Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • CD4 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • hinhCu 1200

http://www.youtube.com/watch?v=wJuQMq2j5rc
  
Ngày 29 tháng 4 năm 1975, Hội thiện nguyện Save Children đã kịp thời di tản 200 em cô nhi ở Cô nhi viện Thánh Tâm ra khỏi nước. Chính hai mắt tròn xoe, ngơ ngác nhìn từng tảng mây trôi lơ lững qua khung cửa sổ máy bay, nó đang tham dự vào một cuộc đổi đời mà trí óc non nớt của một đứa trẻ lên ba làm sao biết được.

Trưởng thành ở xã hội Mỹ và lớn lên ở cô nhi viện đã biến đổi cuộc đời của Chính. Tất cả những nhu cầu vật chất nó có đầy đủ nhưng nó chỉ thiếu thốn tình thương. Giờ ra chơi ở trường tiểu học, trong khi tất cả những đứa trẻ khác chạy nhảy, la hét ồn ào, Chính ngồi dưới gốc cây, cầm lấy một cành cây khô khều khều trên cát. Cô giáo làm đủ mọi cách cũng không có cách nào để cho nó hòa đồng vào các bạn đồng trang lứa, nó thui thủi chơi một mình, ngồi học một mình, không muốn kết bạn với ai hết.
Tốt nghiệp xong trung học, Chính học qua một khóa CPA rồi xin vào làm việc trong ngân hàng Bank of America. Khi đã có nghề nghiệp, có thể tự nuôi sống mình rồi, Chính dọn ra khỏi viện mồ côi và sống trong một chung cư hạng trung. Gần bốn mươi tuổi rồi, Chính vẫn không thay đổi cách sống, vẫn cô độc, ít nói và không có bạn bè. Ra vào gặp đồng nghiệp và hàng xóm, mặt họ lạnh như tiền, riết rồi Chính cũng không buồn chào hỏi lại họ, ai cũng cho là chàng bất bình thường, lập dị nên không thèm để ý đến chàng nữa.

Chiều nay dở tờ báo biếu VN, Chính có ý nghĩ hay là mình đi thuê phòng, có lẽ gặp những người đồng hương, đồng cảnh ngộ, có thể đời sống mình sẽ đổi khác. Nghĩ là làm, chàng đi đến tất cả những căn nhà có phòng cho thuê quanh nơi chàng ở để xem trước. Rốt cuộc chàng tìm đươc một chỗ ở lý tưởng: chủ nhà ở xa, không có sống ở đó, trong nhà toàn là những người VN độc thân, phòng chàng có phòng tắm và cửa kính bước ra sau vườn.

Chiều nay đi làm về, cơm nước xong, Chính đứng trong màn cửa, quan sát mọi sinh hoạt của cặp vợ chồng mướn ngoài garage apartment*. Chồng già vợ trẻ, cô vợ trông quê mùa nhưng rất nhanh nhẹn và đảm đang. Họ có được một cô con gái, cỡ chừng hai tuổi, nước da trắng bóc, bụ bẩm và kháu khỉnh. Trong khi cô vợ lo cơm nước, ông chồng già cõng con trên vai đi khắp vườn, chơi giỡn la hét với nó. Đôi khi ông chồng làm ca hai, cô vợ vừa trông con vừa cuốc đất trồng rau, trồng hành chốc chốc lại bẹo má nựng con, ôm lấy con hôn vào đôi má đỏ au của nó.

Chính đứng đó, lén lút nhìn họ, như muốn uống lấy, bắt lấy hạnh phúc của họ. Ao ước làm sao ngày xưa chàng cũng có mẹ, ôm lấy chàng, hôn lấy hôn để trên má, trên trán chàng như thiếu phụ ở ngoài vườn đang hôn con...Như một thói quen, mỗi buổi chiều về, chàng đứng đó nhìn cảnh gia đình hạnh phúc của họ, chia xẻ và ao ước nhưng không bao giờ được toại nguyên.

Chiều nay cũng như những buổi chiều khác, Chính quên không tắt đèn, ngoài vườn trời đã nhá nhem. Thiếu phụ sau khi đã vồng xong một luống đất, quay trở lại, thấy bóng một thanh niên đang đứng lặng im trong phòng nhìn nàng qua màng cửa, nàng hơi chột dạ, lo sợ vu vơ nhưng lại ưa thích vì có người để ý đến mình.

Trải qua không biết bao nhiêu là buổi chiều, thiếu phụ để ý là chàng vẫn đứng đó nhìn mình, bất động, mà không nói hoặc làm gì hết. Suốt cả tuần nay chồng đi làm ca hai, bỏ nàng và con thui thủi ở nhà một mình, tự nhiên nàng có ý nghĩ tinh nghịch, chọc phá kẻ tình si. Nhổ cỏ, rửa tay xong, nàng bế con lại cửa kính, nhón người hôn vào cái bóng đứng bên trong rồi quầy quả trở vào nhà.

Chính sững người, không ngờ thiếu phụ biết là mình đứng đó nhìn lén nàng, chàng đỏ mặt, người tê dại đi, cúi xuống áp môi mình vào chỗ cửa kính mà thiếu phụ vừa hôn xong, chàng quỵ xuống, đau nhói, nghe tim mình thổn thức...

Qua chiều hôm sau, ru con đi ngủ sớm, nàng lại ra vườn rải hạt. Mặt trời đỏ ối, chiếu ánh nắng lấp lánh trên đầu cây, ngọn cỏ. Nhìn tia nắng nhảy múa, phản chiếu qua lớp cửa gương khi đỏ au, khi vàng vọt, nàng tự hỏi là có chàng đang đứng đằng sau bức màng cửa hay không ? Nàng thích thú với trò chơi trẻ con của mình, đến gần khung cửa và nhón gót hôn vào tấm cửa kính. Cửa bật mở, một vòng tay rắn chắt ôm ghì lấy thiếu phụ, cuồng nhiệt và nóng bỏng hôn lên môi nàng, nghe con khóc nàng đẩy mạnh chàng ra và chạy về nhà.

Thế rồi từ đó không hẹn mà gặp, họ say sưa ngụp lặn trong hạnh phúc mà họ vừa tìm thấy được. Qua nàng, chàng tìm được tình mẫu tử mà chàng đã thiếu thốn từ thuở bé, qua chàng, nàng tìm được những ân cần, cuồng nhiệt của thân xác một thanh niên vạm vỡ mà ông chồng già không đáp ứng được cho nàng. Một buổi tối nọ, chờ chồng sắp đi làm về, hai người lặng lẽ dọn đi thành phố khác, chính thức chung sống với nhau. Người chồng vẫn chưa biết mặt người thanh niên sống trong nhà, chỉ nghe hàng xóm nói lại. Nhẫn nhục, tủi hổ, ngày qua ngày gà trống nuôi con, mong sao có một ngày mẹ nhớ con sẽ quay về tổ cũ.
 *
* *
Một năm trôi qua nhanh, căn nhà đã đổi chủ. Những người thuê phòng trong nhà đã dọn đi mất chỉ còn lại những người mới tới, toàn người Mễ. Người chồng già, ông Trung, vẫn còn ở trong garage apartment, hy vọng môt ngày nào đó vợ mình sẽ quay trở về. Căn nhà thật yên tĩnh, vườn rau vẫn còn đó nhưng trông thật xơ xác tiêu điều, cỏ mọc chen lẫn với rau đắng. Trên giàn lây lất vài trái khổ qua teo tóp đong đưa trong gió, ông Trung ngồi bất động nhìn con gái bi bô, tập nói mà nhớ thương vô vàng cô vợ trẻ năm xưa.

Căn phòng có cửa gương trông ra vườn vừa có người mới dọn đến, hành tung của họ thật bí mật. Chỉ có người chồng đi làm mỗi ngày, còn người vợ không ai được gặp mặt, người ta nghĩ là bà ta bị tàn tật, nên không ra khỏi phòng.

Cứ đến mỗi buổi chiều về, ngoài vườn ông Trung ngồi buồn thiu, thỉnh thoảng lại bế con đi một vòng hay đi vào nhà lấy thức ăn chế biến sẵn cho con ăn. Đứa bé vẫn la hét ồn ào, tung hê đồ chơi, mắt xoe tròn, má ửng hồng nhìn thật dễ thương vô cùng. Thiếu phụ, mẹ của đứa bé, đứng sau bức màn cửa, say sưa nhìn con mình. Bà trông thật xanh xao, ốm yếu, suốt ngày chỉ đứng đó nhìn con. Bà muốn chạy lại, ôm lấy con hôn lên đôi má bầu bĩnh của nó nhưng bà làm không được, bây giờ bà là một người đàn bà tội lỗi, bà không có quyền làm như vậy.

Chính lân la làm quen với ông Trung, mua bia với mực khô, mời ông uống với mình. Rượu vào lời ra, ông Trung vừa khóc vừa kể lại câu chuyện của vợ mình. Thiếu phụ đứng sau bức màng cửa nghe mà nước mắt đầm đìa, nàng vừa yêu Chính vừa yêu con cho nên không thể trở lại với chồng được. Mấy ngày vừa qua, nàng bỏ ăn, trông thật tiều tụy. Chính có đem nàng đi bác sĩ nhưng không tìm ra bệnh, có lẽ là tâm bệnh. Khi hai người đã trở thành bạn tri kỷ, Chính ngỏ ý là muốn trông con giúp cho ông Trung trong khi ông đi làm ca hai, còn chàng thì làm ca một, hứa sẽ giúp ông giải quyết những khó khăn về sinh kế, tài chánh.

Thiếu phụ bồng con trên tay, siết chặt nó, hôn lấy hôn để trên môi, trên má đứa bé, vùi mặt vào tóc của đứa bé, hít lấy mùi da thịt trơn mịn, nồng mùi sữa của con mình cho bỏ những ngày xa cách. Kể từ ngày được giữ đứa bé, bà đã được hồi sinh, tươi tắn và khỏe mạnh trở lại. Canh chồng cũ đi làm xong, bà bế con ra vườn nhổ cỏ, cuốc đất, tưới cây, trồng lại mớ rau. Còn Chính thì lảng vảng sân trước, canh chừng sợ ông Trung trở về bất thình lình.

Sáng nay ông Trung thức dậy, ông cảm thấy khỏe khoắn, an bình sau một ngày làm việc mệt nhọc, nghe muôn chim ca hót ông cũng vui lây. Mở cửa bước ra vườn, ông giật mình, lẽ nào vợ ông đã trở về ! Không còn một sợi cỏ nào trong đám rau đắng. Giàn khổ qua, ai đó đã tưới nước và vun bón trở lại. Nghe tiếng con kêu la, bi bô tập nói, ông vội bước vào nhà. Em bé tập nói gọi ông: Ba ! Ba. Má ! Má. Ông chạy vội vã ra sân trước, nhìn ngơ ngác hai bên đường, mơ hồ như thấy vợ mình đã trở về. Hai bên đường thinh lặng, có chăng chỉ có gió bay...

Sương Nguyễn
  

 
Thêm bình luận


Đăng Nhập / Đăng Xuất