Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200

Nguồn: Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn, 2010

Từ xa xưa, trên đỉnh núi Sapa, ngừơi dân miền cao đã có một ngôi chợ tên gọi là "chợ tình", hàng năm vào một ngày nhất định, nam nữ tìm đến nhau để trao duyên, lứa đôi dang dỡ tìm lại nhau để mong uớc nối lại tơ duyên, hay chỉ để gặp nhau trong phút giây rồi chia xa mãi mãi...

Họ xa nhau, như bao đôi lứa phải xa nhau sau biến cố 75.

Tuấn biết Phương từ lúc cô bé còn cột hai chúm tóc. Dù thời đó giữa con trai, con gái là hai thế giới riêng biệt, chỉ có thể đứng trước cổng truờng của nàng nhìn tà áo dài trắng phớt qua đã là một chuyện khó khăn. Nhưng Tuấn lại là bạn của ông anh, nên tha hồ đến nhà nàng chơi và rủ anh em Phương đi hái keo. Thế giới của một thời tuổi trẻ của Tuấn tràn ngập hình ảnh, tiếng cười, giọng nói của Phương .

Phố biển ngày xưa có rất nhiều cây keo, một loại cây to cao, quanh năm thường cho những quả chín có mùi thơm rất riêng, mùi trái keo chín (mùi mà ở xứ nguời đôi khi anh vẫn nhớ quắt quay nhưng không bao giờ tìm thấy được). Anh em của Phương là dân thành phố, không rành trò leo cây nên chỉ đứng ở dưới đất, còn Tuấn, những năm tháng tuổi nhỏ sống với ngoại ở miền quê đã cho cậu bé một nước da nâu và một đôi chân thoăn thoắt. Phóc một cái Tuấn đã tót trên cành cây, lùng sục cho được những chùm keo chín đỏ ném xuống. Cô nhỏ cầm chiếc nón lá chạy loanh quanh bên duới và khi đón được chùm keo cô sung suớng la lên: Tuấn chì quá à ơi!

Hai tiếng "chì quá " đã khiến cho trái tim của Tuấn như muốn bay ra khỏi lòng ngực. Hai tiếng à ơi như mật ngọt, gió lành. Hai tiếng "chì quá" đã khiến cho suốt những năm cuối của bậc trung học, lúc nào Tuấn cũng cố giành lấy điểm đầu trong môn toán và đã khiến cho Tuấn trong chuyến vượt biên đã nhảy xuống tàu tính quay lại phố biển, nếu không bị kềm chặt bằng đôi tay của rất nhiều người.

Và anh đã xa quê hương, xa Phương mười mấy năm chưa một lần gặp lại.

Giờ đây khi mái tóc đã chớm điểm sương, anh vẫn muốn một lần nghe lại câu nói năm xưa... anh đã cay đắng, đã lãng quên, đã phóng đảng, và đã lao vào công việc như kẻ điên sau lần chia tay với người vợ đầu tiên. Tuấn không dấu mình và bạn bè rằng anh có rất nhiều người đàn bà sau đó. Những người đàn bà đến và đi, như bóng mây, nhưng hình như chưa bao giờ anh nghe trái tim của mình đập nhịp đập hổn loạn, say mê như những lúc đu đưa trên cành cây cao nhìn thấy bóng dáng Phương nhỏ nhoi bên dưới.

Họ đã lâu không liên lạc nhưng qua bạn bè anh biết Phương đang định cư ở một nơi rất lạnh và ít người Việt. Cuộc sống của cô khá lận đận, những năm gần đây cô đã phải một mình nuôi đứa con gái và người mẹ già.

Và câu chuyện về một phiên chợ tình ngày xưa đã khiến cho Tuấn nuôi ý nghĩ gây dựng Phiên Chợ Tình cho phố biển quê anh. Tuấn đã cố giành lấy dự án xây dựng ngôi chợ. Công ty của anh cũng đã có chút uy tín trong ngành, và anh đã thắng cuộc đấu thầu lần này, dù không dễ dàng gì. Giới trong ngành không hiểu vì sao công ty của anh lại muốn giành dự án chẳng có vẻ gì béo bở này.

II

...Tuấn hít một hơi thở sâu, toàn bộ dự án công trình đã được thông qua. Cái gút của vấn đề đã được anh để phút cuối cùng. Ngôi chợ ba tầng khang trang ngày thường là nơi mua bán của người dân phố biển, chỉ riêng vào một ngày tết mỗi năm, hai tầng lầu trên sẽ dành riêng cho một phiên chợ, Phiên Chợ Tình, Ngày ấy các gian hàng sẽ tràn ngập hoa, ngày ấy mọi ngóc ngách sẽ chìm trong tiếng nhạc, những mặt hàng thủ công mỹ nghệ của phố biển sẽ được khuyến khích đem về, và anh xin được là một trong những người trợ giúp tổ chức Phiên Chợ Tình đầu tiên này.

Phiên Chợ Tình sẽ không họp vào ngày mồng một, vì lúc ấy ý xuân hãy còn thiêng liêng quá, người ta chưa thể nghỉ đến chút riêng tư cho mình. Phiên chợ sẽ vào mồng hai và mồng ba, lúc đôi môi vẫn còn ấm chút hương nồng của chén rượu xuân, đủ để cho người ta muốn làm một chút gì đó, cho mình...

Tuấn nói say mê về những suy nghĩ của anh, chút am hiểu về Marketing cộng với năng khiếu của một sinh viên đã tốt nghiệp hàng đầu của khoa kiến trúc từ Berkeley, một Đai Học Kỷ Thuật nổi tiếng của Cali đã khiến cho anh có những ý tửơng rất mới và khả thi. Khi dứt lời nhìn xuống, anh bắt gặp vài nụ cuời hửơng ứng trên những gương mặt thường ngày rất đạo mạo. Tuấn thở phào nhẹ nhỏm, anh gấp bản đồ án lại...

Một năm sau ngôi chợ ba tầng khang trang đã hình thành. Vòm mái của ngôi chợ vẫn giữ vài nét cong cổ điển,những bên trong là sự thoáng đạt tiện nghi của tây phương. Những gian hàng ở đây có lối đi rộng rãi, rất khác các ngôi chợ thường thấy, người ta kháo nhau rằng họ đã chuẩn bị mọi thứ cho Phiên chợ Tình đầu xuân. Những cây cột được ốp đá uy nghi, Những chiếc cầu thang máy có sức chứa lớn, những lối đi đã được tính đến cả lúc khẩn cấp hỏa hoạn...

Tin tức về một phiên chợ tình vào ngày xuân đã gây xôn xao phố biển. Kẻ lắc đầu, bĩu môi "Hừ, thừa cơm rững mở, tình với tiết" Cũng lắm nguời hào hứng chờ mong. Tuấn đón nhận với nụ cuời bình tĩnh, với anh đây là dấu hiệu đáng mừng.

Tuấn đảo mắt nhìn từng góc, mọi thứ đâu có vẻ đã vào đó. Và khi anh định cho đôi chân mõi rời của mình ngồi xuống, anh lại chợt nhận ra ánh sáng ở lối đi của "bến xưa" rực rỡ quá. Đó không phải là thứ cảm giác người ta cần. Anh gọi người phụ trách ánh sáng, việc thay toàn bộ bóng đèn lúc này không phải dễ dàng, vì phần trang trí đã gần như hoàng chỉnh. Tuấn bước tới lui, thọc tay vào túi quần, anh thường không muốn nhường bước trước trở ngại nào ... Cô thư ký của anh từ thang máy bước lên, bước đến đưa cho anh một văn thư cần ký, chiếc khăn choàng kiêu kỳ trên vai cô, dù trời cuối năm không lạnh gì mấy. Thiên hạ vẫn kháo nhau rằng cô thư ký xinh đẹp rất quan tâm đến Boss. Chiếc khăn quàng voan phớt nhẹ qua vai anh, anh nhìn lên và chợt nghĩ ra được giải pháp ánh sáng cho "bến xưa" Đôi mắt đăm chiêu của anh chợt sáng lên. Đôi mắt tình ý của cô gái đong đưa chờ đợi. "Cám ơn cô" Anh nói rồi ký nhanh vào những trang giấy, thản nhiên đưa trả lại cô.

III

Ngày cuối cùng ở phố biển Phương chợt nôn nao muốn thăm lại ngôi chợ, nơi ngày xưa sau những giờ tan học cô đã phải phụ mẹ đứng bán hàng, những năm cuối của thời trung học, cô đã không còn được phép theo anh đi rong chơi, mẹ cô muốn cô tập mua tập bán. Tuấn cũng đã rời gốc những cây keo để thỉnh thoảng đến gian hàng của cô, vờ vĩnh mua cây bút, cuốn tập... Phương ráng tìm lại ví trí gian hàng của mẹ ngày xưa nhưng khó mà nhận ra được. Phương hòa theo dòng người bước đi, cô nghe nói có một phiên chợ xuân đặc biệt nào đó ở đây.

Phương lạc vào lối đi có tên "Tao ngộ" Ở đây mọi thứ đều trẻ trung nhộn nhịp. Những chùm bong bóng tuyệt đẹp thả lững lơ trên không và không gian là một màu hồng phớt tím, thứ màu dịu dàng và cổ điển của những ngôi biệt thự Ý. Những gian hàng tràn ngập hoa, quà lưu niệm và hàng thủ công mỹ nghệ. Những lọ hoa bằng gốm sứ với nét vẻ tay thanh tao bên cạnh những bức tranh sơn mài mang phong cách rất mới, tranh cát với những cảnh vật muôn màu ẩn hiện trong các hộp thủy tinh, tranh khắc gỗ đa dạng...

Đông nhất là dãy hàng hoa, người ta nối đuôi nhau để mua hoa, ngắm hoa, để cười đùa. Những đóa Mãn đình Hồng của Đà Lạt tươi rói. Hoa hồng từ nhiều nơi cũng đã được đưa về. Phương nhận ra những đóa Angle Face với sắc tím mê hoặc. Đóa Secret với chút bí ẩn thanh thoát, những đóa hồng nhung đỏ thắm, say mê ...mùi hoa dịu dịu, sắc hoa tươi thắm, quyện trong âm thanh của những khúc tình ca quen thuộc "anh theo Ngọ về đường mưa nho nhỏ..." "you're my heart, you're my soul..." Phương bước theo chân của những chàng trai cô gái và chợt thấy mình lây cái trẻ trung của họ. Cô bật cười khi nhận ra cái liếc trộm của cô bé ném về phía anh chàng đang theo sau. Mái tóc cô bé ngắn củn nên khó dấu nổi nụ cười, và họ đã làm quen nhau dễ dàng.

Phương chọn mua mấy món quà lưu niệm xinh xinh cho con gái. Hình như lâu lắm rồi cô mới có lại cảm giác trẻ trung của những ngày lễ hôị, cô cảm thấy người nào làm cái Phiên chợ Tình này cũng có lý lắm chứ. Lễ hội chùa Huơng thì ở tận ngoài miền Bắc, phố biển miền trung của cô hình như chưa có một lễ hội nào cho lứa đôi cả, những hội chợ tết trước đây thừờng mang nặng tính thương mại và tổ chức sơ sài, cẩu thả.

...Phương tần ngần trước một lối đi không tên có cách trang trí thật lạ. Môt con thuyền được dát bằng những vỏ thông và dòng nước là những cành hoa lay-ơn tím mềm mại, con thuyền neo bến dưới một gốc cây, mấy nhánh lá trúc đu đưa...Nó gợi cho cô nhớ đến một cái gì đó. "Bến xưa" Phương chợt nghĩ và không kềm được đôi chân lần theo lối đi... Không gian ở đây như chựng lại. Phương kinh ngạc nhìn lên, cả bầu trời là một dãi voan tím rất nhẹ. Những bóng đèn nhỏ ẩn hiện phía sau màng voan mỏng tạo ra những vệt sáng rất kỳ ảo. Những chiếc cột trên suốt lối đi đã được quấn bằng những dãi lụa trắng ngà, phía trên thắt nhẹ thành những đóa hoa hồng, trông xa như đám mây trắng bềnh bồng... Hoa ở đây phần nhiều là hoa lan. Những cánh lan đài cát bên cạnh vẻ đơn sơ của cúc, thủy tiên, hoa quỳ. Khúc nhạc vang lên thiết tha "chiều buồn len lén tâm tư, mơ hồ nghe lá thu mưa..." Phương có một cảm giác thân quen lạ thường, cô đi rất chậm, mà hình như không phải mình cô, những người khách đến đây đều không muốn vội vàng.

Phương chợt dừng lại ở một cây cột lớn đựơc trang trí bằng những khắc họa rất đẹp. Giữa những văn hoa tinh xảo cô chợt nhân ra một chú nai gỗ nhỏ xíu được chạm trổ rất vụng về, gắn dưới gốc cây. Nét khắc của một cậu bé mới học chạm trổ! Nét khắc của Tuấn! Phải rồi, không thể nào nhầm lẫn được, Tuấn đã làm hai con nai bằng gỗ, một cho cô và một cho anh. Trong chuyến vượt biển, món bảo vật mà anh đã dấu rong chiếc túi may trước ngực chính là chú nai gỗ bé xíu này, còn Phương ngày rời quê hương cô đã gạt nuớc mắt chôn chú nai con dưới gốc cây trong vườn, chôn cả mối tình thời con gái...

Phương chạm những ngón tay vào chú nai con, một cảm giác dịu êm tràn ngập lòng. Phương đứng lặng yên rất lâu, một tiếng nói chợt cất lên từ sau lưng cô.

" Anh biết thế nào em cũng sẽ trở về đây"

Cô quay lại. Tuấn đó, vẫn cái dáng rắn chắc, nước da nâu, và ánh mắt dù đã bạc theo thời gian vẫn không dấu nỗi nét hân hoan như ngày xưa mỗi lần anh đến bên cô.

"Em vẫn không khác gì ngày xưa mấy" Tuấn nói để ngăn xúc động, "chỉ trừ mái tóc bạc" Phương nói và luồn tay vào mái tóc chỉ cho Tuấn xem mấy sợi tóc bạc đã chớm, Tuấn bật cười và câu chuyện tự nhiên như dòng nước chưa một lần ngưng chảy. Quá khứ pha lẫn hiện tại, mùa hè năm xưa từ phố biển lại dẫn đến mùa đông đầu tiên trên xứ người, đến lo âu cho con gái đang ở độ tuổi Teenager, một lứa tuổi phức tạp nhất ở xứ người...

Một lúc sau Tuấn ngập ngừng hỏi "em và Long dạo này thế nào". Phương cười buồn "tụi em đã chia tay nhiều năm rồi, em hiện tại chỉ muốn dồn hết tâm trí cho con" Tuấn nhìn cô dịu dàng "anh biết, anh sẽ đợi, cho dẫu có phải bao lâu".

Và Tuấn nói qua loa về cuộc sống, về công ty của anh, và nói nhiều về những cố gắng để hình thành Phiên chợ Tình.

"Anh đã phải tán tỉnh và thuyết phục lắm ông già mới cho anh gắn chú nai vào, ông chỉ sợ anh phá hư tác phẩm của ông".

Phương bật cười: "Anh vẫn vậy, chì thật!"

Tuấn quay lại nhìn Phương. Tất cả chợt hân hoan, đằm thắm dịu dàng. Ừ, anh vẫn vậy phải không Phương? dù là lênh đênh trên xứ người hơn hai mươi năm. Dù là có những lúc anh đã cay đắng. Nhưng anh vẫn rất chì và sẽ rất chì như em nghĩ. Cám ơn em. Tuấn nói thầm.

...Ly cam vắt đã tan, những giọt nuớc chảy dài, lạnh ngắt.

"ngày mai em đi rồi" Phương nói. "Em không ở lại thêm vài hôm sao?"

"Em phải về, em không nghĩ được lâu."

"Anh biết... anh đã bỏ hết tâm huyết để hình thành phiên chợ này cho Phố biển, và một chút cho mình. Anh đã giúp cho họ rất nhiều và dành một số tiền lớn của anh để hổ trợ Phiên Chợ trong những năm đầu, nhưng có thể rồi họ không cần đến tiền của anh nữa đó. Phiên chợ đã rất thành công như em thấy, số lượng người đến nhiều hơn mong đợi. Anh chỉ đòi họ một điều kiện" Tuấn dừng lại.

"Điều kiện gì? Anh không phải vẫn hay liều mạng lắm sao"

Tuấn cười "Nếu lúc nào đó anh không thể về thăm Phiên Chợ Tình... anh sẽ cho họ quyền gỡ chú nai trên cây cột ấy đi"

Phương lặng nhìn anh và quay mặt đi. Họ không nói gì thêm. Khúc nhạc vẫn dịu dàng vang lên, bầu trời bằng những dãi voan tím bập bềnh theo cơn gió nhẹ, mong manh.

Phiên Chợ Tình mỗi năm một đông khách. Khách từ xa cũng nghe tiếng rũ nhau ngày tết đỗ xô về. Phố biển nhỏ trở nên ngày càng sầm uất. Những cô gái chàng trai đến phiên chợ để mong gặp duyên lành. Những cặp vợ chồng đến để hâm lại chút hương nồng. Đôi lứa dở dang đến đây dẫu không gặp được nhau, chỉ cần nghĩ rằng dấu chân người xưa có lúc đã qua đây cũng đủ để níu bước chân của họ tìm về một ngày xuân năm tới...

Mỗi năm một vẻ, Phiên Chợ Tình là nơi các nghệ nhân thi thố tài dùng hoa lá thiên nhiên để trang trí, và họ luôn làm nổi bật nét đẹp riêng của phiên chợ xuân này: nét tình tự, hẹn hò, mong đợi.

...Phương đứng lặng trước bức chạm trổ, cô đưa ngón tay chạm tay lên chú nai gỗ, một cảm giác sần sùi đau nhói, Những giọt nước mắt tửơng đã khô cạn theo chuyến bay giờ lại tuôn trào. Tuấn đã vĩnh viễn nằm lại nơi xứ nguời trong một tai nạn giao thông chỉ một năm sau ngày phiên chợ đầu tiên. Người ta đã không nỡ tháo gỡ chú nai như lời anh dặn.

Nhiều năm sau đó, những đôi lứa đôi khi đến Phiên Chợ Tình mùa xuân thường chạm tay lên chú nai trên cây cột gỗ, vì họ tin rằng chú nai con sẽ đem đến may mắn cho tình yêu, như ước nguyện của người đã làm nên phiên chợ.


Cali 12/09
Hà Xưa

  

  

Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất