Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200
  • NhaGiuXe1200

Gần đến tuổi sáu mươi, tôi chuẩn bị về hưu. Là một thầy giáo dạy Văn, tôi chờ đợi ngày này bấy lâu nay. Bao nhiêu năm đi dạy, qua những cuộc kiểm điểm hàng năm ở Tổ chuyên môn, bao lần tôi tôi phải dối lòng nói tới lòng say mê nghề nghiệp của mình, sự cố công gắng sức để làm tốt nhiệm vụ cao quí của người giáo viên nhân dân, nhưng thực ra nỗ lực, cố gắng thì có vì nếu dạy dở, chẳng ra gì thì học sinh nó chửi, chứ sự say mê nghề nghiệp thì không hề có. Bởi vậy ba tháng trước ngày hưu nghỉ, tôi cương quyết xin nghỉ chờ hưu theo chế độ mặc dù lãnh đạo nhà trường cũng làm ra vẻ quan tâm, đến tôi, mời tôi tiếp tục dạy theo chế độ hợp đồng đến cuối năm hoặc nếu có thể thì vài năm nữa! Nhưng tôi xin kiếu, ngán đến tận cổ rồi!
        
Trước đây hàng tuần mong tới một ngày nghỉ cho thoải mái, bây giờ trước mắt có cả ba tháng nằm (hoặc ngồi, đi tuỳ thích) chơi xơi nước, hưởng nguyên lương, tội gì không hưởng? Năm bảy trăm, triệu bạc dạy thêm theo hợp đồng ăn thua gì? Chẳng thà ăn cơm nguội, nằm không đọc sách báo còn hơn! Anh em dồng nghiệp, bạn bè  khuyên tôi nên tiếp tục đi dạy, vì nghỉ hưu nằm nhà buồn lắm. Tôi thấy chả có gì buồn! Tôi đã dự tính rồi, nghỉ dạy văn, tôi sẽ đọc sách, viết văn. Viết văn có gì khó! Dạy văn lớp mười ra đề làm văn, tôi còn bắt học trò viết truyện ngắn nữa là! Có đứa viết hay lắm, chẳng biết nó có chép ở đâu không, chứ yhật tình truyện của nó không thua gì các nhà văn chuyên nghiệp. Học trò tôi bây giờ có nhiều đứa đã thành nhà văn trong các hội văn nghệ đàng hoàng, chẳng lẽ tôi không được như chúng sao? Tôi  tin mình sẽ làm được, và công khai tuyên bố với mọi người như vậy! Tôi đã nhiễu ngày nghiền ngẫm cuộc sống thực tế của mình để có nhữmg suy nghĩ như vậy, đúng sai biết thế nào đây!

Thực tế nghề nghiệp cho tôi thấy rằng dạy văn là công việc chán ngắt và khó khăn, vất vả vô cùng. Đọc bao nhiêu sách, nghiên cứu bao nhiêu tài liệu, nghiền ngẫm từng câu chữ trong các bài thơ, bài văn, suy nghĩ nát óc, tìm cách giảng dạy tốt nhất mà vẫ bị chê, bị góp ý phê bình thế này thế nọ. Thậm chí , hồi mới giải phóng, một anh giáo viên chính trị hiểu biết về văn chương chỉ bằng chiếc lá mít, cũng thể phủ đầu người dạy văn bằng những câu phê phán rợn người. Rồi mấy vị lãnh đạo trường, tổ nữa. Hiệu trưởng trường tôi cũng là dân dạy văn tất nhiên ông thường chủ trì việc dự giờ kiểm tra các môn xã hội, trong đó khổ sở nhất là các giáo viên dạy văn. Không biết trước đây ở miền Bắc ông ta dạy dỗ thế nào, bây giờ làm hiệu trưởng ông ta tha hồ khoa trương góp ý. Giáo viên Văn chỉ biết mở sổ ra ghi, chăm chú lắng nghe những lời chỉ bảo vàng ngọc, do đấng bề trên phán truyền. Càng nghe càng toát mồ hôi. Một tiết dạy giáo viên phải tìm cách truyền đạt, dẫn dắt học sinh tiếp cận kiến thức trong đúng 45 phút, nhưng khi góp ý thì ông thao thao giảng giải thường trên một tiếng đồng hồ. Hiện nay trong dạy văn, người ta đả kích lối diễn giảng đơn thuần, áp đặt kiến thức, thì ông hiệu trưởng này, coi chúng tôi như học trò, say sưa thuyết giảng những kiến thức chủ quan, đôi khi cũ rích, người ta nói đầy trong các sách nghiên cứu văn học cả rồi. Có lần nghe ông ta say sưa giảng giải  cho một giáo viên hồi lâu, tức quá tôi canh đồng hồ, lợi dụng lúc ông tạm ngừng nói xả hơi, tôi nói: “Anh nói đã trên một tiếng đồng hồ rồi! Cứ cho những điều anh nói là hay, là đúng cả đi, vấn đề là làm sao chúng tôi truyền đạt những ý hay ho ấy trong tiết dạy 45 phút, xin anh chỉ cho!” Ông ta ngớ người ra và sừng sộ với tôi. Cũng may từ đó những tiết dạy của tôi ông thường góp ý chỉ trong năm phút và sẵn sàng xếp vào loại  khá, tốt. Chả gì tôi cũng đã dạyVăn trên ba mươi năm và giáo viên trong trường này, và ngay trong tổ  này, nhiều người là học trò cũ của tôi! Còn chuyện kiểm tra hồ sơ, giáo án nữa. Những bài tôi dạy hàng chục năm, năm nào cũng chép đi chép lại giáo án, ngán thật. Rồi phải rút kinh nghiệm, bổ sung. Nhiều năm không biết rút kinh nghiệm, bổ sung cái gì, tôi đành mở sách kiếm vài lời bình giảng của vị nào đó, rồi chép vào cho có! Mệt thật, cái thời này người ta sống nhiều với cái giả, với hình thức, thì tôi cũng đành phải vậy, chứ biết sao bây giờ! Ôi, vấn đề dạy văn thì nhiều chuyệnđ  nói lắm! Đã có hàng chục cuốn sách nói tới rồi. Tôi chỉ nói cái thực tế, cái cảm giác thôi. Nhưng càng nói thì càng thấy buồn và chán ngán!

Vậy là tôi được nghỉ ba tháng chờ làm thủ tục hưu. Có quyết định của hiệu trưởng hẳn hoi. Cầm quyết định trên tay, tôi về khoe với vợ. Vợ tôi chẳng mừng chút nào. Bà ta cũng vốn là một giáo viên đã nghỉ hưu. Vợ tôi khác tôi ở chỗ bà say mê nghề giáo một cách kì lạ. Khi được nghỉ bà rất buồn, vì cứ nằm không coi TV, hay đi ra đi vô mãi cũng chán, nên sau đó phải  xin dạy hợp đồng ít giờ cho một trường bán công gần nhà. Dạy cho vui vậy thôi, chứ tiền bạc thì có bao nhiêu, vài trăm bạc có đáng gì! Bà cũng mài miệt soạn bài, nghiên cứu tài liệu, tranh với tôi ngồi máy vi tính, nhiều lúc tôi cũng phát bực. Bởi vì chính lúc này, tôi cần cái ti-vi và máy vi tính nhất. Truyền hình thì hai vợ chồng có thể coi chung, măc dù có nhiều chương trình tôi thích thì bà chẳng thích, nhưng bà sẵn sàng nhường tôi để ngồi trước vi tính. Nhưng khi tôi cần vi tính để  vào Internet đọc báo, tìm kiếm tài liệu thì bà đã ngồi đó, tôi cũng khó kiếm cách mời đi! Rồi còn việc thực hiện ý định viết văn nữa. Thường những lúc nằm đung đưa trên võng là lúc tôi suy nghĩ  vẩn vơ, lơ mơ theo đuổi một câu chuyện không đầu, không đuôi nào đó, đôi khi thấy hướng đi, cũng muốn ngồi dậy, ngồi vào bàn dàn dựng câu chuyện. Nhưng tính tôi vốn lười, cày bút bi cũng ngại, muốn viết thẳng vào máy cho đỡ tốn công. Nhưng chính lúc đó bà đang ngồi gõ lóc cóc ở máy vi tính, nên tôi đành thôi vậy, có cớ để hẹn mình bữa khác. Thời gian rảnh rỗi còn khối, vội gì! Cứ thế, hai tháng trời thoáng chốc qua đi nhanh chóng. Thoải mái thật! Sáng, sau khi xem xong các chương trình phim ưa thích, tôi lấy xe đi ăn sáng. Hai bữa cơm hằng ngày, vợ lo đầy đủ, cứ nằm dài xem phim, đọc sách, việc nhà chẳng đụng đến tay. Sau nhiều năm hùng hục làm việc, bù đầu với những trang giáo án, những đống bài phải chấm  và bao nhiêu thứ khác phải lo nữa, bây giờ được rảnh rỗi nằm ngồi giết thời gian thế này, còn gì sướng hơn. Bao lần tôi đã ngồi vào bàn đinh khởi đầu một trang viết, nhưng rồi lại thôi, hẹn lúc khác. Đến tháng thứ ba, tôi thu xếp đi chơi dài ngày một chuyến, coi như đi thực tế. Nửa tháng trời, tôi lang thang dạo khắp Sài Gòn và các tỉnh miền Nam, những nơi tôi có nhiều bạn bè và người thân đang sống, làm việc. Đến đâu tôi cũng được tiếp đón nồng hậu, có phòng riêng máy lạnh để ở, tha hồ bù khú với bè bạn, người thân. Đúng là tôi nhìn được nhiều, bao nhiêu cảnh đời trôi qua trước mắt, vui có, buồn có, phẫn nộ, ghê tởm cũng có. Vấn đề là dựng thành truyện thế nào đây. Tôi đã tự hứa với lòng mình là sẽ cố gắng viết. Mỗi ngày phải ngồi viết trước máy vi tính hai giờ. Ý tưởng chín chưa, cũng phải viết. Viết rồi bỏ cũng được. Phải tập thành thói quen làm việc, không ràng buộc giờ giấc lắm như thời dạy học, nhưng phải tự đặt mình trong một thứ kỷ luật do mình vạch ra. Trước mắt, mỗi tháng phải viết được một truyện ngắn, dở hay mặc kệ! Tôi quá hiểu thể loại này. Lý luận văn học đủ thứ thì tôi biết nhiều, vì đã từng nghiên cứu để dạy học trò. Nhưng khi bắt tay vào viết thì mới thấy khó thật. Có khi ngồi trước trang giấy cả tiếng đồng hồ mà tôi chẳng viết được gì! Cảm hứng không có, ý tưởng thì bay đâu mất. Những lúc này tôi thấy thương và phục học sinh của mình. Làm văn ở lớp chỉ có chín mươi phút, mà có đứa viết đến bảy, tám trang thì giỏi thật. Mà viết hay nữa chứ! Các thầy cô giáo dạy văn thường phê phán nặng nề học sinh về câu chữ, chứ  nếu các thầy cô viết, thì chắc gì đã hơn học sinh (tất nhiên là loại khá, giỏi)! Đó là một thực tế mà tôi công khai nói với học sinh. Đó là chuyện bình thường, có gì nghịch lí đâu! Thực tế đang bày ra trước mắt đó. Dạy Văn gần bốn mươi năm, bây giờ về hưu tôi chuẩn bị làm một nhà văn trẻ, còn học trò cũ của tôi, nhiều em đã thành nhà văn có nhãn, nổi tiếng từ lâu rồi! Nghe tôi muốn viết, chúng nó khuyến khích: Thầy cứ cố gắng  đi, có gì chúng em sẽ giúp! Chúng nói giống hệt ngày xưa tôi động viên chúng học văn vậy! Tôi nghe cũng chạnh lòng, nhưng mà im tiếng để may ra chúng giúp cho in năm, ba truyện bước đầu, chứ không khéo chỉ toi cơm. Tôi thừa biết, trong nghề văn, người biết nhau trước hết ở cái tên. Không hiếm trường hợp các văn hào trên thế giới phải uống nước lã, gặm bánh mì không suốt mươi năm trời, tác phẩm xếp xó nơi nhà xuất bản, chờ có người mắt xanh ngó tới!

Vậy là đã gần ba tháng trôi qua, tôi chẳng viết được gì! Vợ tôi châm chọc: Sao anh thai nghén mãi mà không thấy đẻ? Chả lẽ, nóng mặt, tôi quát lại như anh đồ trong câu chuyện hài ngày xưa: Trong bụng trống không thì lấy gì mà đẻ! Tôi đành nín lặng tìm cách cho ra đời một vài tác phẩm.

Tôi lại nghĩ về truyện ngắn. Thực ra ranh giới về thể loại văn chương cũng khá mong manh, và truyện ngắn – nó như một nhát cắt của đời sống, trong một khuôn khổ ngắn gọn, nhưng nói lên được một điêu gì sâu sắc. Ngày trước, gọi là truyện ngắn nhưng các cụ viết dài lắm. Những truyện ngắn hay, nổi tiếng thế giới của các cây bút đại thụ như Guy de Maupassant, Somerset Maugham, Charles Dickens, John Steinbeck... đều dài  vài chục trang, có truyện năm sáu chục trang. Truyện ngắn hiện đại có khuynh hướng ngắn đi, có khi cực ngắn. Báo chí ở ta mở những cuộc thi truyện ngắn 100 chữ, 1000 chữ … Trong văn chương Anh Mỹ, người ta thường nhắc đến một truyện ngắn của Thomas Bailey Aldrich chỉ có ba câu: “Một thiếu phụ đang ngồi trong căn nhà cũ kỹ, đóng kín, biết rằng chỉ có một mình trơ trọi trên thế giới này. Tất cả đều đã bị tiêu hủy. Chuông cửa reo.” Ba câu thôi nhưng nó mở ra một thế giới nội tâm sâu kín, mà tự mỗi người đọc phải suy nghĩ rất nhiều để khám phá! Thời gian của tháng thứ ba này còn rất ít, tôi chọn viết loại truyện ngắn cực ngắn này thử coi. Và sau đây là truyện ngắn tôi trình làng sau ba tháng vừa đi thực tế, vừa mang nặng để bây giờ đẻ đau.

Một ông giáo già về hưu hằng  ngày ngồi viết những trang văn và xong một bài ông gửi đi  các báo. Ông cần mẫn làm việc, và chờ đợi tác phẩm của mình xuất hiện trên báo chí, nhưng nhiều năm qua đi trong im lặng. Chiều hôm nay, đi dạo trên đường, tình cờ ông nhặt một trang báo cũ.  Ông lơ đãng  đọc qua và giật mình té xỉu!

Nguyễn Quang Quân
8. 3. 2009
Tặng cô giáo Ng.
       
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất