia đình. Tôi làm việc không hở tay từ sáng sớm cho đến mười giờ tối. Cô chủ chỉ lịch sự với tôi được vài ba bữa đầu, sau đó những lời nói của cô ta trở thành những mệnh lệnh. Và những mắng nhiếc bắt đầu lai rai xuất hiện. Những khi tôi nấu ăn không vừa ý cô ta lập tức buông đũa, giục chồng đi ăn tiệm hoặc order Pizza và rồi buông ra những câu cay nghiệt "chị nấu ăn như vậy thảo nào..." "người làm sao thì nấu ăn làm vậy" Tôi lặng lẽ dọn dẹp không nói tiếng nào, nhưng chắc chắn cô ta phải bắt gặp ánh mắt coi thường của tôi. Một hôm cô ta mua một cái áo dạ hội về đứng trước gương săm soi ngắm nghía rồi gọi chồng để khoe, anh ta đang bận gì đó nên cô la hét giận giữ:

- Chị đi kiếm ảnh cho tôi, làm cái gì mà chết đâu mất biệt.

Tôi tò mò nhìn, tức thì bao nhiêu thịnh nộ trút hết lên đầu tôi, cô ta gân cổ:

-  Chị nhìn cái gì? Muốn cái áo này hã? Còn lâu, biết cái áo bao nhiêu tiền không, một tháng lương của chị chưa đủ đâu. Nghèo mà không biết phận còn đèo bồng!.

Tôi nhìn thẳng vào mặt cô ta, nói từng tiếng một:

- Cô không được hỗn. Tôi nghèo mới đi ở đợ cho cô. Cô có quyềnsai khiến nhưng không được quyền sỉ vã tôi đâu nhé. Tôi biết tự trọng.

Tôi bỏ vô phòng nằm, đăm đăm nhìn lên trần nhà, giòng nước mắt nóng hổi chảy dài xuống tai. Tôi lấy hình hai thằng con áp vào ngực, lẩm bẩm: " Mẹ hết sức vì các con, nhưng mẹ không thể hèn". Tôi về nhà anh chị Tiến ở tạm vài hôm, đọc báo tìm một chỗ giữ trẻ khác. Bà chủ mới rất tốt, hiểu được hoàn cảnh tôi, tìm người mai mối nhưng việc chẳng vào đâu, có người còn đòi đến hai chục ngàn đô la. Rốt cuộc bà giúp tôi đăng lên báo Mỹ tìm người kết hôn. Tôi chọn Dave vì lí do đơn giản là hắn là người thư cho tôi trước nhất. Nên khi gặp mặt lần đầu thấy bộ dạng hắn rất được khiến tôi mừng thầm trong bụng.

Lần thứ hai, Dave dẫn con gái đến đưa tôi đi ăn. Michelle đẹp rạng rỡ  với mái tóc blonde, đôi mắt giống cha, xanh như ngọc thạch. Khi đưa tấm hình tôi vẽ chân dung hai cha con tại ngay bàn ăn, Michelle kêu phá lên: "Oi, tuyệt diệu làm sao, bà ta là một nghệ sỹ tuyệt vời, Dady ơi cưới bà ta ngay đi" Dave nhìn tôi  ánh mắt ngời lên sung sướng: "Ồ, ba rất muốn như vậy".

Một tuần sau chúng tôi đi làm giấy hôn thú. Dave có hỏi tôi muốn làm tiệc không, tôi nói không cần và dọn về ở với hắn hôm ấy. Tôi thất vọng ngay khi bước chân vào nhà. Từ garage đến phòng khách, phòng ăn đồ đạc để tứ tung bừa bãi, rác rưới đầy nhà, rõ ràng là hai cha con hắn thi nhau mà xả rác và không hề dọn dẹp. Vào đến phòng ngủ thì tôi phát ngợp vì mùi hôi của đống quần áo dơ để sát cạnh giường, chăn gối  nhăn nhúm xộc xệch. Có tiếng chuông điện thoại, Dave nói gì đó rồi quay sang hỏi tôi có bằng lòng để nó đi sửa ống nước bị nghẹt của một nhà nào đó không. Tôi bảo: " Tại sao không", thấy hắn chần chừ, tôi giục: " Người ta đang rất cần, mình lại được tiền tao  nghĩ mày nên đi ngay". Dave hôn tôi rồi ra đi. Michelle cũng đã đi chơi với bạn. Còn mình tôi ở nhà, lo sắp xếp lại phòng ngủ, chùi rửa phòng vệ sinh hôi hám , vàng khè, mang đống quần áo hôi rình kia đem ra máy giặt. Xong công việc thì tôi cũng mệt  nhoài vội tắm rửa rồi lên giường nằm nghỉ. Tôi choàng tỉnh dậy vì những cái hôn tới tấp của Dave  lên khắp người. Những sợi râu cứng làm tôi cảm thấy nhói, khó chịu nên co rúm, kéo hai tà áo ngủ đã bị hắn cởi hết hàng nút, phủ lấy người. Hơi thở hắn nóng hừng hực,  đôi môi tham lam cứ tìm lấy môi tôi. Mái tóc dài của hắn mở tung ra phủ hết cả mặt tôi. Tôi ngợp thở đẩy mạnh hắn ra nói: "Mày làm tao sợ" Nhưng Dave không còn nghe thấy gì hết ngoài sự ham muốn quyết liệt. Tôi cũng không còn muốn tránh né nữa, chỉ cố ngoi mặt mình thoát khỏi cái đám tóc bù xù của hắn rồi nằm yên  nhắm mắt, mặc cho hắn dày vò. Tôi trôi trong cảm giác lềnh bềnh hư ảo, những tảng màu nóng, những hình vẽ dị dạng túm chụp lấy tôi. Tôi thấy mặt của Dave bổng dài ra như mặt con ngựa trong tranh Picaso, con ngựa đang lồng lên hí những tiếng dài dục vọng. Tôi không tìm thấy trong đôi mắt xanh biêng biếc ấy những điều mà tôi đã từng hi vọng.

Công việc của Dave không có giờ giấc nhất định, khi thì từ sàng sớm đến tối khuya mới về, khi thì nằm nhà cả ngày. Michelle thì ngoài bữa ăn tối thì vắng mặt thường xuyên, nó đi học hay đi chơi Dave cũng không kiểm soát nổi. Lợi dụng lúc Dave không có mặt ở nhà, Michelle dẫn bạn trai về, đi thẳng vào phòng đóng cửa suốt buổi. Suốt ngày tôi lo lục đục sắp xếp nhà cửa rồi lo dần đến bên ngoài. Sân trước vườn sau cỏ mọc tứ bề, rác rưởi dẫy đầy. Tôi làm lại từ đầu, gieo hạt cỏ, cuốc đất trồng hoa. Tường nhà mục nát lở lói, tôi bảo hắn mua vật liệu rồi tự tay trám lại, sơn phết tử tế. Căn nhà trông đẹp hẳn ra, Dave và Michelle khen rối rít.  Hai cha con hắn đều rất khó tính trong việc ăn, hắn chỉ tôi làm một số món hắn thích. Mỗi lần tôi nấu nướng không hợp khẩu vị là Michelle cong cớn đôi môi kêu lên: "Same shit" còn Dave thì lầm lì đem bát thức ăn thảy mạnh vào chậu. Tôi kêu trời mà nhớ đến những ngày đi ở đợ. Không lẽ xứ Mỹ toàn rặc một lũ người như thế này sao? Hay tôi chính là hiện thân của sự bị chà đạp, bị rẻ rúng nên đi đâu, ở đâu cũng  gặp toàn bất hạnh khổ đau? Tôi chỉ còn có một việc làm để xoa dịu những xót xa, để thấy mình là thật sự cần thiết cho người khác là gọi điện thoại về nhà, nghe mẹ và em tôi lo lắng, hai con tôi tíu tít trong phone. Cho nên tôi gọi về nhà rất nhiều lần, hôm hóa đơn điện thoại về, Dave la toáng lên: " Ma quỷ ơi, Nicole, mày ra đây coi cái bill nè. Mày gọi về Việt nam làm cái quái gì mà tiền phone lên đến trên bốn trăm đồng " tôi hoảng kinh lên. Vẫn cái giọng đầy hậm hực của Dave: " Mày phải trả tiền mày gọi chứ tao không thể nào trả nổi" . Tiền mấy tháng làm việc tôi gửi hết về nhà, chỉ còn dằn túi một ít nay vừa đủ để trả cho hắn.

Tôi nói với Dave muốn tìm việc làm, nó ngăn không cho, bảo ở nhà làm việc nhà và lo cho hai cha con nó là đủ rồi. Muốn gọi phone về Việt nam thì nó cho nhưng phải ba tháng một lần. Tôi nằn nì thuyết phục nó, nếu kiếm được tiền sẽ phụ vào tiền nhà tiền ăn,  Dave có phần do dự, thêm Michlle, có lẽ thấy tôi ở nhà thường xuyên làm mất tự do của nó nên nói vào. Dave đồng ý và hỏi tôi định đi làm gì. Tôi chưa biết trả lời sao thì Michelle mách nước: " Tao đi chơi ở Newport Beach thấy bọn họa sĩ vẽ chân dung  dạo rất đắt khách, mày  vẽ rất khá, nên ra đấy mà kiếm khách". Tôi như mở cờ trong bụng hỏi nó đường xe bus đi đến đó và hứa với Dave sẽ về sớm mọi ngày để lo bữa ăn tối cho cả nhà.

Tôi mượn tiền Dave mua dụng cụ rồi nôn nao vác giá vẽ ra biển,hôm đầu chỉ có một khách hàng nhưng tôi không cảm thấy chán nãn. Biển đẹp, hiền hòa khách du lịch rất đông là những yếu tố kích thích tôi. Mùa hè tôi làm ăn  thật khấm khá nên không nghỉ nhà một bữa. Mùa đông khách thưa thớt dần, những ngày gần lễ giáng sinh, cái lạnh ở đây hỗn, không nhẹ nhàng , quý phái như ở Đà Lạt nên tôi ở hẳn nhà lo dọn dẹp. Có tiền tôi như có giá trị hơn lên trong mắt Dave, nó đối xử với tôi nhẹ nhàng hơn, Michelle cũng vậy, thỉnh thoảng còn xin tiền. Tôi nhớ ơn nó nên lúc nào cũng sẳn lòng , đôi khi hậu hĩ  hơn nó đòi hỏi. Tôi nhờ Dave bảo trợ tôi để làm giấy tồ bảo lãnh Hy và Ty. Dave vui vẻ nhận lời và bảo tôi: "Như vậy tao hi vọng mầy sẽ chưa bỏ tao khi có được thẻ xanh".

Mọi việc qua đi thật bình thường, sáng sáng tôi vác giá vẽ như vác cây thánh giá ra bờ biển, chiều về sớm quần quật lo việc nhà, thoáng cái cũng đã ngót ngét gần hai năm chung sống với Dave. Tôi yên lòng chờ ngày nhận tấm thẻ xanh và sum họp với hai con. Sau cái hôm gặp mặt lần đầu tôi tưỏng tôi có thể yêu hắn được, nhưng đến khi chung sống, càng ngày tôi càng nhận rõ ra rằng giữa tôi và  Dave chỉ là sự trao đổi hay nói toạc móng heo là một sự lợi dụng lẫn nhau. Những lần nằm ngửa, nhắm mắt, mặc kệ cho hắn hùng hục thở phò phò rồi ngã vật ra ngủ như chết và suốt ngày hầu hạ tôi mọi cho hai cha con hắn là tôi trả nợ cho hắn. Tôi nhẩm tính  từ ngày lấy hắn đến ngày có thẻ xanh rồi chờ con tôi qua ít nữa cũng ba năm, thời gian đó tính ra tiền công cũng đủ trả cho hắn tương ứng với số tiền mà người ta đã ra giá cho tôi. Nghĩ như vậy nên tôi cảm thấy yên ổn hơn, sòng phẳng hơn khi liên tưởng đến ngày chia tay với Dave. Tôi dự định vẽ một bức tranh lấy màu xanh của mắt hắn làm màu chính. Nhưng bức họa sẽ không diễn tả sự hi vọng, sự thương yêu mà tôi dùng màu xanh ấy mà dàn trải nỗi nhục nhằn,ích kỷ của một kiếp người. Sắc xanh của chàm , sắc xanh xao của lũ người bất hạnh. Nhưng bức tranh đó mãi mãi không thành hình, một hôm khi tôi đang nấu ăn, có người bấm chuông. Người cảnh sát xuất hiện mang theo cái tin khủng khiếp: Dave chết thảm trong một tai nạn xe trên freeway. Hôm thiêu xác Dave tôi khóc đến ngất người. Gục đầu lên tường đá âm u, tôi có cảm giác lửa đang cháy xèo xèo trên thân thể rã rời , cháy luôn cái thẻ xanh có hình của tôi với đôi mắt vô hồn, trắng dã.

Đặng Phú Phong