Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • hinhCu 1200
  • NhaGiuXe1200
  • DaiThinhDuong1200
  • CD4 1200

Con cò lặn lội bờ sông
Cò ơi sao nỡ quên công mẹ già
Hỏi rằng ai đẻ cò ra
Mà cò lại bỏ mẹ già không nuôi
Nhớ khi đi ngược về xuôi
Mẹ đi bắt tép mẹ nuôi được cò
Cò ơi cò bạc như vôi
Công cha nghĩa mẹ cò còn nhớ không ?

Sương Nguyễn

Suốt một mùa đông lạnh giá, tuyết phủ trắng xoá, đóng một lớp dầy trên nóc nhà, căn nhà của ông Năm vẫn bình yên, không hề hấn gì. Ông thở dài nhẹ nhỏm, mối lo canh cánh trong lòng đã tiêu tan theo cùng với những cụm tuyết đang tan chảy dưới ánh nắng ban mai ấm áp của mùa xuân vừa kéo đến.

Sau vườn nhà ông, những cành cây khẳng khiu, trụi lá như vừa được thức tỉnh, giủ bỏ lớp băng giá, ướt sủng mà đâm chồi, nẩy lộc xanh mướt, còn lóng lánh những giọt sương đêm trên đầu cây ngọn cỏ.

Chuông điện thoại reo vang, giọng con Ba reo vui:

- Hết mùa đông rồi ! Ba hết lo sợ nhà bị sập nữa không ?. Vợ chồng con đã tìm được việc làm, ba má cắm bảng bán căn nhà tiền chế trên đó đi,dọn qua Houston ở gần nhà vợ chồng con, dễ bề có chuyện gì, còn có con chạy qua chạy lại lo cho ba má. Ở trên đó xa xôi quá, có thương ba má mấy cũng đành chịu ! Tụi con phải chạy theo công ăn việc làm, tất bật lắm, mới sống còn được ở xứ Mỹ này. Xin ba má hãy thông cảm cho tụi con ! Dưới này chính phủ mới xây xong khu chung cư cho người cao niên, đa số là người Việt lớn tuổi ở trong đó. Con có đến điền đơn xin mướn chung cư một phòng cho ba má. Bên trong phòng ốc xây cất theo kiểu mới đẹp lắm ! Mới ken ! Chưa có ai ở. Bảo đảm ba má bước vào là thích ngay. Ở Texas khí hậu ấm áp, mùa đông không có tuyết, ba không còn lo sợ nhà bị sập mỗi mùa đông nữa. Bán được nhà, gọi điện cho con biết để con lo vé máy bay cho ba má.

*
*    *

Vợ chồng già Năm ngơ ngác nhìn cảnh sầm uất của phố xá khu Việt Nam trải dài ngay trước mắt mình. Xe chạy hơn một giờ đồng hồ vẫn chưa hết quang cảnh nhộn nhịp và trù phú của khu thương mại người Việt, già Năm nắm tay vợ siết nhẹ, cơ hồ như được hồi sinh sau những năm tháng dài sống trong sự buồn tẻ, lạnh lẻo của miền bắc xứ người. Biết như vầy, ông đã bay xuống sớm Houston cùng con gái, ba mươi năm trôi qua trong hiu quạnh và nỗi nhớ quê hương không nguôi.

Có chút đỉnh tiền bán nhà rủng rỉnh trong túi, vợ chồng già Năm vững bụng dọn ngay vào khu chung cư Quê Hương. Hai ngày đầu tiên, hai vợ chồng đi ra đi vào ngắm nghía cái buồng tắm, cái nhà bếp, cái phòng khách, phòng nào cũng đẹp. Đẹp và sáng choong làm sao ! Sang đến ngày thứ ba, vợ chồng già Năm thấy thiêu thiếu một cái gì đó…Ngẫm nghĩ một lát già mới sực nhớ là hai ngày vừa qua, vợ chồng già không nghe tiếng chó sủa, tiếng nói cười, tiếng con nít bi bô của nhà hàng xóm. Khu chung cư yên tĩnh đến độ lạnh lùng, ông bà muốn lân la sang nhà bên cạnh làm quen nhưng nhà nhà, ai ai cũng cửa đóng then cài im ỉm, không một bóng người ra vào. Cửa sau phòng ông hướng ra hồ tắm của chung cư, nước trong xanh biêng biếc với đầy muôn hoa cỏ lạ trồng xung quanh nhưng không có người tắm, ông ngạc nhiên vì có những cái bàn tròn để rải rác chung quanh hồ, có bàn, có ghế mà không có người ngồi. Khung cảnh hồ tắm im lặng, vắng ngắt như tờ, giống như một bức tramh thuỷ mặc, có cây cỏ hoa lá, có hồ có suối nước phun,như là một cái hồ cá lớn nhưng mà không có cá. Ông tự hỏi không biết họ sinh hoạt như thế nào qua lớp cửa dày, nặng trĩu. Ông đoán có lẽ là họ ngại bước chân ra ngoài vì tuổi tác, vì cánh cửa quá nặng, vì không thể đi chợ nấu nướng được. Tất cả đồ ăn đã được các con mua nấu sẵn chất đầy tủ lạnh, mỗi bữa ăn chỉ bỏ microwave hâm nóng. Thế là xong một ngày của người già, không hề có con cái hoặc cháu chắt đến thăm viếng hoặc được đưa vê nhà con mỗi cuối tuần, hết đồ ăn gọi điện, tức khắc chúng mang đến ngay, tính hiếu thảo được biểu lộ chừng đó. Con gái ông bà phụ thêm vào tiền nhà hai trăm hai chục đồng một tháng, còn hơn con người ta một bậc.

Bà Năm gọi điện thoại cho con gái, không ai bắt phôn. Cuối tuần vừa rồi bà gọi cho con sau mười hai giờ trưa. Bà thông cảm cho con gái phải ngủ bù sau năm ngày làm bù đầu, tối mịt mới về đến nhà cho nên không dám gọi sớm. Thằng con trai trả lời điện thoại là, mom vừa ra khỏi nhà, đi làm mặt, làm tóc chuẩn bị đi ăn đám cưới tối nay. Ngày mai mom sau khi đi chợ về là bận phải đi họp nhóm cựu học sinh Gia Long, không thể đến thăm ông bà ngoại được.

Ông bà khẻ thở dài, nhớ lại lời con gái nói với mình năm ngoái "Tối lửa tắt đèn có chuyện gì, con sẽ chạy qua chạy lại với ba má". Giá như bây giờ ông bà có chết mà không kịp gọi điện thoại thì sẽ không ai hay biết. Tình người ở xứ Mỹ sao quá mong manh, sao quá vô tình ! Ngay cả con cái cũng chẳng thèm đoái hoài hay quan tâm đến cha mẹ. Ông bà tủi thân, vắt xác kiệt cùng làm đủ mọi nghề từ quê ra tỉnh, từ phu thợ hồ đến phu khuân vác, từ quét chợ đến quét trường học, từ trong nước đến hải ngoại nuôi đàn con thơ dại ăn học thành người, bây giờ chúng khôn lớn trưởng thành, như cánh chim bạt ngàn, xa rời tổ bay đi mất không một lời thăm hỏi. Ông thầm trách con gái sao vụng tính: Nếu không muốn thấy hai con khỉ già ở trong nhà thì sửa lại cái nhà xe lại cho hai ông bà ở rồi gọi điện thoại cho con Hai, thằng Tư, con Năm, thằng Sáu, thằng Út hùn tiền lại mướn người về săn sóc cho ông bà. Nghĩ đi rồi nghĩ lại. Không ổn ! Sửa garage lại thì chỗ đâu để hai cái xe đắt tiền, chỗ đâu để cho hai con chó cưng của nó ngủ. Ông đi ra lại đi vào, hết đứng lại ngồi, không biết làm gì cho hết ngày. Nếu như còn ở trên kia thì ông bà còn có miếng đất sau nhà đễ trồng trọt, nhổ cỏ trồng rau, vui thú điền viên, còn ở đây bị giam hãm trong bốn bức tường trắng hếu, ông bà cảm thấy giống như mình đang bị ở tù ngay trong chính căn chung cư của mình.

Bà Năm đề nghị chồng:

- Hay ông với tui qua bên kia đường đón xe bus xuống chợ Hồng Kong nhìn người qua lại cho đỡ buồn.

Chuyện đơn giản như vậy mà ông không nghĩ ra. Ông sẽ nhờ con gái mua hai cái thẻ xe bus để ngày ngày ông bà có cơ hội gặp gỡ người đồng hương. Thế rồi từ đó ngày nào những người đi chợ mỗi buổi chiều đều gặp ông bà Năm ngồi trên ghế đá gần cửa ra vào lơ đãng nhìn người qua kẻ lại.

Thỉnh thoảng gặp những vị cao niên, da nhăn nheo, đi đứng lụm khụm giống như mình, ông bắt chuyện làm quen nhưng họ chỉ trả lời nhát gừng cho có lệ rồi bỏ đi mất, không kịp cho ông trao đổi số phôn. Già Năm ngạc nhiên tự hỏi tại sao những người già, lớn tuổi ở Houston lại có một đời sống khép kín như vây ? Có lẽ sau nhiều năm tháng sống trong cô đơn, bị ruồng bỏ, họ mới bị trầm cảm như vậy, không còn muốn tiếp xúc với người ngoài, không còn muốn thân thiện hay muốn kết bạn với bất cứ một ai. Trên đời này có ai gần gũi, thân thương bằng con cái họ, thế mà chúng còn bỏ cha mẹ mà đi huống chi là những người sơ giao, bạn hữu.

Chiều hôm qua trở về nhà băng ngang qua thùng rác lớn của chung cư, nghe tiếng động sột soạt trong thùng rác,ông bà đến gần để xem con vật gì bị lọt vào trong thùng, thì ra một ông già Mỹ trắng ở phòng bên cạnh nhìn ông bà cười ngây ngô, đưa tay trao cho ông bà một cái cắt móng tay đã rỉ sét, trên thành thùng rác, ông ta đã nhặt được lu bù toàn những vật dụng bằng kim loại như muổng, nỉa sức mẻ, dao gãy cán, không phải để bán mà để chất đầy trong chung cư, phòng của ông là một thùng rác vĩ đại.

Chiều hôm nay trời trở lạnh, ông bà co ro, cúm rúm bước xuống xe bus trở về nhà, lại đi tắt ngang qua thùng rác cho nhanh. Lần nầy ông bà lại nghe những tiếng động mạnh hơn ngày hôm qua, lại đến gần để xem có phải là ông già Mỹ trắng không. Lần này là một ông già Mỹ đen mặt mày lem luốt đang lục lọi những bao rác để tìm đồ ăn thừa, miệng đang nhai ngồm ngoàm mẩu Pizza đã đổi màu, cứng ngắt. Thấy ông bà ông ta nhe răng ra cười, tay xoa xoa bụng nói :

- I 'm hungry ! I am hungry !

Nhìn người rồi nghĩ đến thân phận mình, già Năm tự nhủ mình còn hơn người già bản xứ cô đơn một bậc. Họ có chút đỉnh tiền chính phủ trợ cấp cho mỗi tháng, vì beer, rượu, thuốc lá đã tiêu sạch nhẵn hết từ đầu tháng, cuối tháng phải lục tung thùng rác tìm đồ ăn. Con cái của họ đang ở đâu đó có biết cha mình đang run cầm cập ngồi trong thùng rác kiếm thức ăn hay không ? Có biết cha của mình đang bị bệnh tâm thần hay không ? Đang biến nơi ông ở thành kho chứa những vật dụng kim loại phế thải, đang ăn uống những đồ ăn đã quá hạn, nổi mốc meo, chua lét trong tủ lạnh hay không ?. Dẫu sao đi chăng nữa, ông bà còn có cô con gái gọi điện thoại thăm hỏi mỗi ngày, đồ ăn vừa sắp hết là nó mua đem lại, chất đầy vô trong tủ trở lại. So sánh cảnh ngộ của người với hoàn cảnh của mình hiện tại, ông bà thôi không còn than van, kêu ca nữa mà bằng lòng chấp nhận số phận nghiệt ngã dành cho những người già cô đơn trên đất nước "tạm dung " này.


Chiều lại chiều, theo thông lệ mỗi ngày, cơm nước xong, ông bà đáp chuyến xe bus bốn giờ để xuống khu chợ Việt Nam. Ngồi ở cổng ra vào, ông bà Năm cảm thấy cõi lòng ấm lại khi nghe, khi thấy người đồng hương nói nói, cười cười vui vẻ qua lại tíu tít. Nhìn thấy một em bé bụ bẫm tay nắm chặt tay mẹ, lẩm đẩm bước theo chân mẹ vào chợ, ông chạnh nghĩ tới bầy con thơ dại năm xưa và liên tưởng hai mươi năm sắp tới, đứa bé dễ thương kia sẽ lớn lên, ăn học thành tài, lập gia đình, sinh con đẻ cái, bận bịu lo toan cho cuộc sống và rồi…đẩy cha mẹ của nó vào Viện Dưỡng Lão và quên đi mất mình còn một người cha, một người mẹ, ngày ngày tựa cửa trông mong các con. Ông chép miệng thở dài lẩm bẩm:

- Cũng đành ! Nước mắt chảy xuôi ! Biết làm sao hơn bây giờ ?

Sương Nguyễn

Thêm bình luận