Nhưng không ai có thể ngờ được là gã A lô đã không phải nhanh chóng cuốn xéo khỏi đất Chợ lầu. Trái lại ,hắn ta đã ...làm rể của đất Chợ lầu một cách ngẫu nhiên đầy may mắn. Không ai hiểu bằng cách nào mà gã đã trở nên chồng của con bé Hạnh cùi , còn có biệt danh là con Cào cào...Tiểu sử của Hạnh cùi thì ai cũng biết...Khi lên năm tuổi, Hạnh cùi bị một chiếc xe khách cán phải. Trong khi ai nấy tưởng là nó đã chết thì từ gầm xe nó khóc thét lên inh ỏi. Người ta tìm cách để mang nó ra khỏi gầm xe với cánh tay trái bị dập nát đến trên cổ tay . Mẹ của Hạnh cùi là bà Nhẹ quét chợ, dỡ dỡ ương ương nên chẳng biết gì là săn sóc vệ sinh thân thể cho con mình, thế là từ bệnh viện trở về, vết thương sau một năm vẫn không lành được mà cứ tiếp tục sưng tấy lên ,may mà không bị nhiễm trùng, và được buộc chặt bằng một miếng vải trông thật là gớm ghiếc.
Thế là con Hạnh cùi cứ lớn lên như một con người hoang dại. Ban ngày nó lê la khắp chợ, ai cho gì ăn nấy. Ban đêm nó rúc vào lòng mẹ nó , ngủ say sưa trên một cái sạp gổ ngòai chợ.Cho đến khi nó lên mười lăm tuổi thì mẹ nó chết . Thế là từ đó không còn ai săn sóc cho nó nữa. Hạnh cùi ngày càng dơ dáy, ăn mặc xốc xếch với chiếc quần đen thô kệch quấn lên quá rún, áo rách cả vai, tay quấn vải , đôi vai so so lại như đang bị lạnh, miệng cười ngây ngô. Cứ mỗi lần gặp ai thì Hạnh cùi lại đưa cái tay bặng bó ra trước cào cào trong không khí, miệng thì xin tiền. Người ta gọi Hạnh cùi là con ...Cào cào cũng do điều đó.
Mỗi lần gặp tôi, Hạnh cùi đều đưa cả hai tay về phía trước ,hai chân bước đi lếch thếch sát về phía tôi và miệng thì xin tiền rất dẽo...Không biết Thị Nở của anh Chí Phèo xấu cở nào, nhưng tôi dám chắc không thể nào xấu hơn Thị Hạnh của anh A lô . Nhìn vào đôi mắt đầy ghèn của Thị Hạnh, tôi thấy cuộc đời sao mà bổng dưng trở nên đen tối quá...Cái tay quấn vải dơ của thị Hạnh cứ quơ đi quơ lại trong không khí như than thở cho một cuộc đời thừa, thật tội nghiệp làm sao...
Vậy là đến năm mười tám tuổi, Hạnh cùi gặp được người yêu. Nghe kể lại, cuộc gặp gỡ của Hạnh cùi và anh A lô cũng tình tứ và lãng mạn không kém gì cuộc tình của Chí Phèo và Thị Nở. Đêm ấy trăng sáng vằng vặc, Hạnh cùi ngủ mê mang trên một cái sạp trong góc chợ đến nửa đêm thì tỉnh giấc. Nó thấy nhớ mẹ không kể xiết. Trong đời nó, chỉ có mẹ là người thương yêu nó nhất.Trong lúc mơ màng nửa thức nửa ngủ, nó thấy mẹ nó đang nằm sát kề bên nó, mình quấn một cái mền màu xám rách te tua, dáng người nằm co ro thật là khốn khổ. Thật tội nghiệp cho má. Nó kêu lên,"Má...Má" rồi xiết chặt hình thù co quắp ấy vào lòng. Trong giấc ngủ chập chờn, nó thấy người nó ôm cựa quậy và chuyền hơi nóng vào nó, một cảm giác vừa khó chịu vừa kỳ thú lan ra khắp thân thể nó, nó nửa muốn đẩy người ấy ra ,nửa lại muốn xiết chặt lấy người ấy vào lòng .Rồi nó chìm sâu vào lạc thú cơ thể và đến khi trời mờ sáng, nó nhận thấy mình đang nằm trong vòng tay của anh A lô, và nó biết nó đã trở thành...đàn bà.
Kể từ sau đêm gặp gỡ ấy, chuyện tình anh A lô , em Cào cào diễn ra thật là mùi mẫn trước mắt bàng quan thiên hạ. Cứ sáng sớm, trước hiên các căn nhà xóm chợ , hai người ngồi sát vào nhau, em trong vòng tay anh, anh ôm chặt lấy em , mắt say mê nhìn nhau thay cho lời nói. Mà lời nói có nghĩa gì đâu khi mà chàng chỉ biết a lô còn nàng thì đưa tay ra chỉ để cào cào và xin tiền lẻ. Mối tình ấy thậm chí còn say mê hơn mối tình của Chí Phèo và Thị Nở, có chăng chỉ kém mối tình Romeo và Juliet ở những lời văn bóng bẩy nhẹ nhàng...
Đáng lẽ tôi còn có thể kể cho bạn nghe thêm nhiều điều thú vị nữa về Anh A lô, em Cào cào nếu không xảy ra một điều đáng tiếc. Vì những căn nhà mặt tiền đầu phố cho là cặp Romeo& Juliet tân thời này làm ô uế cảnh quan môi trường và vi phạm thuần phong mỹ tục nên họ đã đề nghị đưa hai người vào trại quản lý những người lang thang cơ nhỡ. Và một sáng nọ, có một chiếc xe dừng lại trên đường và họ đã đưa Anh A lô, em Cào cào đi đâu không rõ.
Kể từ ngày ấy, Xóm chợ lại trở về với cuộc sống bình thường: Xóm Chợ Buồn Thiu.....
Chợ Lầu, chiều cuối năm 2009
Ngô Lạp