Page 1 of 2
Anh Hai gọi điện thoại từ Thuỵ Sĩ bảo tôi liên lạc với bên môi giới nhà đất tìm mua một căn nhà dưới một trăm ngàn, ngay trung tâm thành phố, lựa địa điểm sầm uất nhất để có thể xin việc làm hoặc đi chợ được dễ dàng, mới hay cũ không thành vấn đề. Tôi nhờ bà môi giới người Mễ chọn nhà ngay khu vực tôi đang ở, khu Spring Branch, bên kia đường cao tốc là Trung tâm Thương mại đồ lưu niệm và khu nhà giàu ở đằng sau khu Thương mại. Chỉ cách một con đường cao tốc mà cả hai thế giới khác nhau, khu vực Spring Branch là khu nhà trung lưu, dành cho người già cả, đã về hưu. Phía bên kia là khu nhà cho tầng lớp cổ trắng, ám chỉ những người giàu có, sang trọng, khác với giai cấp lao động, còn gọi là tầng lớp cổ xanh, phải làm quần quật mỗi ngày để kiếm sống.
Ngoài hai tầng lớp trên, tầng lớp nghèo, vô sản là sướng nhất, một số những chung cư trong khu Spring Branch chỉ dành riêng cho người có lợi tức thấp hay người nghèo, sống bằng trợ cấp của chính phủ. Một số người nghèo không đi làm cho nên họ sống rất buông thả, vô trách nhiệm, ngủ dậy trưa, suốt ngày chỉ lo ăn uống, rượu bia, hút sách, không chịu đi tìm việc làm để cải thiện đời sống. Tuy họ không có nhà cao, cửa rộng, không có xe mới nhưng đời sống của họ so với giai cấp trung lưu, họ sung sướng hơn nhiều. Họ không phải dậy 5 giờ sáng để đi làm để mãi đến 7 giờ tối mới về đến nhà, những người đi làm còn phải trả đủ loại thuế má, hóa đơn thanh toán thì gởi về đầy hộp thư. Còn về ăn uống, phiếu thực phẩm cấp cho gia đình nghèo dư thừa, cho nên mỗi lần đi chợ, họ chọn toàn món ngon, thật đắt tiền, trong khi những người đi làm, lúc nào cũng vội vã, cơm hàng cháo chợ, khi thì một cái hamburger, khi thì một miếng pizza qua quít cho xong bữa ăn. Làm đầu tắt mặt tối cũng chỉ đủ tiền trả nợ nhà, xe và đóng thuế để nuôi dân nghèo. Một xã hội tư bản nhưng lúc nào cũng chú trọng đến những phúc lợi cho người dân, đến nỗi làm cho những người dân nghèo sống quá ỷ lại, chỉ muốn dựa vào những phúc lợi này mà không muốn tự lực cánh sinh.
Bà môi giới người Mễ chọn cho tôi một căn nhà vừa ý, tuy vườn sau hơi nhỏ nhưng bên trong tất cả các phòng đều rộng rãi và thoáng đãng. Chung quanh hàng xóm là những người già lương thiện, suốt ngày bắt ghế ngồi trước nhà canh giữ nhà cho tôi trong khi tôi đi làm. Khi thủ tục chuyển nhượng, mua bán hoàn tất, anh tôi gọi sang bảo: Tôi phải ở trong nhà, lo đóng thuế và bảo quản căn nhà cho đến khi anh lo được giấy di dân và sẽ sang đoàn tụ với tôi.
Một người công nhân như tôi với mức lương tối thiểu làm sao có thể trả các loại hóa đơn và đóng thuế bất động sản cho cả một căn nhà. VÌ thế, tôi đành phải đăng báo cho mướn phòng để kiếm thêm tiền phụ vào để đóng thuế. Báo vừa được đem bỏ chợ, tôi nhận được nhiều cú phôn gọi tới tấp, xin được coi phòng, bắt đầu một cuộc giao tiếp mới với những người đồng hương thiên hình vạn trạng, đồng sàn mà dị mộng.
Chiếc Audi đắt tiền, chạy chậm lại rồi quẹo vào lối vô gara nhà tôi. Tôi mở cửa chờ sẵn để đưa người gọi đầu tiên đi xem phòng.
Kha như có vẻ không chú ý gì mấy đến căn phòng hay địa điểm của căn nhà mà chỉ quan tâm đến tôi. Sau nhiều lần bị Kha liếc trộm làm cho tôi khó chịu, anh ta tuy lớn hơn tôi cỡ mười tuổi nhưng rõ ràng là mục đích anh ta tới đây không phải là để thuê phòng. Tôi đưa anh ta sang phòng khách để nói chuyện.
Tôi hỏi: - Anh làm việc ở đâu ? Nhà tôi có gần chỗ làm của anh không ?
- Tôi bị thôi việc tháng trước, đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau một năm tôi sẽ kiếm việc làm loanh quanh ở gần đây.
Tôi không muốn cho mấy người không có việc làm mướn. Họ sẽ ở nhà suốt ngày, mở máy lạnh, máy sưởi suốt ngày suốt đêm, tiền đâu chịu nổi. Tôi cố gắng tiếp chuyện qua quít cho qua buổi hẹn.
- Anh người Bình Định phải không ? Ở VN, quê quán anh ở đâu ?
- Ba má tôi ở Phú Phong. Cô biết rạp chiếu bóng Hồng Lạc không ? Rạp của ông bá hộ Nhạn, ông ngoại tôi đó. Ai ở Phú Phong cũng biết ổng, tôi từ nhỏ đã vào Sài gòn sống với anh Ba của tôi.
- Tôi reo lên mừng rỡ: - Ông Nhạn là cậu của má tôi ! Như vậy anh Kha với em là bà con rồi.
Kha nhìn tôi nghi ngờ hỏi lại: - Vậy Lan là con của ai ?
- Em là con của bà Bốn An, quê ở Hoà Bình, cùng quê quán với ông ngoại của anh đó.
Kha mặt đỏ gay, xúc động đứng dậy nắm tay tôi siết chặt, nói lẩm bẩm, đứt quãng:
- Cũng may ! Nhận bà con sớm, không thôi thì…
Tôi vui vẻ cắt lời Kha: - Anh dọn tới ở với em cho vui, đất khách quê người gặp được bà con, em mừng lắm !
Kha thối thác, kiếu từ: - Anh chỉ đi xem phòng thôi chứ chưa có ý định dọn. Nếu sau này tìm được việc làm gần đây, anh sẽ liên lạc với em sau.
Tôi tiễn anh ra chỗ đậu xe: - Xe anh đẹp quá ! Chắc đắt tiền lắm phải không ?
- Không phải của anh đâu, anh mới mướn hồi sáng. Nếu biết mình bà con, anh đâu có tốn tiền đi mướn xe.
Tôi ngơ ngẫn tự hỏi: - Sao đi thuê phòng mà lại phải đi mướn xe ?
Về sau mới vỡ lẽ ra là ảnh muốn share phòng, share tình luôn. Thật hết chỗ nói "anh Kha bà con" của tôi !
Ngày thứ hai tôi tiếp một người đồng hương khá đặt biệt...
Anh Hải bận đồ vest, xách cặp táp khi đi xem phòng, xe ảnh ta láng cóong. Nhìn bề ngoài ra vẻ người đàng hoàng, thêm vào đó giọng Bắc Kỳ nghe tao nhã và ngọt lịm. Thế nên, tôi đồng ý cho anh dọn vào ở ngay.
Đồ đạc của anh Hải cái nào cũng to đùng; hai cặp loa lớn, một cái TV 60 inches, một cái giường King sizes, chiếm gần hết căn phòng, chỉ chừa một lối đi nhỏ xíu từ cửa đến giường.
Sáng hôm sau thức dậy sớm đi làm, tôi thấy anh Hải quấn chăn nằm ngủ ngoài phòng khách, tôi kêu ảnh dậy hỏi: - Tại sao anh không vào phòng ngủ ?
- Trong phòng ngộp quá ! Tôi ngủ không được. Chị cho phép tôi ngủ ở đây, tối mai tôi sẽ vào phòng sớm.
Qua sáng ngày hôm sau, cũng thấy anh ta quấn chăn ngủ ngoài phòng khách. Thật là quái dị ! Sắm chi giường nệm đắt tiền rồi lại ngủ trên sàn gỗ.
Ngày qua ngày, càng sống chung đụng với Hải bao nhiêu, tôi càng lo sợ anh ta là người xấu, mình đã cho vào ở trong nhà.
Bao nhiêu đồ ăn trong nhà bếp từ từ biến mất, đến nỗi tôi phải đem đồ ăn khô vào cất trong phòng. Không biết anh ta làm việc gì mà ban ngày thì ở nhà, ban đêm mới ra khỏi nhà. Ba bốn giờ sáng lại lò mò bò về và quấn chăn ngủ ngoài phòng khách. Tình cờ một hôm tôi nhặt được một tấm séc bị hủy của Hải trong thùng rác, trên góc bên phải có số bằng lái xe của anh ta.
Ngày hôm sau, được hãng cho về sớm, tôi ghé đồn cảnh sát gần nhà nhờ họ kiểm tra giùm lý lịch của anh Hải. Vừa bấm vào số bằng lái, màn ảnh hiện lên một lố tội án của hắn ta làm cho chân tay tôi bủn rủn, lo sợ; nào là ăn trộm, nào xâm nhập gia cư bất hợp pháp, ăn cắp trong Trung tâm Thương mại...
Về nhà cố giữ vẻ mặt tự nhiên, làm bộ mở lá thư của anh tôi gởi từ bên Âu Châu, rồi reo lên:
- Anh Hai đã xin được giấy nhập cảnh Mỹ rồi ! Tôi mừng quá, tháng sau là anh em tôi được đoàn tụ. Hết tháng này mời anh Hải kiếm chỗ khác. Tôi không ngờ anh tôi lại qua sớm như vậy, phiền anh phải dọn tới dọn lui khổ cực !
Nhìn hai người Mễ khoẻ mạnh ì ạch khiêng đồ đạc kềnh càng của Hải ra xe, tôi đoán là những đồ ăn trộm được giấu ở dưới tấm nệm, ở trong cái TV và hai cặp loa. Sở dĩ hắn không ngủ trong phòng là ngừa cảnh sát soát nhà, ảnh sẽ tẩu cho lẹ. Hoặc không nhận tang chứng vật chứng kia là của mình, mà là của bà chủ nhà …
Người thứ ba thuê phòng là một phụ nữ trung niên, vừa gặp tôi bà nói: - Hôm nay tôi xin nghỉ không lên Sở Xã hội, xin ở nhà mới gặp được cô.
Thấy tướng tá có vẻ là dân trí thức, có công ăn việc làm, trong xách tay lại có cuốn tiểu thuyết Mỹ, chứng tỏ trình độ ngoại ngữ thuộc loại khá, không ú a ú ớ giống như mình, tôi bằng lòng cho dọn vào ngay.
Bà Nữ nầy là loại người đi thuê phòng chuyên nghiệp, cho nên thùng đồ chứa nồi niêu, soong chảo, mắm muối vừa vặn với kích thước với những ngăn tủ trong nhà bếp và buồng tắm. Chỗ nào trống, cứ mở cánh cửa mà đẩy nguyên thùng vào. Bà dọn nhà gọn bâng và nhanh lẹ. Một cái ghế sắt ở sân trước và một cái khác ở sân sau. Tôi tự hỏi làm việc cho chính phủ mà có nhiều thời gian rảnh rổi để ngắm cảnh và đọc sách vậy sao ?
Sáng hôm sau dậy sớm chuẩn bị để đi làm, tôi thấy bà Nữ bày đầy thịt cá trên quầy nhà bếp chuẩn bị nấu ăn.
- Ủa ! Bộ bữa nay chị không đi làm sao ?
- Tôi hưởng trợ cấp bệnh tật bên An sinh Xã hội, không phải đi làm. Ai nói với chị tôi có việc làm ?
- Hôm trước tôi nghe chị nói xin nghỉ một ngày ở Sở Xã Hội để tới gặp tôi.
- Chị nghe lầm rồi ! Hôm đó tôi bỏ cái hẹn phỏng vấn ở Chương trình trợ cấp Tem lương thực ở Sở Xã Hội để tới đây.
Lỡ bộ cho người ta dọn vào rồi, không biết ăn nói làm sao. Tôi xuống nước năn nỉ:
- Máy lạnh thuộc loại điều hòa trung tâm. Ban ngày chỉ có mỗi mình chị ở nhà, mùa hè sắp tới em gắn một cái điều hòa cục bộ trong phòng chị. Khi tất cả mọi người đi làm hết em tắt cái trung tâm và chị mở máy lạnh trong phòng chị lên, cho đỡ tiền điện nghe chị.
Ba tháng mùa xuân trôi qua êm đẹp. Cây cỏ trong vườn nhà nở rộ, khoe sắc màu tươi thắm cũng nhờ chị Nữ rảnh rỗi ở nhà săn sóc, bón phân và tưới nước cho chúng.
Hai ngày cuối tuần, tôi ở nhà suốt ngày với chị, thấy chỉ vẫn sinh hoạt bình thường tôi hỏi:
- Chị bệnh tật ở đâu, mà em thấy chị giống như người khoẻ mạnh ?
Chị Nữ chỉ vào đầu cười xoà:
- Chị bị ở hệ thần kinh, khi nào đụng chuyện nó mới nổi cơn, nhất là khi phải ra Hội đồng Y khoa giám định, chị nói với mấy ổng chị bị tâm thần. Chị ăn nói lưu loát, lại nghiên cứu bệnh trạng kỹ cho nên mấy ổng tin ngay. Em coi phim bộ Đại Hàn chưa ? Cứ đóng y như họ là đạt tới cảnh giới. Em thấy đa số Mỹ đen ở Mỹ không ! Có ai đi làm không, họ ăn tiền trợ cấp từ đời ông đến đời cha, có ai biết mắc cỡ là gì. Người Việt mình qua đây, ham ba cái mớ vật chất, nào xe hơi đắt tiền, nào nhà cao cửa rộng, lao đầu vào làm hai, ba jobs. Một người đi làm, cõng trên lưng hai đứa Mỹ đen, đóng thuế sặt sừ nuôi bọn chúng, để cho chúng nó ăn đi chơi cà nhõng suốt ngày, còn buôn bán thêm xì ke, bạch phiến. Cho dù họ có nuôi thêm chị cũng không sao ! Nuôi một người đồng hương còn đỡ hơn là nuôi Mỹ đen. Người ta đâu có biết rằng cuộc đời là phù du, là vô thường, là hư không. Đời là một chữ O to tướng. Một ngày nào đó, bệnh tật ập tới, chết có đem theo được gì, một chút tình của vợ con cũng không có, nằm dài trên giường bệnh, bất lực nhìn đời trôi, hối hận thì đã muộn. Chị không muốn giống như họ, không muốn bon chen, cái gì cũng vừa đủ là đủ, có chút đỉnh tiền để dành mỗi năm đi du lịch một nước để mở mang kiến thức mà thôi. Vợ chồng chủ nhà trước của chị là chủ tiệm tạp hoá, sắm nhà năm trăm nghìn, trang trí nội thất toàn đồ xịn mà lại không bao giờ có mặt ở nhà, đi làm từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm mới về đến nhà, ngồi trên ghế đắt tiền, mở TV xem chừng 15 phút là vào phòng ngủ, mai dậy sớm ra mở cửa tiệm tiếp. 7 ngày một tuần, 365 ngày một năm. Không biết họ kiếm tiền để làm gì nữa ?
- Sao chị lại dọn ra khỏi nhà họ ? Ở đó thoải mái quá mà ! Tha hồ mà hát bội.
- Tại chị làm đổ soup lên ghế sofa của họ. Đáng lý ra họ phải nhờ chị nấu giùm soup để mang theo ăn. Tiếc làm quái gì cái ghế sofa ! Có bao giờ họ có khách tới thăm nhà.
Tôi nghe lời chị, bỏ bớt hai việc làm bán thời gian, để có nhiều thì giờ hơn săn sóc ngôi vườn của tôi và ngồi tán gẫu cùng chị.
Tức cười muốn chết mỗi lần thấy chị Nữ sửa soạn đi tái khám, ai ai cũng muốn sửa soạn thật đẹp khi đi ra ngoài nhưng chị thì làm ngược lại. Chị xịt một chút keo trên một nhúm tóc trên đỉnh đầu, chải cho nó dựng đứng lên, hai lọn tóc xả hai bên, phía sau một nhúm tóc buộc lại bằng một sợi giây thun. Quần đen, áo trong mặc lộn ngược, áo khoát ngoài cài xiên xẹo.
Tôi nói với theo chị: - Chị Nữ ! Đạt được rồi cảnh giới rồi.
Chị quay lại cười: - Cảnh giới gì ?
Tôi cười xoà: - Bà điên !
Hoa cỏ bắt đầu tàn tạ và héo úa dưới cái nóng như thiêu như đốt của mùa hè ở Texas. Mỗi sáng trước khi đi làm, tôi cẩn thận tắt cái diều hòa trung tâm, dặn chị Nữ chỉ mở máy lạnh trong phòng chỉ.
Tôi quên mất là chị Nữ thích nấu ăn, cho nên chờ tôi vừa đi làm xong là chị mở ngay máy lạnh ở ngoài mà quên tắt máy lạnh trong phòng. Chị canh còn hai giờ nữa là tôi về nhà, chị ấy tắt máy lạnh ở ngoài và làm một cái mũ nilon đội nước đá trên đầu.
Một ngày gần cuối tháng, tôi về đến nhà, đèn cũng không sáng mà máy lạnh cũng không. Kêu thợ điện tới mới biết, hai máy lạnh chạy một lúc, bức cầu chì vì chịu điện chịu không nỗi. Hóa đơn tiền điện gởi về, tôi tá hoả tam tinh, hai tuần lương của tôi phụ với tiền thuê phòng của chị Nữ cũng không trả nổi hoá đơn điện. Thế là bổn cũ soạn lại, tái diễn kịch bản "Anh tôi sắp qua …"