Ở nơi tiên cảnh biết lòng có vui
Tôi được tin chi Liên đến thăm vào một ngày cuối tháng sáu, lúc mà thành phố đang có những cơn mưa dầm bất ngờ đổ xuống trong tháng này. Trời xẩm buồn, se lạnh, ướt át.
Từ phòng ăn, tôi nhìn thấy khu vườn sau tối hẳn lại. Cây táo đứng giữa vườn như xà thấp xuống, cành lá nặng chĩu nước mưa. Thềm gạch sạch bóng, sáng hẳn lên, lênh láng nước. Mấy chậu kiểng màu đất nung mấp mé thêm sậm màu hẳn lại.
Cơn mưa trái mùa làm tôi nhớ về những cơn mưa biển ngày nào, một thời mới lớn, hôm nào tình cờ có bão rớt. Cũng cái cảm giác se se, buồn buồn. Ngồi trói chân trong nhà, thèmmón bánh nóng mẹ làm cho ăn ngày nào mà không biết chán.
Tôi nhớ về chị, về những giao tình đơn sơ ngày cũ có đủ để níu chân chị vượt hơn nửa vòng trái đất để đến đây thăm tôi. Không biết sao, tôi bỗng linh cảm như rằng - chị đến vì một gởi gắm của ai. Hay sẽ đem đến cho tôi ít nhiều tin tức về Đỗ, điều mà tôi vẫn chờ đợi từ gần bốn mươi năm.
Tôi không thân với chị lắm. Tôi thường theo Hà đến nhà chị những hôm bất ngờ không có giờ học giữa buổi mà không dám trốn giờ học sau hoặc những hôm về sớm. Qua bao tháng năm, vẫn còn đậm nét trong tôi căn nhà lầu sang trọng của chị nằm ở đầu góc đường dẫn đến trường tôi học. Mặt trước nhìn thẳng ra phía phi trường, bên hông có con đường cát ngỗn ngang rác rến, cỏ dại chạy thẳng ra phố chính.
Với từng ấy năm, vật đổi sao dời mà sao tôi vẫn không quên được giàn hoa giấy nơi nhà chị. Thân khẳng khiu từ dưới đất uốn mình vươn lên tận lầu một rồi thả lòa xòa trên lan can từng chùm hoa tím nhạt. Căn nhà bỗng mang một vẻ nên thơ hiếm thấy ở một thành phố luôn thiếu một màu xanh mà quá dư thừa nắng gió này.
Nhiều lần tôi cố hình dung ra chị thế nào mà đành chịu. Trí nhớ mòn mỏi vì tang thương, dâu bể hay một nỗi chờ mong vô vọng. Có một điều tôi không thể quên được là hồi đó chị đẹp lắm! Tôi vẫn nhớ như in lời Hà nói với tôi ngày nào - chị đã có thời là hoa khôi trường, hoa khôi tỉnh.
Hà ngồi chung bàn với tôi trong lớp. Chúng tôi có nhiều điều khác nhau nhưng không biết sao mà vẫn chơi thân với nhau - Hà tự nhiên, cởi mở bao nhiêu thì tôi lại u buồn, khép kín bấy nhiêu.
Hà xuất thân trong một gia đình giàu có trong tỉnh. Cha mẹ Hà là người có tiếng tăm trong thương trường, lại quảng giao, vì thế ai Hà cũng quen, cũng biết. Nhiều lần đi với Hà tôi bỗng thấy mình quê mùa vì chẳng biết ai, bạn bè của Hà thường là dân ở dọc hai bên phố chính. Hà niềm nỡ, dễ thương nên bạn bè ai cũng thích.
Hà hay nói với tôi về Đỗ, những chuyện rất vụn vặt, rất riêng tư. Tôi lờ mờ đoán ra Hà khá thân với Đỗ. Và Đỗ cũng là một trong vô số đấng mày râu đang sắp hàng trước cửa nhà Hà để chờ xin một tấm giấy vào cửa. Có một lần, đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi tình cờ gặp Đỗ tại nhà Hà.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình hạng trung, hoàn cảnh đã dạy cho tôi cái tính cẩn trọng, biết người, biết ta. Cái rào cản giúp tôi giữ được một khoảng cách chừng mực trong quan hệ hàng ngày, ngay cả với bạn bè cùng phái. Tôi ít ra ngoài vì không có nhiều bạn. Có đi đâu thì cũng chỉ để ghé phố mua sách hay mua sắm những gì cần thiết cho chuyện học hành. Sau buổi học, tôi rút vào trong phòng nghe nhạc, đọc sách, làm công việc nhà giúp mẹ với một đám em quá đông hay theo mẹ học làm bánh trái. Tôi thích sự trầm lặng và hoàn toàn bình thản trong tâm hồn cho đến một ngày Hà giúp Đỗ làm quen với tôi.
Tôi ngạc nhiên lắm nhưng không bao giờ đặt câu hỏi với Hà. Chúng tôi vẫn thân nhau như thuở nào, tôi vẫn theo Hà đến nhà chị Liên chơi và Hà chỉ cho tôi nơi Đỗ ở. Tôi yêu Đỗ hồi nào mà không hay! Rồi một lần nào đó, tôi không còn nhớ thời gian nào, Hà nói cho tôi nghe chuyện Đỗ lập gia đình. Tôi đau khổ âm thầm. Cuối năm đó tôi thi hỏng.
Lúc tôi quen với Đỗ cũng là lúc chị Liên dọn nhà sang tỉnh khác, tôi không biết chị có biết gì về chuyện của chúng tôi.
Tôi đã đem cầu chứng với đời tình yêu tôi dành cho Đỗ bằng một lần thi hỏng và một năm học lại. Tiếp nối là những tháng năm nhớ thương đầy nước mắt. Có món quà nào sống động hơn món quà tôi đem tặng Đỗ.
Tôi ngồi lại lớp một năm, một năm quá dài cho một tâm hồn quá mong manh lần đầu nếm mùi thất bại. Bạn bè cũ đi hết, chỉ còn tôi ngồi lại với lớp trẻ đang lên. Tôi thấy mình già hẳn đi trong tâm hồn.
Đáng lẽ ra tôi phải vui lên khi đánh đổi một lần thi hỏngg để được gần Đỗ thêm một năm. Nhưng sao thuở ấy tôi không thấy được điều đó. Chỉ những năm biền biệt xa nhau, tôi mới nhận ra rằng - hồi ấy tôi vẫn chưa sống đủ, sống hết cho mình, cho người.
Những năm cuối thập niên sáu mươi, Qui Nhơn hãy còn hoang sơ lắm. Tôi đến trường bằng xe lam, đi, về hai buổi mỗi ngày. Chiếc xe nhỏ xíu, tiếng nổ bình bịch, phun khói mù mịt. Ôi chiếc xe lóc chóc, nhồi nhét quá tải, dằn xóc trên con đường được tráng một lớp nhựa mỏng ngỗn ngang ổ gà. Hai bên rìa còn lộ ra những tảng đá lót nền cùng màu đất núi đỏ au. Những hôm trời mưa lũ, nước chảy cuồng loạn xuống bên dưới có những căn nhà thấp hơn mặt đường.
Hồi đó hai bên đường nhà cữa vẫn còn thưa thớt, những hôm xe trống, tôi có thể nhìn thật xa, tận dãy núi xanh. Một vài cây xoài, cây dừa, cây cau, bụi chuối chen chân cố ngoi lên giữa gạch đá lạnh lùng. Cái thời mà đám em trai kế tôi thường vào chân núi bên kia đường, cạnh nhà để câu cá rô đem về nướng ăn, những ngày không đi học.
Tôi thường xuống xe ở đầu đường, không xa cổng vào phi trường dân sự, nơi Đỗ đã tiễn tôi lần cuối rồi biện biệt không bao giờ gặp lại. Cái quán xép nghèo nàn cách đó độ mười mét, nơi chúng tôi ngồi với nhau lần cuối ở chiếc bàn kê dưới hàng hiên che chắn bằng những tấm liếp đan bằng lá dừa. Và một giàn dưa tây màu lá xanh non run rẩy trong gió. Tất cả đều mất hết không để lại dấu vết. Luôn cả căn nhà Đỗ trọ sau khi chị Liên dời đi, nằm lọt tõm yên ắng cuối sân có con đường dẫn vào đá sỏi lao xao và một cây keo già quanh năm cho bóng mát.
Nhịp thở của chiến tranh kéo theo những đổi thay bộ mặt của thành phố. Phố phường đã thấy thấp thoáng bóng dáng của những người lính viễn chinh. Những căn nhà gạch khang trang lấn lướt vươn lên cạnh nhnữg ngôi nhà tranh tồi tàn như một anh nhà giàu phương phi, tốt tướng đứng cạnh anh nhà nghéo ốm đói, xác xơ. Nhịp sống tây phương lồ lộ đó đây với váy ngắn, giày cao, âm nhạc dập dình, những bản hiệu đèn màu chớp nháy. Cái thời, bạn bè cùng lứa vẫn hồn nhiên với mộng bình thường thì tôi đã biết ray rức khi bắt gặp một ánh mắt rất thơ, vảng vất nét mệt mỏi của gió bụi đường xa. Biết thao thức với những chuyến bay đi về mỗi đêm, biết nao lòng theo những tiếng lụp bụp của hỏa châu ở một góc trời nào đó...Chiến tranh đã chen chân vào thành phố. Một đời yên bình giờ chỉ còn là ước mơ!
Đôi lần tự hỏi - Đỗ có yêu tôi như tôi đã yêu Đỗ không? Nhưng đâu có sao, trong tình yêu đòi hỏi một sự sòng phẳng làm mất đi ý nghĩa thanh cao của nó. Tôi đã đọc được đâu đó câu - Tình yêu là hy sinh, là dâng hiến.
Tôi xa nhà vài năm, thường trở về trong những tháng hè, hay dịp tết. Sau này lại trở về làm việc gần nhà, nhưng tuyệt nhiên tôi không bao giờ trở lại chốn cũ. Cho đến bây giờ tôi cũng chưa tìm ra một lời giải thích ồn thõa cho chuyện này. Có điều gì đã níu chân tôi lại - Tìm ai, còn ai để tìm - Không muốn tìm lại chính mình, nhưng tôi có thay đổi gì đâu từ ngày xa Đỗ - có thể nào sống mà chặt đứt quá khứ, chắc là không.
Gần ngày chị đến, tôi bù đầu với công việc trong, ngoài - thu xếp chỗ ngủ, lo chuyện bếp núc. Tôi không có thì giờ để nghĩ ngợi vu vơ.
Ngày đến đã tới, buổi chiều tôi đón chị ở ga. Giờ tàu đến là giờ tan sở, tôi lạc trong rừng xe cộ nối đuôi nhau không cách gì thoát ra được. Tôi đến nơi thì đã trễ hai mươi phút. Tôi đậu bừa xe vào chỗ dành cho những chuyến lên xuống nhanh, rồi bước vội xuống, dáo dác tìm chị . Vẫn không thấy, tôi lo - hay là chị đã gọi xe về nhà , nếu thế thì thật tệ! Đúng lúc đó thì chị hiện ra. Tôi không nhận ra chị nhưng chị nhận ra tôi ngay. Tôi chạy lại đỡ valise ở tay chị. Trong xe, chị nói với tôi về chuyến tàu đến trễ, chị khen thành phố nơi tôi ở cổ kính, yên tĩnh...
Đến nhà, chúng tôi ngồi nói chuyện, uống nước ở vườn sau . Chị nhắc lại chuyện cũ, một thời mới lớn, thành phố cũ, nơi chia chác cùng thời niềm vui và nỗi buồn, bây giờ xa quá! Ngồi một lát, con tôi chụp vài tấm hình kỷ niệm rồi đi vào nhà. Còn lại mình chị và tôi, bất ngờ chị hỏi:
- Em còn nhớ ông Đỗ không, cái ông ở trọ nhà chị ngày xưa đó.
Tim tôi đau nhói, tôi cố che dấu cảm xúc:
- Dạ có, em nhớ chứ.
Chị tiếp:
- Ông ấy bây giờ đi tu.
Tôi sững sờ, rồi không bình tĩnh được nữa, tôi hỏi dồn:
- Sao vậy chị, ông ta có gia đình mà sao lại đi tu.
- Theo như em biết, bên mình người ta đi tu từ những ngày còn nhỏ hay mới lớn phải không chị
- Chị cũng không biết
Tôi gay gắt:
- Ông ta nỡ nào bỏ vợ con mà đi tu
Chị tâm sự:
- Hồi ông ta ở trọ nhà chị, có một cô ở Sài Gòn hay ra thăm. Nghe rằng họ quen nhau từ hồi ông ta còn là sinh viên, xa nhà trọ học, cô ấy giúp đỡ ông ta nhiều. Cô ấy bảo nếu không cưới nhau cô ta sẽ đi tu!
Tôi thở ra như trút bỏ một gánh nặng. À, thì ra vậy! Ẩn ngữ ngày nào đã được giải mã. Tôi không biết mình đang vui hay buồn, chỉ thấy xót xa về những nghịch lý của cuốc đời - đôi khi hạnh phúc của người này là niềm đau của kẻ khác. Hồi đó không bao giờ Đỗ nói với tôi về điều này. Tôi xót xa và kính trọng sự cao thượng của Đỗ - một mình gánh chịu nỗi đau mà không muốn chia xẻ cùng ai . Tôi trân trọng sự hy sinh của Đỗ để trang trải món nợ ân tình, điều hiếm thấy trong thời buổi nhiễu nhưng, mọi giá trị đạo đức bị chà đạp không thương tiếc. Thật lòng, từ những ngày xa nhau, tôi chưa một lần trách móc gì Đỗ, tôi luôn tin Đỗ là người tốt, đáng tin cậy. Chao ơi! Chúng tôi là nạn nhân của một cái xuống tay quá đà của số phận. Đáng lẽ chúng tôi phải được sinh ra để nói thương yêu nhau không một chút ngại ngùng, chia xẻ với nhau những vui, buồn, đắng cay, hạnh phúc cho đến ngày đầu bạc răng long mới phải chứ.
Đã từ lâu tôi luôn vẽ vời trong đầu một đoạn kết - với hoàn cảnh nào đi nữa - ngoại trừ cái chết, chúng tôi vẫn còn dịp ngồi lại với nhau, nói cho nhau nghe những điều chưa kịp nói vì hình như buổi chia tay ngày nào quá vội! Nhưng bây giờ, đã khác...một điều mà tôi không bao giờ nghĩ tới.
Tôi bỗng thấy chao đảo, mơ hồ như đang bay đến một nơi nào thật xa. Tôi thấy mình đang đứng trước mặt một nhà tu trong bộ đồ trắng. Qua khoảng cách của chiếc bàn chia hai bên này, bên kia độ một sải tay mà sao tôi thấy vời vợi, mênh mông quá, không bao giờ với tới. Nhất là đôi mắt nhà tu. Chao ôi! cái nhìn trong suốt quá, không vẩn một chút bụi trần như một người đến từ một cõi tiên nào đó, không dính dáng gì đến cõi đời trần tục tôi đang ở bên kia hàng rào thiền viện là bon chen cơm áo, là buồn đau, khổ lụy. Tôi mất Đỗ đời đời!
Dùng cơm tối xong thì chị thu xếp để về nhà trọ. Tôi cố giữ lại nhưng chị bảo là mọi chuyện đã được sắp xếp đâu vào đó và không thể thay đổi. Tôi biết chị sợ phiền tôi.
Tiễn chị ra xe, tôi vào thu dọn chén bát rồi đi nghỉ. Tôi vào phòng tắm thay đồ rồi đứng khóc. Tôi khóc như chưa bao giờ được khóc, vui buồn lẫn lộn - vui, vì Đỗ đã vượt thoát an lành. Tôi biết với chức vụ ngày nào và thể chất ốm yếu của Đỗ làm sao qua được những tháng năm lưu đày, khổ nạn.
Rồi những ngày sau đó, tôi nằm khóc mãi trong đêm khuya khoắc. Thương tôi, thương Đỗ và cả vợ Đỗ. Chúng tôi như những tinh cầu cô đơn lang thang trong bầu trời mênh mông, một hôm tình cờ chạm vào nhau rồi vỡ vụn tan tành. Tôi tự hỏi: Không biết vợ Đỗ có tìm thấy những gì mình muốn tìm trong những tháng năm chung sống với Đỗ. Đỗ có tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn sau một lần dứt áo ra đi. Còn tôi, vẫn một đời nuối mãi một bóng dáng hạnh phúc đã vượt khỏi tầm tay!
Cây kiếm sắt của định mệnh đã vung lên rồi chém xuống một nhát quá ngọt trên số phận của cả ba chúng tôi!
Đời người, ai mà không có một lần đau khổ hay hạnh phúc.
Tôi muốn tan biến trong nỗi đau và niềm hạnh phúc đó để Đỗ mãi mãi là của riêng tôi!
Lê Bích Khương
Nguồn: Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn 2010