Trang thông tin liên lạc của cựu Giáo Sư và học sinh Trung Học Cường Để Qui Nhơn

Trang Facebook của cuongde.org

  • NhaGiuXe1200
  • CD4 1200
  • hinhCu 1200
  • DaiThinhDuong1200

Chua Tu Hieu

Chùa Từ Hiếu -Ảnh Nguyễn Trí Minh.


Cố đô Huế Không chỉ nổi tiếng với các lăng tẩm mà các ngôi chùa cổ cũng là các danh thắng được nhiều người biết đến. Hòa cùng dòng chảy phát triển đất nước, Phật giáo đã lan tỏa khắp vùng đất Thuận Hóa trong thời kỳ các chúa Nguyễn mở cõi. Huế còn được xem là kinh đô của đạo Phật trong thời Nguyễn với trên 200 ngôi chùa tọa lạc rải rác khắp kinh đô. Các ngôi chùa cổ thường gắn liền với các truyền thuyết về sự kiện trùng tu, kiến tạo chùa. Sự tích về nguồn cội của chùa Từ Hiếu là một câu chuyện dân gian đậm chất nhân ái về sự hòa hợp đạo và đời.

Từ đàn Nam Giao đi về hướng đường Lê ngô Cát khoảng 2km, du khách dễ dàng nhận ra chiếc cổng của Tổ Đình Từ Hiếu uy nghi nổi bật trên rừng thông xanh mát. Hai bên cổng, đôi tượng hộ pháp bằng đá khá sinh động với nét mặt vừa uy nghiêm vừa độ lượng. Con dốc dài dẫn vào chùa quanh co qua những hàng thông, những bụi hoa dại tạo nên cảnh sắc thanh tịnh của chốn thiền môn. Khe nước nhỏ lững lờ chảy như xua đi những âu lo đời thường. Phong cảnh của miền quê Dương Xuân hôm nay chắc cũng không khác lắm so với năm 1843, khi hòa thượng Nhất Định (1) đến đây lập An Dưỡng am để tịnh tu và phụng dưỡng người mẹ già đau yếu. Dù đã ở tuổi 60, hằng ngày ông vẫn đi chợ mua thịt cá để bồi bổ sức khỏe cho mẹ vượt qua cơn bạo bệnh. Giữ đạo làm con ông không màng chuyện thị phi chê cười của đạo hữu và người đời. Câu chuyện thêu dệt về một nhà sư không giữ giới một ngày đã lan đến cung vua. Khi đích thân đến xem xét, nhìn cảnh ông nấu cháo cá dâng mẹ, vua Thiệu Trị rất cảm phục lòng hiếu nghĩa của nhà sư. Từ đó nhà vua thường lui tới thảo am để tham vấn đạo pháp. Sau 4 năm khai sơn gian khổ, hòa thượng viên tịch để lại cảnh chùa còn dở dang. Cảm kích tấm lòng của bổn sư, nhà vua, các giám quan và phật tử quyên góp tài vật giúp vị hòa thượng nhận truyền đăng kế vị (2) hoàn tất việc xây dựng chùa vào năm 1848. Trong dịp khánh thành, để tôn vinh lòng hiếu thuận của vị hòa thượng khai sơn chùa, vua Tự Đức, một vị vua nổi tiếng vì lòng hiếu thảo, đã ban biển sắc tứ đặt tên mới cho chùa là Từ Hiếu Tự. Câu chuyện về vị sư hiếu thảo đã tạo nên danh thơm và gắn liền với lịch sử của chùa.
Chua Tu Hieu
Chùa Từ Hiếu - Ảnh Nguyễn Trí Minh

Tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, bằng phẳng giữa rừng thông nên cảnh quan chùa thâm nghiêm, u tịch. Ngôi
chùa không có tường bao quanh tạo nên cảm giác thoáng đãng, thư thái. Đặc biệt ngôi tháp Bồ Đề 3 tầng đơn sơ tọa lạc ngoài tam quan chùa như phá bỏ giới hạn không gian kiến trúc. Tháp được xây năm 1896 là nơi cất giữ các kinh sách, tượng thờ bị hư hỏng để lặng lẽ tự hủy theo thời gian. Ngôi tháp không phải là "tàng kinh các" mà chính là nghĩa trang cho kinh, tượng và là ngôi tháp duy nhất có chức năng này ở nước ta. Chiếc cầu nhỏ bắc qua khe nước hẹp trước tam quan chùa như là lằn ranh mong manh giữa cõi trần và cõi thiền. Tam quan thể hiện 3 cách nhìn sự vật (3), chứ không phải là 3 cửa đi phân biệt đẳng cấp như khi vào cung điện. Được thiết trí theo triết lý của đạo phật cửa tam quan luôn rộng mở, khá thấp như để khách phải cúi đầu gẫm lại mình trước khi vào lễ chùa. Kiến trúc cổng tam quan là sự hòa điệu phong cách của chùa và lăng tẩm với phong vị đậm chất thơ. Tam quan chùa có hai tầng với mái ngói, đầu đao và cửa vòm cuốn duyên dáng. Những đôi câu đối viết theo kiểu chân thư đắp nổi hai bên cửa làm khối cổng mềm mại hơn. Các câu đối là những bài thơ ca ngợi cảnh đẹp của chùa (4), xưng tụng đạo pháp và các sư trụ trì. Ô cửa giữa tầng trên mặt ngoài được trang trí với chữ thọ cách điệu và hai bên là phù điêu lão mai, cổ tùng sắc sảo. Mặt trong đặt tượng hộ pháp và hai bên là phù điêu kỳ lân khảm sành sứ rực rỡ. Sau cổng là hồ bán nguyệt khá rộng với đàn cá tung tăng bơi lội. Lối mòn ven hồ lượn qua ao sen trong vắt in bóng trời mây. Phong cảnh ao sen tĩnh lặng phản ánh cái hư ảo, sắc không của trần thế. Chùa được xây dựng theo phong cách đặc trưng chùa miền trung với nhiều cây xanh và thường gần với sông nước, núi đồi. Cảnh quan chùa là khu vườn hoa cỏ với những lối mòn ngang dọc dưới vòm cây trái lưu niên râm mát bên khe nước, bờ ao tĩnh mịch. Rải rác trong vườn chùa những gốc cây, tảng đá, cầu tre được bài trí theo phong cách vườn Thiền, tạo nét thâm trầm cho cảnh sắc. Lối vào chính điện là con đường lát gạch có tường thấp xây dọc lối đi mang lại cho khách tâm thức trang nghiêm khi viếng chùa. Các khối kiến trúc bố trí theo hình vuông (chữ khẩu ), gồm chính điện, hậu điện, hai bên là nhà khách và nhà tăng. Chính điện thiết kế theo lối 3 gian 2 chái với hai tầng mái kiểu "chồng mái" như các lăng tẩm. Trên nóc đôi rồng quay đầu chầu Pháp luân như vầng dương mới mọc và dưới mái ngói là 3 bức bích họa tươi thắm thể hiện 3 giai đoạn của đức Thế tôn. Tầng mái dưới vươn rộng trùm lên 2 chái tạo dáng thanh thoát cho hệ mái che. Đầu đao của các tầng mái là những đôi chim phụng duyên dáng dương cánh vút cao. Chính điện được bài trí đơn giản với, bức hoành phi, câu đối, bao lam chạm khắc sắc sảo. Hậu điện có bàn thờ riêng thờ Tả quân Lê văn Duyệt , bài vi các Giám quan và linh cốt các phật tử trong vùng. Tổ đình này là nơi tác thành nhiều danh tăng đã trú trì, tu tập nơi đây (5). Nội viên chùa có vườn mộ tháp của các sư trụ trì, lăng mộ các phi tần và lầu bia được xây theo kiểu tẩm điện rất đẹp. Nhà bia dựng hai bên chính điện là những kiến trúc khá thẩm mỹ. Các bia đá ghi lại các sự kiện chính trong quá trình xây dựng chùa. Văn bia là các trước tác súc tích do các học giả đương thời biên soạn. Đặc biệt văn bia tại khu mộ địa các thái giám là một áng văn buồn thảm đầy cảm xúc, thể hiện ước nguyện một lớp người cô độc, bất hạnh.

Khu mộ địa được xây dựng năm 1893, nằm cách biệt phía sau chùa ẩn dưới hàng thông già. Bao quanh cõi lặng này là tường cao tứ phía đầy rêu phong tuế nguyệt. Tấm bia lớn phía trước nghĩa địa ghi lời cảm thán thật ngậm ngùi : "... nhân nghĩ rằng nếu không lo về sau, lúc sống thì nương nhờ cửa Phật, khi chết biết nương tựa vào đâu? ". Triều Nguyễn có khoảng 200 thái giám phục dịch nhưng chỉ có 25 người nằm lại cõi quạnh hiu này. Không thuộc giai tầng nào và phải chịu sự khinh rẻ xã hội các hoạn quan luôn sống trong nỗi cô đơn. Sinh thời các thái giám phải sống tù túng trong nội cung mà khi lìa đời lại chôn trong bốn bức tường mộ địa cách biệt. Viễn ảnh của một kiếp người đầy cay đắng chờ đón các hoạn quan là không người thờ tự, vong linh phiêu dạt, đói khát. Lá vàng lớp lớp phủ đầy sân nghĩa trang hiu hắt làm không gian thêm phần ảm đạm. Lối vào mộ địa đi qua những chiếc cổng vòm rêu phong hoang phế ở hai bên cổng giữa. Cổng này được chắn lại để đặt tấm bia (6), mà văn bia là lời trăn trối của một lớp người bị lãng quên nghe thật nặng lòng. Họ tìm đến nhau và góp phần tạo dựng ngôi chùa này với ước mong giản dị là được gửi gắm thân xác trong cõi ta bà này như lời văn bia : "Khi sống chúng tôi tìm nơi đây sự yên lặng, khi ốm đau chúng tôi tìm đến đây để lánh mình, khi chết chúng tôi an táng cùng nhau. Sống hay chết ở đây chúng tôi đều được yên tĩnh". Ước nguyện này phần nào được đền đáp bởi lòng nhân ái, từ bi của chư tăng, phật tử chùa Từ Hiếu. Đây là ngôi chùa duy nhất mở lòng với lớp người cô đơn bất hạnh. Đức từ bi thể hiện qua việc tạo lập nghĩa trang này đã làm cho chùa nổi tiếng với tục danh kỳ lạ: chùa thái giám. Trăm năm đã qua mà buồn thay khi viếng chùa có mấy ai biết để đến thắp nén hương tưởng nhớ những vong linh buồn.

1. Hòa thượng Nhất Định (1783-1847),Pháp danh Tánh Thiện, người làng Đăng Xương,Quảng Trị.

2. Hòa thượng Cương Kỷ (1810-1898), Pháp danh Hải Thiệu.

3. Tam quan: - Không quan (Sự vật tuy có nhưng cái gì cũng là không) – Đà quan ( Sự vật luôn biến hóa,có đủ cả,cái gì cũng có) – Trung quan ( Không phải là không cũng không phải là có, sự vật vừa có vừa không).

4. Câu đối tầng trên mặt tiền tam quan: Tứ hải danh nhân đề cổ tự - Nhất sơn phong vật mỵ thiền thâm (Bốn bể danh nhân đề thơ về chùa cổ - Phong cảnh núi non làm đẹp cửa thiền )

5. Các danh tăng tác thành từ chùa: HT Cương Kỷ, HT Chơn Thiệt, Thiền sư Nhất Hạnh...

6. Văn Bia do Đông Các Đại Học Sĩ Cao Xuân Dục soạn năm 1901.​

Nguyễn Trí Minh
Thêm bình luận