Biển mềm thêm muối vào nước mắt
Mặn đắng môi em lúc giã từ
Cô gái đi trước mặt tôi có mái tóc dài đến ngang vai, cắt tỉa dài ngắn không đều nhau, một kiểu tóc mới đang thịnh hành của phái nữ bây giờ. Tay áo len màu xanh lơ lộ ra khỏi chiếc áo veste màu xanh sậm ôm sát thân hình được xắn lên một chút, phủ đến nửa bàn tay làm cho cánh tay như dài thêm ra. Chiếc quần tây màu đen cắt khéo ôm gọn cặp chân dài phủ kín nửa gót giày làm cho dáng người thon gọn, uyển chuyển theo nhịp bước đi.
Ngày cuối tuần, thời gian hình như ở một nơi nào rất xa, ngoài một thế giới khác. Những buổi sáng như thế này tôi thường bắt đầu một ngày thật chậm: pha một tách cà phê, nghe một chút nhạc, mở cửa đứng nhìn ra khu vườn sau, khu vườn không lớn lắm được chia hai bằng một lối đi bằng những tản đá đúc sẳn màu đất nung sắp liền nhau. Hoa Belle de nuit đủ màu mọc tràn choán cả lối đi, lọai hoa đêm nở đến trưa thì khép lại. Cuối khu vườn là căn nhà nhỏ với cửa sổ, cửa lớn màu trắng khép chặt im lìm. Nắng vàng có rộn rã ngoài kia, hoa muôn màu có nở rộ trước mặt cũng không soi rọi được niềm vui khi cõi lòng đã khép chặt lại.
Chiếc võng bằng sợi mỏng đong đưa nhè nhẹ trong gió. Cây mimosa quanh năm xanh lá, hoa vàng sẽ nở rộ khi trời sang xuân, những chùm bông mịn như nhung, màu vàng mỡ làm sáng rỡ một góc vườn.
Tôi ít thích trồng những loại cây thay lá khi sang mùa, nhất là vào đông khu vườn sẽ lạnh ngắt, trông tội nghiệp đứng cô đơn để thương nhớ về một mùa xanh lá. Lá vàng đẹp thật nhưng sao nhìn nó lòng cứ thấy nuối tiếc vu vơ. Tôi bỗng nhớ bốn câu thơ của Mường Mán:
Yêu người mang cả chiêm bao,
Xa nhau nắng ngọt, mưa ngào bỗng chua,
Bao giờ đậu trái tình thừa
Cho lòng thay lá sang mùa phôi pha.
Tôi hít đầy phổi cái gai lạnh của buổi sáng, một bà dẫn một con chó lông xù như bông đi ngược lên phía tôi. Lúc đi ngang qua bà ta nói - chào ông. Tôi cũng chào lại và khen con chó của bà đẹp quá. Bà ta cảm ơn rồi đi thẳng. Ở đây là vậy, gặp nhau là chào hỏi bất kể là lạ hay quen, hình như người không thể nhìn nhau mà không có một lời chào hay nở nụ cười bâng quơ. Khi đến giao lộ của ba con đường, một ý nghĩ ngộ nghĩnh bỗng đến - tôi đang đứng trước ngã ba đường, hai ngã chia phôi, đôi đường ngăn cách! Chính giữa giao lộ là một doi đất cao, có cỏ xanh, hoa nở bốn mùa. Khu chung cư sang trọng nằm kín đáo sau cánh cửa sắt màu xanh, hai bên cổng là hai cây cọ không cao lắm xòe những cánh lá như những vũ công Thái đang múa quạt. Đối diện, bên kia đường là một vạt ngô đồng cao ngợp, che rợp con đường nhỏ bên dưới dẫn tới một khúc quanh có căn nhà gạch đổ nát nằm lọt trong rừng cây. Con đường tôi vẫn qua hàng ngày đến thuộc lòng từng ngõ ngách. Không biết sao cứ mỗi lần nhìn căn nhà lòng vẫn dâng lên một niềm thương tiếc vu vơ lẫn chút ao ước thầm kín - giá tôi được làm chủ căn nhà đó.
Tôi không nhớ là tôi đã bắt đầu yêu rừng từ lúc nào. Rừng ôm ấp che chở nhưng rừng cũng đầy những rình rập, bất trắc. Tôi nhớ những chuyến phiêu lưu một thời tuổi nhỏ, người ta vào rừng khai đất, đẵn cây làm nhà rồi ở hẳn trong đó không muốn trở về với thế giới bên ngoài nữa. Tôi thích bước dưới tàn cây xanh, cái cảm giác yên bình với những con đường mất hút sau đám lá, những loài hoa không tên, những tảng đá nằm chơ vơ đó đây rù quyến bước chân đi hoài không biết mỏi.
Cô gái vẫn bước đều trước mặt tôi, cô ta có cái dáng đi mền mại nhưng vững chãi, tự tin. Tôi bỗng nhớ Huyền tha thiết. Huyền cũng với cái dáng mảnh khảnh, thướt tha ấy nhưng lại quá rụt rè, khép nép. Hình như tay nàng không bao giờ để trống, một tập sách nơi tay trái ôm che trước ngực, tay phải buông thỏng để hờ trên mép áo như sẵn sàng giữ lấy vạt áo lụa nhẹ tênh chờ gió bay lên. Gót guốc cao thấp thoáng dưới chiếc quần trắng rộng ống theo nhịp bước đi. Huyền hay nhìn xuống, mắt buồn xa vắng. Cái vẻ buồn buồn thiếu tự tin làm cho Huyền có vẻ gì đặc biệt lôi kéo sự chú ý của người khác.
Tôi nhớ lần đầu tiên nàng đến thăm tôi nơi chỗ làm việc tạm, chỗ cũ đã đổ nát trong kỳ tết Mậu Thân. Tôi hơi bất ngờ, nhủ thầm - thì ra nàng liều lĩnh hơn tôi nghĩ. Tôi dẫn nàng qua chỗ làm việc cũ đối diện bên kia đường. Đứng với nhau trong cái hoang tàn, đổ nát với đất đá, gạch vụn loạn xạ trên mặt đất, những vết lổ chỗ dày đặc trên tường, dấu tích còn lại của một cuộc giao tranh bằng đạn pháo và cận chiến. Chúng tôi đứng yên lặng bên nhau. Qua bức từng đã đổ gần hết, tôi thấy một mảnh trời xanh ngoài kia. Tiếng gió lao xao qua khe lá, một tiếng chim nào lạc lõng rớt xuống rồi mất hút trong yên lặng. Có cơn gió nào đi qua mà không để lại dư âm của một mùa xanh lá. Có cuộc tình nào đi qua đời mà không để lại một hoài mong. Đúng lúc đó thì Huyền khóc, những dòng nước mắt chảy dài trên má, từng dòng, từng dòng lặng lẽ. Tôi bối rối quá, lòng chùng xuống xót xa. Tôi có thừa thông minh hiểu rằng từ những dòng nước mắt dạt dào ấy là một tình yêu đã ra đời. Tôi bỗng thấy mình như một gã thanh niên mới lớn, lúng túng, vụng về khi mở lời nói chuyện người lớn, như một con chiên lầm lỡ nói lời thú tội trước mặt cha cố. Huyền thanh thoát quá làm tôi ngại ngùng. Tôi cầm lấy tay nàng siết nhẹ như một vỗ về - Xin hãy yên tâm. Chúng tôi đứng với nhau một chút nữa cho Huyền bớt xúc động rồi tôi đưa nàng ra về.
Tôi băng qua đường trở lại chỗ làm, cái cảm giác bềnh bồng, trôi trôi khó tả. Tôi ngồi như thế không biết bao lâu thì bị đánh thức bởi tiếng gõ cửa nhẹ nhẹ rồi có tiếng bước chân đi vào. Cô thư ký hiện ra với chồng giấy tờ trên tay và ánh mắt nhìn có chút tò mò. Tôi cảm ơn, cô ta để chồng giấy tờ trên bàn. Rồi tiếng gót giày xa dần, mất hút sau cánh cửa khép. Có điều gì sẽ đến với tôi những ngày sắp tới, nắng giãi, mưa buồn, niềm vui, nước mắt…Tôi không biết.
Nhớ lần đầu gặp Huyền, lúc tôi đến nhà Phan. Khi tôi vào thì nàng đang ngồi với cô em vợ Phan nơi chiếc bàn ăn kê dưới hàng hiên có tàng cây vú sữa che rợp cả một khoảng sân bên hông nhà. Thấy tôi, nàng rụt rè đứng dậy chào, tóc để thẳng ngang vai, chiếc áo lụa trắng đơn sơ ôm lấy thân hình mảnh khảnh. Và đặc biệt là cặp mắt buồn, thật buồn. Không biết sao tôi đọc được trong cái nhìn lặng lẽ là cả một tâm hồn ướt át, giông bão. Huyền ít nói, thỉnh thoảng góp chuyện, giọng nhẹ nhưng thiết tha, nàng có vẻ thích đọc sách và biết khá nhiều những sinh hoạt văn chương.
Tôi ra về, một cái gì nhẹ nhẹ len lén vào hồn. Đêm đó tôi ít ngủ, mơ màng về buổi gặp gỡ ban chiều. Rồi hình như có cái gì mãnh liệt lắm, thôi thúc tôi viết cho nàng, không nhiều nhưng đủ để cho nàng biết rằng tôi đang nghĩ đến nàng.
Thỉnh thoảng Huyền đi đâu đó rồi ghé thăm tôi, nàng thường hay đi mua sách. Chúng tôi không có nhiều kỷ niệm về nhau nhưng không phải vì thế mà dễ dàng quên nhau. Huyền đã đi vào đời tôi nhẹ nhàng như loài hoa súng đơn sơ ngày nào đi nhẹ vào hồn của Đinh Gia Trinh, bài văn xuôi một thời niên thiếu tôi thuộc nằm lòng "…người du khách lơ đãng sẽ không thấy nó đâu vì nó không hề rực rỡ…, vẫn nở như ẩn hiện dưới màu trời và sắc nước, nó êm như ru, không yến oanh, không ong bướm, không tỏa hương thơm ngát và bao giờ cũng ưa đơn chiếc". Huyền lặng lẽ, xa rời đám đông, nàng gần tôi lắm nhưng đôi lúc tôi thấy nàng xa tôi quá đỗi.
Sau trung học, Huyền đi xa để vào đại học, còn tôi lại đổi vào Nam. Một trang đời đã lật qua và chúng tôi lạc nhau từ đó.
Ngày tôi rời Quy Nhơn để vào Nam nhận nhiệm sở mới, lúc sắp dọn áo quần vào va-li, tôi thấy chiếc áo len màu cà phê sữa Huyền đan cho tôi một thuở, chiếc áo đan khéo, vừa vặn với nhiều mũi lạ làm cho chiếc áo có vẻ đặc biệt. Một bàn tay vô hình siết lấy tim tôi, nàng đã đan luôn tình nàng trong đó.
Trước ngày Huyền đi xa, tôi có tặng nàng một chiếc nhẫn, loại nhẫn đính hôn. Tôi không biết đã nghĩ gì khi làm chuyện đó - một lời tỏ tình, một lời dặn dò chờ nhau hay chỉ đơn giản là một kỷ vật làm tin, xin hẹn lại ở một kiếp đời khác.
Nhưng rồi với cái tuổi ba mươi, phơi phới niềm tin và hoa gấm của cuộc đời trước mặt, làm tôi xa Huyền không mấy khó khăn. Chúng tôi đến với nhau như những đám mây lang thang một hôm tình cờ tụ lại ở một góc trời nào đó, rồi xa nhau cũng tình cờ như bị gió cuốn đi mà không có một chọn lựa nào khác!
Khi tuổi đời chồng chất, những sôi nổi đã qua đi, lòng lắng xuống, Huyền lại trở về trong tôi. Tôi có nhiều câu hỏi về Huyền nhưng rồi loạn ly chập chùng, niềm đau cứ lẫn vào trong cái tang thương lớn của đất nước làm tôi quên hẳn nàng.
Rồi những năm xa xứ, đôi lúc tình cớ bắt gặp một dáng dấp quen thuộc, tôi bỗng nhớ Huyền thẫn thờ. Nhiều lần tự hỏi - nếu gặp nàng bây giờ tôi sẽ như thế nào, vui, buồn, im lặng như đã từng im lặng trong suốt cõi tình nàng hay lại lắm lời phân bua, giải thích. Có điều chắc chắn là tôi sẽ xúc động lắm, xúc động như hôm nào tình cờ tìm lại được một cái gì gần gũi, thân thiết lắm bị thất lạc đã lâu.
Tôi nợ Huyền nhiều thứ.
Tôi nợ nàng những dịu nhẹ thiết tha.
Tôi nợ Huyền mắt lệ chứa chan đã đổ xuống cho một cuộc tình dẫu không biết sẽ đi về đâu.
Và cuối cùng, tôi nợ Huyền một trái tim mà tôi biết chắc rằng nàng vẫn còn dành một chỗ cho tôi trong đó.
Huyền có thể đang hạnh phúc ở một nơi nào đó mà tôi không biết. Còn tôi, cơn mưa một buổi chiều nào tình cờ đổ xuống giữa trại quân trong những ngày học tập quân sự cho các cấp dân sự như tôi mà trong một lúc xúc động tôi đã ghi lại trong một bài thơ gởi cho nàng. Vẫn còn bay mãi, bay suốt đời tôi.
Huyền của anh, Huyền của anh,
Và thấy nhòa lệ của mình hay mưa.
Lê Bích Khương