Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • CD4 1200

LTS. Bạn Thanh Nguyên là người Tuy Phước, Bình Định. Lâu nay bạn chỉ đọc cuongde.org, nay mới gởi bài về. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một người viết "yêu hết mọi thứ liên quan đến Bình Định".

Trời chưa về chiều, nhưng không gian đen một màu sẫm vì cơn giông. Cả bầu trời mới mênh mông khi nãy, giờ đây đã giăng kín những đám mây đen, hùng hổ, oằn oại như muốn sa sầm xuống mặt đất. Lá rơi bay đầy mặt đất, còn hàng cây thì run lên bần bật...


Hắn rời bàn, vừa tất tả choàng chiếc áo tơi, vừa thét lớn gọi tên học trò : " Mau mau, ta đi ra lều ! "

Rồi hai thầy trò tất bật ra đi không kịp cài then cửa, gió mặc tình thốc vào nhà phần phật. Ngoài kia mưa đã bắt đầu nặng hạt. Mưa phủ kín bầu trời.

Hắn cũng vừa kịp nhớ ra là hắn đã để trên bàn cái mảnh giấy vừa được ghi bài thơ mới cảm tác. Có lẽ gió đã thốc bay mất ? Cũng mặc. Hắn vẫn cắm đầu rảo bước về phía chiếc lều ở xa xa, mờ mờ sau làn mưa mù mịt.

Hắn cố nhớ... Gì nhỉ ?
"...Trời đêm đó ai chia đôi vầng nguyệt.
Em đan tâm đập nát mộng thiên đường.
Ta cười vang: Ô hay đời thi vị.
Ta rưng rưng: Vĩnh biệt chuyện yêu đương..
."

- Thầy đưa túi xách đây, con xách cho. Tên học trò thét lên trong tiếng gió rít.

- Đây ! Nào...Coi chừng ướt máy đấy !...

Hắn lại cố nhớ tiếp. Gì nữa nhỉ ? Quái thật. Vừa khi nãy mới ngâm nga, vậy mà giờ đây mấy hàng chữ trốn đi đâu biệt tích ?

Lại một tiếng sấm vang lên, tia chớp rẽ ra làm mấy nhánh, xé tan đám mây đen sẫm, ngoằn nghèo đánh vào đỉnh núi Tản Viên. Một tia, rồi lại một tia nữa... Tiếng sét vang vang liên hồi. Hắn lẩm bẩm: "Giá mà mình đi sớm hơn tí nữa !".

Con đường lầy lội trơn tuột. Còn non dặm nữa là đến chiếc lều dựng trên gò đất cao. Chỉ chốc nữa thôi là đến đọan có sỏi ..."Cái lầy lội này tí chốc sẽ qua thôi".  Hắn nghĩ vậy và lại cố nhớ tiếp bài thơ vừa viết xong. "...Vĩnh biệt chuyện yêu đương...Gì nữa nhỉ ?... Ừ !..."Trời đêm đó ai mang về gió lạnh. Cùng mù sương rơi xuống đất thật gần. Ta về nghe tiêu táp một hùng tâm. Em ác độc, em thiên thần vĩnh cửu ..."

Bỗng hắn nghe sau lưng một tiếng la bất ngờ. Ra là tên học trò bị trượt, còn đang vùng vẫy dưới vũng nước đục ngầu, tay đưa cao túi xách. Hắn vội vã một tay vơ lấy túi xách, tay kia lôi cánh tay của tên học trò.

Tên học trò run là cà lập cập, mặt mày tái xanh, nhưng hắn biết không phải do lạnh, mà do sợ. Sợ bị rầy vì cái túi xách đã ướt sũng. Hắn thấy thương hại nên cố gắng nở một nụ cười. Họ lại tiếp tục đi.

Chẳng mấy chốc họ đã đến được lều. Chiếc lều được dựng bằng mấy cọc tre, sàn lều cũng đan bằng tre, mái rơm còn mới, ước chừng nó được xây dựng non tháng nay thôi.

Hắn mở túi xách, lôi ra một chiếc máy ảnh, và rồi tiếp tục lục lọi trong túi xách để tìm một cái chi nữa. Một lát, một lát...cũng chẳng tìm thấy vật muốn tìm. Hắn dốc túi đổ ra bao nhiêu là thứ lỉnh kỉnh. Vẫn chưa tìm thấy vật muốn tìm.

Tên học trò nãy giờ đứng theo dõi hắn lục lọi kiếm tìm. Nó hiểu hắn đang tìm cái gì. Nó đứng chết trân, mặt càng tái nhợt, môi mấp máy như muốn nói câu gì nhưng chưa dám nói.

- Cái chân máy đâu ? Hắn la lên, nhưng tiếng la chìm vào tiếng sấm vang trời.

- Con để quên...để con chạy về... Tên học trò lắp bắp, giọng đứt quãng.

- Để quên ? Trời ơi ! Cái gì ?... chạy về à ? Mày biết ta đã bỏ qua đi bao nhiêu ánh chớp rồi không ? Thằng quỉ sứ !

Bỗng hắn dịu giọng: - Mà thôi, được rồi, nhổ hộ thầy một cái cọc tre. Mau lên !

Tên học trò hì hục nhổ cái cọc tre, đóng vào vị trí khác theo sự chỉ dẫn của hắn. Trông nó nhanh nhẹn và cần cù như thể cố gắng hết sức mình để đền bù sai sót vừa rồi đối với thầy. Nó biết thầy nó hay la mắng khi giận một cái gì, nhưng rồi sẽ tha thứ ngay. Thế nhưng sao nó cứ sợ run người mỗi lần sai sót. Càng gần nhau, nó càng quí trọng và thương thầy nó hơn .

Ba năm trước nó còn là một thằng côn đồ, lang thang khắp mọi phố chợ... Nhưng mà nhớ lại làm gì cái khoản đời đen tối ấy ! Rồi một tình cờ, nó gặp thầy nó ở một quán cà phê, hai người hai bàn, ở đầu và cuối của cái quán vắng. Một giờ, rồi hai giờ...cả hai cùng yên lặng và thỉnh thoảng bắt gặp ánh mắt của nhau. Ngay trong cái phút ban sơ đó, nó thấy như đã quen thân với thầy nó từ lâu rồi. Hay thầy nó là hình bóng của nó ở một kiếp nào xưa ? Ở một kiếp nào sau ?... Thế rồi nó lặng đi vì sung sướng khi thầy nó rời bàn, chào nó trước, rồi ngồi chung bàn hỏi han về nó. Chao ơi. Một người lịch sự làm sao, cao vời làm sao, cứ như là những nhân vật nào đó nó đã từng dệt trong mơ ước mình sẽ trở thành, một nhân cách "tổng hợp" từ các nhân vật trong những quyển sách mà nó gọi là "loại sách lịch sự ". (Nó bỗng mỉm cười nhớ lại một lần thầy trêu nó dùng từ lệch lạc, và rồi kể từ đó thầy bắt đầu dạy nó học mỗi tối trên cái gác trọ ọp ẹp. Thầy dạy cho nó nhiều thứ quá. Dạy bằng lời, bằng hành động, và dường như nhiều nhất là bằng sự im lặng...)

Bỗng nó nghe tiếng thầy :

- Cái gì thế ?

Thì ra nó mãi nghĩ lung nên đã đóng phải vào tay. Hình như nó đã có kêu lên tiếng gì đó mà nó không hay.

Thế là công việc bây giờ lại xoay sang việc băng bó vết thương cho nó.

Ngoài trời mưa vẫn rơi nặng hạt và gió rít lên dữ dội. Thỉnh thoảng lại vang vang những tiếng sấm và những chớp lóe trên bầu trời hướng phía núi Tản. Cứ mỗi lần có chớp nó lại thấy thầy như cố gắng giữ vẻ thản nhiên. Thầy không muốn cho nó phải ái ngại vì nó mà phải để lỡ đi bao nhiêu cơ hội. Nó biết thầy nó tiếc ghê lắm mỗi lần một ánh chớp vuột qua .

Từ ngày trong Nam ra đến ngoài này, hàng nghìn cây số và bao nhiêu là vất vả. Đã non tháng nay. Sáu cơn giông rồi. Thế mà thầy trò chưa bao giờ chuẩn bị kịp để mà chụp cho được bức ảnh những chớp lóe thật đẹp đánh xuống đỉnh núi Tản Viên.

Nó không hiểu tại sao thầy nó lại thích thực hiện được bức ảnh ấy. Có lần nó hỏi thầy cái điều nó thắc mắc, thì thầy nó nói thật thản nhiên :

- Đó không là một cuộc chơi thú vị sao ? Mày tưởng bức ảnh là mục đích duy nhất chăng ? Không hoàn toàn như vậy. Cái việc khổ công và cái chí hướng phải thực hiện cho được bức ảnh còn quan trọng hơn là chính bức ảnh.

Nó không hiểu thầy muốn nói cái chi chi, nó lại hỏi :

- Nhưng nó phải nói lên được một cái gì chứ ! Và nó phải có tác dụng như thế nào nữa chứ !

- Nói lên được một cái gì ư ? Mày có thể nghĩ đó là cuộc chiến tranh muôn thuở của Sơn Tinh - Thủy Tinh, hoặc đơn giản là ánh chớp rơi xuống đầu núi Tản. Hay sao sao nữa cũng được chứ sao ! Còn sự vụ nó có tác dụng như thế nào ư ? Có lẽ cũng mua vui cho đời hoặc giả cho chính mình được một vài trống canh chứ.

Nó vẫn ngờ vực :

- Chắc rằng nó tạo được niềm vui cho đời không ? Còn niềm vui cho chính mình ư ? Thì có biết bao nhiêu là cách, sao lại phải lặn lội vất vả bao nhiêu lâu chỉ để săn được một bức ảnh ?

Ánh mắt thầy nó cho nó thấy thầy đang thất vọng vì sự ngốc nghếch của mình, thầy nó bảo :

- Khi chưa đạt được thì sao biết được nó tạo niềm vui cho đời là bao nhiêu trống canh ? Chính vì thế nên chỉ có cái chí hướng phải thực hiện được một sự sáng tạo để mà hiến dâng mới là quan trọng. Còn điều mày nói có bao nhiêu là cách để vui, sao phải lặn lội vất vả ấy à ? Sao ngốc thế ! Mày muốn mấy tỷ con người trong trần gian này chỉ có cùng vài ý thích, chỉ tìm được những niềm vui giống nhau à ? Hãy nghĩ lại xem nếu như vậy có còn chi là thú vị chăng ? Sự muôn màu sắc của cuộc sống có còn chi chăng ?...

Vâng, thầy nó bảo thế, và dù nó không hiểu gì cả song nó cảm thấy như vấn đề có tính hiển nhiên đúng như là bao nhiêu điều đúng thầy nó đã từng dạy bảo. Nó vẫn thường thấy thầy nó có nhiều hành động phi lý, nhưng không hiểu sao sống với thầy, nó cảm thấy cuộc đời đẹp làm sao. Có khi nó thấy thầy thức suốt đêm để làm thơ, nhưng những bài thơ làm xong có khi thầy không chú ý đến, để rơi vươn vãi. Những lần như thế nó lấy cất giấu thật kỹ, rồi lâu lâu đóng thành tập rồi mang đến trình thầy. Nó đề nghị, và thầy đã theo lời nó viết vào đầu tập thơ một lời bạt những dòng chữ mà nó thích thú đến độ thuộc làu này đây:

"...Trong cuộc Thơ, tôi không muốn mình trở thành người thợ cố trau chuốt ngôn ngữ để chưng diện trên thi đàn. Tôi làm thơ để trang điểm cho chính trang đời mình.

Thơ - với tôi là cuộc chơi thầm lặng.

Thơ tôi là tiếng lòng tôi. Là rung động với tự nhiên . Là tình tôi đối với tha nhân. Hơn nữa là phát tiết một cách tự nhiên bản ngã của mình.

Thơ mà không được phát tiết từ một tấm lòng biết thực sự yêu thương, ấy là những sáo ngữ rỗng tuếch.

Thơ được phát tiết từ một khối óc uyên bác, thì chỉ một lời là bao hàm mọi lẽ.

Thơ được phát tiết từ một chí cả muốn vươn đến chỗ toàn bích, từ một bản lĩnh siêu phàm, ngùn ngụt dũng khí... Thì chỉ một lời là toát ra cái khí hùng anh.

Cái ngã của ai há có thể đổi được cho ai ? Cho nên giữa sự nghiệp của kẻ đã đạt danh vọng trên thi đàn và một đôi vần thầm lặng của một ai đó, há lại có thể so sánh hoặc đổi được cho nhau ?!..."

Ngày đó, đọc những dòng trên nó nghĩ thầm: Ôi, thầy ta quả là kiêu ngạo. Nhưng cho đến bây giờ, cái ý nghĩ thầm kia không còn nữa, bởi vì nó hiểu sự kiêu ngạo chỉ bắt nguồn từ cái cảm giác hơn người. Nó xuất phát từ sự so sánh giữa mình và tha nhân. Hơn nữa sự kiêu ngạo nó hàm chứa một sự tự hài lòng về chính mình. Nhưng ở thầy, thầy không bao giờ đặt vấn đề so sánh, không có cái cảm giác hơn người. Chắc chắn là như vậy. Bởi có lần thầy bảo: "Khi nào còn sự so sánh giữa mình và tha nhân, khi nào còn cái cảm giác mình hơn người hay yếu kém người, thì không thể có một sự độc lập, một tự do cho tư tưởng một cách tòan triệt".

***

Băng bó vừa xong vết thương cho tên học trò thì cơn giông cũng vừa dứt. Có một vài tia chớp nữa lóe lên sau đó. Hai thầy trò đã chuẩn bị sẵn nên hắn đã chụp được. Song cả hai không mấy hài lòng vì các tia chớp đều nhỏ.

Vài phút sau đó, trời đã quang tạnh hẳn. Đằng Tây trời dần rực lên ánh ráng hồng. Mặt trời đã chìm khuất sau ngọn núi Tản Viên. Thầy trò thư thả dang tay ra về.

Con đường về lại thôn xóm rực sáng lên trên nền xanh mượt của đồng lúa hai bên, mà những giọt nước còn đọng long lanh, phản chiếu ánh ráng hồng kỳ ảo...

Như thế là lại một lần nữa không thực hiện được một cách mỹ mãn tác phẩm mà cả hai đã trông chờ và lặn lội cố thực hiện. Tên học trò lấy làm áy náy suốt con đường về. Thỉnh thoảng nó liếc sang thầy dò xét. Còn hắn, hắn vẫn cứ thản nhiên như say như sưa với ánh ráng trời chiều. Thậm chí trông nét mặt hắn còn lộ vẻ hân hoan rạng rỡ hẳn lên ...


Mùa Thu 1999
Thanh Nguyên – Võ thanh Mỹ

 

Thêm bình luận