Hồi ức về lần quét vôi đầu tiên năm lớp sáu còn tươi nguyên trong tôi. Năm đó anh hai tôi chưa về kịp nên tôi phải phụ quét vôi , một việc hơi quá sức. Tôi càu nhàu với mẹ : “ sao nhà ta phải quét vôi hả mẹ ? “.
Bà ôn tồn bảo rằng: “ tết con thích mặc áo mới thì nhà ta cũng thích có áo mới chứ…”.
Tôi mè nheo với bà : “nhưng quét vôi mệt lắm …”
Thấy vẻ mặt dàu dàu của tôi bà dịu dàng kể chuyện: “ ngày xửa, ngày xưa nghĩa là đã lâu lắm rồi, cứ vào dịp cuối năm là ôn hoàng, dịch bệnh lại lẻn vào các làng quê phá phách làm mọi người đau ốm, khổ sở lắm. Năm nọ, có một nhà sư đi ngang qua làng thấy thế bèn dạy cho dân làng cách trừ khử. Ông truyền dân làng đem nung nóng các tảng đá núi gần đó rồi đem giã nhuyễn thành bột. Sau khi dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ rồi đem bột ấy rắc thành vòng tròn quanh nhà là bọn tà ma không dám bén mảng. Thế là tết năm đó dân làng sống khỏe mạnh. Nhưng rồi bọn chúng tức tối tìm cách phá. Chúng nương theo cơn gió bấc hà hơi ám khí thổi bay mất lớp bột trừ tà ấy rồi lẻn vào gây bệnh. Dân làng phải tìm đến nhà sư cầu cứu. Ông dạy đem bột ấy hòa với nước rồi quét lên vách nhà, cổng rào, gốc cây là chúng hết phá. Từ đó dân làng sống yên ổn, khỏe mạnh. Về sau có người nghĩ ra cách giã lá chàm, hoa hòe lược lấy nước rồi hòa vào bột cho có màu xanh, màu vàng đẹp mắt và thế là thành lệ mọi nhà phải quét vôi nhà cửa vào dịp cuối năm …” Câu chuyện cổ tích bà kể ấy làm thi vị hóa công việc quét vôi của cậu bé, kẻ dám chống lại bọn tà ma ấy.
Mỗi lần quét vôi những năm sau đó, tôi chợt nhận ra sau nước vôi cũ còn ẩn chứa nhiều kỷ niệm thời niên thiếu. Vách tường góc nhà có mảng vôi tróc loang lổ là nơi anh em tôi bị phạt quỳ úp mặt vào tường. Những khi ấy không hiểu sao chúng tôi lại thích dùng móng tay cạy lớp vôi thành những hình thù kỳ dị. Có lần nhìn mảng vôi chất chồng nhiều lớp ấy tôi nhận ra lớp vôi hồng này quét vào năm anh hai lập gia đình, lớp màu xanh dương quét vào năm tuổi của mẹ, là màu hợp với mệnh thủy của bà, lớp màu vàng đất quét năm tôi học lớp tám… Mỗi lớp là một mốc thời gian gợi lại các sự kiện buồn vui thời niên thiếu. Lớp vôi nhiều màu đó như thể là
lớp trầm tích của hoài niệm cô đọng lại. Giống như người thợ sơn tràng già nhìn vào đường vân gỗ trên vòng đời của gốc cây là có thể kể ra năm nào hạn hán, sâu bệnh, năm nào mưa nhiều. Bức tường ngay cửa đi còn đậm nét bút chì vạch chiều cao mỗi năm của anh em tôi.
Những vạch chì ấy mỗi khi quét màu vôi mới chúng tôi thường chừa lại một khoảnh nhỏ vì chẳng ai nỡ xóa đi kỷ niệm ấu thơ. Thang chiều cao này là nơi chúng tôi thường cải cọ, so đo từng phân “ lớn “ vì những đứa nhỏ khi đo thường cố nhón gót ăn gian. Nhìn những chữ cái ở đầu vạch là tên mỗi người mà lòng thật bùi ngùi khi nhận ra mỗi năm mỗi thưa dần đi. Dòng đời đưa đẩy chúng tôi lưu lạc muôn phương nên ước vọng sum vầy đông đủ chỉ là giấc mơ trong thời binh lửa. Các lần quét vôi cứ thưa dần, có khi màu vôi đã phôi pha hai, ba mùa mưa nắng
đợi chờ. Chân bức tường ấy còn đọng ngấn nước lụt năm có trận bão làm đổ gốc xà cừ cổ thụ trước sân chùa. Mùa mưa năm ấy lũ trẻ con thỏa thuê tắm mưa, lội nước, thả thuyền. Những chiếc thuyền giấy của tụi con gái xóm trên bồng bềnh trong dòng nước dâng tràn khắp phố phường. Những chiếc thuyền chao nghiêng nỗi mộng mơ con gái cứ trôi đi, trôi xa mãi. Vẫn còn đó vết đạn mùa xuân sáu tám, một mùa xuân đã vỡ tan ngay bước chân đầu tiên trong đêm trừ tịch. Vẫn còn đó vết sứt sẹo bên hiên của lần ngã xe đầu khi tôi tập đi xe đạp và của trò chơi đập tường với những đồng xu ngày hè. Còn đó đầu nhà bóng cây sầu đâu lặng lẽ trong nắng sớm cuối đông, còn đó những đốm hoa nắng chấp chới bay…
“ Thôi bố đừng bận tâm, ngày mai con gọi điện cho thợ sơn nước…” con tôi vừa dắt xe ra cổng vừa nói với lại khi thấy tôi trầm ngâm trước hiên nhà. Ừ nhỉ, chỉ cần một cuộc gọi là ngôi nhà sẽ lăn sơn bóng lộn, sẽ có chậu mai vàng rực rỡ, sẽ có cặp bánh chưng vuông vắn dầy dặn. Chẳng cần cổ tích, chẳng phải nhọc lòng để mua một mùa xuân giống như nhà bên cạnh.
Thương nhớ làm chi màu vôi cũ để phải bạc lòng. Tiếng cổng sắt rít chói tai, tiếng máy xe nổ rồi vút đi và khi ấy tôi chợt biết rằng màu vôi cũ đã nhạt nhòa mất rồi. Trên trời, mây trắng ngàn năm bay, đàn én cũ đâu rồi, có ai biết…
Nguyễn trí Minh.