Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • CD4 1200
  • DaiThinhDuong1200
  • NhaGiuXe1200


Mỗi lần nghe người ta nói câu: sau lưng những người đàn ông thành công là bóng dáng của những người đàn bà là tôi liên tưởng đến sau lưng những tên tử tội là bóng dáng u sầu, buồn bã của những bà mẹ, kéo lê nổi thống khổ của mình đi theo con ra pháp trường. Khi nghe tin một tên giết người bị bắt và chuẩn bị xử bắn hay lên ghế điện, ai nấy cũng thở phào nhẹ nhỏm như trút được gánh nặng, nỗi lo ám ảnh trong lòng đã không còn nữa. Nhưng chỉ có một người buồn ảm đạm nhất vẫn là mẹ tên tử tội, nước mắt lưng tròng, khập khễnh, cúi mặt đi nhận xác con đem về an táng.

Thế hệ thứ nhất của người Việt trên quê hương thứ hai đầy gian nan, khổ cực, họ hy sinh cả cuộc đời của mình để làm gạch nối để cho thế hệ thứ hai tiến lên. Con cháu họ có nhiều cơ hội để học hành thành đạt, có nhiều điều kiện để mở mang kiến thức và gầy dựng sự nghiệp nơi miền đất mới. Có một số gia đình cha mẹ phải đi làm tất bật, những công việc vất vả, lao động tay chân để nuôi con nên người, làm một việc không đủ, họ làm thêm hai việc mới đủ sở hụi. Họ quên đi là con họ còn quá nhỏ để tự bồi dưỡng lấy nhân cách của mình trong khi chung quanh chúng nó toàn là những cám dỗ sa đọa như bạn bè, phim ảnh, games giết người, bắn súng, băng đảng... Cha mẹ đi làm đầu tắt mặt tối không hề biết con mình đang làm gì ở nhà, con cái cũng không cần biết nỗi gian lao, khổ cực của cha mẹ, chỉ biết có nhà để ở, có chỗ để bạn bè tụ tập, có đồ ăn trong tủ lạnh để ăn thế là đủ.

Ngoài một số ít các em lêu lổng, không chịu học hành, còn lại đa số các thanh thiếu niên sinh đẻ tại Mỹ mà người ta gọi là thế hệ thứ hai của người Mỹ gốc Việt, những trái chuối, đều học hành rất siêng năng và cần mẫn. Các em đã được thành tài, đã thành công đỗ đạt ra bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư...nhờ những hy sinh, gian khổ của cha mẹ các em đem lại. Trên báo chí đầy nhan nhãn những lời chúc mừng, chia vui với các em đã tốt nghiệp ra trường làm cho cha mẹ nở mày, nở mặt, vinh danh cả giòng họ mà không biết rằng ở đâu đó trong một căn chung cư tồi tàn hay trong một căn nhà nhỏ, có những bậc cha mẹ, ngồi âm thầm lặng lẽ khóc vì con.

Tôi kể cho bạn nghe những câu chuyện thương tâm mà đã làm điêu đứng các bậc sinh thành, họ không hiểu tại sao con họ lại trở thành như vậy ? Tại xã hội Mỹ ? Tại môi trường xấu, tại trường học ? Tại bạn bè của con mình ? Tại phim ảnh, sách báo, games ở Mỹ ? Tại một xã hội quá đề cao cá nhân chủ nghĩa ? Cha mẹ phải xin phép con cái mới được phép bước vào phòng chúng, cha mẹ không biết con mình làm những gì sau lưng cánh cửa. Tại những cánh cửa phòng lúc nào cũng im ỉm đóng ? Họ không tìm ra câu trả lời, chỉ biết mỗi tháng vào tù thăm con, nhìn con mình bên kia song sắt qua hai hàng lệ.

Vợ chồng ông Hùng qua Mỹ được hai chục năm, con trai độc nhất của ông bà năm nay vừa tốt nghiệp trung học, Lân học rất xuất sắc, từ tiểu học cho đến trung học toàn điểm A và B. Lân chỉ có một khuyết điểm duy nhất là hay đi chơi đêm cuối tuần, có khi đi cả đêm không về. Trong khi nghĩ hè chuẩn bị bước vào năm thứ nhất đại học, Lân đi chơi đêm với bạn bè suốt cả tuần nay. Chờ cửa, ngóng con suốt cả buổi tối, ông bà vừa chợp mắt được một lát thì nghe tiếng gõ cửa. Cửa vừa mở, hai người cảnh sát tông cửa vào nhà, tay cầm súng tuôn vào phòng con ông bà, còng tay Lân đang ngủ trên giường dẫn ra xe. Ông bà hốt hoảng chạy theo họ hỏi chuyện và được biết là con mình trong băng đảng chuyên môn đi cướp các tiệm vàng và ngân hàng. Ông bà Hùng như trên trời rơi xuống, chỉ còn biết than thân trách phận, khóc nức nở và chuẩn bị đi thăm nuôi con chờ ngày con ra tòa.

Ông bà Nam qua Mỹ từ năm 1975, con cái học đã thành tài, lập gia đình và dọn ra riêng, chỉ trừ có một mình thằng con út, vừa tốt nghiệp xong trung học là nó dọn ra ngoài. Ở đâu ? làm gì? bấy lâu nay ông bà không biết. Tháng vừa rồi, nó về thăm mẹ, tặng cho mẹ xấp tờ trăm tiền mặt mới toanh, bảo: tiền con để dành hai năm nay đem về tặng mẹ. Bà Nam không mừng, run rẩy mở TV nghe tin tức, có một nhà bank vừa mới bị cướp chiều hôm qua, bọn cướp đã đào tẩu, đang truy nã. Biết là con mình là thủ phạm, nhưng không nở lòng nào báo cảnh sát, đành âm thầm ngậm đắng nuốt cay, rơi lệ, không dám nói cùng ai.

Bà Loan chồng chết dẫn đứa con gái ba tuổi đi vượt biên sang Mỹ ở trong một chung cư tồi tàn, đầy Mễ và Mỹ đen. Con gái bà rất ngoan ngoãn và siêng năng học tập ở tiểu học và cấp hai. Lên cấp ba, Lan bắt đầu trở chứng, theo bạn bè, đàn đúm, ăn diện, trốn học đi chơi với bồ. Bà dẫn con đi phá thai ba lần, bốn lượt mà trong lòng đau như cắt. Bà oán hận xã hội Mỹ và môi trường nghèo túng đã đẩy con bà vào chỗ hư hỏng. Giá như bà còn ở quê nhà, có lẽ con bà sẽ không thay đổi nhanh như vậy, sẽ không mắt xanh tóc đỏ, sẽ không ăn bận sexy, không có bầu, sẽ không hút xách và sẽ không đem tương lai của mình quăng vào lửa đỏ.

Ông Hội đã về hưu, vợ chết, một mình nuôi con. Ông không bao giờ hiểu con mình nghĩ gì ? muốn gì ? và đang làm gì ? Chỉ biết ngoài giờ học, nó đi làm thêm để có tiền mua quần áo và xe đắc tiền theo ý nó. Tân con ông không bao giờ nói chuyện với ông, không ăn cơm chung với ông và không bao giờ hỏi xin tiền ông. Bạn ông bên Cali sang Houston thăm ông, ông mời bạn đi uống cà phê ở gần nhà, cả hai ngồi trong bóng tối nghe nhạc, Tân bước vào quán nói nhỏ gì đó với chủ quán, ông chủ đưa ra một gói nhỏ, Tân đưa lại ông ta một cục tiền cuộn tròn rồi bước ra leo lên xe lái đi mất. Ông nghe hai người phục vụ nói chuyện với nhau về con ông trong khi lau dọn hai bàn bên cạnh. Thằng đó bán thuốc lắc nhiều nhất khu này đó ! Ông nghe như sét đánh ngang tai. Thiên đường đã tan vỡ trong ông, xã hội Mỹ đã lấy mất tình phụ tử giữa hai cha con, bây giờ còn lấy đi cuộc đời của con trai ông.

Vợ chồng ông Hoàng đi đâu cũng khoe đứa con gái rượu của mình: Cháu Mi học giỏi nhất nhà, toàn điểm A từ tiểu học lên tới trung học, tôi đặt hết mọi kỳ vọng vào đứa con gái út nầy. Bẵng đi một thời gian, hai ba năm sau gặp lại ông Hoàng, tôi hỏi thăm về đứa con gái rượu của ông. Ông mặt mày buồn thảm, trả lời:

- Bình rượu bể rồi ! Cuối năm lớp 12, nó bồ bịch, có bầu trong khi còn đi học. Bây giờ dọn lại ở chung với bạn trai. Vợ làm hầu bàn, chồng rửa chén trong nhà hàng để nuôi con, không học hành gì nữa. Tôi cho chúng nó tiền mua một căn chung cư nhỏ để khỏi phải trả tiền nhà, lương thấp cho nên chúng nó sống chật vật lắm.

- Bà Hằng làm nghề nail, vì bị cạnh tranh và chia khách trong thành phố, bà phải đi xuyên bang để tìm việc làm. Ở những thành phố nhỏ, gía cả làm nail cao vì không bị cạnh tranh và khách ra vô tấp nập. Bà gởi đứa con gái lại cho bà ngoại chăm sóc, ông chồng đã ly dị của bà chẳng bao giờ quan tâm hay thăm viếng con gái của mình. Đứa bé lớn lên và phát triển ở tuổi teen bên bà ngoại già lẩm cẩm. Bà Hằng về hưu, quay trở về thành phố cũ, gặp đứa con của mình không còn thơ ngây và hồn nhiên như ngày xưa, bà mãi mê làm ra tiền mà quên mất là mình có đứa con cần có tình thương của người mẹ bên cạnh. Con gái bà bị tự kĩ, không hòa hợp với tất cả mọi người trong gia đình, không chịu đi học, không chịu đi làm, không bao giờ tâm sự hay nói chuyện với mẹ. Nhìn con gái bà thở dài ngao nghán, nó giống như một khối đá vô cảm, không làm cách nào để chọc thủng được để hiểu được nó đang nghĩ gì ? Muốn gì và đang làm gì ở ngoài đường ?

Đề cập đến chuyện người, nghĩ đến chuyện con gái bà hàng xóm của mình mà lòng buồn vô hạn. Con gái của bạn tôi ngoại lệ, không giống một ai hết. Không siêng năng, cần mẫn học tập để lấy bằng cấp, không bị hư hỏng, sa đọa vì chịu ảnh hưởng môi trường xung quanh. Mới 19 tuổi nhưng lúc nào cháu cũng nói là có Đức Thánh Linh, có Chúa trong nó. Cháu nói là cháu phải có nhiệm vụ xoa dịu phần hồn của những đứa trẻ bị cha mẹ bạc đãi, giáo hóa chúng để trở thành những phần tử tốt trong xã hội sau này. Cháu gia nhập một tổ chức của đạo Tin Lành, được sự bảo trợ của những nhà thờ lớn trong thành phố, nhóm người làm việc thiện nguyện này đi sâu vào các ổ chuột, nghèo nàn của các em thiếu nhi Mỹ đen hay Mễ để giáo huấn các em trở thành người có ích sau này.

Cháu thường bảo với mẹ nó: nếu mẹ không muốn nghe trên TV tin tức những tội ác, cướp của giết người thì mẹ hãy để cho con giáo hóa chúng ngay từ bây giờ, nếu để chúng trưởng thành bắt chước sống một đời y hệt như ba mẹ chúng thì đã quá muộn. Làm việc thiện là điều tốt thôi, nhưng bỏ cả gia đình, bỏ cả tương lai, học hành để làm việc nghĩa là một điều bà ta không thể chấp nhận được. Hơn nữa cháu là một học sinh danh dự, top ten ở trường từ tiểu học cho đến trung học. Bạn tôi khuyên con: Con cứ cố gắng học tập, khi nào có bằng cấp, đi làm có tiền rồi lúc đó con muốn giúp ai cũng được. Mẹ không lột da sống đời để mà lo cho con, con hãy suy nghĩ trở lại. Cháu cãi lại: mẹ nhớ đây là nước Mỹ, con sống cho con chứ không phải sống theo ý mẹ.

Hỡi ơi ! Thế sự thăng trầm. Hai năm sau đó, cũng chính đứa con gái ngoan đạo đó đã trở cờ hãm hại mẹ mình vì bà mẹ của nó đã biết quá nhiều, kể cả những bí mật của đời nó do nhờ một phép thần thông mà bà đã tình cờ có được sau nhiều tháng tu tập học Phật pháp. Cái Tâm trong người nó bây giờ không còn là Đức Thánh Linh nữa mà là Ác Quỷ hung dữ cực kỳ. Truy sát và đày đoạ người mẹ khốn khổ phải trốn chui, trốn nhũi mỗi đêm. Đói không dám ăn, khát không dám uống vì sợ con đầu độc. Có miệng kêu trời cũng không thấu, có nói cũng không ai tin...Chỉ còn biết chờ ngày theo ông bà, cha mẹ, ngậm đắng nuốt cay mà cười nơi chín suối.

Sống trong một môi trường lúc nào cũng đề cao cá nhân chủ nghĩa, cha mẹ không được đánh con, con cái có quyền dọn ra riêng và tự ý làm theo ước vọng của mình ở lứa tuổi 18. Nhìn con mình còn măng non, không ý thức được điều gì đúng hay sai từ từ đi sâu vào những cạm bẫy mà các đấng sinh thành không làm gì được, không khuyên răn, dạy dỗ con được, chỉ còn biết than thân trách phận: Ai bảo sinh chúng tại Mỹ là phải chấp nhận số phận ! Cha mẹ đau yếu không một lời thăm hỏi, không săn sóc. Cha mẹ già bỏ vào viện dưỡng lão, không bao giờ đi thăm viếng. Nước Mỹ chỉ là thiên đường cho những người trẻ để hưởng thụ vật chất, còn đối với những người già sống trong cô quạnh là địa ngục trần gian.

Một người bạn trên diễn đàn văn nghệ nhắn nhủ: Hãy quay về ! Quê hương mình là chùm khế ngọt. Ông quên rằng, tôi là một người có trái tim của một người mẹ, có hai đứa con ở tuổi mới lớn. Cho dù con cái của mình đối xử với mình như thế nào đi chăng nữa, vòng tay của người mẹ lúc nào cũng rộng mở, đón chờ đứa con lầm đường lạc lối quay về, có một nơi chốn để chúng trở về. Cho dù có một ngày, bước thấp bước cao đi nhận xác con ở khám đường, bà mẹ cũng cam lòng, không sợ sau này lại phải ăn năn, hối tiếc là mình đã ruồng bỏ con mình trong lúc nó cần có mẹ, có gia đình bên cạnh nó nhất.

Sương Nguyễn
Thêm bình luận