Năm mới vừa qua, hơi thở mùa xuân vừa lắng dịu. Bao nhiêu niềm vui hớn hở chào mùa xuân mới vừa an tịnh là người ta chợt băn khoăn lo lắng tự hỏi: Có phải mùa xuân nầy là mùa xuân cuối cùng của đời mình ? Mình phải làm gì đây từ đây cho đến cuối năm ? Có cần phải thay đổi cuộc sống cho phải đạo ?.
Loay hoay tự hỏi rồi không có câu trả lời, mỗi người tự giải quyết một cách. Có người chỉ ngồi chờ thời, mở TV lên xem tin tức, án binh bất động, chờ hết năm nay rồi mới tính; ra quân làm ăn tiếp hay sẽ phiêu diêu miền cực lạc. Có người đem hết tiền bạc để dành trong trương mục tiết kiệm đi du lịch, tiêu xài, ăn chơi thỏa thích lần cuối cùng. Còn bạn giải quyết như thế nào nếu ngày tận thế có thể xảy ra cuối năm nay như các nhà tiên tri và các bác học đã tiên đoán ?
Trong Kinh Thánh cũng có đề cập sẽ có một ngày sẽ có nhiều biến cố xảy ra sau khi có một hành tinh khác va chạm phải quả Địa Cầu. Có lẽ năm 2012 sẽ là năm cuối cùng của loài người sống trên trái đất, cứ hai người là có một người còn sống sót . Nhiều thiên tai xảy ra như hỏa hoạn, cháy rừng, bão tố, động đất, núi lửa, sóng thần, chiến tranh xảy ra cùng một lúc và từ từ tiêu diệt hết nhân loại. Nếu tận thế xảy ra đúng như các nhà tiên tri và kinh thánh đã tiên đoán thì số phận những người còn sống sót sau thiên tai sẽ đi về đâu ? Địa ngục sẽ quá tải, không còn chỗ chứa cho những linh hồn tội lỗi, còn thiên đàng thì rộng rãi thênh thang, không ai phải chen lấn khổ cực. Liệu Thượng Đế có tái tạo lại một xã hội hoàn mỹ hơn hay không ? Với đức tin có thiên đàng địa ngục, có nhân quả, có báo ứng, người ta tự soi lại lòng mình, thức tỉnh và thay đổi cách sống sau bao nhiêu năm chìm đắm trong bễ khổ trầm luân.
Tại một văn phòng luật sư nổi tiếng ở Mỹ, luật sư Smith tiếp một thân chủ quen với mình:
- Chào ông Brown ! Hôm nay tôi có thể giúp được gì cho ông ?
- Lần nầy không phải tôi mà là con trai của tôi, hắn bị cô thư ký kiện về tội cưỡng dâm.
Ông luật sư ngần ngừ:
- Xin lỗi ông ! Lần nầy tôi không thể giúp ông được, cha và con có thể cùng một dòng máu nhưng không thể cùng bệnh giống nhau được. Nếu phía bên kia họ yêu cầu đưa con ông ra Hội đồng Y khoa Thần kinh xét duyệt thì câu chuyện sẽ bị đổ bễ hết. Tốt hơn hết là ông nên giải hòa với phía bên kia, đền bù cho họ một số tiền lớn là xong chuyện.
Ông thân chủ nhìn luật sư của mình kinh ngạc; một ông luật sư nhờ khéo ăn nói, có tài hùng biện và biết cách luồn lách luật pháp. Đã bứng cây sống trồng cây chết không biết bao nhiêu vụ mà kể, người có tội trở thành người vô tội, kẻ tình nghi bụi đời trở thành người có án. Người mà đã bao nhiêu năm nay làm giàu trên cán cân công lý, tạo không biết bao nhiêu là nghiệp chướng bỗng dưng hôm nay lại chê tiền quả là một điều không thể nào tưởng tượng nổi.
Cũng ngay ngày hôm đó, kế bên văn phòng luật sư là phòng mạch của bà bác sĩ Susan, bác sỉ sản khoa chuyên về chữa trị bệnh hiếm muộn. Bà cầm tấm film bỏ vào phong bì trả lại cho thân chủ.
- Sau khi nội soi đường ống dẫn trứng của bà, kết quả khả quan là không có bị nghẹt. Tôi cho bà cái hẹn, lần sau dẫn ông nhà lại, tôi sẽ kiểm tra tình hình sức khỏe của ông ấy, có lẽ không có thể thụ thai được là do nơi chồng bà.
Cô y tá tưởng mình nghe lầm, bao nhiêu năm nay nghẹt hay thông gì bệnh nhân cũng phải lên bàn mổ để thông ống dẫn trứng, nhất là đối với bệnh nhân gốc Á châu, có bảo hiểm sức khỏe. Bà cắt nghĩa với bệnh nhân:
- Bảo hiểm họ không trả tiền chữa trị bệnh hiếm muộn, vì thế trên giấy tờ tôi tính tiền là giải phẫu cắt bỏ ruột dư. Nếu tính tiền là thông ống dẫn trứng, ông bà phải tự trả tiền cho cuộc phẫu thuật này.
Bệnh nhân nghe xuôi tai, ký tên vào hồ sơ phẫu thuật cắt bỏ ruột dư. Họ đâu có ngờ rằng họ bị cắt bỏ ruột dư thật cho dù không bị đau ruột dư vì đường ống dẫn trứng của họ không bị tắt nghẽn.
Bác sĩ Susan đã áy náy, tự trách chính mình sau nhiều năm kiếm tiền mờ ám, mặc kệ bệnh nhân phải nằm dài trên giường bênh một tháng trời sau cuộc giải phẫu, mặc kệ vết sẹo để lại làm cho bụng bệnh nhân xấu xí. Bà nghĩ đây là năm cuối cùng của đời mình, phải sống cho thánh thiện, làm giàu để làm gì, chết đi có mang theo được gì, hay là tối tối chợp mắt ngủ không được vì bị lương tâm dằn vặt, cắn rứt thâu đêm.
Tại phiên tòa dân sự, chuyên xử những vụ kiện nhỏ, ông thẩm phán xếp lại hồ sơ tuyên án:
- Tội danh không thành lập vì chứng cớ không hợp lệ.
Luật sư Mike nhìn ông chánh án trân trân như thể là ông ta bị ma nhập. Gần 10 năm nay, hai người đã hợp tác với nhau rất nhuần nhuyễn. Bất kể vụ án nào, thân chủ chịu chi tiền là có chứng cớ hay không cũng đều thắng trót lọt nhờ mánh của luật sư với sự hỗ trợ phán quyết của ông chánh án Steve, hồ sơ nào không có đầy đủ chứng cớ, ông Steve phán "turn over ", hoãn lại chờ tìm đầy đủ chứng cớ lần sau sẽ xử lại, bị cáo sẽ không có mặt lần thứ hai vì luật sư không thông báo ngày giờ và địa điểm và đương nhiên là bên nguyên cáo thắng kiện. Bị cáo được thông báo lần thứ ba, trên hồ sơ, ra tòa nộp tiền phạt và tiền trả cho luật sư. Bị cáo thấp cổ, bé miệng, có tức ói máu cũng chịu thua vì trên hồ sơ có ghi đã gởi thông báo hầu tòa lần thứ hai cho bị cáo.
Để trả ơn lại cho ông chánh án, không phải là tiền hối lộ, mà là quà tặng nhân ngày lễ Giáng Sinh, ông luật sư tặng ông chánh án một cái hộp nhỏ xíu bên trong đựng một cái chìa khóa, khi thì chìa khóa một cái biệt thự xinh xắn ở ngoại quốc, tên sở hữu chủ là một đứa cháu họ hàng xa bên vợ của ông chành án, khi thì cái chìa khóa của chiếc xe đua đắc tiền mua trả góp mà ai đó đã đóng tiền dưới tên con của ông mỗi tháng.
Đầu năm nay, ông chánh án thôi không muốn thêm nhà nghỉ mát, cũng không thèm đổi xe mới cho con. Ông làm việc chí công vô tư. Ông đã suy nghĩ kỹ lại những việc mình đã làm và cảm thấy hổ thẹn với lương tâm. Cũng may cho ông, trong mười năm trời nay không ai tự tử vì uất ức sau những vụ xử bất công của ông.
Bên kia đường, ngay góc ngả tư đường là hai siêu thị nhỏ Amigo Market và Witte Food Mart. Hai tiệm nằm đối diện với nhau trên con lộ chính của thành phố gần 5 năm nay. Hai ông bà chủ tiệm là hai người hiếu chiến, chủ trương phải cạnh tranh để sống còn thay vì hai bên bắt tay với nhau để hưởng lợi. Ông Jose, chủ tiệm Amigo, quyết chiến đấu cho đến cùng làm cho đối phương phải đóng cửa, bán những mặt hàng nhu yếu phẩm như sữa, gạo, bánh mì, rau cải, trái cây, trứng, tortilla giá vốn. Bà Kim, chủ tiệm Witte Food Mart cũng không vừa, hạ giá những mặt hàng tươi như seafood và thịt cá dưới giá vốn. Trâu bò húc nhau, ngư ông đắc lợi, khách hàng ngừng xe bên nầy mua bánh mì sữa trứng hoa quả rồi lái sang bên kia mua thịt cá tôm. Rốt cuộc sau năm năm buôn bán cả hai tiệm đều ngoắc ngoải chỉ vừa đủ trả tiền bills và tiền lương nhân viên.
Sáng nay nhân viên cả hai siêu thị trở lại làm việc sau một ngày nghỉ lễ New Year, sau khi thay đồ đồng phục, họ bước vào phòng họp dành cho nhân viên trước giờ mở cửa. Ở đây họ gặp mặt ông bà chủ với vẻ mặt vui vẻ, thư giản tuyên bố:
- Từ nay, tôi thôi không cạnh tranh với tiệm bên kia để dành khách hàng nữa, tất cả mọi mặt hàng phải bấm 10% trên giá vốn. Anh chị em phải vui vẻ, đối xử hòa nhã với khách hàng, thực phẩm phải bảo đảm tươi tốt để cho khách trở lại tiệm mình.
Từ đó khách hàng không còn được mua rẻ thực phẩm nữa, nhà người nào gần chợ nào, không bị ngược đường là họ tấp vào chợ đó vì giá cả hai chợ giống như nhau. Bước sang tháng hai của năm thứ sáu, ông Jose và bà Kim mới thấy được đồng tiền lời của tháng giêng đầu năm.
Bà Thanh, khách hàng thường xuyên của siêu thị, thôi không cằn nhằn với chồng vì ông chọn món ăn không hợp với khẩu vị của bà. Hai chục năm nay, mỗi lần đi chợ là hai ông bà lại kình cãi, to tiếng với nhau, ông thích ăn thịt, bà thích ăn cá, nếu mua cả hai thứ thì không đủ tiền. Những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng càng ngày càng lớn dần, đến nỗi buổi tối ông phải ngủ riêng. Cuối tuần, ông theo bạn bè tán gẫu ở mấy quán cà phê, bà lủi thủi ở nhà một mình nhưng hễ gặp mặt nhau thì lại bẳn hẳn đủ thứ chuyện.
Đầu xuân năm nay, con cái về tụ họp một nhà, nghe chúng nó bàn cãi sôi nổi về ngày tận thế có hay không có thể xảy ra. Tự nhiên bà thấy lòng mình lắng xuống, không còn muốn bon chen hay đua tranh với ông về bất cứ một chuyện gì nữa. Đi gần hết đời người, năm nầy ông mới tìm thấy hạnh phúc nơi người vợ già hom hem. Đi chợ lần nầy, ông chọn mua đủ loại cá theo ý bà.
Niềm tin xin một ngày cuối cùng bình yên cũng chiếu sáng ở quê nhà. Ông Lâm làm việc tại sở nhà đất thành phố, mấy năm nay ông khấm khá nhờ trúng đất, mua đi bán lại, tiền vào như nước cho nên ông sống rất phóng túng, xài tiền còn hơn là các đại gia, tối tối tụ tập bạn bè ăn nhậu đén nửa đêm mới về đến nhà.
Tối hôm nay, khi chạy xe ngang một tiệm bán sườn nướng, ông thấy một đám con nít cở chừng 6, 7 tuổi đang lôi những dĩa đồ ăn dư trong thùng rác dựng bên hông tiệm. Lượm những khúc xương thừa, gặm lại ngồm ngoàm sung sướng. Ông dừng xe, kéo hai chiếc bàn nối dài lại trong bóng tối, kêu bà chủ quán đem cho chúng 4 dĩa sườn nóng hổi. Nhìn những khuôn mặt bé thơ lem luốt, mắt sáng ngời, miệng nhai rau ráu, ăn lấy ăn để sợ hết phần làm cho ông xúc động. Bấy lâu nay sống trong sự giàu sang, phú quý, ông đâu có ngờ chung quanh ông còn có những người cùng khổ, lê la sống trên vĩa hè, không có một miếng thịt để mà ăn.
Bà Trâm việt kiều dẫn con ra bờ biển buổi tối để hóng gió. Một em bé trạc tuổi con bà ôm một rỗ đậu phụng mời bà mua, nhìn bé gái loay hoay gói lon đậu phụng luộc cho mình, bà động lòng trắc ẩn hỏi đứa bé:
- Cháu muốn gì ? Mơ ước gì cô sẽ cho cháu ?
Bé gái chỉ vào con bà:
- Cháu muốn giống như con cô ! Được mặc áo đầm đẹp, được có mẹ thương, được đi học. Mẹ cháu bắt cháu đi bán đậu phụng suốt ngày mà còn đánh cháu nữa.
Bà Trâm thương cảm, ôm đứa bé vào lòng rươm rướm nước mắt. Trước ngày lên đường trở lại Mỹ, bà dẫn Ti đi mua sách vở, quần áo, dẫn bé gái đến trường nộp tiền học phí và bé Ti dẫn bà về gặp mẹ Ti:
- Tôi muốn nhận bé Ti làm dưỡng nữ và nuôi nấng cháu cho đến khi tốt nghiệp đại học. Tôi hy vọng bà để cho cháu đi học và sau nầy cháu ra trường sẽ lo lắng lại cho cha mẹ. Mỗi tháng nhận được thành tích biểu của cháu do nhà trường chuyển qua email tôi mới gởi tiền về.
Bé Hoa phụng phịu nhìn bé Ti bận áo đầm đẹp nhất của mình đưa hai mẹ con ra phi trường, bà ôm con vỗ về:
- Về Mỹ mẹ sẽ mua áo đầm khác cho con. Con phải biết chia sẻ miếng cơm, manh áo cho người nghèo, bằng tuổi con mà nó phải sống trong khổ cực, phải bán đậu phụng cho mẹ, lê la ngoài đường suốt ngày. Còn con ? Quần áo, đồ chơi đầy nhà, ăn một nửa bỏ thùng rác một nửa. Từ nay phải biết nghe lời mẹ, biết thương người và phải biết quý đồ ăn nghe con !
Tấm lòng bác ái còn chiếu sáng rạng rỡ ngày đầu năm trong bệnh xá. Ông Thuyên làm bên thương nghiệp, đưa vợ vào bệnh viện cấp cứu kịp thời về bệnh nghẽn van tim. Vợ ông được cứu sống . Trong khi xếp hàng chờ làm thủ tục, giấy tờ xuất viện, ông nghe tiếng kêu gào, khóc lóc thảm thương của một người đàn ông và một bé gái độ mười tuổi trong phòng đợi:
- Ối bà ơi là bà ơi ! Tôi nỡ để bà đi sao đành ! Con nó cần mẹ, tôi làm sao nuôi nổi được con. Ối bà ơi là bà ơi ! Nhà không còn gì để bán để trả tiền bệnh viện cho bà. Ối bà ơi là bà ơi !
Ông Thuyên lân la lại gần hỏi thăm, được biết là vợ ông ta bị u xơ trong dạ con, đau đớn vô cùng, phải cắt bỏ nhưng ông ta quá nghèo, không có hai triệu đồng đóng trước cho ca mổ. Ông Thuyên tay dắt bé gái, tay dìu người đàn ông đến cửa thu ngân đóng tiền giúp ông ta và yêu cầu bệnh viện chuẩn bị ca mổ càng sớm càng tốt. Người đàn ông, nước mắt ràn rụa, quỳ xuống lạy ông Thuyên lia lịa như tế sao:
- Tôi xin cảm ơn ông ! Ân đức của ông như trời như biển. Nợ ông kiếp nầy không trả được, kiếp sau tôi cũng phải trả cho ông. Xin nhận đây mấy lạy cảm tạ ơn ông đã cứu vợ tôi !
Ông Thuyên quay đi giấu đi dòng lệ vừa chạy dài xuống mặt, tay dìu người đàn ông đứng dậy. Cùng một cảnh ngộ, người được xuất viện khỏe mạnh, người kia nếu không có ông chắc ngày mai đã nằm sâu dưới lớp đất.
Cảm ơn tấm lòng nhân hậu, bác ái của ông Lâm, bà Trâm và ông Thuyên, biết nhìn xuống, biết thương xót, biết được nỗi đau của đồng loại. Với tấm lòng nhân ái, họ đã xoa dịu phần nào nỗi thống khổ của những con người bần cùng, chỉ có loài vật mới quay đầu lại, chỉ biết lo chăm sóc bộ da của mình.
Từ ngàn xưa cho đến nay, tổ tiên ta có dạy rằng: Tử tế có trong lòng mỗi con người, mỗi dòng họ, mỗi dân tộc, Phật tổ cũng dạy rằng: Ai trong mỗi chúng ta đều có Phật Tâm. Hãy bền bĩ đánh thức nó, đặt nó trên bàn thờ tổ tiên, trên lễ đài của một quốc gia, nếu thiếu nó cho dẫu quốc gia đó, dân tộc đó có cố gắng đến mấy cũng chỉ là một con số không. Giống như ta xây nhà trên cát, không có bốn bức tường đạo đức và nền móng vững chắc, ngôi nhà sẽ bị sụp đổ.
Hy vọng hết năm Nhâm Thìn, dù có tận thế xảy ra hay không, mọi người sẽ tiếp tục sống tử tế với tấm lòng từ bi, bác ái, độ lượng. Đừng để vọng tưởng tham, sân, si, lọc lừa lợi danh của mình làm ô nhiễm bầu không khí trong lành. Hãy tái tạo một xã hội đầy Chân - Thiện - Mỹ, thích hợp với bản chất Thiện Tâm của mỗi con người.
Sương Nguyễn