Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200

Chị Huyền chỉ vào các thứ trên bàn rồi nói nhỏ với Khanh:
-Mẹ có bao nhiêu tiền đều mang ra xài hết trong dịp này, cậu có biết không?

-Chị ơi, mẹ mua gì mà nhiều vậy. Em đã nói rồi, bên đó không thiếu thứ gì, kể cả mắm ruốc, cà pháo, tương chao, hành tỏi ớt …

Tiếng mẹ vọng từ bếp ra:
-Mẹ biết là bây giờ trong siêu thị bên đó cái gì cũng có nhưng họ không thể có cái do chính tay mẹ làm, mẹ làm thật kỹ để con có thể giữ được lâu, để dành ăn từ từ con à. Con còn mấy ngày nữa?

Giọng Khanh nghe thật buồn:
-Dạ 4 ngày, con xin mẹ đừng làm gì hết vì tới phi trường qua khâu kiểm tra họ tịch thu hết, họ bỏ hết.

-Ủa, tại sao lại bỏ của người ta?

-Họ không cho đem trái cây, thực phẩm từ nước khác vô nước họ. Họ lo vấn đề vệ sinh, nhiễm khuẩn…

Mẹ ra tới phòng khách, cau mày hết nhìn Khanh rồi nhìn chị Huyền:
-Tức là người ta sợ lây bệnh, lây vi trùng chớ gì? Ủa, mình ăn chớ có kêu họ ăn đâu mà họ sợ.

Chị Huyền cười:
-Mỗi nước có luật lệ riêng mẹ à. Thôi thì nhập gia tùy tục mà mẹ.

Tối đó mâm cơm có tới 6 món, những gì được Khanh cho biết là không thể mang theo, mẹ đã nấu hết. Mẹ sớt một nửa thức ăn sai chị Huyền mang qua biếu vợ chồng bác Bốn nhà kế bên, mẹ nói con cái họ đi làm ăn xa lâu lâu mới về nên có gì ngon mẹ cũng chia sẻ cho có tình làng nghĩa xóm. Lúc ăn tráng miệng, Khanh ngập ngừng:
-Mẹ và chị nghĩ sao nếu con ...

-Lấy vợ chứ gì?

-Ủa, sao chị biết?

-Mấy ngày nay mặt mày tươi rói, bây giờ lại ấp a ấp úng kiểu đó ai mà không biết. Cậu có ai rồi khai mau mau để chị tính cho.

Mẹ đập mạnh vào vai chị Huyền:
-Cái cô này. Con trai mẹ yêu ai cứ chọn người đó làm vợ. Mẹ muốn thấy con hạnh phúc. Tuổi này sống một mình không tốt đâu con. Cô ấy ở đâu? Bên này hay bên kia?

-Cô ấy là bạn học cũ con vừa gặp lại.

Chị Huyền xưa nay vẫn được tiếng là nhu mì, điềm đạm thế mà bây giờ cứ nhao nhao như cô gái mới lớn:
-Cô nào? Chị có biết không? Bạn học cũ chắc là đã có lần tới nhà mình chơi rồi. Tên gì?

-Chị không biết đâu, cô này là bạn học từ nhỏ. Bửa nào thuận tiện em sẽ đưa cô ấy về…

-…. Ra mắt mẹ chớ gì, mẹ ơi, mẹ sắp có con dâu mới rồi. Vậy mà mẹ cứ lo em con ế vợ.

Mẹ lại đập mạnh vào lưng chị Huyền:
-Cái cô này, mẹ lo hồi nào? Con trai mẹ cao ráo, đẹp trai, nghề nghiệp ổn định như vậy mà ế vợ thì chắc đàn ông trên thế giới này ế hết. Ủa, cô ấy bao nhiêu tuổi mà chưa lập gia đình?

Khanh hơi bối rối, giọng nói tự nhiên trầm và chậm lại:
-Thưa mẹ, chồng qua đời đã hơn 10 năm, hiện cô ấy đang sống với con gái.

Mẹ ra chiều suy tư, Khanh trấn an:
-Mẹ đừng lo, cô ấy không đẹp nhưng có duyên và trẻ hơn tuổi thật rất nhiều. Cô ấy đứng đắn và đảm đang lắm, cô con gái thì học giỏi và rất ngoan. Mẹ ơi, con cũng đã trải qua một đời vợ, cũng có một đứa con trai mà.

Tối hôm đó giấc ngủ của mẹ không yên, vui buồn lẫn lộn, suy nghĩ lung tung , hình dung ra đủ thứ. Nhưng người con trai của mẹ thì ngủ ngon lành như một cậu học trò vừa kết thúc kỳ thi tuyển vào lớp Đệ Thất trường công mà cậu biết chắc cả 2 môn chính là Văn và Toán cậu đều “trúng tủ”.
...

Bửa cơm chiều nay được xem như “tiệc chia tay” với mẹ con Kim Chung. Khi ngồi uống trà ngoài hiên Khanh nói:
-Anh sẽ thu xếp công việc để lần tới có nhiều thời gian hơn với em.

Cô con gái Kim Chung thò đầu ra:
-Mẹ, mẹ, có bác tổ trưởng tới thu tiền quỹ sinh hoạt hàng năm của câu lạc bộ gì đó….mẹ vô tiếp chuyện đi.

Cô bé ngồi xuống khi thấy mẹ bắt đầu nói chuyện với khách. Cô nhìn Khanh định nói gì đó nhưng khựng lại khi nghe tiếng mẹ “dạ, dạ…chị về, dạ.. dạ.. chào chị….”

Khi vừa nhìn thấy vẻ mặt lúng túng của con, Kim Chung chận đầu:
-Hai bác cháu nói xấu người vắng mặt là không tốt đâu …
-Tiếc là người vắng mặt không có gì xấu để nói nên bác cháu tôi đang lâm vào cảnh thất nghiệp, phải không con?
-Con đã tìm được việc rồi, thôi con xin phép đi làm đây.

Khanh ngạc nhiên:
-Làm gì?

-Làm mướn, nói đúng hơn là đọc mướn. Con sẽ đọc tiếp cuốn Lưu Bút Ngày Xanh để hầu bác mẹ như đã hẹn lần trước.

Kim Chung cầm bình “để em châm thêm trà”, Khanh cũng đứng lên “để anh pha cà phê.” Khi cả hai đứng trong gian bếp nhỏ Khanh cảm nhận được sự ấm cúng của một gia đình riêng cũng như thấy rõ là mình đang hạnh phúc, thật sự hạnh phúc. Bất giác anh mỉm cười.

-Mời quý thính giả an tọa để buổi “đọc truyện” được thành công mỹ mãn. Kỳ trước con đọc tới đâu hả mẹ? À, có cái que cà rem kẹp làm dấu đây rồi. Tiếp theo là một cô nàng đơn giản vì nàng chỉ viết ngắn gọn: Hè về, chia tay, hẹn gặp ở năm học mới. Bây giờ tới ai đây, chắc là hậu duệ của Xuân Diệu nên có ngay 2 câu thơ mở đầu:

Hè về phượng nở ve kêu,
Xa trường xa bạn lòng hiu hiu buồn.

Nghỉ hè…và chúng ta sẽ gặp lại khi “hàng năm cứ vào cuối thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc…..” Chép tặng Kim Chung nhạc phẩm Khúc Ca Mùa Hè để nhớ mãi màn hợp ca của lớp mình trong đêm văn nghệ Mừng Xuân.

Về đây ta lắng nghe muôn cung đàn,
Đường tơ tha thiết vương hương nồng nàn
Về đây nghe bao câu hát du dương mơ màng…
và về đây tắm ánh nắng trong huy hoàng.
Khúc ca mùa hè…
...
Ta lắng lắng nghe. Nhạc đón yêu thương về,
Một mùa đầy hoa ngát hương.

-Bác ơi, bài này hay lắm, thỉnh thoảng con có nghe mẹ hát.

Kim Chung ngậm ngùi:
-Đây là một trong những bài hát hay nhất nói về mùa hè. Mỗi khi nghe bài hát này em cứ ngỡ như mọi chuyện chỉ là “mới đây thôi” thế mà bây giờ tất cả chúng ta đều…

Khanh ngồi im, nghe lòng mình bồi hồi. Cô con gái nói lớn:
-Quí thính giả có muốn biết tác giả của trang lưu bút này không? Chàng họ Lương nhưng không phải là người yêu của Chúc Anh Đài.

-Lương văn Sửu.

-Ủa, sao bác nhớ?

Quên sao được kỳ thi văn nghệ toàn trường nhân dịp xuân về năm đó. Khanh nhớ trường ra qui định mỗi lớp phải tham gia 3 tiết mục: đơn ca, hợp ca và hoạt cảnh hoặc múa. Ngọc Nga là giọng ca vàng của lớp được chọn đơn ca bài Hoa Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy, 15 trò có giọng kha khá, trong số đó có Kim Chung và Khanh, hợp ca bài Khúc Ca Mùa Hè của nhạc sĩ Canh Thân.
Hoạt cảnh Tía Em Má Em ban đầu có chút rắc rối vì thằng Sửu xung phong đóng vai “tía em” mặc dù không có chân trong ban văn nghệ. Nó được giao nhiệm vụ chép bài hát Khúc Ca Mùa Hè thành 15 bản, phát cho ban hợp ca mỗi trò 1 bản để học cho thuộc lời. Khi anh trưởng ban văn nghệ chỉ tay vào mấy trò con gái thì trò nào nấy đều lắc đầu từ chối đóng vai “má em”.

Trò thì nói mình đã ở trong ban hợp ca, trò thì nói mình đã lãnh phần lo trang điểm cho các “nữ ca sĩ” thì làm sao đóng hoạt cảnh được. Anh trưởng ban văn nghệ thừa biết mấy đứa con gái chê thằng Sửu cục mịch, xấu trai, nhà quê nên không muốn đóng cặp với nó, mà có lẽ sợ nhứt là cái màn “cắp đôi” chắc chắn sẽ hình thành sau cuộc thi. Thu xếp hoài vẫn không tìm ra “diễn viên” đóng vai “má em”, anh trưởng ban lo lắm. Anh đổ quạu nói không ai chịu đóng thì coi như bỏ luôn màn hoạt cảnh, coi như chịu thua mấy lớp khác.
Mấy đứa con gái cảm thấy bối rối nhưng cứ nhìn mặt thằng Sửu là hình như đứa nào cũng thầm nhủ”thua thì thua, đứng chót cũng được”.

Đang lúc dầu sôi lửa bỏng thì con Nếp xuất hiện. Nó cũng không có chân trong ban văn nghệ, chẳng qua nó tới là để nộp tờ giấy chép phạt về cái tội nói chuyện trong lớp. Thằng Sửu chỉ tay vào con Nếp:
-Thưa cô, cho trò Nếp làm “má em” đi cô.

Con Nếp chưng hửng:
-Tui đi nộp chép phạt mắc mớ gì khi không trò biểu tui làm má trò?

Mọi người được một trận cười thỏa thích. Cả cô giáo lẫn anh trưởng ban đều cùng phán hai tiếng y chang như có ai sắp sẵn trong miệng:
-Đúng rồi!
...

Đêm thi bắt đầu lúc 6 giờ nhưng mới 5 giờ trong sân trường đã đông nghẹt vì ngoài học sinh của trường còn có nhiều học sinh các trường khác đi “coi ké”. Kết quả lớp Đệ Ngũ A1 đoạt giải nhất tiết mục đơn ca, giải nhất hợp ca Xuân và Tuổi Trẻ về tay lớp Đệ Tứ B2 còn lớp Khanh chiến thắng với hoạt cảnh Tía Em Má Em. Nhiều dư luận cho rằng màn hợp ca của lớp Khanh rất hay vì có đoạn hát bè, có đoạn hát đuổi khá sinh động nhưng không được giải vì đã không đáp đúng tiêu chí của cuộc thi.

Cũng phải thôi, ai đời văn nghệ Mừng Xuân, chủ đề rành rành vậy mà đi hát bài nói về mùa hè, hát có hay mấy thì cũng là hay theo kiểu làm luận bị thầy cô phê “văn gãy gọn, súc tích nhưng….lạc đề.” Khanh nhớ nhất là lúc thằng Sửu, đại diện cho lớp có tiết mục đoạt giải, oai phong bước lên sân khấu lãnh thưởng. Nó bận cái áo bà ba nâu, đầu chít khăn vai vác cuốc, hình ành người nông dân thiệt thà, chân chất khiến cả hội trường vỗ tay không ngớt. Con Nếp đứng lấp ló sau cánh gà cũng được kêu ra cho đủ đôi đủ cặp.

Con Nếp đầu đội cái nón lá cũ mèm, tay cắp cái thúng, hai đứa cuối đầu chào khán giả. Trời ơi! y chang vợ chồng nhà nông thứ thiệt, tiếng vỗ tay vang lên như tiếng pháo nổ trong đêm giao thừa.

Ngày hôm sau cả lớp không thấy con Nếp đi học. Số là theo kịch bản, khi nghe hát câu “tía em hừng đông đi cày bừa” thì thằng Sửu vác cuốc đi ra, đến câu “má em hừng đông đi cày bừa” thì con Nếp ở bên phía đối diện bưng thúng đi ra. Đến câu “tía em là một người nông dân” thì thằng Sửu làm động tác khom người cuốc xuống đất (giả bộ) , khi hát tới câu “má em là một người nông dân” thì con Nếp bốc một nắm lúa rải xuống ruộng (giả bộ) ……tới câu “cùng sống trên đồng bao la” thì cả hai vợ chồng (giả bộ) cùng vung nhẹ một tay lên bầu trời, ý nói cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc.
Khi cuốc xuống đất, tức là cuốc xuống sàn sân khấu, thằng Sửu cuốc trúng chân con Nếp. Lúc đó con Nếp chỉ cảm thấy ê ê, về nhà tắm rửa thì thấy chổ mu bàn chân có chút xíu máu.

Con Nếp đi ngủ trong niềm hân hoan chiến thắng nên một chút máu rỉ ra thì ăn chung gì. Từ nay trở đi nó có quyền ngẩn mặt lên rồi. Nó biết mình bị coi thường, bị chê cười vì bạn bè trong lớp cho rằng nó là đứa đã lùn đã xấu lại còn học dốt.

Nó nghĩ con người ta được cái này mất cái kia, dở môn này giỏi môn khác, làm gì có trò nào vừa học giỏi vừa xinh đẹp lại vừa có tài. Giả tỉ nếu có thì thử hỏi khi được giao đóng vai “má em” chắc gì đã đoạt giải nhứt như nó. Đó, cứ nhìn một bầy tiên nữ trong hoạt cảnh Thiên Thai của lớp Đệ Ngũ A2 là biết liền. Trò nào trò nấy xinh như hoa (có xinh mới được chọn đóng vai tiên nữ chứ) yểu điệu bước ra sân khấu múa theo tiếng nhạc du dương, còn hai chàng Lưu-Nguyễn thì cao ráo trắng trẻo bận đồ như mấy tay công tử phong lưu mà có được giải gì đâu. Giờ đây lớp nó được nở mày nở mặt cũng là do tài năng của nó chớ bộ.

Đêm đó con Nếp nằm mơ thấy khi đi ra đường có nhiều người nhìn nó với ánh mắt ngưỡng mộ, có người vẫy tay cười chào, có cả đám con nít chạy theo sau nữa, à…thì ra người ta đang săn đón nữ “minh tinh màn bạc” ấy mà ...


Sáng hôm sau con Nếp không thể ra khỏi giường, nó bị sốt nặng, còn bàn chân thì sưng vù. Bà Chín mẹ con Nếp gặng hỏi nó thiệt thà khai là do thằng Sửu cuốc trúng lúc diễn hoạt cảnh dự thi văn nghệ. Bà nổi xung điên định chạy qua nhà thằng Sửu nhưng sực nhớ giờ này nó đang ở trường nên bà đổi hướng chạy ngược về phía nhà ông Bảy y tá. Mấy phút sau ông Bảy y tá qua, ông nói cái chân bị nhiễm trùng làm độc. Ông kêu bà Chín rửa sạch vết thương rồi mở túi xách lấy thuốc đỏ bôi lên, lấy bông gòn băng lại. Ông cho con Nếp uống thuốc trụ sinh và dặn nếu qua 2 ngày vết thương không xẹp thì phải đưa xuống nhà thương cho bác sĩ chữa trị, vì ông chỉ có thể giải quyết tới đó thôi.

Buổi trưa đi học về khi đi ngang qua nhà bà Chín thằng Sửu nhìn vô nhưng không thấy con Nếp đâu. Cửa vẫn mở mà sao không thấy có bóng dáng ai. Thắc mắc nhưng thằng Sửu không dám ghé vô hỏi vì nó biết bà Chín không ưa nó. Ăn cơm trưa xong nó ra trước hiên đứng ngóng, hy vọng thấy con Nếp đi ra đi vô nhưng lạ quá, bên kia vẫn im như tờ. Ngủ trưa dậy thằng Sửu ra trước hiên một lần nữa thì thấy bà Chín đang khép hai cánh cửa lớn, chắc là sắp đi đâu. Nó vội thụt vô, định chờ cho bà Chín đi rồi sẽ chạy qua gặp con Nếp, bỗng nó nghe tiếng bà Chín réo inh ỏi:
-Thằng Sửu đâu?Thằng Sửu mày ra đây cho tao…

Chưa biết đã xảy ra chuyện gì nhưng vì sợ quá nên thằng Sửu vội chạy vô buồng trốn. Má thằng Sửu nghe có tiếng réo tên con thì lật đật chạy ra, vừa thấy bà Chín má thằng Sửu đon đả:
-Chị Chín, mời chị vô chơi.

-Chơi cái nỗi gì, tui qua đây kiếm thằng con chị, tui muốn hỏi tội nó. Trời ơi, tức chết đi được…

Bà Chín lấy tay đè lên ngực, thở hổn hển:
-Thằng con chị đâu? Nó đâu? Thiệt hết ngõ nói…

Xóm nhỏ nên có động tịnh gì cả xóm đều hay. Trước hiên nhà thằng Sửu ban đầu có ba bốn người một lát sau chín mười người mà hầu hết là đàn bà và con nít. Thấy có nhiều người bu lại má thằng Sửu níu tay bà Chín dắt vô nhà:
-Chị ngồi xuống đây, uống chén trà cho khỏe rồi từ từ nói cho tui biết có chuyện gì chớ chị tức giận kiểu này chị lên tăng-xông thì khổ.

Bà Chín nghe nhắc tới tăng-xông thì có vẻ dịu xuống một chút:
-Tui hỏi chị ai đời làm văn nghệ văn gừng kiểu gì mà thằng con chị cuốc vô chưn con gái tui, bây giờ cái chưn sưng chù dù, sốt li bì nằm liệt giường phải nghỉ học. Có bị nặng ông Bảy y tá mới cho uống trụ sinh phải không chị? Ổng còn dặn nếu hai ngày không xẹp phải đưa đi nhà thương…

Nói tới nhà thương bà Chín lại đưa tay vuốt ngực, lại lên hơi ngắn hơi dài như thể sắp tắt thở. Má thằng Sửu đặt chén nước vô tay bà Chín:
-Uống đi chị. Chị bình tĩnh, coi chừng…coi chừng lên máu… để tui kêu nó ra hỏi đầu đuôi coi sao.

Trong khi bà Chín uống từng ngụm nước thì má thằng Sửu cầm cái quạt giấy phe phẩy nhè nhẹ cho bà Chín mát. Hai người mẹ thì thân tình, đối xử đúng mực “bán bà con xa mua lánggiềng gần” mà không hiểu tại sao bà mẹ con Nếp lại luôn tỏ ra không ưa thằng Sửu.

Má thằng Sửu hướng vô buồng:
-Sửu, Sửu ơi, ra đây …ra đây biểu…

Thằng Sửu vừa xuất hiện bà Chín chồm tới xỉ xỉ ngón tay vô mặt nó, may phước là nó đứng hơi xa chứ nếu đứng gần chắc lủng trán quá:
-Thằng kia, mày hát múa kiểu gì lại làm hại con người ta?

Nãy giờ đứng trong buồng thằng Sửu đã nghe đầu đuôi câu chuyện nên nó thưa liền:
-Dạ con không cố ý, con được phân công đóng vai “tía” đi cày ruộng, trò Nếp đóng vai “má” đi gieo mạ, chỉ tại cái dù của
cô giáo…

Bà Chín nổi nóng, bà quay qua má thằng Sửu:
-Chị hiểu không? Chớ tui thì tui chịu thua. Nó cuốc trúng chưn con tui rồi nó nói tại cái dù của cô giáo. Cái dù biết cuốc sao? Cái dù cuốc rách thịt được sao? Mày nói tao không hiểu gì hết. Vô lý! Vô lý! Hay là mày định vòng vo tam quốc để dễ bề chạy tội hả..hả…thằng kia?

-Má cũng không biết tại sao lại có chuyện cái dù ở đây mà lại là cái dù của cô giáo. Con nói rõ cho thím Chín với má nghe coi.

Có tiếng lao xao ngoài cửa:
-Phải rồi, làm sao mà lại có chuyện cái dù cuốc cái chưn được.

Một người lên tiếng:
-Mấy bà biết gì mà xía vô. Im để nghe coi….Mệt mấy bà quá, đã chen lấn còn ý kiến ý cò.

Bà già cuối xóm bán trầu ở chợ chồm hổm được dân trong xóm kêu là bà Hai Trầu nạt cô gái đang cố len về phía trước:
-Năm Phèn, mày dòm cái bộ dạng của mày đi. Trời ơi, đang nằm võng tòn teng ru con mà cũng tha thằng nhỏ như mèo tha dưa cải ba chưn bốn cẳng chạy qua đây. Đầu tóc xổ ra bú xù như bị gà bới, vú bọ lòng thòng như mấy bà có con đàn con đống. Thằng nhỏ thì ngủ gà ngủ gật mũi dãi xanh lè vậy mà không hay không biết, cứ nghe có gì là chạy đi coi bất kể lúc con đang ngủ, mày thiệt đúng là …

-Tui đúng là gì bà nói thử coi. Bà nói hễ nghe có chuyện là chạy đi coi ý bà nói tui là đứa hóng chuyện, là đứa nhiều chuyện chớ gì? Vậy bà đứng đây làm gì? Bà không ba chưn bốn cẳng chạy thì thử hỏi làm sao bà có mặt ở đây trước tui? Bà đừng ỷ lớn rồi muốn nói sao thì nói…

Có tiếng can gián:
-Thôi, con Năm Phèn im đi. Mày đáng tuổi con tuổi cháu mà nói xấm xi xấm xát như vậy là quá hỗn. Hồi nhỏ mày bị đau ban cua chính bà Hai Trầu chạy đi hái lá thuốc về nấu cho mày uống chớ ai. Ơn cứu mạng còn rành rành đó mà mày trả treo không chút nể nang người lớn tuổi, tao cũng như bà con ở đây nghe không lọt lỗ tai chút nào.
-Thôi, thôi…tui xin mấy bà. Chòm xóm tối lửa tắt đèn có nhau, đừng nói qua nói lại nữa, để nghe thử thằng Sửu nói gì.


Thì ra chuyện “cái dù cuốc cái chưn” đầu đuôi là như vầy: Khi tập hoạt cảnh vì không có cuốc, không có thúng nên Kim Chung lấy cái nón lá của một chị ngồi bàn cuối để con Nếp giả làm cái thúng đựng lúa. Con Nếp nói cứ tập đỡ rồi tới ngày diễn chính thức nó sẽ mượn thúng của dì Tư nó. Dì Tư con Nếp nuôi heo nên thúng lớn thúng nhỏ để đựng cám có nhiều, tha hồ chọn lựa. Anh trưởng ban lanh trí mượn cái dù của cô giáo cho thằng Sửu giả làm cây cuốc cầm cho quen tay, tập các động tác nhà nông sẽ mau nhuyễn hơn.

Giờ học cuối thường được nghỉ để tập văn nghệ, bàn của thầy cô được khiêng xuống để lấy cái bục làm sân khấu. Sau một tuần tập tành chăm chỉ cả 3 tiết mục coi như đã xong, rồi đêm thi cũng đến trong sự hồi hộp của cả lớp. Lúc tập trung để hóa trang, vừa chít cái khăn rách lên đầu thằng Sửu mới sực nhớ
nó không có cuốc. Trời ơi, nông dân mà không có cây cuốc thì ...Thằng Sửu quýnh lên, anh trưởng ban lại lanh trí (vậy mới được bầu làm trưởng ban) chạy ra nhà ông cai phía sau trường. Vợ ông cai sốt sắng đưa cây cuốc nhưng cứ dặn tới dặn lui là diễn xong phải trả lại ngay để sáng sớm bác cai cuốc đất trồng mấy luống hoa đón Tết theo lệnh của thầy giám học. Tới màn Tía Em Má Em thằng Sửu vác cuốc ra sân khấu nhưng khốn nổi lúc tập là cây cuốc giả, tức là cây dù của cô giáo, nhẹ hều còn khi diễn lại là cây cuốc thiệt của ông cai nên nặng trịch. Thằng Sửu cứ cuốc.. cuốc….cuốc theo nhịp điệu của bài hát chứ không thể điều khiển cái cuốc như lúc điều khiển cái dù.

Thằng Sửu lùn, cái cuốc đã dài lại nặng nên nó cuốc trúng chân con Nếp cũng….phải thôi và chuyện mẹ con Nếp qua nhà má thằng Sửu mắng vốn cũng …..phải thôi, có bà mẹ nào lại không xót con?

Khanh cười:
-Lớp mình hồi đó có nhiều chuyện tức cười ghê. Ước gì được gặp lại tất cả.

-A lô, a lô…xin chú ý, chú ý. Trang tiếp theo được viết bằng mực tím, chữ đẹp lắm. Tác giả tên Lam Ngân, nàng không than thở “phượng nở ve kêu” mà chỉ chép bài hát Bướm Hoa và một bài thơ như sau:

NGHỈ HÈ
Kỳ nghỉ hè,
Ta về quê.
Nhà ta ở mé bờ đê.
…….
…….
Khi thư thả ta ra đê,
Đi thả bê nghĩ mà thú.


Kim Chung cười:
-Con ơi, đó là bài học thuộc lòng của những năm tiểu học.

-Bài này mình học từ hồi nhỏ, mộc mạc dễ thương quá. Chắc Lam Ngân thích lắm mới chọn để ghi vào lưu bút cho em. Tiếp theo là gì hả con?

-Trang này chỉ có hai chữ: TẠM BIỆT rồi ký nhưng không đề tên.

-Ai vậy? Em có nhớ của ai không?

Kim Chung chồm người qua song cửa sổ:
-Con đưa mẹ coi nét chữ.

Chữ “ tạm biệt” được viết theo lối chữ in, còn chữ ký thì như mấy con trùn nhỏ đang quấn nhau nên không thể đoán được tên là gì. Kim Chung cố nghĩ, lần lượt từng khuôn mặt hiện ra nhưng cuối cùng cũng không tìm ra tác giả. Nàng nhìn Khanh:
-Không làm sao biết được, thiệt là ác.

-Hồi đó ai cũng có một quyển lưu bút hả mẹ?

-Không phải đâu, như bác Khanh đây làm gì có.

Khanh chồm người nháy mắt với cô gái:
-Con ơi, hồi đó con trai không có sắm lưu bút mà nếu có thì cũng chỉ là một cuốn sổ nhỏ gọn thôi. Chỉ có con gái mới bỏ công trang trí thật đẹp, cất giữ cẩn thận như là báu vật, có cô đến ngày lấy chồng còn ráng mang theo….

Kim Chung níu tay áo Khanh giật nhẹ:
-Anh ơi, đừng nói lung tung nữa. Con đọc tiếp đi.

-Trang tiếp theo có hình, cu cậu này khá đẹp trai, nhưng sao mặt sau của tấm ảnh có gì lộm cộm.

Kim Chung vỗ tay reo:
-Biết rồi, biết rồi. Chắc chắn là anh chàng này đã lấy cơm nguội để dán hình.

-Cơm nguội? Cơm nguội làm sao dán hả mẹ?

Hình ảnh ngón tay trỏ đè bẹp hột cơm nguội khiến Kim Chung và Khanh cùng cười lớn. Cô con gái thắc mắc:
-Hồi đó người ta dán mọi thứ bằng cơm nguội sao?

Kim Chung sặc sụa:
-Không phải. Ở các hiệu sách có bán hộp hồ nhưng nếu để lâu ngày sẽ bị bốc mùi hôi lắm mà có khi còn bị khô cứng không dùng được nên muốn dán gì người ta lấy một chút bột khuấy thành hồ sền sệt nhưng ai làm biếng thì cứ….. mở vung lấy vài hột cơm nguội, lựa hột nào mềm mềm là xong. Anh có nhớ lứa tuổi mấy anh chị lớn hơn mình họ thường dán gì không?

-Bì thư.

-Chính xác. Họ viết thư bỏ vô phong bì, mỗi mép bì thư một hột cơm nguội. Nhưng tới thời của mình thì tiến bộ hơn, đã có sẵn một lớp keo mỏng nên chỉ cần…

-Le lưỡi liếm. Khanh nhanh nhẩu đáp
.
-Chính xác. Kim Chung nhanh nhẩu tán thành.

Cô gái cầm cuốn lưu bút lật qua lật lại ngắm tới ngắm lui.
Cô nhận xét:
-Lấy cơm nguội dán hèn chi quyển Lưu Bút bị chuột gặm gián nhắm quá trời. Còn anh chàng trong ảnh coi bộ thuộc loại đẹp trai, con nhà giàu nhưng không biết có học giỏi không. Chàng tên Bùi Đăng Khôi.

Kim Chung lại reo lên:
-Alain Delon.

Cô gái nhỏ hào hứng:
-Nam tài tử lừng danh của Pháp viết bằng tiếng Việt (dĩ nhiên) như sau: Năm học trôi qua nhanh quá phải không? Chúc Kim Chung có một mùa hè tươi vui. Mẹ ơi, chàng chép tặng bài Trường Làng Tôi, ghi nhạc và lời của Phạm Trọng.

Khanh nói:
-Phạm Trọng là nhạc sĩ Phạm Trọng Cầu đó con.

Kim Chung nhìn Khanh dò xét:
-Chắc anh không biết tại sao năm Đệ Ngũ anh chàng Đăng Khôi lại được gọi là Alain Delon phải không?

-Sao không? Tại thằng khỉ đó khá đẹp trai lại thêm cặp mắt đa tình ai mà không biết.

-Vậy là anh không biết thiệt rồi. Chuyện đẹp trai không dính dáng gì tới Alain Delon. Anh còn nhớ anh Phùng ngồi ở bàn chót không? Anh Phùng già nhất lớp đó.

Khanh gật gù, anh mường tượng ra khuôn mặt hiền lành, dáng dấp thô ráp của anh lớp trưởng.
Sau chiến tranh khi các thanh thiếu niên đi học trở lại thì đã bị trễ nên cha mẹ thường làm giấy khai sinh bớt một hai năm so với tuổi thật. Anh Phùng lớp trưởng thuộc thành phần “khai trụt” mà lại “trụt” tới 4 tuổi nên lũ “quỉ nhỏ” hè nhau gọi anh là bác Ba Phùng. Chúng luôn nhớ đến anh mỗi khi có việc cần nhờ vả, từ việc nặng đến việc nhẹ của lớp chúng đều khéo léo dồn hết cho ‘bác Ba”. Anh Phùng biết nhưng so với anh thì dù sao đó cũng chỉ là một lũ “hỉ mũi chưa sạch” nên anh không thèm chấp nhứt làm gì. Hơn nữa “làm lớn thì phải làm láo” chứ. Lớp trưởng mà!

Năm Đệ Ngũ trước kỳ thi Đệ nhất Lục-Cá-Nguyệt thầy hướng dẫn vào lớp, theo sau là một cô gái rất xinh. Thầy giới thiệu cô tên Ánh Dung, là học sinh từ tỉnh khác vừa xin chuyển trường. Ánh Dung được xếp ngồi cạnh Kim Chung và Ngọc Hân, ba cô gái làm quen một cách nhanh chóng dẫu cũng có chút e thẹn, dè dặt. Giờ ra chơi anh Phùng tới bàn Kim Chung, anh nói nhỏ gì đó với cô học trò mới rồi hai người dắt nhau ra khỏi lớp trước sự ngạc nhiên xen lẫn chút ganh tỵ của đám con trai. Thì ra Ánh Dung là em họ của anh Phùng. Thế là lũ tiểu yêu bắt đầu thay đổi chiến thuật. Chúng không kết thành một bè để gọi anh là “bác Ba” nữa mà chúng rã đám, từng đứa một theo cách riêng của mình tìm cách lấy lòng anh Phùng mà giờ đây đã được chúng gọi là anh lớp trưởng đáng kính.

Anh chàng Bùi Đăng Khôi là người có cơ hội “khắn khít” với anh lớp trưởng sớm nhất. Hồi trước mỗi lần được nghỉ hai giờ cuối Đăng Khôi thường không về nhà ngay mà còn theo bạn bè đi long nhong, khi thì xuống biển tắm, khi thì vô sân vận động đá banh. Anh Phùng rủ đi về chung, vì hai nhà gần nhau, thì mười lần như chục Đăng Khôi đều nói “anh về trước đi”.
Anh Phùng sợ nó đi bơi rồi chẳng may nói dại nó chết đuối thì anh biết ăn nói sao với cha mẹ nó khi mà họ cứ nhắc đi nhắc lại “Phùng ơi, con lớn tuổi hơn, con coi nó như em ruột mà chăm sóc, bảo ban giùm hai bác. Nó làm gì bậy con rầy la không được thì cứ về méc lại, bác trai sẽ cho nó một trận nhớ đời”.

Khi không mà anh lớp trưởng được giao cho nhiệm vụ “giữ trẻ” kiêm “báo cáo viên.” Khổ thân cho anh con trai ở huyện, cả cái thị xã rộng mênh mông thiếu gì chỗ không thuê lại thuê ngay cái nhà trọ gần nhà cái thằng ham chơi kia. Ấy vậy mà mọi chuyện thay đổi cái rột kể từ khi cha mẹ Ánh Dung gởi con ở tạm với anh Phùng trong thời gian chờ gia đình thu xếp xong công việc.

Từ đó cứ mỗi lần tan học anh Phùng đi về là Đăng Khôi cũng đi về. Anh hỏi nó sao không đi theo mấy đứa bạn, nó nhỏ nhẹ đáp “em sợ ba má la.”
Mô Phật, thằng này biết sợ cha sợ mẹ hồi nào vậy? Lúc về tới nhà anh nó còn đứng tần ngần không chịu đi tiếp, anh chào “thôi, anh vô nhà đây” thì nó làm như không nghe thấy, anh hơi ngạc nhiên định hỏi thì nó ngập ngừng:
-Anh Phùng này…

-Gì?

-Tối nay anh có rảnh không?

-Chi?

-Em muốn qua nhà nhờ anh giải giùm em bài đại số.

Mô Phật, thằng này sao siêng học đột xuất vậy? Anh Phùng chưa hiểu ngay vấn đề, phải đợi đến khi Ánh Dung thò đầu ra kêu “anh ơi, sao còn đứng ngoài đó…” và ánh mắt của thằng tiểu yêu long lanh hơn thì anh “ngộ”.

Kể từ khi về chung với nhau lần nào Đăng Khôi cũng nán lại nói mấy câu và thường xuyên qua nhà nhờ anh lớp trưởng chỉ bài. Bài nào chưa hiểu thì hỏi tận tường cho tới khi hiểu thấu đáo, bài nào ở lớp thầy cô giảng đã hiểu rồi thì cũng nhờ giảng lại cho “chắc ăn” và anh lớp trưởng tự nhiên có thêm một nhiệm vụ nữa là “dạy kèm” cho nó.
Cha mẹ thấy thằng con bỗng dưng siêng học, bỗng dưng nghe lời anh Phùng, bỗng dưng không đi theo lũ bạn nữa thì mừng lắm. Từ đó nhà có nấu món gì ngon mẹ Đăng Khôi đều sai chị giúp việc mang qua biếu anh Phùng, coi như một cách hậu tạ.

Vừa xong kỳ thi Đệ Nhất Lục-Cá-Nguyệt thì anh Phùng nhận được điện tín của chú Tư, tức ba của Ánh Dung, ông cho biết chủ nhựt sẽ vào thăm. Buổi sáng hai anh em dậy sớm hơn thường lệ để dọn dẹp nhà cửa. Khoảng 4 giờ chiều một chiếc Traction đen ngừng trước nhà, chú Tư oai vệ bước vô, một tay xách cặp tay kia xách một giỏ đồ, khi lục ra thì toàn là thức ăn của thím Tư làm cho hai anh em gọi là bồi bổ thêm cho có sức mà học. Tối đó sau giờ cơm chú Tư hỏi chuyện học hành của con, ông kêu con đưa sách vở cho ông xem.

Khi cầm đến cuốn Văn phạm tiếng Anh ông lật qua lật lại, một tờ giấy màu hồng rơi ra. Trên tờ giấy mỏng người ta thường dùng để viết thư được gọi là tờ “pơ luya” đó có một bài thơ ngắn với tựa đề là Đóa Hồng Nhỏ, bên góc trái bài thơ được trang trí thêm hai chữ AD. Chỉ cần đọc sơ qua ba của Ánh Dung thừa biết Đóa Hồng Nhỏ là ai, còn “thi sĩ” đích thị chỉ là một thằng ranh con.
Ông gạn hỏi nhưng Ánh Dung nước mắt ngắn nước mắt dài thề thốt là không biết gì về tờ giấy đó. Anh Phùng được kêu ra, anh cũng không biết gì nhưng khi nhìn qua nét chữ thì anh biết ngay tác giả là thằng học trò bất đắc dĩ của mình. Tai họa tới rồi! Anh thầm kêu lên. Chỉ qua vài câu tra vấn của ba Ánh Dung anh Phùng hiền như củ khoai, hiền như cục đất kia bỗng dưng phải nhận nhiệm vụ của tay “chỉ điểm” nghĩa là anh phải khai báo đầy đủ tên tuổi, địa chỉ của tên tội đồ. Thật tội nghiệp cho anh lớp trưởng!

Sau bữa cơm chiều khi ba Đăng Khôi đang ngồi đọc báo ở phòng khách thì anh Phùng bước vô, cả nhà vừa định chào đón anh thì vội khựng lại vì anh không đi một mình. Anh lễ phép chào ba má Đăng Khôi và giới thiệu người đàn ông đi cùng là chú Tư của anh, là ba của Ánh Dung. Ông Trịnh, phụ thân của tác giả bài thơ Đóa Hồng Nhỏ, mời hai chú cháu ngồi còn bà Trịnh thì vội xin phép xuống bếp pha trà. Sau khi hai đấng sinh thành trao đổi nội dung của câu chuyện, Đăng Khôi được kêu ra trình diện. Khoanh tay, cúi đầu nó lí nhí thưa là sau ngày 23 đưa ông Táo về trời mẹ nó sai mang đồ về biếu nhà ngoại để bà ngoại cúng kính trong ba bữa Tết. Buổi chiều ra sân hóng gió khi thấy mấy bụi hồng trong sân đẹp quá nên nó đã sáng tác bài thơ đó.

Thiên địa quỉ thần ơi, anh Phùng kêu thầm, lần đó có anh cùng đi, hai anh em ở lại 2 ngày phụ nấu bánh tét với mấy bà dì nên anh biết chắc nhà bà ngoại thằng này không có trồng hoa hồng. Anh nhớ như in là sân trước có hai hàng cau, sân sau có mấy bụi chuối, một cây bưởi, một cây mít và một cái chuồng gà, hồng ở đâu mà hồng, đúng là cái thằng ba xạo.

Khi được hỏi tại sao lại để bài thơ trong sách của Ánh Dung thì nó thưa trước ngày thi nó qua ôn môn Toán và muốn khoe với anh Phùng bài thơ đó nhưng vừa định đưa thì anh Phùng bắt nó học liền nên nó kẹp đại vô một cuốn sách để trên bàn, nó nghĩ ôn bài xong rồi đưa cho anh Phùng đọc cũng được nhưng …… nhiều bài quá nên nó quên luôn chớ không phải nó gởi cho Ánh Dung. Nó thề là đã nói đúng sự thật.

Ba của Ánh Dung đưa tờ giấy có chép bài thơ ra cho ông Trịnh xem, ông Trịnh ngao ngán nhìn thằng con, trời ơi, học không lo mà lo làm thơ. Khi ông hỏi hai chữ AD có nghĩa là gì, viết tắt tên ai thì nó lúng túng, bắt đầu cà lăm:
-Dạ…dạ…

Ông Trịnh nổi trận lôi đình:
-Tên ai?

-Dạ….dạ …tên….tên…. Alain Delon.

Ba của Ánh Dung ngơ ngác:
-Alain Delon? Đây là tên của một ngôi sao màn bạc nổi danh mà.

Người này ở tận bên trời Tây thì dính dáng gì tới bài thơ này. Ông Trịnh quắt mắt:
-Nói! Nói mau. Alain Delon thì dính dáng gì tới bài thơ này?

Đăng Khôi hết gãi đầu rồi lại gãi tai:
-Dạ…dạ…tại con hâm mộ tài tử Alain Delon nên viết tắt tên anh ấy và lấy đó làm bút hiệu của con …. giống như….giống như… thời của Tự Lực Văn Đoàn có… TTKH vậy.

Hai đấng sinh thành không nói gì, chỉ biết nhìn nhau. Sau vài câu xã giao ông Trịnh xin lỗi vì đã để cho con làm phiền tới người lớn, còn ba Ánh Dung thì xin lỗi đã làm mất thì giờ của cả gia đình, hai người đàn ông bắt tay và cúi đầu chào nhau rất lịch sự. Về phần anh Phùng thì anh tự nhủ từ nay sẽ không dám nhận “dạy” cho cái thằng mồm mép này nữa bởi khi cái tên Alain Delon vừa thoát ra khỏi miệng nó thì anh đã tôn nó lên bậc “thầy” rồi.

Trước khi ra về ba Ánh Dung quay nhìn Đăng Khôi:
-Các cháu còn nhỏ nên để tâm vào chuyện học hành.

Đăng Khôi khoanh tay lễ phép đáp:
-Dạ.

Tiễn khách xong ông Trịnh trở vô, bà Trịnh nhìn cây roi mây vẫn thường được gác trên nóc tủ mà run bần bật, bà nghĩ thằng con trai yêu quí của bà chắc chắn sẽ ăn một trận đòn nhừ tử nhưng lạ chưa, ông Trịnh chỉ nói võn vẹn một câu: “năm nay con đã lớn ba để con tự suy nghĩ” rồi ông lẵng lặng về phòng.

Bà Trịnh thở phào. Bà nhìn thằng con từ đầu đến chân, hình như nó đã cao hơn trước rất nhiều, bỗng mếu máo:
-Con ơi, ba con không đánh con nữa tức là con phải hiểu…phải hiểu nghe con….Trời ơi, năm nào cũng gây ra chuyện thì khổ cho cha mẹ quá. Đệ Thất thì theo mấy đứa hàng xóm vô chùa Long Khánh hái trộm mận bị mấy sư bắt trói vô gốc cây, Đệ Lục thì theo bạn bè trong lớp vô tận Khu 6 nhổ trộm củ sắn bị rượt chạy vấp té u đầu; năm nay không theo ai mà một mình làm thơ thì bị người ta tới tận nhà mắng vốn….con ơi là con ơi!

Hai ngày sau anh Phùng cho biết là ba Ánh Dung đã xin rút hồ sơ để gởi Ánh Dung vào trường nội trú, ngôi trường công giáo này được đặt dưới sự dạy dỗ của các “ma xơ” dòng Mến Thánh Giá . Từ đó tan trường Đăng Khôi không đi về chung với anh Phùng nữa nhưng lạ thay nó cũng không đi theo lũ bạn như ngày trước. Nó có vẻ chững chạc và ít nói hơn. Không còn qua nhà nhờ anh Phùng giảng bài nhưng kỳ thi Đệ Nhị Lục-Cá-Nguyệt môn nào nó cũng được điểm cao. Cái thằng thông minh thiệt, chỉ cần chăm chỉ một chút là nó đã giỏi như vậy mà lâu nay cứ nhờ mình dạy kèm là sao? Thật là khó hiểu. Anh lớp trưởng thấy khó hiểu là phải, anh hiền khô nên cái mục “ái tình” anh làm sao “lanh” bằng cái lũ tiểu yêu kia. Trong lớp trò nào cũng kêu anh bằng anh và xưng là em nên anh lớp trưởng không để ý đến sự thay đổi đang diễn ra từng ngày kể từ khi bước vào kỳ thi Đệ Nhị Lục-Cá-Nguyệt. Con trai con gái trong lớp không còn giữ cách xưng hô tui tui trò trò vừa “trẻ con” vừa “nhà quê” nữa. Họ gọi tên và xưng tên với nhau. Mấy cái trò chòng ghẹo thô thiển cũng dần dần biến mất, hình như ai cũng điệu đàng hơn từ cử chỉ đến lời ăn tiếng nói. Người ta sắp lên lớp Đệ Tứ rồi, sắp thành “người lớn” rồi, thiên hạ nào hay! Kể từ khi Đăng Khôi làm bài thơ Đóa Hồng Nhỏ là nó đã không còn nhỏ nữa. Khi đã biết xao xuyến trước một cô gái tức là nó sắp từ giả tuổi thơ để bắt đầu một hành trình mới. Cuộc hành trình của một thiếu niên lực tràn trề sức sống, trí đầy ắp hoài bảo, lòng ôm bao ước vọng cùng với trái tim lãng mạn kia rồi sẽ dang tay mở toang cánh cửa tương lai và những gì ngây ngô buồn cười nhưng rất đáng yêu của ngày trước rồi sẽ ở lại cùng với chiếc roi mây cha gác trên nóc tủ.
Vĩnh biệt tuổi thơ, xin vĩnh biệt!!!!.

Người ta thường nói cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, nhưng sau này dù thành đạt và dù có là tỷ phú thì “thi sĩ AD” của lớp Đệ Ngũ ngày xưa cũng không thể nào mua được tuổi thơ. Nói một cách đơn giản là chàng không bao giờ một lần nữa trong đời “được” thầy trụ trì chùa Long Khánh bắt trói dưới gốc cây mận.
…………

Con gái Kim Chung gấp cuốn Lưu Bút lại:
-Mẹ ơi, con quên nói là tối nay con có hẹn với mấy bạn đi thăm cô giáo đang nằm điều trị trong bệnh viện. Mẹ cho tiền để con mua cam biếu cô nghe mẹ.

Kim Chung đứng lên đi lấy tiền, cô gái thì thào:
-Hồi đi học mẹ con có biệt danh gì hả bác?

Khanh cũng thì thào:
-Kim Chung có nghĩa là chuông vàng nhưng mẹ con bị gọi là Chuông Rè.

-Sao vậy?

-Chuyện dài và tức cười lắm, không dám kể …

-Thôi mà, bác cháu mình cùng phe, con hứa sẽ giữ kín….

Khanh đặt ngón trỏ lên môi:
-S..u..ỵ..t….Chuông Rè ra kìa…….im …im…

Cô gái nhận tiền từ tay mẹ nhưng mắt vẫn nhìn bác Khanh. Kim Chung nhìn con rồi nhìn Khanh:
-Có chuyện gì vậy?

Cô chạy ra cửa rồi cười vang, nhái lại lời của Khanh:
-Chuyện dài và tức cười lắm, không dám kể…

Kim Chung nhìn Khanh:
-Nó sao vậy anh?

-Anh không biết, anh thực sự không biết.

-Em không tin, hai bác cháu đang nói về em chớ gì. Anh nói thật đi.

Khanh đưa tay lên trời:
-Anh không biết. Anh nói thật đấy. Xin thề….xin thề.

Khanh thấy mình “nói thật” y chang thi sĩ có bút hiệu AD của lớp Đệ Ngũ năm nào, anh nói thầm “xin lỗi em yêu, lần này thì xin thề là…anh đang nói láo”. Nói láo nhưng không sợ mang tội. Có hại gì đến ai đâu mà tội với lỗi. Khanh cười thầm.

Kim Chung cầm bình trà lên:
-Sương đêm bắt đầu rơi, mình vô phòng khách đi anh.

Khanh đặt hai tách uống trà trên bàn salon rồi đi thẳng vô bếp, sợ kiến bu nên anh rửa ngay những ly muỗng uống cà phê
lúc nãy. Khi đang lau tay anh thấy Kim Chung đang nhìn chăm chăm lên tường, dưới ánh sáng dìu dịu Khanh thấy đôi mắt nàng buồn và đẹp. Khanh đứng yên rất lâu, ngắm nhìn cái hình ảnh mà đối với anh sao cảm động quá. Tại sao lại cảm động? Khanh không biết, chỉ biết rõ là mình cảm động, thế thôi.

Khanh đến ngồi cạnh Kim Chung thì nhận ra ngay nàng đang nhìn bức ảnh treo trên tường, Khanh nhẹ nhàng hỏi:
Em đang nhớ anh Tuyên phải không?

Kim Chung đáp, cũng nhẹ nhàng:
-Em luôn luôn nhớ anh ấy. Nhớ nhiều nhất là những lúc ngắm tấm ảnh này.

-Nhìn hình anh biết anh Tuyên là một người đàn ông đĩnh đạc. Anh thực sự ngưỡng mộ.

Kim Chung mỉm cười, thoáng chút kiêu hãnh:
-Anh Tuyên sang trọng, lịch lãm và rất yêu gia đình. Em hoàn toàn hạnh phúc trong suốt thời gian được làm vợ anh ấy.

Nói đến đây tự nhiên Kim Chung bật khóc. Khanh hơi bối rối, anh cầm tay nàng:
-Anh nghĩ anh Tuyên cũng đã có những tháng ngày hạnh phúc vì em đã mang đến cho anh ấy những điều mà một người đàn ông thường mơ ước có được trong cuộc sống hôn nhân của mình. Em trân trọng những kỷ niệm đẹp đẽ đó thì hãy sống tiếp những ngày còn lại thật vui vẻ, thật ý nghĩa vì anh Tuyên cũng muốn như vậy, đúng không?

Kim Chung thút thít:
-Sống bên anh Tuyên em luôn thấy mình được che chở, được bình an. Hồi trước bạn bè cũng như gia đình em thường ví von rằng em đã trúng số độc đắc.

Khanh nghiêng đầu thì thầm:
-Đời người trúng độc đắc một lần đã hy hữu mà em thì được tới hai lần. Em biết không, em đang sở hữu tấm vé Độc Đắc
mang ký hiệu PKK đấy. Thôi…đừng khóc nữa Rè ơi!


Huỳnh Thùy Hạnh (Nhất C -1969)
Nguồn: Đặc San CĐ & NTH Qui Nhơn 2011

Thêm bình luận