Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200



Luẫn quẫn vòng nghiệp chướng

Se dây tự buộc mình
Đời loay hoay khổ !
Ta nổi chìm vô minh.

Sau khi làm lễ kết hôn ở tòa án về, vì là duyên tình chắp nối, mối mai giới thiệu cho nên tôi chỉ muốn hợp thức hóa đơn giản cho xong chuyện, chồng tôi bảo là muốn giúp tôi quán xuyến công việc ở nhà và lo săn sóc cho con gái của tôi bằng cách là đem mẹ chồng và em trai từ Cali qua sống chung với gia đình tôi. Thấy tôi ngần ngại, không dám quyết định vội, anh thêm vào:

- Má anh là người ở nông thôn, quê mùa, chất phác, thương con cũng như thương dâu, em đừng có lo cái cảnh mẹ chồng, nàng dâu sẽ xảy ra. Tôi không biết nói sao, đành phải gật đầu vì thấy con mình còn quá nhỏ, không thể vừa đi làm vừa lo chăm sóc cho con.

Đón mẹ chồng từ phi trường về, như là chồng tôi đã tả: mẹ chồng tôi là một người quê mùa qua cách ăn bận, nhưng hiền lành và chất phác thì không, khuôn mặt và ánh mắt nhìn của bà đã chứng tỏ điều ấy. Nhận xét của tôi đúng hay sai qua buổi gặp mặt đầu tiên, chờ thời gian sau nầy sẽ trả lời.

Tuần lễ đầu tiên khi tôi đi làm về, tất cả mọi thứ trong nhà đều đảo lộn. Mẹ chồng tôi sắp xếp bàn ghế, đồ nhà bếp theo ý của bà. Bà thấy trong nhà chỗ nào cũng dơ dáy, hối cậu em chồng dọn chỗ nầy, lau chỗ kia. Cậu làm tất bật từ sớm đến chiều cho vừa lòng mẹ, mồ hôi vã ra như tắm. Tôi bất mãn nhưng cố giữ ở trong lòng không dám nói, tôi nhủ thầm mình chỉ về nhà để ngủ, không có mấy thời gian ở nhà ai muốn làm gì thì làm miễn làm sao săn sóc con gái của tôi chu đáo là được.

Nhưng cái khó khăn của bà không dừng chân ở đó. Mỗi cuối tuần tôi chở bà đi chợ VN, cứ hễ tôi lấy món gì bỏ vào trong xe đẩy là bà lại lấy bỏ ra mặc dù người trả tiền cuối cùng là tôi. Ngay cả ăn uống, tôi cũng phải ăn uống theo sở thích của bà. Tôi càng ngày càng lui dần để trở thành một cái bóng mờ, bà bây giờ mới là chủ của gia đình trong lúc tôi phải nai lưng làm việc để trả mọi chi phí trong nhà.

Thấm thoát thời gian qua nhanh, tôi đã có cùng chồng một đứa con trai. Đáng lẽ ra bà phải quý tôi mới phải vì tôi đã sinh ra cho họ một đứa cháu đích tôn, để nối dõi giòng giống, nhưng bà cũng không thay đổi quan niệm "chồng chúa vợ tôi ". Tôi phải đi cày, phải thức khuya dậy sớm, phải làm ra tiền, phải làm một cây cột chống đỡ hết đại gia đình trong lúc chồng tôi có thì giờ nhàn nhã để ngủ dậy muộn, để pha trà, để xem TV. Tôi không cam tâm, hậm hực làm việc trong tức tối nhưng rốt cuộc - đành chịu - vì hai con còn quá nhỏ.

Mỗi lần đi mua hàng đem về tiệm bán, tôi thường chở mẹ chồng với hai con đi để tránh cho bà cảnh tù túng suốt ngày ở nhà với hai đứa cháu nhỏ. Trên xe tôi nói chuyện luyên huyên, tôi có kể cho mẹ tôi nghe về chuyện mướn người Mỹ đen làm công nhưng sau hai tuần lễ huấn luyện, nó vẫn không nhớ giá cả, vẫn không bấm máy được, tôi đành phải cho nghỉ việc và hỏi nó là tại sao ? Nó trả lời là đứng bên tôi nó run quá, có lẽ là nó thương tôi cho nên cõi lòng bấn loạn, không nhớ được gì. Tôi kể cho bà nghe chuyện ông Mễ già đứng đường, không ai thuê mướn làm việc, tôi thấy tội nghiệp mới sai ổng lượm rác và cho tiền ổng đi mua đồ ăn cho mình và cho ổng. Không ngờ sau nầy ổng già Mễ lại nổi cơn ghen khi thấy tôi đứng gần người mới vào làm và đang chỉ cho ông ta cách bấm máy. Tôi nói:

- Tức cười quá má à ! Con không biết tiếng Mễ, ổng không biết tiếng Anh, nói chuyện với nhau bằng ra dấu mà yêu thương cái nỗi gì. Không ngờ những câu chuyện vô tội vạ này lại là những oan khuất cho tôi sau này.

Khi con trai được một tuổi, mẹ chồng tôi lấy cớ tuổi già sức yếu thôi không để dành cơm tối cho tôi, bắt tôi phải giặt đồ cho chồng và đem thùng rác ra ngoài đường vào mỗi sáng thứ sáu. Tôi cãi lại:

- Cơm nước thì con tự lo, còn giặt quần áo thì ai ở nhà nhiều nhất thì phải làm. Hơn nữa quần áo của người nào thì người đó tự giặt. Còn rác rến, ảnh mạnh hơn con hay là con mạnh hơn ảnh ? Qua Mỹ rồi, không còn cảnh chồng chúa vợ tôi, ai rảnh thì làm công việc nhà.

Bà hờn mát: 

- Mầy là vợ mà không lo cho chồng. Thôi ! Từ nay để tao lo. Bà ngoe ngẩy bỏ vô phòng, đóng sầm cửa lại.

Từ đó mỗi đêm về, tôi đi làm về bếp núc lạnh tanh, soong chảo, chén bát úp sạch sẽ. Cũng may là nồi cơm điện còn có cơm nóng trong đó, tôi lấy trứng với bắp sú ra nấu qua quít cho xong bữa cơm tối. Một tuần lễ qua, tôi kiểm lại thức ăn bên ngăn đông lạnh đã vơi xuống phân nửa, chứng tỏ ở nhà bà vẫn nấu cho chồng tôi và em chồng ăn uống bình thường, trừ tôi ra ! Tôi ngao ngán nghĩ thầm: Lòng dạ bà sao hẹp hòi, không nghĩ tới con dâu phải đứng tiệm ngày 12 tiếng để mang tiền về lo cho gia đình, đã vậy còn không cho người ta ăn uống cho tươm tất. Bà muốn tránh tiếng "mẹ chồng phải hầu nàng dâu" mới làm như vậy với tôi. Tôi không biết làm sao để cho bà thương tôi hơn, làm sao cho bà thay đổi những quan điểm cổ hủ ngảy xưa, cứ nghĩ con dâu là con gái ruột của mình thì đâu có đối xử tệ bạc như vậy.

Ngày qua ngày, cậu em chồng mới từ từ lộ chân tướng của mình là người có máu mê cờ bạc, cậu ta gây nợ tại sòng bài, họ gọi lại nhà đòi tiền bà mẹ chồng tôi, bà đưa tiền cho tôi nhờ tôi trả giúp cho chủ nợ của con bà. Sở dĩ bà làm như vậy để cho cậu em chồng khi nào đi làm có tiền sẽ trả lại cho tôi, tôi không muốn dính dáng vô đám cờ bạc nên từ chối. Bà khóc lóc, giãy giụa bức tóc rồi cầm cán dao đưa cho tôi, quay mũi dao vào cổ bà rồi nói: 

- Mầy đâm chết tao đi ! Đâm chết tao đi ! Nhờ chút chuyện nhỏ như vậy mà cũng không chịu làm. 

Tôi hốt hoảng không ngờ bà lại làm to chuyện, tôi gọi chồng tôi ra để giải quyết vấn đề.

Sóng sau dồn sóng trước, những chuyện mâu thuẫn giữa tôi và bà càng ngày càng nhiều. Bạn bè của em chồng tôi toàn là những người xấu, chuyên ngồi lê đôi mách, thường tới lui nói chuyện với bà mẹ chồng tôi những lúc tôi không có mặt ở nhà, họ bảo là chồng tôi dại; trai tân mà lại đi lấy đàn bà ly dị lại có con nhỏ. Tôi nghe qua mà tức cười, nếu kể về tờ giấy hôn thú thì ảnh là trai tân, nếu kể về những người đàn bà đi qua đời ảnh thì chồng tôi đã từng chung sống một lần với ba người đàn bà khác nhau ở Bà Rịa, Sóc Trăng và Hà Tiên. Bà chỉ nghe những cái miệng chuyên "đâm bị thóc, thọc bị gạo" mỗi ngày, cho nên càng ngày càng ghét tôi hơn. Bà kể cho họ nghe về câu chuyện người làm của tôi, thằng Mỹ đen, ông Mễ già mà tôi đã kể cho bà nghe. Tam sao thất bổn và câu chuyện được kể ngược trở lại cho bà nghe là: Bà không biết đâu ! Trước khi ưng con bà, dâu bà ở đây đã từng chung sống với Mỹ đen và bọn Mễ đứng đường. Bà quên mất trước kia bà đã kể cho họ nghe về điều này mà điên tiết, hậm hực vì thằng con gặp phải con vợ không ra gì. 

Một ngày nọ, tôi bận việc không thể chở bà đi chợ, tôi nhờ chồng chở giùm bà đi chợ, ảnh mở tủ lạnh thấy đồ ăn còn nhiều, chỉ thiếu những món bà thích cho nên không lái xe đưa bà đi. Tôi đi làm về thấy bà nằm dài trên ghế sofa, không thèm quan tâm hay săn sóc đến hai đứa nhỏ.

Suốt một tuần lễ bà chỉ nằm trên ghế, không làm gì hết, không nói năng. Tôi thấy không khí quá nặng nề mới đề nghị với bà:

- Nếu má thấy không ở được với con thì má về trở lại Cali sống với chị Hai, chị Ba chứ má ở đây mà không ăn uống gì hết rất nguy hiểm cho sức khỏe của má.

Bà ngồi dậy như nước đã vỡ bờ, xỉa xói, chửi bới tôi:

- Mầy dám đuổi tao ! Đồ con đĩ ! Con đĩ ! Con tao mắt bị bù lạch mới ưng phải mày. Mỹ đen mày không từ, Mễ già mày cũng không tha.

Tôi nổi xung thiên lên, không còn kềm chế lấy mình, có lẽ là bị uất ức sau những năm dài bị đối xử bất công, phải làm cây cột chống đỡ đại gia đình nhà chồng mà còn phải tự nấu ăn cho mình sau một ngày làm việc mỏi mệt.

- Tôi buôn bán với Mễ, với Mỹ đen để kiếm tiền nuôi cả đại gia đình này chứ không có làm đĩ. Bà đem thằng con trai lười biếng của bà về Cali luôn, để thằng cháu nội lại cho tôi. 

Bà chạy lại bàn thờ Phật quỳ xuống:

- Lạy Phật Bà Quan Âm Bồ Tát ! Con đĩ đó nó dám trả treo với tôi, dám chửi bới tôi, dám đuổi tôi ra khỏi nhà.

Tôi nổi cơn tam bành lên, lồng lộn, nhảy xổ vào bà:

- Bà đừng có ngậm máu phun người, có Bồ Tát nào chứng giám cho lời nói dối của bà, lời nói điêu ngoa của bà. Tôi không phải là con đĩ ! Số của tôi truân chuyên chứ tôi không phải là con đĩ ! Bà có khác gì tôi ! Chị Hai, Chị Ba là con ai ? Tại sao họ lại khác họ với chồng tôi ?

Một cái xỉa tay, một lời nói hỗn hào khởi đầu cho một cái nghiệp báo mà tôi phải trả cho suốt một đời còn lại. Tôi đã tạo nghiệp mà tôi đã không hay. Đáng lẽ ra tôi phải học Pháp môn Nhẫn Nhục Ba La Mật, tuyệt đối không nên khởi tâm sân si, nóng giận; mà đối tượng nóng giận lại chính là bà mẹ chồng của mình.

Chồng tôi đi làm về nghe mẹ kể lại, đánh tôi một trận nên thân rồi chở mẹ đi gởi nhà người bà con vài ngày trước khi đưa bà về lại Cali. Tôi biết hối hận về những điều mình đã làm và câu nói xuẩn ngốc, hỗn hào đối với mẹ chồng cho nên không thèm thanh minh, thanh nga cùng chồng. Tôi thuộc loại người chỉ biết đến việc của mình, không để ý gì đến chuyện thị phi chung quanh, ai muốn nói sao cũng được, muốn nhìn tôi dưới ánh mắt nào cũng chả sao. "Hữu xạ tự nhiên hương". Ai đúng ai sai, thời gian sẽ trả lời.

Hai năm sau, chồng tôi đưa mẹ về thăm quê ở VN cùng đứa con trai tôi. Thêm một lần nữa "danh tiếng" tôi được loan truyền khắp cả làng, cả xóm. Họ bảo con tôi:

- Mẹ mày đẹp hay xấu, mà như rắn độc, dám chửi mẹ chồng và đuổi mẹ chồng ra khỏi nhà. Sau này mẹ mày sẽ bị trời trả báo và chết sẽ xuống địa nguc !

Con trai tôi chống chế cho tôi:

- Mẹ con không có hỗn hào ! Đi đâu mẹ con cũng chở bà nội đi cùng với hai con. Bà nội muốn ăn gì, mẹ đều mua về cho bà nội. Bà nội nói xấu mẹ con mà thôi.

Trong thời gian ở Việt Nam, gia đình chồng xảy ra một chuyện quan trọng, có dây mơ rễ má đến tôi. Con trai của em chồng tôi ở VN, năm nay được hai mươi tuổi làm tài xế xe vận tải. Nhân một chuyến chở hàng ra Quy Nhơn có quen với một cô gái xóm biển xinh đẹp, hai đứa sống chung với nhau và cô nàng đã có bầu ba tháng. Sẵn dịp bác với bà nội về VN, cháu Kỳ mới xin phép bác và bà nội giúp đỡ cho hai đứa được kết hôn. Bà nội phản đối quyết liệt, lý do là cô cháu dâu là người cùng quê với con đĩ, dâu của bà. Chồng tôi cãi lại lệnh của bà, cứ ra tiền và xúc tiến hôn lễ vì cô gái đã có thai, không thể trì hoãn được, bụng càng ngày càng lớn, lúc đó không thể làm đám cưới.

Trong khi chồng tôi cùng với họ hàng thuê xe ra Quy Nhơn ra mắt nhà gái, xin được tổ chức đám cưới và rước dâu về Kiên Giang, thì ở quê nhà bà mẹ chồng tôi uất ức vì thằng con không nghe lời bà cho nên tìm cách quyên sinh. Tôi đoán vậy thôi, chứ ai cũng bảo là bà bị nhồi máu cơ tim. Bà đến nhà dì Ba, chị bà, mượn nhà dì Ba để tổ chức đám tang, bà bảo là sau khi chết bà sẽ về phù hộ cho gia đình dì Ba làm ăn được khá giả. Bà lựa đúng ngày đám rước dâu về đến Kiên Giang, leo lên giường và nhắm mắt đi luôn, bà hưởng thọ được 70 tuổi. Đám cưới về đến Kiên Giang biến thành đám tang và chồng tôi suốt một đời ân hận không nguôi.

Ở Mỹ tôi nghe tin mẹ chồng chết nhưng không thể về được vì tiệm tùng không có ai quán xuyến, nhưng thật ra tôi cũng không muốn về vì tôi không muốn bà con chòm xóm sẽ nhìn tôi dưới con mắt ác cảm vì chỉ nghe có một phía nói về mình. Vả lại, họ nghĩ tôi là nguyên nhân gián tiếp gây ra cái chết cho bà. Vài ngày sau đó, tôi dẫn con đi mua quần áo mới, chuẩn bị cho năm học mới sắp bắt đầu. Về tới nhà, tôi đổ bao quần áo ra, tôi sững sốt, lạnh cả người, lẫn lộn với quần áo là những vỉ nơ và kẹp tóc toàn màu đen, tôi hỏi con gái: 

- Con có lấy những thứ nầy bỏ vào bao sau khi tính tiền không ?

- Con không có ! Mẹ đã dạy là ăn cắp là xấu xa, con không bao giờ lấy bất cứ thứ gì của ai mà không trả tiền.

Linh tính báo cho tôi biết là mẹ chồng tôi đã làm điều này, bà muốn cho chúng tôi phải để tang cho bà. Cũng may ! Nhân viên bảo vệ ở cửa hàng không kiểm tra bao nilon của tôi, nếu họ kiểm tra, tôi trở thành người ăn cắp những món không có giá trị. Nếu tôi nói với họ là do ma bà nội bỏ vào chắc họ nói tôi bị mắc bệnh tâm thần.

Sau đó một chuỗi việc kỳ lạ xảy ra làm cho tôi lo sợ. Sáng hôm sau tôi lái xe đi làm, ngừng ở bảng Stop, nhìn qua bên kia đường, tôi thấy trước mặt tiệm có cái gì đen đen, rải rác trong sân, ngừng xe lại thì ra những cái áo màu đen, vớ màu đen khăn tay màu đen, ai đó tha về bỏ đầy Parking. Tôi biết ! Lần thứ hai ma bà nội nhắc nhở tôi phải để tang cho bà. Máy nước đá bị hư, tôi đi siêu thị Sam's Club mua đỡ nước đá về bán, thay vì nhấc bao nước đá bỏ vào thùng trong xe, tôi xách bao nước đá lên rồi lại thả xuống chân mình. Nước mắt chảy dài, ôm mấy ngón chân dập, bầm tím đau đớn. Tôi biết cuộc chiến giữa ma bà nội và tôi bắt đầu, bà dùng chiêu "gậy ông đập lưng ông" để khủng bố, trừng phạt tôi. Một đêm nọ, tôi choàng mình thức dậy, thấy ướt cả người, tôi tưởng mình đái dầm, mở mắt ra mới thấy thằng con, mắt nhắm nghiền đang đứng trên giường và đái vào người tôi. Một buổi sáng thức dậy, bỗng dưng mười đầu ngón tay của tôi bị phỏng, tôi không hiểu tại sao ? Tôi đoán có lẽ nửa đêm ma bà nội dẫn tôi xuống bếp, tự mở lò, tự lấy chảo, tự làm phỏng mình, tự tắt bếp rồi tự leo lên giường ngủ trở lại.

Nhân cơ hội về VN thăm mẹ, trước khi đi tôi gọi cho bà chị chồng bên Cali ngỏ ý là muốn về Kiên Giang thăm mộ mẹ chồng, chị Hai la lên:

- Ý ! Hổng được đâu, muốn đến được mộ phải đi ghe, người sống đánh còn thấy đường để đỡ, người chết đánh không biết đường đâu mà lần, không biết bơi té xuống sông, nguy hiểm lắm.

Tôi nghe chị nói xuôi tai, thở phào nhẹ nhỏm, chính gia đình nhà chồng không muốn cho mình về thì họ không thể trách móc mình được. Thật ra, tôi cũng không muốn về vì biết chắc rằng bà con, hàng xóm láng giềng không mấy ai có thiện cảm với mình và có lẽ bà mẹ chồng có lời nguyền gì đó mà tôi không biết được cho nên chị Hai mới không cho tôi về thăm quê bên chồng.

Đến ngày trở lại Mỹ, tại phi trường trước giờ lên máy bay, tôi đi giày sandals trên thảm mà bị ai đó, vô hình xô một cái ngã sấp, hai tay hai chân dang ra, đồ đạc trong giỏ tung tóe lăn ra ngoài. Mọi người trong phòng đợi cười ồ lên, tôi gượng dậy, mắc cỡ đỏ mặt, đi lượm từng món đồ vương vãi trên thảm. Thêm một lần nữa, ma bà nội làm khổ tôi, làm cho tôi xấu hổ trước đám đông.

Hai năm sau đó, tôi mắc một bệnh thần kinh kỳ lạ, bệnh nan y chữa không được, bác sĩ bảo là tôi bị bệnh Parkinson, cơ thể cứ chết dần chết mòn, yếu đuối giống như người già 90 tuổi. Người tôi còn bị dị ứng với cõi âm, mỗi lần xe đi ngang qua đoạn đường có nhiều tai nạn, có người chết là tôi bị run lên, co giật như lên kinh phong. Tôi sợ nhất là đêm về, tôi bị nặng đầu, dây thần kinh trong đầu gây co giật ngủ không được. Có khi tôi nghe tiếng thở dài, tiếng thì thầm, tiếng cười của ai đó khi thấy tôi không gượng đứng dậy được trong bồn tắm hay bị té lăn cù xuống cầu thang.

Luật nhân quả kiếp này tôi đã trả, tôi đã tạo nghiệp, tôi phải trả lấy cái nghiệp báo mà tôi đã gây ra, trả một cách đớn đau cho đến suốt đời, suốt kiếp oan uổng mà vẫn bị bà con bên chồng cười chê. Tôi thừa hưởng 30 năm già nua còn lại của bà ở lứa tuổi năm mươi của tôi. Tôi chua xót chấp nhận số mệnh của mình chỉ muốn hỏi thử bà mẹ chồng của tôi ở thế giới bên kia, có siêu thoát, có thanh thản được hay không ? Có đi đầu thai được hay không, có lên được thiên đàng được không ? Hay cứ quanh quẫn trong nhà chờ cơ hội để báo thù. Và sẽ không bao giờ tha thứ tội lỗi cho đứa con dâu.

Nếu xoay ngược được giòng thời gian, tôi sẽ không bao giờ lấy chồng, sẽ không có bà mẹ chồng khắc nghiệt và chắc có lẽ sẽ không bị bệnh tật như bây giờ.

Sương Nguyễn 
Thêm bình luận